Chương 22


Số từ: 6293
Dịch giả: Vũ Công Hoan
NXB Văn Học
Xuất bản năm 2005
Nguồn: Sưu tầm
Chung Duy Hiền ra bưu điện gởi đi một bức thư rõ thật dài, trở về ngồi ở phòng làm việc, dùng bút đỏ vẽ một vòng tròn ngày gửi thư vào tờ lịch ngày, lại còn đánh một dấu chấm than rõ đậm. Vừa pha trà nhấp một hớp thì giám đốc Sở đã cử người đem tới một tài liệu vừa xem đã tái mặt, lập tức gọi điện thoại đến nhà Trang Chi Điệp. Liễu Nguyệt nhận điện thoại cứ tưởng là Mạnh Vân Phòng liền nói:
- Có việc gì anh cứ nói đi, tôi là thư ký riêng.
Đầu dây đàng kia Chung Duy Hiền tỏ ra băn khoăn: "Thư ký riêng ư?". Liễu Nguyệt nghe tiếng không phải Mạnh Vân Phòng hoảng quá vội vàng gọi phu nhân đến. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Tổng biên tập Chung Duy Hiền đấy ạ? Chi Điệp đi vắng, có việc gì thưa ông?
Ngưu Nguyệt Thanh trợn mắt nhìn Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt cứ há mồm thè lưỡi, song thấy Ngưu Nguyệt Thanh sắc mặt chợt khác đi, nói một cách gấp gáp:
- Ông cứ cho anh ấy đem tới.
Bỏ ống nghe, Ngưu Nguyệt Thanh ngồi chết gí trên ghế sa lông bên cạnh. Liễu Nguyệt hỏi:
- Có việc gì vậy thưa chị?
Ngưu Nguyệt Thanh giục:
- Em đi sang hội văn học nghệ thuật tìm thầy Điệp của em về nhanh nhanh lên!
Liễu Nguyệt đáp:
- Mấy hôm nay không thấy bóng dáng thầy Điệp đâu cả. Ai nắm bắt được đi lúc nào về lúc nào. Sáng nay em sang, không thấy người đâu, chỉ có mỗi một mẩu giấy viết "đi xa sáng tác", có ma mới biết được đi sáng tác ở đâu.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh ấy đi đâu được nhỉ? Em cứ sang bên đó lần nữa xem nào. Nếu vẫn không có nhà thì hỏi bà Vị gác cổng, xem có nhắn lại bà Vị điều gì không? Nếu vẫn không thấy, thì đi hỏi thầy Phòng của em xem, sau đó ra hiệu sách hỏi Hồng Giang.
Liễu Nguyệt đáp:
- Vâng, như vậy phải chạy khắp nửa thành phố cơ đấy!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Bây giờ không phải lúc nói đổng. Em đi đi, nếu đi bộ mệt thì thuê xe. Chị ở nhà chờ Chu Mẫn.
Nói xong móc túi đưa cho Liễu Nguyệt ba chục đồng. Khi thay quần áo, từ túi áo khoác ngoài của Ngưu Nguyệt Thanh treo trên giá, Liễu Nguyệt lại móc lấy vé xe tháng, khoác cái túi da nhỏ của mình đi ra cổng.
Liễu Nguyệt đem ba mươi đồng ra cửa hàng mua một đôi tất lụa dài ống, lại thêm mấy đồng của mình mua một đôi dép cao gót da trâu màu trắng, sắm thêm một cặp kính râm. Còn lại ba đồng vào luôn cửa hàng kem gọi một cốc kem năm màu. Sau đó, cởi đôi giày cũ ra, thay dép mới, đi tất lụa dài ống vào, đeo kính râm lên, ngồi vào bàn ăn tại chỗ. Nghĩ bụng: "Việc quái gì khẩn cấp thế, mà sai mình chạy long sòng sọc lên thế nhỉ? Mình nói ra còn chê mình nói đổng. Không nói ra, có lẽ cũng không nôn ra ba mươi đồng này đâu!" Ở bàn bên cạnh có một anh chàng cứ nhìn Liễu Nguyệt chằm chằm, gã đeo kính râm, Liễu Nguyệt cũng bạo dạn nhìn trả lại, đôi chân nhỏ vắt chéo lên cứ đưa qua đưa lại. Chàng trai kia cười, để lộ cả lợi răng đo đỏ, lấy ngón tay trỏ làm thành hình lưỡi câu ra hiệu rủ rê móc nối. Liễu Nguyệt thấy sờ sợ đứng dậy đi luôn. Nào ngờ chàng trai kia cũng bám theo. Liễu Nguyệt vội lảng vào một cửa hàng, không để hắn bám đuôi. Nào ngờ vừa ra khỏi cửa, đã thấy hắn ta đứng ngay ở đó. Hắn bảo:
- Cô em ơi, "Đả động" nhé!
Từ lâu cô đã nghe kể, trên đường phố bọn gái điếm móc nối với khách làng chơi thường dùng ám hiệu "đả động". Cô sọ toát mồ hôi hột, song vẫn làm ra vẻ từ tốn nói:
- Từ Quảng Đông đến phải không? Eo ơi, tại sao răng ông anh lại bám dính lá hẹ thế kia!
Liễu Nguyệt nói tới mức chàng trai kia xấu hổ đỏ mặt, quay vào tấm kính trong tủ hàng nhìn hàm răng. Liễu Nguyệt liền nhảy luôn lên xe ca chở khách đậu bên đường, vừa bước lên thì cửa xe đóng lại. Cô tựa vào cửa sổ xe nhìn thấy chàng trai kia quay lại tìm mình. Cô liền ném đi một nụ cười rất tươi, bàn tay phải giơ ngón tay cái ra chỉ vào mịnh sau đó chĩa ngón út ra chỉ vào hắn ta và phù một cái nhổ vào ngón tay út.
Đến khu tập thể hội văn học nghệ thuật, vẫn không thấy người trong nhà. Hỏi bà Vi gác cổng, bà cũng không rõ. Liễu Nguyệt nghĩ bụng biết đâu có thư để trong nhà, quay trở lại gõ cửa tìm khắp nơi vẫn không thấy gì cả, song đã nhìn thấy một đồng xu treo ở vòi nước trong buồng tắm, cầm lên ngắm nghía thấy hay hay, tháo sợi dây ra cho luôn vào túi. Sau đó đi ra đón xe ca đến nhà Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng mặc chiếc quần đùi rộng, bảo cô ngồi nhà chờ để anh đạp xe đi tìm. Mạnh Vân Phòng đi đến "nhà cầu khuyết", ở đó cũng không có, đành quay trở về. Liễu Nguyệt hỏi:
- Thầy đi đâu sao lâu thế?
Mạnh Vân Phòng không thể nói địa chỉ với Liễu Nguyệt, cứ ầm à ầm ừ nói liên thiên cho qua. Liễu Nguyệt đành gửi hy vọng cuối cùng vào hiệu sách. Cô đáp xe đến hiệu sách, nhìn thấy ngôi nhà bên cạnh đang tu sửa, biết ngay đó là cửa hiệu bán tranh. Liễu Nguyệt hỏi Triệu Kinh Ngũ có ở đây không. Thợ sửa chữa bảo Triệu Kinh Ngũ đang đi mua dụng cụ, cứ tưởng cô là bạn gái của Triệu Kinh Ngũ, liền trơ mặt ra cứ vặn hỏi thế này thế khác. Liễu Nguyệt nói một tiếng "Ghét mặt". Quay trở lại hiệu sách, không thấy Hồng Giang, từ một cái thang gỗ ở ngoài cửa sổ trèo lên thẳng gác hai của hiệu sách. Cô biết trên đó là buồng ở của Hồng Giang và hai gian nhà kho. Trên gác yên ắng lắm, chỉ có con mèo đang ăn vụng bát cháo. Liễu Nguyệt co chân đá con mèo một phát vào căn buồng nhỏ. Hồng Giang đang hú hí với một cô gái trên mép giường. Liễu Nguyệt liền lên tiếng:
- Gớm thật, Hồng Giang, ban ngày ban mặt, anh đú đởn với nó vừa vừa chứ, đẹp mặt nhỉ?
Hồng Giang sợ đến mức kéo luôn cái khăn trải giường đắp lên trên người cô gái kia, một tay đóng cửa, một tay bịt miệng Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt cảm thấy xúi quẩy vì đã gặp phải chuyện này. Cô hất tay Hồng Giang ra, ngồi xuống ghế sa lông, tiện tay cầm tờ báo giở ra trước mặt, vừa xem vừa nói:
- Bỉ ổi! Bỉ ổi!
Hồng Giang nói:
- Chị ơi, em cầu xin chị chớ nói việc này với thầy Điệp và cô Thanh.
Liễu Nguyệt đáp:
- Lúc này sao mở miệng cứ ngọt xớt thế, ai là chị của anh? Khỏi cần nói dối thầy Điệp cô Thanh, việc của tôi đã xong đâu. Ở nhà quê gặp chuyện thế này, đàn ông đàn bà phải xé hai thước vải điều đem biếu, không thì người đó xúi quẩy, huống hồ tôi còn là con gái.
Hồng Giang liền rút từ ngăn kéo đưa cho Liễu Nguyệt một xấp tiền. Cô bảo:
- Bịt miệng tôi đấy hả?
Hồng Giang nói:
- Chị Nguyệt ơi, nếu chị không lấy, em không yên tâm. Em biết mỗi tháng chị chẳng được bao nhiêu, sau này có chuyện gì, chị cứ đến tìm em. Em nói thế nào tuyệt đối làm như thế!
Liễu Nguyệt nói:
- Tôi không nhận số tiền này, nếu anh sợ tôi không nhận không yên tâm, thì ngày mai anh đem nó gởi vào ngân hàng, rồi đưa phiếu gởi cho tôi là xong. Thầy Điệp có đến đây không?
Hồng Giang đáp:
- Ngày mai em sẽ đưa phiếu gửi tiết kiệm cho chị. Chị hỏi thầy Điệp phải không? Thầy Điệp không đến đây.
Liễu Nguyệt lại hỏi:
- Anh có biết gần đây thầy Điệp đi sáng tác ở đâu không?
Hồng Giang đáp:
- Em không biết.
Liễu Nguyệt định đi, song đã đến gần giường kéo chiếc khăn trải giường một phát, nói:
- Cho tôi nhìn xem vị này là ai nào?
Dưới tấm khăn trải giường là một đống thịt mịn màng trắng nõn. Liễu Nguyệt không biết là ai, song đã nhớ kỹ ở má có một nốt ruồi to và đen.
Ở nhà Ngưu Nguyệt Thanh chờ Liễu Nguyệt, càng sốt ruột chờ Chu Mẫn. Chu Mẫn không đến, song Đường Uyển Nhi đã đến.
Thì ra Chung Duy Hiền gọi Chu Mẫn đến cho xem tài liệu rồi bảo sao chụp lại một bản đưa ngay đến cho Trang Chi Điệp. Chu Mẫn cầm đọc, dường như há mồm trợn mắt. Đây là một giấy báo Cảnh Tuyết Ấm gởi cho Sở, tuyên bố về việc sở văn hoá không kiên quyết chấp hành chỉ thị của trưởng ban tuyên truyền, mà tạp chí lại từ chối không đăng tuyên bố nghiêm chỉnh, nên chị ta đành phải giải quyết vấn đề bằng con đường pháp luật. Hiện giờ đã gởi thư khởi tố lên toà án khu vực. Toà án khu vực cho rằng một trong các bị cáo là Trang Chi Điệp, lại là đại biểu hội đồng nhân dân, nên họ không có quyền thụ lý, mà chuyển lên toà án trung cấp của thành phố. Bị cáo gồm tác giả Chu Mẫn, người cung cấp tài liệu Trang Chi Điệp, đơn vị đăng bài là tạp chí Tây Kinh, gồm tổng biên tập Chung Duy Hiền, người xét duyệt đầu tiên Cẩu Đại Hải, người xét duyệt lần thứ hai Lý Hồng Văn. Thư khởi tố không gửi cho sở, song lại sao chụp một bản bức thư của Trang Chi Điệp vừa mới gởi cho vợ chồng Cảnh Tuyết Ấm, hơn nữa lại còn dùng bút đỏ đánh dấu từng đoạn lời viết trong thư. Chu Mẫn không nói một câu, rời khỏi toà soạn tạp chí, cũng không trực tiếp đến tìm Trang Chi Điệp ở bên Song Nhân Phủ, mà vào một quán rượu, ăn bốn mươi xâu thịt dê nướng, uống bốn chai bia, rồi thất tha thất thểu đi về nhà. Sáng nay, Đường Uyển Nhi ra cửa hàng chọn mãi mới mua về một lọ thuốc sơn móng tay, mua về rồi lại tỉ mẩn cắt dũa móng tay, đang bôi thuốc dầu nhuộm lên móng, thì thấy Chu Mẫn bước vào cổng, tựa vào cánh cổng cười cười. Đường Uyển Nhi cảm thấy ngạc nhiên, hỏi:
- Anh say rồi, anh say rồi hả?
Chu Mẫn tụt khỏi cánh cổng, oạ oạ nôn ra một đống tanh tưởi, gà trong sân liền chạy đến mổ ăn, gà ăn được cũng dần dần xiêu xiêu, vẹo vẹo gục xuống tại chỗ. Đường Uyển Nhi điên tiết bế anh vào nhà, bế không nổi, liền cầm tay kéo. Chu Mẫn liền bám chặt cây lê, cất tiếng chửi:
- Anh ta bán đứng ta rồi, vì một con đàn bà, anh ta đã định thí mạng ta! Bỉ ổi, độc ác, xấu xa, không phải thằng đàn ông!
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Anh nói gì vậy? Đứa nào vì một con đàn bà đã bán đứng anh hả?
Chu Mẫn đáp:
- Thầy giáo của chúng mình, người mà em sùng bái ấy!
Đường Uyển Nhi hồi hộp, trống ngực đánh thình thình, nhổ toẹt luôn một cái, mắng:
- Anh nói gì vậy, sao anh ấy lại bán đứng anh? Anh còn bảo một con đàn bà! Vì sao tôi đến đây hả? Tôi không có pháp luật bảo vệ thì phải phụ thuộc vào anh!
Chu Mẫn mắt đờ đẫn, đầu óc choáng váng, anh không nghe rõ Đường Uyển Nhi nói gì, chỉ thấy mồm chị ta bôi môi son đang khép mở và mười ngón tay nhuộm móng đỏ đang vung vẩy, anh liền nằm liệt ra đó, say lịm đi.
Đường Uyển Nhi đứng tại chỗ, nhìn Chu Mẫn nằm còng queo bệ rạc, cảm thấy buồn nôn. Chị ta không hiểu sao ngày ấy chị đã phải lòng anh, cố sống cố chết bỏ đi theo anh đến đây? Chị ta thầm nghĩ:
- Ngày ấy hôm nay đã đến, rút cuộc đã đến!
Mấy lần Đường Uyển Nhi đã định nêu ra vấn đề muốn tách khỏi Chu Mẫn, mấy lần sắp sửa nói ra miệng lại nuốt đi. Nhưng chị ta cứ lo một ngày nào đó Chu Mẫn sẽ phát hiện chuyện của mình với Trang Chi Điệp, chị ta nơm nớp không yên và thấy sờ sợ. bây giờ Chu Mẫn biết rồi, chị ta lại cảm thấy nhẹ nhõm. Thế là chị ta đứng đó ngắm nhìn mặt trời, mặt trời nóng hầm hập, chị ta liền ngồi xổm với Chu Mẫn trong hôn mê:
- Anh ngủ đi, duyên phận của chúng ta đã hết rồi, ngủ dậy tôi sẽ nói tất cả với anh. Anh trách tôi cái gì được nhỉ? Tôi vốn không thuộc về anh mà!
Nhưng chị ta đã nhìn thấy trong túi Chu Mẫn có một cuộnó giấy, liền rút ra, không nén nổi xúc động a lên một tiếng liền chạy vào trong nhà. Ở trong nhà, Đường Uyển Nhi đọc ba lần bản tài liệu mới biết Chu Mẫn chưa phát hiện ra chuyện của hai người. Anh ta như thế là vì Cảnh Tuyết Ấm đã khởi tố, là vì lá thư Trang Chi Điệp gởi cho vợ chồng Cảnh Tuyết Ấm có phải không? Điều Đường Uyển Nhi nghĩ đến đầu tiên là: tới bước này, sao anh ấy vẫn còn tơ vương Cảnh Tuyết Ấm. Anh ấy đã làm mọi chuyện với mình, đã nói tất cả với mình, lẽ nào trong lòng anh ấy vẫn còn một người đàn bà họ Cảnh? Người đàn bà họ Cảnh kia là người như thế nào, đã làm cho anh ấy si mê như vậy? Đường Uyển Nhi cho bản tài liệu vào trong túi, lại một lần nữa bế Chu Mẫn đặt lên ghế sa lông rồi hấp ta hấp tấp đi đến khu tập thể hội văn học nghệ thuật tìm Trang Chi Điệp. Chị ta không biết Trang Chi Điệp đã đi sáng tác hay chưa, nhưng đi được nửa đường, chị ta lại quyết định không đi tìm anh ấy nữa. Chị ta ít nhiều cũng có oán giận Trang Chi Điệp, chị ta định mượn bàn tay của Ngưu Nguyệt Thanh để cắt đứt mối tơ lòng. Tuy đã cắt đứt xong vẫn còn vương vấn giữa Trang Chi Điệp và Cảnh Tuyết Ấm.
Ngưu Nguyệt Thanh xem bản tài liệu rồi nói:
- Tổng biên tập Chung Duy Hiền gọi điện thoại bảo là sai Chu Mẫn mau mau mang tài liệu đến, tôi sốt ruột sắp chết mất thôi, thế Chu Mẫn đâu?
Đường Uyển Nhi nhớ lại lời chửi của Chu Mẫn lúc say, mới biết Chu Mẫn đã hận thù Trang Chi Điệp, thật lòng không đem bản tài liệu đến kịp thời, cứ cảm thấy suýt nữa đã để lỡ việc lớn, nên vui mừng cho việc làm của mình. Chị ta nói:
- Chu Mẫn xem tài liệu đã ghét cay ghét đắng con đàn bà họ Cảnh. Mụ ta khởi tố định đưa thầy giáo Điệp vào nhà tù hay sao? Anh Chu Mẫn đau khổ đang ngồi khóc ở nhà, anh ấy bảo không còn mặt mũi nào đến gặp thầy giáo nữa!
Ngưu Nguyệt Thanh cảm động nói:
- Khóc cái gì? Khởi tố đâu đà phải xử tội mình.
Đang nói thì Liễu Nguyệt bước vào cổng. Ngưu Nguyệt Thanh và Đường Uyển Nhi nhìn thấy cô ta ăn diện, trước tiên là ngạc nhiên. Ngưu Nguyệt Thanh sa sầm nét mặt, hỏi:
- Bây giờ là lúc nào mà cô còn tâm tư ăn diện thế, người đâu?
Liễu Nguyệt đáp:
- Không tìm thấy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Cô đi tìm người hày là đi mua đồ dạo phố hả?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em đâu có tiền mà mua đồ. Trên phố gặp một cô bạn cùng quê hồi còn bé, cô ấy làm nhân viên phục vụ ở một nhà nghỉ, mỗi tháng mấy trăm đồng, thấy em ăn mặc úi xùi đã mua tặng một đôi giãy, một đôi tất và cái kính này.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Cô làm sao phải ăn mặc úi xùi? So bì sao được với những nhân viên phụ vụ ở các nhà hàng khách sạn mini, hàng ngày bọn họ bắt khách ở bến tàu nhà ga, ban ngày thì chiều đãi, ai biết tối đến làm cái gì?
Liễu Nguyệt không dám nhiều lời, cởi giày da cao gót, đứng tại chỗ lau chân, chiếc vòng ngọc ở tay cứ lúc la lúc lắc. Đường Uyển Nhi nhìn thấy nhận ra vốn của mình, bây giờ Ngưu Nguyệt Thanh không đeo, on lại đeo vào, trong lòng có phần ghen ghét, liền đi tới ôm Liễu Nguyệt nói:
- Liễu Nguyệt ơi, em cũng có một cái vòng ngọc hoa cúc thế này à? Chị em mình xứng đáng là chị em, em một cái, chị một cái, kiêu dáng cũng y hệt.
Nói xong chìa tay ra so thử. Liễu Nguyệt nhìn thấy cũng ngạc nhiên, vui thích, tháo chiếc vòng ngọc ở tay Đường Uyển Nhi ra xem bảo:
- Chị cũng có một cái à? Có được một đôi mới hay chứ?
Ngưu Nguyệt Thanh nghe thấy, không muốn nói toạc chuyện vòng ngọc này trước mặt hai người, vừa đọc bản tài liệu vừa nói:
- Em đọc tài liệu này rồi hả Uyển Nhi?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em xem rồi, thầy Điệp không nên viết cho Cảnh Tuyết Ấm bức thư ấy. thầy Điệp có lòng tốt, nhưng không được đền đáp lại bị người ta lấy đó làm chứng cớ. Trước toà án, thì điều này có mồm cũng chẳng thể cãi lại được.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Đàn ông là như vậy, mình càng tốt với anh ta, ngược lại anh ta càng lạnh nhạt với mình, những cái không có được thì đều tốt. Bây giờ thì làm sao đây, anh ấy cứ tưởng trong giấy gói kẹo đều là kẹo, đó là viên đạn mà!
Liễu Nguyệt nói:
- Ai cũng thế cả, đứng núi này nhìn núi kia, hoa nhà đâu có thơm bằng hoa dại!
Đường Uyển Nhi đỏ ửng mặt, nói:
- Thầy giáo Điệp không như thế đâu, cô Thanh đây là đoá hoa nhà mùi thơm ngửi không hết, còn có mũi đâu mà đi ngửi hoa dại phải không nào?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Toàn nói những chuyện đâu đâu, người ngoài họ nghe thấy thì thô tục quá!
Nói rồi, không giữ Đường Uyển Nhi ở lại, sai Liễu Nguyệt cùng mình ngay bây giờ dọn sang hội văn học nghệ thuật ở, chờ bằng được Trang Chi Điệp trở về. Lúc này Liễu Nguyệt đã xem qua bản tài liệu, trong lòng không khỏi hồi hộp, ngấm ngầm trách móc bản thân không nên lăng quăng trên đường phố lâu thế, cũng thông cảm đối với những lời quở mắng của Ngưu Nguyệt Thanh. Cô ta nói:
- Chị cả ơi, người giúp việc như em chẳng có vai trò quan trọng đi nữa, thì xét đến cùng cũng là người trong nhà này, việc trọng đại như thế cũng không nên giấu em.
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Đâu có giấu em. Khi sai em đi tìm người, tại chị nóng vội quá, không kịp nói tỉ mỉ với em. Bây giờ chẳng đã để em xem tài liệu rồi đó ư?
Liễu Nguyệt nói:
- Vậy bây giờ sang ở bên đó thật ư? Bấy nhiêu ngày chị chống đối, rút cuộc vẫn là chị chịu thua, từ nay trở đi thầy giáo Điệp được thể, càng trút giận lên đầu chị em mình.
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Ai bảo chị là vợ của anh ấy cơ chứ, xảy ra chuyện này, chị còn cứng rắn làm gì nữa. Anh ấy vào tù, chị không đi đưa cơm thì ai nào? Cái số của chị nó thế mà! Sung sướng thì không được hưởng, hoạn nạn thì cũng gánh chịu, lần mâu thuẫn nào, chị chẳng phải là kẻ thất bại cuối cùng hả em?
Ba người cùng ra cổng, Đường Uyển Nhi đi về hướng nam, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt rẽ sang hướng bắc. Song Ngưu Nguyệt Thanh lại gọi Đường Uyển Nhi bảo:
- Uyển Nhi ơi, Chu Mẫn không đến, chị đoán ít nhiều cậu ta cũng giận thầy giáo Điệp của em. Em bảo cậu ta đừng để bụng, nên thông cảm và lượng thứ cho thầy, thầy có cái khó riêng của thầy. Trong lúc này nhất định phải đồng tâm góp sức. nếu thầy giáo của em đổ, thì Chu Mẫn cũng sẽ đổ, mà thầy Điệp của em còn thì Chu Mẫn sẽ có bát ăn.
Ngưu Nguyệt Thanh nói xong, liền sai Liễu Nguyệt đi về nhà lấy một chai rượu bảo Đường Uyển Nhi đem về cho Chu Mẫn. Đường Uyển Nhi vội níu Ngưu Nguyệt Thanh và nói:
- Điều ấy em hiểu, Chu Mẫn có chỗ nào dám không tôn trọng, em cũng không nghe đâu! Mang rượu làm gì hả chị?
Hai người nói chuyện như bạn tri kỷ, gần như ai cũng rơm rớm nước mắt, năm tay nhau một lúc mới buông ra.
Nhìn thấy Đường Uyển Nhi đi khỏi đầu phía nam ngõ phố và khuất hẳn, Ngưu Nguyệt Thanh vẫn còn đứng trông theo. Liễu Nguyệt liền giục:
- Mình đi thôi chị ơi!
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Đi thôi – song lại hỏi Liễu Nguyệt – em cảm thấy Đường Uyển Nhi có tốt không?
Liễu Nguyệt hỏi lại:
- Theo chị thì như thế nào?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Cô ấy có tấm lòng đấy!
Liễu Nguyệt nói:
- Chị bảo tốt thì tốt.
Về đến căn hộ ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật, thì Trang Chi Điệp đã ở trong nhà, vừa tắm rửa, mặc bộ quần áo ngủ dang lật chiếu tung chăn tìm cái gì đó. Thì ra khi về nhà tắm giặt, Trang Chi Điệp mới phát hiện ra đồng tiền bằng đồng treo ở sát trái tim trước ngực đã bị mất. Anh nghĩ, sợi dây xâu đồng tiền bằng ny lông không đứt được, lại treo ở cổ như một sợi dây chuyền, nếu bị mất thì chỉ có thể là để ở chỗ nào đó khi tắm. Nhưng trong nhà tắm không có, trong buồng ngủ cũng không có. Trang Chi Điệp sốt ruột đến mức toát hết mồ hôi. Lúc này nhìn thấy Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đi vào, anh liền không tìm nữa, chỉ lẳng lặng pha một ly nước trà ngồi tại đó uống một mình. Ngưu Nguyệt Thanh mặc kệ sự lạnh nhạt của chồng, bảo Liễu Nguyệt đi làm mì sợi, còn mình thì đi các phòng thu xếp chăn nệm, lau bàn ghế, phun nước hoa, lại thắp một nén hương đàn, trong nhà lập tức toả mùi thơm ngan ngát. Sau đó chị mặc chiếc áo dài lụa mềm, đánh má phấn bôi môi son, ngồi xuống bên cạnh Trang Chi Điệp, móc một bao thuốc "ba con năm" trong túi ra đưa cho chồng, và bảo:
- Anh gan lì lắm, em và Liễu Nguyệt có phải đi ăn xin, thì anh cũng nên hếch mũi hỏi một tiếng chứ?
Trang Chi Điệp nhìn vợ một cách nghi ngờ hỏi:
- Em hôm nay làm sao thế?
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi lại:
- Em làm sao, hay anh làm sao nào? Đừng có đực cái mặt ra như đưa đám nữa, hãy xuống bếp giúp em và Liễu Nguyệt đi nào!
Hai vợ chồng đi xuống bếp, Liễu Nguyệt chỉ cười với Trang Chi Điệp. Ngưu Nguyệt Thanh ra phòng khách, Trang Chi Điệp khe khẽ hỏi:
- Hôm nay chị em làm sao thế?
Liễu Nguyệt đáp:
- Giếng đã rơi vào gầu, anh thắng rồi mà! Anh là danh nhân, ai thắng nổi anh cơ chứ?
Trang Chi Điệp véo vào mồm Liễu Nguyệt một cái và bảo:
- Em liều liệu đấy, sau này em lấy phải ông chồng suốt ngày nó tát cho, em sẽ biết anh hiền lành tốt bụng.
Liễu Nguyệt đáp:
- Để xem ai tát ai!
Trang Chi Điệp liền nhìn thấy Liễu Nguyệt mặc chiếc váy mini màu đen, đôi tất ống sợi tơ màu da kéo thẳng lên, làm nổi rõ cặp đùi hấp dẫn vô cùng, liền bảo:
- Liễu Nguyệt đi đôi tất này đẹp lắm!
Liễu Nguyệt đáp:
- Liễu Nguyệt đáng thương chết đi được, mua đôi tất này suýt nữa bị chị cả giềng cho một trận nên thân.
Trang Chi Điệp nói:
- Em còn kêu ca nghèo khổ cái gì, hôm trước anh cho em một ít tiền rồi cơ mà?
Liễu Nguyệt nói:
- Có đáng bao nhiêu cơ chứ, em để dàng sang mùa đông mua cái áo khoác lông ngỗng.
Trang Chi Điệp lại hích một cái vào em cô ta, mắng:
- Em càng ngày càng ranh ma!
Liễu Nguyệt kêu lên một tiếng ối chà. Ở trong phòng khách, Ngưu Nguyệt Thanh đang sửa soạn mâm bát, cao giọng hỏi:
- Ôi chà cái gì thế?
Liễu Nguyệt băm mạnh con dao lên thớt, đáp:
- Cắt mì sợi đã cắt phải móng tay!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Cô vụng chân vụng tay như thế, không khéo luộc cả móng tay vào nồi đấy!
Trên mâm cơm, Trang Chi Điệp đã ăn xong ba bát mồ hôi mồ kê toát ra như xông hơi. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh ăn xong rồi, bây giờ em cho anh xem một thứ. Liễu Nguyệt ơi, em mang thuốc lá lại đây, cho thầy em vừa hút vừa nhẩn nha xem.
Trang Chi Điệp vừa hút thuốc, vừa đọc tài liệu, liền ngồi im không động đậy. Cứ thế ngồi một lúc lâu lắm rồi cười gằn một tiếng, vò bản tài liệu làm giẻ lau, lau nước canh vương vãi trên bàn ăn và nói:
- Liễu Nguyệt này, chị cả em hôm nay trang điểm đẹp đấy nhỉ, chỗ dưới lông mày nếu bôi một chút phấn nữa thì càng đẹp.
Điều này khiến Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt càng ngạc nhiên. Việc tầy đình như vậy, chạy cuống cà kê mất vô khối thời gian mà anh ấy xem xong lại như nước thế này à?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Vậy thì tốt. Anh không nổi khùng là tốt. Nhưng anh cũng đừng coi là trò đùa. Bây giờ anh đã rảnh rỗi, em xin nói với anh hai việc, anh có thích nghe hay không là tuỳ, nhưng là vợ anh em nhất định phải nói, một là tại sao anh lại viết cho Cảnh Tuyết Ấm bức thư như vậy? Điều này chứng tỏ anh chưa dứt được tình cũ với chị ta, hơn nữa cũng chứng tỏ anh làm một việc ngu ngốc! Nhưng dù anh có trăm tình vạn nghĩa với chị ta đi chăng nữa, thì cũng không thể viết một bức thư như vậy vào lúc này. Cảnh Tuyết Ấm là con người mềm lòng như em sao? Anh đối xử với chị ta tốt thế, chi ta lại đối xử với anh như thế nào? Chị ta đã sao chép làm chứng cớ gởi lên tòa án. Mà đâu chỉ có thế, nghe ông Chung Duy Hiền nói, chị ta còn nhân thư này làm mấy chục bản gởi cho lãnh đạo tỉnh, thành phố, hội liên hiệp phụ nữ, hội đồng nhân dân, gởi cho tất cả các đoàn thể văn hoá nghệ thuật. Người ngoài họ sẽ chê cười anh như thế nào? Theo em được biết, Cảnh Tuyết Ấm đã tung tin khắp nơi, ngày xưa anh đã có ý định với chị ta, nhưng chị ta không thèm để ý đến, anh tự cho mình là kẻ đa tình. Bây giờ công bố thư này trước bàn dân thiên hạ, chẳng phải là chứng cớ hay sao? Việc này em không định nói nhiều, nói nhiều thì em cay đắng lắm, người ngoài chê cười em thế nào, em có thể coi là gió thoảng qua, em bỏ ngoài tai. Nhưng anh thử nghĩ xem, liệu anh có xứng đáng với với anh không? Hai là anh là danh nhân, cây to bóng cả có thể cản được gió. Còn Chu Mẫn thì khác, cậu ta chỉ là con kiến, ai cũng có thể bóp chết được. Tuy cậu ta gây ra chuyện rắc rối, nếu không phải Cảnh Tuyết Ấm, nếu không hàng ngày chỉ tán chuyện tào lao vớ vẩn với người ta cho vui. Bài văn này chỉ tuyên truyền anh, tâng bốc anh một cách thuần tuý. Anh đã giải quyết được công ăn việc làm cho cậu ta, nếu bây giờ quan tâm đến Cảnh Tuyết Ấm mà bỏ mặc Chu Mẫn, thì tám phần ơn của cậu ta trước đây đã để lại một phần hận này xoá sạch, người ngoài lại sẽ đánh giá anh như thế nào? Ngoài ra Chu Mẫn là loại người như thế nào? Trong lòng anh cũng phải tính xem. Loại người ấy vốn là kẻ vô công rồi nghề ngoài xã hội, tuy bảo hiện giờ đã một lòng cải tà quy chính, song đâu dám nói thói quen cũ không bộc lộ ra nữa? Cậu ta đã hận anh, hôm nay Chung Duy Hiền gọi điện thoại đến bảo, đã sai cậu ta nhanh chóng đem tài liệu đến cho anh, song cậu ta đã không mang. Sau đó vẫn do Đường Uyển Nhi đem đến, cũng chẳng biết cậu ta nói ở nhà những gì? Việc to lớn như vậy, tại sao cậu ta không chịu gặp anh. Anh phải xem xét việc này chứ?
Ngưu Nguyệt Thanh nói đâu ra đấy, Trang Chi Điệp nghe từng câu từng lời, song vẫn ngồi yên không nhúc nhích, buồn bực một lúc lâu, mới nói được một câu:
- Anh định viết một truyện dài, không để anh viết, vậy thì không viết nữa.
Tối hôm nay Trang Chi Điệp gọi điện thoại mời Mạnh Vân Phòng đến và từ Mạnh Vân Phòng thông báo cho Chu Mẫn, Hồng Giang và Triệu Kinh Ngũ cùng đến nhà. Họ đã nghiên cứu đối sách, nêu ra ý kiến chỉ đưa vào người ở toà soạn tạp chí không xong, chỉ có thể bỏ công sức đầu tư vào toà án trung cấp thành phố, để làm sao không thụ lý vụ án này thì tốt. Triệu Kinh Ngũ nói, anh có quen một quan toà ở toà án là Bạch Ngọc Châu, không biết vụ án này có qua tay anh ta không, cho dù không qua tay, thì anh ta cũng nhúng tay vào được. Trang Chi Điệp liền cử ngay Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn ngay trong đêm tìm đến nhà gặp Bạch Ngọc Châu, cho dù sớm muộn cũng phải về đây báo cáo tình hình. Ngưu Nguyệt Thanh liền thu xếp một gói tướng quà biếu đem theo. Chu Mẫn bảo:
- Em sẽ chịu trách nhiệm khoản chi này.
Ngưu Nguyệt Thanh gạt đi:
- Một chút việc vặt này so bì làm gì, biết đâu sau này còn nhiều chỗ chi tiêu, cậu sẽ lo.
Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn đi khỏi, Trang Chi Điệp nói:
- Cứ vui vẻ lên, có việc gì ghê gớm lắm đâu, bọn mình đánh mạt chược chờ họ về.
Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng, Ngưu Nguyệt Thanh và Hồng Giang liền ngồi chung quanh bàn đánh bài. Liễu Nguyệt ngồi bên rót trà đưa thuốc, cứ nhìn chòng chọc vào Hồng Giang. Hồng Giang nói:
- Liễu Nguyệt ơi, cái áo của tôi treo kia kìa, cô móc trong túi lấy giúp tôi một ít tiền lẻ.
Liễu Nguyệt tới chỗ mắc áo móc túi, liền lấy ra một phiếu gửi tiết kiệm nho nhỏ, giở ra xem, thấy có ghi tên mình ở trên, bên dưới vừa mất điền vào ba trăm đồng tiền mặt, liền đút luôn vào túi mình, bảo:
- Hồng Giang ơi, có mấy đồng này ư?
Hồng Giang đáp:
- Còn ít à? Không ít đâu!
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Có bao nhiêu?
Liễu Nguyệt đáp:
- Mười hai đồng.
Hồng Giang nháy nháy mắt với Liễu Nguyệt rồi cười bảo:
- Tôi giỏi tay không cướp dao đấy!
Liễu Nguyệt bước tới vừa xem anh ta ra bài vừa nói:
- Tay không cướp dao hả? Tôi thấy anh thua là cái chắc. Người ta thường bảo, được trên tình trường thì mất trên chiếu bài, anh có thắng con ma ấy!
Mạnh Vân Phòng liền nói:
- Tám ván, hoà không nào? Hồng Giang lại hại cô gái nào vậy?
Câu nói khiến Hồng Giang đỏ mặt tía tai, ra một con bài có ba vòng tròn đáng ra không nên đánh. Liễu Nguyệt mắng Hồng Giang ra bài dở òm, đưa tay vỗ vào đầu anh ta bảo:
- Hồng Giang làm cửa hàng trưởng cửa hàng sách, dáng người gọn ghẽ, ăn nói giỏi, biết bao cô gái xiêu lòng, còn không đắc ý thế nào được?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Liễu Nguyệt không được làm xổ tung kiểu tóc Hồng Kông của Hồng Giang đấy nhé! Đầu đàn ông chân đàn bà, chỉ được nhìn không được sờ. Tôi cứ tưởng cô đã bắt thóp được anh ta cái gì cơ đấy? Theo tôi thì Hồng Giang rất khó tìm được một người đàn bà đẹp. Chuyện đời lạ lắm, chàng trai xinh đẹp thì ngược lại không tìm được cô gái xinh đẹp, cô vợ của Hồng Giang tôi thấy không bằng Liễu Nguyệt nhà mình, mà Liễu Nguyệt thì sau này ngược lại không tìm được chàng nào xinh trai đâu. Điều này gọi là chàng thọt cưỡi ngựa đẹp.
Liễu Nguyệt bực tức đấm thùm thụp nói:
- Người năm giác quan không hoàn chỉnh, thì trái tim cũng xiên xẹo.
Ngưu Nguyệt Thanh liền nặng lời, mắng Liễu Nguyệt nói năng không khuôn phép. Mạnh Vân Phòng nói:
- Điều ấy thường tại tôi thường ngày nuông chiều quá mức, làm cho con bé này đâm ra nhờn, nói năng suồng sã quen thân.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Mạnh Vân Phòng này, anh suốt ngày quan tâm xem quẻ đoán việc, anh thử bói xem Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn đi kết quả như thế nào?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Xem bói phải có một bộ sách, ở đây không có cuốn lịch vạn niên, tôi không tính được giờ ngày tháng.
Liễu Nguyệt nói:
- Em có đồng tiền đây, thầy thử xóc xem.
Nói rồi móc túi lấy ra chùm chìa khoá. Trong chùm chìa khoá quả nhiên có một đồng tiền đồng sáng loáng. Trang Chi Điệp nhìn thấy, mắt nhìn chòng chọc bảo:
- Đưa anh xem nào Liễu Nguyệt.
Nhưng Liễu Nguyệt không đưa, Ngưu Nguyệt Thanh liền ra một quân bài, giục Trang Chi Điệp có ăn không. Trang Chi Điệp mắt nhìn Liễu Nguyệt , tay lại lấy bài ở phần cuối bài. Mạnh Vân Phòng liền đạp vào tay Trang Chi Điệp nói:
- Bốc bài ở đấy à? Đi vào nhà vệ sinh đừng có vào ngăn của đàn bà.
Trang Chi Điệp bình tĩnh lại nhìn bài. Mạnh Vân Phòng nói:
- Một đồng tiền ấy phải xóc bao nhiêu lần nhỉ? Thế này nhé, Nguyệt Thanh ơi, chị đọc lên một con số có ba số đi nào, phải buột mồm ra nói đấy nhé! Tôi bói bằng bai "Mã tiền gia cát".
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Ba bảy chín.
Mạnh Vân Phòng búng ngón tay trái bảo:
- Tiểu cát, ừ, cũng tốt đấy!
Nét mặt Ngưu Nguyệt Thanh tươi tỉnh ra, nói:
- Chỉ cần tốt là được, vậy thì các anh xem tôi hoà bài như thế nào nhé. Đánh bài là bơm tinh thần mà! Thế nào, thắng rồi nhé! Cầm cái rồi đấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Phế Đô.