Chương ba mươi


Số từ: 3617
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Richard cố nhích người càng xa hai ký giả Mỹ càng tốt, người chàng bị ép sát vào cửa của chiếc xe Peugeot. Đáng lẽ chàng nên ngồi ở ghế trước và bảo người cận vệ ngồi phía sau với họ. Nhưng thực tình chàng đã không ngờ họ lại hôi đến thế – Charles, người khá béo, đội cái mũ phớt mềm và Charles, tóc đỏ, cằm có râu cũng đỏ hung hung.
"Một ký giả miền Trung Tây nước Mỹ và một ký giả New York tới Biafra, cả hai chúng tôi đều tên Charles. Sự trùng hợp bất ngờ." Gã béo nói, cười ha hả sau khi họ tự giới thiệu với nhau. "Và mẹ chúng tôi đều gọi chúng tôi là Chuck!"
Richard không biết chắc chắn họ đã chờ bao lâu hước khi lên máy bay ở Lisbon nhưng họ phải chờ ở São Tomé hơn mười bảy giờ đồng hồ mới có chuyến bay tiếp tế đến Biafra. Họ cần phải tắm. Khi gã béo ngồi cạnh Richard bắt đầu nói về lần viếng thăm Biafra đầu tiên của mình lúc chiến tranh mới bắt đầu, Richard nghĩ anh ta cũng cần phải súc miệng nữa.
"Tôi đã đến bằng máy bay thứ thiệt và chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Port Harcourt", gã béo nói. "Nhưng lần này tôi ngồi trên sàn của một chiếc máy bay, bay mà không có đèn, đồng hành với tôi là hai chục thùng sữa bột. Chúng tôi bay, thấp thấy mẹ, tôi nhìn ra ngoài và thấy những hoa lửa vàng da cam của pháo phòng không Nigeria. Tôi sợ vãi ra quần." Gã cười, cái mặt nung núc mỡ to bè bè nhưng khá thân thiện, vui vẻ.
Gã tóc đỏ không cười. "Chúng tôi không biết chắc đó có phải là súng phòng không của Nigeria hay không. Cũng có thể của người Biafra lắm chứ."
"Ồ, đừng nói thế!" Gã béo liếc nhìn Richard nhung Richard giữ nghiêm nét mặt. "Chắc chắn đó là súng phòng không của Nigeria."
"Người Biafra hay lẫn lộn thức ăn và súng đạn trên máy bay của họ thì họ cũng có thể nhầm máy bay lắm chứ", gã tóc đỏ nói. Gã quay sang Richard. "Phải không?"
Richard không thích gã. Chàng không thích đôi mắt xanh nhợt và gương mặt lấm tấm những tàn nhang màu đỏ. Khi chàng gặp họ ở sân bay và đưa cho họ giấy phép đặc biệt, bảo cho họ biết chàng sẽ là người dẫn đường của họ, chàng đã không thích cái vẻ khinh bỉ nhạo báng trên mặt gã. Giống như gã muốn nói, Anh đang đại diện cho người Biafra đấy à?
"Các chuyến bay tiếp tế chỉ chở thức ăn thôi", Richard nói.
"Dĩ nhiên", gã tóc đỏ nói. "Chỉ có thức ăn thôi."
Gã béo nghiêng người chồm qua Richard để nhìn qua kính xe. "Tôi không thể nào tin được người ta vẫn còn lái xe và đi tới đi lui làm như là không có chiến tranh vậy."
"Cho đến khi nào bị máy bay tấn công, bỏ bom", Richard nói. Chàng ngả ra phía sau một chút và nín thở. "Chúng ta có thể đến xem chỗ lính Biafra đã bắn một công nhân hãng dầu lửa người Ý không?", gã tóc đỏ hỏi. "Chúng tôi có viết một bài về vụ ấy ở tờ Tribune, nhung tôi muốn tiếp tục viết một bài dài hơn."
"Không, không thể được", Richard trả lời cộc lốc.
Gã tóc đỏ nhìn chàng. "Ok. Nhưng anh có thể nói cho tôi biết tình hình có gì mới lạ không?"
Richard thở dài. Giống như có ai rắc tiêu rắc ớt vào vết thương của chàng: Hàng ngàn người Biafra chết và cái gã này chỉ muốn biết có tin tức gì mới về một người da trắng bị giết. Richard sẽ viết về điều này, nguyên tắc của báo chí phương Tây: Một trăm người da đen chết cũng chỉ bằng một người da trắng chết. "Chẳng có gì mới để kể cả", chàng nói. "Vùng đó bây giờ đã bị chiếm đóng."
Ở trạm kiểm soát, Richard dùng tiếng Igbo nói với một dân quân. Cô kiểm tra giấy phép của họ và cười có vẻ mời mọc với Richard, Richard cũng cười đáp lại; vẻ cao gầy và bộ ngực lép của cô làm Richard nghĩ đến Kainene.
"Cô ấy có vẻ rất khoái anh", gã béo nói. "Tôi nghe ở đấy người ta có thể dễ dàng chơi gái mà không cần trả tiền. Nhưng đàn bà con gái ở đấy mắc bệnh truyền nhiễm nhiều lắm? Bệnh Bonny đúng không? Các anh phải rất là cẩn thận nếu không muốn mang mấy thứ đó về nước."
Thái độ làm như cái gì gã cũng biết và cũng đúng ấy khiến Richard bực mình. "Vợ tôi quản lý trại tị nạn."
"Thế à? Bà ấy ở đây đã bao lâu?"
"Cô ấy là người Biafra."
Gã tóc đỏ đăm đăm ngó ra cửa sổ từ nãy đến giờ; hắn quay lại nhìn Richard. "Tôi có một ông bạn người Anh ở đại học cũng rất mê gái da màu."
Gã béo có vẻ ngượng, xuống giọng, nhỏ nhẹ. "Anh nói tiếng Igbo có giỏi không?"
"Cũng khá", Richard nói. Chàng muốn cho họ xem ảnh của Kainene và ảnh chiếc bình đồng nhưng chàng nghĩ tốt hơn hết là đừng làm thế.
"Tôi rất muốn được gặp bà nhà", gã béo nói.
"Hôm nay cô ấy đi vắng. Cô ấy cố tìm mua thêm thức ăn và đồ dùng cho trại."
Chàng bước ra khỏi xe trước và nhìn thấy hai người thông dịch đang chờ. Sự hiện diện của họ làm chàng phật ý. Thật ra thì đôi khi chàng cũng không nắm hết ý nghĩa của những câu thành ngữ, tục ngữ hay những thổ ngữ địa phương trong tiếng Igbo, nhưng ông Bộ trưởng lại quá nhanh nhảu trong việc gửi người thông dịch đến. Phần lớn những người tị nạn ngồi bên ngoài và nhìn họ với một vẻ tò mò không mấy lộ liễu. Có một người đàn ông gầy như bộ xương biết di chuyển đang đi vòng vòng, một con dao giắt đeo bên hông, nói lảm nhảm. Mùi thối rữa tràn ngập không khí. Một nhóm trẻ đang nướng hai con chuột trên đống lửa.
"Ôi, Chúa ơi!" Gã béo kéo mũ xuống, nhìn chòng chọc.
"Đám dân Nigger1 này không bao giờ chọn lựa thứ để ăn", gã tóc đỏ nói nhỏ.
"Anh nói cái gì?" Richard hỏi.
Nhưng gã tóc đỏ giả bộ không nghe thấy câu hỏi của chàng và đi nhanh về phía trước cùng một người thông dịch, nói chuyện với một đám đàn ông đang chơi kéo co.
Gã béo nói, "Anh biết không, cả núi thức ăn ở São Tomé bị gián bu đầy mà không có cách nào đưa vào đấy".
"Vâng." Richard ngừng một chút. "Anh có phiền không nêu tôi nhờ anh gửi vài lá thư? Cho bố mẹ vợ tôi ở London."
"Được, tôi sẽ gửi thư ngay sau khi tôi rời khỏi nơi này." Gã béo lôi ra một phong sôcôla từ ba lô của hắn, mở gói giấy và cắn hai miếng. "Này, tôi ước tôi có thể giúp anh nhiều hơn."
Rồi gã đi đến chỗ bọn trẻ, cho chúng một ít kẹo và chụp hình, lũ trẻ vây quanh gã xin thêm. Gã nói, "Đó là một nụ cười thật đáng yêu!". Sau khi gã rời bọn trẻ, chúng quay lại tiếp tục nướng chuột.
Gã tóc đỏ rảo bước, cái máy ảnh đeo ở cổ đong đưa theo bước chân. "Tôi muốn gặp người Biafra thật kia", gã nói.
"Người Biafra thật?" Richard hỏi.
"Ý của tôi là, hãy nhìn họ kìa. Họ có vẻ như chưa được ăn một bữa tử tế trong vòng hai năm nay. Tôi không thể nào tin được họ có thể nói về lý tưởng, Biafra và Ojukwu."
"Anh có thường xuyên quyết định anh sẽ chọn câu trả lời nào để mà tin trước khi anh phỏng vấn không?" Richard hỏi một cách ôn hòa.
"Tôi muốn đi thăm một trại tị nạn khác."
"Vâng, tôi sẽ đưa anh đi thêm một trại nữa."
Trại tị nạn thứ hai ở sâu hơn, xa thị trấn hơn, nhỏ hơn, ít hôi thối hơn và trước đây là chỗ họp làng. Có một người đàn bà chỉ có một tay đang ngồi ở bậc tam cấp kể chuyện cho một nhóm người. Richard nghe lỏm được đoạn cuối – "Nhưng bóng ma của người đàn ông hiện ra và nói với kẻ địch bằng tiếng Hausa, thế rồi họ để ngôi nhà yên" – và chàng thấy ghen tị với bà ta khi bà vẫn còn có thể tin vào chuyện ma quỷ.
Gã tóc đỏ ngồi xổm xuống bậc thang gần bà và bắt đầu hỏi qua người thông dịch.
"Bà có đói không?""Dĩ nhiên là đói, tất cả chúng tôi đều đói."
"Bà có hiểu nguyên nhân chiến tranh không?""Có. Bọn Hausa muốn giết hết chúng tôi, nhưng Chúa có mắt."
"Bà có muốn chiến tranh chấm dứt không?""Có chứ, Biafra sẽ chiến thắng."
"Nếu như Biafra không thắng thì sao?"
Người đàn bà nhổ toẹt xuống đất và nhìn người thông dịch trước rồi đến gã tóc đỏ, một cái nhìn đầy thương hại. Bà đứng dậy, bỏ vào trong.
"Không thể nào tưởng tượng được", gã tóc đỏ nói. "Bộ máy tuyên truyền của người Biafra độc đáo thật."
Richard biết loại người này. Anh ta giống như những tay chuyên bới móc các sự kiện liên quan đến Nixon ở Washington hay các thành viên trong nội các của Thủ tướng Wilson ở London. Đám người đó đến đây với những viên đạn cứng đanh nhưng những kết luận của họ còn chắc chắn hơn, rằng: người Nigeria không bỏ bom dân thường, nạn đói chỉ là điều phóng đại quá đáng, tất cả đều là những chuyện bình thường xảy ra trong thời chiến.
"Không có bộ máy tuyên truyền nào cả", Richard nói. "Anh càng bỏ bom vào dân thường nhiều chừng nào thì anh càng nuôi dưỡng cho sự chống đối tăng thêm nhiều chừng ấy."
"Có phải đó là Đài Phát thanh Biafra không?", gã tóc đỏ hỏi. "Nghe giống như trên radio vậy."
Richard không trả lời.
"Cái gì họ cũng ăn hết", gã béo lắc đầu nói. "Bất cứ thứ lá xanh quái quỷ gì cũng biến thành rau hết."
"Nếu Ojukwu muốn chấm dứt nạn đói, ông ấy chỉ cần chấp nhận một hành lang thực phẩm. Và đám trẻ con không phải ăn thịt chuột", gã tóc đỏ nói.
Gã béo đang chụp ảnh. "Nhưng chuyện không đơn giản thế, gã nói. "Ông ta cũng phải nghĩ đến vấn đề an ninh. Ông ta đang đấu tranh cho một cuộc chiến chó má."
"Ojukwu phải đầu hàng. Đây là trận tấn công cuối cùng của Nigeria và không có cách nào để Biafra giành lại những vùng đã bị chiếm."
Gã béo lấy ra thỏi sôcôla đã ăn một nửa từ trong túi.
"Thế rồi biafra làm gì với dầu mỏ khi họ đã mất hải cảng?", gã tóc đỏ hỏi.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục khai thác dầu ở những khu mỏ còn nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi ở Egbema", Richard nói, chẳng buồn giải thích Egbema ở đâu. "Chúng tôi chở dầu thô đến xưởng lọc ban đêm bằng xe thùng không đèn để tránh bị đánh bom."
"Anh cứ liên tục dùng chữ chúng tôi", gã tóc đỏ nói.
"Vâng, tôi cứ dùng chữ chúng tôi." Richarđ liếc nhìn gã. "Trước đây anh đã đến Phi châu lần nào chưa?"
"Chưa, lần đầu tiên. Sao thế?"
"Tôi chỉ tò mò thế thôi."
"Tôi có phải cảm thấy là mình thiếu kinh nghiệm về đường đi nước bước trong rừng không nhỉ? Tôi chịu trách nhiệm khu vực Á châu ba năm", gã tóc đỏ nói và mỉm cười.
Gã béo lục lọi ba lô, lôi ra một chai rượu brandy đưa cho Richard. "Tôi mua ở São Tomé. Chưa đụng đến giọt nào cả. Của quý đấy."
Richard cầm lấy chai rượu.
Trước khi chàng lái xe chở họ đến Uli để đón chuyến bay rời Biafra, họ đến một khu nhà dành cho khách, ăn tối có cơm và gà hầm; nghĩ đến việc chính quyền Biafra phải tốn bữa ăn cho gã tóc đỏ mà chàng thấy tức. Có một vài chiếc xe rời hay vừa đến sân bay; phía xa hơn, đường băng tối đen thăm thẳm. Ông quản lý sân bay trong bộ âu phục ka ki ôm sát người bước ra bắt tay và nói, "Máy bay sẽ hạ cánh ngay thôi".
"Thật hài hước là người ta vẫn phải theo quy tắc, luật lệ ở cái chỗ nhỏ như bãi cứt chó thế này", gã tóc đỏ nói. "Người ta đóng dấu vào giấy thông hành của tôi và hỏi tôi có gì phải khai báo với hải quan hay không."
Tiếng nổ làm rung chuyển mọi thứ. Người quản lý sân bay hét to, "Hướng này!". Họ chạy theo ông ta sang chỗ chưa xây xong. Họ nằm áp sát mặt đất. Mấy cánh cửa rung rinh, nghe loảng xoảng. Mặt đất run rẩy. Tiếng nổ ngưng bặt, tiếp đó có tiếng súng thưa thớt, ông quản lý sân bay đứng dậy phủi quần áo. "Hết nguy hiểm rồi. Đi thôi!"
"Ông điên rồi sao?" Gã tóc đỏ hét to.
"Chúng chỉ bắn khi nào đã thả hết bom, không có gì phải lo sợ nữa", người quản lý sân bay nói một cách nhẹ nhàng, dợm bước ra.
Trên đường băng, một chiếc xe tải đang đi vá lại mấy hố bom, đổ đá sỏi đầy miệng hố. Đèn ở đường băng bắt đầu nhấp nháy, tắt hẳn và bóng tối lại trở nên dày đặc; trong cái đen tối thăm thẳm ấy, Richard thấy đầu óc mình bềnh bồng. Ánh sáng lại lóe lên một chút, lâu hơn rồi tắt. Rồi lại bật lên và tắt. Một chiếc máy bay đang hạ cánh; rồi có tiếng chạy dằn rung chuyển trên đường băng.
"Nó tiếp đất rồi à?", gã béo hỏi.
"Phải", Richard nói.
Ánh đèn lại nháy lên rồi tắt. Ba chiếc máy bay vừa hạ cánh. Richard rất ngạc nhiên khi thấy mấy chiếc xe vận tải đã nhanh chóng lái đến gần, dù không có đèn pha. Mấy người đàn ông đã lôi những chiếc bao tải ra khỏi máy bay. Đèn bật rồi tắt. Phi công la hét om sòm. "Nhanh lên mấy thằng lười! Mang chúng đi. Bọn này không muốn hứng bom ở đây! Nhanh lên! Nhanh lên! Mẹ nó!" Có giọng Mỹ, giọng Phi châu, và giọng Ireland.
"Mấy thằng mất dạy đó có thể lịch sự hơn một chút", gã béo nói. "Họ được trả cả chục ngàn để chở đồ tiếp tế đấy."
"Mạng sống của họ đang bị đe đọa.
"Thì mạng của những người đang bốc dỡ hàng dưới mấy cái máy bay chó đẻ đó cũng thế."
Có người nào đó đốt một chiếc đèn bão và Richard tự hỏi không biết cái máy bay ném bom đang lượn lờ trên trời có nhìn thấy ánh sáng này không và có bao nhiêu cái máy bay ném bom của Nigeria đang bay lượn trên đầu họ.
"Có vài người của chúng tôi đi lủi vào mấy cánh quạt trong bóng tối", Richard bình thản nói. Chàng không hiểu tại sao mình lại nói thế, có lẽ muốn làm cho gã tóc đỏ giật mình mà không còn giữ vẻ ỷ y mình là giống siêu việt nhất trên đời.
"Rồi họ có bị gì không?" Gã béo hỏi.
"Anh nghĩ họ bị sao?"
Có một chiếc xe chầm chậm đến gần họ, không bật đèn. Nó đỗ gần đó, cửa mở ra rồi đóng lại. Ngay lập tức, năm đứa trẻ gầy yếu, Ốm đói và một bà sơ trong bộ đồ trắng lại gần họ. Richard chào bà sơ. "Chào sơ. Kee ka I me?".
Bà cười. "Ồ, ông là người onye ocha 2 nói tiếng Igbo. Ông là người viết những bài tuyệt vời về sự nghiệp của chúng ta. Hay lắm!"
"Sơ đi đến Gabon phải không?"
"Vâng." Bà bảo đám trẻ ngồi lên khúc gỗ. Richard đến gần nhìn chúng. Trong bóng tối lờ mờ, có thể thấy rõ gỉ mắt trắng nhoèn. Bà sơ đu đưa đứa nhỏ nhất trong vòng tay của mình, một con búp bê khô héo, chân gầy như que củi và bụng phồng lên như có thai. Richard không thể phân biệt đó là bé trai hay gái và đột nhiên điều này làm chàng nổi giận, phẫn nộ đến độ khi gã tóc đỏ hỏi, "Làm sao để biết lúc nào thì mình lên máy bay?", Richard làm ngơ.
Một đứa bé muốn đứng dậy. Nhưng nó vấp ngã, chúi sấp xuống không nhúc nhích. Bà sơ đặt đứa nhỏ nhất xuống đất và cúi nâng đứa bé vấp ngã. "Ngồi đây. Nếu các cháu chạy đi đâu ta sẽ phạt đấy", bà nói với mấy đứa kia trước khi vội vã bỏ ra ngoài.
Gã béo hỏi. "Đứa nhỏ ngủ hay bị làm sao?"
Richard cũng làm ngơ với anh ta.
Cuối cùng, gã béo lẩm bẩm, "Chính sách của Mỹ thật khốn nạn".
"Chính sách của chúng ta chẳng có gì sai cả", gã tóc đỏ nói.
"Quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Chính quyền của các ông biết dân chúng đang chết!" Richard lên giọng như quát.
"Dĩ nhiên chính phủ chúng tôi biết người ta đang chết", gã tóc đỏ nói. "Người ta đang chết ở Sudan, Palestine và Việt Nam. Người ta đang chết ở khắp mọi nơi." Gã ngồi bệt xuống đất. "Chúa chứng giám, tháng trước người ta mới vừa đưa xác thằng em tôi về từ chiến trường Việt Nam."
Cả Richard và gã béo đều không nói lời nào. Trong sự im lặng kéo dài sau đó, ngay cả tiếng những người phi công và tiếng bốc xếp hàng hóa cũng nhỏ dần. Sau đó, sau khi họ được chở vội vàng ra đường băng, chạy vụt lên máy bay và máy bay cất cánh trong ánh sáng lập lòe, tựa đề của quyển sách bỗng hiện ra trong đầu Richard: "Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết". Chàng sẽ viết sau chiến tranh, một bài tường thuật về chiến thắng đầy gian khổ của Biafra, một lời kết án thế giới. Trở lại Orlu, chàng kể cho Kainene nghe về mấy tay ký giả, về việc chàng đã cảm thấy rất cô đơn khi đi cùng họ và về tựa đề của quyển sách đã đến với chàng như thế nào.
Nàng nhướn mày thành hình vòng cung. "Chúng tôi? Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết?"
"Anh sẽ ghi chú là máy bay ném bom của Nigeria cẩn thận tránh bất cứ ai có giấy thông hành của Anh", chàng nói.
Kainene cười vang. Nàng cười mãi không thôi. Nàng cười khi kể với chàng về đứa bé mồ côi mẹ vẫn sống, về cô gái mà Inatimi bắt đầu yêu, về những người đàn bà hát trong các buổi chiều. Nàng cũng cười, trong buổi sáng mà chàng và Olanna cuối cùng cũng gặp lại nhau. Olanna lên tiếng trước, "Chào anh, Richard". "Olanna, xin chào cô", chàng nói. Kainene cười rồi nói, "Richard không thể bịa ra lý do nào để đi vắng nữa cả".
Chàng chăm chăm nhìn mặt Kainene để xem có sự nhẫn nhịn, có cơn giận dữ nào trở lại hay bất cứ cái gì đó. Nhung chẳng có gì cả; nụ cười của nàng làm mềm đi những nét sắc cạnh ở chiếc cằm của nàng. Những căng thẳng mà chàng đoán là sẽ có, cái sức nặng của ký ức và cả nỗi ân hận sẽ đến khi gặp lại Olanna hoàn toàn vắng bóng trên khuôn mặt nàng.
7. Quyển Sách: Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết
Thay cho lời bạt, ông viết một bài thơ, dựa theo một trong những bài thơ của Okeoma. Ông đặt tên nó là:
CÁC NGƯỜI CÓ IM LẶNG KHI CHÚNG TÔI CHẾT?
Anh có thấy những tấm hình năm sáu mươi tám
Những đứa trẻ mái tóc xác xơ
Những cái đầu bé xíu trốc ghẻ
Từng mảnh da trốc lở rơi như lá mục trên mặt đất
Thử tưởng tượng xem có những đứa trẻ tay như que tăm
Bụng như quả banh và da căng mỏng dính
Đó là kwashiorkor – một từ đến khó
Tội lỗi một chữ không tả hết sự ghê tởm xấu xa
Không cần phải tưởng tượng, đã có ảnh hình
Trên những trang bóng loáng của báo Life
Anh có thấy? Có chút xót thương ngắn ngủi
Rồi quay đi ôm vợ hay người yêu ?
Da chúng biến thành màu vàng bủng beo
Lộ rõ chằng chịt đường gân, mạch máu, trơ ra một bộ xương còi;
Những đứa trẻ trần truồng, nở nụ cười già trước tuổi
Sẽ chẳng chụp hình rồi bỏ đi, một mình.
--------------------------------
1 Người da đen.
2 Người da trắng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nửa Mặt Trời Vàng.