Chương 10: Tháng Ba 1981


Số từ: 5743
Nguồn: isach
Dịch giả: Nguyễn Bản
NXB Phụ Nữ
Một thiếu phụ ngồi đối diện với chúng tôi. Chị mặc một chiếc áo dài màu xanh ô liu, với một chiếc khăn san màu đen quấn chặt quanh mặt để chống lại cái lạnh giá ban đêm. Mỗi lần chiếc xe tải nảy lên hoặc vấp phải ổ gà, chị lại buột miệng cầu kinh, tiếng cầu "Bismillah!" của chị vút cao theo mỗi lần xe lắc mạnh hoặc xóc. Chồng chị, một người đàn ông vạm vỡ quần dài ống thụng, khăn quấn đầu màu xanh da trời, nâng niu bế một em bé trong vòng tay, bàn tay lần tràng hạt. Đôi môi mấp máy cầu nguyện thầm. Kể cả những người khác nữa là mười hai, bao gồm cả Baba và tôi, ngồi ôm vào giữa hai chân, bị ép cứng cùng những người xa lạ, dưới cái mui bằng vải bạt của chiếc xe tải Nga đã cũ.
Ruột gan tôi cứ cồn lên kể từ lúc chúng tôi rời khỏi Kabul sau hai giờ sáng. Baba chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết ông coi việc tôi say xe lúc đó chỉ là một mặt khác của sự yếu ớt của tôi - tôi thấy rõ điều đó trên vẻ mặt sượng sùng của ông đôi lần bụng tôi quặn lại quá tệ đến nỗi tôi phải rên lên. - Khi người đàn ông vạm vỡ lần tràng hạt - tức chồng của thiếu phụ cầu nguyện hỏi liệu tôi có sắp say không, tôi nói tôi sắp. Baba ngoảnh đi. Người đàn ông vén góc mui vai bạt lên, gõ vào cửa kính của lái xe yêu cầu dừng lại. Nhưng người lái xe, tên là Karim, một người đàn ông gầy nhom, da ngăm đen, với bộ mặt diều hâu xương xẩu, bộ ria mép mảnh như kẻ bằng bút chì, lắc đầu, quát trả lại:
- Chúng ta ở quá gần Kabul. Bảo nó có cái bụng khoẻ vào chứ.
Baba càu nhàu gì đó nghe không rõ. Tôi muốn nói với ông tôi xin lỗi, nhưng bất chợt tôi bị chảy nước miếng, sâu trong họng tôi có vị mật đắng. Tôi quay đi vén vải bạt lên và nôn thốc qua thành xe đang chạy. Phía sau tôi, Baba đang xin lỗi những hành khách khác. Như thể say xe là một tội lỗi. Như thể anh không được phép say xe khi anh đã mười tám tuổi. Tôi nôn thốc nôn tháo hai lần nữa trước khi Karim đồng ý dừng xe, chủ yếu để tôi không làm bẩn xe của hắn ta, công cụ mưu sinh của hắn. Karim là dân chở lậu người - một nghề rất béo bở, chở dân chúng thoát khỏi Kabul đang bị quân Shorawi 1 chiếm đóng, sang vùng tương đối an toàn hơn ở Pakistan. Hắn sẽ đưa chúng tôi đến Jalalabad cách Kabul 170 km về phía Đông Nam, nơi em hắn, Toor có một chiếc xe tải lớn hơn để chở chúng tôi, cùng một đoàn người tị nạn đang đợi nữa, vượt qua đèo Khyber vào tỉnh Peshawar 2.
Chúng tôi còn cách thác Mahipar vài cây số nữa về phía Tây thì Karim tạt xe vào lề đường. Mahipar - có nghĩa "Cá Bay" - một đỉnh núi cao với độ dốc dựng đứng nhìn xuống xí nghiệp sử dụng lực chảy của nước do người Đức xây dựng ở Afghanistan từ năm 1967. Baba và tôi đã từng lái xe qua cái đỉnh đó không biết bao nhiêu lần trên đường chúng tôi tới Jalalabad, thành phố của những cây bách và những cánh đồng mía mà người Afghan đến nghỉ đông.
Tôi nhảy xuống phía sau xe, lảo đảo bước tới lề đường đầy bụi. Miệng tôi đầy nước dãi, một dấu hiệu của cơn buồn nôn sắp đến lúc bật ra. Tôi loạng choạng đến bở vách đá trông xuống một thung lũng sâu bóng tối bao trùm. Tôi cúi rạp người hai tay ôm đầu gối chờ mật xanh, mật vàng. Đâu đó một cành cây gãy răng rắc, một con cú kêu. Gió dịu và lạnh rì rào qua những cành lá và làm chao đảo các bụi cây rải rác nơi sườn dốc. Và từ phía dưới, tiếng nước đổ ào ào qua lũng sâu.
Đứng trên mép đường, tôi nghĩ về cung cách chúng tôi rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã từng sống cả đời, như thể chúng tôi chỉ ra ngoài một chốc: những chiếc đĩa còn dính đầy món kofta chất trong chậu rửa, quần áo là ủi trong cái rổ đan bằng liễu gai ở ngoài tiền sảnh, giường bề bộn, quần áo mặc khi giao dịch kinh doanh của Baba treo trong tủ tường. Nhưng tấm thảm vẫn còn treo trên tường phòng khách và những cuốn sách của mẹ tôi vẫn chất đầy các giá sách phòng đọc của Baba. Những dấu hiệu của tha hương thật mơ hồ: Bức ảnh đám cưới của cha mẹ tôi đã bị tháo mất cùng với tấm ảnh lụa của ông nội tôi và quốc vương Nader Shah đứng bên ngắm con nai chết. Một vài bộ quần áo không còn trong tủ tường. Cuốn sổ tay bìa bọc da chú Rahim Khan đã cho tôi năm năm trước đây cũng đã mất.
Vào lúc sáng, Jalaluddin - người ở thứ bảy của chúng tôi trong năm năm qua - có thể sẽ nghĩ chúng tôi đi tản bộ hoặc lái xe đi dạo. Chúng tôi đã không nói với ông ta. Không thể tin ai ở Kabul nữa - chỉ cần được giúi cho ít tiền hoặc lo bị hại, là người ta sẽ tố cáo nhau, hàng xóm tố hàng xóm, con cái tố cha mẹ, em tố anh, đày tớ tố chủ nhà, bạn bè tố nhau. Tôi nghĩ đến ca sĩ Ahmad Zahir, người đã chơi phong cầm tại buổi sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Ông ấy lái xe đi cùng với mấy người bạn, và sau đó, người ta tìm thấy xác ông bên lề đường với một viên đạn đằng sau gáy. Các rafiq, tức là các đồng chí, có mặt ở khắp nơi, và họ đã xẻ đôi Kabul thành hai nhóm: nghe lén và không nghe lén. Cái khó là chẳng ai biết ai thuộc bên nào. Một nhận xét ngẫu nhiên với bác thợ may, trong khi thử cho vừa một bộ quần áo có thể dẫn bạn vào hầm tối nhà lao Poleh-charkhi. Phàn nàn về lệnh giới nghiêm với ông hàng thịt, và điều sau đó bạn nhận ra là mình đã ở đằng sau những song sắt, mắt hoang mang nhìn vào cái họng của một khẩu Kalashnikov. Ngay cả tại bàn ăn trong nhà riêng của mình, dân chúng cũng phải nói năng một cách đắn đo - các rafiq có cả ở trong lớp học nữa, họ dạy trẻ con do thám cha mẹ mình, chú ý nghe những gì, kể lại với ai.
Tôi đang làm gì trên con đường này, vào giữa đêm khuya? Lẽ ra tôi phải nằm trên giường, dưới tấm chăn, với một cuốn sách góc quăn tai chó ngay bên cạnh. Điều này hẳn là một giấc mơ. Phải là như thế. Sáng hôm sau tôi thức dậy, nhòm ra ngoài cửa số. Không bóng dáng đám lính Nga vẻ mặt dữ tợn tuần tiễu trên hè, không xe tăng bất thình lình xuất hiện trên đường phố của thành phố tôi, tháp súng xoay đi xoay lại như những ngón tay đang kết tội, không còn đồng rúp, không còn lệnh giới nghiêm, không còn những xe quân sự của Quân đội Nga như thoi đưa ở khu phố chợ. Rồi, phía sau tôi, tôi nghe thấy tiếng của Baba và Karim đang hút thuốc, bàn cãi về việc thu xếp ở Jalalabad. Karim đảm bảo với Baba rằng em hắn có một chiếc xe tải lớn "chất lượng cao loại thượng hạng" và hành trình di cư sang Peshawar đã trở nên quá thông thường rồi. "Nó có thể nhắm mắt đưa ông đến đó," Karim nói. Tôi thoáng nghe thấy, hắn bảo Baba là hắn và em trai hắn biết lính Nga và lính Afghan làm việc ở những trạm kiểm soát ra sao, hắn đã cạ với chúng việc thu xếp "hai bên đều có lợi" như thế nào. Việc đó không phải là chuyện mơ. Như thể để kết thúc việc thảo luận, một chiếc MIG bất chợt rú lên bay qua đầu. Karim quăng điếu thuốc và rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra. Chĩa súng lên trời, hắn làm động tác bắn, rồi chửi và nhổ về phía chiếc MIG.
Tôi tự hỏi không biết Hassan ở đâu. Rồi đến điều không thể tránh khỏi. Tôi nôn lên đám cỏ dại, tiếng nôn khan và rên rỉ của tôi chìm hẳn trong tiếng gầm rú điếc đặc của chiếc MIG.
Hai mươi phút sau, chúng tôi tới chỗ trạm kiểm soát ở Mahipar. Tài xế của chúng tôi để chiếc xe tải nổ máy, và nhảy xuống chào đón những giọng nói đang tiến lại. Chân day day sỏi. Vài lời trao đổi ngắn gọn, kín kẽ. Một nhát quẹt của chiếc bật lửa. "Spasseba" 3.
Lại một nhát quẹt khác của bật lửa. Ai đó cười. Tiếng cười the thé chói tai làm tôi nảy người lên. Tay của Baba ghìm chặt đùi tôi xuống. Người đàn ông đang cười bỗng hát lên líu la líu lường lạc điệu, một bài hát trong hôn lễ của người Afghan, nặng trịch giọng Nga:
Ahesta boro, Mah-e-man ahesta boro
Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.
Những gót ủng lộp cộp trên đường nhựa. Ai đó mở tung tấm vải bạt phủ phía sau xe tải, và ba bộ mặt thò vào. Một là Karim, hai kẻ kia là hai tên lính, một tên người Afghan, tên kia, một lính Nga nhăn nhở, mặt như mặt chó biển, thuốc lá phì phèo lệch một bên miệng. Phía sau bọn chúng là một vầng trăng trắng hếu như xương khô lơ lửng trên bầu trời. Karim và tên lính Afghan trao đổi ngắn gọn bằng tiếng Pashtu. Tôi hiểu được đôi chút, một cái gì đó về Toor và vận rủi của hắn. Tên lính Nga thò mặt vào phía sau xe tải. Hắn vẫn đang ê a bài hát cưới, ngón tay gõ nhịp vào mép thành hậu của xe. Ngay cả trong ánh trăng lờ mờ, tôi vẫn thấy được cái nhìn đờ đẫn trong đôi mắt của hắn, khi lia từ hành khách này sang hành khách khác. Mặc dầu lạnh, mồ hôi ròng ròng chảy từ lông mày hắn xuống. Đôi mắt hắn dừng lại ở người thiếu phụ chít khăn san đen. Hắn nói tiếng Nga với Karim, mắt không rời người đàn bà. Karim trả lời bằng tiếng Nga cụt lủn, rồi tên lính đáp lại gay gắt và còn cộc lốc hơn. Tên lính Afghan cũng nói một điều gì đấy giọng nhỏ nhẹ và biết điều hơn. Nhưng tên lính Nga quát lên cái gì đó, khiến hai tên kia ngần ngại. Tôi cảm thấy Baba ngồi sát vào tôi. Karim hắng giọng, cúi đầu xuống. Nói tên lính Nga muốn có nửa giờ với người thiếu phụ ở đằng sau xe tải.
Người thiếu phụ kéo chiếc khăn san xuống trùm kín mặt. Oà lên khóc. Đứa trẻ ngồi trên lòng chồng chị ta cũng oà khóc theo. Mặt người chồng trở nên nhợt nhạt như mảnh trăng lởn vởn trên trời. Ông ta bảo Karim yêu cầu "ông lính Sahib" thể hiện một chút tình thương, có thể ông có một người em gái hoặc một bà mẹ, cũng có thể cả một người vợ nữa. Tên Nga nghe Karim nói và sủa lên một loạt những từ gì đó.
- Đó là cái giá để chúng ta được đi qua. - Karim nói. Hắn không dám nhìn vào mắt người chồng.
- Nhưng chúng tôi đã trả một giá rất sòng phẳng rồi, - người chồng nói.
Karim và tên lính nói với nhau.
- Nó nói... nó nói, mọi giá đều phải chịu thuế.
Thế là Baba đứng phắt dậy. Đến lượt tôi phải níu chặt tay tôi vào đùi ông, nhưng Baba gỡ tay tôi và rút chân ra. Khi ông đứng lên, ông che khuất ánh trăng:
- Tôi muốn anh hỏi người đàn ông kia một điều, - Baba nói. Nói với Karim, nhưng nhìn thẳng vào tên sĩ quan Nga. - Hỏi hắn, sự liêm sỉ cua hắn để đâu?
Họ lại nói với nhau.
- Hắn nói đây là chiến tranh. Không có liêm sỉ trong chiến tranh.
- Bảo với hắn là hắn nhầm. Chiến tranh không huỷ bỏ phép tắc. Nó đòi hỏi phép tắc thậm chí còn hơn cả thời bình.
Bố cứ phải luôn luôn là một người anh hùng ư? Tôi nghĩ. Tim đập loạn xạ. Bố không thể chỉ một lần bỏ qua sao? Nhưng tôi biết ông không thể. Điều đó không có trong bản tính của ông. Vấn đề là bản tính của ông sẽ làm cho tất cả chúng tôi bị giết.
Tên lính Nga nói gì đó với Karim, một nụ cười nhếch lên trên đôi môi hắn.
- Agha sahib, - Karim nói, - cái lũ Roussi 4 này chúng không giống chúng ta. Chúng chẳng hiểu gì về tôn trọng và danh dự.
- Nó nói cái gì?
- Nó nói nó cũng thích được nã một viên đạn vào người ông không kém gì... - Karim nói nhỏ dần không nghe rõ nữa, nhưng gật gật đầu về phía người thiếu phụ đã rơi vào con mắt của tên lính canh. Tên lính búng điếu thuốc đang hút dở của hắn đi và rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao. Vậy đây là nơi Baba sẽ chết. Tôi nghĩ. Chuyện sắp xảy ra như thế. Tôi đọc thầm một câu kinh trong đầu.
- Bảo với nó tôi sẽ nhận một nghìn viên đạn của nó trước khi tôi để cho sự vô luân xảy ra. - Baba nói.
Tâm trí tôi chợt bừng lên cái ngày mùa đông sáu năm trước đây. Tôi, từ góc phố chăm chú nhìn vào sâu trong ngõ. Kamal và Wali đè Hassan xuống. Những cơ mông của Assef ép chặt và nới lỏng, đôi hông của nó giúi vào kéo ra. Cứ cho tôi đã từng là một anh hùng nào đó đi, tôi vẫn đang bị cái diều dằn vặt. Đôi khi, chính tôi cũng không biết mình có thực sự là con trai Baba không.
Gã người Nga mặt chó biển nâng khẩu súng lên.
- Baba, con xin bố ngồi xuống. - tôi vừa nói vừa giật mạnh ống tay áo ông. - Con nghĩ nó thực sự định bắn bố đấy.
Baba gạt bàn tay tôi ra, giận dữ nói:
- Ta đã không dạy con chút nào ư?
Rồi ông quay về phía tên lính đang nhăn nhở:
- Bảo nó, tốt hơn là hãy bắn tao một phát chết ngay. Bởi nếu tao không ngã xuống, tao sẽ xé nó thành nhiều mảnh, chết tiệt cái thằng bố nó!
Tên lính Nga không chịu thôi nhăn nhở khi nghe phiên dịch lại. Hắn gạt chốt hãm trên khẩu súng, chĩa nòng súng vào ngực Baba. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, tôi lấy hai tay che mặt.
Khẩu súng gầm lên.
Thế là xong. Tôi mười tám và đơn độc. Tôi chẳng còn ai trên đời này. Baba đã chết và bây giờ tôi phải chôn ông. Tôi chôn ông ở đâu? Sau đó tôi đi đâu?
Nhưng cơn lốc xoáy nhưng ý nghĩ dở dang quay cuồng trong đầu tôi dừng lại khi tôi giương mi mắt, thấy Baba vẫn đứng. Tôi thấy một viên sĩ quan Nga thứ hai cùng với những kẻ khác. Chính là khói cuộn lên từ họng súng của ông ta chĩa lên trời. Tên lính định bắn Baba đã tra súng vào bao. Hắn đang lê chân bước đi. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy muốn dở khóc dở cười hơn như thế.
Viên sĩ quan Nga thứ hai, tóc đốm bạc, bệ vệ nói với chúng tôi bằng tiếng Farsi bập bẹ. Ông ta xin lỗi chúng tôi về cách xử sự của tay đồng chí của mình. Ông ta nói:
- Nước Nga gửi họ đến đây để chiến đấu. Nhưng họ mới chỉ là những chàng trai, và khi tới đây họ tìm thấy khoái lạc của ma tuý. - Ông ta nhìn tên sĩ quan trẻ bằng đôi mắt buồn rầu của một người cha bực tức với đứa con trai mất tư cách của mình. - Thằng này cũng dính dáng đến ma tuý đấy. Tôi cố ngăn nó... - Ông ta vẫy ra hiệu cho chúng tôi đi.
Một lát sau, chúng tôi phóng xe đi khỏi. Tôi nghe thấy một tiếng cười, rồi tiếp đến cái giọng sền sệt lạc điệu của tên lính lúc đầu hát bài hát cổ trong đám cưới.
Chúng tôi đi trên xe trong im lặng khoảng mười lăm phút, trước khi chồng người thiếu phụ bất chợt đứng lên và làm một điều tôi đã từng thấy nhiều người khác làm trước ông ta: Hôn tay của Baba.
Vận rủi của Toor. Chẳng phải tôi đã tình cờ nghe thấy điều đó trong câu chuyện ở Mahipar sao?
Chúng tôi lăn bánh đến Jalalabad vào khoảng một giờ trước lúc mặt trời mọc. Karim nhanh chóng đưa chúng tôi xuống xe và dẫn vào ngôi nhà một tầng ở ngã tư hai con đường bẩn thỉu, suốt dọc toàn những dãy nhà một tầng mái bằng, những cây keo và những cửa hiệu đóng kín. Tôi kéo cổ áo khoác lên để chống lạnh lúc chúng tôi vội vã chạy vào ngôi nhà kéo theo đồ đạc của mình. Không hiểu tại sao, tôi nhớ tới mùi củ cải.
Khi đã đưa chúng tôi vào trong án phòng khách trống không nhờ tối, Karim liền khoá cửa trước lại, kéo cái khăn trải giường rách thay cho rèm che. Rồi hắn thở phào và báo cho mọi người một tin xấu: Toor, em trai hắn không thể đưa chúng tôi sang Peshawar. Hình như máy móc chiếc xe tải của gã bị nổ tuần trước, và Toor vẫn đang đợi nhưng bộ phận thay thế.
- Tuần trước ư? - Ai đó kêu lên. - Nếu biết thế, tại sao anh còn mang chúng tôi tới đây?
Tôi thấy có gì ào một cái qua đuôi mắt tôi. Rồi một cái bóng vụt ngang qua căn phòng, và tiếp đó tôi nhìn thấy Karim bị ghì chặt vào tường, đôi chân nguyên dép của hắn đung đưa cách sàn nhà hơn nửa mét. Hai bàn tay Baba đang tóm quanh cổ hắn..
- Tao sẽ nói cho mày biết tại sao, - Baba giận dữ bảo. - Bởi vì nó đã nhận được tiền phần chặng đường của nó. Đó là tất cả những gì nó quan tâm.
Karim đang ngạt thở ú ớ kêu lên. Nước dãi nhỏ ra bên mép hắn.
- Bỏ hắn xuống, Agha, ông giết hắn mất, - một trong số hành khách nói.
- Chính là điều tôi định làm đấy, - Baba nói. Điều mà không ai trong số những người khác trong căn phòng biết được ấy là Baba không đùa. Karim đang đỏ tía lên và giật giật chân. Baba vẫn bóp chặt cổ hắn cho tới khi người mẹ trẻ, cái người mà tên sĩ quan Nga đã mê thích đó, van xin ông dừng lại.
Karim ngã vật trên nền nhà, lăn lộn để hít thở khi Baba cuối cùng cũng thả hắn ra. Căn phòng trở nên im lìm. Chưa đầy hai giờ trước. Baba đã tự nguyện nhận một viên đạn vì danh dự của một người phụ nữ ông không hề quen biết. Lúc này ông suýt đã bóp chết một người đàn ông, và chắc sẽ sung sướng làm xong việc đó nếu không có lời cầu xin của vẫn người phụ nữ ấy.
Có cái gì đó đập thùm thùm ở nhà bên. Không, không phải nhà bên, mà phía dưới.
- Cái gì thế? - Ai đó hỏi.
- Bọn khác, - Karim hổn hển giữa những hơi thở khó nhọc, - ở dưới hầm.
- Bọn họ đợi bao lâu rồi? - Baba hỏi, vừa sáp lại Karim.
- Hai tuần.
- Tao nghĩ mày vừa nói, chiếc xe tải hỏng tuần trước.Karim vuốt cổ họng, ộp ộp như ếch:
- Có thể tuần trước nữa.
- Bao lâu?
- Cái gì?
- Bao lâu để thay máy? - Baba gầm lên.
Karim rúm người lại nhưng không nói gì. Tôi thấy mừng vì bóng tối. Tôi không muốn thấy cái nhìn sát nhân trên bộ mặt Baba.
Mùi hôi nhớp nhúa, giống như mùi rêu mốc, xộc vào mũi tôi lúc Karim mở cánh cửa dẫn chúng tôi xuống nhưng bậc thang ọp ẹp ở dưới hầm. Chúng tôi đi xuống theo hàng một. Những bậc thang rên lên dưới sức nặng của Baba. Đứng trong căn hầm lạnh, tôi cảm thấy như bị những con mắt chập chờn trong bóng tối theo dõi. Tôi thấy những hình người rúc vào nhau quanh phòng, bóng họ in lên tường bởi ánh sáng lờ mờ của hai ngọn đèn dầu. Một tiếng thì thầm khe khẽ lan truyền suốt căn hầm, át tiếng nhưng giọt nước rỉ ở đâu đó, và một tiếng gì khác nữa, như tiếng gãi.
Baba thở dài phía sau tôi, buông những túi đồ xuống.
Karim bảo chúng tôi sẽ chỉ mất vài ba ngày là sửa xong chiếc xe tải. Rồi thì chúng tôi sẽ trên đường sang Peshawar. Trên đường tới tự do. Trên đường tới an toàn.
Căn hầm là nhà của chúng tôi suốt tuần sau đó và tới đêm thứ ba tôi khám phá từ đâu ra tiếng gãi. Những con chuột cống.
Khi mắt đã quen bóng tối, tôi đếm được ba mươi người tị nạn trong căn hầm. Chúng tôi ngồi vai kề vai dọc theo những bức tường, ăn bánh quy, bánh mì lâu ngày và táo. Đêm đầu tiên đó, tất cả mọi người đều cùng nhau cầu kinh. Một trong số người tị nạn hỏi Baba tại sao ông không tham gia cùng họ:
- Thượng đế sẽ cứu vớt tất cả chúng ta. Tại sao ông không cầu xin Người?
Baba xì mũi. Duỗi chân ra:
- Cái sẽ cứu vớt chúng ta là tám bộ xi-lanh và cái chế hoà khí tốt.
Thế là đám còn lại câm lặng luôn về vấn đề Thượng đế.
Mãi khuya của đêm đầu tiên ấy tôi mới phát hiện ra hai người trong đoàn trốn tránh cùng chúng tôi là Kamal và bố nó. Thấy Kamal ngồi trong căn hầm chỉ cách tôi gần nửa mét, tôi khá ngạc nhiên. Nhưng khi nó và bố nó ngồi xích lại bên chúng tôi, tôi nhìn rõ bộ mặt của Kamal, thực sự nhìn rõ...
Nó đã tàn héo - không còn từ nào đơn giản hơn để gọi. Đôi mắt nó như một cái hốc nhìn tôi và không có vẻ nhận ra nét gì. Vai nó gồ lên, đôi má xệ xuống như thể quá mệt mỏi không bám nổi vào xương gò má nữa. Bố nó, người đã từng sở hữu một rạp chiếu phim ở Kabul, đang kể cho Baba nghe ba tháng trước đây một viên đạn lạc đã bắn trúng vào thái dương giết chết vợ ông như thế nào. Rồi ông ta kể với Baba về thằng Kamal. Tôi chỉ nghe được lỗ chỗ: Nhẽ ra chẳng bao giờ được để nó đi một mình... lúc nào cũng thế, thật đẹp trai, ông biết đấy... bốn đứa chúng nó... chống trả... Thượng đế... chụp được nó... nhỏ máu đầm đìa xuống đó... cái quần của nó... chẳng nói gì nữa... chỉ trừng trừng...
Sẽ không có xe tải, Karim bảo chúng tôi thế sau khi chúng tôi đã trải qua một tuần lễ trong cái căn hầm nhung nhúc chuột. Chiếc xe tải không chữa nổi.
- Có một cách khác, - Karim nói, giọng hắn nổi lên giữa những tiếng kêu rên.
Anh họ hắn là chủ một xe tải chở xăng dầu và đã từng chở lậu người bằng chiếc xe đó đôi ba lần. Hắn đang ở Jalalabad và đủ sức chở tất cả chúng tôi.
Mọi người, trừ một cặp vợ chồng đã cao tuổi, đều quyết định đi.
Đêm đó, chúng tôi, Baba và tôi, Kamal và bố nó, cùng những người khác rời đi. Kamal và người anh họ hắn, một gã đàn ông mặt vuông, đầu hói tên là Aziz, giúp chúng tôi chui vào bồn xăng. Từng người một, chúng tôi trèo lên cái sàn hậu xe, rồi leo lên thang sau và tụt xuống bồn xăng. Tôi còn nhớ Baba leo lên giữa chừng lại nhảy xuống và moi ở túi ra một hộp thuốc lá hít. Ông dốc hết thuốc ở hộp ra, và bốc một vốc tay bụi đất ở giữa con đường không rải nhựa. Ông hôn bụi đất. Đổ vào trong hộp. Đút hộp vào túi ngực, gần tim ông.
Kinh hoàng.
Bạn mở miệng ra. Mở thật rộng cho xương hàm kêu răng rắc. Bạn ra lệnh cho phổi mình hít không khí, LÚC NÀY, bạn cần không khí, cần nó LÚC NÀY. Nhưng đường khí quản của bạn lờ bạn đi. Chúng suy sụp, thít chặt, co quắp và bất chợt bạn như đang thở qua một ống rơm. Miệng bạn ngậm lại và đôi môi bạn mím chặt, tất cả những gì bạn có thề xoay xở được là một tiếng ộp ộp nghẹn tắc. Hai bàn tay bạn vặn vẹo, lúc lắc. Đâu đó một cái đập nứt toác và một luồng mồ hôi lạnh tràn ra, ướt đẫm cơ thể bạn. Bạn muốn la hét lên vì sợ. Bạn sẽ làm thế nếu bạn có thể. Nhưng bạn phải thở đã rồi mới la hét được.
Kinh hoàng.
Căn hầm đã tối. Cái bồn xăng còn tối đen hơn. Tôi nhìn phải, nhìn trái, xuống, lên, vẫy vẫy hai tay trước mắt, không thấy một mảy may cử động. Tôi chớp, rồi lại chớp mắt. Chẳng thấy gì hết. Chẳng còn là không khí nữa, nó sền sệt, thậm chí đặc quánh nữa. Không khí đáng ra không được đặc quánh. Tôi muốn vươn hai bàn tay ra, nghiền nát không khí thành những mảnh nhỏ, nhồi chúng vào khí quản của tôi. Và cái mùi hôi hắc đó của dầu diesel. Mắt tôi nhức nhối hơi dầu, như ai đó lộn mi mắt tôi lên và xát chanh lên đó. Mũi tôi như bắt lửa sau mỗi lần thở. Mày có thể chết trong một chỗ như thế này, tôi nghĩ vậy. Một tiếng la hét đang chực bật ra. Bật ra, bật ra...
Và rồi một điều thần kỳ nhỏ. Baba giật ống tay áo tôi, và một cái gì đó sáng xanh lên trong bóng tối. Ánh sáng! Đồng hồ đeo tay của Baba. Tôi dán chặt đôi mắt vào hai chiếc kim dạ quang xanh đó. Tôi quá sợ tôi sẽ mất chúng. Tôi không dám chớp mắt.
Dần dần, tôi nhận ra được những gì ở quanh tôi. Tôi nghe thấy những tiếng rên và tiếng lầm rầm cầu nguyện. Tôi nghe thấy tiếng một em bé khóc, tiếng ru thầm của mẹ nó. Ai đó nôn khan. Ai đó nguyền rủa bọn Shorawi. Chiếc xe tải lắc lư bên này qua bên khác, nảy xuống, nảy lên. Những cái đầu đập vào vỏ sắt.
- Nghĩ đến điều gì tốt đẹp. - Baba thì thầm vào tai tôi. - Điều gì hạnh phúc.
Điều gì tốt đẹp. Điều gì hạnh phúc. Tôi mặc cho trí não tôi lang thang. Tôi mặc nó đến đâu thì đến.
Chiều thứ Sáu ở Paghman. Một cánh đồng cỏ rộng lốm đốm những cây dâu tằm nở hoa. Hassan và tôi đứng ngập gót chân trong cỏ mọc hoang. Tôi đang giật mạnh dây diều, cuộn dây đang quay trong hai bàn tay chai sạn của Hassan, mắt chúng tôi ngước nhìn lên bầu trời. Không một lời trao đổi giữa chúng tôi, không phải bởi vì chúng tôi không có gì để nói, mà bởi vì chúng tôi không cần phải nói điều gì. Đó, giữa những con người là những ký ức đầu tiên của nhau, những con người đã cùng được nuôi từ một bầu sữa mẹ là như thế. Một luồng gió nhẹ làm lay động đám cỏ và Hassan để cho cuộn dây lăn. Chiếc diều quay đảo, ngụp chìm, rồi đứng vững. Đôi bóng sinh đôi của chúng tôi nhảy múa trên thảm cỏ gợn sóng. Từ đâu đó, bên kia dãy tường gạch thấp phía cuối cánh đồng, chúng tôi nghe thấy tiếng chuyện gẫu, tiếng cười và tiếng róc rách của một vòi phun nước. Và nhạc, có vẻ xưa cũ và quen thuộc. Tôi nghĩ đó là bài Ya Mowlah trên đàn dây Rubab. Có ai đó gọi chúng tôi bên kia tường và nói đã đến giờ uống trà, ăn bánh ngọt.
Tôi không nhớ đó là tháng nào, và cả năm nào nữa. Tôi chỉ biết kỷ niệm đó sống trong tôi, một mẩu dĩ vãng tốt đẹp được đóng nang hoàn hảo, một nét chổi lông phết màu lên khung vải cằn cỗi, xám xịt cuộc đời giờ đây chúng tôi đã rơi vào.
Phần còn lại của chuyến xe đó là những mẩu và những mảnh rải rác của ký ức đến rồi lại đi, phần lớn là âm thanh và mùi vị: Tiếng gầm rú của máy bay MIG trên đầu, những tràng súng máy, một con lừa be be gần đó, tiếng nhạc đeo cổ leng keng, và tiếng cừu ọ oẹ, tiếng sỏi rải đường bị nghiến nát dưới bánh xe tải, một đứa bé hờn trong bóng tối, mùi hôi của dầu diesel, mùi nôn mửa, mùi phân.
Những gì tôi nhớ tiếp theo là ánh sáng loá mắt của buổi sớm mai khi trèo ra khỏi bồn xăng. Tôi nhớ mình đã ngửa mặt lên trời, hiếng mắt, thở như thể thế giới sắp cạn kiệt không khí. Tôi nằm xoài trên bờ con đường đất cạnh một khe đá, ngước nhìn lên bầu trời màu xám buổi ban mai, biết ơn khí trời, biết ơn ánh sáng, biết ơn được sống sót.
- Amir, chúng ta đã ở Pakistan, - Baba nói. Ông đang đứng bên nhìn tôi. - Karim bảo hắn sẽ gọi một chuyến xe buýt chở chúng ta tới Peshawar.
Tôi cuộn người lại, vẫn nằm trên đất lạnh và nhìn thấy những chiếc vali của chúng tôi phía chân bên kia Baba. Nhìn qua khe chữ V lộn ngược giữa hai chân ông, tôi thấy chiếc xe tải nổ máy đứng yên bên bờ đường, những người tị nạn khác đang trèo xuống thang. Xa hơn, con đường đất trải ra qua những cánh đồng như những chiếc khăn màu chì dưới bầu trời xám, rồi biến mất sau dãy đồi bát úp. Dọc theo con đường là một ngôi làng nhỏ trải dài trên sườn dốc tràn ánh nắng.
Mắt tôi quay trở lại nhìn những chiếc vali của chúng tôi. Chúng khiến tôi buồn cho Baba. Sau mọi thứ ông đã từng gây dựng, lập kế hoạch, đấu tranh, day dứt, ước mơ, gói ghém lại đời ông chỉ còn thế này đây: một đứa con trai bất đắc ý và hai chiếc vali.
Ai đó đang kêu thét. Không, không phải kêu thét. Mà đang khóc. Tôi thấy hành khách tụm lại thành một vòng tròn, nghe thấy những tiếng gọi khẩn thiết.
Ai đó nói từ "khí độc". Người khác cũng nói thế. Tiếng kêu thét chuyền thành tiếng rít xé họng.
Baba và tôi vội chạy tới đám người đứng xem và đẩy họ ra để chen vào. Bố của Kamal đang ngồi xếp bằng tròn ở giữa vòng người, lay đi lay lại, hôn lên bộ mặt xám như tro của đứa con trai.
- Nó không thở nữa! Con trai tôi không thở nữa! - Ông đang kêu khóc. Cơ thể không còn sinh khí của Kamal nằm trên lòng ông. Bàn tay phải nó duỗi ra, rũ xuống, đung đưa theo nhịp thổn thức của người cha.
- Con trai tôi! Nó không thở nữa! Lạy thánh Allah, xin người giúp nó thở đi!
Baba quỳ xuống bên cạnh ông và quàng cánh tay lên vai ông. Nhưng bố của Kamal đẩy ông ra và nhào tới Karim đang đứng gần người anh họ hắn. Những gì xảy ra tiếp theo quá nhanh, quá gọn không thể gọi là cuộc ẩu đả. Karim thốt ra một tiếng kêu kinh ngạc và lùi lại. Tôi thấy một cánh tay vung lên và chân đá. Giây sau, ông bố của Kamal đã đang đứng với khẩu súng của Karim trong tay.
- Đừng bắn tôi! - Karim kêu lên.
Nhưng trước khi bất kỳ ai trong chúng tôi kịp nói hoặc làm được điều gì, bố của Kamal đã đưa nòng súng lên miệng mình. Tôi sẽ không bao giờ quên được tiếng vang của phát nổ đó. Hay chớp lửa và máu đỏ phun ra.Tôi lại gập người và nôn khan bên vệ đường.
--------------------------------
1 Shorawi: Từ Afghanistan, chỉ quân đội Nga.
2 Peshawar: Tỉnh bên giới của Pakistan, giáp với Afghanistan.
3 Spasseba: Phát âm theo tiếng Nga có nghĩa là cảm ơn.
4 Roussi: cách gọi người Nga.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Người Đua Diều.