Chương 152 - Ngài Bá Tước Về Nhà
-
Ngược Về Thời Minh
- Nguyệt Quan
- 7466 chữ
- 2019-08-26 04:45:59
Vì Dương Lăng đã đến nên Thành Khởi Vận không cần phải mặc y phục của xưởng đốc nữa. Do nàng không biết cưỡi ngựa, lại thêm dáng vóc và tướng mạo của nàng dù cải trang thế nào cũng khó thể giống mấy tên thị vệ thô kệch dũng mãnh nên nàng đành phải mặc một bộ quần áo của Cao Văn Tâm, cải trang làm tỳ nữ được thuê để hầu hạ cho Dương Lăng đang bị thương.
Áo thị tì màu xanh ống bó, khoác thêm áo chẽn màu hồng phấn bên ngoài, hai búi tóc đen nhánh xoã ra sau vai, trước trán mềm mại một lọn tóc ngắn. Tuy không son phấn, song nàng vẫn duyên dáng xinh đẹp tuyệt trần. Dáng người yểu điệu, dung mạo yêu kiều, cặp mắt như nước mùa xuân rung động lòng người, thuần túy là một người con gái mười tám mười chín tuổi. Tuổi tác của những người phụ nữ đẹp vốn rất khó đoán, huống chi nàng lại là vưu vật trời sinh cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ.
(: Xem hình: )
Khắp người Dương Lăng quấn băng trắng tinh, chỗ nào cũng có vết máu. Quả thực Cao Văn Tâm đã hóa trang hơi quá, khiến người ta vừa nhìn không thể nào biết y bị thương nặng cỡ nào.
Thành Khởi Vận mỉm cười bôi phấn lên mặt Dương Lăng, rồi nghiêng đầu hài lòng quan sát. Ừm... khuôn mặt tiều tuỵ, sắc mặt trắng bệch, thêm cái thân băng trắng bê bết máu, thực khiến "mình trông thấy mà đau lòng" quá đi.
Nàng khẽ cười, má phải hiện lên lúm đồng tiền be bé, rồi trêu Dương Lăng:
- Đại nhân mà vác bộ dạng này lên kim điện, chắc chắn sẽ khiến không ít bá quan trông thấy mà hả giận. Nhưng nếu để vậy mà hồi phủ, chắc chắn phu nhân sẽ đau lòng lắm đó.
Hai má của Mã Liên Nhi khi cười đều có lúm đồng tiền xinh xinh, còn Thành Khởi Vận thì chỉ có má phải mới có. Tư sắc của hai người đều là tuyệt sắc trong số những mỹ nữ mà Dương Lăng đã từng gặp, duyên dáng yêu kiều, khi cười muôn phần xinh đẹp.
Nhưng vẻ xinh đẹp quyến rũ của Mã Liên Nhi thể hiện rõ ràng qua từng lời nói, nét mặt, hơn nữa phong thái cử chỉ trời sinh đã quyến rũ, ngay chính nàng cũng không thể che giấu được.
Cho dù là lúc nàng ôm lòng đau thương, lệ châu lã chã, dung mạo ngũ quan vẫn mang một vẻ vô cùng quyến rũ. Vì tướng mạo như thế nên khi nàng thổ lộ bi thương với người không biết rõ tính tình của nàng thì sẽ rất khó khiến cho người ta tin được sự thành tâm của nàng. Lúc mới quen biết, cũng bởi hình dáng yêu kiều đó mà Dương Lăng không coi trọng lắm những lời thổ lộ thâm tình của nàng.
Thành Khởi Vận thì lại muôn vẻ phong tình: xinh tươi có, nhàn nhã có, thuần khiết có, ngây thơ có, khờ khạo có, quyến rũ mê người có. Bất luận hoá trang thành bộ dáng gì, các loại thần thái sắc mặt ấy đều chẳng những rất giống, mà còn rất thật.
Có điều một người phụ nữ dù có ngụy trang thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu cô ta đã từng đứng trước mặt một người đàn ông trong tư thế lõa lồ thì có lẽ ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đàn ông ấy vẫn là vẻ tiêu hồn đó. Những vẻ mặt khác tuy vẫn có thể che mắt người đàn ông song sẽ rất khó có thể khiến con tim bị mê hoặc. Cho nên Dương Lăng không hề bị lung lạc.
Y ngước cặp mắt "vô thần" lên, hỏi:
- Thế nào? Giống không? Mấy lão gia hỏa đó đều là những kẻ sõi đời trên chốn quan trường, có thể gạt được các lão ấy không?
Thành Khởi Vận yêu kiều đáp:
- Ti chức hóa trang đại nhân như thế đủ để che tai mắt người ta rồi. Mấy vết thương do bàn tay khéo léo của Cao cô nương tạo ra càng giống in như thật. Có điều... ti chức thấy đại nhân lo lắng quá rồi, khi đại nhân hồi kinh sẽ không có tên quan nào dám bắt đại nhân cởi áo khám nghiệm vết thương đâu. Ai mà dám không thức thời như vậy chứ?
Dương Lăng khẽ chau mày, lo lắng:
- Hiện tại ta không lo Hoàng thượng có thể chống đỡ với áp lực của bá quan hay không! Theo lý mà nói, Hoàng thượng nắm giữ Đoàn doanh, Kinh doanh và Nội đình, lại đổ cái vụ án phức tạp không đầu không mối đó cho Đông xưởng. Khí thế của bọn họ đã yếu, nội bộ ắt cũng bắt đầu có kẻ nảy sinh dị tâm, rất khó mà đồng tâm hiệp lực. Ta sợ là sợ Ngoại đình thấy dịp mà lui, từ đó tạm ngừng công kích, tìm cơ hội khác. Lúc này quyền lực chính đang nằm bên phía Hoàng thượng, Ngoại đình lại có quyền lực về ngôn ngữ. Nếu như thực lực của bọn họ không hề bị tổn hại thì sau này Nội đình và Ngoại đình có thực lực tương đương; lúc đó hai bên sẽ không ngừng tranh đấu, đó cũng không phải là việc ích nước lợi dân.
Thành Khởi Vận thoáng nở một nụ cười chế nhạo:
- Đại nhân yên tâm! Đám quan đó trong lòng đều tự cho mình là môn đồ của thánh nhân, đừng thấy bọn họ cả ngày mồm miệng lúc nào cũng là giang sơn xã tắc mà lầm, bọn họ yêu tiếc cái danh lợi cá nhân còn hơn rất nhiều. Những quan viên khác vẫn có thể lựa chọn tiến hoặc lui, nếu ba đại học sĩ cứ cố sống cố chết đòi can gián thì bọn họ sẽ mất hết thanh danh thôi.
Nàng nói đến đây bỗng chợt nhớ đến điều gì, bèn khéo cười duyên dáng liếc Dương Lăng rồi khe khẽ nói tiếp:
- Người đọc sách mà biết tuỳ cơ ứng biến, không ngại phải thích ứng, không so đo danh dự cá nhân cũng chỉ có một mình Dương đại nhân ngài thôi.
Nghe giọng điệu của nàng có vẻ mềm mỏng, bất giác Dương Lăng ngước mắt lên nhìn. Y thấy Thành Khởi Vận đang tủm tỉm cười như đố, chân mày khoé mắt toát lên vẻ quyến rũ của phụ nữ trưởng thành, gò má màu bông tuyết thơm tho như được phết lên một lớp son phấn dịu nhẹ, làn thu ba lưu chuyển đang chăm chú nhìn mình, bèn chợt hiểu ra nàng đang ám chỉ điều gì, thế là khuôn mặt cũng bất giác nóng rần.
Đang tạo vết thương giả trông rất thật trên đùi Dương Lăng nhưng nãy giờ Cao Văn Tâm vẫn chú ý đến cuộc đàm thoại của hai người. Trông thấy vẻ mặt kỳ lạ của bọn họ, nàng cảm thấy dường như giữa hai người có một điều bí mật không thể tiết lộ cho người ngoài, ánh mắt nàng không khỏi lộ vẻ kỳ quái.
Nhưng nàng vẫn khôn khéo quay đầu đi, không nói gì cả. Tuy nàng vụng về, không cơ mưu trí trá nhưng cũng biết lần này lão gia nhà mình được bình an vô sự là phần lớn dựa vào mưu kế của Thành Khởi Vận.
Vả lại trong trận đánh quan trọng nhất, nhờ có Thành Khởi Vận lấy thân làm mồi thu hút hơn hai vạn phiên tử Đông xưởng rời kinh, mới bảo đảm cho Dương Lăng giải quyết Đông xưởng một cách gọn gàng sạch sẽ, không gây nên đại loạn trong kinh sư; tránh tạo cơ hội cho Ngoại đình nắm thóp.
Mấy ngày đêm vừa qua nàng ấy ăn uống kham khổ, Cao Văn Tâm đều để ý thấy hết. Lấy thân làm mồi, bọn họ mấy lần suýt lọt vào vòng vây trùng điệp của phiên tử Đông xưởng nhưng đều nhờ Thành Khởi Vận bình tĩnh chỉ huy chạy đông chạy tây trên mảng bình nguyên này, đùa bỡn với thiên quân vạn mã, đến khi người ngựa mệt nhoài, không còn sức chiến đấu nữa thì mới hạ lệnh rút về vệ sở.
Nay tình thế trong kinh biến hoá lạ kỳ, nguy hiểm của lão gia vẫn chưa được giải trừ, Tiểu Lâu tài hay kế giỏi gặp được dịp này như cá gặp nước, trợ giúp cho lão gia rất lớn, sao mình có thể bất chấp đại cuộc mà hẹp hòi ôm lấy thành kiến cá nhân chứ?
Một người con gái thông minh rất khó vứt bỏ thành kiến cá nhân để tiếp nhận một người con gái khác, song sẽ có thể vì người đàn ông trong trái tim mình mà ép lòng giao hảo với người ta.
Lưu Cẩn dẫn ba ngàn Kinh quân tiếp đón Dương Lăng ở Cố An. Mặc dầu sớm biết Dương Lăng bình an vô sự, song khi vừa chui ra khỏi xe trông thấy bộ dạng Dương Lăng, lão vẫn bị hù cho nhảy dựng. Dương Lăng đang nằm bên trong một chiếc xe ngựa, Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm cưỡi một chiếc xe ngựa khác, những thương binh khác cũng đều xuống ngựa đổi sang ngồi xe, ai nấy đều ngủ say như lợn chết.
Dương Lăng ngồi dựa lên chiếc đệm dựa, trông thấy Lưu Cẩn vận một bộ áo bào màu xanh da trời của đại thái giám, mặt mày rạng rỡ, dáng vẻ hân hoan, thì không khỏi mỉm cười hỏi:
- Trong kinh mọi thứ ổn thoả cả chứ?
Lưu Cẩn đáp:
- Khắp nơi bên ngoài kinh sư đều là loạn binh của Đông xưởng, Hoàng thượng lo đại nhân mang theo ít người, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì không hay, cho nên sáng sớm vừa nhận được tin liền đã lệnh cho ta dẫn quân rời kinh để đón đại nhân, lúc đó bá quan vẫn chưa thượng triều đâu. Có điều ta bảo bọn người Khâu Tụ bất cứ khi nào có tin tức gì đều phải truyền báo ngay. Vừa nãy mới có tin tức đưa đến, nói rằng đại học sĩ nội các Lưu Kiện và Tạ Thiên đã lại dâng sớ xin chém đầu ta và bọn người Đại Dụng, bằng không sẽ từ quan. Khà khà... Hoàng thượng không nói nhiều lời, đã chấp thuận rồi! Ha ha ha...
Cũng có thể nói dâng sớ can gián xin từ quan cũng giống như bưng trà tiễn khách vậy. Bưng trà lên không phải là để kính trà, mà là ngầm tỏ ý mời khách ra về. Xin từ quan cũng không phải là có ý muốn từ quan, mà là nhằm biểu đạt quyết tâm của mình, giống như cò cưa trả giá, là một sự mặc cả giữa Hoàng thượng và đại thần, cố gắng đạt được một quyết định chung. Nào ngờ tiểu hoàng đế Chính Đức quá có cá tính đi, thậm chí cả thông lệ quan trường là giữ lại một lần y cũng bỏ qua, cho chuẩn tấu luôn!
Lưu Cẩn mặt tươi roi rói, rõ là đắc ý vô cùng, cười xong mới nghiêm mặt lại, cảm kích nói với Dương Lăng:
- Dương đại nhân! Ta và đám người lão Trương, lão Mã, và Đại Dụng rất là cảm kích ngài đó. Dương đại nhân chẵng những đã cứu mạng chúng ta, mà hôm nay chúng ta thăng tiến như diều gặp gió cũng đều nhờ vào sức lực của đại nhân, thật sự cảm kích không thôi.
Bọn họ đảm nhiệm chức vụ gì, Dương Lăng không hề có ý kiến gì cả, chẳng qua lúc Chính Đức hỏi tới thì gật đầu tán thành mà thôi. Y nhớ rằng trong lịch sử mấy vị nhân huynh này hình như đều không được chết tử tế cả. Hôm nay mình đề cử bọn họ tuy có thể mua được chút giao tình, song ai biết ngày sau có sẽ bị liên lụy hay không?
Có điều là tám tên tù mù về chính trị ấy rõ biết văn võ cả triều dâng sớ can gián muốn giết bọn họ, song lại vẫn ù lì tưởng rằng đám quan văn chỉ dọa dẫm, có Hoàng thượng sủng ái mình thì sẽ bình an vô sự. May là có Dương Lăng hiến chút kế mọn: ngoại đình can gián giết Dương Lăng không thành, thế nào cũng lùi bước mà quay sang khai đao với bọn họ. Nay tính mạng không lo, còn bởi vậy mà được quyền cao chức trọng, đích thực là nhờ ơn huệ Dương Lăng ban cho.
Dương Lăng nghe nói Lưu Kiện và Tạ Thiên can gián bị cho bãi quan, lập tức hỏi tới:
- Vậy Lý Đông Dương thì sao?
Lưu Cẩn dương dương tự đắc:
- Lý Đông Dương vừa nghe nói ta làm Nội tướng, cai quản Đoàn doanh, thì rắm cũng không dám đánh nữa là. Kẻ nhát gan như vậy, có gì mà phải sợ?
Lý Đông Dương là kẻ nhát gan?! Ông ta mà nhát gan thì đã không dám chặn kiệu của đại ca hoàng hậu là Thọ Ninh hầu Trương Hạc Linh đang rất được ân sủng rồi rút roi quất hắn rồi. Dương Lăng khẽ lắc đầu, nghĩ ngợi một chút rồi mới hỏi tiếp:
- Bá quan trong triều có phản ứng gì?
Lưu Cẩn trợn mắt:
- Phản ứng gì hả? Chuyện này thì ta cũng không được nghe nói gì cả, chắc hẳn... là sẽ đưa tiễn bọn họ thôi.
Dương Lăng nghe mà dở khóc dở cười. Y biết rằng gã Lưu Cẩn này tuy là người có tâm kế song lại là "lính mới" chốn quan trường, kiến thức về chính trị vẫn không bằng Cốc Đại Dụng đã lăn lộn trong Đông xưởng một khoảng thời gian. Chưa từng trải qua tôi luyện cho nên kinh nghiệm quan trường vẫn còn rất ấu trĩ, mình có cùng lão thương lượng cũng chẳng ra được gì.
Y bèn dịch chiếc đệm dựa lên một chút, rồi ngẩng đầu trầm tư:
- Hai vị đại học sĩ nội các từ quan, chỗ trống này do ai trám vào vậy?
Lưu Cẩn lúng túng:
- Thiên hạ có nhiều quan viên như vậy, còn lo không có người để làm à? Đại nhân hà tất phải vì chuyện này mà lo lắng!
Dương Lăng thở dài:
- Hiện nay nội đình đang nằm trong tay công công, nhưng ngoại đình thì sao? Nếu như nội các không có ai chịu nói chuyện với chúng ta, đại học sĩ tân nhiệm vẫn cứ đối địch với chúng ta, chẳng lẽ sẽ lại kêu Hoàng thượng loại bỏ thêm một đám người nữa sao?
Lưu Cẩn lập tức thông suốt, liền ngộ ra lợi và hại trong đó, không nhịn được bèn hung hãn bảo:
- Không sai! Đây là cơ hội tốt, là dịp để đuổi hết đám lão già nhìn chúng ta không vừa mắt đó đi! Còn Lý Đông Dương nữa, phải cho lão ta từ chức luôn, toàn bộ đổi thành người của chúng ta hết.
Dương Lăng lắc đầu:
- Phải giữ Lý Đông Dương lại, trung tâm triều đình không có một lão thần có kinh nghiệm thì sao mà vận hành? Chỉ cần an bài thêm vài nhân tuyển thích hợp mà sẽ không làm khó chúng ta thì Lý đại học sĩ cũng sẽ chẳng làm gì được.
Thật ra Dương Lăng còn có suy tính khác. Giờ đây Lưu Kiện và Tạ Thiên đã từ chức, tuy Lý Đông Dương bị tổn hại thanh danh nhưng dưới tình huống không còn chọn lựa khác thì bá quan văn võ trong triều vẫn sẽ phải tôn ông làm lãnh tụ, những người khác đều không đủ tư cách cho nên không ai có thể đảm đương nổi trách nhiệm này.
Có Lý Đông Dương kiềm chế ngoại đình thì nội đình và ngoại đình mới có thể cân bằng, ngăn ngừa một nhà độc đoán, và mình cũng mới thể hiện giá trị của mình, tranh thủ lấy gạo trong đám lửa (ý nói chớp thời cơ trong khi loạn lạc, nhiễu nhương). Hơn nữa, chính sách của mình mong muốn ban hành thì thúc ép cũng được mà thuyết phục cũng tốt, chỉ khi nào có được sự ủng hộ của Lý Đông Dương thì mới có thể bảo đảm đám quan viên chấp hành sẽ không bằng mặt không bằng lòng mà dở trò mà làm trái đi.
Lưu Cẩn không đoán được nguyên nhân và hệ quả trong đó, nghe y nói xong thì gật gù:
- Đại nhân nói đúng! Có điều... sợ là về kinh rồi Hoàng thượng sẽ hỏi nên để người nào tiếp nhận chức đại học sĩ đó. Dùng ai mới ổn đây?
Hai người bốn mắt nhìn nhau, vẻ mặt đều có phần khó xử.
Những người mà Lưu Cẩn quen biết thì ngoài thái giám ra cũng chỉ có thái giám. Đúng rồi, quê nhà ở Thiểm Tây còn có một người anh biết làm ruộng. Còn Dương Lăng, người mà y quen biết không ít, song lại không có mấy giao tình, kẻ đủ tư cách làm đại học sĩ càng hiếm. Đến lúc cần dùng thì lại có ít người quá.
Những gian thần khác đều là một đám người đầy dã tâm, muốn loại trừ trung thần để mưu quyền đoạt vị, cài người thân tín vào chỗ trống. Còn hai gian thần này thì lại vì việc giao chiếc ghế trống cho ai mà phát sầu.
Hai người nhất thời không nói gì, chỉ nghe tiếng bánh xe lộc cộc, tiếng ngựa hí vang. Dương Lăng vờ như đang nhắm mắt dưỡng thần, trong đầu lần lượt lọc những nhân tuyển có thể nghĩ ra. Lưu Cẩn lại hết sức tin rằng "không có lợi không dậy sớm" (), rất mau thôi sẽ có một đám người quây đến bên mình.
(): có chức quyền sẽ có người xu nịnh.
Dương Lăng nói rất đúng, khó khăn lắm mình mới leo lên đến vị trí Nội tướng (thủ lãnh tất cả quan chức xuất thân là hoạn quan), không thể tạo cho người ta cơ hội chèn ép mình lần nữa. Nhất định phải mau mau đề bạt thân tín, gom hết toàn bộ hai mươi bốn giám của Nội đình vào trong tay.
Tại trường đình tiễn khách bên ngoài cổng bắc kinh sư, Mã Văn Thăng, Hàn Văn, và Vương Hoa cùng gần trăm quan viên bày rượu tiễn hai vị đại học sĩ Lưu Kiện và Tạ Thiên hồi hương. Thể theo chế độ triều Minh, bất luận quan to thế nào, một khi bãi chức thì không thể tiếp tục ở lại trong kinh thành được nữa.
Có điều đại thần hồi hương cũng rất được triều đình ưu đãi, ban sắc yên ủi, cho phép gia quyến dùng trạm dịch công để về quê, quan địa phương chiếu theo qui định mà cung cấp lúa bạc và phu dịch hằng tháng. Hoàng đế Chính Đức không hề bủn xỉn, cũng chiếu theo thường lệ mà ban thưởng những ưu đãi này cho hai vị đại thần về quê.
Gió thu quạnh hiu, đồng nội điêu linh, Lưu Kiện nhìn khung cảnh thê lương trong cánh đồng bát ngát, vuốt râu cười với các vị đồng liêu hảo hữu đến đưa tiễn, nói:
- Lúc tháng ba lão phu còn cùng gia nhân đi đến nơi này đạp thanh(), thế mà nay đã là một mảnh khô vàng rồi."
()Thanh Minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh (Nguyễn Du)
Các đại thần lặng lẽ nhìn thủ phụ (người đứng đầu) nội các mặc áo vải bình dân, ủ rũ không nói gì. Tạ Thiên bùi ngùi thở dài:
- Mặt đất thê lương còn có ngày xuân về, mắt thấy giang sơn xã tắc không biết suy đồi trong tay kẻ nào, gian nịnh đương quyền, triều chính tàn suy. Lão phu có lỗi với sự ủy thác của tiên đế, thực rất xấu hổ và ân hận.
Mọi người nghe vậy không khỏi lặng lẽ thở dài. Đô thiêm sự Lữ Xung oán giận đấm vào lòng bàn tay mình một cái rồi nói:
- Than vãn suông thì có ích gì chứ, chi bằng liên lạc bá quan, can gián lần nữa, cùng lắm thì chúng ta cùng từ quan về quê mà thôi. Mọi người thấy thế nào?
Ánh mắt sáng quắc của Lữ Xung quét quanh, có quan viên xoa tay phụ hoạ, có người lại giả bộ ngó lơ hoặc vờ nâng chén uống rượu để tránh ánh mắt lão. Lữ Xung thấy vậy thì giận lắm.
Lão đang định nói tiếp, Lưu Kiện đã mỉm cười bảo:
- Thôi, thời gian chính là mệnh trời, có lẽ Đại Minh ta phải trải qua kiếp nạn này. Thiện ác ắt có báo ứng, ông trời có mắt, bốn mùa xoay chuyển tuần hoàn, cho dù tuyết có che hết màn trời thì cuối cùng vẫn sẽ có ngày xuân về. Đám gian nịnh đó có thể càn rỡ làm liều được bao lâu chứ?
Một vị đại thần diện mạo đen đúa, tinh thần quắc thước bước lên một bước nói:
- Thủ phụ đại nhân, Lữ đại nhân nói đúng đấy. Bá quan chúng ta dâng sớ can gián lần nữa, chưa hẳn đã không có sức đánh một trận, cớ sao hai vị đại nhân lại dâng sớ một mình, để cho gian nịnh chèn ép?
Lưu Kiện đưa mắt nhìn, thấy người đó là Dương Nhất Thanh lúc trước quản lý mã chính(1) ở Thiểm Tây, mới được mình điều về kinh thăng chức lên làm Hữu đô ngự sử được nửa tháng, thì không khỏi lấy làm an ủi mà cười bảo:
- Ứng Ninh có chí hướng như vậy, trong lòng lão phu an ủi vô cùng. Nay bát hổ thế mạnh, lão phu và Tạ lão thân ở địa vị đó, biết rõ không thể nhưng cũng phải làm. Mọi người hãy nên giấu bóng ẩn mình, tích góp lực lượng, đợi khi bệ hạ giác ngộ thì hãy ra tay tóm hết một lượt, đừng bắt chước hai người lão phu nhé.
(: tên tự của Dương Nhất Thanh, ông lấy hiệu là Thúy Am)
Dương Nhất Thanh mới ở Thiểm Tây về, không hề có ấn tượng gì với Dương Lăng, sự tích về quan viên triều đình mà dân gian bá tánh truyền tụng đa phần chỉ là giai thoại. Dương Lăng vào kinh chưa được một năm, chuyện khiến người ta kinh ngạc nhiều không sao kể xiết, tuy y có lắm tiếng xấu trong giới học sĩ nhưng ấn tượng trong chốn dân gian lại rất tốt. Trước nay Dương Nhất Thanh không hề có kiểu cách nhà quan, ông thường hay hoà mình cùng bá tánh, cho nên cảm nhận về y cũng không tệ.
(: Chính Đức kế vị năm 1506, tính ra Dương Nhất Thanh cũng được hơn 52 tuổi, lớn hơn Dương Lăng nhiều, nên gọi ông vậy)
Nghe xong lời của Lưu Kiện, ông không khỏi thở dài tiếc nuối, thầm nghĩ:
- Lúc bát hổ gây hoạ trong kinh, Dương Lăng ở tận Giang Nam, nếu nói y sai khiến thì không khỏi có phần hơi gượng ép. Nay xem mưu kế vững chắc của bát hổ, cùng với khẩu cung của Đới Nghĩa ở ty Lễ Giám và thư tín lục ra được từ trong phòng của Đông xưởng Phạm Đình, có thể thấy Dương Lăng cũng là bị người ta lợi dụng mà thôi. Nếu như bá quan trong triều dốc toàn lực công kích bát hổ, lôi kéo Dương Lăng đang nắm quyền Nội xưởng làm trợ thủ, thì đâu đến nỗi thất bại thảm hại thế này?
Những lời oán trách này đương nhiên ông không tiện thốt nên lời. Ngay vào lúc này, chợt có ba thớt khoái mã lướt nhanh từ trong cổng thành ra. Ngựa phi đến gần, vị quan văn cưỡi trên con ngựa đi đầu chính là Lý đại học sĩ Lý Đông Dương, hai người đi sau là hộ vệ của ông.
Hôm nay hai vị bạn tri giao cáo lão về quê, ông cũng muốn đến sớm một chút để đưa tiễn, nhưng hiện tại toàn bộ công việc Nội các đều đổ lên đầu ông. Mãi đến lúc này mới vừa xử lý xong một số công văn quan trọng, ông bèn lập tức xin phép nghỉ để rời cung, phóng nhanh ngựa tới.
Một số quan văn võ vốn bản thân không dám mạo hiểm bị bãi quan để dâng sớ can vua thế mà khi trông thấy Lý đại học sĩ thì lại lộ ra vẻ khinh nhờn. Lý Đông Dương trông thấy song không hề để tâm, ông đi xuyên qua đám người bước thẳng vào trong đình, thở gấp:
- Lưu đại nhân! Tạ đại nhân! Tôi đã đến trễ một bước.
Lưu Kiện châm ba chén rượu, cười nói:
- Tân Chi đến thật đúng lúc, hiện nay gánh nặng đè trên người mỗi một mình ông, tôi còn lo ông không được rỗi rãi nữa đấy. Nào nào nào, ba người chúng ta cùng uống chén này, sau này có muốn ngồi chung uống rượu, e rằng sẽ không còn mấy cơ hội nữa đâu.
Lý Đông Dương nâng chén lên, thương cảm:
- Hai vị đại nhân là rường cột của nước nhà, Đông Dương vốn còn hy vọng cùng hai vị đại nhân phò trợ ấu chủ cho vẹn ơn uỷ thác của tiên đế. Nào ngờ nay mới được nửa năm, hai vị đã phải rời khỏi kinh sư, chỉ còn lại mỗi mình Đông Dương, nhìn tình cảnh mà thật xót thương cho thân phận mình.
Tạ Thiên cầm chén lên nhưng lại trút rượu xuống đất, cười khẩy:
- Có gì mà xót thương chứ? Nếu như ông không tham luyến quyền thế, cứ cùng hai người chúng tôi nhất tề dâng sớ, không phải đã có thể cùng nhau ra đi sao?
Nói rồi ông xoay người, chắp tay nhìn cánh đồng hoang vu ngoài trường đình mà không thèm ngoảnh đầu nhìn lại một lần.
Sắc mặt Lý Đông Dương thoáng trắng bệch, ông không ngờ nỗi khổ tâm của mình chẳng những không được nhiều đại thần hiểu, mà ngay cả người bạn già như Tạ Thiên đây cũng hiểu lầm mình tham mê quyền lực. Cho dù có lòng muốn giãi bày thì biết bắt đầu từ đâu đây?
Gió thổi lộng vào trong đình, lòng nặng trĩu u sầu, Lý Đông Dương gượng cười chua chát đưa chén rượu lên uống cạn. Bá quan chung quanh cùng quan sát ba vị đại học sĩ trước đây luôn cùng tiến cùng lui bằng ánh mắt phức tạp, mỗi người mang một cảm nhận riêng.
Lý Đông Dương đặt chén rượu xuống, quệt mép râu dính rượu, cười một tiếng bi thương, đang định nói thêm với Tạ Thiên mấy câu trong lòng thì một loạt tiếng vó ngựa dồn dập bỗng vang lên. Hơn ba mươi tay kỵ sỹ cưỡi khoái mã phóng như bay từ trong kinh thành đến, nhìn trang phục của người trên ngựa thì chính là thị vệ thân quân của Ngự Lâm quân.
Lữ Xung không kiềm được hưng phấn reo lên:
- Không lẽ Hoàng thượng đã ân hận, muốn giữ lại hai vị đại học sĩ rồi sao?
Bá quan nhôn nháo một hồi. Thậm chí điềm tĩnh như Lưu Kiện và Tạ Thiên vậy mà hơi thở cũng bắt đầu gấp lên. Song Ngự lâm quân ruổi ngựa đến gần lại không hề dừng lại mà chạy thẳng qua luôn. Bá quan không khỏi tiu nghỉu như đưa đám.
. . .
Cuối cùng hai vị đại học sĩ cũng phải lên đường, ngựa của trạm dịch kéo xe đến trước mặt, gia quyến cùng gia nhân đều đã lên xe, Lưu Kiện và Tạ Thiên đưa tay tạm biệt các vị đồng liêu, hai bên đang bịn rịn lưu luyến thì hơn ba mươi tay binh sĩ Ngự lâm quân cưỡi ngựa nọ lại chạy rì rì về, phía sau cờ bay phấp phới.
Trong đám cờ xí ấy, ngoại trừ quân kỳ của Kinh doanh, mặc dù đa phần là được chế tạo tạm thời song ngọn cờ rồng màu vàng sẫm của thiên tử và ngọn cờ to mang chữ Dương trong tay những người cầm cờ rõ ràng biểu thị rằng khâm sai phụng chỉ Dương Lăng đã về kinh.
Bá quan đưa ánh mắt phức tạp nhìn chăm chăm vào đội ngũ ấy. Chiếc xe đi đầu là xe ngựa của Lưu Cẩn, lão vén rèm kiệu, ngồi nghiêm trang hào sảng, mắt không ngó nghiêng, mép môi nhếch một nụ cười khinh miệt.
Chiếc xe ngựa thứ hai chính là kiệu xe của Dương Lăng. Dương Lăng đã nghe quan binh Ngự Lâm quân đến nghênh tiếp bẩm báo rằng phía trước đang tiễn đưa hai vị đại nhân Lưu, Tạ rời kinh. Do dự lần lữa nhiều lần, bản thân y thật sự không có lập trường để xuống kiệu gặp mặt hai người. Tay y giơ đến bên bức rèm rồi lại thả xuống, miệng mở ra rồi lại ngậm vào. Trong lúc trù trừ, xe ngựa đã chầm chậm chạy qua trước mặt mọi người. Dương Lăng thở dài chán nản rồi chậm rãi nhắm mắt lại.
Học sĩ Lư Sĩ Thâm của Hàn Lâm viện nhìn chằm chằm vào chiếc kiệu xe của Lưu Cẩn rời xa, đột nhiên bước ra khỏi đám người, quét mắt vào chiếc kiệu xe của Dương Lăng vừa mới chạy ngang, cao giọng mắng:
- Kẻ gian nịnh kia! Trước hổ thẹn với tiền nhân, kế xỉ nhục với chính mình, dẫu có qua trăm đời, vẫn sẽ bị mắng thậm tệ. Trời trăng sáng tỏ, lòng dân như gương, làm người thì hãy tự suy ngẫm lấy cho cẩn thận!
Dương Lăng nghe xong, khoé miệng nở một nụ cười khổ sở: "Mượn danh chính nghĩa thì có thể tuỳ tiện gán tội cho người khác, động tí là dâng sớ hặc cho tội danh ‘có lẽ có’() để giết người ta sao? Ngoại đình và Nội đình mấy người cứ vì ‘Đạo nghĩa’ với ‘Lẽ phải’ mà cãi nhau đi, tôi xin kiếu. Miễn là tôi làm tốt việc của mình, không có lỗi với lịch sử và lương tâm là đủ."
(Nhắc lại: thời Tống, Trung Quốc, gian thần Tần Cối đang giữ chức Thừa Tướng vu Nhạc Phi là mưu phản, Hàn Thế Trung bất bình bèn hỏi Tần Cối buộc tội có căn cứ gì không, Tần Cối trả lời "có lẽ có". Về sau cụm từ này được dùng theo ý nghĩa bịa đặt, không có căn cứ)
Tạ Thiên nhìn theo đoàn xe nối nhau liên miên không dứt, đoạn ngửa mặt lên trời thở dài sườn sượt:
- Một triều vua một triều thần(). Thôi, chúng ta đi thôi!
(: Ý là vua mới dùng người mới)
Đội xe dịch cùng Kinh quân xen lẫn vào nhau dần rời xa, bá quan lặng lẽ đứng im bên ngoài trường đình, dõi mắt theo hướng đoàn xe đi cho đến khi nó mất hẳn nơi chân trời.
Từ đó, hai nhân vật phong vân của triều đại Hoằng Trị rút lui khỏi võ đài chính trị, nhóm quyền lực mà vua Hoằng Trị để lại cho Chính Đức đã bắt đầu tan rã...
Người dân trăm họ thì hào hứng truyền bá nhau về cuộc chiến đặc sắc giữa Đông xưởng và Nội xưởng, chỉ có người trong giới học sĩ mới quan tâm đến việc ra đi của hai vị đại học sĩ và cơn sóng ngầm bắt đầu nổi trong triều đình, cho nên bọn họ cũng chú ý đến việc Dương Lăng trở về hơn.
Dương Lăng được khiêng vào điện Bảo Hoà, bộ dạng thê thảm trông như sắp chết của y đã xua tan lòng nghi ngờ của đông đảo quan viên đối với y. Thường ngày hoàng đế Chính Đức rất thích xem đào kép diễn kịch, lúc này thấy mình giống như đang hoá trang lên sân khấu bèn nổi tính trẻ con, hăng hái nhập vai mà diễn.
Hắn "nổi giận đùng đùng" quát mắng đám Cửu khanh Lục bộ vừa đưa tiễn Lưu Kiện và Tạ Thiên về:
- Các ngươi xem đi, trẫm phái Dương khanh tuần thị thuế khoá Giang Nam. Dương khanh tận trung chức vị, chẳng những thuế khoá các nơi nộp lên kịp thời, so với thời điểm này năm ngoái còn nhiều hơn một thành, mà mấy tên thuế giám phạm pháp cũng đã bị trừng trị. Trung thần như vậy mà là gian nịnh ư?
Đoạn Chính Đức bước vòng qua long án, đi đến bên Dương Lăng căn dặn:
- Dương khanh hãy về phủ nghỉ ngơi cẩn thận! Khỏi hẳn rồi hãy lại tiếp tục ra sức làm việc cho trẫm!
Hắn vừa nói vừa cuối người tự quan sát "thương thế", song lại lén bấu tay Dương Lăng, nói khẽ:
- Mấy ngày nay ái khanh không tiện vào chầu, chốc nữa ta sẽ lại đến thăm khanh, nhớ kể cho ta nghe chuyện đánh hải tặc tiếp.
Dương Lăng ngước mắt nhìn, thấy Chính Đức đang tinh nghịch nháy mắt với y, bèn vội ho khan mấy tiếng để che vẻ buồn cười. Rồi sợ dây dưa hồi lâu sẽ bị người ta phát hiện, y bèn vờ ra vẻ yếu ớt đáp:
- Dạ, vi thần tuân chỉ! Vi thần xin cáo lui trước.
Dương Lăng bị ngăn trở ở ngoài thành, nên hiển nhiên mọi chuyện xảy ra trong kinh không liên can gì đến y. Y về nhà nghĩ dưỡng, nhìn bộ dáng thoi thóp như thể có nằm nửa tháng một tháng cũng không dậy nổi đó, sẽ khó mà gây được ảnh hưởng gì đến việc thay đổi nhân sự và đấu đá quyền lực trong triều.
Trong chính trị không có chuyện vô duyên vô cớ mà đi công kích người ta. Dõi mắt nhìn hai tướng quân vạm vỡ khiêng Dương Lăng ra khỏi đại điện, sự chú ý của các đại thần đã hoàn toàn đặt vào Nội đình đang nắm quyền "Phê hồng" và "chiếc ghế trống quyền lực" mà hai vị đại học sĩ ra đi để lại. Còn "kẻ đầu têu" Dương Lăng đã an ổn tránh khỏi trung tâm cơn bão, lui vào sau hậu trường.
Xe đến trước phủ Uy Vũ bá, Dương Lăng không dằn nổi sự kích động trong lòng, mấy lần muốn nhảy xuống xộc vào trong nhà. Nơi đó là nhà của y, nơi có những người con gái mà y yêu thương nhất. Nhất là Ấu Nương, khi mở mắt ra, nàng là người đầu tiên mà y nhìn thấy, người con gái nhỏ nhắn mặc cho phú quý bần cùng hay sinh lão bệnh tử cũng đều nguyện trọn đời gắn bó cùng y.
Chẳng lẽ bởi "gần quê nên lòng bỗng sợ"(2)? Con tim Dương Lăng đập thình thịch, ngực nóng rần, chỉ muốn lập tức gặp ngay mấy người con gái yêu kiều còn kiên cường hơn cả mình nhưng lại coi mình như trời đất của họ.
Đến khi Thành Khởi Vận và Cao Văn Tâm đều đã xuống xe, đứng thướt tha dưới bậc thềm đá, ngoái đầu nhìn y, Dương Lăng mới tỉnh dậy khỏi cơn mê, liền vội la ầm lên:
- Mau, mau khiêng ta xuống xe!
Lúc này bên người tuy đều là người của mình, nhưng dầu gì thì cũng đông người nhiều mắt, ngộ nhỡ chuyện mình tự bước xuống xe mà bị người ta nhìn thấy rồi lan truyền ra thì sẽ rất phiền phức. Vở kịch này vẫn phải diễn cho đến khi vào trong nhà mới được.
Thành Khởi Vận chỉ đi một mình theo đến kinh sư, hai người thị nữ thân cận tình như tỷ muội đã không biết cưỡi ngựa, cũng không rành võ nghệ nên đã ở lại Kim Lăng.
Tuy nàng là Nhị đáng đầu của Nội xưởng, song để cho một người con gái một mình vào ở trong quân doanh sẽ có nhiều bất tiện. Hơn nữa bản thân y đã yên ổn hồi kinh, còn phải cùng nàng bàn tính đại sự, cho nên Dương Lăng thu xếp cho nàng ở trong nhà mình, chuẩn bị ba ngày sau sẽ sai người hộ tống nàng trở về Kim Lăng để chuẩn bị thuyết phục bá quan đồng ý giải trừ lệnh bế môn tỏa cảng.
Móc khoá cổng được mở ra. Khi lão quản gia trông thấy Cao tiểu thư của chủ cũ, sắc mặt liền lộ vẻ vui mừng, nhưng khi thấy Dương Lăng nằm dài trên sạp gỗ, thì không khỏi thất kinh chạy qua hỏi thăm:
- Lão gia, người bị sao thế này?
Thấy một đám dân làng và con nít đang tò mò đứng xem ở đằng xa, Dương Lăng bèn xua tay bảo:
- Đi! Đi vào trong rồi hẵng nói!
Mấy ngày trước Đông xưởng giám sát quanh đây rất nghiêm, Nội xưởng đã phái một lượng lớn nhân thủ âm thầm bảo hộ, hơn nữa còn căn dặn người trong phủ không được tuỳ tiện ra ngoài. Do ngại ba vị phu nhân lo lắng, bọn họ đã phong toả tin tức về Dương Lăng hết sức nghiêm ngặt, cho nên người trong phủ Uy Vũ bá chỉ biết Nội xưởng và Đông xưởng trở mặt, đại nhân vẫn đang tuần tra ở Giang Nam, còn chuyện hỗn loạn đến long trời lở đất trong kinh thì bọn họ lại không hề hay biết gì.
Dương Lăng gọi hai thị vệ thân tín khiêng y vào phòng khách. Vào đến cổng tròn dẫn vào hậu viện nơi nữ quyến ở, y mới nhảy tót xuống, vừa cởi mớ băng vải quấn kín mít trên người vừa cười nói:
- Lão quản gia chớ nên lo lắng! Lão nhớ căn dặn người trong phủ, bảo bọn họ kín miệng một chút. Nếu như có ai hỏi thì nói là lão gia ta bị trọng thương, những chuyện khác đừng kể bậy bạ.
Lão quản gia sống lâu thành tinh, tuy không biết rõ nội tình nhưng cũng hiểu lão gia an bài như vậy tất có dụng ý. Lão là người đã từng trải qua cảnh tan cửa nát nhà, hơn nữa từ khi làm quản gia phủ Uy Vũ bá, quyền thế và địa vị đã khác xa khi xưa cho nên vô cùng trân quý cuộc sống hiện tại.
Mấy ngày qua, biết có người làm khó nhà họ Dương, bụng lão cũng rất lo lắng không yên, nay thấy lão gia bình an về nhà, trong lòng lão vui sướng khôn thôi. Lão bèn rối rít vâng dạ, rồi lật đật chạy đi căn dặn nhà bếp hôm nay chuẩn bị vài món ăn thịnh soạn.
Trong lúc Dương Lăng tháo vải băng ra, Cao Văn Tâm cũng sớm đã mở bọc quần áo mang theo, lấy ra một bộ đồ xanh (đồng phục của thị tỳ), đứng trong cổng tròn mặc vào, sau đó dẫn hai người vào trong sân.
Cả ba vừa vòng qua một hành lang uốn khúc thì một thị nữ đang bê chậu nước cũng vừa vặn đi tới. Trông thấy Dương Lăng đi tới trước mặt, cô nàng mừng rỡ há hốc miệng, rồi quăng chiếc chậu bằng đồng xuống cái rầm, đoạn quay người chạy vụt đi. Một tràng tiếng la chói tai "Lão gia về phủ rồi!" trong nháy mắt đã vang vọng khắp hậu viện.
Dương Lăng thoáng ngẩn người, nhìn thấy bộ dáng vui mừng đến thất thố của người tỳ nữ đó, y không khỏi lắc đầu cười khổ. Nhưng thật sự, cái cảm giác được kẻ hầu người hạ của phủ mình có cảm giác thân thiết với mình cũng rất ấm áp.
Thành Khởi Vận đi theo sau, kinh ngạc nhìn cái cảnh này, hàng mày đen khẽ nhíu lên: hạ nhân Dương phủ sao lại không có phép tắc gì hết thế này? Cho dù là những hộ gia đình lớn bình thường ở Giang Nam cũng rất xem trọng lễ nghi, có hạ nhân nhà ai dám càn rỡ như vậy chứ? Thực đáng phải trừng trị một phen.
Dương Lăng bước tới lượm chiếc chậu đồng lên. Mới vừa bước được mấy bước đến dưới hành lang treo đầy những chùm nho tím đỏ, bóng một người con gái xinh đẹp áo màu xanh biếc đã lướt nhanh đến:
- Tướng công! Tướng công...
Trong lòng Dương Lăng dâng trào hạnh phúc. Mặc dù rời kinh đã gần hai tháng, nhưng giọng nói ấy vẫn thân thuộc biết dường nào. "Tướng công", đó là lối xưng hô độc nhất của Ấu Nương với mình, chỉ có nàng ấy mới gọi mình như vậy.
Dương Lăng giang hai tay ra, chiếc chậu đồng lại rớt choang xuống đất lăn sang một bên. Một thân thể mềm mại cùng một mùi thơm nhàn nhạt bổ nhào vào lòng y.
Thành Khởi Vận lại ngơ ngác một lần nữa: cô ta đường đường là tam phẩm Cáo Mệnh phu nhân, phong thái, cử chỉ, lời ăn tiếng nói đều phải chú ý đến lễ nghi, sao lại như vậy được... Thật đáng... thật là... thật sự là... khiến người ta cảm động. Trong lòng nàng chợt có phần hâm mộ.
Khuôn mặt xinh đẹp vừa hờn vừa vui, cái miệng chúm chím đầy đặn lúc nào cũng vênh vểnh, đôi mày cong đen nhánh mê người, cặp mắt quyến rũ như sao trời đang tuôn trào những giọt lệ châu trong vắt. Trên khuôn mặt thanh tú tràn ngập niềm vui lẫn hạnh phúc vô bờ.
Dương Lăng tham lam ngắm nhìn khuôn mặt xinh xắn của nàng, nhẹ nhàng vuốt ve gò má mịn màng:
- Ấu Nương... vợ của ta...
Lại một tiếng thì thầm khắng khít yêu thương như chim yến nỉ non: "Tướng công...", tiếng gọi còn chưa ngưng, Dương Lăng đã ôm chặt lấy bờ eo thon của nàng, hôn lên cánh môi nàng một cái thật nồng nàn. Một tiếng "ưm" khẽ cất lên, âm thanh hết sức ngọt ngào, dịu dàng thật lòng.
- Lão gia!
Trong tiếng gọi yêu kiều, hai mỹ nhân tựa như tiên tử trong mây đang nâng tà váy trắng tinh dịu dàng chạy tới. Trông thấy hai người đang ôm nhau hôn, bọn họ tức thì dừng lại, nhẹ nhàng bước đến gần, khẽ gạt những giọt nước mắt hạnh phúc rơi trên gò má. Đằng sau nữa là một đám tỳ nữ mừng rỡ hân hoan...
"Trời ạ, y đường đường là Bá tước, là Tổng đốc nội xưởng oai phong lẫy lừng mà! Cho dù có sủng ái thê tử, cũng không nên trước mặt đông người..." Thành Khởi Vận nhìn sang Cao Văn Tâm. Cao Văn Tâm cũng đang cười, cười khe khẽ, mắt lấp lánh.
Thành Khởi Vận cắn môi, nhẹ nhàng khom người nhặt chiếc chậu đồng đang lăn lốc lên đặt cẩn thận dưới giàn nho, chợt như cắn phải một quả nho chua chua ngòn ngọt, nước nho trôi theo cuống họng thấm vào lòng, mùi vị thực khó tả.
Chú thích:
((1) Chức quan quản lý việc chăn nuôi, huấn luyện và mua sắm ngựa cho triều đình
(2) Nguyên văn "cận hương tình khiếp". Người xa quê lâu năm, bặt vô âm tín, đến khi trở về, càng về đến gần, lòng càng nóng vội, chỉ lo quê nhà đã xảy ra chuyện không hay. Thành ngữ này dùng để chỉ tâm trạng phức tạp của người xa quê lúc trở về.