Chương 3


Số từ: 5373
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Những ngày ấy, Hoja suy ngẫm về chuyện làm thế nào chế tạo thêm một chiếc bánh răng lớn hơn nữa, để khỏi phải tuần nào cũng chỉnh lại đồng hồ, mà chỉ cần mỗi tháng một lần, thậm chí, trong tương lai, anh ta còn dự định tạo ra một cỗ máy sao cho mỗi năm chỉ cần chỉnh đồng hồ hai lần. Anh ta cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ phải tìm ra nguồn lực nào đó có thể khiến cho bộ máy chuyển động, một lực có thể tăng lên và mạnh thêm, tương ứng với khoảng thời gian được tăng lên giữa hai lần chỉnh giờ. Rồi một hôm, qua người quen ở tháp đồng hồ, anh ta biết là Pasha đã từ Erzurum trở về.
Sáng hôm sau, anh ta đến mừng Pasha. Giữa đám khách khứa, Pasha chú ý đến Hoja và các sáng chế của anh ta, thậm chí ông còn hỏi thăm tôi. Tối hôm ấy, chúng tôi tháo rời chiếc đồng hồ rồi lắp lại, bổ sung thêm một số chi tiết vào mô hình cũ và sửa sang lại lớp thếp vàng. Hoja đọc cho tôi nghe một đoạn trong diễn từ mà anh ta viết với ngôn ngữ thơ ca bay bướm nhằm thu hút chú ý của cử tọa. Đến gần sáng, để bớt hồi hộp, anh ta bắt đầu đọc bài viết về các hành tinh và lí thuyết chuyển động của chúng. Sau đó, anh ta chuyển các thiết bị vào chiếc xe ngựa được đặt thuê từ trước và lên đường đến dinh thự của Pasha. Tôi ngạc nhiên thấy tất cả máy móc và đồng hồ, chất đầy căn nhà của chúng tôi trong mấy tháng qua, giờ đây lại có thể xếp gọn gàng trong một chiếc xe độc mã. Hoja trở về rất muộn.
Khi các thứ máy móc được dỡ xuống khu vườn của Pasha, với sự lạnh nhạt khó chịu của người già, Pasha nói đùa rằng ông chẳng thích những vật lạ lùng kia, nhưng Hoja cứ đọc cho ông nghe bài diễn từ đã học thuộc lòng sẵn từ trước. Pasha chợt nhớ đến tôi và thốt lên câu mà về sau Padishah sẽ lặp lại: "Điều này là do hắn dạy cho nhà ngươi, đúng không ?" Hoja đáp lại bằng câu hỏi khiến Pasha kinh ngạc: "Ai cơ ạ ?" - mặc dù anh ta lập tức đoán người được nói đến là tôi. Pasha bảo tôi là một nhà khoa học ngớ ngẩn. Hoja kể cho tôi nghe về tất cả chuyện đó, nhưng lúc ấy anh ta không nghĩ về tôi: anh ta chỉ hồi tưởng lại tất cả những gì đã xảy ra tại dinh thự của Pasha. Hoja quả quyết rằng tất cả những thứ đó là do anh ta nghĩ ra và tự tay chế tạo, nhưng Pasha không tin, và có vẻ như muốn tìm kẻ bày đặt ra tất cả những thứ này, nhưng không thể nào chấp nhận người đó lại chính là Hoja, người mà ông sủng ái.
Tóm lại, thay vì bàn luận về các ngôi sao, họ lại nói về tôi. Tôi biết là Hoja không thích thú gì câu chuyện đó. Sau một thoáng im lặng, Pasha chuyển sang nói chuyện với các vị khách khác. Trong buổi dạ tiệc, khi Hoja cố gắng gợi chuyện về các ngôi sao và những phát minh, Pasha nói ông muốn hình dung lại khuôn mặt của tôi nhưng trước mắt ông cứ hiện lên vẻ mặt của Hoja. Khách khứa rất đông, họ bắt đầu nói về những người giống hệt nhau như bản sao, về những người anh em sinh đôi mà ngay cả mẹ đẻ của họ cũng chẳng phân biệt được, về những người giống nhau đến nỗi ngay chính họ cũng hoảng sợ khi mới gặp nhau, nhưng về sau thì không thể chia tay nổi, như thể cùng bị mê hoặc, về những tên cường đạo đã nhầm lẫn các nạn nhân của chúng. Khi bữa tiệc kết thúc và khách khứa từ biệt ra về, Pasha bảo Hoja lưu lại.
Một lần nữa, Hoja bắt đầu giải thích, thuyết phục, nhưng Pasha lơ đãng ngồi nghe, thậm chí còn có vẻ không hài lòng, như thể tâm trạng ông bị thay đổi vì người ta đang báo cho ông biết những tin tức không rõ ràng lắm, nhưng khi Hoja đọc lần thứ ba bài diễn từ thuộc lòng từ trước, còn Pasha thì nhìn Trái Đất và các hành tinh khác chuyển động trên mô hình của chúng tôi một lần nữa, ông chợt thấy quan tâm và chú ý nghe hơn. Hoja lặp lại rằng các hành tinh không chuyển động theo cách như từ trước tới nay người ta vẫn tưởng, mà đúng như trên mô hình. "Thôi được, - Pasha nói, - ta hiểu rồi. Cứ cho là như thế, cũng được chứ sao ?" Thế là Hoja thôi không nói gì nữa.
Tôi nghĩ chắc là họ cùng im lặng như vậy khá lâu. Đưa mắt nhìn qua cửa sổ về phía vịnh Sừng Vàng tối om, Hoja lên tiếng: "Tại sao Pasha im lặng, tại sao ông không tiếp tục câu chuyện ?" Tôi cho rằng Hoja có những phỏng đoán nào đó về chuyện này, nhưng anh ta không nói gì cả. Dường như anh ta cảm thấy bất an vì mình không giống những người khác. Sau đó, Pasha quan tâm đến chiếc đồng hồ, ông nhìn vào trong ruột nó và hỏi về tác dụng của những chiếc bánh răng, của bộ máy và trọng lượng của nó. Ông thò ngón tay sờ vào bộ máy của chiếc đồng hồ, với vẻ sợ sệt như khi người ta sờ vào cái miệng đen ngòm của con rắn độc rồi vội vàng rụt tay lại. Lúc đó Hoja đang nói về những chiếc đồng hồ treo trên các tháp, về tác dụng của lễ namaz, sẽ được thực hiện đồng lúc ở tất cả mọi nơi. Đột nhiên Pasha kêu lên: "Tránh xa hắn đi ! Hoặc đánh thuốc độc cho hắn chết đi hoặc thả hắn ra ! Nhà ngươi sẽ được nhẹ nhõm hơn." Chắc là tôi đã nhìn Hoja một cách khiếp hãi và hy vọng. Anh ta nói rằng sẽ chưa giải thoát cho tôi, chừng nào họ chưa quan tâm đến công việc của chúng tôi.
Tôi cũng không hỏi là anh ta đang nói đến công việc nào. Chắc bởi tôi lờ mờ đoán rằng bản thân Hoja cũng không trả lời được câu hỏi ấy. Sau đó, hai người nói về những vấn đề khác. Pasha nhăn mặt và khinh khỉnh nhìn các thiết bị la liệt bày trước mặt ông. Hoja mong ông trở lại quan tâm đến chúng, nhưng anh ta đã chờ đợi vô ích đến tận khuya. Cuối cùng, anh ta xếp các thứ máy móc bỏ lên xe ngựa. Tôi chợt nghĩ về những ai sống trong những ngôi nhà dọc đường chiếc xe ngựa trở về trong bóng tối và trong bầu im lặng, về những ai đêm đó không thể nào chợp mắt. Người đó chắc hẳn đã nghe thấy tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ lẫn trong tiếng cót két của chiếc xe ngựa khuất dần trên phố, và lấy làm kinh ngạc.
Cho đến tận sáng, Hoja không chịu ngồi xuống. Nến tàn, tôi định thắp một ngọn khác nhưng anh ta không cho. Tôi biết rằng Hoja chờ đợi ở tôi một lời nào đó, liền nói: "Rồi Pasha sẽ hiểu." Tôi nói câu đó khi trời còn chưa sáng hẳn, nhưng chắc Hoja cảm thấy sự do dự trong giọng nói của tôi, nên một lúc sau anh ta thốt lên: "Tại sao lúc đó Pasha lại im lặng ? Bí ẩn chính là chỗ ấy."
Gặp dịp thuận tiện đầu tiên, anh ta vội đến gặp Pasha để tìm giải đáp cho sự bí ẩn đó. Nhưng lần này Pasha vui vẻ đón tiếp Hoja. Pasha nói rằng ông hiểu dự định của Hoja. Trong khi Hoja hởi lòng hởi dạ bởi câu đó, ông khuyên anh ta nên nghiên cứu về vũ khí. "Một loại vũ khí có thể biến thế giới thành một nhà tù dành cho tất cả kẻ thù của chúng ta !" Ông nói như vậy, không giải thích thêm đó phải là loại vũ khí như thế nào. Nếu như Hoja có cách nghiên cứu theo hướng đó thì ông sẽ ủng hộ. Dĩ nhiên, ông không hề đả động gì đến phần thưởng mà chúng tôi mong đợi. Ông chỉ trao cho Hoja một chiếc túi nhỏ đựng đầy những đồng akcha (tiền lẻ bằng bạc của Thổ Nhĩ Kỳ thời xưa). Tại nhà mình, chúng tôi mở túi và đếm được mười bảy đồng tiền - một con số lạ lùng ! Trao chiếc túi, Pasha nói rằng ông sẽ thuyết phục Padishah tiếp Hoja. Ông nói rằng ấu vương rất thích "những cái trò như thế". Cả tôi, lẫn một người nhẹ dạ như Hoja đều không thể nào coi đó là một lời hứa nghiêm chỉnh, thế nhưng sau đó một tuần, chúng tôi bất ngờ được thông báo là khi tan tiệc iftar (tiệc lớn mà người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào buổi tối đầu tiên sau tuần chay), Pasha sẽ dẫn chúng tôi - đúng thế, cả tôi nữa, - đi tiếp kiến Padishah.
Hoja soạn lại bài diễn từ đã đọc trước Pasha sao cho một đứa bé chín tuổi có thể hiểu được. Nhưng không hiểu sao anh ta không nghĩ về Padishah, mà chỉ nghĩ về Pasha, về chuyện tại sao khi đó Pasha lại im lặng. Một khi nào đó anh ta sẽ giải đáp được điều bí ẩn này. Vũ khí mà Pasha mong anh ta chế tạo thuộc loại như thế nào ? Tôi không thể nói được câu gì, mà Hoja cũng chẳng mong đợi điều đó. Anh ta đóng cửa phòng ngồi một mình đến tận khuya, còn tôi thì đã không nghĩ đến chuyện quay về quê cũ, và như một thằng bé ngốc nghếch, cứ nhìn ra cửa sổ mà mơ tưởng rằng người ngồi làm việc sau bàn là tôi, chứ không phải Hoja, và khi nào muốn thì tôi sẽ đứng dậy, đi đâu tùy thích !
Thế rồi, khi trời gần tối, chúng tôi chất các thiết bị của mình lên xe ngựa và lên đường đến cấm thành. Tôi yêu những đường phố Istanbul và ước ao một khi nào đó tôi sẽ đi dưới những cây-dẻ, cây tiêu huyền cổ thụ kia một cách vô hình, như một bóng ma. Chúng tôi đưa các thiết bị vào sân thứ hai của cấm thành, như người ta hướng dẫn.
Padishah là một cậu bé nhỏ nhắn, má đỏ hây hây. Ngài sờ mó các máy móc của chúng tôi như sờ đồ chơi, và tôi không còn nhớ rõ có phải chính lúc đó tôi đã mong thành người cùng trang lứa hoặc thành bạn của ấu vương, hay là mười lăm năm sau khi tôi gặp lại Ngài lần nữa. Lập tức tôi nhận thấy không nên có định kiến với Ngài. Hoja cứ đủng đỉnh, còn Padishah và tùy tùng của Ngài tò mò chờ đợi. Rốt cuộc Hoja bắt đầu nói, anh ta thêm vào bài thuyết trình lắm điều mới mẻ: anh ta nói về các hành tinh như thể đang nói về các sinh linh có trí tuệ, có hiểu biết về số học và đại số và biết chuyển động hài hòa với những kiến thức đó; anh ta mô tả các ngôi sao như là những sinh thể hấp dẫn và bí hiểm. Hoja phấn khởi hẳn lên khi thấy ấu vương ngẩng đầu nhìn lên trời một cách thán phục. Rồi Hoja biểu diễn trên mô hình các hành tinh chuyển động ra sao - đây là sao Kim, nó chuyển động như thế này, còn ngôi sao to tướng kia là Mặt Trăng, nó di chuyển theo cách khác. Hoja xoay các ngôi sao gắn trên mô hình, chúng rung lên leng keng khiến Padishah hoảng sợ lùi lại, nhưng rồi Ngài cố trấn tĩnh, xích lại gần chiếc hộp thần kì và cố gắng hiểu những gì nghe thấy.
Giờ đây, khi sắp xếp lại hồi ức, tôi nhận thấy quá khứ của mình hệt như một bức tranh hạnh phúc, giống như những câu chuyện cổ tích tôi đã được nghe từ thuở nhỏ, và như những bức tranh minh họa các chuyện cổ tích đó. Chỉ còn thiếu những ngôi nhà mái đỏ, hệt như những chiếc bánh ngọt, và quả cầu thủy tinh mà nếu dốc ngược thì sẽ thấy tuyết trong lòng nó tuôn rơi. Sau đó, cậu bé bắt đầu đặt câu hỏi còn Hoja thì trả lời.
Những ngôi sao kia làm thế nào mà bám được vào không khí ? Chúng được treo vào một bầu khí quyển trong suốt ! Thế môi trường khí quyển đó làm bằng gì ? Bằng một thứ chất liệu trong suốt ! Chúng không va vào nhau chứ ? Không, giống như trên mô hình này, chúng được treo trên những tầng bậc khác nhau ! Nhiều sao như thế, tại sao trên mô hình không có nhiều tầng khí quyển ? Tại vì các hành tinh ở xa lắm ! Xa như thế nào ? Xa lắm, xa vô cùng ! Thế những hành tinh khác có các quả chuông biết kêu leng keng khi chúng chuyển động không ? Không phải đâu, những cái chuông nhỏ này do chúng tôi chế ra để biết được khi nào hành tinh quay được đúng một vòng đấy chứ ! Sấm có liên quan đến những cái này không ? Không ! Thế sấm liên quan đến cái gì ? Liên quan đến mưa ! Ngày mai liệu có mưa không ? Nhìn trời như thế này thì chắc là không ! Thế trời nói gì về con sư tử ốm của Padishah ? Trời nói là con sư tử sẽ khỏi, nhưng cần kiên trì chờ đợi ! Vân vân và vân vân...
Lúc nói về con sư tử ốm, Hoja cũng nhìn lên trời như khi nói về các hành tinh, về đến nhà, anh ta nhận xét một cách bao dung về ấu vương. Điều quan trọng không phải ở chỗ cậu bé không phân biệt được đâu là khoa học đích thực, đâu là câu chuyện tầm phào, mà quan trọng ở chỗ cậu ta đã chú ý đến vấn đề đó. Padishah đã lẩm nhẩm lặp lại lời Hoja, làm ra vẻ hiểu được những gì cần hiểu. Còn tôi thì suy nghĩ về việc có nên cải đạo làm người Hồi giáo hay không. Trong cái túi con chúng tôi được nhận khi ra khỏi cửa cung điện có đúng năm đồng tiền vàng. Hoja nói rằng Padishah đã hiểu đúng về chuyển động của các thiên thể. Ôi, Padishah, Padishah, mãi đến sau này, rất lâu sau đó, tôi mới hiểu được Ngài ! Tôi ngạc nhiên thấy ngoài cửa sổ đang lơ lửng đúng mặt trăng ấy, và tôi muốn làm một thằng bé ! Hoja không đừng được và lại quay về câu chuyện của chúng tôi: vấn đề không phải ở con sư tử, mà là ở chỗ cậu bé yêu súc vật, chỉ thế mà thôi.
Ngày hôm sau, Hoja đóng cửa giam mình trong phòng để làm việc. Sau mấy ngày nữa, anh ta lại xếp các thiết bị lên xe ngựa lên đường tới trường tiểu học trước ánh mắt tò mò của những người hàng xóm đang dòm qua chấn song cửa sổ. Chiều ấy anh ta về nhà với vẻ mặt không vui, nhưng không đến nỗi phải im lặng: "Ta cứ tưởng bọn trẻ con sẽ hiểu được tất cả, giống như Padishah." Các em học sinh chỉ thấy hoảng sợ thôi, còn sau bài giảng của Hoja, một em bé trả lời câu hỏi của anh ta và bảo phía bên kia trời là địa ngục, rồi òa lên khóc.
Suốt cả tuần tiếp đó Hoja tự ám thị rằng Padishah đã hiểu các lí giải của mình; anh ta hồi tưởng lại từng phút một của khoảng thời gian chúng tôi ở trong sân thứ hai của cung điện và tìm ra nhiều khẳng định mới cho ý kiến của mình: vâng, cậu bé thật thông minh, vâng, ngay từ bây giờ cậu ta đã biết suy xét, vâng, ngay bây giờ đã là một nhân cách, biết chống lại ảnh hưởng của môi trường ! Sau này, trước khi Padishah bắt đầu nằm mơ thấy chúng tôi, cả tôi và Hoja đều đã bắt đầu mơ thấy ấu vương trong giấc ngủ. Hoja nghiên cứu chiếc đồng hồ, nhưng hình như suy tính cả về vũ khí - anh ta nói với Pasha như vậy khi được ông gọi đến. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng anh ta không còn hy vọng vào Pasha nữa. Có lần Hoja nhận xét: "Ông ấy trở nên giống mọi người khác, ông ấy không muốn biết những điều chưa biết nữa
. Một tuần sau, Padishah lại triệu Hoja vào cung.
Ngài vui vẻ nhìn Hoja: "Con sư tử của ta đã khỏi rồi, mọi chuyện xảy ra đúng như nhà ngươi đã nói." Họ bước ra vườn dưới sự hộ tống của đoàn tùy giá. Chỉ vào những con cá trong bể, Padishah hỏi Hoja có thích không. Kể cho tôi nghe về chuyện đó, Hoja nói: "Chúng đẹp lắm, mà ta chẳng biết nói về chúng như thế nào." Nhưng vào thời điểm ấy anh ta nhận thấy một trật tự nào đó trong chuyển động của những con cá, như thể chúng thỏa thuận với nhau cùng tuân thủ theo trật tự ấy. Hoja nói rằng anh ta thấy những con cá rất thông minh. Một người lùn đứng bên cạnh lúc nào cũng luôn miệng nhắc nhở Padishah về những lời căn dặn của mẫu hậu, nghe thế liền phá lên cười, lập tức bị Padishah quở mắng. Khi lên xa giá, để trừng phạt tên lùn, Padishah không cho hắn ngồi cạnh Ngài.
Họ đi đến chuồng thú ở At Meydani (quảng trường ở trung tâm Istanbul), nơi nhốt sư tử. Padishah chỉ cho Hoja xem những con sư tử, báo, hổ bị xích vào các cây cột của một giáo đường cũ. Khi họ dừng lại trước con sư tử mà Hoja đã đoán là sẽ khỏi bệnh, ấu vương nói một câu gì đó với con vật, như thể giới thiệu Hoja với nó. Rồi họ đến gần con sư tử cái nằm xa trong góc; con này không nặng mùi như những con sư tử khác - nó sắp sinh con. Nhìn Hoja bằng đôi mắt lấp lánh, Padishah hỏi: "Con sư tử cái này sẽ đẻ mấy con, trong số đó có mấy con cái, mấy con đực ?"
Hoja bực bội kể với tôi là đã đi một nước cờ sai lầm: anh ta trả lời Padishah rằng mình có hiểu biết về thiên văn chứ không phải là một nhà chiêm tinh. Cậu bé đáp: "Nhưng chẳng phải nhà ngươi cái gì cũng giỏi hơn đại sư chiêm tinh Huseyn Efendi hay sao !" Hoja không nói gì, hoảng sợ nhìn quanh, nhỡ có ai trong đám tùy tùng nghe thấy rồi hót với Huseyn Efendi thì khốn. Padishah buồn rầu nhìn Hoja và hỏi: Hay là Hoja chẳng biết gì cả và chỉ ngắm sao một cách vô ích ?
Lúc đó, Hoja buộc phải nói những điều mà anh ta dự định sau này mói nói: các vì tinh tú dạy cho anh ta biết nhiều điều và những kiến thức đó giúp anh ta rút ra những kết luận rất có ích. Thấy Padishah mở to mắt lắng nghe, hiểu đúng sự im lặng mới đây của mình, Hoja nói: để quan sát các ngôi sao cần lập một đài thiên văn, giống như đài thiên văn mà vua Murat Đệ Tam (Ahmet I (1590-1617): hoàng đế Ottoman, ông nội của Padishah Mehmet IV), ông nội của vua Ahmet II tức là cụ ky của Padishah, đã xây cho Takiyuddin Efendi (Takiyuddin (1526-1583): nhà thiên văn học, nhà toán học Ottoman, người gốc Hy Lạp) chín mươi năm trước, thế mà về sau chẳng ai làm việc tại đó, không ai trông coi đài thiên văn nên nó bị sụp đổ; cần phải xây dựng một cái tương tự như thế, không, tốt hơn hết là xây một ngôi nhà khoa học, nơi không chỉ nghiên cứu về thiên văn, mà nghiên cứu toàn bộ thế giới này, các con sông và các đại dương, núi non và các đám mây, thiên nhiên, động vật, một nơi cho các nhà khoa học tập trung lại, cùng nhau bàn luận về những nghiên cứu của mình, phát minh ra những kiến thức mới, khi đó trí tuệ của ta sẽ được phát triển.
Padishah lắng nghe đề án của Hoja - đề án mà lần đầu tiên tôi được nghe, - như đang nghe một câu chuyện thần thoại hấp dẫn. Trên đường về, ngồi trong xe, Padishah hỏi: "Thế thì theo ngươi, đàn con của sư tử cái sẽ như thế nào ?" Hoja đã chuẩn bị sẵn lời đáp, nên tuyên bố: số lượng sư tử đực và sư tử cái sẽ bằng nhau ! Kể với tôi về điều đó, Hoja nhận xét rằng trong câu trả lời của anh ta chẳng có sơ suất nào. "Ta sẽ nắm giữ thằng bé ngu dốt này trong tay mình, ta sáng trí hơn vị đại sư chiêm tinh Huseyn Efendi mà !" Tôi lấy làm lạ thấy anh ta nói như vậy về Padishah, thậm chí không hiểu sao tôi còn cảm thấy tức giận. Trong lòng buồn bực, tôi đi làm mấy việc lặt vặt trong nhà.
Về sau, Hoja bắt đầu sử dụng từ "ngu dốt" như chiếc chìa khóa thần, có thể mở được bất kì ổ khóa nào: vì ngu dốt mà họ chẳng nghĩ ngợi gì khi nhìn những ngôi sao trên đầu chúng ta; vì ngu dốt mà họ đặt ra câu hỏi: kiến thức mà họ có thể thu nhận được dùng để làm gì; vì ngu dốt mà họ chỉ quan tâm đến kết luận mà chẳng hề chú ý gì đến các chi tiết; do ngu dốt nên họ y hệt như nhau... Dù rằng tôi không thích thú gì những nhận xét kiểu đó, ngay cả khi còn sống ở nước mình, nhưng tôi chẳng đáp lại anh ta câu nào. Của đáng tội, khi ấy anh ta chẳng quan tâm gì đến ý kiến của tôi mà đang suy nghĩ về những kẻ ngu muội của mình, còn sự ngu muội của tôi thì chắc là có tính chất khác hẳn. Trong những ngày mà chúng tôi nói mãi không hết chuyện, tôi kể cho anh ta nghe về giấc mơ của mình: anh ta thế chỗ tôi quay về Tổ quốc của tôi, cưới vị hôn thê của tôi, trong đám cưới không ai đoán được chú rể không phải là tôi, còn tôi thì mặc bộ trang phục Thổ Nhĩ Kỳ đứng trong góc nhìn mẹ tôi sung sướng đón nàng dâu mới mà chẳng để ý đến dòng nước mắt tuôn rơi trên mặt mình - chính vì dòng nước mắt này mà tôi tỉnh ngủ - họ không hề nhận ra tôi, họ quay lưng lại với tôi, đi xa dần, rồi khuất hẳn.
Hai lần Hoja đến chỗ Pasha, xét theo mọi chuyện, Pasha không hài lòng thấy Hoja gần gũi với Padishah ngoài sự kiểm soát của ông. Pasha tiến hành những cuộc hỏi cung thật sự đối với anh ta. Mãi sau này, khi Pasha bị trục xuất lần thứ hai khỏi Istanbul, Hoja mới kể cho tôi biết là Pasha chú ý đến tôi, cho điều tra tin tức về tôi; giá tôi biết được điều này, chắc tôi đã hoảng sợ, lo lắng bị đầu độc. Dù sao đi nữa thì tôi cũng đã cảm thấy Pasha chú ý đến tôi nhiều hơn so với Hoja, tôi khoái chí thấy sự giống nhau của chúng tôi hấp dẫn Pasha nhiều hơn là hấp dẫn tôi. Hồi đó, sự giống nhau này là điều bí ẩn, không hiểu sao nó mang lại cho tôi một sự can đảm lạ lùng mà Hoja không ngờ tới. Đôi khi, tôi nghĩ chính nhờ sự giống nhau này mà chừng nào Hoja còn sống thì chẳng có điều gì đe dọa tôi cả. Có thể do vậy mà tôi đã phản đối Hoja khi anh ta liệt Pasha vào hàng những kẻ ngu dốt, điều đã khiến Hoja nổi giận. Ý thức được mình là gánh nặng mà Hoja không thể gạt bỏ thôi thúc tôi cư xử hỗn xược, không đúng với bản chất của mình. Chẳng cơn cớ gì, tự nhiên tôi gạn hỏi tỉ mỉ về những gì Pasha nói về cả hai chúng tôi, khiến Hoja nổi giận, một cơn thịnh nộ mà chính anh ta cũng không biết bởi nguyên cớ gì. Khi đó, anh ta nhắc lại thẳng thừng là có một âm mưu thâm độc đang được bố trí nhằm chống Pasha, bọn pháp binh đang toan tính gì đấy, và anh ta cảm thấy trong triều đình đang có một kế hoạch nào đó được chuẩn bị. Cho nên, một khi anh ta đã chế tạo vũ khí y lệnh của Pasha, thì không bao giờ lại làm điều đó cho quan tể tướng lâm thời, mà sẽ làm cho chính Padishah.
Có một thời gian, tôi nghĩ Hoja đang chế tạo một loại vũ khí nào đó, nhưng công việc không hề tiến triển. Tôi tin tưởng rằng nếu anh ta đạt được thành tựu nào đó thì chắc chắn anh ta sẽ khoe với tôi, và thậm chí còn cố gắng hạ nhục tôi, bằng cách lập tức hỏi tôi có cảm tưởng gì về công việc đó. Vào một buổi chiều hai chúng tôi đến một ngôi nhà nức tiếng ở Aksaray (Một vùng ở phần châu Âu của Istanbul), nghe nhạc, tiêu khiển thời gian với đàn bà - chúng tôi làm chuyện này mỗi tuần khoảng hai, ba lần. Trên đường về, Hoja nói anh ta sắp sửa làm việc đến sáng, sau đó anh ta hỏi han tôi về đàn bà, nhưng vừa về đến nhà là chui vào phòng riêng đóng chặt cửa lại. Tôi ngồi với những quyển sách đã chán không buồn giở đến của mình, và đoán có lẽ Hoja đang giam mình trong phòng, ngồi nghĩ ngợi sau chiếc bàn vẫn chưa thực sự trở nên quen thuộc, nhưng chẳng nghĩ được gì nên anh ta vừa hổ thẹn vừa tức giận nhìn tờ giấy trắng trước mặt hàng giờ liền.
Khuya lắm rồi, anh ta ra khỏi phòng và gọi tôi bằng vẻ khiêm tốn của một người học trò đang cần được chỉ bảo. Chẳng hề ngượng ngùng gì, anh ta nói: "Mi giúp ta với ! Cả hai cùng nghĩ xem, một mình ta thì chẳng nghĩ ra được một điều gì." Tôi im lặng, không hiểu sao lại cho rằng anh ta đang nghĩ về bọn đàn bà. Thấy ánh mắt trống rỗng của tôi, anh ta nói một cách nghiêm chỉnh: "Mi biết không, ta đang nghĩ về bọn ngu si. Tại sao chúng lại ngu si như vậy ?" Và dường như đoán được câu trả lời của tôi, anh ta bổ sung thêm: "Thôi được, không hẳn là ngu si, nhưng đầu óc chúng thiếu một thứ gì đấy." Tôi không hỏi "bọn chúng" là những ai. "Chẳng lẽ đầu chúng không có chỗ để chứa kiến thức ư ? - Anh ta ngó quanh, như thể tìm từ ngữ diễn đạt.
Đầu chúng có cái hộp, trong hộp đó, giữa các thứ hổ lốn, cần phải có chỗ để chứa đựng một thứ gì đó, nhưng chắc là không có một chỗ như vậy. Mi có hiểu không ?" Tôi cũng muốn thuyết phục mình là tôi có hiểu một điều gì đó, nhưng không làm nổi. Chúng tôi im lặng ngồi rất lâu. "Tại sao con người ta lại khác nhau như vậy ?" - mãi sau, anh ta lên tiếng và nói thêm: - "Giá như mi là một bác sĩ thực sự, mi đã có thể dạy ta, giải thích cho ta hiểu được, cơ thể chúng ta làm bằng gì và bên trong cấu tạo như thế nào thì hay biết mấy." Anh ta cảm thấy hơi ngượng ngùng, bối rối. Chắc là để tôi không hoảng lên, Hoja cố gắng giảng giải một cách bình tĩnh rằng anh ta sẽ không bó tay, sẽ đi đến tận cùng, vì anh ta muốn biết điều gì đang ở nơi kết cục, bởi vì chẳng còn lối thoát nào khác nữa. Tôi không hiểu, nhưng cũng cảm thấy thích khi nghĩ rằng tôi sẽ dạy anh ta học được nhiều điều.
Sau này, Hoja thường nhắc lại những lời đó, như thể cả hai chúng tôi đều cùng hiểu ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, đằng sau sự quyết tâm một cách phô trương của anh ta là sự tò mò, ham hiểu biết của một cậu học trò thích đặt nhiều câu hỏi; mỗi lần, khi anh ta nói là sẽ đi đến cùng, tôi có cảm tưởng rằng mình đang nghe tiếng thở than buồn rầu của một kẻ si tình, hiện phải lòng ai đó một cách vô vọng, đang tự hỏi rằng cơn cớ gì mà ông trời đổ xuống đầu mình một tai họa như vậy. Đồng thời, anh ta thường nhắc đi nhắc lại những lời đó, khi hay tin bọn jamssary (vệ binh, tuyển từ bộ phận dân cư Thiên Chúa giáo của đế chế Ottoman (từ thế kỉ XIV trở đi), âm mưu phản loạn; nhắc lại điều đó khi kể với tôi rằng bọn học sinh tiểu học say mê các thiên thần hơn là quan tâm đến các hành tinh, thậm chí Hoja còn nhắc đến điều đó khi anh ta liệng vào xó nhà tập bản thảo mua được với khoản tiền lớn, sau khi đọc chưa được một nửa; nhắc đến điều đó, sau khi chia tay với đám bạn mà anh ta vừa gặp và trò chuyện ở tháp đồng hồ, đa phần là do thói quen; nhắc đến điều đó khi bị lạnh cóng trong nhà tắm chỉ được đốt sưởi một cách tồi tệ, hoặc sau khi đi nằm, đặt quyển sách trên tấm chăn hoa; nhắc lại điều đó sau khi nghe những câu chuyện ngu ngốc trong sân giáo đường, khi thực hiện nghi thức tẩy rửa (nghi thức wudu của người Hồi giáo - dọn mình trước khi cầu nguyện), khi hay tin hạm đội hoàng gia thất bại trong trận giao tranh với quân Venice; nhắc lại điều đó, sau khi kiên nhẫn tiếp chuyện những người hàng xóm trong khu phố đến thuyết phục Hoja lấy vợ, vì anh ta cũng đã khá lớn tuổi. Anh ta sẽ nhất định đi đến cùng.
Giờ đây, tôi nghĩ rằng, liệu có ai đó trong số những người có gan đọc đến tận cùng quyển sách này, kiên trì theo dõi những gì đã xảy ra với tôi, trên thực tế cũng như trong tưởng tượng, mà lại có thể nói rằng Hoja không giữ lời hứa của mình ?
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.