Chương 10


Số từ: 8448
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Đầu mùa Hè, khi biết Padishah đang đợi chúng tôi và vũ khí tại Edirne, Hoja bắt đầu hành động. Hóa ra, anh ta đã chuẩn bị sẵn sàng và suốt mùa Đông luôn giữ liên lạc với những người phụ việc được tuyển lựa trước đây. Sau ba ngày chuẩn bị, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường. Tối hôm trước, Hoja xem xét lại tất cả những quyển sách cũ gáy bìa sờn rách, những trước tác dang dở, những bản thảo giấy đã ngả vàng và dọn dẹp đồ đạc, như thể chúng tôi sắp chuyển đến nhà mới. Suốt cả đêm, anh ta lên giây chiếc đồng hồ định giờ cầu nguyện đã han gỉ, lau bụi bám trên những thiết bị thiên văn, lục lọi bản vẽ các thiết bị và những bản thảo mà chúng tôi đã viết trong suốt hai mươi lăm năm. Khi trời gần sáng, tôi thấy anh ta lật giở những trang giấy ố vàng rách nát của quyển vở mà tôi ghi chép thời chúng tôi cùng làm pháo hoa và ngượng nghịu hỏi: có đưa nó theo không, biết đâu chẳng có lúc cần ? Ánh mắt bàng quan của tôi khiến Hoja nổi giận, anh ta ném quyển vở vào xó nhà.
Nhưng dù sao đi nữa, trong chuyến chu du kéo dài suốt mười ngày ròng rã đến Edirne, chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn. Trước hết, đó là bởi khi thấy vũ khí của chúng tôi - khẩu súng bị gọi là quái vật, là côn trùng, là quỷ Shaitan, là con rùa có những mũi tên, là pháo đài lăn, là người khổng lồ bằng sắt, là cái chão có bánh xe, là con lạc đà, là quỷ độc nhãn Cyclops... - ầm ì rên xiết trên đường, phát ra tiếng động kinh khiếp, khiến ai trông thấy cũng phải hãi hùng, Hoja lại bắt đầu hy vọng. Hoja phấn chấn hẳn lên khi thấy dọc đường, những người tò mò từ các làng lân cận đổ ra xem vũ khí của chúng tôi, nhưng họ chỉ đứng trên những ngọn đồi xa xa, sợ hãi ngó xuống mà không dám lại gần. Đêm đến, khi đám người phụ việc của chúng tôi đã lăn ra ngủ mê mệt sau một ngày vất vả, trong màn đêm hoàn toàn yên lặng chỉ bị phá vỡ bời tiếng côn trùng rên rỉ, Hoja kể cho tôi nghe vũ khí khổng lồ sẽ chiến đấu ra sao với quân thù. Thực ra mà nói, Hoja không còn háo hức như thuở ban đầu - cũng giống như tôi, anh ta lo lắng, hồi hộp chưa biết Padishah và đám quần thần sẽ tiếp nhận vũ khí ra sao, nó sẽ có vị trí thế nào trong quân đội. Tuy vậy, anh ta vẫn nói một cách bình thản và tự tin về "cơ hội cuối cùng của chúng ta", về dòng chảy của con sông mà chúng tôi cần nắn về phía cần thiết, và chủ yếu là nói về "chúng ta" và "chúng nó".
Vũ khí được đưa đến Edirne một cách long trọng, nhưng chẳng khiến ai thích thú, ngoại trừ Padishah và một vài kẻ ăn bám trong đám tùy tùng của Ngài. Padishah chào đón Hoja như một người bạn cũ, Ngài nói về các khả năng của cuộc chiến tranh, nhưng không tỏ ra lo lắng và sẵn sàng một cách đặc biệt. Hai người lại tiếp tục ở bên nhau suốt ngày. Tôi cũng sát nhập với họ, tháp tùng hai người khi họ đi ngựa qua đám rừng âm u nghe chim hót, hoặc quan sát ếch nhái trong những cuộc dạo chơi dọc sông Tunja và Merich, hoặc đến sân giáo đường Selimiye xem những con cò bị thương trong trận giao đấu với chim ưng, hoặc ngắm nghía vũ khí mới, để lần nữa đánh giá các phẩm chất và tính ưu việt của nó. Tôi cay đắng nhận ra là mình chẳng thể nào xen được vào câu chuyện của họ, không thể kể cho hai người nghe một điều gì đó khiến họ thực sự chú ý. Có thể là tôi ghen tỵ với tình bạn của họ, nhưng ngoài điều đó, tôi đã chán ngấy điệp khúc của Hoja về thắng lợi, về ưu thế đối với những người khác, về sự cần thiết phải khuấy động tinh thần binh sĩ và chuyển sang tấn công; tôi ngạc nhiên khi thấy Padishah tin tưởng vào những câu chuyện huyền thoại về tương lai ấy.
Đến giữa mùa hè, những câu chuyện về chiến tranh càng được đề cập đến thường xuyên hơn. Hoja gọi tôi và tuyên bố rằng anh ta cần một người tin cẩn và mạnh mẽ. Chúng tôi vội vã rảo bước trên đường phố Hairne, qua các khu Digan và Do Thái, theo những con phố xám xịt buồn thảm mà trước đó tôi đã có lần dạo chơi, qua những ngôi nhà nghèo nàn giống nhau như đúc. Bất ngờ, tôi phát hiện ra phía bên kia đường mấy ngôi nhà được bao phủ bởi những dãy nho vấn vít mà chúng tôi vừa mới đi qua, và hiểu rằng nãy giờ mình đang quanh quẩn trên cùng một con phố. Tôi nói điều đó với Hoja, anh ta đáp: phải rồi, chúng ta đang đi trong khu phố Fildami. Đúng lúc ấy anh ta gõ cửa ngôi nhà, một cậu bé mắt xanh chừng tám tuổi ra mở cửa. "Chúng tôi đi tìm những con sư tử của Padishah bị sổng chuồng", Hoja bảo cậu bé. Anh ta gạt nó sang một bên và bước vào nhà, tôi vội bước theo. Mùi xà phòng, mùi gỗ và bụi bặm xông lên nồng nặc. Chúng tôi bước vội lên lầu theo chiếc cầu thang gỗ tranh tối tranh sáng kêu cót két để vào phòng ngoài. Hoja mở hết cửa nọ đến cửa kia. Ở phòng thứ nhất có một ông già đang gà gật ngủ, cái miệng rụng hết răng há hốc, hai đứa bé đang ghé sát bộ râu của ông ta để hỏi điều gì đó cùng giật mình sợ hãi khi cửa mở ra. Hoja khép cửa lại và mở cánh cửa khác, trong phòng có một đống chăn lớn và những mảnh vải để may chăn. Cậu bé vừa mở cửa cho chúng tôi vào nhà lúc nãy vội chạy tới, đứng cản trước cánh cửa phòng thứ ba trước khi Hoja bước đến: "Ở đây không có con sư tử nào đâu, chỉ có mẹ và chị dâu thôi
nhưng Hoja đã mở toang cửa: hai người đàn bà ngoảnh lưng về phía chúng tôi đang cầu nguyện trong ánh sáng lờ mờ. Ở phòng khác, một người đang khâu chăn, anh ta không có râu nên có vẻ giống tôi; thấy Hoja, anh ta nhỏm dậy: 'Thằng điên kia, mày về làm gì ? Mày cần gì ở chúng tao hả ?".
Chị Semra đâu ?
- Hoja hỏi "Nó đi Istanbul từ mười năm trước rồi, - người kia trả lời, - nó đã chết vì dịch hạch. Sao mày không ngoẻo đi cho rồi ?" Hoja không đáp, theo cầu thang đi xuống và ra khỏi cửa. Đi theo anh ta, tôi nghe thằng bé lúc nãy lớn tiếng hỏi và tiếng người đàn bà trả lời: "Có phải là sư tử đến không hả mẹ ?" - "Không, đấy là bác của con và em trai của bác ấy !"
Có thể do tôi không thể quên được chuyện xảy ra hôm ấy hoặc giả do chuẩn bị trước cho quyển sách mà quí vị đang kiên nhẫn đọc, sau đó khoảng một tuần tôi đã quay lại ngôi nhà ấy. Trong ánh sáng ban ngày chật vật lắm tôi mới tìm được con phố và ngôi nhà ấy, và khi đã tìm được, tôi cố xác định con đường ngắn nhất từ đây tới giáo đường Beyazit. Có lẽ tôi đã nhầm khi cho rằng mẹ con họ thường đi lối đường tắt ngắn nhất, nên không thể tìm được lối đi qua chiếc cầu có những cây phong tỏa bóng mát hai bên, còn con đường với những hàng phong mà rốt cuộc tôi tìm thấy thì lại không chạy dọc bờ sông, để có thể ngồi đó vừa ăn bánh khanva vừa ngâm chân xuống nước. Và cái nhà thương ở đó chẳng có gì trùng với những điều chúng tôi đã hình dung, không có bùn đất bẩn thỉu - có thể nói đây là một nhà thương rất sạch sẽ, - cũng chẳng nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt và những chai lọ nhiều màu. Thấy một bệnh nhân bị xiềng, không kìm được nên tôi buột miệng hỏi người thầy thuốc về anh ta: người này bị rồ tình, và cũng như phần lớn ngưòi điên, anh ta tưởng mình là người khác - người thầy thuốc giải thích và chắc là sẽ còn kể nhiều hơn, nhưng tôi đã không còn lắng nghe nữa.
Quyết định về cuộc hành binh được ban ra hoàn toàn bất ngờ: sau trận chiến bại năm ngoái, những người Ba Lan trước đây buộc phải cống nạp nhiều hơn, nay bỗng bắn tin: "Hãy đến đây dùng gươm mà thu thuế !" Hoja muốn nổ tung vì tức giận: quân đội chuẩn bị hành binh mà không hề có kế hoạch mang theo vũ khí của anh ta; không ai muốn thấy cái đống sắt thép khổng lồ ấy bên cạnh mình, không ai chờ đợi điều gì tốt đẹp từ cái chảo quái dị đó, đã thế, người ta còn cho rằng nó sẽ mang theo tai họa ! Đêm trước cuộc hành quân ra trận, khi Hoja đang ngồi viết lời hoan tống cho vũ khí của mình, những kẻ thù địch với chúng tôi đã láo xược công khai tuyên bố rằng: vũ khí mới rất có thể sẽ đem lại thắng lợi, nhưng cũng có thể mang theo thất bại. Tôi đâm ra hoảng sợ khi Hoja kể với tôi rằng chúng sẽ coi tôi, chứ không phải anh ta, là nguyên nhân của sự thất bại đó. Padishah bảo Hoja là Ngài tin tưởng vào vũ khí mới, và nó sẽ thuộc quyền điều khiển trực tiếp của Ngài. Chúng tôi lên đường đi Edirne vào một ngày tháng Chín nóng nực.
Mọi người đều nghĩ rằng khởi đầu cuộc hành binh vào giai đoạn ấy trong năm là hơi muộn, nhưng ai cũng cố gắng không nói điều đó thành tiếng: lần đầu tiên tôi được biết rằng khi ra trận binh sĩ sợ điềm gở không kém gì sợ kẻ thù, nhưng họ cố chế ngự nỗi sợ hãi ấy. Ngày đầu tiên trên đường tiến về phía Bắc, chúng tôi đi qua những làng mạc giàu có, qua những chiếc cầu oằn xuống dưới sức nặng của khí tài. Tối đến, Padishah gọi chúng tôi tới lều của Ngài khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy bất ngờ. Cũng giống như các binh sĩ khác, Padishah có vẻ háo hức, tò mò và hồi hộp của một đứa trẻ bắt đầu một trò chơi mới.
Ngài bảo Hoja giải đáp về những việc xảy ra trong ngày: đám mây đỏ khi mặt trời lặn, những con chim ưng sà thấp trên ống khói nứt vỡ của một ngôi nhà trong làng, những con sếu bay về phưong Nam... có ý nghĩa gì ? Dĩ nhiên, Hoja đoán giải những điều đó như là các điềm may mắn.
Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ có vậy: hóa ra trong thời gian chiến trận, Padishah vẫn thích nghe kể những chuyện đáng sợ. Dựa vào nguồn cảm hứng từ những câu thơ mà Padishah yêu thích nhất trong những quyển sách chúng tôi dâng lên Ngài từ nhiều năm trước, Hoja bịa ra các trận đánh đẫm máu, các cuộc chiến bại, lời nguyền rủa, sự phản bội và cảnh bần cùng - những bức tranh đen tối nhất, nhưng chỉ ở mức sao cho ánh mắt hãi hùng của Padishah vẫn thấy được ráng hồng thắng lợi thấp thoáng phía chân trời xa thẳm. Chúng tôi cần phải gồng hết tất cả trí tưởng tượng để khích lệ, động viên Ngài. Sau các câu chuyện về "chúng ta" và "chúng nó", cần phải làm cho Padishah quan tâm đến những ý tưởng của chúng tôi. Những ý tưởng mà Hoja đã đề cập đến trong ngần ấy năm ròng, mà tôi thì chỉ muốn cho vào dĩ vãng ! Chắc là để Padishah không thấy nhàm chán, mỗi một buổi tối Hoja lại tô đậm thêm cảnh khủng khiếp, đen tối và gớm ghiếc trong các câu chuyện của mình, mà tôi đã thấy chán ghét. Nhưng tôi nhận thấy rằng Padishah hài lòng nghe nói về những ý tưởng mà chúng tôi đeo đuổi nhiều năm ròng. Một tuần sau khi bắt đầu khởi binh, những cuộc đi săn đã được tổ chức. Có những người được huấn luyện đặc biệt cùng đi với quân đội để làm điều đó. Thoạt đầu họ đi thám thính, sau đó Padishah, những người thợ săn và chúng tôi tách khỏi đoàn quân, tiến vào cánh rừng vốn nổi tiếng có nhiều linh dương hoặc lên những sườn đồi, nơi người ta dồn đuổi lợn lòi, hoặc vào các khu rừng nhan nhản thỏ và cáo. Sau những chuyến xuất hành chớp nhoáng, chỉ kéo dài chừng vài tiếng đồng hồ, chúng tôi long trọng trở về với đoàn quân như thể sau một cuộc đại thắng. Quân đội vui mừng chào đón Padishah còn chúng tôi thì đi theo ngay sau lưng Ngài. Tôi rất hâm mộ các nghi lễ như vậy, còn Hoja thì ghét cay ghét đắng - tối đến tôi thích nói về chuyện đi săn với Padishah hơn là bàn luận về cuộc di chuyển của quân đội, về tình trạng các thôn xóm làng mạc mà đội quân kéo qua, hoặc những tin tức về đối phương lọt đến. Tiếp theo, Hoja bắt đầu kể các câu chuyện, sự ảm đạm của chúng càng khiến anh ta thêm bực tức trước những điều ba hoa rỗng tuếch và vô dụng. Rồi anh ta khó chịu trước các điều tiên đoán của chính mình. Sự cả tin của Padishah đối với những câu chuyện càng ngày càng đáng sợ hơn này và đối với những câu chuyện tầm phào về ý tưởng của chúng tôi, khiến tôi cũng như kẻ này người khác trong đám tùy tùng của Ngài đau lòng, phiền muộn.
Nhưng tôi còn phải chứng kiến một chuyện tồi tệ hơn nữa ! Chúng tôi cùng tham gia cuộc đi săn: tất cả dân chúng trong ngôi làng gần nơi Padishah săn bắn đều phải vào rừng, gõ hộp sắt tây, hò hét để xua lợn lòi và hươu nai ra chỗ chúng tôi đang cưỡi ngựa đứng chờ, nhưng đến tận giờ ăn trưa vẫn chẳng có con thú nào chạy qua. Mệt mỏi bởi cái nóng giữa trưa, Padishah bảo chúng tôi kể câu chuyện gì đó thật đáng sợ để xua đi sự chán nản. Chúng tôi di chuyển chậm chạp, lắng tai nghe tiếng gõ hộp sắt tây vọng tới, rồi dừng lại bên ngôi làng của những người Thiên Chúa giáo. Tôi thấy Hoja và Padishah dừng lại trước một ngôi nhà bỏ hoang. Một lúc sau, có một ông lão ốm yếu từ sau cánh cửa khép hờ cà nhắc đi tới chỗ chúng tôi. Hoja và Padishah vừa mới nói về những thứ trong đầu óc của "chúng nó". Thấy Padishah tỏ vẻ chú ý và Hoja đang hỏi ông lão một điều gì đấy thông qua phiên dịch, tôi vội bước lại gần, trong lòng chợt thấy lo sợ trước những ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu.
Hoja đang tra hỏi và bắt ông lão phải trả lời ngay lập tức, không được nghĩ ngợi: tội lỗi nào lớn nhất mà ông ta mắc phải trong đời mình ? Ông lão lắp bắp điều gì đó bằng một thứ tiếng Slave, người thông ngôn lập tức dịch lại: ông già cho là mình vô tội và trong sáng. Nóng nảy một cách khó hiểu, Hoja tiếp tục bắt ông ta kể về cuộc đời mình. Thấy Padishah cũng quan tâm đến câu trả lời của mình không khác gì Hoja, ông già miễn cưỡng thú nhận: ông ta quả là có tội lớn, lẽ ra phải cùng dân làng đuổi thú cho Padishah săn bắn, nhưng ông đã già rồi, không còn khỏe để chạy suốt ngày trong rừng nữa. Ông lão đặt tay lên trái tim cúi xin Padishah tha tội. Hoja nổi giận, anh ta quát to là không hỏi về chuyện đó, mà về những tội lỗi thật sự kia. Nhưng ông lão dường như không hiểu câu hỏi mà người thông ngôn đã nhắc lại cho nghe, và cứ đứng không nhúc nhích, tay áp trên ngực. Người ta dẫn ông lão đi. Một người khác được đưa đên. Nghe người này nhắc lại đúng câu trả lời của ông già, Hoja đỏ mặt tía tai tức giận. Để mách nước cho người thứ hai này, Hoja liệt kê những tội lỗi mà tôi mắc phải hồi còn nhỏ - chuyện dối trá mà tôi bịa ra để được cha mẹ yêu hơn những người anh khác, những chuyện trai gái lăng nhăng trong trường đại học... Nghe Hoja nhắc lại những tội lỗi ấy, tôi cảm thấy xấu hổ và ghê tởm nhớ lại thời dịch hạch hoành hành. Và bây giờ, khi ngồi viết quyển sách mà bạn đang đọc, tôi cũng rất buồn nhớ tới thời kì ấy. Hoja hơi bình tâm lại khi người thứ ba được dẫn tới. Người nông dân chân khập khiễng này thì thào thú nhận là đã xem trộm đàn bà tắm dưới sông. Đấy nhé, khi bị dồn vào thế bí thì "bọn chúng" xử sự như vậy đó, chúng ta có thể theo dõi điều đó: chúng ta đã biết đầu óc chúng cấu tạo như thế nào, v.v... và v.v... Tôi chỉ muốn tin rằng anh ta chưa thuyết phục được Padishah một cách trọn vẹn.
Thế nhưng Padishah lại rất quan tâm đến ý tưởng này. Hai ngày sau, trong cuộc săn bắn, khi chúng tôi đuổi theo những con hươu, màn kịch ấy lại tái diễn lần nữa - có thể Hoja đã thuyết phục được Padishah xiêu lòng, mà cũng có thể Ngài thích xem những cuộc hỏi cung hơn mức tôi tưởng. Chúng tôi đã qua sông Danube, lại lần nữa đang ở trong một làng Thiên Chúa giáo, có điều ở đây người ta nói bằng thứ ngôn ngữ La tinh nào đó. Hoja lặp lại những câu hỏi hôm trước. Thoạt đầu, thậm chí tôi chẳng thích nghe các câu hỏi của vị quan tòa lạ lùng ấy, còn Padishah thì đồng tình im lặng. Những câu hỏi đó khiến tôi nhớ tới cơn thịnh nộ đã từng chứng kiến hồi còn dịch hạch, khi tôi bắt Hoja viết về thói hư tật xấu của anh ta. Tôi cảm thấy chán ghét trong lòng, không chỉ tức Hoja, mà giận cả Padishah, vì Ngài tin tưởng Hoja và không cưỡng lại được sức hấp dẫn của một trò chơi chẳng tốt lành gì. Nhưng chẳng bao lâu sau tôi cũng đâm ra tò mò và cho rằng nếu chỉ nghe thôi thì cũng chẳng làm nên chuyện gì xấu xa, và thế là tôi cũng đến gần chỗ họ. Những tội lỗi được xưng to lên mà tôi lắng nghe một cách thú vị, phần lớn chỉ là những chuyện vặt vãnh giống nhau như hệt: đó là những lừa dối nho nhỏ, một vài cuộc phản bội, tội to nhất là ăn cắp vặt !
Chiều đến, Hoja bảo là những người nông dân vẫn chưa kể hết, họ còn che giấu sự thật, hồi trước tôi còn đi xa hơn nhiều. Nghĩa là họ thực sự có những tội lỗi nghiêm trọng. Và đó chính là điều khác biệt giữa "chúng ta" và "chúng nó". Để thuyết phục Padishah và biết được sự thật, để chứng minh "chúng ta" khác "chúng nó" như thế nào, anh ta sẵn sàng sử dụng vũ lực.
Những ngày sau đó, Hoja như thể bị ám ảnh bởi một đam mê nào đó, càng ngày càng điên rồ hơn.
Thoạt đầu mọi thứ đều đơn giản: chúng tôi giống như những đứa trẻ đang chơi với nhau, bêu riếu nhau để mua vui và đưa ra những trò đùa thô bạo.
Những cuộc bồi cung lúc đầu giống như các màn kịch mà chúng tôi bày ra để tiêu khiển trong cuộc săn bắn, nhưng về sau đã trở thành một nghi thức bắt buộc, làm hao kiệt toàn bộ sức lực, khát vọng và thần kinh của chúng tôi. Những người nông dân luống cuống sợ hãi trước những câu hỏi và cơn cuồng nộ vô cớ của Hoja, và nếu như họ hiểu được người ta muốn gì ở mình, chắc là họ đã kể hết. Tôi đã thấy những cụ già móm mém mệt nhọc tụ tập trên bãi trong trong làng, trước khi kể về những tội lỗi có thực hoặc tưởng tượng, họ đưa mắt nhìn quanh một cách tuyệt vọng, như thể cầu xin những người khác và chúng tôi giúp đỡ. Tôi đã thấy những người trẻ tuổi với những tội lỗi mà Hoja cho là chưa đủ thành thật. Tôi chợt nhớ Hoja đã từng dằn vặt như thế nào, đã từng tức giận kêu lên là không thể nào hiểu được làm sao tôi lại có thể trở thành một người giống như anh ta, và khi đọc xong những gì tôi viết, đã đâm đùa vào lưng tôi: "Ta cho nhà ngươi một trận bây giờ !" Giờ đây, có thể anh ta cũng không biết một cách rõ ràng và triệt để là mình đang mong muốn tìm kiếm điều gì và sẽ đạt được kết quả như thế nào. Hoja cũng thử nghiệm cả phương pháp khác: thỉnh thoảng anh ta đánh đập kẻ đang xưng tội và tuyên bố tội nhân dối trá; lập tức người của chúng tôi xông vào tra tấn tiếp. Có khi Hoja đột ngột ngắt lời người xưng tội, nói rằng bạn anh ta đã tố cáo anh ta nói dối. Cũng có khi Hoja tra khảo hai người cùng một lúc. Anh ta tức giận vì không bắt được hai người kia thú tội, cho dù người của chúng tôi đánh đập dã man thế nào đi nữa; những người nông dân xấu hổ, không dám nói về tội lỗi của mình trước mặt người quen trong làng.
Đến thời kì đó, khi những trận mưa dầm dề bắt đầu rơi xuống, tôi đã quen với mọi việc đang diễn ra. Tôi nhớ là sau khi bị đánh đập hàng giờ đồng hồ, những người nông dân ướt như chuột đứng trên bãi đất rộng trong làng không biết nói thêm điều gì, mà cũng không định nói gì thêm nữa. Càng ngày, những cuộc đi săn của chúng tôi càng thưa dần. Thực ra mà nói, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắn được con linh dương có đôi mắt tuyệt đẹp, khiến Padishah rất phiền lòng, hoặc một con lợn lòi lớn tướng, nhưng đầu óc chúng tôi không còn tập trung vào những cuộc đi săn nữa, mà chỉ để ý những cuộc hỏi cung mà chúng tôi đã chuẩn bị từ đêm hôm trước không khác gì cho các chuyến đi săn. Tối đến, Hoja tâm sự với tôi, dường như hối hận về những gì đã thực hiện trong ngày. Bản thân anh ta không thấy hài lòng về sự khắc nghiệt của mình và những gì xảy ra, nhưng vẫn cố gắng để có được các minh chứng và kiến thức cần thiết cho tất cả chúng tôi, trong đó có Padishah. Sau nữa, anh ta muốn hiểu vì sao những người nông dân ấy lại giấu giếm sự thật ? Hoja bảo rằng khi đến những xóm Hồi giáo, chúng tôi cũng phải tổ chức những cuộc hỏi cung như vậy. Nhưng rồi kế hoạch đó chẳng thành công: những người Hồi giáo cũng trả lời y như những người Thiên Chúa giáo láng giềng của họ, cũng thú nhận những tội lỗi và kể lại những câu chuyện y như những người kia. Vào một ngày mưa gió khó chịu nhất, Hoja đã cằn nhằn rằng mấy kẻ đó đâu phải là người Hồi giáo chân chính.
Cơn thịnh nộ ngày càng gia tăng của Hoja khiến tôi rất tò mò nhưng Padishah thì không hài lòng khi phải chứng kiến; hình như nó đã giúp anh ta tiến hành đến cùng dự định, đó là hy vọng cuối cùng của Hoja. Tiến dần về phía Bắc, chúng tôi lọt vào miền rừng bạt ngàn, giờ đây dân cư trong vùng lại là những người nói tiếng Slave. Trong ngôi làng nhỏ xinh xắn, chúng tôi chứng kiến Hoja đánh đập một anh chàng đẹp trai. Sau đó, anh ta nói sẽ không bao giờ lặp lại hành động như vậy. Đêm đến, tôi có cảm giác anh ta vô cùng hối hận. Một lần khác, tôi tận mắt chứng kiến cảnh những người nông dân đứng dưới màn mưa xám xịt khóc lóc vì những gì xảy ra với họ. Người của chúng tôi nay đã thiện nghệ lắm rồi, song cũng bắt đầu chán ngấy; thỉnh thoảng họ không xin phép chúng tôi mà tự tiện chọn lấy người để tra khảo, và người thông ngôn thì tự đặt những câu hỏi đầu tiên trước cả khi Hoja đã mệt phờ vì cơn thịnh nộ của chính mình kịp mở miệng. Không thể nói là trong những cuộc tra khảo đang được người dân địa phương thầm thì đồn đại như một huyền thoại, khi bị đối xử thành kiến và hung bạo, các nạn nhân của chúng tôi đã hoàn toàn không phơi bày những điều bí mật của mình. Thậm chí, do quá sợ hãi và lo lắng trước công lý tối thượng, họ còn thú nhận một cách tỉ mỉ về những tội lỗi của mình, như thể lâu nay đã chờ đợi cuộc hỏi cung đó. Nhưng Hoja đã không còn muốn nghe những câu chuyện chồng phản bội vợ và ghen ghét những người hàng xóm giàu có nữa. Lúc nào anh ta cũng nhắc đi nhắc lại là có một sự thật sâu kín hơn nhiều, nhưng tôi cho rằng bản thân anh ta cũng như những người khác đều chẳng tin là sẽ đạt tới điều đó. Tuy nhiên, cả Padishah lẫn chúng tôi đều linh cảm là Hoja sẽ không bỏ cuộc. Vì vậy, chúng tôi chỉ theo dõi anh ta điều khiển mọi việc. Một lần, chúng tôi thấy lóe lên một thoáng hy vọng, khi một thanh niên bị tra khảo rất lâu ở chỗ chúng tôi trú mưa đã thú nhận là rất căm thù bố dượng vì ông này đối xử thậm tệ với mẹ mình và căm ghét cả mấy đứa em cùng mẹ khác cha, nhưng sau đó, khi đêm đến, không hiểu sao Hoja lại nói là chúng tôi phải quên lời thú nhận ấy đi.
Đội quân đang di chuyển rất chậm chạp giữa những ngọn núi cao hiểm trở, theo con đường lầy lội bẩn thỉu giữa những cánh rừng rậm rạp, tối tăm. Tôi rất thích không khí mát mẻ, âm u trong cánh rừng đầy thông và bạch dương, sự im lặng thận trọng khiến người ta cảnh giác. Không biết tên gọi của địa phương này là gì, nhưng có cảm tưởng là chúng tôi đang ở chân núi Carpat. Hồi nhỏ, tôi đã thấy những minh họa về dãy núi này trong tập bản đồ châu Âu của bố, do một họa sĩ kém cỏi vẽ nên - Carpat được đánh dấu bằng những con hươu và những ngọn tháp Gothic. Hoja bị cảm lạnh vì ướt mưa. Mỗi buổi sáng chúng tôi lại rẽ sang một con đường ngoằn ngoèo dẫn sâu vào rừng, có vẻ như cố tình ngăn cản chúng tôi đến đích. Săn bắn bị quên hẳn, chúng tôi không còn tiêu khiển bằng cách giết hươu nai trên bờ hồ chứa nước hoặc bên bờ vực thẳm, mà giải trí bằng cách làm cho những người nông dân căng thẳng, chờ đợi, chuẩn bị đón chờ chúng tôi kéo đến ! Chúng tôi vào một trong những ngôi làng và kéo theo Hoja. Làm xong công việc của mình mà vẫn không tìm ra ẩn số, lần nào anh ta cũng bắt chúng tôi phải đến làng khác ngay lập tức, để quên đi những người nông dân bị đánh đập, quên đi chuyện chưa đạt được mục đích của mình, vẫn như trước đây, thỉnh thoảng Hoja lại thay đổi phương cách hỏi cung. Có lần Padishah, thường ngày vốn nhẫn nại và tò mò khiến tôi kinh ngạc, sai đưa đến hai mươi lính janissary (Một loại lính bộ binh đặc biệt, quản đội riêng vả cận vệ của hoàng gia - đế quốc Ottoman). Hoja đặt ra cho những người nông dân tóc sáng màu đang đứng trước nhà mình các câu hỏi giống nhau, khiến họ ngỡ ngàng. Lần khác, anh ta dẫn nông dân đến chỗ đóng quân, cho họ xem vũ khí kì lạ của chúng tôi đang ầm ĩ lăn bánh theo sau xe của Padishah, và hỏi xem họ nghĩ gì. Viên lục sự ghi lại các câu hỏi và câu trả lời. Chẳng hiểu vì sao, hoặc bởi chúng tôi không muốn nhận biết chân lý như lời Hoja nói, hoặc bởi anh ta đã quá mệt mỏi, hoặc do cảm giác hối hận thường đến với anh ta vào ban đêm, hoặc anh ta đã chán ngấy những lời cằn nhằn của binh lính và các vị pasha về chuyện vũ khí mới và những chuyện xảy ra trong rừng, hoặc đơn giản là do anh ta bị ốm, nên Hoja dần-dần kiệt sức. Hoja ho nhiều, giọng nói không còn âm vang như trước, anh ta không còn đưa ra những câu hỏi nghiêm khắc, mà các câu trả lời thì đã thuộc lòng. Đêm đến, khi bàn bạc về chuyện chúng tôi phải tiến lên phía trước, anh ta tránh nói về trận thắng sắp tới, có vẻ như chính bản thân anh ta cũng không tin vào giọng nói yếu ớt của mình.
Tôi nhớ cái lần cuối cùng ấy, trong màn mưa nom như một vùng mây xám xịt, anh ta hỏi cung những nông dân gốc Slave với vẻ chẳng có gì là phấn chấn. Chúng tôi đã không còn muốn nghe nữa, nên đứng cách đấy một quãng khá xa. Trong ánh sáng trong suốt và nhạt nhòa dưới mưa, những người nông dân ngớ ngẩn nhìn vào tấm gương có khung thếp vàng mà Hoja lần lượt trao cho họ.
Từ đó chúng tôi không "đi săn" nữa. Qua một con sông, chúng tôi đặt chân lên đất Ba Lan. Vũ khí mới của chúng tôi không thể cơ động được trên con đường bẩn thỉu bị mưa xói mòn, khiến cho đoàn quân chững lại. Những lời xì xầm rằng vũ khí này sẽ mang lại tai họa lại nổi lên, lời cằn nhằn của những người lính janissary tham gia các cuộc hỏi cung của Hoja càng khiến những chuyện đồn đại ấy bị hâm nóng thêm. Và như thường lệ, người bị kết tội không phải là Hoja, mà chính là tôi - một tên dị giáo. Khi Hoja bắt đầu câu chuyện ba hoa trác việt đã thành chán ngấy ngay cả với Padishah của anh ta: về sự hùng mạnh của đối phương, về vũ khí mới và sự cần thiết phải hành động, các vị pasha ngồi trong lều của Padishah càng tin rằng chúng tôi là phường lừa đảo, còn vũ khí của chúng tôi thì đã bị nguyền rủa. Họ nhìn Hoja như nhìn một kẻ bệnh hoạn, nhưng chưa phải là vô phương cứu chữa. Chính tôi mới là hiểm họa chính, là người có lỗi, kẻ mưu mô, lừa dối cả Padishah lẫn Hoja. Khi chúng tôi về lều của mình, Hoja nói về bọn họ bằng cái giọng ốm yếu khản đặc một cách khinh thị và công phẫn, như trước đây anh ta nói về những kẻ ngu dốt, nhưng niềm hy vọng mà thời trước tôi rất tin là sẽ giúp chúng tôi đứng vững, nay không còn tồn tại trong lòng anh ta nữa.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng anh ta không có ý định đầu hàng một cách dễ dàng như thế. Hai ngày sau, vũ khí của chúng tôi bị mắc kẹt trong lớp đất sét trên đường và ách cả đoàn quân lại. Tôi rên rỉ thất vọng, còn Hoja thì dù đang ốm cũng tìm cách cứu vãn. Chẳng ai cấp người, hoặc ít nhất là cấp ngựa cho chúng tôi. Hoja đi thỉnh cầu Padishah và xin được chừng bốn mươi con ngựa. Anh ta buộc dây xích vào vũ khí mới, tập hợp mọi người và quần quật với công việc đó cả ngày. Rốt cuộc, trước sự chứng kiến của những kẻ đang cầu cho khẩu súng của chúng tôi vĩnh viễn nằm lại trong bùn, Hoja ra roi quất ngựa như điên và đã khiển con bọ hung khổng lồ của chúng tôi nhúc nhích. Tối đó, anh ta thuyết phục Padishah, vốn đang muốn từ bỏ chúng tôi cùng khẩu súng, đừng làm điều ấy.
Sau đó, chúng tôi ngồi trong túp lều của mình.
Tôi cầm cây đàn oud mà tôi mang theo cuộc hành binh, định chơi một điệu gì đấy, nhưng Hajo giật đàn ném vào trong xó. Anh ta hỏi: liệu tôi có biết là chúng nó đang muốn cho tôi chết hay không ? Anh ta sẽ sung sướng hơn nếu chúng nó không muốn lấy đầu tôi, mà lấy đầu anh ta. Tôi cũng đã đoán về điều đó, nhưng không nói gì. Tôi muốn cầm lấy cây đàn oud lên nhưng Hoja ngăn lại, bảo tôi kể cho anh ta nghe lần nữa về đất nước tôi. Tôi kể một vài câu chuyện ngắn gọn, như đã kể với Padishah, nhưng anh ta nổi giận. Anh ta muốn biết sự thật, chứ không phải những điều bịa đặt tủn mủn ấy. Anh ta hỏi về mẹ tôi, về những người anh em trai, về vị hôn thê của tôi. Khi tôi đang kể về những "chuyện thật" thì anh ta ngắt lời, lẩm bẩm mấy câu ngắn gọn và rời rạc bằng tiếng Italy, mà tôi không hiểu được ý nghĩa.
Mấy hôm sau, khi Hoja xem xét những công sự của địch mà đội quân tiền tiêu của chúng tôi chiếm được và phá tan tành, tôi có cảm tưởng là anh ta đã mất hết hy vọng và đang nung nấu những ý định u ám nào đó. Buổi sáng, khi di chuyển chậm chạp về phía ngôi làng đang bốc cháy, chúng tôi thấy có những người bị thương nằm hấp hối sát hàng rào. Hoja xuống ngựa và chạy đến bên họ. Theo dõi anh ta từ đằng xa, tôi cho là anh ta muốn giúp đỡ những người ấy, và nếu có thông ngôn bên cạnh, chắc anh ta sẽ hỏi về tai họa của họ, nhưng tôi bỗng giật mình: có thể anh ta sẽ hỏi những câu hỏi hoàn toàn khác hẳn. Ngày hôm sau, khi chúng tôi cùng Padishah đi xem những phòng tuyến, những pháo đài nhỏ của địch ở hai bên đường mà quân đội vừa chiếm được, Hoja cũng rất bồn chồn và hồi hộp. Nếu phát hiện giữa những ngôi nhà đổ nát hoặc bên những bức tường gỗ bị đại bác xẻ nát có những người lính sắp chết vì trọng thương, lập tức anh ta chạy bổ lại. Biết ý định của Hoja, vì chính anh ta tiết lộ, tôi liền đi theo, chẳng biết để ngăn anh ta không làm điều gì tồi tệ, hay chỉ đơn giản vì tò mò. Hoja cho rằng trước khi chết những người lính bị pháo hoặc đạn làm cho bị thương tơi tả sẽ nói với anh ta điều gì đó lạ thường.
Hoja chuẩn bị sẵn câu hỏi cho những người này, hy vọng họ sẽ cho biết một chân lý nào đó có thể đảo ngược tất cả. Nhưng tôi chỉ thấy sự vô vọng trên mặt những người đã chạm tay vào cái chết, sự vô vọng đó hòa tan vào nỗi thất vọng của chính Hoja - anh ta đến gần họ và sững người trong im lặng.
Vào hôm mà Padishah nổi cơn thịnh nộ vì không chiếm được lâu đài Doppio, Hoja đánh bạo tới yết kiến Ngài. Khi trở về anh ta rất phấn khích, nhưng bản thân có vẻ như không hiểu phấn khích vì điều cụ thể nào. Padishah nói rằng đã đến lúc đưa vũ khí của chúng tôi ra sử dụng, chẳng gì thì cũng đã mất bao nhiêu năm để chế tạo ra nó, nhưng đồng thời Ngài nhắc nhở rằng cần phải chờ Pasha Huseyn, người đã lĩnh ý chỉ phải đánh chiếm tòa lâu đài này.
Tại sao Ngài lại nói đến Pasha Huseyn ? Đó là câu hỏi mà chẳng biết anh ta đưa ra để hỏi tôi hay hỏi chính mình, không hiểu sao tôi nghĩ là Hoja đã quá mệt mỏi trước tình hình không rõ ràng và bất ổn. Một lần sau. Hoja tự mình trả lời câu hỏi: chắc họ sợ phải cùng anh ta chia sẻ thắng lợi.
Đến trưa hôm sau, khi chúng tôi hay tin Pasha Huseyn vẫn chưa chiếm được lâu đài, Hoja dùng hết tất cả sức mạnh tinh thần của mình để thuyết phục bản thân tin vào sự đúng đắn của lời đáp đó. Vì những lời đồn đại đang lan truyền rộng rãi rằng tôi là gián điệp và đem lại xúi quẩy, tôi không còn đến lều Padishah nữa, Hoja đến đó một mình, để đoán quẻ về những chuyện xảy ra trong ngày hôm trước. Anh ta đã trình bày với Padishah câu chuyện về thắng lợi và may mắn, và hình như Padishah đã tin chuyện đó. Quay về lều của chúng tôi, anh ta cố tỏ ra tin tưởng rằng cuối cùng mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng tôi thấy đó không phải sự lạc quan giả tạo, mà là sự cố gắng để chứng minh rằng mình vẫn còn đứng vững.
Anh ta lại nói lần nữa, rồi lần nữa về những chủ đề yêu thích, nhưng với một nỗi buồn mà trước đây tôi không hề nhận thấy, như thể anh ta nói về những hồi ức thơ ấu của chúng tôi mà cả hai đều biết rõ, vì chúng tôi đã sống cùng nhau. Anh ta không phản đối khi tôi cầm lấy cây đèn oud và bắt đầu chơi một cách loạc choạc, anh ta lại nói về những ngày mai tuyệt đẹp và dòng chảy con sông của chúng tôi nhưng cả hai chúng tôi cùng hiểu rằng anh ta đang nói về dĩ vãng: trước mắt tôi hiện lên những cây cối trong khu vườn nhà tôi, những văn phòng ấm áp, sáng sủa, những tiệc tùng với vô số những người thân trong gia đình. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm qua. Hoja gieo vào lòng tôi sự yên tĩnh. Tôi tán thành ý kiến của Hoja, khi anh ta nói là rất yêu mến tất cả những thứ đó và chia tay với chúng sẽ rất khó khăn. Nhưng khi tôi nhắc về sự ngu dốt của những người xung quanh, anh ta nổi giận. Hoặc là tôi thấy sự tin tưởng của anh ta đã không còn vờ vĩnh nữa, hoặc là cả hai chúng tôi đều hiểu rằng tới tới đây sẽ có một cuộc đời khác, hoặc là tôi nghĩ rằng, nếu tôi ở vào địa vị của anh ta, tôi cũng sẽ xử sự ynhư thế.
Sáng hôm sau, chúng tôi được phái tới một trong các tuyến phòng thủ của địch để mang vũ khí mới ra thử nhưng chúng tôi linh cảm rằng vũ khí sẽ không hiệu nghiệm như chúng tôi mong đợi. Chúng tôi vừa bắt đầu cho vũ khí mới hoạt động thì một trăm người được phái đến để hỗ trợ chúng tôi bỏ chạy tán loạn. Một số bị đè chết, số khác bị giết, còn bản thân vũ khí thì sau mấy đợt bắn không thành đã kẹt sâu trong lớp đất sét. Chúng tôi không thể nào dồn trở lại đám người đã bỏ chạy vì coi vũ khí của chúng tôi là điềm dữ, nên không chuẩn bị được cho đợt tấn công mới. Hình như cả hai chúng tôi đều cùng nghĩ đến một điều.
Về sau, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ và với những tổn thất không lớn, quân lính của Pasha Sisman Hasan chiếm được lâu đài. Hoja định tranh công ấy cho chúng tôi. Tất cả những kẻ bảo vệ lâu đài đều rơi đầu dưới gươm, đến nỗi không còn lấy một mống nào hấp hối sau những bức tường đổ nát. Hoja đi xem những chiếc đầu người được xếp sang một bên để trình Padishah, nhưng tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó, nên quay mặt đi. Một lúc sau, tôi ngoảnh lại và thấy anh ta đang rời khỏi đống đầu người đó.
Đến bữa trưa, chúng tôi quay về trại và hay tin vẫn chưa chiếm được Doppio. Padishah giận lắm, Ngài bảo sẽ trừng trị Pasha Sara Huseyn và chúng tôi sẽ cùng tất cả quân đội tiến đến đó ! Padishah bảo Hoja rằng nếu đến chiều vẫn không chiếm được lâu đài thì sáng mai sẽ đưa vũ khí mới ra sử dụng. Theo lệnh Padishah, người ta chặt đầu viên chỉ huy đã suốt một ngày ròng không chiếm được một tuyến phòng thủ không lớn lắm của đối phương. Thậm chí Padishah không thèm để ý đến cuộc thử nghiệm thất bại của chúng tôi và những lời xì xầm về điềm gở. Hoja không nói gì thêm về công lao của chúng tôi trong trận thắng.
Tôi biết anh ta đang suy tư về kết cục của những vị đại sư chiếm tinh đã giữ trọng trách này trước mình. Tôi hiểu là Hoja đang nghĩ về cơ hội cuối cùng của chúng tôi - có thể chiến thắng trong trận đánh chiếm lâu đài - nhưng tôi không tin vào vận số đó, mà cũng chẳng mong một cơ may như vậy. Anh ta đang mơ tưởng đến cuộc đời mới sẽ khởi đầu với bài nguyện của một vị giáo sĩ đạo Hồi sau khi tòa lâu đài kiên cố đó bị hủy diệt một cách khốc liệt và ngôi giáo đường Thiên Chúa nho nhỏ có một cái tháp chuông ở trong làng bốc cháy dữ dội. Tôi có cảm tưởng là chúng tôi càng đến gần lâu đài thì vầng mặt trời đang chìm xuống sau đồi cây bên trái chúng tôi càng khơi dậy trong anh ta cũng như trong bản thân tôi cảm giác về một điều kì diệu nào đó.
Khi hoàng hôn xuống, chúng tôi đã chứng kiến không chỉ thất bại của Pasha Sara Huseyn mà cả của chính tòa lâu đài Doppio, nơi ngoài những người Ba Lan, còn có người Á, người Hungary và người Kazak cùng cố thủ. Tòa lâu đài đứng sừng sững trên đỉnh một ngọn đồi cao, vầng mặt trời dần khuất trìu mến hắt nắng lên các đỉnh tháp treo cờ khiến nó trắng ngời lên diễm lệ. Không hiểu đâu tôi chợt có ý nghĩ rằng một vẻ đẹp và sự toàn mỹ như thế chỉ có thể thấy trong giấc mơ mà thôi. Trong giấc mơ ấy, lòng đầy âu lo, bạn chạy theo một lối đường lắt léo trong khu rừng âm u, chỉ mong sao chóng đến được cái nơi diệu kì lóng lánh tinh khôi trên đỉnh ngọn đồi kia, nơi ngự trị niềm vui rộn rã mà bạn những muốn dự phần, nhưng con đường tuồng như sắp kết thúc không hiểu sao lại cứ vươn mãi, vươn mãi khi biết tin bộ binh đã ra khỏi khu rừng tối và vượt miền bình nguyên đã biến thành một đầm lầy hôi thối do nước lũ từ các con sông không ngớt đổ về, nhưng, bất chấp sự hỗ trợ của đại bác, họ vẫn không thể nào tiến lên đỉnh đồi nơi tòa lâu đài tọa lạc, tôi chợt nghĩ về con đường đã dẫn chúng tôi đến nơi này. Tất cả mọi thứ đều có vẻ hoàn hảo: từ phong cảnh tòa lâu đài sáng trắng với hàng đàn chim bay liệng bên trên, cho đến dốc đá lởm chởm đang tối dần và cánh rừng u ám tĩnh lặng. Tôi biết là cũng như tôi, Hoja đang nghĩ rằng có nhiều chuyện mà bao nhiêu năm qua chúng tôi tưởng là ngẫu nhiên, giờ đây bỗng trở nên hợp quy luật, và nhất định quân lính của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ lên được tới chân tường của tòa lâu đài màu trắng.
Sáng hôm sau, quân đội lại mở cuộc tấn công mới, và tôi hiểu rõ mười mươi, rằng cũng như tôi, Hoja biết vũ khí mới của chúng tôi sẽ chìm nghỉm dưới đầm lầy, những kẻ ở bên trong và quanh nó sẽ chẳng cách nào thoát chết. Những lời xì xầm về sự nguyền rủa đè nặng trên nó sẽ được dịp rộ lên, và chỉ có một cách duy nhất là lấy đầu tôi để trấn yên quân lính. Tôi chợt nhớ đến chuyện nhiều năm về trước chính tôi đã khuyến khích Hoja kể về bản thân, đã chia sẻ với anh ta kỉ niệm về người bạn thời ấu thơ đã cùng tôi nghĩ đến một điều, chỉ một điều mà thôi.
Đến tận khuya hôm ấy Hoja mới tới lều Padishah và ở lại đó rất lâu. Tôi hình dung rất rõ ràng về những điều mà anh ta sẽ nói với Padishah, khi phân tích cho Ngài và các vị pasha tụ họp trong lều về những gì xảy ra trong ngày hôm ấy và phỏng đoán về những gì sẽ tới trong tương lai, nên tôi thoáng nghĩ: chắc anh ta sẽ bị giết chết ngay lập tức và chẳng bao lâu sau bọn đao phủ sẽ đến đây để bắt tôi. Rồi tôi lại tưởng tượng cảnh Hoja bước ra khỏi lều, không nói không rằng gì với tôi mà đi thẳng đến những bức tường của tòa lâu đài trắng ngời lên trong bóng tối, vượt qua các vọng gác, đầm lầy và rừng núi, và giờ đây anh ta đã đến tận lâu đài. Chẳng xúc động cho lắm, tôi đang nghĩ về một cuộc sống mới và chờ trời sáng thì Hoja xuất hiện. Tôi hiểu rằng, khi ở trong lều Padishah, anh ta đã nói về chính cái điều mà tôi dự đoán, mãi sau này, khi nhiều năm trôi qua rồi, tôi mới được biết rằng anh ta đã dè dặt thuyết phục họ rất lâu. Nhưng, lúc đó Hoja tuyệt nhiên không hề kể với tôi điều gì - anh ta vội vã như người đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Anh ta chỉ nói rằng, khi màn mây mù dày đặc kia buông xuống thì tôi sẽ hiểu tất cả.
Đến tận khi trời sáng, tôi kể cho anh ta nghe về những người mà tôi đã bỏ lại nơi quê cũ, hướng dẫn cách tìm đến nhà tôi, về chuyện dòng họ chúng tôi ở Empoli và Florence quyền quý ra sao, bố mẹ và anh em tôi tính tình như thế nào. Tôi nhớ, thậm chí mình đã kể về nốt ruồi trên lưng đứa em trai mà trước đây tôi cũng từng kể với anh ta. Khi đó, tôi thành thực tin tưởng vào câu chuyện của mình, mặc dù, khi kể lại với Padishah hoặc khi viết quyển sách này, đôi khi tôi có cảm tưởng là mình đã bịa ra tất cả. Thực ra, những điều đó đều là sự thật: từ chuyện chị gái tôi hơi nói lắp một chút, chuyện quần áo chúng tôi mặc có rất nhiều cúc, cho đến phong cảnh từ ô cửa sổ nhìn ra vườn. Đến tận sáng, tôi có cảm tưởng là đã thuyết phục được anh ta, cho dù rất muộn màng, rằng tất cả mọi điều rồi sẽ tiếp nối ở nơi mà có lần nào đó đã bị đứt đoạn. Hoja hân hoan tin tưởng vào những câu chuyện tôi đã kể.
Chúng tôi bình thản và im lặng đổi áo quần cho nhau. Tôi đưa cho anh ta chiếc nhẫn và sợi dây chuyền lồng hình trái tim mà đến tận bây giờ vẫn giấu biệt. Bên trong hình trái tim là chân dung bà cố tôi và một lọn tóc nhỏ đã phai màu của người vợ chưa cưới của tôi; xem chừng anh ta thích vật này và lập tức đeo nó vào cổ. Hoja bước ra khỏi lều. Tôi nhìn theo bóng anh ta nhòa dần trong sương. Trời đã sáng, tôi buồn ngủ ríu cả mắt: tôi nằm xuống giường anh ta và thanh thản thiếp đi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.