Chương 1
-
Pháo Đài Trắng
- Orhan Pamuk
- 4020 chữ
- 2020-05-09 02:35:34
Số từ: 4008
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Khi bị những chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại, chúng tôi đang trên đường từ Venice đến Naples. Chúng tôi có ba tàu, còn những chiếc galera (Chiến thuyền thời Trung cổ, bằng gỗ, có buồm, thường do nô lệ chèo) nhấp nhô hiện lên sau màn sương mù của họ thì nhiều vô kể. Nỗi sợ hãi và âu lo bao trùm lên tàu chúng tôi, bọn phu chèo, phần lớn là người Thổ và người Moor thì mừng rỡ huýt sáo khiến chúng tôi bắt đầu mất tinh thần. Cũng như hai chiếc kia, tàu chúng tôi quay mũi về phía đất liền ở hướng Tây, nhưng khác với họ, chúng tôi không tăng được tốc độ. Thuyền trưởng của chúng tôi sợ nếu bị bắt làm tù binh, ông ta sẽ bị treo cổ, nên không dám ra lệnh quất roi vào đám nô lệ đang ngồi sau tay chèo. Sau
này, tôi thường nghĩ rằng chính sự hèn nhát của viên thuyền trưởng đã khiến cho cuộc đời tôi thay đổi.
Giờ đây, tôi nghĩ rằng, đời tôi đã thay đổi chính vào thời điểm mà thuyền trưởng tỏ ra hèn nhát. Cuộc đời, như ai cũng biết, chẳng bao giờ định trước được, và tất cả những gì xảy ra chỉ là một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng ngay cả những người biết được chân lý ấy, vào một thời điểm nào đó của cuộc đời, khi ngoảnh lại phía sau, cũng sẽ hiểu rằng tất cả những điều ngẫu nhiên mà họ trải qua lại chính là quy luật. Tôi cũng có một giai đoạn như vậy; giờ đây, khi tôi ngồi bên chiếc bàn cũ để viết cuốn sách này và nhớ lại màu sắc của những galera Thổ Nhĩ Kỳ nhô lên từ màn sương, tôi nghĩ hôm nay chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu và kết thúc một câu chuyện nào đó.
Trông thấy hai chiếc tàu kia lách qua đám galera rồi mất dạng trong sương mù, thuyền trưởng của chúng tôi phấn chấn hẳn lên, rốt cuộc ông ta bạo dạn ra lệnh quất roi vào bọn phu chèo, nhưng chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội; hơn nữa, đến lúc ấy, khi bọn nô lệ đã đánh hơi thấy mùi tự do, roi vọt không còn tác dụng nữa. Những chiếc chiến thuyền Thổ Nhĩ Kỳ sặc sỡ đã xuyên thủng bức tường sương mù và xông thẳng về phía chúng tôi. Thuyền trưởng quyết định giao chiến, nhưng tôi nghĩ, ông ta làm như vậy không chỉ để chống lại quân giặc, mà còn để đè nén nỗi sợ hãi và sự luống cuống của chính mình; vừa giục giã bọn phu chèo, thuyền trưởng vừa ra lệnh chuẩn bị đại bác để tấn công, nhưng chẳng mấy chốc ý chí chiến đấu đã tiêu tan. Nếu chúng tôi không nhanh chóng đầu hàng, con tàu bị tấn công dữ dội sẽ đắm ngay lập tức, bởi vậy chúng tôi quyết định kéo cờ trắng.
Trong khi chờ những con tàu Thổ Nhĩ Kỳ giữa trời yên biển lặng, tôi xuống khoang, thu dọn đồ đạc gọn gàng, như thể không phải đang đợi quân thù, những kẻ sẽ khiến cho cả cuộc đời tôi thay đổi, mà đang chờ bạn bè đến thăm; tôi mở chiếc rương nhỏ và lơ đãng xếp lại những cuốn sách. Khi giở quyển sách mà tôi đã mua ở Florence bằng một khoản tiền lớn, nước mắt tôi ứa ra; nghe bên ngoài có tiếng kêu, tiếng bước chân người chạy bồn chồn, tiếng động ầm ĩ, nhưng trong đầu tôi chỉ quanh quẩn một ý nghĩ: rồi đây tôi sẽ phải rời bỏ cuốn sách đang cầm trong tay, và tôi không muốn nghĩ về những gì đang xảy ra, mà chỉ muốn nghĩ về những gì người ta viết trong sách, dường như trong đó chứa đựng toàn bộ quãng đời quá khứ của tôi mà tôi không muốn chia lìa. Như thể cầu nguyện, tôi lẩm nhẩm những câu chữ vô tình đập vào mắt, nhắc lại những lời yêu quý mà tôi đã vui sướng đọc đến thuộc lòng, để ghi sâu trong dạ toàn bộ cuốn sách, để khi bọn chúng đến thì sẽ không phải nhớ tới chúng và những đọa đày chúng sẽ bắt tôi phải chịu đựng, mà chỉ nhớ về những sắc màu tươi đẹp của cuộc đời đã qua.
Thòi đó, tôi là một người khác, mẹ tôi, vợ chưa cưới và bạn bè đã gọi tôi bằng một cái tên khác. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ về con người đã từng là tôi trước đây, và tôi thường toát mồ hôi khi choàng tỉnh dậy. Đó là một người chừng hai mươi ba tuổi, chỉ biết phân biệt những sắc màu tưởng tượng nhợt nhạt của những đất nước không có thực, do chúng ta bịa ra trong nhiều năm ròng, những con vật chưa bao giờ tồn tại trên đời và những vũ khí kì lạ chưa từng có trên đời; con người đó đã nghiên cứu khoa học và nghệ thuật ở Venice và Florence, anh ta cho rằng mình hiểu biết về thiên văn, toán học, vật lí và hội họa; dĩ nhiên, anh ta tự mãn là đã lĩnh hội được vô số điều trong số những thứ đã được sáng tạo nên từ trước khi anh ta có mặt trên đời, và anh ta thường nói về mọi thứ với nụ cười khinh khỉnh hạ cố; anh ta tin chắc rằng có nhiều điều anh ta còn làm được xuất sắc hơn; anh ta là người xuất chúng vô song; anh ta cho mình là thông minh siêu phàm và tài năng hơn hết thảy mọi người: nói tóm lại, đó là một người trẻ tuổi thường tình. Mỗi khi tôi cần suy ngẫm về thời quá khứ của mình, tôi thường bực bội khó chịu bởi lẽ trước đây tôi đã là cậu thanh niên ấy, bởi tôi đã nói với người yêu về những tình cảm, về những dự án, về thế giới và khoa học - tôi thường xuyên làm điều đó - và coi sự thán phục của vợ chưa cưới như là chuyện dĩ nhiên. Nhưng tôi thường an ủi mình rằng những độc giả đang kiên trì theo đuổi đến tận kết cục những ghi chép của tôi sẽ hiểu rằng người thanh niên ấy không phải là tôi. Và rất có thể, các độc giả nhẫn nại sẽ nghĩ như giờ đây tôi đang suy nghĩ, rằng, vào một ngày đẹp trời nào đó, câu chuyện của chàng trai trẻ ấy sẽ được tiếp nối ở đoạn mà nó bị ngắt quãng - lúc đọc quyển sách yêu quý của tôi.
Khi bọn giặc đổ bộ lên con tàu của chúng tôi, tôi bỏ quyển sách vào rương và ra khỏi buồng tàu. Trên boong đang diễn ra cảnh hỗn loạn. Người của chúng tôi đang bị dồn thành đám, và bị lột trần ra để khám xét. Tôi thoáng nghĩ, trong cảnh loạn xạ này có thể nhảy qua boong tàu, nhưng hiểu rằng không ai để cho tôi bơi thoát, chúng sẽ bắn tên đuổi theo; vả lại, tôi cũng không biết chúng tôi đang ở cách bờ bao xa. Thoạt đầu tôi không bị ai động đến. Các nô lệ Hồi giáo được cởi xiềng đang phấn khích hò hét, đôi kẻ còn có ý định lập tức thanh toán các giám thị. Tôi quay về khoang tàu. Một lúc sau, tôi bị phát hiện, và chúng bắt đầu lục lọi đồ đạc của tôi. Chúng dốc hết các thứ trong rương ra để tìm vàng bạc; sau khi đồ đạc được mang đi hết thì có một người xuất hiện, y cầm mấy quyển sách còn sót lại, lơ đãng giở xem và dẫn tôi đến gặp thuyền trừởng.
Thuyền trưởng (sau này tôi được biết đó là một người Venice cải đạo Hồi) cư xử với tôi tử tế, hỏi tôi biết làm gì. Để không bị đưa đến các galera, tôi nói rằng tôi rành thiên văn và ban đêm có thể định hướng được, nhưng chúng không quan tâm đến điều đó. Thấy thế, sực nhớ mình còn giữ được quyển sách về giải phẫu học, tôi tự xưng là thầy thuốc. Lát sau chúng dẫn đến một chiến binh bị thương mất cánh tay, nhưng tôi bảo tôi không phải là bác sĩ giải phẫu. Chúng nổi nóng và định tống tôi xuống galera nhưng trông thấy những quyển sách của tôi, viên thuyền trưởng liền hỏi tôi có biết gì về nước tiểu và mạch hay không. Nhờ đáp liều là có biết, tôi thoát khỏi số phận một phu chèo và cứu được thêm mấy quyển sách của mình. Nhưng tôi phải trả giá đắt cho các đặc quyền đặc lợi ấy. Những người Cơ Đốc giáo bị tống đi làm phu chèo lập tức căm ghét tôi. Nếu làm được, chắc họ đã giết chết tôi ngay đêm đầu tiên, khi tất cả chúng tôi bị nhốt trong hầm tàu, nhưng họ sợ, vì thấy tôi đã thiết lập được mối quan hệ nào đó với người Thổ. Vị thuyền trưởng do dự của chúng tôi đã bị phơi xác trên cọc, các giám thị trông coi nô lệ thì bị xẻo tai xẻo mũi và thả bè trôi trên biển để làm gương. Khi các vết thương trên mình những người Thổ tự liền miệng, - tôi chữa chạy không chỉ bằng kĩ năng mà cả bằng sự láu vặt - ai cũng tin tôi là thầy thuốc. Ở dưới hầm tàu, khi đêm đến, thậm chí ngay cả những kẻ ghen ăn tức ở, từng tố cáo với người Thổ rằng tôi không phải là bác sĩ, cũng nhờ tôi xem những vết thương của họ.
Đoàn tàu tiến vào Istanbul một cách rất long trọng. Vị Padishah nhỏ tuổi (Padishah - danh hiệu tương đương với Hoàng đế ở đế quốc Ottoman, Ba Tư (cổ) và nhiều nước hồi giáo khác trước đây) - ấu vương Ottoman, ngự duyệt cuộc khải hoàn. Quốc kì Ottoman được kéo lên trên tất cả các cột cờ trên tàu; bọn thanh niên bắn tên vào những lá cờ rủ của chúng tôi, ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh và thánh giá bị để lộn ngược. Vùng ngoại ô vang lộng tiếng đại bác chào mừng. Những cuộc lễ lạt long trọng, mà hầu hết tôi đều theo dõi với nỗi buồn chán, kinh tởm và khinh nhạo, kéo dài lâu khác thường, đến nỗi nhiều người đi xem lăn ra say nắng. Đến chiều tối, chúng tôi thả neo ở Kasimpasha (một vùng thuộc địa phận châu Âu của Istanbul). Lũ chúng tôi bị xiềng vào dây xích để dẫn đi trình Padishah. Nhằm nhục mạ danh dự quân nhân của chúng tôi, người Thổ bắt chúng tôi đeo binh giáp lộn ngược, còn các thuyền trưởng và sĩ quan thì bị tròng những vòng sắt vào cổ; với bộ dạng như vậy chúng tôi được giải đến cung điện trong tiếng hò reo hoan hỉ, trong tiếng nhạc nhạo báng được chơi bằng kèn trống đoạt được từ con tàu của chúng tôi. Dân chúng đứng ven đường vui vẻ và tò mò nhìn chúng tôi. Chúng tôi không nhìn thấy Padishah, nhưng Ngài đã tuyển cho mình một số nô lệ. Họ đưa chúng tôi đến Galata (một vùng thuộc địa phận châu Âu của Istanbul) và giam vào nhà tù của Pasha Sadik. (Pasha: một tước hiệu đại thần trong xã hội Ottoman và các nước đạo Hồi, thường gồm cả quan võ và quan văn)
Nhà tù thật tồi tệ và kinh tởm, hàng trăm tù binh thối rữa dần mòn trong những phòng giam chật hẹp bẩn thỉu. Tôi nhận thấy có nhiều người cần đến nghề nghiệp mới của tôi, thậm chí một đôi kẻ đã được tôi chữa khỏi. Tôi kê đơn cho các giám ngục bị đau lưng và đau chân. Vì vậy, tôi lại được tách ra giam riêng trong một phòng nhỏ khá tử tế, có ánh sáng mặt trời. Nhìn những người còn lại, tôi thầm cám ơn số phận, nhưng rồi vào một buổi sáng, lính canh đánh thức tôi cùng tất cả mọi người và bảo phải đi làm. Khi tôi bảo tôi là thầy thuốc và có kiến thức về khoa học, bọn lính canh chỉ phá lên cười: Pasha đang xây tường bao quanh khu vườn của Ngài, cần có nhiều người làm. Sáng sáng, từ trước khi mặt trời lên, chúng xiềng chúng tôi vào dây xích và giải ra ngoài thành phố. Suốt ngày chúng tôi nhặt đá, và đến chiều tối, lại bị xiềng, chúng tôi quay về nhà giam, tôi nghĩ rằng Istanbul là một thành phố xinh đẹp, nhưng phải sống ở đây như một ông chủ, chứ không phải như một tên nô lệ.
Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng không phải là một tù binh tầm thường. Tôi không chỉ chữa bệnh cho những nô lệ đang chết dần chết mòn trong nhà giam, mà cả những người nghe danh tôi là thầy thuốc mà tìm đến. Phần lớn các khoản tiền kiếm được nhờ hành nghề chữa bệnh, tôi buộc phải đút lót cho trưởng nhóm nô lệ và bọn lính canh, để thỉnh thoảng chúng lén dẫn tôi ra ngoài nhà tù. Với số tiền giấu giếm được bọn chúng, tôi thuê người dạy tiếng Thổ. Ông thầy dạy tôi là một người Thổ hiền lành đã đúng tuổi, thuộc số những người phục vụ Pasha. Ông rất sung sướng thấy tôi lĩnh hội khá nhanh tiếng Thổ, và bảo rằng chẳng mấy chốc tôi sẽ trở thành một người Hồi giáo. Lần nào ông cũng lấy làm bối rối, ngượng nghịu khi nhận tiền học phí từ tay tôi. Ngoài ra, tôi còn đưa tiền nhờ ông mua thức ăn, vì tôi nóng lòng chăm lo sức khỏe bản thân.
Một buổi chiều mù sương, một viên kiahia (quản gia trong những nhà quyền quý) bước vào phòng giam tồi tàn của tôi và bảo Pasha muốn gặp mặt tôi. Cảm thấy ngạc nhiên và lo lắng nhưng tôi cũng tức tốc sửa soạn lên đường. Tôi đồ rằng, có lẽ ai đó trong số người thân ở Tổ quốc, có thể là cha tôi, cũng có thể là nhạc phụ tương lai, đã gửi tiền sang để chuộc tôi về. Vừa rảo bước trong sương mù qua những con phố ngoằn ngoèo chật hẹp, tôi vừa mường tượng đến lúc bỗng chốc mình lại ở nhà, choàng tỉnh dậy sau giấc ngủ và nhìn thấy những người ruột thịt. Tôi đoán rằng họ đã nhờ cậy ai đó tới cứu giúp tôi, và nếu ra khỏi làn sương mù này, tôi sẽ có mặt trên con tàu đưa tôi về cố quốc; nhưng khi chúng tôi bước vào dinh thự của Pasha, tôi hiểu rằng sẽ chẳng dễ gì mà thoát khỏi chốn này. Ở đây, ai cũng rón rén đi nhẹ nói khẽ.
Thoạt đầu, người ta đưa tôi vào tiền sảnh, sau đó mới dẫn vào phòng. Ngọa dài trên chiếc ghế sofa hẹp là một người tầm thước, niềm nở, chân phủ tấm chăn. Bên cạnh có một người nữa, vóc dáng vạm vỡ. Người nằm trên sofa chính là Pasha, ông vẫy tay ra hiệu bảo tôi đến gần. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện, ông hỏi han, tôi thì đáp lời rằng về cơ bản tôi đã nghiên cứu thiên văn, toán học, kĩ thuật, ngoài ra còn hiểu biết đôi chút về y học và đã cứu chữa được nhiều người. Có lẽ, tôi sẽ còn kể với ông nhiều hơn nữa, nhưng Pasha nói rằng xét qua việc tôi đã học được tiếng Thổ một cách mau lẹ như vậy, hẳn là tôi cũng sáng dạ, và nói thêm là ông đang ốm, và các thầy thuốc không chữa được cho ông khỏi bệnh, ông đã nghe đồn đại nhiều về tôi và cũng muốn thử xem tay nghề của tôi điệu nghệ đến chừng nào.
Pasha bắt đầu kể về bệnh tình của ông, cứ như thể trên thế gian này chỉ có mình ông mắc phải căn bệnh ấy, và ông mắc bệnh là bởi bọn địch đã lừa dối Đức Allah mà vu oan giá họa cho ông. Nhưng tôi đoán chắc ông ta đang mắc căn bệnh mà chúng tôi thường gọi là hen suyễn. Tôi thăm bệnh cho ông kĩ lưỡng, nghe tiếng ho rồi sau đó xuống bếp làm những viên bạc hà và thuốc nước chữa ho từ các loại cây thuốc tìm được ở đấy. Biết Pasha sợ bị đầu độc, tôi bèn uống một ngụm thuốc nước và nuốt một viên trước mặt ông. Ông lệnh cho tôi lập tức ra khỏi dinh thự và quay về nhà giam, về sau, viên kiahia giảng giải cho tôi rõ rằng Pasha không muốn để cho những thầy thuốc khác sinh lòng tỵ hiềm. Ngày hôm sau, tôi lại tới thăm bệnh cho ông, nghe tiếng ông húng hắng ho và khuyên ông cứ tiếp tục dùng các loại thuốc đó. Như một đứa trẻ nít, Pasha rất thích những viên hoàn tán đủ màu mà tôi dốc vào lòng bàn tay ông. Khi quay về phòng giam, tôi không ngớt cầu Chúa cho ông được khỏe hơn. Sang ngày hôm sau thì có gió Bắc thổi về: tôi thầm nghĩ, với tiết trời đẹp như thế bất kì ai cũng sẽ cảm thấy sảng khoái hơn, nhưng không thấy ai đến gọi tôi cả.
Một tháng sau, đang lúc đêm tối, người ta lại cho gọi tôi. Pasha đã đi lại được và rất lanh lẹ phấn chấn. Tôi phấn khởi thấy ông đã làm chủ được hơi thở và đang tuyên phạt ai đó. Nom thấy tôi, ông mừng rỡ bảo rằng tôi đã chữa cho ông lành bệnh, và tôi là một thầy thuốc giỏi. Vậy tôi muốn nhận được đặc ân gì ở ông không ? Tôi hiểu rằng ông chẳng thể nào lập tức giải phóng cho tôi và gửi tôi về cố quốc, nên chỉ phàn nàn về nhà giam, về những xiềng xích, và nói rằng tôi sẽ có ích cho ông, nếu tôi được nghiên cứu y học, thiên văn, khoa học, vậy mà tôi lại buộc phải làm những công việc chân tay nặng nhọc chẳng đâu vào đâu. Tôi cũng không biết ông lắng nghe tôi tới chừng mực nào. Phần lớn số tiền trong chiếc túi nhỏ mà ông ban cho tôi bị bọn lính canh đoạt mất.
Một tuần sau, đang đêm viên kiahia lại đến, bắt tôi thề thốt sẽ không chạy trốn, rồi tháo xích trói cho tôi. Bọn họ vẫn dẫn tôi đi làm, nhưng đám lính canh đối xử với tôi đã độ lượng hơn trước. Ba ngày nữa trôi qua, viên kiahia mang đến cho tôi quần áo mới, và tôi hiểu rằng mình được Pasha bảo trợ.
Đêm đêm tôi được mời vào dinh thự. Tôi kê đơn thuốc cho những tay hải tặc già bị căn bệnh thấp khớp hành hạ, và cho những anh lính trẻ khốn khổ vì chứng đau dạ dày, tôi chích huyết cho những người ghẻ lở và những kẻ béo phì mắc bệnh thống phong. Tôi cho đứa con trai nói lắp của một người hầu trong dinh Pasha uống thuốc nước và một tuần sau tôi được thằng bé đã hết tật lắp bắp ấy đọc tặng một bài thơ.
Mùa Đông cứ thế trôi qua. Đến mùa Xuân, không thấy ai quấy quả gì tôi đến mấy tháng liền, rồi tôi hay rằng Pasha đã cùng với hạm đội lên đường đi Địa Trung Hải. Giữa ngày hè oi bức, những người chứng kiến cơn tuyệt vọng và giận dữ của tôi bèn thuyết phục rằng tôi chớ nên than phiền về tình cảnh của mình, bởi tôi đã kiếm được bộn tiền nhờ việc chữa bệnh rồi. Một cựu nô lệ cải sang đạo Hồi từ nhiều năm trước và đã lấy vợ ở đây xui tôi nên tìm cách chạy trốn. Vì người ta đang lừa dối tôi đấy, họ sẽ chẳng đời nào để một nô lệ có ích cho họ trở về Tổ quốc đâu. Tôi chỉ có thể được tự do chừng nào tôi, cũng như ông ta, cải sang đạo Hồi mà thôi. Tôi đồ chừng chắc ông ta gợi chuyện để tôi cởi mở, nên vội đáp rằng tôi không có ý định bỏ trốn. Thật ra, không phải là tôi không có ý định bỏ trốn, chẳng qua là không đủ lòng can đảm thôi. Tất cả những kẻ chạy trốn đều bị bắt lại khá nhanh. Họ bị đánh đập dã man, rồi sau đó, trong các buồng giam tôi lại phải bôi thuốc mỡ lên vết thương cho những kẻ bất hạnh này.
Đến mùa Thu, Pasha cùng hạm đội từ cuộc hành binh trở về; ông bắn đại bác chào mừng Padishah, cố gắng tổ chức hội hè cho dân chúng như năm ngoái, nhưng rõ ràng là cuộc hành binh không được tốt đẹp lắm. Số tù binh đưa về nhà giam không nhiều. Sau đó chúng tôi được biết quân Venice đã đốt mất sáu chiếc tàu. Tôi tìm cách nói chuyện với đám tù binh, hy vọng nhận được tin tức gì đó từ quê hương, nhưng phần lớn tù binh mới là người Tây Ban Nha; họ kín tiếng, vô học và sợ sệt, luôn cầu giúp đỡ và xin bánh mì. Chỉ có một người xem ra đáng cho tôi lưu tâm: cánh tay đã bị xén cụt, nhưng anh ta không nản chí và luôn nói rằng một vị tổ tiên của anh ta cũng từng gặp hoạn nạn như vậy, nhưng khi thoát được đã dùng một tay còn lại để viết các thiên truyện phiêu lưu; anh ta hy vọng rằng số phận của mình rồi cũng như thế. Tôi vẫn thường nhớ đến con người đó mỗi khi hư cấu các thiên truyện của mình - để mà sống, còn anh ta thì mơ ước được sống, để mà sáng tác truyện. Sau đó một thời gian ngắn, nạn dịch hạch bùng lên trong nhà giam, mang đi tới hơn một nửa số nô lệ: tôi thoát được nhờ những khoản tiền hối lộ mà tôi cúng cho lính canh cho nên tôi được sống riêng trong phòng biệt giam và không bị lây bệnh.
Những người sống sót lại bị dẫn đi làm những công việc mới. Tôi chẳng phải đi đâu. Tối đến, nô lệ kháo chuyện rằng họ bị đưa đến phía bên kia vịnh Sừng Vàng (vịnh nhỏ thuộc phần châu Âu của Istanbul), và ở đó họ làm việc với các thợ mộc, thợ may, thợ sơn đang làm những con tàu, tháp chuông và pháo đài bằng bìa các tông. Sau đó, chúng tôi hay tin Pasha sắp cưới con gái của tể tướng cho con trai mình và đang chuẩn bị một đám cưới hết sức linh đình.
Một buổi sáng họ gọi tôi đi gặp Pasha. Tôi lên đường, nghĩ bụng có lẽ ông lại bị viêm phổi. Pasha đang bận, tôi ngồi trong phòng mà chờ đợi. Lát sau cánh cửa hông mở ra, và một người hơn tôi chừng năm tuổi bước vào, tôi nhìn anh ta và lặng đi vì kinh hãi.