Quán
-
Người Cũ Còn Thương
- Nguyễn Ngọc Thạch
- 1449 chữ
- 2020-05-09 03:35:53
Số từ: 1443
Biên tập: Lê Huy Vũ
NXB Văn Học
Hình như, tất cả những buổi hẹn hò của những người yêu nhau đều bắt đầu bằng một câu, "Em rảnh không, mai mốt mình đi ăn tối cùng nhau." Thì cũng như ông bà dạy, "Có thực mới vật được nhau." Hay giới trẻ bây giờ cũng nói, "Đường đi tới tim nhất định phải ngang qua bao tử." Muôn đời nay, lúc nào cũng vậy.
Có gái đang yêu, đi ăn cùng nhau luôn dè dặt, không dám ăn nhiều vì sợ đàn ông đánh giá. Nói thật nhé, đàn ông khi đã yêu ai, thường trở nên ngu lắm, nhất là về mấy khoản nhận xét bề ngoài, vì đơn giản khi đã yêu, tức là chấp nhận dáng vóc của người mình yêu.
Chúng ta đâu phải hoa hậu, không phải người mẫu nên không cần kiêng khem theo chế độ đặc biệt, ăn uống cực hình để giữ dáng giữ thân. Nhiều gái ăn với người yêu, bữa tối mắc lắm mà cứ cầm lên, cắn nhẹ một hai miếng rồi để xuống, "Em không dám ăn, sợ mập." Nhìn mà thấy tiếc tiền cho đàn ông dễ sợ. Có người tinh vi hơn, đi ăn với đám bạn thân thì muốn đánh nhau để giành, thiếu điều nuốt luôn cái đĩa, nhai luôn cái thìa, nhưng cứ hễ đi ăn với trai thì cứ như con mèo liếm sữa.
Đàn ông họ chẳng quan tâm mình ăn gì đâu, họ chỉ quan tâm người ngồi ăn đối diện với họ có phải là người họ thực lòng yêu thương hay không. Vì vậy, nếu đàn ông nói, "Em ăn nhiều vô, nhìn em gầy quá, thiếu sức sống." Có nghĩa là họ đang quan tâm mình thực lòng.
Mà thường, chúng ta hay sợ ốm, sợ mập không hẳn vì muốn người yêu mình ngắm, mà là cho những người khác phải ngắm nhìn, ghen tỵ, đúng không? Thật sự thì, ốm gầy cao thấp, ngực to ngực nhỏ gì cũng có nét đẹp và sự quyến rũ riêng của nó, người yêu mình sẽ tìm ra điểm tốt để yêu mình. Hãy cứ ăn thoải mái, ngon miệng nhưng vẫn giữ đúng vẻ lịch sự thì đàn ông họ sẽ thích thôi.
Người cũ, cũng là người thích chở nhau đến những quán ăn ngon để thưởng thức khoảng thời gian dành cho hai người. Nhưng đi ăn cùng người cũ, là những lần hiểu sở thích ăn uống của nhau để chọn một nơi phù hợp cho cả hai.
Họ thích ăn đồ Nhật, mình lại không ăn cá, thế là họ dụ dỗ mình như chăm đứa con nít, "Ngoan đi, cá Nhật làm sạch không còn mùi tanh đâu." Mình nghe theo, làm thử và kết quả là ăn được thật, sau đó, họ thú nhận, "Anh muốn em ăn cá để cơ thể đầy đủ chất, ăn thịt nhiều quá không tốt đâu." Nhưng thật ra mình biết họ dụ mình ăn để sau này có cớ lôi mình vô nhà hàng Nhật thường xuyên.
Mỗi lần giận nhau, hai đứa luôn làm lành bằng cách đi ăn một bữa linh đình, đến mức sau này mỗi khi có chuyện, lại phải đắn đo có nên giận không, mắc công làm lành lại ăn, lại mập. Lần nào đi ăn chung, người cũ cũng ép mình ăn nhiều ơi là nhiều, lắc đầu không chịu ăn thì họ nói, "Anh muốn em ăn nhiều để khỏe mạnh, có sức mà yêu anh." Nhưng thật ra, là họ lại có ý đồ thâm sâu, "Anh muốn cho em ăn nhiều, mập ú, xấu hoắc để không ai yêu em, em chỉ có thể yêu anh mà thôi." Mình thì cãi lại, "Chứ không phải để lúc em mập anh cũng chê rồi bỏ em?" Họ cười, lắc đầu, làm gì có.
Họ nói vậy đó, mà họ quên nhanh lắm, họ cũng chẳng làm được những thứ họ nói ngày xưa đâu.
Đi ăn mãi cùng nhau, cũng quen dần với những thói quen của nhau. Có khi ra quán ăn, không cần đối phương lên tiếng cũng có thể gọi giùm. Mình biết người ta không ăn cay, chủ yếu là vì không thích mùi ớt, chứ vị cay của tiêu lại chấp nhận được. Họ biết mình ăn wasabi mức độ nào để bỏ cho vừa chén nước tương Nhật, không quá cay mà cũng chẳng nhạt nhẽo. Những buổi đi ăn buffet, họ biết cầm đồ gắp chính xác những thứ mình muốn ăn, chẳng sai món nào.
Họ biết tính mình ngược người khác, ăn thịt bò thích uống vang trắng trong khi ăn hải sản lại chọn vang đỏ. Biết rằng mình dùng dao rất dở nên thường cắt sẵn thịt ra thành từng miếng rồi để lên đĩa cho mình. Thậm chí, có những quy tắc trên bàn ăn họ và mình cũng chỉ cho nhau. Kiểu như khăn ăn phải đặt thế nào, để dao bên nào nĩa bên nào, khi đã ăn xong thì xếp dao nĩa ra sao cho phục vụ biết rằng mình đã dừng không cần dọn dĩa mới.
Người cũ ở dơ, có khi ăn xong, đang trong thang máy đi xuống cũng kéo mình lại gần, hôn một cái, khi bị đẩy ra vì mắc cỡ thì bày đặt cười cười, "Ai thèm hôn em, anh chùi miệng mà..."
Ăn cùng người cũ, không chỉ gói gọn trong những nhà hàng sang trọng, còn là những tối lê la cơm hàng cháo chợ, quán ăn lề đường chen chúc đợi chờ.
Có những ngày, hai đứa chở nhau quanh Sài Gòn, tự hứa với nhau rằng thấy gì ngon cứ tấp vào ăn. Mà Sài Gòn lại là mảnh đất của những món ăn vặt nên lần nào về bụng cũng no căng.
lề đường, ngồi bên cái bàn xập xệ, hai đứa cười nói cùng nhau, đồ ăn dọn ra vẫn nhớ lấy khăn giấy lau sạch muỗng đũa rồi đưa cho họ. lề đường có ngày đông, đứng xếp hàng, mình khó chịu, người cũ thì cứ đứng chọc cười, nhăn mặt làm trò, "Muốn ăn ngon phải biết đợi chờ chứ." Vậy mà vừa ngồi xuống, chưa ăn được gì thì bà bán gánh đã bị đô thị đuổi đi, hai đứa vừa cầm cái tô vừa đứng vừa ăn, vậy mà cũng thấy ngon, thấy thích.
lề đường, ăn xong nhìn quanh không thấy hũ tăm, mình đứng dậy lấy, họ dặn, đừng cầm cây tăm đưa cho nhau, mắc công là châm chích, về nhà thế nào cũng cãi lộn, đưa tăm cứ đặt nguyên hũ xuống bàn, người kia tự khắc cầm lên. Mình nghe lời, làm theo, vậy mà tối đó cũng cãi nhau, mình phụng phịu, "Nói chả đúng gì cả, có đưa tăm đâu mà cũng thiếu điều quánh nhau đó."
lề đường không mắc, rải dọc Sài Gòn, chứng kiến người ta có đôi có cặp đến ăn, rồi thời gian sau, lại đến cùng một người khác hay chỉ đến một mình. Cũng có những quán lề đường, đã ăn cùng một người thì không còn quay lại khi người thành người cũ. Ăn lại món cũ thì không sao, chỉ sợ vô tình gặp lại người cũ thì thấy lòng đau sao đặng.
Những ngày khi người vừa thành cũ, những buổi chiều về là những lần lủi thủi một mình vào quán ăn, gọi đại một thứ gì đó ăn cho xong bữa để về nhà, ăn như kiểu ăn để có sức mà hít thở, nhai thứ gì cũng như bột trắng, không hương không vị. Nghĩ lại sao mà người ta ác, đi xong rồi đem luôn cái hương vị đồ ăn đi theo.
Nhưng mà rồi, giai đoạn đó cũng sẽ qua, người ta đi, mình vẫn phải sống, món ăn đã cũ, hâm lại cũng không thể nào ngon bằng một món mới. Thay vì bỏ hết những nơi quen thuộc từng ăn, cũng phải tới lúc học cách để tới ngồi nơi đó, ăn những món xưa, nhớ về chuyện cũ mà mỉm cười, biết là qua rồi, xong rồi.
Cũng như khi còn người cũ, họ tập cho mình thói quen, giờ không có người ta, phải tập làm những thứ đó một mình. Ừ thì hóa ra, lúc người thành cũ vẫn còn tập cho nhau được một thói quen, đó là sống tự lập khi không còn họ.
Cảm ơn một người nay đã cũ.