Bếp


Số từ: 1033
Biên tập: Lê Huy Vũ
NXB Văn Học
Sống xa nhà, quen cái cảnh cơm hàng cháo chợ nên tự dưng thương cái bếp, mà càng thương hơn khi đằng bếp chiều nào cũng có một người vì mình mà đứng nấu.
Người cũ giỏi nấu ăn, mình thì chỉ biết ăn không biết nấu, nên thường xuyên được quấn cho cái khăn ăn như em bé, ngồi chễm chệ làm chuột bạch cho mấy món họ nấu. Họ nấu có lúc ngon, có lúc hơi không ngon, mà lần nào ăn xong cũng phải nhe răng cười tươi như hoa, kêu ngon ơi là ngon.
Mà cũng đúng, người yêu (cũ) nấu cho thì ăn cái gì chẳng ngon, chẳng ngọt.
Lúc họ ngỏ ý sẽ nấu cơm cho mỗi buổi chiều, họ hỏi một câu dám ăn không, mình không cần suy nghĩ, trả lời luôn, ngày nào họ còn dám nấu thì mình còn dám ăn.
Lần đầu họ nấu, mình ngồi hồi hộp chờ đợi, bởi đâu biết được cho ăn cái gì. Thấy cứ lui cui, loay hoay trong bếp cả buổi, bưng ra cho đĩa gì đen đen, nghi ngờ không biết ăn được không nhưng vẫn bấm bụng nuốt. Ăn xong, mình nhăn nhăn mặt, họ chăm chú theo dõi, coi bộ căng thẳng còn hơn mình. Tới cái lúc mình nuốt xong, với tay lấy ly nước uống họ mới hỏi sao sao, ăn được không.
Mình lè lưỡi, nói hình như bỏ lộn hũ đường với hũ muối hả, sao đồ ăn gì ngọt như chè. Họ ngạc nhiên, sao kỳ vậy, nãy nếm thử thấy vừa ăn mà, có ngọt đâu. Họ gắp một miếng ăn thử, xong quay mặt giận, đồ quỷ, chọc người ta.
Mà mình có chọc đâu, mình nói thiệt cái lòng, ăn đồ họ nấu ngoài vị ngọt ra mình chẳng còn cảm nhận được gì khác.
Có ngày họ đứng đằng bếp, lật lật cuốn sách dạy nấu ăn, mình lủi lủi tới sau lưng, ôm họ từ đằng sau rất chặt, mũi đặt lên sau cổ, hít một hơi dài mùi bếp, mùi người. Họ ngại đẩy mình ra, "Đừng mà, người tui đang dơ hầy hà." Mình kêu có đâu, có nghe mùi gì đâu ngoài mùi an yên của hai con người ngập trong hạnh phúc.
Từ ngày có họ, mỗi buổi chiều đi làm về chỉ muốn được về sớm một chút, chở nhau ra cái chợ con con gần nhà, mua vài thứ rau, vài thứ thịt, về người nấu người chờ, mà cái người chờ ăn xong cũng lo đi dọn dẹp, rửa chén phụ chứ đâu có ngồi chơi. Ngày cứ vậy trôi vèo, không muộn phiền, lo toan, không bộn bề khói bụi hàng quán cơm canh.
Yêu người làm bếp, là lúc người ta bắt đầu hiểu giá trị của một buổi cơm được ngồi bên nhau, được ăn cùng nhau, được nói cùng nhau vui buồn để nghe đời trôi vèo hết bao sóng gió ngoài kia. Là lúc để thấy cái gian nhà có bếp lúc nào cũng ấm hơn cái quạnh quẽ một người đi về gió sương. Là lúc để hiểu rằng ai cũng có công việc, họ còn phải tranh thủ để lo cho mình thì thương lại càng thương, yêu lại càng yêu.
Mà thương thì thương, yêu thì yêu, rồi chuyện cũng thành cũ, người cũng thành xưa.
Mấy ngày họ không còn nơi bếp, thấy lòng nguội lửa, nhà thành rộng rinh dù trước giờ diện tích vẫn vậy. Nồi niêu xoong chảo nằm im lìm, chắc nhớ hơi tay người cũ. Cơm hàng cháo chợ lại thành quen. Lúc ghé qua mua hộp cơm về ăn tối, chị bán hàng tự dưng hỏi, lâu lắm mới thấy mua, bộ trước kiếm được ai nấu cho ăn rồi không thèm ghé mua ủng hộ hả. Mình chỉ cười, tính tiền rồi đi, chị bán hàng có cần hỏi mấy câu nghe đau lòng dữ vậy hông?
Mấy ngày họ không còn nơi bếp, nhiều khi chiều về chẳng biết đi đâu. Về lại cái nơi nồng mùi kỷ niệm thì biếng nhác, mà không về lại chẳng biết nương đời ở cái bến heo hút nào. Vậy là lại cafe, ăn gì vạ vật, làm việc đến mịt mờ tối mới về, tắm xong lăn đùng ra ngủ, trong cơn mơ còn nghe đâu đó tiếng xào nấu, tiếng gọi nhỏ nhẹ, thân thương, "Đồ ăn xong rồi nè, ra ăn đi con heo..."
Mấy ngày họ không còn nơi bếp, sáng ngủ dậy vô thức vòng tay ôm, thấy họ đâu mất tiêu. Ngày trước thì họ còn đằng nơi bếp, càu nhàu, "Tui nấu đồ ăn sáng xong rồi nè, dậy mà ăn rồi đi làm, đồ lười." Theo thói quen tự đưa mắt ra góc bếp tìm, mà có còn thấy ai đâu. Rồi cứ vậy thả phịch người xuống nệm, phải chi cái giấc mơ ngọt ngào tối qua vẫn còn tiếp diễn.
Mấy ngày họ không còn nơi bếp, có chiều buồn nhớ quay nhớ quắt mùi gia đình, chạy xe mấy chục cây số về bên mẹ, ngồi yên đằng bàn chờ mẹ nấu một bữa cho ăn. Mẹ nhìn con cầm đũa gắp từng miếng một, nhát gừng, mặt ủ ê, tự dưng nói câu bâng quơ, "Sau này, không còn ai nấu cho ăn thì cứ về tìm mẹ, mẹ lúc nào cũng chờ sẵn con ở đây mà." Ngoài kia, đúng là không có bữa cơm nào yên bình bằng cơm mẹ.
Chiều nay về, dọn góc bếp xưa, bỏ đi mấy thứ đã đóng bụi thời gian. Người cũ mua đồ về nấu nướng hồi xưa, giờ đã không còn trân trọng, mình cứ giữ đó hoài cũng đâu còn ý nghĩa gì.
Tự dưng nhớ một câu ngày xưa từng nói với người cũ, "Một năm cũng được, mười năm cũng được, thậm chí đến trăm năm cũng được. Ngày nào em còn nấu anh sẽ sẵn sàng ngồi ăn. không còn em, đâu thể gọi là gia đình..."
Chắc người cũ không còn nhớ đâu...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Người Cũ Còn Thương.