Chương 149 - Chém Đầu Đoạt Doanh


Lúc này, kế hoạch phản kích đã chính thức bắt đầu.

Kế hoạch đó đã được Dương Lăng cùng nhà thiên tài về mưu mô là Tiểu Lâu và nguyên Thiên hộ của Cẩm y vệ là Ngô Kiệt bàn bạc suốt một đêm, lại được Nam trấn phủ ty Triệu trấn phủ và Xưởng công Tây xưởng Miêu Quỳ giúp cho hoàn thiện.

Cao Phượng và La Tường đã âm thầm báo tin cho Thái hậu, Hoàng hậu, các Quý phi và các công chúa, các nhân vật quan trọng của hoàng thất, mượn danh nghĩa Thái hoàng thái hậu triệu kiến xem kịch mà tập trung toàn bộ vào trong Từ Ninh cung. Ba trăm quan binh Đằng Tương doanh của Ngự Mã giám rút đao, lắp cung, thương kích rợp trời, vây quanh bảo hộ Từ Ninh cung.

Trong Tây Noãn các ở cung Càn Thanh, cứ cách ba bước lập một trạm, năm bước xếp một đội, hoàng đế Chính Đức ngoài mặc long bào, trong khoác nhuyễn giáp ngồi ngay ngắn. Mắt thấy binh tướng trang nghiêm nhất nhất tuân theo mệnh lệnh do mình đưa ra, lòng hiếu chiến trong máu hắn đã chiến thắng nỗi khiếp sợ. Hắn vỗ về thanh bảo kiếm khảm rồng nạm vàng trên long án, khuôn mặt anh tuấn hào hứng đến đỏ bừng, vô cùng khoái chí chỉ huy ngàn quân ra chiến trường giết địch.

Tướng chỉ huy của bốn vệ doanh Đằng Tương, Vũ Tương, Tả Vệ và Hữu Vệ thuộc Ngự Mã Giám phụng tướng lệnh của Miêu Quỳ lần lượt chạy đến bốn cổng thành. Miêu Quỳ tự thân cầm ba trăm người chạy đến ty Lễ Giám.



Tuy ty Lễ Giám khống chế nội đình, quản thúc Đông xưởng, Cẩm y vệ và mười hai đoàn doanh nhưng trong đại viện lại chỉ có khoảng trăm tay thái giám tay không tấc sắt. Vũ lực trong cung hoàn toàn nằm trong tay Miêu Quỳ. Hoằng Trị an bài như vậy là để giúp cân bằng nội hoạn (nội quan, thái giám), nay quả nhiên đã phát huy tác dụng.

Lúc trời vừa nhá nhem, do phiên tử Đông xưởng đang trắng trợn lùng bắt Dương Lăng ngoài kinh thành nên để thu được tin tức kịp thời thì đám đại thái giám Trương Thọ và Lý Vinh đều đã tề tụ trong phòng Vương Nhạc.

Trương Thọ đang hào hứng kể:

- Quả nhiên ngoại đình đã liên danh dâng sớ, bức Hoàng thượng giết Dương Lăng, trừ Bát Hổ, hiện vẫn chưa có tin tức gì đưa ra song số tấu chương mà bá quan trình lên sau buổi tảo triều phỏng chừng đã đủ khiến Hoàng thượng luống cuống tay chân rồi. Một khi tấu chương của Lục Bộ Cửu Khanh được dâng lên thì Hoàng thượng không hoang mang lúng túng mới lạ. Đợi Dương Lăng chết đi, chúng ta sẽ lập tức thông tri cho ba đại học sĩ cùng Phạm Đình đồng loạt vào cung, dâng cái đầu người bê bết máu lên tất đại sự sẽ định. Vương công công, ngài xem đến lúc đó ta sẽ xử lý Nội xưởng như thế nào đây? Ty Lễ Giám đã có mấy vị công công khác giúp đỡ nên cũng sẽ không có chuyện gì lớn. Chúng ta không thể lại trao cái
thanh đao
Nội xưởng sắc bén đó cho người ngoài đâu à.

Lý Vinh vừa nghe liền lấy làm không vui:

- Trương công công túc trí đa mưu, sao có thể rời khỏi bên cạnh Vương công công chứ? Vương công công, chi bằng cái Nội xưởng này hay là giao cho ta đi, lão gia nói sao?

Mặc dù Vương Nhạc hiền lành nhưng cũng nghe biết được mấy thân tín này lại đang tranh quyền đoạt thế. Lão nhíu mày mắng:

- Bây giờ tranh cái gì mà tranh hả? Dương Lăng còn chưa chết mà, đến lúc đó rồi hẵng nói...

Lão thấy Lý Vinh như đang có điều muốn nói, bèn bảo:

- Nội xưởng cũng như là Đông xưởng, là cơ hội để qua lại với ngoại đình bên ngoài nhiều hơn. Trương Thọ có kiến thức và nhãn lực hơn, biết ăn nói, ta thấy hay là giao Nội xưởng cho Trương Thọ đi. Về phần ngươi... thì qua Tây Xưởng vậy.

Lý Vinh giật mình buột miệng thốt:

- Tây xưởng? Ý công công là cũng muốn tóm cả Miêu Quỳ ư?

Vương Nhạc "ừm" một tiếng, nói:

- Miêu Quỳ lâu nay vẫn luôn an phận, chưa từng gây ra chuyện gì, ban đầu ta vốn còn không cảm thấy Tây xưởng của hắn có tác dụng gì, nên không đụng đến hắn. Lần này thu thập Dương Lăng, Đông xưởng đã phái ra hơn hai vạn người, thế mà đến giờ vẫn chưa bắt được hắn ta. Ta mới nghĩ, nếu như Tây xưởng nằm trong tay chúng ta thì chúng ta có còn phải động đến can qua như vậy không? Chỉ cần hắn vừa bước vào trong cung, chúng ta liền sai Ngự Mã giám chém hắn không phải là xong ngay sao? Cho nên, hay cứ giao cho Miêu Quỳ chức quan nhàn nhã nào đó để dưỡng lão đi. Nhân mã của bốn vệ này trong cung vô cùng quan trọng, phải thu về tay.

- Ha ha ha ha... - Một tràng cười quái gở truyền vào, Miêu Quỳ luồn tay vào trong tay áo, ngang nhiên sải bước tiến vào, cặp mắt díp lại thành một đường, loé lên vẻ lạnh lùng sắc lẹm, cười mà như không cười, nói:

- Ai nói Vương công công già cả hồ đồ chứ? Đầu óc ấy vẫn còn minh mẫn lắm.

Hà Đại Xuân từ bên giường nhảy xuống, giận dữ mắng:

- To gan! Ngươi dám nói với Vương công... - Vừa nói đến đây tròng mắt lão đột nhiên trợn trừng, âm thanh nghẹn lại trong cổ không thốt ra được nữa.

Mấy người ngồi khuất trong nhìn không thấy bên ngoài, song lão vừa nhảy xuống giường đã trông thấy ở trước cửa hai tên tiểu thái giám vốn đang canh cửa giờ đang nằm dưới đất, một quan binh của Vũ Tương vệ đang lau lưỡi đao bê bết máu lên thân thể tên tiểu thái giám đó. Trong phòng ngoài có bảy tám người đang đứng, tất cả đều là binh sĩ Ngự Mã giám tay cầm đao, mặt đằng đằng sát khí.

Hà Đại Xuân không khỏi hoảng sợ lùi lại mấy bước, lắp ba lắp bắp:

- Ngươi... ngươi... ngươi làm gì vậy?
Miêu Quỳ mỉm cười nói:

- Làm gì? Đưa quân đến dâng cho Vương công công đó! - Đoạn lão sầm mặt, lạnh lùng quát:

- Người đâu, bắt tất cả lại!

Bảy tám gã quan binh như hổ như báo xông vào đè bốn đại thủ lĩnh thái giám xuống đất, ngay lập tức có người cầm dây thừng trói bọn họ lại. Miêu Quỳ phủi áo thi lễ với Vương Nhạc đang kinh hãi đến nỗi mặt vàng như nghệ rồi mỉm cười nói:

- Vương công công, phụng khẩu dụ của Hoàng thượng, ty Lễ Giám khi quân phạm thượng phải lập tức bắt tất cả. Xin công công hãy giao Hổ phù ra.

Vương Nhạc giận đến run người, vừa trỏ Miêu Quỳ vừa thở hổn hển mắng:

- Ngươi... ngươi nói láo! Cái đồ lá mặt lá trái nhà ngươi, bình thường ở trước mặt ta thì khúm na khúm núm như con như cháu... Là ai chống lưng cho ngươi mà lại dám bắt ta?

Miêu Quỳ ưỡn lưng, lạnh lùng cất tiếng:

- Chống lưng cho ta... là đương kim Hoàng thượng!

Vương Nhạc đang ngồi bên trong giường, không mặc áo dài bên ngoài, Miêu Quỳ nhìn thấy trên thắt lưng của chiếc áo dài màu xanh nhạt của lão đeo một xâu chìa khoá bèn bước tới giật xuống rồi vứt nó cho một tên binh sĩ.

Vương Nhạc gầy nhom còm cõi, đi đứng cũng đã lẩy ba lẩy bẩy, bị Miêu Quỳ vốn xuất thân quân đội giật một cái liền té sấp xuống giường. Miêu Quỳ trỏ vào cái tủ đồng thau được lau chùi bóng loáng ở đầu giường rồi bảo:

- Mở nó ra cho ta!

Tên sĩ tốt nọ cầm xâu chìa khoá tới, tra thử mấy cái, "tách" một tiếng chiếc tủ đã mở ra. Hắn lấy từ trong tủ ra một chiếc hộp gấm bọc vải sa tanh vàng, bê đưa cho Miêu Quỳ. Miêu Quỳ vội vã đón lấy nó, cẩn thận tháo tấm vải bọc rồi mở ra. Chỉ thấy bên trong là một cái ấn vàng vuông vức, Miêu Quỳ cầm lên xem qua rồi lại đặt về chỗ cũ, buột chặt lại, cẩn thận nhét vào trong người.

Cái gọi là Điều Binh Hổ phù, chỉ là cách gọi ấn tín điều binh trong thời cổ đại, hình dạng của nó đã sớm bị đổi thành ấn tín, mà không phải là Hổ phù hai mảnh ghép lại nữa.

Thượng Bảo giám nắm giữ ngọc tỉ, ty Lễ Giám nắm giữ ấn tín điều binh của mười hai đoàn doanh và kinh doanh. Đây là một lực lượng hùng hậu, cho dù trong đó chỉ có một ít người thề tận trung với ty Lễ Giám thì hành động điều binh của bọn Vương Quỳnh vẫn sẽ khiến cho nhóm Dương Lăng lâm vào một cuộc khổ chiến chênh lệch về lực lượng.

Hơn nữa việc ty Lễ Giám có được sự ủng hộ của ngoại đình hoặc có thánh chỉ hay không nhiều lắm cũng chỉ để cho việc điều binh có thêm lý do chính đáng về mặt pháp chế mà thôi. Cho dù Hoàng đế cương quyết không chịu hạ chiếu thì ty Lễ Giám vẫn có thể điều binh, vẫn có thể dựa theo nguyện vọng của mình để thanh lọc cận thần, diệt Bát Hổ, giết Dương Lăng mà viết nên đoạn lịch sử này như thường. Cho dù là Hoàng đế cũng không thể không chấp nhận sự thật này.

Mà Nội xưởng và Tây xưởng lại nằm ở thế bất lợi về mặt chính trị, vì không có thánh chỉ nên bọn họ phải đề phòng việc bị ngoại đình mượn chuyện này làm cái cớ để phản công. Bây giờ bắt giữ các thủ lĩnh của ty Lễ Giám, giành lại Điều Binh Hổ phù, thì mới tính là đã hoàn thành "hành động chặt đầu". Bước tiếp theo là phong tỏa cung điện nghiêm ngặt.

Thở ra một hơi dài, Miêu Quỳ quát thân tín:

- Áp giải tất cả bọn chúng đi, canh giữ nghiêm ngặt!

Đám thị vệ lôi mấy vị đại thái giám mặt vàng như nghệ ra ngoài. Thân binh được Miêu Quỳ dặn dò từ trước nên cố ý trói Đới Nghĩa lại thật chậm, đợi khi mấy người kia bị đẩy đi ra ngoài rồi mới đỡ lão dậy.

Miêu Quỳ khoát tay ra hiệu cho mấy tên sĩ tốt lui ra ngoài trước, sau đó mỉm cười nói:

- Đới công công, oan ức cho công công rồi. Dương Xưởng đốc bảo ta biểu thị lòng cảm kích với công công.

Lúc này Đới Nghĩa mới biết Dương Lăng đã nhận được mật tín của mình, vậy thì hành động hôm nay nhất định xuất phát từ mưu kế của Dương Lăng rồi. Lão không khỏi hân hoan:

- Xưởng công đã biết thân phận của ta rồi à? Vậy thì tốt quá, sao... ông cũng trói ta lại vậy?

Miêu Quỳ khẽ cười, nói:

- Hiện tại Đới công công vẫn phải đóng giả làm tù phạm một chút, tảo triều ngày mai công công phải...



Kỳ quan Hà Lục Bảo bước lộp cộp xuống chỗ tường giấu quân (1), ngâm nga một giai điệu dân gian, hắn đang muốn đi giải. Vừa mới rẽ xuống, hắn chợt thấy cánh cổng cung vừa dày vừa nặng trịch đang được đóng lại, phát ra âm thanh két két. "Ầm" một tiếng, cổng đóng sập lại, cầu treo hạ xuống, đập nước đóng lại, Hà Lục Bảo thấy vậy thì không khỏi giật mình buột miệng hỏi tướng quân giữ cổng Triệu Minh Đạt:

- Triệu tướng quân, lúc này mới đầu canh (), sao đã đóng cổng cung lại rồi?

() Đêm 5 canh, ngày sáu khắc; mới đầu canh là mới chạng vạng

Triệu Minh Đạt nghiêm trang nói:

- Phụng thánh dụ, khoá chặt cổng cung, không có đặc chỉ của Hoàng thượng thì ngoại thần không được đi vào, nội quan không được đi ra, những chuyện khác ngươi không cần phải biết, trở về vị trí của ngươi đi!

Tim của Hà Lục Bảo đập "thịch" một cái - "Hoàng thượng hạ chỉ đóng khoá cung điện lại? Đang xảy ra chuyện gì thế?
- Gã nhìn cánh cổng cung đóng chặt trên đập nước, biết rằng đã không cách nào để truyền tin cho người của Đông xưởng nữa. Không biết bên ty Lễ Giám...

Gã gượng cười, trên khuôn mặt mang theo chút hoảng loạn, nói:

- Ồ, ta đi tiểu tiện một chút, sẽ trở về ngay!

Triệu Minh Đạt mỉm cười rồi khoát tay, bốn thị vệ cầm đao tức thì xuất hiện. Triệu Minh Đạt cười nói:

- Hà huynh, thánh dụ đã có dặn, bản quan không thể không cẩn thận hành sự. Bốn người các ngươi đi theo Hà tướng quân, sau đó cùng Hà tướng quân quay về.

Hà Lục Bảo đảo mắt tìm cách để có thể thoát ra, nhưng vừa ngước mắt nhìn thì cánh cổng thứ hai cũng đang chậm rãi đóng lại. "Ầm" một tiếng, cổng đã được đóng chặt, một tia nắng chiều tà chiếu lên cánh cổng màu đỏ thẫm khiến cho những ụ đồng trên cánh cổng loé lên những tia sáng âm u và lạnh lẽo. Gã không khỏi thở dài một hơi rồi tuyệt vọng đi đến chỗ nhà xí ở góc tường.

Ty Lễ Giám soạn chỉ, nếu Hoàng thượng đồng ý đóng ấn lên thì gọi là thánh chỉ, nếu Hoàng thượng tự thân soạn chỉ, sau đó đóng chồng quốc tỉ lên thì được gọi là đặc chỉ. Hoàng đế Chính Đức cầm cây bút lông sói soạn ra ba thánh chỉ rồi dùng ngọc tỉ đóng lên, sai rằng:

- Trương Vĩnh, Đại Dụng, hai người các ngươi mỗi người cầm một thánh chỉ chạy nhanh đến chỗ Thành quốc công và Tào quốc công truyền chỉ, bảo hai vị quốc công lập tức tiếp quản doanh kinh sư, sẽ do hai người các ngươi làm giám quân.

Cái "khúc xương cứng" Đông xưởng này khó mà gặm nổi, tuy rằng phiên tử chủ lực đã bị dụ ra khỏi kinh nhưng Đông xưởng vẫn còn mấy ngàn nhân mã. Nếu không thể đoạt lấy doanh kinh sư, đến lúc bắt Đông xưởng ngộ nhỡ có tướng lĩnh lòng mang dị tâm trực tiếp tham chiến hoặc có kẻ mượn chiêu bài tham gia trấn áp bạo loạn mà đục nước béo cò thì rất có thể sẽ từ chính biến thành binh loạn.

Mấy ngàn phiên tử cộng thêm mấy vạn binh sĩ ở kinh thành đủ khuấy cho thành Bắc Kinh long trời lở đất. Nếu như trong hỗn chiến lại có mấy tên loạn binh thừa cơ xâm nhập vào trong phủ đệ của vương hầu công khanh cướp của giết người thì bất kể Dương Lăng có thành công hay không cũng sẽ khó tránh được cái tội tày trời ấy.

Hai vị Thành quốc công và Tào quốc công một lòng trung thành, lúc còn trẻ lại đều từng lĩnh quân, rất có uy danh trong quân đội. Hơn nữa hai người này xưa nay giữ thân trong sạch, không qua nhiều lại với bá quan trong triều.

Để bọn họ ra mặt nắm quyền tiếp quản doanh kinh sư, có thêm Trương Vĩnh và Cốc Đại Dụng làm giám quân sẽ đủ để trấn nhiếp nhân mã của kinh doanh. Dương Lăng cũng không quá hy vọng đám nhân mã trước kia vốn thuộc về ty Lễ Giám sẽ có thể mau chóng quy thuận rồi ra mặt tiêu diệt Đông xưởng hộ. Chỉ cần bọn họ án binh bất động, bảo đảm kinh sư không loạn vậy thì đã đại công cáo thành rồi.

Có điều y lại không ngờ Hoàng thượng tự cho mình là thông minh lại sai Trương Vĩnh và Cốc Đại Dụng làm giám quân, nghe xong tuy hơi kinh ngạc nhưng rồi cũng cảm thấy bình thường. Hoàng thượng vừa mới lên ngôi, lại chẳng hề quen với hai vị lão thần đó, nếu không phái thân tín bên mình trông coi thì trong lòng hắn nhất định sẽ không yên.

Về phần chia một bát canh cho Bát Hổ trong chuyện này, đó âu cũng là chuyện bất đắc dĩ. Lúc này nếu ôm hết mọi quyền lực về mình gạt Bát Hổ ra khỏi vòng tròn quyền lực như vậy thì rất không sáng suốt và hoàn toàn cũng là chuyện không thể được.

Toàn bộ tinh nhuệ của Nội xưởng đều đã sớm trở về ngoại thành phía tây chờ lệnh. Vừa về kinh, Ngô Kiệt đã dựa theo kế hoạch của Dương Lăng an bài mọi thứ. Một khi bên này (Miêu Quỳ) đoạt được binh quyền của kinh doanh vào tay thì Dương Lăng liền sẽ phát động cuộc chiến cuối cùng với Đông xưởng.

Trận chiến này vô cùng quan trọng. Nếu như Dương Lăng thất bại thì Phạm Đình thế nào cũng quyết dẫn quân đi ép vua, và lựa chọn duy nhất của Chính Đức sẽ là phóng thích đám người Vương Nhạc, ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của ngoại đình và Đông xưởng: diệt trừ Bát Hổ. Đã bị dằn mặt như vậy, sau này mọi thứ chỉ có thể phó mặc cho bọn chúng an bài.

Chính Đức biết cuộc chiến này sẽ không dễ dàng như đối phó với ty Lễ Giám và đoạt lại binh quyền của kinh doanh. Hắn cầm thánh chỉ, song lại lo lắng nhìn Dương Lăng nói:

- Dương thị độc, Phạm Đình của Đông xưởng trẫm giao cho khanh đó. Đáng giận là doanh kinh sư và mười hai đoàn doanh bị ty Lễ Giám quản lý lâu năm, trẫm không dám dùng quân của bọn chúng. Chỉ với năm ngàn binh mã của khanh, trẫm lo là... khanh có đối phó được với tám ngàn nha sai Đông xưởng không?

Cung đã giương không thể rút tên lại, lúc này chỉ có đánh một trận, còn có lựa chọn thứ hai sao? Nhưng sao y có thể nói với Hoàng thượng những lời nhụt chí này? Dương Lăng đành tự tin mỉm cười nói:

- Hoàng thượng yên tâm, vi thần đã có tính toán. Đêm nay xông pha lâm trận tuyệt không phải lo, có điều ngày mai tảo triều chỉ có một mình Hoàng thượng đơn độc chiến đấu ngàn quân, vi thần lo rằng...

Hoàng đế Chính Đức nhướng cao mày, lạnh lùng hừ một tiếng rồi nói:

- Ái khanh yên tâm, trẫm không sợ bọn họ!

Hắn ngừng lại một chút, rồi ngượng ngập nói:

- Nhưng mà... ái khanh phải trở về sớm một chút đó!

Vì sự tình cấp bách, Hoàng thượng đặc chỉ cho phép cưỡi ngựa trong cung. Trương Vĩnh và Cốc Đại Dụng cất đặc chỉ do hoàng đế Chính Đức tự tay viết, dẫn tám thị vệ đeo đao lập tức lên ngựa rời cung. Từng cánh cổng cung đóng chặt sau lưng bọn họ, trong hoàng cung là một khung cảnh đầy sát khí.

Sau khi rời khỏi hoàng cung, Trương Vĩnh và Cốc Đại Dụng liền gọi thuộc hạ một tiếng, rồi dẫn sáu người chia nhau chạy đến phủ đệ của Thành quốc công và Tào quốc công. Dương Lăng đã cải trang làm thị vệ lẫn vào trong nhóm, nay dẫn một tay thân binh nhanh chóng đi đến Bắc trấn phủ ty.

Đối với bố cục kiến trúc và phân bố binh lực bên trong Đông xưởng, Cẩm y vệ rõ như lòng bàn tay. Trong mật thất, Mâu Bân cầm một tấm bản đồ có ghi chú chi tiết mọi kiến trúc bên trong Đông xưởng đang giải thích rõ cho Dương Lăng thì nghe người tấu rằng Đề đốc Trương Tú đã dẫn người chạy đến kinh sư.

Dương Lăng nghe xong thì hơi lấy làm ngạc nhiên. Trong kế nghi binh của Dương Lăng có sắp đặt thêm một tầng nghi binh hư hư thật thật khiến cho Cẩm y vệ và Đông xưởng không thể không chia quân ra hai hướng, với hy vọng sẽ đẩy Trương Tú ra ngoài, đợi đến khi đại cuộc trong kinh sư đã định thì lão ta cũng sẽ không thể giở được trò gì ở Thiên Tân nữa.

Dương Lăng lại không lo lắng cho an nguy của đám người Liễu Bưu lắm. Ngô Kiệt và Liễu Bưu hiểu rất rõ về Trương Tú, Trương Tú này xưa nay luôn mang lòng kiêng kị quan văn ngoại đình, hai bên có thành kiến rất sâu. Hôm nay hợp tác làm đồng bọn nhưng ngày mai có thể thành tử địch trên chính trường. Tuy là lần này bọn họ vì diệt trừ Dương Lăng mà tạm thời liên thủ nhưng lão quyết sẽ không bằng lòng để ngoại thần nắm được điểm yếu, cho nên chỉ cần Dương Lăng không ở trên thuyền, không có cớ thì lão quyết không dám giết hơn trăm nha sai trên thuyền.

Nhưng theo lý mà nói, bên kinh sư có mấy vạn nhân mã của Đông xưởng cũng không kém gì lão, cho dù lão có nghi ngờ Dương Lăng dùng thuyền quan để che mắt và đi đường bộ cũng không có lý gì ngay trong hôm ấy lão đã trở về kinh sư rồi.

Mâu Bân mỉm cười nói:

- Lạ lắm phải không? Chắc là Đề đốc đại nhân lo rằng sau khi Đông xưởng lấy được đầu của đại nhân rồi, lúc xun xoe ton hót với đám quan văn sẽ giảm bớt đi phần công lao của mình - rồi lão nhanh chóng mặc giáp trụ vào, nói:

- Bản quan đi nghênh tiếp Trương đề đốc, xin Dương đại nhân chờ trong chốc lát.

Dương Lăng đưa mắt tiễn lão đi, sau đó cẩn thận nhìn lại tấm bản đồ nọ một hồi, rồi ngước đầu hỏi:

- Đã phái người quay về rồi chứ?
Một thân binh bèn đáp:

- Dạ, đến lúc chong đèn chắc sẽ đến nơi, có điều... chưa vào Cao Lão trang mà Đông xưởng đã thiết lập rất nhiều trạm gác. Bình thường bọn thuộc hạ ra vào đều phải tìm cớ để lọt qua nhiều lần thẩm tra. Bây giờ bọn chúng đã không hề nể nang mà lùng bắt đại nhân ở ngoài kinh cho nên sợ rằng bọn chúng sẽ trực tiếp ngăn cản, không biết người của chúng ta có thể trở về núi hay không?

Dương Lăng mỉm cười nói:

- Việc đó không cần phải lo lắng, ta và đại đáng đầu sớm đã thương định kế sách...

Y vừa nói đến đây, Mâu Bân đã bước trở vào. Dương Lăng đứng dậy cười hỏi:

- Trương đại đề đốc đã tự chui đầu vào lưới rồi à?

Mâu Bân cười đáp:
- Không hề đổ máu!

Rồi lão nhìn vào đồng hồ nước và nói:

- Lão ta dẫn về năm trăm hiệu úy vừa vặn có thể cho ta sử dụng. Nha môn trấn phủ ty này đêm nay người không lầu trống, Xưởng đốc đại nhân có thể rảnh rang tay chân rồi.

Dương Lăng gật nhẹ đầu, nói:

- Tốt! Một khi người của bản quan bắt đầu, xin đại nhân theo kế mà hành sự, nhớ phải để ý đến các vị quan viên, không để bọn họ trao đổi tin tức còn phải đề phòng có người đến phủ của bọn họ làm loạn. Nhân thủ của đại nhân có hạn, vẫn nên cẩn thận mới được.

Mâu Bân cười nói:

- Không sao, nhân mã của bản quan vẫn còn dư sức trông chừng những đại thần đó. Đêm nay cho dù bên Đông xưởng có chém giết rầm trời thì bản quan vẫn có thể bảo đảm Lục Bộ Cửu Khanh và văn võ cả triều đều sẽ biến thành kẻ đui, người điếc!

Trăng sáng trên cao rắc xuống thứ ánh sáng bàng bạc như lụa mỏng, mặt đất như được lát bởi một lớp sương mờ.

Tây giao kinh thành, hơn mười thớt khoái mã đang phi băng băng đến, vó ngựa như sấm.

Lúc này sắc trời mờ mịt, khó mà thấy rõ cảnh vật, thấy ngựa phi nhanh như vậy, đám mật thám mai phục bên ngoài Cao Lão trang không khỏi giật mình. Mắt thấy ngựa phi càng lúc càng gần, sắp sửa xông vào trong thôn trang, một tên đáng đầu liền lập tức quyết định dứt khoát, lớn tiếng quát:

- Ngăn bọn chúng lại!

Hai tên phiên tử lập tức vung đao chặt đứt hai sợi giây thừng. "Rào rào", một cây đại thụ bị đốn từ trước đổ rầm xuống đường. Tên đáng đầu Đông xưởng nọ cầm đao bước lên, quát:

- Ai đó? Đêm khuya phóng ngựa định đi đâu? Đông xưởng phụng mệnh làm việc, hãy mau mau xuống ngựa chịu tra xét!

- Ha ha ha ha... - một kị sĩ trên ngựa cất giọng cười lớn, đoạn cầm cương quay ngựa tại chỗ mấy vòng, rồi đột nhiên thò tay vào ngực, sau đó chỉ nghe vang lên mấy tiếng "chát chát", liền thấy trong tay gã kị sĩ loé lên mấy đốm lửa, tên phiến tử đứng đằng trước không khỏi hoảng sợ lùi về mấy bước.

Một ngọn lửa được nhóm lên, theo sau đó, chỉ thấy đóm lửa loé lên, trong ánh lửa đỏ lập loè, tên phiên tử thấy rõ một "cây gậy ngắn" xù xì trong tay gã kị sĩ đó bỗng kêu "phụt" một tiếng, một vệt lửa phóng thẳng lên bầu trời đêm, rồi phát ra tiếng nổ lớn trên không trung. Cả bầu trời rực rỡ những màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, như loài thu cúc xinh đẹp nở bừng trong không trung.

Mấy tên phiên tử đều ngẩng đầu nhìn lên, sắc màu rực rỡ và tươi đẹp ấy từ từ biến mất, trong mắt bọn chúng còn sót lại vẻ sáng rực của ngọn lửa ấy, nhất thời nhìn không rõ bầu trời đầy sao. Chợt lại nghe trong màn trời đêm tĩnh mịch nổ vang một tiếng "đùng", một ngọn hoa lửa tuyệt đẹp từ trong Cao Lão trang bay vút lên trời. Tiếp theo, trên đỉnh núi phía xa lại loé lên một tia sáng, song bởi cách quá xa cho nên thoạt trông chỉ thấy giống như những ngôi sao lớn nhỏ không còn vẻ diễm lệ nọ.

Tên đáng đầu thoáng ngẩn ra, rồi liền kêu lên thất thanh:

- Pháo bông truyền tin!
Kỵ sĩ trên ngựa mỉm cười nói:
- Đúng vậy!
Đáng đầu đó liền giơ đao hét lớn:

- Mau! Giết bọn chúng rồi về bẩm báo... - Lời còn chưa dứt, cổ họng hắn bỗng run lên, khí lực toàn thân trong nháy mắt dường như bị người ta rút đi hết, cả người ngã oặt xuống đất.

Kỵ sĩ trên ngựa lạnh lùng quát lớn:

- Chỉ bằng mấy tên tiểu nhân vật chuyên chặn đường thẩm tra như các ngươi ư? Tất cả đừng có mà lộn xộn, bằng không Gia Cát thần nỏ của ông đây sẽ không dung cho các ngươi đâu! Quay đầu mở to cặp mắt chó của các ngươi ra mà nhìn đi!

Nhân số của đám phiên tử mai phục này có hạn lại không đông bằng những kỵ sĩ dạ hành này, lúc này thấy đối phương cũng không chút nể nang gì mà đã ngang nhiên động thủ, trong lòng tự nhiên là khiếp sợ, nghe xong liền ngoan ngoãn quay lưng lại nhìn. Chỉ thấy phía xa trên núi, một hàng người di chuyển uốn lượn như một con rồng lửa. Con rồng đỏ rực ấy đang lao xuống núi với một tốc độ cực nhanh.

Ngô Kiệt mặc áo đen mũ đỏ, vận y phục của đại đương gia còn mấy người Bành Kế Tổ và Liên Đức Lộc thì lại vận một thân giáp trụ chỉnh tề của Thần Cơ doanh khi xưa. Năm ngàn tinh binh ngoài đao kiếm cung nỏ và súng hoả mai thì phần lớn mỗi người còn đeo một cái túi căng phồng, cũng không biết là dùng để làm gì.

Đại quân tác phong nghiêm chỉnh, hàng ngũ chỉnh tề, ai cũng cầm đuốc, thần sắc lẫm liệt, sát khí đằng đằng, ngựa thồ đi phía sau cùng còn kéo theo mười khẩu pháo nhỏ. Những người này cầm thánh chỉ yêu cầu mở cổng Tây thành, băng ngang qua con đường lớn của kinh sư rồi tiến thẳng về phía Đông tập sự xưởng.

Mấy ngày nay, phiên tử Đông xưởng không ngừng gây hấn khiến người của Nội xưởng mỗi khi ra vào đều chịu đủ lăng nhục ức hiếp. Nếu không phải vì mấy người Ngô Kiệt, Hoàng Kỳ Dận, Vu Vĩnh và Dương Nhất Thanh nhiều lần trấn áp, những binh sĩ cao ngạo bất thuần này đã sớm xung đột với Đông xưởng rồi.

Nay phụng lệnh diệt trừ Đông xưởng, những quân tinh nhuệ Thần Cơ doanh mắt đặt ở trên đầu này ai nấy đều dâng trào sĩ khí. Bọn họ xuất thân là quân chính quy lại được trang bị vũ khí tiêu chuẩn đầy người nào thèm đặt cái đám nha sai Đông xưởng chỉ oai phong vô cùng khi hà hiếp bá tánh kia vào mắt chứ. Đông xưởng có chuẩn bị hay không trong mắt bọn họ đều chẳng khác gì đàn gà đàn chó. Con rồng lửa mang theo sĩ khí ngất trời cuồn cuộn đánh thẳng đến Đông An môn.

Chú thích:

(1) nguyên văn "tàng binh tường", chỉ nơi quân sĩ có thể ẩn náu trên tường thành.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ngược Về Thời Minh.