Chương mười hai


Số từ: 3041
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Richard đang đọc lại lá thư ngắn Kainene viết lúc máy bay hạ cánh ở sân bay Kano. Chàng chỉ mới vừa bắt gặp mẩu thư này khi chàng lục trong cặp hồ sơ để tìm một quyển tạp chí. Chàng ước gì chàng biết được mẩu giấy đã nằm trong cặp suốt mười ngày chàng ở London, chờ được đọc.
Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn mà em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải tình yêu là cải cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?
Chàng mỉm cười khi đọc. Trước đây, Kainene chưa bao giờ viết cho chàng như thế này. Chàng không tin là nàng đã viết bất cứ cái gì cho chàng, ngoại trừ những chữ chung chung như Thương, Kainene trên thiệp sinh nhật gửi cho chàng. Chàng đọc đi đọc lại, luyến tiếc từng chữ em đã được gò gẫm chu đáo đến nỗi những đường cong của nó như là một dấu ấn bằng bạc. Chàng không cảm thấy phiền hà khi chuyến bay bị đình trệ ở London và việc phải ngừng ở Kano để đổi máy bay đến Lagos càng làm chuyến bay của chàng trễ hơn nữa. Cái cảm giác nhẹ bỗng phi lý vẩn vơ quanh chàng; chuyện gì cũng có thể xảy ra, chuyện gì cũng có thể kiểm soát được. Chàng đứng dậy và giúp người đàn bà ngồi bên cạnh chàng mang hành lý xuống. Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn mà em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình?
"Ông tử tế quá", người đàn bà nói với chàng bằng tiếng Anh. Chuyến bay đầy những hành khách không phải người Nigeria. Nếu Kainene ở đây, chắc chắn nàng sẽ nhạo báng - Những tên Âu châu cướp cạn. Chàng bắt tay những người tiếp viên hàng không ở bậc thang lên xuống máy bay và băng qua khoảng trống từ đường băng. Nắng nóng nung người, một thứ nóng khiến chàng có cảm tưởng như bao nhiêu chất lỏng trong người bốc hơi hết, khô cạn hết, vì thế chàng có cảm giác nhẹ nhõm được vào phía trong mát mẻ. Chàng đứng trong hàng kiểm soát hải quan và đọc lại mẩu giấy của Kainene. Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Chàng sẽ cầu hôn nàng khi chàng về đến Port Harcourt. Nàng sẽ nói một câu như thế này, "Một anh chàng da trắng nghèo kiết xác mà đòi lấy vợ. Bố mẹ em sẽ bị đàm tiếu". Nhưng nàng sẽ nhận lời. Chàng biết nàng sẽ nhận lời. Gần đây có cái gì đó làm nàng trở nên dịu dàng hơn, lá thư ngắn trong mẩu giấy này được viết lên từ chính sự dịu dàng ấy. Chàng không biết chắc là nàng đã tha thứ cho chàng sau chuyện dính líu với Olanna - họ không bao giờ nói chuyện thẳng thắn với nhau về vấn đề này - nhưng lá thư ngắn này, sự cởi mở mới mẻ này đồng nghĩa với việc nàng đã sẵn sàng hướng tới tương lai. Chàng đang vuốt cho lá thư ngắn này thẳng thớm trong lòng bàn tay, khi một nhân viên da đen còn khá trẻ tiến đến gần chàng, "Ông có gì để khai báo không, thưa ông?"
"Không", Richard nói và đưa giấy nhập cảnh. "Tôi tiếp tục đi về Lagos".
"Vâng, đã xong xuôi cả rồi, thưa ông! Chào mừng ông đến Nigeria", nhân viên trẻ tuổi nói. Thân hình khá mập mạp, phục phịch làm anh ta có vẻ hơi luộm thuộm trong bộ đồng phục.
"Anh làm việc ở đây?" Richard hỏi.
"Vâng, thưa ông. Tôi đang trong giai đoạn tập sự. Khoảng tháng Mười hai tôi sẽ là nhân viên hải quan thực thụ".
"Tốt lắm", Richard nói. "Anh ở đâu?"
"Quê tôi ở miền Đông nam, một làng nhỏ tên Obosi".
"Láng giềng của Onitsha
"Ông biết nơi ấy sao, thưa ông?"
"Tôi làm việc ở Đại học Nsukka và tôi du ngoạn gần hết miền Đông. Tôi đang viết một quyển sách về khu vực này. Vị hôn thê của tôi quê ở Umunnachi, không xa chỗ của anh là mấy". Cảm giác tự mãn tràn ngập tâm hồn chàng, mấy chữ vị hôn thê của tôi buột ra khỏi môi chàng dễ dàng làm sao, cái dấu hiệu của một tương lai đầy hạnh phúc được chiều chuộng vợ. Chàng mỉm cười, chợt nhận ra nguy cơ nụ cười sẽ bật thành tiếng và chàng sẽ trở nên điên rồ. Cũng chỉ vì lá thư ngắn ấy.
"Vị hôn thê của ông?" Anh chàng trẻ tuổi nhìn có vẻ không mấy tán thành.
"Vâng. Tên cô ây là Kainene". Richard nói chậm rãi, cố gắng nói cho vần thứ hai được phát âm trọn vẹn.
"Ông có nói được tiếng Igbo không, thưa ông?" Có chút kính trọng mỏng manh trong mắt anh chàng.
"Nwanne di na mba", Richard nói bâng quơ, hy vọng mình không sai lầm và câu tục ngữ này có nghĩa là một người có thể có anh em ở một vùng đất khác.
"A! Ông nói được! I na-asu Igbo!" Anh nhân viên trẻ tuổi này nắm tay Richard bằng bàn tay ẩm ướt của mình, bắt tay chàng một cách thân mật rồi bắt đầu nói về bản thân. Tên anh ta là Nnaemeka.
"Tôi biết người Umunnachi rõ lắm, họ luôn kiếm chuyện rắc rối cho mình", anh ta nói. "Người dân vùng tôi đã nói trước cho em họ tôi biết là không nên lấy đàn ông Umunnachi, nhưng cô ấy chẳng chịu nghe lời. Ngày nào họ cũng đánh đập cô ấy cho đến khi cô ôm đồ về nhà cha mẹ. Nhưng không phải người nào ở Umunnachi cũng xấu. Họ hàng bên ngoại của tôi cũng ở vùng đó. Có bao giờ ông nghe nói về bà ngoại của tôi không? Nwayike Nkwelle? Ông nên viết về bà trong quyển sách của ông. Bà là một thầy thuốc có tiếng trong việc dùng thảo dược trị bệnh, và bà chữa bệnh sốt rét rất hay. Nếu bà mà bắt người ta trả nhiều tiền, chắc là tôi đang học y ở nước ngoài. Gia đình tôi không có tiền cho tôi đi du học, người ở Lagos phân phát học bổng cho những kẻ có thể hối lộ họ. Chính vì Nwayike Nkwelle mà tôi muốn học ngành y. Nhưng tôi không thể nói là công việc hải quan của tôi không tốt. Chúng tôi phải qua một kỳ thi tuyển để được nhận việc, rất nhiều người ghen tị. Chừng nào tôi được vào biên chế thì cuộc đời sẽ suôn sẻ hơn và sẽ ít nhọc nhằn hơn..."
Một tiếng nói, thứ tiếng Anh pha giọng Hausa rất lịch thiệp, thông báo hành khách đi chuyến bay từ London nên chuẩn bị lên máy bay để đến Lagos. Richard thấy nhẹ người. "Rất hân hạnh được tiếp chuyện anh, jisie ike", chàng nói.
"Vâng, thưa ông. Xin cho tôi gửi lời chào Kainene".
Nnaemeka quay trở lại bàn của anh ta. Richard cầm lấy cặp của mình. Cửa vào bên hông bỗng mở toang và ba người đàn ông ôm súng xông vào. Họ mặc đồng phục quân đội màu xanh lá cây. Richard tự hỏi là tại sao quân nhân lại làm chuyện mà khiến người ta phải chú ý đến họ nhiều như vậy, cả cái kiểu xông vào như thế nữa chứ, cho đến khi chàng nhìn thấy mắt họ đỏ ngầu, dữ tợn, không bình thường.
Người lính đầu tiên hất mũi súng về những người xung quanh. "Ina nyamiri! Đám Igbo đâu cả rồi? Ai là người Igbo ở đây? Lũ vô thần vô đạo ấy đâu hết rồi?"
Một người đàn bà hét lên.
"Mầy là người Igbo", người lính thứ hai nói với Nnaemeka.
"Không, tôi là dân ở Katsina! Katsina!"
Người lính đến gần anh ta. "Nói Allahu Akbar! 1 "
Cả căn phòng im lặng. Richard cảm thấy mồ hôi lạnh đè nặng lên mí mắt.
"Nói Allahu Akbar!", người lính lặp lại.
Nnaemeka quỳ xuống. Richard thấy nỗi sợ hãi khắc sâu trên mặt anh ta, đến nỗi nó làm thụt cả xương gò má, làm gương mặt anh ta biến thành một cái mặt nạ, hoàn toàn chẳng còn nét nào của anh ta. Anh ta không chịu nói Allahu Akbar bởi vì giọng của anh ta sẽ tố cáo anh ta là người Igbo. Richard cố gắng thầm bảo mình nói thử chữ này, cách nào cũng được, miễn là cố thử; chàng tự bảo mình cái gì đó, bất cứ cái gì, để cho nó xảy ra trong sự im lặng cứng ngắc này. Như để trả lời ý nghĩ của chàng, tiếng súng nổ đánh đoàng. Ngực của Nnaemeka vỡ toang, một mảng đỏ phụt ra tung tóe, Richard buông rơi lá thư ngắn trong tay chàng.
Hành khách nấp sau ghế. Đàn ông quỳ xuống, cúi mọp đầu xuống nền nhà. Có người nào đó hét lên bằng tiếng Igbo, "Mẹ tôi ơi, ô, mẹ tôi ơi, Chúa đã bảo là không!" Đó là người phục vụ rượu. Một trong mấy người lính đến gần anh ta, bắn, rồi chĩa súng bắn luôn vào những chai rượu xếp thẳng hàng sau lưng anh ta. Cả gian phòng tràn ngập mùi rượu whisky, Campari, và gin.
Có thêm lính vào, bắn, bắn, và bắn, nhiều tiếng la hét "Nyamiri!" và "Araba, araba" hơn. Người phục vụ ở quầy rượu đang quằn quại trên mặt đất. Âm thanh thoát ra khỏi miệng anh ta là tiếng ằng ặc từ cổ họng. Đám lính chạy ra ngoài đường băng, chui vào máy bay, lôi những người Igbo đã lên máy bay xuống, bắt họ đứng xếp hàng, bắn, rồi bỏ mặc xác của họ nằm đó, quần áo của họ sáng đủ các màu, rực rỡ trên một khoảng ngắn của đường băng đầy bụi. Các nhân viên an ninh của sân bay đứng gần đó, khoanh tay ngang bộ đồng phục của họ lẳng lặng nhìn. Richard cảm thấy mình tiểu ướt quần. Lỗ tai chàng vẫn còn tiếng chát chúa và đau đớn. Suýt nữa chàng lỡ chuyến bay, bởi vì lúc những người khác run rẩy lên máy bay, chàng đứng bên cạnh, nôn thốc tháo.
Susan vẫn còn đang mặc cái áo choàng tắm. Cô không có vẻ ngạc nhiên khi thấy chàng đến mà không báo trước. "Anh có vẻ kiệt sức", cô nói, vuốt má chàng. Tóc cô rối bời, bện lỏng lẻo phía sau, để lộ hai lỗ tai đỏ ửng.
"Anh mới về từ London. Máy bay dừng ở Kano", chàng nói.
"Thế à?" Susan trả lời. "Đám cưới của Martin thế nào?"
Richard ngồi bất động trên sofa; chàng không nhớ gì về chuyện đám cưới ở London cả. Susan không có vẻ để ý là chàng không nói lời nào. "Một chút whisky với nhiều nước?" Cô hỏi. Miệng hỏi mà tay đã rót rượu. "Kano có nhiều chuyện thú vị nhỉ?"
"Ừ", Richard nói, mặc dù trước đó chàng đã định kể cho cô nghe là chàng ngắm nhìn những người bán hàng rong, xe hơi, xe buýt trên những con đường chật chội ở Lagos một cách vừa thú vị vừa khôi hài thế nào, bởi vì đời sống tiếp tục quay cuồng ở đây, tự bao giờ, cứ như không có gì xảy ra ở Kano.
"Thật là kỳ cục, người miền Bắc chịu trả giá gấp đôi để thuê người ngoại quốc thay vì thuê người miền Nam. Nhưng ở đây có thể làm ra khá tiền. Nigel vừa mới gọi điện thoại báo cho em biết về bạn của anh ấy, John, một người Scotland gan dạ dễ sợ. John lái máy bay dân sự và làm giàu bằng cách chở người Igbo về nơi an toàn trong mấy ngày gần đây. Anh ta nói chỉ riêng ở Zaria đã có hàng trăm người bị giết".
Richard cảm thấy cơ thể như sắp có chuyện, chỉ muốn run bắn, muốn ngã quỵ. "Em có biết chuyện gì xảy ra ở đó lúc ấy không?"
"Dĩ nhiên là em biết. Em chỉ hy vọng nó đừng lan đến Lagos. Với những vấn đề này, người ta khó có thể đoán điều gì sẽ xảy ra". Susan uống ực ly rượu của cô, chỉ một ngụm. Chàng để ý màu da bợt bạt của cô, những giọt mồ hôi li ti trên mép cô. "Có rất nhiều, rất nhiều người Igbo ở đây - thật ra họ ở khắp nơi, phải không? Không phải là họ không biết chuyện sẽ xảy đến với mình. Nếu mà anh thử suy nghĩ về chuyện này anh sẽ thấy, họ cao ngạo, kéo bè kết cánh lũng đoạn thị trường. Rất giống người Do Thái, thật đó. Và nghĩ xem, họ khá kém văn minh, người ta không thể so sánh họ với người Yoruba, thí dụ điển hình những người này đã tiếp xúc với Âu châu ở vùng bờ biển rất nhiều năm. Em nhớ có người nào đó bảo em khi em mới tới đây ở về chuyện thuê người giúp việc là người Igbo, rằng chỉ cần ngó lơ một chút là họ sẽ trở thành chủ căn nhà và chủ luôn mảnh đất mà căn nhà xây trên ấy. Một ly nhỏ whisky nữa nhé?"
Richard lắc đầu. Susan tự rót cho mình thêm một ly nữa, lần này không pha nước. "Anh không thấy chuyện gì xảy ra ở Kano phải không?"
"Không", Richard trả lời.
"Họ không đến sân bay, có lẽ thế. Hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng phải không? Cái cách mà họ không thể kìm chế được lòng thù ghét lẫn nhau. Dĩ nhiên mình cũng có lúc ghét một người nào đó, nhưng cái chính là mình có thể kiểm soát bản thân. Văn minh và văn hóa dạy người ta biết tự kiểm soát".
Susan uống hết ly rượu rồi rót thêm ly nữa. Giọng cô oang oang lúc chàng đi vào phòng tắm và làm cơn nhức đầu của chàng nặng hơn. Chàng vặn nước. Cái vẻ bề ngoài không mấy thay đổi của chàng ở trong gương làm chàng khá kinh ngạc. Lông mày của chàng vẫn có vài cái mọc lộn xộn và mắt chàng vẫn một màu xanh như kính cắt. Đáng lẽ chàng phải biến dạng vì những điều mà chàng đã nhìn thấy. Nỗi nhục nhã của chàng đáng lẽ phải biến thành một mụn cóc màu đỏ trên mặt chàng. Chàng không cảm thấy chấn động vì cái chết của Nnaemeka mà lại thấy nhẹ nhõm vô cùng khi Kainene không có ở đấy cùng với chàng bởi vì chàng sẽ bất lực, không thể làm gì để bảo vệ nàng. Họ sẽ biết nàng là người Igbo và họ sẽ bắn nàng. Chàng không thể nào cứu mạng Nnaemeka, nhưng đáng lẽ chàng phải nghĩ đến anh ta trước. Chàng phải cảm thấy rã rời mất mát vì cái chết của người nhân viên trẻ tuổi này. Chàng trân trối nhìn mặt mình và tự hỏi thật sự đã xảy ra chuyện gì, không biết mình có thật sự chứng kiến cái chết của những người đó không, không biết mùi của những chai rượu bị bắn vỡ và những thân thể đẫm máu đó có phải chỉ là trong tưởng tượng của mình không. Nhưng chàng biết nó thật sự xảy ra và chàng tự hỏi điều này chỉ vì chàng tự bắt buộc mình. Chàng cúi đầu trên chậu nước và bắt đầu khóc. Nước chảy qua vòi kêu lên, nghe như tiếng hít mũi.
3. Quyển Sách: Thế Giới Im lặng Khi Chúng Tôi Chết
Ông viết về Độc Lập. Thế chiến thứ Hai làm đảo lộn trật tự thế giới. Chế độ vua chúa sụp đổ. Một người Nigeria danh giá xuất hiện. Ông ta phát biểu ý kiến và được nhiều người, phần lớn là người miền Nam chú ý.
Miền Bắc có vẻ chán chường; người ta lo sợ bị nhóm người miền Nam có học thức cao khống chế và vẫn hằng mong muốn có một quốc gia biệt lập từ những người ngoại đạo ở miền Nam. Nhưng người Anh đã phải giữ Nigeria nguyên trạng, vì đây là cái sản phẩm danh dự của họ, cái thị trường rộng lớn của họ, cái gai nhọn trong mắt người Pháp. Để giúp người miền Bắc, họ sắp đặt những cuộc tuyển cử tiền độc lập và viết hiến pháp mới để người miền Bắc được quyền kiểm soát toàn diện.
Miền Nam quá sốt sắng để được độc lập đã chấp nhận hiến pháp này. Với sự rút lui của người Anh, sẽ có nhiều chuyển biến tốt đẹp cho tất cả mọi người: Người Nigeria từ trước đến giờ vẫn không được hưởng mức lương tương đương với nhân viên "da trắng", bị từ chối tăng lương, và chưa từng được giao chức vụ cao nhất (chỉ dành riêng cho người da trắng). Không có gì được thay đổi, mặc kệ những lời kêu ca của nhóm người thiểu số; các miền đã tranh chấp lẫn nhau quá dữ dội đến độ có người còn đòi biệt lập các tòa đại sứ ngoại quốc.
Khi được độc lập năm 1960, Nigeria là tập hợp của những mảnh vụn kết hợp với nhau bằng một cái vòng nối mỏng manh yếu ớt.
--------------------------------
1 Tiếng Ả Rập, có nghĩa là God is Great. Chúa là đấng cao cả nhất.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nửa Mặt Trời Vàng.