Chương 14: Tướng quân Lê Thị Lan
-
Nữ Tướng Thời Trưng Vương
- Nguyễn Khắc Xương
- 1889 chữ
- 2020-05-09 04:32:53
Số từ: 1902
Nguồn: Nhà xuất bản Dân trí
Ngọn cờ đại treo cao trên một cây mai (tre mai) lớn chôn trước cột đình, phồng gió căng ra như một cánh buồm, lòng cờ đỏ thắm có chữ " Nghĩa " nổi bật, đen nhánh. Hàng chục lá cờ nhỏ nhiều màu sắc cũng đang hớn hở vẫy mình trước gió.
Khu đình làng Mía sớm nay nhộn nhịp người. Trên nhang ánh đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút. Những cánh cửa nhỏ chạm rồng phượng hoa lá ở thượng cung mở rộng. Ông từ, miệng bịt khăn điều, leo lên một cái thang tre nhỏ xếp đặt hương hoa ngũ quả bày trên thượng cung rồi lại xuống thang túc trực cạnh nhang án.
Tiếng loa cất vang nhắc lại rành rọt : " Nữ chủ tướng truyền lệnh cử hành đại lễ khởi nghĩa diệt thù ! "
Trống chiêng nổi lên ba hồi chín tiếng. Hàng ngàn con người bỗng im phăng phắc.
Nữ chủ tướng nghiêm trang bước lên đàn, một nền đất cao hình chữ nhật có cắm một chiếc cờ vuông. Hàng ngàn con mắt long lanh nhìn về chủ tướng. Không một tiếng nói, một tiếng động, chỉ còn nghe thấy những hơi thở mạnh và tiếng phần phật những ngọn cờ bay trước gió.
Môi chủ tướng hơi run và mắt nàng nhòa ướt.
- Ta và giặc Hán không thể cùng đội trời chung ! Chúng ta phải khởi nghĩa để đánh đuổi giặc Hán ! Tôi, Lê Thị Lan, nữ chủ tướng nghĩa quân, tôi cử em tôi là Lê Anh Tuấn làm phó tướng. Chúng ta sẽ phiên chế đội ngũ và sẽ kéo quân về Hát Môn hội với Trưng nữ chủ. Mọi người hãy nghe mệnh lệnh của tôi và của em tôi !
Lê Thị Lan và Lê Anh Tuấn là hai chị em ruột sinh đôi, quê ở làng Mía, xứ Đường Lâm, trấn Sơn Tây.
Ở làng Mía có vợ chồng ông Lê Tuân và bà Đặng Thị Sách, ông bốc thuốc bà làm ruộng, ăn ở hiền lành, cuộc sống đầy đủ, chỉ hiềm vỉ nỗi muộn con. Nghe người nơi xa đến xin thuốc mách bảo, hai ông bà cất công qua bến lặn rừng ngày đi đêm nghỉ tìm đến trang Văn Lang xứ Thao Giang để cầu tự.
Trang Văn Lang nằm bên sông Thao, dựa lưng vào núi, dân cư đông đúc có bến có chợ, là nơi các xứ qua lại để trao đổi hàng hóa, nào thóc lúa, lợn gà, móc mây, củ nâu, gỗ v.v... Đây là một trạm kiểm soát của giặc Hán, với một viên đầu mục, một viên quan thuế, hai viên lại và mười hai tên lính để kiểm soát đường sông và quản lý bến chợ v.v...Vợ chồng Lê Tuân tìm vào các xóm chân núi ven rừng, nhờ người địa phương chỉ giúp, mới thấy một tòa miếu nhỏ tường gạch mái lá nằm ẩn dưới bóng đa cổ thụ. Cứ theo dân đây kể thì miếu này thờ một bà chúa là người đã lập ra trang Văn Lang này, chỉ biết bà họ Hoàng, còn tên húy không ai nhắc đến. Ông bà Lê Tuân đem lễ vật đến cúng và nghỉ ngay tại miếu. Đêm thứ ba bà mơ thấy một em gái xinh xắn tươi cười chạy đến đưa cho bà một cành lộc non. Em gái vụt biến đi, cành lộc non trong tay bà nở ra một đóa hoa lan trắng muốt và một trái đào đỏ tươi. Mùi hương sực nứt làm bà tỉnh giấc.
Ở chơi trang Văn Lang vài ba ngày, hai vợ chồng lại trở về Đường Lâm.
Ngày tháng trôi qua, bà Đặng Thị Sách sinh được một gái, một trai, tiếng khóc vang như tiếng chuông. Hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi, ai cũng mừng cho hai ông bà, và đều cả quyết là ông bà đã sinh được quý tử sau này sẽ làm rạng danh cha mẹ. Làng có tục mỗi người đến thăm trẻ mới sinh đều gánh cho gia đình một gánh nước và biếu một nắm gạo. Nhà ông bà Lê Tuấn tấp nập người xa gần đến chia vui. Nguyên hai ông bà đều là người phúc hậu, ông lại mát tay hay thuốc, cứu chữa được nhiều người, nên không những người làng mà người trong quận hạt đến thăm hỏi cũng đông.
Ông bà đặt tên cho hai con là Lan và Tuấn. Hai chị em đều đẹp đẽ, khỏe mạnh và thông minh. Cha mẹ cho con học chữ của một thầy đồ ở làng bên, lại chiều theo ý con, đón thầy về cho con học võ. Ngày thì múa côn, tập đánh thiết lĩnh, tối lại thắp đèn ôn luyện văn bài, hai chị em Lan, Tuấn học hành tấn tới, các thầy đều khen ngợi, ông bà Lê Tuấn cũng mừng lòng.
Vào năm hai chị em mười bảy tuổi, trời làm đói kém hạn hán tiêu khô, ruộng nẻ chân chim, lúa nghẹn mong nước. Nhiều nơi dân đói bỏ làng đi tìm ăn đầy đường đầy chợ. Xứ Đường Lâm cũng là một trong những vùng bị đói kém nghiêm trọng.
Mặc cho đói kém mất mùa, bọn quan lại người Hán cùng một số tay sai bản địa vẫn bóc lột nhân dân thậm tệ, lại nhân dịp này mua rẻ nhà cửa ruộng vườn. Không những vậy, chúng còn bắt nhân dân vét thóc giống ra để nộp cho đủ tô đủ thuế. Dân Đường Lâm cũng đói như các vùng, ai cũng cau mày nghiến răng, chỉ những muốn ăn tươi nuốt sống bọn bóc lột kia cho hả giận.
Ông bà Lê Tuân cũng phải bán bớt ruộng vườn để nộp thuế cho giặc. Tới khi giặc cùng bọn tay sai đến các nhà bắt nộp thóc giống, ông bà bất bình kháng cự. Thế là ông bị chúng quát mắng đánh đập. Bát hương thờ tổ tiên là vật thiêng liêng của gia đình cũng bị chúng hắt xuống đất rồi lấy gậy đập tan. Cuối cùng thóc giống vẫn mất, thân lại bị đòn, cửa nhà bị phá phách, ông nghĩ uất giận, thổ máu liền mấy ngày rồi mất. Bà chôn cất cho ông xong cũng vì quá ưu phiền nên lại nối gót ông ra đi. Lê Thị Lan và Lê Anh Tuấn nhân ngày giỗ bố mẹ mời các bậc già cả và đàn anh trong họ đến, bàn việc rửa hờn cho gia đình, gỡ nỗi thống khổ cho nhân dân. Mọi người đều gật đầu nói rằng việc nên làm. Từ đó, Lan và Tuấn bắt đầu giao du hào kiệt, tụ họp bè đảng, tựu nghĩa ở xứ Đường Lâm.
Sau khi về Hát Môn hội quân dưới ngọn cờ tiết chế của Hai Bà Trưng, Lan và Tuấn được giao nhiệm vụ đem quân bản bộ quét sạch giặc ở hạt Thao Giang. Hai chị em vui mừng nhận lệnh, thủy bộ cùng tiến, quân đi tới đâu giặc tan tới đó, chẳng bao lâu đã tới trang Văn Lang. Giặc đóng ở đây chỉ có một đồn nhỏ đã tan chạy trước khi nghĩa quân kéo tới.
Lê nữ tướng quân họp với các tướng, ban lệnh bố phòng. Nữ tướng đóng trên núi Ao Giời, trong rừng cọ, phó tướng đóng ở thung lũng chân núi. Mé ngoài là một dãy đồi, có hai trại quân để giữ lối vào thung lũng.
Từ rừng tới bến, bốn quân doanh : Nam, Bắc, Đông, Đoài, ngày đêm tuần tiễu, có đồn kiểm soát thuyền bè xuôi ngược ở bến sông, cho dân họp chợ như cũ. Nữ tướng quân thấy thung lũng nằm giữa núi đồi nên cho phát quang cấy lúa, đặt tên là Đồng thóc. Nàng điều quân giúp dân đánh gốc bốc trà ở một dải đồng hoang ngoài khu đồi, rồi đặt tên cho nơi đó là Đồng phì nhiêu. Xong đâu đấy nữ tướng quân mở hội lớn, giã gạo nếp làm bánh dầy, mổ trâu lấy da căng làm nồi nấu thịt. Ngày mười hai tháng giêng, trời đẹp, nắng ngọt, Lê nữ tướng đại duyệt quân sĩ ở bến Cát Lớn.
Nữ tướng quân nhận được lệnh của Trưng nữ chủ triệu về bàn kế hoạch đại phá Luy Lâu. Được lệnh đánh giặc, ai nấy đều phấn khởi, quân sĩ đánh trống múa nhảy, nhân dân đem gạo và rượu đến mừng. Việc giao cho một vị tùy tướng họ Nguyễn, trấn giữ vùng thượng châu Thao Giang. Còn nữ tướng quân cùng phó tướng Lê Anh Tuấn đem đại quân về gặp Trưng nữ chủ nhận lệnh.
Trận đánh Luy Lâu kéo dài nửa tháng. Hôm đó Trưng nữ chủ được tin đạo quân Đông Bắc của giặc về cứu viện Luy Lâu theo đường thủy đã bị Lê Chân nữ tướng đánh tan, còn đạo quân Tây Bắc do tên tướng nổi danh Lâm Thiệu Hưng cầm đầu theo đường bộ tiến về Luy Lâu cũng bị chặn đứng ở Bắc Yên Phong. Trưng chủ bèn cho bắn các tờ cáo yết nêu rõ hai việc đó trong thành kêu gọi nhân dân trong thành nổi dậy đánh giặc. Tô Định nhận được tin dữ hai đạo quân cứu viện bị tan, tâm thần hoảng hốt, các tướng Hán cũng đều sợ mất mật, bọn lính thì nháo nhác hoang mang. Đêm đó, quân ta vây thành rất gấp, tiếng reo dậy đất, lửa sáng rực trời. Nữ tướng quân Lê Thị Lan và phó tưóng Lê Anh Tuấn được lệnh đem quân bản bộ đánh mé sau thành, cả hai hăng hái dẫn quân đi. Lê nữ tướng hạ lệnh cho quân lấy rơm ướt bện vào ván làm mộc, lấy dây mây làm thang, đắp đất làm ụ, bỏ giáo cầm đao mà nhảy vào thành. Bấy giờ Lê nữ tướng tự tay đánh trống, Lê phó tướng hai tay hai đao dẫnđầu quân xông lên thành, quân sĩ đều gắng sức. Lần đánh thứ nhất, giặc từ cao ném đá đổ vôi xuống, quân ta không vào được thành. Lê phó tướng bị trúng tên. Lê nữ tướng một tay phất cao cờ hiệu, một tay vung kiếm báu, cất mình nhảy lên ụ cao. Chỉ một chốc ngọn cờ hiệu đã bay trên mặt thành, đỏ rực trong ánh đuốc (1)
Chú thích:
1. Thần tích xã Văn Lang huyện Hạ Hoà, Vĩnh Phú chép rằng trận hạ thành Luy Lâu, hai chị em Lê Thị Lan, Lê Anh Tuấn được phong ấp ở Đường Lâm và có trở lại trang Văn Lang rồi cả hai đều mất ở đó vào ngày 25 tháng tám âm lịch.
Núi non địa thế miêu tả trong trận trên, được kể lại theo truyền thuyết địa phương. Dãy núi này là nơi ba huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Yên Lập tiếp giáp nhau, và ngọn núi cao nhất có Ao Giời sau này được đặt tên là núi An. Theo lời các cụ thì nàng Lê Thị Lan đã mất ở đó. Các địa hình và địa danh Ao Giời, Tiên mẹ Tiên con, khe Nước chồi, Đồng thóc, Đồng phì nhiêu đều là có thật.