Chương 8


Số từ: 5504
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Một tuần sau khi trận dịch hạch kết thúc, Hoja chẳng những trở thành đại sư chiêm tinh, mà còn gần gũi với Padishah hơn cả chúng tôi mong đợi. Số là, sau trận bạo động không thành, tể tướng tâu với mẫu hậu rằng đã đến lúc phải giải tán đám hề vây quanh Padishah, bởi không chỉ thợ thủ công mà cả lính ngự lâm cũng cho rằng vì Ngài nghe theo những lời khuyến nghị dớ dẩn của bọn ngu dốt mà tai họa đã xảy ra và Ngài phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Do vậy, đồng bọn của cựu đại sư chiêm tinh Sitki Efendi, bị tình nghi chủ mưu vụ bạo động, người thì bị đày, người thì bị tống khỏi cung điện bằng cách cử đi nhận những chức vụ mới, nên công việc của họ cũng được giao cho Hoja.
Bây giờ ngày nào Hoja cũng đến một trong những cung điện của Padishah, Ngài thường xuyên bố trí được thì giờ để đàm đạo với anh ta. Về nhà, Hoja kể lại những cuộc mạn đàm ấy với vẻ đắc thắng: trước hết, anh ta giải những giấc mộng của Padishah - trong tất cả các trách nhiệm phải đảm đương, Hoja thích nhất việc này. Một hôm, khi Padishah buồn rầu thú nhận là đêm đến Ngài không mơ một giấc mơ nào, Hoja liền đề nghị đoán mộng của ai đó. Padishah rất thích ý tưởng này, Ngài lập tức ra lệnh cho thị vệ tìm đưa về ai đó đêm qua mơ thấy giấc mộng lành; cứ thế, đoán mộng buổi sáng trở thành thói quen của Ngài. Thời gian còn lại trong ngày Hoja cùng Padishah dạo chơi trong những khu vườn râm mát, nơi có những cây tiêu huyền cổ thụ, hoặc đi thuyền trên vịnh Bosphorus, Hoja kể cho Padishah nghe những câu chuyện về các con thú yêu quý của Ngài, dĩ nhiên là cả về những con thú mà chúng tôi tưởng tượng. Anh ta nói với Padishah về những chủ đề đã thảo luận với tôi một cách sôi nổi: những hải lưu ở Bosphorus do đâu mà có ? Ta có thể thu được lợi gì từ những con kiến tuân thủ quy luật nghiêm khắc của cuộc đời ? Ngoài ý muốn của Đức Allah, điều gì gây ra lực hút nam châm ? Tại sao cần phải biết các hành tinh chuyển động như thế nào ? Trong đời sống của bọn dị giáo, còn có điều gì đáng được nghiên cứu, ngoài việc chúng là quân dị giáo ? Có thể chế tạo được một loại vũ khí để mãi mãi tống khứ chúng đi nơi khác hay không ? Kể với tôi là Padishah chăm chú nghe những chuyện đó, Hoja bồn chồn ngồi bên bàn, phác thảo trên loại giấy đắt tiền sơ đồ của loại vũ khí ấy: những khẩu đại bác nòng dài, những bộ máy khiến cho súng có thể nổ tự động; những khẩu súng có hình dạng như những con quái vật thần thoại nào đó. Bảo tôi ngồi xuống bên bàn, anh ta yêu cầu tôi chứng kiến trí lực tưởng tượng của mình về những điều mà chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực.
Tôi muốn được chia sẻ với Hoja những công việc đó. Chắc là bởi tâm trí tôi vẫn còn tập trung vào trận dịch hạch, thời mà tình anh em gắn bó mong manh giữa chúng tôi đã từng tồn tại. Để mừng thành phố đã thoát khỏi bệnh dịch, một cuộc cầu nguyện tạ ơn lớn đã được tổ chức ở giáo đường Hagia Sophia, nhưng dịch hạch vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ thành phố. Những khi Hoja vào cung, tôi dạo chơi lang thang trong thành, đếm những cái xác vẫn tiếp tục được khiêng ra từ những giáo đường có các ngôi tháp thâm thấp - các khu phố giàu có, cũng như từ những giáo đường nghèo nàn, với những mái lợp gạch men rêu phủ. Không hiểu sao tôi lại không muốn dịch hạch rời bỏ thành phố và chúng tôi.
Hoja khoe khoang về chuyện anh ta gây được ảnh hưởng đối với Padishah và nói về thắng lợi, nhưng tôi giải thích là trận dịch hạch vẫn chưa dứt hẳn, do các biện pháp phòng tránh đã bị hủy bỏ nên trận dịch có thể bùng phát lần nữa với sức mạnh mới. Hoja giận dữ ngắt lời tôi và nói là tôi ghen tỵ với thành công của anh ta. Tôi tán thành: dĩ nhiên, giờ đây anh ta đã thành đại sư triều đình và sáng nào cũng giải mộng cho Padishah, anh ta bắt được Padishah nghe mình, cho dù bọn quần thần ngu ngốc ngăn cản, đó là những điều mà chúng tôi đã chờ đợi mười lăm năm liền, đây quả là một thắng lợi. Tuy nhiên, tại sao anh ta lại coi đó chỉ là thành công của riêng mình ? Anh ta dường như đã quên rằng chính tôi là người đề ra các biện pháp đối phó với dịch hạch, và bảng lịch, về sau hóa ra chẳng chính xác lắm, nhưng nói chung vẫn được chấp nhận cũng là do tôi lập ra; và đáng giận thay, anh ta cũng không nhớ tới chuyện đã đâm bổ ra đảo để đón tôi về, mà chỉ nói đến chuyện tôi trốn ra đó.
Có lẽ anh ta đã có lí khi nói là tôi ghen tỵ, nhưng đó là nỗi ghen tỵ của một người anh em không được người ta thừa nhận. Để Hoja hiểu ra như vậy, tôi nhắc cho anh ta nhớ rằng trước trận dịch hạch chúng tôi đã ngồi hàng đêm ở hai phía chiếc bàn, như hai người độc thân cố quên nỗi cô đơn của mình, tôi nhắc cho anh ta nhớ rằng tôi và anh ta đã từng lo sợ như thế nào, nhưng những nỗi lo ngại đó đã dạy cho chúng tôi khá nhiều điều bổ ích, và khi sống trên đảo, tôi đã buồn nhớ anh ta biết bao. Hoja ngồi nghe với vẻ khinh khỉnh, như thể vạch trần tính giả dối của tôi đang phát lộ trong trò chơi mà chưa bao giờ anh ta tham gia; anh ta không cho tôi một chút hy vọng và cũng chẳng hứa hẹn một lúc nào đó cả hai sẽ trở lại những ngày huynh đệ vui vẻ.
Lang thang qua các khu phố, tôi nhận thấy tuy các phương sách phòng ngừa được hủy bỏ, nhưng trận dịch hạch đã bị đẩy lùi, như thể không muốn gieo rắc nghi ngờ lên cái điều mà Hoja gọi là thắng lợi. Đôi khi tôi lấy làm lạ, không hiểu sao tôi lại thấy buồn bã khi nỗi sợ hãi nặng nề trước cái chết đã biến đi đâu mất. Có khi tôi lại ước sao cho chúng tôi không bàn về những giấc mơ của Padishah và không nói về những đề án Hoja đang đề xuất với Ngài, mà nói về một điều gì khác hơn: từ lâu, mặc dù sợ chết, tôi sẵn sàng cùng anh ta đứng trước chiếc gương đáng sợ mà anh ta đã tháo từ trên tường xuống từ lúc nào ! Nhưng lâu nay Hoja nhìn tôi với vẻ khinh mạn, hoặc làm ra vẻ là đang nhìn tôi như thế, mà tệ hơn, đôi khi anh ta thậm chí chẳng thèm tỏ ra khinh rẻ nữa.
Thỉnh thoảng, để đưa Hoja quay trở về những ngày tháng hạnh phúc trước đây, tôi đề nghị anh ta cùng ngồi xuống bên bàn. Một vài lần tôi ngồi vào bàn và thử viết điều gì đó để làm gương, nhưng anh ta thậm chí không thèm nghe tôi nói. Khi tôi đọc những gì viết được, trong đó hơi phóng đại về nỗi khiếp sợ dịch hạch, về mong muốn thực hiện một hành động xấu xa nào đó, về nỗi sợ bẩm sinh, và về nhiều hành vi khác của tôi, anh ta đáp lại một cách thô lỗ, với sự tự tin được nuôi dưỡng không chỉ bằng cảm giác thắng lợi của anh ta mà bằng cả sự thất vọng của tôi: vào những ngày ấy anh ta đã hiểu là tất cả cái trò viết lách ấy chỉ là nhảm nhí, hồi trước anh ta tham gia trò chơi ấy chẳng qua vì buồn chán mà thôi. Anh ta tham gia vào trò nhảm nhí đó để xem thử nó sẽ dẫn đến đâu, và cũng để thử thách tôi; anh ta đã hiểu tôi là loại người như thế nào rồi khi tôi bỏ trốn, tưởng anh ta bị lây dịch hạch ! Tôi là người có lỗi ! Con người ta thường được phân chia thành hai loại: loại đúng đắn như anh ta, và loại như tôi, những kẻ đầy tội lỗi.
Tôi đánh giá những lời đó như sự ngây ngất chiến thắng và không hề đáp lại. Trí óc tôi vẫn sáng suốt như trước, nên khi quan sát bản thân mình, thấy những cơn giận bột phát trong những tình huống nho nhỏ hàng ngày, tôi nhận ra là mình có thể có những cơn cuồng nộ trong trường hợp Hoja khiêu khích tôi bằng những lời công kích, nhưng tôi không biết Hoja sẽ rơi vào tình trạng thế nào nếu anh ta thấy tôi phản ứng như vậy trước những lời công kích đó. Tôi cảm thấy mình đã không còn nhận thức được mục đích của mình như những ngày tôi trốn Hoja và sống trên đảo Heybeli. Điều gì sẽ xảy ra, nếu tôi trốn được về Venice ? Từ lâu lắm rồi, tôi đã chấp nhận rằng mười lăm năm ấy mẹ tôi đã mất, vợ chưa cưới của tôi đi lấy chồng, đẻ con, càng ngày họ càng ít xuất hiện trong các giấc mơ của tôi, và nếu như những năm đầu tiên tôi dường như sống cùng họ ở Venice, thì giờ đây tôi sống ở Istanbul cùng với họ. Tôi hiểu là nếu về được Venice thì tôi phải bắt đầu cuộc sống không phải ở giai đoạn bị ngắt quãng, mà phải làm lại tất cả từ đầu. Ngoài một vài quyển sách mà tôi dự định sẽ viết về người Thổ và cuộc sống nô lệ của mình, chẳng có tình tiết nào từ cuộc đời ấy khiến tôi quan tâm nữa.
Có những khi tôi tưởng rằng Hoja khinh bỉ tôi, vì anh ta hiểu được điểm yếu của tôi - sự xa rời Tổ quốc và sự tồn tại vô mục đích - nhưng cũng có thể anh ta chẳng đoán được tôi đang suy nghĩ những gì. Anh ta ngây ngất vì thắng lợi và mơ ước về thứ vũ khí diệu kì mà hàng ngày anh ta miêu tả chi tiết cho Padishah nghe và chắc là gây ấn tượng mạnh đối với Ngài, đến nỗi anh ta chẳng buồn đếm xỉa đến tôi nữa. Tôi nhận thấy mình đang ghen tỵ với sự may mắn của Hoja. Tôi thích thú với sự bồn chồn của anh ta trước một thắng lợi đáng ngờ, trước những đề án vô tận của anh ta, tôi yêu mến ánh mắt của Hoja khi anh ta ngắm đôi tay mình mà nói anh ta đang nắm giữ Padishah. Tôi không thể thú nhận ngay cả với mình, nhưng mỗi khi quan sát dáng đi, cử động của anh ta, có lúc tôi tưởng rằng tôi đang ngắm chính bản thân mình. Đôi khi vẫn có chuyện ai đó dường như nhận ra mình qua một đứa trẻ hoặc chàng trai nào đó, rồi vừa tò mò vừa mến mộ quan sát đứa bé hoặc người thanh niên ấy. Điều đó cũng y hệt như sự tò mò và kinh hãi của tôi. Tôi thường nhớ lại cái lần Hoja dang hai tay ôm lấy đầu tôi và nói: "Ta đã trở thành nhà ngươi rồi
, nhưng khi tôi nhắc Hoja về những ngày ấy, anh ta đột ngột ngắt lời tôi và bắt đầu thuật lại những gì anh ta nói với Padishah trong ngày hôm ấy, để Ngài tin khả năng chế tạo một loại vũ khí mới, hoặc giảng giải tỉ mỉ về chuyện anh ta đả đoán mộng cho Padishah như thế nào, để lái các ý nghĩ của Ngài về hướng cần thiết.
Hoja muốn tôi tin tưởng ở những thành công rực rỡ mà anh ta miêu tả một cách sinh động. Thỉnh thoảng tôi cũng tin, tôi sẵn lòng đặt mình vào vị trí của anh ta và hoàn toàn thả mình trôi theo những mơ ước ấy. Những khi đó tôi càng yêu bản thân mình và Hoja hơn, say sưa nghe những câu chuyện của anh ta như một chàng ngốc há mồm nghe chuyện thần thoại, và tôi có cảm tưởng như anh ta đang kể về mục tiêu chung và tương lai tươi đẹp của cả hai chúng tôi.
Và cứ như thế, tôi đã bắt đầu tham gia vào việc giải mộng cho Padishah. Hoja định thức tỉnh Ngài, lúc này đã hai mươi mốt tuổi, để Ngài nắm chắc hơn nữa quyền lực về tay mình. Anh ta giải thích cho Padishah rằng những con ngựa phóng như bay mà Ngài mơ thấy rất bất hạnh vì chúng không có chủ, còn những con sói khát máu ngoạm vào cổ kẻ thù thì lại sung sướng vì chúng được tự do thực hiện ý đồ của mình, những người thiếu phụ đang khóc và các cô gái mù, cũng như những cây cối bị rụng lá dưới trận mưa đen ngòm đang cầu xin Ngài ra tay cứu độ, những con nhện thiêng và những con chim ưng oai vệ là dấu hiệu của sự cô đơn kiêu hãnh. Chúng tôi mong muốn khi Padishah nắm lấy quyền lực thì Ngài sẽ quan tâm đến sự nghiệp khoa học của chúng tôi, thậm chí chúng tôi sử dụng cả những giấc mơ dữ của Ngài để đạt được điều đó. Giống như phần lớn những người đi săn, sau một ngày mệt nhọc, đêm đến Padishah thường mơ thấy người ta săn đuổi mình, hoặc mơ thấy con trai của Ngài đang ngồi trên ngai vàng. Hoja giải thích là Padishah sẽ luôn luôn trẻ trung khi trị vì đất nước, nhưng muốn thoát được những cạm bẫy mà những kẻ thù tiềm ẩn của chúng tôi đang giăng ra thì Ngài phải sử dụng một loại vũ khí tối tân hơn vũ khí của chúng. Padishah mơ thấy Sultan Murat, ông nội của Ngài, chém con lừa thành hai nửa để biểu diễn sức mạnh đôi tay của mình, rồi cả hai nửa của con lừa đuổi nhau, nhưng mỗi lúc khoảng cách giữa chúng lại càng dài thêm; Ngài mơ thấy mụ phù thủy - chính là bà nội Kosem Sultan sống lại, trần truồng, quay về bóp cổ hai mẹ con Ngài; trên những cây vả mọc nối tiếp vào hàng tiêu huyền ở At Meydani, lẽ ra phải có những quả vả thì lại thấy những xác người lủng lẳng; những kẻ xấu có khuôn mặt giống Ngài theo đuổi Ngài khắp nơi để trùm Ngài vào bao tải mà giết; một đàn rùa biển hướng tới cung điện, trên mai chúng có những ngọn nến đang cháy, gió cũng không thổi tắt được. Padishah kể lại những giấc mơ ấy, còn chúng tôi nghĩ thật bất công khi có những kẻ nói Ngài bỏ bê công việc, chỉ say mê săn bắn và súc vật. Tôi kiên nhẫn chép các giấc mơ ấy vào quyển vở và cố bàn luận sao cho có lợi cho khoa học và vũ khí cực kì tối tân mà chúng tôi sẽ chế tạo.
Hoja cho rằng càng ngày chúng tôi càng có ảnh hưởng đối với Padishah, nhưng tôi chẳng tin lắm vào thành công của mình. Hoja được Padishah hứa là sẽ xây đài thiên văn hoặc ngôi nhà khoa học, hoặc chế tạo vũ khí mới, nhưng sau những đêm chúng tôi sôi nổi bàn tính kế hoạch tương lai, nhiều tháng đã trôi qua, trước khi Hoja có được dịp đề cập lại một cách nghiêm túc với Ngài về vấn đề đó dù chỉ một lần. Một năm sau khi tể tướng Koprulu mất, Hoja lại có cớ để hy vọng: trước đây Padishah sợ Koprulu hùng mạnh và không dám thực hiện các ý tưởng của mình, nhưng bây giờ viên tể tướng này đã chết, con trai ông ta lên nắm chức vụ đó lại không có được sức mạnh và ảnh hưởng của cha mình, đã đến lúc chờ Padishah đưa ra những quyết định táo bạo.
Ba năm tiếp theo chúng tôi sống trong sự chờ đợi các quyết định đó. Tôi không cảm thấy kinh ngạc vì Padishah lần lữa do mải mê với các cuộc đi săn và những giấc mộng, mà ngạc nhiên vì đến tận lúc này Hoja vẫn gắn kết những niềm hy vọng của mình với Ngài. Suốt những năm tháng đó tôi vẫn chờ đợi cái ngày mà anh ta thất vọng và trở nên giống như tôi ! Hoja đã không còn nói về thắng lợi của mình với sự háo hức như trước kia nữa, tôi không cảm thấy ở anh ta sự hào hứng như hồi nào sau trận dịch hạch, nhưng anh ta vẫn còn hy vọng là sẽ thúc đẩy Padishah thực hiện những dự định to tát. Và lúc nào anh ta cũng kiếm được lí do để bào chữa cho sự chần chừ của Padishah: sau trận hỏa hoạn lớn ập xuống Istanbul, nếu Padishah chi khối lượng tiền lớn cho dự án thì những kẻ thù địch sẽ đưa em trai Ngài lên ngôi; hiện giờ Padishah không thể làm gì, vì quân đội của Ngài đang hành binh tới Hungary; đến năm tới thì lại do quân đội đánh bọn Đức; sau đó thì lại phải xây cho xong giáo đường Eni Jamy (thánh đường Hồi giáo ở Istanbul (1594-1663) trên bờ vịnh Sừng Vàng, một công trình rất tốn phí, nơi Hoja vẫn cùng Padishah và mẫu hậu Turhan Sultana (mẹ của sultan Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet IV) của Ngài thường đến; rồi lại còn vô số những cuộc đi săn mà tôi không tham gia. Trong khi chờ Hoja đi săn trở về, tôi cố gắng thực hiện các ủy thác của anh ta, lười biếng giở những trang sách để tìm kiếm những ý tưởng lỗi lạc dành cho cái mà anh ta gọi là "dự án lớn" hoặc "khoa học".
Tôi đã không còn thấy phấn chấn trước những mơ ước về các dự định mà dù có được thực hiện thì thành quả của chúng cũng chẳng khiến tôi quan tâm. Cũng như tôi, Hoja biết là trong các hiểu biết của chúng tôi về thiên văn, địa lý hay khoa học tự nhiên, những thứ mà chúng tôi say mê trong những năm đầu tiên gặp nhau, giờ đây chẳng bám víu được vào cái gì: chiếc đồng hồ, các thiết bị, các mô hình đã bị quên lãng và han gỉ từ lâu. Chúng tôi đã gác tất cả những cái đó cho đến khi có cơ hội thực hiện cái điều mơ hồ mà Hoja gọi là "khoa học", chúng tôi bị hấp dẫn không chỉ bởi cái "dự án lớn" sẽ cứu chúng tôi thoát khỏi thảm họa, mà cả những mơ ước về vô số dự án. Để được ở bên cạnh Hoja, tôi cố gắng tin tưởng vào những ý tưởng viễn vông mà tôi thấy chẳng có gì hấp dẫn, cố gắng nhìn bằng đôi mắt của anh ta những trang sách mà tôi lật giở, những ý tưởng có lúc đã hiện ra trong đầu tôi, tóm lại tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của anh ta. Khi Hoja đi săn trở về, tôi làm ra vẻ đã tìm được một điều gì đó mới mẻ cho dự định mà trước khi ra đi anh ta bảo tôi suy nghĩ, và làm ra vẻ nhờ những tìm kiếm của tôi mà chúng tôi sẽ có thể thay đổi tất cả mọi việc; tôi nói về sự lên xuống của thủy triều có thể liên quan đến nhiệt độ của nước sông đổ vào biển, hoặc về chuyện dịch hạch lây lan qua những giọt nước li ti trong không khí và sẽ lui dần khi thời tiết thay đổi; hay về chuyện chúng ta có thể chiến thắng tất cả mọi kẻ thù, nếu chế tạo được những đại bác rất mạnh, có bánh lăn và nòng súng dài; hoặc về chuyện Vũ trụ quay quanh Mặt Trời, còn Mặt Trời thì quay quanh Mặt Trăng. Vừa nghe tôi nói, Hoja vừa cởi bộ quần áo đi săn bụi bặm và lúc nào cũng nói một câu duy nhất khiến tôi không khỏi mỉm cười: "Thế mà bọn ngu dốt của chúng ta không hề ngờ được là có những điều như thế !"
Sau đó một cơn giận dữ xâm chiếm anh ta, khiến tôi cũng thấy giận lây: anh ta kể là Padishah ngồi trên lưng ngựa mấy tiếng đồng hồ liền để đuổi theo một con lợn lòi phát cuồng hoặc tuôn nước mắt một cách ngu ngốc trước con thỏ bị lũ chó săn vồ được; vừa tức giận, Hoja vừa thú nhận là những gì anh ta nói với Padishah trong buổi đi săn đã từ tai này chui qua tai kia như nước đổ lá khoai, rồi anh ta nhắc đi nhắc lại: "Biết đến bao giờ bọn ngu muội này mới thấy được chân lý ? Không biết vì ngẫu nhiên hay do quy luật mà bọn ngu muội ấy tìm thấy nhau ? Sao mà chúng nó ngu muội như vậy ?"
Cứ như thế, anh ta bắt đầu nhận thức được cần quay lại theo đuổi cái mà anh ta gọi là "khoa học" - Lần này là để hiểu được đầu chúng nó nhét đầy những thứ gì. Khi hai chúng tôi, hầu như đã căm thù nhau, cùng ngồi vào hai phía chiếc bàn, tôi thiết tha khao khát muốn bắt đầu làm cái mà anh ta gọi là "khoa học", bởi tôi nhớ lại những ngày tuyệt vời khi chúng tôi cùng giống nhau đến vậy, nhưng sau một vài cố gắng, chúng tôi đều hiểu ra mọi thứ đã không còn như trước đây nữa.
Giờ thì tôi không còn đả kích Hoja như trước được nữa, vì tôi không biết lái anh ta về hướng nào và tác động bằng cách nào. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giờ đây tôi đã tiếp nhận những đau khổ và thất bại của anh ta như của chính bản thân mình. Một hôm, tôi quan sát Hoja, khi tôi nhắc Hoja về sự ngu muội cửa những nhà cầm quyền sở tại, thậm chí tôi còn phóng đại sự ngu muội đó lên, bắt Hoja cảm thấy anh ta cũng chẳng khác gì bọn họ và sẽ không tránh khỏi thất bại. Anh ta phản đối tôi kịch liệt và khẳng định rằng thất bại là không nhất thiết, bởi vì, nếu như chúng tôi vượt lên trước "bọn chúng", nếu như chúng tôi thực hiện được dự án chế tạo vũ khí mới của mình, thì dòng chảy của con sông đang cố kéo chúng tôi quay ngược lại sẽ được nắn dòng về hướng mà chúng tôi mong muốn. Anh ta khiến cho tôi hởi lòng hởi dạ vì đã không nói về một đề án cụ thể nào, mà nói về "những dự án", như đã từng làm trong những ngày chúng tôi rơi vào thất vọng. Nhưng cũng trong thời gian đó, anh ta bị nỗi lo sợ thất bại xâm chiếm, và tôi thấy anh ta hệt như một đứa bé mồ côi, tôi thích nỗi buồn rầu và cơn giận dữ của anh ta, nhắc tôi nhớ lại những ngày đầu chung sống; tôi muốn mình cũng thành một người giống như anh ta vậy. Khi tôi ngắm anh ta đi lại vật vờ trong nhà hoặc bước ra con phố bẩn thỉu dưới cơn mưa như trút, hoặc khi anh ta nhìn ánh sáng mờ nhạt lay động bên trong những ô cửa sổ những ngôi nhà bên vịnh Sừng Vàng, như thể tìm kiếm một thứ gì ở đó có thể phục hồi hy vọng, tôi nghĩ đó không phải là Hoja, mà chính là tuổi trẻ của tôi đang quằn quại trong những nỗi thống khổ. Như thể cái người đã từng là tôi đã bỏ tôi lại nơi đây mà đi mất, còn tôi thì đang thiêm thiếp ngủ trong góc nhà, cố tìm cách hồi tưởng về quá khứ để khôi phục lại khát vọng được sống.
Tôi đã quá mệt mỏi trước những xúc cảm triền miên vô tận ấy. Kể từ khi Hoja trở thành đại sư chiêm tinh của triều đình, lãnh địa của chúng tôi ở Gebze mở rộng thêm, thu nhập tăng lên. Hoja không cần phải làm thêm gì, ngoài việc suốt ngày đàm đạo với Padishah. Thỉnh thoảng chúng tôi về Gebze, thăm lại những cối xay cũ đổ nát, hoặc những làng mạc có những đàn chó chăn cừu chạy ra đón chúng tôi trước tiên, kiểm tra sổ sách, tìm cách xác định xem đã bị kiahia lừa mất bao nhiêu tiền. Thi thoảng chúng tôi cảm thấy vui vẻ, còn phần nhiều thường ngồi buồn bã và thở dài mà viết những câu chuyện dâng lên Padishah để Ngài giải trí. Ngoài ra chúng tôi chẳng biết làm gì khác. Nếu như tôi không vật nài cho kì được, chắc cả tôi lẫn Hoja cũng sẽ từ bỏ những cuộc tiêu khiển thú vị với đàn bà mà thỉnh thoảng chúng tôi bày ra.
Điều khiến Hoja cảm thấy xúc phạm nhất là sau khi quân đội và các vị quan rời Istanbul hành binh đến Đức và các pháo đài trên đảo Cret (đảo ở phía Đông Địa Trung Hải, thuộc Hy Lạp. Năm 1669, bị đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm chiếm), Padishah bạo dạn hẳn lên, Ngài không nghe theo lời khuyên của mẫu hậu, lại tập hợp quanh mình những kẻ nói phét, ngu dốt và ăn bám đã từng bị tống cổ ra khỏi triều đình. Cảm thấy ghê tởm trước bọn lừa đảo ấy, Hoja quyết định không gần gũi tiếp xúc với họ, để tách khỏi đám đông đó và thể hiện ưu thế của mình, nhưng theo lệnh Padishah, mấy lần anh ta buộc phải nghe những cuộc tranh cãi của họ. Tại các cuộc luận đàm ấy bọn họ bàn cãi xem loài vật có linh hồn hay không, nếu có thì là những loài cụ thể nào, những loài nào sẽ lên thiên đường còn những loài nào phải xuống địa ngục, con hàu cái khác con hàu đực như thế nào, mỗi buổi sáng lại có một mặt trời mời mọc lên, hay vẫn chỉ mỗi một mặt trời ấy... Sau những cuộc tranh luận như vậy Hoja đi về, mất hết hy vọng vào tương lai và nói rằng nếu sắp tới không làm một điều gì đó thì Padishah sẽ tuột khỏi tay chúng tôi mất.
Tôi vui mừng đồng ý với Hoja, vì anh ta nói về những đề án của "chúng ta", về tương lai của "chúng ta". Để phân tích điều gì hiện giờ đang xảy ra với Padishah, có lần chúng tôi lôi ra những quyển vở từ nhiều năm trước tôi đã ghi chép các sự kiện, cũng như các hồi kí của hai người. Chúng tôi tìm cách sắp xếp lại các ý kiến của Padishah để hiểu được tâm tư của Ngài, nhưng kết quả chẳng có gì đáng an ủi. Hoja vẫn tiếp tục nói về thứ vũ khí lạ thường sẽ cứu vớt chúng tôi, về những nhiệm vụ mà chúng tôi phải khẩn trương giải quyết, nhưng anh ta xử sự như thể không nhận ra tai họa khủng khiếp đang đến gần. Chúng tôi bàn luận về chủ đề này hàng mấy tháng liền.
Liệu chúng tôi có hiểu được chuyện hết nước này đến nước khác tách khỏi đế chế đang là một thảm họa hay không ? Chúng tôi đem bản đồ trải trên bàn rồi buồn rầu xác định - lúc đầu là những nước nào, sau đó là những núi nào, sông nào đế chế đã mất đi. Hay thảm họa chính là sự thay đổi không nhận thấy của con người và niềm tin ? Chúng tôi hình dung một ngày đẹp trời nào đó, dân chúng Istanbul bỗng thức dậy từ chăn đệm ấm áp và trở thành những người xa lạ, họ không còn biết cách mặc quần áo quen thuộc của mình, không còn nhớ các ngọn tháp của giáo đường dùng để làm gì. Mà có thể tai họa chính là khi ta nhìn thấy ưu thế của người khác và cố gắng bắt chước cho giống họ ? Những khi đó Hoja lại đề nghị tôi kể về cuộc sống ở Venice, rồi chúng tôi đối chiếu cuộc sống ở đây với những hồi tưởng của tôi về thời thơ ấu.
Chúng tôi quyết định tâu với Padishah về những mơ ước của mình, những mơ ước đang khiến cho thời gian trôi đi không thể nhận thấy, như một phương tiện cứu vãn cuối cùng. Chúng tôi đồ rằng những cảnh tượng thảm họa được thấy tựa như trong những giấc mơ nhiều màu sắc sẽ khiến cho Ngài lo lắng. Những cảnh tượng đó, suốt hàng tháng liền, trong những lúc tiêu khiển buồn bã và vô vọng, chúng tôi đã bịa ra, và trong những đêm tăm tối tĩnh lặng chúng tôi mô tả lại trong quyển sách hình ảnh những người gù khốn khổ, những con đường lầy lội bẩn thỉu, những tòa nhà xây dựng dở dang, những đường phố tăm tối quái gở; những con người đang đọc kinh cầu nguyện mà chính họ chẳng hiểu gì, những ông bố bà mẹ âu lo, những con người bất hạnh có dùng cả đời cũng không đủ thời gian kể cho chúng tôi về các công trình được sáng tạo, được viết ra ở các xứ sở khác; những bộ máy không vận hành được; những con người tuôn lệ khóc thương thời hạnh phúc đã qua; những con chó hoang gầy còm, da bọc xương; những nông dân không ruộng đất, những thị dân thất nghiệp lang thang, những giáo dân đạo Hồi vô học mặc quần (thông thường, do khí hậu nóng nực, những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ thời ấy chỉ mặc loại áo choàng mintan rộng, nên coi việc mặc quần là chuyện khác thường) và tất cả các cuộc chiến tranh đều có kết cục thất bại. Trong phần khác của quyển sách, chúng tôi mô tả những hồi tưởng của tôi, đưa vào một vài cảnh tươi sáng và hạnh phúc, có tính chất răn dạy từ giai đoạn tôi sống cùng bố mẹ và anh em trai hồi học phổ thông ở Venice: ý nói rằng những kẻ sẽ thắng chúng ta đều sống như thế đấy, chúng ta cần tìm cách mà vượt lên trước chúng ! Trong chương kết thúc cuốn sách, do bạn chúng tôi - một nhà thư pháp thuận tay trái chép lại - chúng tôi dẫn một bài thơ mà Hoja rất thích, có thể coi như nhập đề cho những câu đố và điều bí mật ẩn giấu trong những cái đầu y hệt chiếc tủ bị nhồi nhét chật cứng của chúng tôi. Sự mơ hồ tinh tế của bài thơ đó đã buồn bã kết thúc quyển sách xuất sắc nhất trong số những gì mà tôi và Hoja viết được từ trước tới nay.
Một tháng sau khi Hoja dâng quyển sách đó lên Padishah, anh ta nhận được lệnh bắt tay vào chế tạo loại vũ khí kì lạ. Chúng tôi sửng sốt và không thể nào biết được quyển sách ấy có đóng vai trò nào đó trong thành công của mình hay không.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.