Chương 12: Nội thị Tướng quân Vĩnh Hoa


Số từ: 1970
Nguồn: Nhà xuất bản Dân trí
Ở đạo Hồng Châu (thuộc tỉnh Hải Hưng bây giờ) trang Mao Điên có người con gái họ Phùng tên Vĩnh Hoa. Từ nhỏ được học tập võ nghệ lại ham đọc sách ngâm thơ, người người biết tiếng. Vĩnh Hoa tính tình hoà nhã, đoan trang. Tuy là gái, Vĩnh Hoa chỉ ham thích ruổi ngựa bắn cung, và thường nói: "Lưỡi kiếm trong tay phải có ngày quét sạch giặc Hán ra khỏi bờ cõi, chí lớn của ta là như thế!".
Năm Vĩnh Hoa mười tám tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời. Vĩnh Hoa trao cả gia sản cho ông cậu, một ngựa một kiếm ra đi.
Ngày đi đêm nghỉ, đến đạo Sơn Tây, phủ Tam Đái, huyện Yên Lạc, Vĩnh Hoa thấy trang Tiên Nha địa thế rất đẹp như con rùa lớn nổi lên bên dòng sông Nguyệt Đức, phong cảnh thật hữu tình, có bến có chợ, làng xóm đông vui. Vĩnh Hoa cho rằng nơi dây có thể lập được chí mình, mới nghỉ lại ở đó, bỏ tiền ra làm nhà mua ruộng, tìm người cày cấy để có dịp chiêu mộ sĩ tốt. Lại nghĩ nơi đây thuyền buôn các nơi qua lại, chợ búa sầm uất, có thể liên kết được với các hào kiệt bốn phương, mới mở ngôi hàng nước tự mình bán hàng để tìm kiếm những người cùng chí hướng.
Phụ lão trang Tiên Nha biết Vĩnh Hoa không phải người tầm thường, rủ các trai đinh đến gặp Vĩnh Hoa, đều xin quy phục, tôn Vĩnh Hoa làm trưởng trang, Vĩnh Hoa vui lòng nhận lời vì nghĩ đó là điều hay, có thể xây dựng nền móng để tụ nghĩa. Từ đó Vĩnh Hoa chiêu dân lưu tán các nơi, đón những kẻ vì bị ức hiếp mà phải rời quê hương bản quán, mở rộng trang ấp, ngầm rèn đúc khí giới, chứa cất lương thực để đợi thời cơ. Các hào kiệt về ngày càng đông, cùng cày ruộng, cùng múa giáo. Thanh thế Vĩnh Hoa ngày càng lừng lẫy, Vĩnh Hoa chọn mười cô gái giỏi võ nghệ có mưu trí làm vệ sĩ, ngày đêm gần gũi bên mình. Lúc ấy nam nữ đã có tới ngàn người. Vĩnh Hoa mới cử các đầu mục, chia thành đội ngũ cày ruộng lấy lương ăn, tự rèn lấy gươm sắc giáo dài, tự chế lấy nõ bền tên cứng. Các phụ lão đều nói: "Chúng ta may ra còn thấy được cảnh tượng thái bình. Chắc cái ngày ấy cũng gần tới rồi!".
Phủ quan Hán thấy thanh thế trang Tiên Nha như lửa đã bốc, mới giật mình kinh sợ, phái quân đánh dẹp. Vĩnh Hoa biết lúc này không thể chần chừ được nữa, vả lại các phụ lão, các đầu mục đều xin đánh giặc Hán, khí thế như dầu sôi lửa bốc. Vĩnh Hoa bèn cho giết lợn mổ trâu, cáo tế tổ tiên, khao thưởng quân sĩ thổi sáo đánh trống, múa hát làm vui, rồi đào hào đắp lũy cự địch với quân Hán.
Phủ quan đánh không nổi trang Tiên Nha, cấp báo tin dữ về cho Tô Định. Tô Định lúc này cũng đang lo lắng, hốt hoảng vì tin tức các nơi dồn dập báo về, quận Giao Chỉ đang như nồi nước bắc trên bếp sôi lên sùng sục. Tô Định truyền lệnh cho các châu, các huyện phải cố thủ thành trì, phòng giữ cho nghiêm cẩn đề phòng nghĩa quân tiến đánh.
Một hôm Vĩnh Hoa đang coi quân tập bắn nỏ chợt có nữ tốt vào báo có người lạ đến xin ra mắt để bàn việc lớn. Vĩnh Hoa truyền lệnh mời vào rồi chỉnh tề y phục thân tiếp khách. Khách là một người đứng tuổi, mặt vuông miệng rộng, mắt sáng, đi đứng khoan thai, có vài người cùng đi theo, mặc áo vải quần nâu, không mang khí giới gì. Vĩnh Hoa biết khách không phải người thường, cung kính mời trầu nước. Sau một tuần nước, Vĩnh Hoa hỏi khách tên họ gì, từ đâu tới, có điều gì dạy bảo. Khách thong thả nói : " Khoan hỏi họ tên. Tôi nghe nói Vĩnh Hoa nương là anh hùng ở đời này, muốn đến cho được biết người, nay mới biết tiếng đồn quả không sai". Vĩnh Hoa nhún nhường lại xin khách bảo cho điều hay lẽ phải. Khách nói: "Nàng có thể chống được đại quân của Tô Dịnh chăng? Nàng có thể đóng giữ một trang này mà làm lay động được cả Giao Châu chăng ? Nếu Tô Định đem quân các nơi về cùng đánh, nàng có thể giữ được cái trang Tiên Nha nhỏ bé này chăng?". Vĩnh Hoa ngẫm nghĩ giật mình, xin khách mách bảo cho kế lâu dài. Khách nói: "Giặc Đông Hán tham tàn, Tô Định lại là một tên thái thú ham của khát máu, cho nên bốn phương anh hùng đều đã nổi dậy. Nàng không nghe nói Lê Chân ở miền biển, Bát Nạn ở Tiên La đã từng đánh quân Tô Định thất điên bát đảo hay sao? Ở biên giới có Bạch Nương, Vân Nương, vùng núi rừng Thiên Sớ có nàng Hồ Đề tự xưng đại vương, châu Đại Man có Xuân Hoa đã tụ nghĩa. Ở đồng bằng sông Bồ Đề có Triệu Tam Trinh, nơi ba sông lớn giao nhau có Quách A nương...Nói ra còn nhiều không xiết. Chính vì thế mà Tô Định mới không động được đến cái trang nhỏ này. Vả lại Tô Định tham bạo nhưng lại nhút nhát, nay nó cho lệnh cố thủ thành trì các châu huyện, đó là dịp may cho nghĩa quân các nơi. Nhưng nếu cứ mỗi người một cõi thì đuổi sao được giặc ? Nếu có người mách Tô Định kế bẻ đũa từng chiếc thì nhân dân nước Việt Nam ta bao giờ mới thoát được cảnh chìm đắm lầm than ? Tôi chính là Nguyễn Tiến Cơ, là người thân cận của Hai Bà Trưng ở Mê Linh, được lệnh Hai Bà cho đến để bàn kế cùng nàng, cùng nhau hợp sức đuổi giặc ". Nói đoạn, hai tay cung kính đưa hịch của Bà Trưng cho Vĩnh Hoa. Vĩnh Hoa đón lấy đọc. Đọc xong nét mặt tươi cười, nói rằng : " Hai Bà là con quan lạc tướng, dòng dõi các vua Hùng, là chúa trong đám anh hùng, có trí lự sâu xa, chúng tôi không đáng cắp giáo theo hầu ! ". Lại ngoảnh bảo các người thân tín đang đứng quanh rằng: "Nay cả nước phải hợp sức lại dưới cờ của Hai Bà cùng đánh rắn dập đầu mới mong lấy lại được giang sơn, giành lại được cơ nghiệp tổ tiên để lại, cứu dân thoát khỏi vòng nước lửa", bèn giữ Nguyễn Tiến Cơ ở lại vài ngày nhờ giúp đỡ việc chỉnh đốn quân ngũ. Nguyễn Tiến Cơ từ chối, lại nói rằng: "Chỉ nội ngày mai, sớm tối thế nào Quách A nương cũng kéo quân qua đây về Mê Linh họp mặt với hào kiệt các nơi dưới cờ đại nghĩa của Hai Bà. Nàng cũng nên nhanh chóng đem quân đến, không nên chậm trễ".
Quả nhiên sáng hôm sau, mặt trời vừa tới ngọn cây, giữa dòng sông có một đoàn thuyền đang rẽ sóng, sáu chiếc thuyền lớn dong buồm đi một hàng thẳng tắp, xung quanh có hàng chục chiếc thuyền nhỏ cùng xuôi. Trên thuyền đi đầu có một chiếc trống cực lớn, các lực sĩ đứng quanh, đầu chỉ chấm tang trống. Chiếc thuyền đi giữa có dựng một ngọn cờ đại sắc vàng quắc, hàng chục mái chèo cùng khua sóng, bọt nước tung toé như hoa. Vĩnh Hoa cùng các đầu mục ngắm mãi không chán. Vĩnh Hoa than rằng : " Hàng ngũ chỉnh tề, quân uy hùng tráng ! Ta thật còn thua kém. Những người nhu thế này mà cùng đứng dậy, giặc Hán tất phải ôm đầu cuốn cờ chạy khỏi đất nước Nam ta". Bèn truyền lệnh mổ trâu giã bánh khao quân, giao mọi công việc trong trang lại cho các phụ lão, sáng hôm sau đem hơn một nghìn sĩ tốt về Mê Linh yết kiến Hai Bà.
Hai Bà Trưng thấy Vĩnh Hoa diện mạo khác thường, lại văn võ kiêm toàn, nên cũng mười phần yêu mến, phong cho làm nội thị tướng quân, được theo Hai Bà ở đạo trung quân dự bàn mọi công việc. Quân của Vĩnh Hoa cũng được phiên chế lại.
Hai Bà đem quân về nghỉ ở Bạch Hạc một ngày, cưỡi ngựa ngắm xem địa thế, biết đây là nơi hiểm yếu, là cửa ngõ thành Bạch Hạc, nghĩ nhớ tới tổ tiên, lại nghĩ tới vận nước, trong dạ bồi hồi. Bà Trưng chị quay lại bảo Bà Trưng em: "Nay mai em phải về đây xây dựng thành nơi cứ hiểm phòng giữ lâu dài cùng là gìn giữ phần mộ ông cha". Hôm sau Hai Bà về núi Hùng làm lễ cáo tế tổ tiên xin phù hộ cho dẹp yên giặc Hán, lấy lại được nghiệp cũ. Sau đó Hai Bà kéo quân về Hát Môn.
Từ đó lệnh khởi nghĩa truyền đi cả nước, khắp các châu, các huyện, các làng, các động gươm giáo dựng lên. Các thành trì của giặc Hán lần lượt rơi vào tay nghĩa quân. Thủ phủ Luy Lâu của Tô Định tan vỡ trước sức tấn công mãnh liệt của đại quân Hai Bà. Chưa đầy một năm, Hai Bà thu hồi được 65 thành trì cõi Lĩnh Nam, lên ngôi vua, đóng đô ở đất Mê Linh, không chịu thần phục nhà Hán.
Trưng nữ vương mở tiệc khánh hạ, khao thưởng ba quân, phong cho các tướng có công. Vĩnh Hoa được phong công chúa, cho phép lấy trang Tiên Nha làm thực ấp, cho xây dựng đồn trại bên sông.
Ba năm sau, Mã Viện thừa lệnh vua Hán cầm quân sang chiếm lại nước ta. Nhiều trận đánh lớn diễn ra ở các miền sông Đuống, sông Mã, sông Hồng. Vĩnh Hoa ngày đêm nghiêm ngặt tuần phòng. Một hôm Vĩnh Hoa tiếp được lệnh Vua Bà cho gọi về triều theo đạo quân của Vua Bà đi đánh giặc. Mã Viện hai lần thua lớn, xin vua Hán cử gấp viện binh sang, rồi mở trận đánh quyết liệt. Hai bên giáp trận, đánh nhau rất lớn ở Lãng Bạc. Hai Bà túng thế rút về Mê Linh. Mã Viện là một tên tướng quỷ quyệt, thường dùng mưu kế xảo trá, quân ta cự không lại, vỡ tan dần.
Hai Bà Trưng thế cùng lực tận, tuẫn tiết ở sông Hát.
Vĩnh Hoa rút về trang Tiên Nha cố sức cầm cự, nhưng biết là không giữ nổi nữa, mới cùng quân lính lên ngựa xông vào trại giặc chém giết một trận rồi tử tiết theo Hai Bà ở sông Nguyệt Đức. Hôm đó là ngày mười bốn tháng chín (1).
Chú thích:
(1) - Vĩnh Hoa công chúa được thờ ở đình Nghênh Tiên, Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Tiên Nha trang nói trong truyền thuyết trên chính là Nghênh Tiên có thể gồm thêm một số thôn lân cận.
(2) - Vua Lê Đại Hành phong là " Vĩnh Hoa nương linh hiển nữ quốc công chúa ", lại phong là " Hằng Nga uyển mị trinh thục phụ nhân tôn thần ", Lê Thái Tổ (Lê Lợi) phong là " Đức hạnh đoan trang trinh tiết phu nhân ".
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nữ Tướng Thời Trưng Vương.