Chương 5 - Phần 1


Số từ: 3230
Dịch giả: Vũ Hương Giang
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Người ta đang thì thào nói đến một trận tấn công. Chúng tôi lên tuyến thứ nhất sớm hơn lệ thường hai ngày. Dọc đường, chúng tôi đi qua một ngôi trường bị đại bác phá hoại. Hai dãy quan tài sáng màu, mới tinh, đóng bằng ván không bào, xếp dọc ngôi nhà, thành một bức tường kép cao ngất.
Chúng còn sặc mùi nhựa, mùi gỗ thông và mùi rừng, ít ra là một trăm chiếc.
- Trận tấn công được chuẩn bị kĩ nhỉ. - Muynlơ nói, có vẻ ngạc nhiên.
- Để cho cánh mình đấy mà. - Đêtơrinh lầm bầm.
- Bậy nào! - Cát mắng nó.
Nếu cậu được một cái áo quan thì còn phúc cho cậu đấy. - Jađơn cười khẩy, - Khéo họ chỉ cho cái hạng bia đỡ đạn các cậu một miếng vải bạt thôi.
Những đứa khác cũng ném ra những câu bông đùa, những câu bông đùa không thú vị gì mấy, vì chúng tôi còn biết nói gì hơn? Những quan tài ấy dành cho chúng tôi thật. Đối với những chuyện ấy việc tổ chức thật là đâu ra đấy.
Khắp nơi, phía trước chúng tôi, có một cái gì đang ngấm ngầm. Đêm đầu tiên, chúng tôi thử tìm phương hướng. Khu vực này tương đối yên tĩnh, nên chúng tôi có thể nghe rõ tiếng xe vận tải chạy liên miên ở hậu tuyến quân địch, cho đến lúc tảng sáng. Cát nói chúng nó không rút đâu, chúng chở thêm quân lính, đạn dược và đại bác đến đấy.
Pháo binh quân Anh được tăng viện, chúng tôi nhận thấy ngay. Phía bên phải khu trại, ít ra phải có thêm bốn khẩu 205 nữa và sau thân cây bạch dương chúng nó đặt những khẩu phóng bom. Ngoài ra, còn không biết bao nhiêu là thứ súng quái ác bắn pháo hiệu nổ của tụi Pháp.
Tinh thần sút kém. Chúng tôi nấp trong hầm đến hai tiếng đồng hồ này đây, chính pháo binh nhà mình lại dọt xuống chiến hào của chúng tôi. Đây là lần thứ ba trong vòng bốn tuần lễ. Nếu chỉ là tính toán nhầm thì cũng chẳng ai bảo sao, nhưng lại là do nòng đại bác mòn quá, làm cho đường đạn đi chệch choạc, nhiều lần đạn rơi vung vãi cả vào khu vực chúng tôi.
Đêm nay, chúng tôi có hai người bị thương vì thế.
Trận địa là một cái lồng trong đó người ta phải ngồi đợi một cách bứt rứt những biến cố xảy ra.
Chúng tôi nằm dưới một lớp lưới do đường đạn trái phá tạo nên và chúng tôi sống trong trạng thái căng thẳng, không biết cái gì sẽ đến. Sự may rủi bay lượn trên đầu. Khi một viên đạn bắn tới, tôi chỉ còn biết cúi xuống, thế thôi. Tôi không thể biết chính xác nó sẽ rơi xuống đâu, và cũng chẳng tài gì thay đổi được điểm rơi của nó.
Chính sự may rủi đã làm chúng tôi thản nhiên.
Cách đây vài tháng, có lần tôi ngồi trong một hầm trú ẩn đánh bài; một lát sau, tôi đứng dậy, đi thăm vài tay quen ở một hầm khác. Khi tôi quay lại, cái hầm thứ nhất đã tan tành không còn một mảnh; nó đã bị một quả đại bác hạng nặng nghiền nát như tương. Tôi quay lại cái hầm thứ hai, thì cũng vừa kịp đến để giúp vào việc thu dọn, vì cũng vừa đến lượt nó bị phá hủy.
Thật là do tình cờ mà thoát cũng như do tình cờ mà bị. Trong một cái hầm
tha hồ bom dội
, tôi có thể bị tan xác ra từng mảnh, thế mà có khi nằm trơ ra ngoài trời mười giờ liền dưới trận mưa đại bác, có thể tôi chẳng bị qua vết thương nào. Chính nhờ sự may rủi mà người lính sống sót. Cho nên bất kì anh lính nào cũng tin tưởng và tín nhiệm cái rủi may.
Chúng tôi phải để ý đến cái khoản bánh. Gần đây, từ dạo các chiến hào không được trông nom cẩn thận, chuột sinh sôi nảy nở ra nhiều quá. Đêtơrinh cho đó là triệu chứng thế nào cũng sắp có chuyện đây.
Những con chuột ở đây, kinh tởm một cách đặc biệt, vì chúng to ghê quá. Đó là thứ chuột mà người ta thường gọi là:
Chuột xác chết.
Chúng có cái đầu gớm ghiếc, dữ tợn, trọc lốc và chỉ nhìn cái đuôi dài nghêu, nhẵn thín của chúng người ta cũng đủ phát ốm.
Chúng có vẻ rất đói ăn. Chúng đã gặm bánh mì của hầu hết mọi người. Cốp đã phải bọc bánh của nó vào trong một miếng vải bạt rồi gối đầu lên. Nhưng nó không thể ngủ yên được vì lũ chuột chạy cả lên mặt nó để mò đến cái bánh. Đêtơrinh muốn tỏ ra láu hơn; nó buộc lên trần nhà một sợi dây thép nhỏ rồi móc cái túi dết trong có cái bánh vào đấy. Ban đêm, lúc bấm đèn túi lên, nó thấy cái dây đang đung đưa, thì ra một chú chuột béo thật lực đang cưỡi lên cái bánh của nó.
Cuối cùng chúng tôi phải đi tới một quyết định.
Chúng tôi cắt bỏ cẩn thận những chỗ bánh bị chuột gặm đi; bất luận thế nào, chúng tôi cũng không thể vất cả cái bánh đi được, vì làm thế thì ngày mai sẽ chẳng có cái gì ăn. Cùng một lúc chúng tôi xếp tất cả những khoanh bánh đã cắt ra đấy vào giữa hầm. Mỗi người cầm cái xẻng của mình, và nằm dài ra, chuẩn bị đập.
Đêtơrinh, Cốp và Cát cầm đèn bấm.
Vài phút sau, chúng tôi nghe thấy những tiếng loạt soạt đầu tiên của lũ chuột đến gậm bánh. Tiếng động to dần. Ở đấy, hiện có không biết bao nhiêu là bàn chân nhỏ xíu. Thế là, bất thình lình, đèn bấm lóe lên và tất cả mọi người bổ nhào xuống cái đám đen ngòm vừa chạy tán loạn vừa kêu choe chóe. Kết quả tốt. Chúng tôi vất những xác chuột bị đập nát qua luỹ của chiến hào, rồi chúng tôi lại lĩnh.
Còn thành công được ba lần nữa. Sau đó lũ chuột đã nhận thấy cái gì đó hoặc đã đánh hơi thấy mùi máu. Chúng không đến nữa. Ấy thế mà, sáng hôm sau, lũ chuột đã tha đi hết tất cả những mẩu bánh trên mặt đất.
Trong khu vực bên cạnh, chuột đã tấn công hai con mèo to và một con chó, cả ba con này đều bị chuột cắn chết và ăn thịt.
Ngày hôm sau, có pho mát Hà Lan. Mỗi người được lĩnh gần một phần tư tảng. Một mặt, đó là điều hay, vì pho mát Hà Lan ăn ngon tuyệt, nhưng mặt khác, lại là điều xấu. Vì từ trước đến nay, những tảng to tròn màu đỏ ấy bao giờ cũng báo hiệu những trận đánh ác liệt. Sự linh cảm của chúng tôi càng rõ rệt hơn khi người ta phát rượu Sinich (Một thứ rượu mạnh loại rẻ tiền). Uống thì uống thôi, nhưng chẳng vui gì.
Suốt ngày chúng tôi thi nhau bắn chuột và la cà khắp nơi. Những kho dự trữ đạn và lựu đạn ngày càng đầy ắp. Chúng tôi thân hành kiểm tra lại lưỡi lê. Quả nhiên có những lưỡi lê mà cái sống là một lưỡi cưa. Bọn đối phương mà tóm được thằng nào vũ trang lưỡi lê như thế thì chúng giết thẳng cánh ngay.
Trong khu vực bên cạnh, chúng tôi đã thấy nhiều anh bị cắt mũi và khoét mắt vì những lưỡi lê răng cưa ấy. Rồi chúng nhét đầy mùn cưa vào mồm vào mũi cho chết ngạt. Vài chú tân binh còn thứ lưỡi lê ấy; chúng tôi vất biến ngay đi và xoáy cho họ những cái khác. Thật ra, lưỡi lê không còn tác dụng mấy nữa. Bây giờ, nhiều người có kiểu xung phong chỉ bằng lựu đạn và xẻng.
Cái xẻng mài sắc là một thứ vũ khí thuận tiện và lợi hại hơn nhiều. Không những nó có thể cắm phập vào yết hầu quân địch, mà nhất là còn có thể quật những nhát hết sức mạnh. Đặc biệt, nếu quai một nhát chéo góc khoảng giữa cổ và vai, nó có thể xả đến tận ngực như chơi. Nhiều khi lưỡi lê mắc ngập vào vết thương, phải đạp mạnh vào bụng tên địch rồi mới rút ra được, trong lúc ấy rất có thể chính mình cũng bị một nhát. Ngoài ra, lưỡi lê bị gãy cũng không phải ít.
Ban đêm, người ta thả hơi ngạt phía trước mặt chúng tôi. Chúng tôi nằm chờ cuộc tấn công, với đầy đủ mặt nạ và sẵn sàng lột nó ra ngay khi những bóng người đầu tiên xuất hiện.
Tảng sáng cũng không có gì xảy ra. Phía bên kia, suất ngày đêm chỉ ì ầm tiếng xe chạy gặm nhấm thần kinh, những đoàn tàu, những xe vận tải, những xe vận tải; chúng nó tập trung những gì bên ấy thế? Pháo binh của chúng tôi bắn liên tục, nhưng tiếng ầm ĩ vẫn không ngừng, tưởng như không bao giờ chấm dứt...
Mặt mũi chúng tôi bơ phờ, chúng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nhau nữa.
Lại giống trận sông Xom, ở đấy, sau hết là đại bác nã liền tù tì bảy ngày bảy đêm
, Cát nói một cách ủ rũ. Bây giờ anh ta không đùa nữa, từ khi chúng tôi tới đây, đó là dấu hiệu không hay vì Cát là tay lính cựu trào, đánh hơi được những gì đang chuẩn bị. Chỉ có Jađơn là hài lòng với những miếng ăn ngon và rượu rum; thậm chí nó lại còn cho rằng chẳng có quái gì xây ra đâu và chúng tôi lại đến quay về nghỉ thôi.
Mọi người hầu như tin lời nó. Ngày lại ngày trôi qua chẳng có gì mới lạ. Ban đêm ngồi trong hố trinh sát, trên đầu tôi, bay lên lượn xuống đủ các thứ pháo hiệu và đèn dù. Tới hết sức thận trọng, ruột gan như thắt lại, tim đập thình thình. Tôi luôn luôn để mắt nhìn mặt đồng hồ dạ quang. Những chiếc kim không nhúc nhích. Giấc ngủ bám trĩu lấy mi mắt; tôi ngọ nguậy đầu ngón chân trong đôi ủng để cố tỉnh ngủ.
Không có gì xảy ra cho đến lúc tôi được thay phiên; vẫn chỉ có cái tiếng ầm ĩ liên miên ở phía bên kia. Dần dần chúng tôi bình tĩnh lại, lại đánh bài Soát hoặc bài Ram cả ngày. Có lẽ chúng tôi có số may chăng.
Bầu trời suốt ngày đẩy những khí cầu thám thính. Người ta bảo rằng hiện nay, trong lúc tấn công, quân địch ở đây cũng có cả xe tăng và máy bay phối hợp với bộ binh. Nhưng cái đó không làm chúng tôi chú ý bằng những điều người ta nói về loại súng phun lửa mới chế tạo.
Nửa đêm, chúng tôi chợt thức dậy. Mặt đất rung chuyển ầm ầm. Trên đầu chúng tôi, cả một trận pháo kích khủng khiếp. Chúng tôi co rúm người trong các ngóc ngách. Chúng tôi có thể phân biệt đủ các cỡ đạn.
Anh nào anh nấy đặt tay lên đồ lề của mình, luôn luôn xem chúng còn nguyên đấy không. Hầm của chúng tôi rung lên, bóng đêm chỉ còn là gầm rống và chớp giật. Dưới ánh lửa đạn sáng lòe, chúng tôi ngồi nhaý nhau, mặt tái đi, môi mím lại, chúng tôi lắc đầu.
Ai cũng cảm thấy tận trong thớ thịt mình, những quả đại bác hạng nặng đang giật tung thành luỹ chiến hào, đang lao ngập xuống bờ hào, đang xé vụn những khối bê tông phía trên. Chúng tôi chú ý đến phát nổ mạnh nhất, dữ dội nhất của một viên đạn rơi trúng vào chiến hào; tưởng như một con thú dữ gầm rống, vồ vào chúng tôi. Buổi sáng, mấy chú tân binh, nhợt nhạt cả người nôn thốc nôn tháo. Họ chưa có kinh nghiệm.
Một tia sáng đục lờ và ghê rợn từ từ lọt vào các hầm chúng tôi, làm cho ánh chớp trái phá rơi càng thêm nhợt nhạt. Trời sáng. Bây giờ tiếng mìn nổ chen lẫn tiếng đại bác. Sức chấn động của chúng kinh khủng không thể tưởng tượng được, chỗ nào có mìn nổ, chỗ đó thành một cái hố chôn chung.
Những đơn vị thay phiên đi ra, những trinh sát viên lảo đảo bước trở về, khắp người nhem nhuốc và run lẩy bẩy. Một cậu nằm im trong một xó và ăn; một cậu khác, lính trù bị, khóc nức nở; không khí bị dồn ép trong khi đạn nổ đã hai lần hất cậu ta lên mặt luỹ làm thần kinh cậu ta bị kích động, chứ không bị thương tích gì cả. Tụi tân binh nhìn cậu ta. Cái này rất là mau lây; chúng tôi phải coi chừng lắm mới được, vì miệng nhiều cậu đã bắt đầu mếu xệch. Trời sáng thì tốt hơn; có lẽ trận tấn công sẽ nổ ra ngay sáng nay.
Trận pháo kích vẫn không giảm. Nó lan ra cả phía sau chúng tôi. Khắp nơi chỗ nào tầm mắt có thể nhìn tới đều thấy vọt lên những cột bùn và sắt. Như thế là pháo binh đã phủ cả một khu vực rất rộng. Trận tấn công không nổ ra, nhưng pháo kích vẫn tiếp tục. Dần dần, chúng tôi đâm điếc đặc cả. Chẳng ai nói nữa; vả lại cũng chả ai hiểu ai nói cái gì.
Chiếc hào của chúng tôi gần như bị phá huỷ. Ở nhiều nơi, nó không còn đến năm mười phân nữa. Khắp nơi chằng chịt những hốc sâu, những hố hình phễu, những núi đất. Một quả đại bác nổ tung ngay trước căn hầm của chúng tôi. Thế là tối sầm cả lại. Chúng tôi bị vùi xuống đất và phải cố tìm cách nhoài ra; gần một giờ sau, lối ra mới được khơi thông, lúc này chúng tôi bình tĩnh hơn một chút vì trí óc bị hút vào công việc. Viên chỉ huy đại đội của chúng tôi bò đến chỗ chúng tôi và cho biết là có hai cái hầm đã bị tiêu tan. Bọn lính mới có vẻ yên tâm khi nhìn thấy ông ta. Ông ta nói là chiều nay người ta sẽ xoay xở để có cái ăn.
Đó là một tin mừng. Chưa ai nghĩ đến chuyện ấy cả, trừ Jađơn. Thế là, chúng mình lại sắp nhận được cái gì đó từ bên ngoài đưa tới. Mà người ta còn nghĩ đến việc tiếp tế thì chắc hẳn tình hình cũng không đến nỗi bi quá, bọn lính mới nghĩ như vậy. Chúng tôi không muốn làm họ hoang mang, chúng tôi biết rằng lương thực cũng cần như đạn dược và chính vì thế mà người ta phải đi xoay xở.
Nhưng không ăn thua gì cả. Một toán tạp dịch thứ hai lên đường, rồi cũng phải trở lại. Sau cùng, Cát ra tay, nhưng chính anh ta cũng về tay không. Không một ai đi qua được. Đến con ruồi cũng đừng hòng bay lọt một cái lưới lửa như thế (Nguyên văn tiếng Pháp: Cái đuôi chó nhỏ nhất cũng không thoát).
Chúng tôi thít dây lưng vào thêm một nấc và mỗi một miếng ăn nhỏ chúng tôi nhai lâu gấp ba lần. Thế mà cũng chẳng đi đến đâu. Chúng tôi đói hoa cả mắt lên. Tôi chỉ còn một mẩu đầu bánh; tôi ăn chỗ ruột, rồi cất miếng vỏ vào túi dết; thỉnh thoảng tôi nhấm một ít.
Ban đêm thật là khó chịu. Chúng tôi không tài nào ngủ được, cứ mở mắt nhìn trừng trừng và ngủ gà ngủ gật.
Jađơn tiếc rằng chúng tôi đã phí phạm vất cho chuột những mẩu bánh mà chúng đã gặm. Đáng lẽ nên cất đi cẩn thận mới phải. Hẳn bây giờ chẳng ai chê. Nước cũng thiếu, nhưng không khổ vì cái ấy lắm.
Gần về sáng, lúc còn mờ mờ, đã xẩy ra một chuyện náo động; một đàn chuột chạy trốn đã lao vào cửa hầm chúng tôi. Chúng leo lên dọc khắp các bức tường. Các ngọn đèn bấm chỉa vào cái đám hỗn độn ấy. Tất cả mọi người kêu ầm lên, chửi rủa và đập lũ chuột túi bụi. Thế là mối giận dữ và thất vọng bấy lâu chứa chất được dịp trút tung ra. Mặt nhăn tay đập; lũ chuột kêu rít lên. Phải khó khăn mới ngừng tay lại được và chỉ một li nữa là chúng tôi xông vào đập lẫn nhau.
Trận xung phong này làm chúng tôi mệt lử.
Chúng tôi lại nằm xuống và đợi. Thật là một sự kì lạ, hầm chúng tôi chưa ai việc gì cả. Đó là một trong số ít căn hầm sâu còn đứng vững được.
Một thầy cai bò vào, mang theo một cái bánh. Ba chú lính, ban đêm đã vượt qua được hàng rào lửa, mang vào được ít lương thực. Họ cho biết là trận pháo kích, không hề giảm cường độ, đã tràn cả đến vị trí pháo binh. Người ta tự hỏi, đối phương đã kiếm đâu ra lắm súng thế.
Chúng tôi cứ phải đợi, đợi mãi. Khoảng giữa trưa, điều chúng tôi lo sợ đã xẩy ra. Một cậu lính mới lên cơn. Từ lâu, tôi đã chăm chú theo dõi hắn, trong khi hắn luôn luôn nghiến răng, nắm và ghì chặt bàn tay.
Chúng tôi đã quen với những đôi mắt trố ra và hoảng hốt như vậy. Mấy giờ gần đây, chỉ có bề ngoài là hắn bình tĩnh hơn; hắn buông phịch người xuống như một cây gỗ mục.
Bây giờ, hắn lại nhổm dậy, len lên bò qua hầm, dừng lại một lát rồi trườn ra cửa. Tôi vừa ngăn lại vừa hỏi:
- Cậu định đi đâu thế?
- Tôi về ngay bây giờ mà, - Hắn vừa nói vừa toan đi qua mặt tôi.
- Đợi một tí, súng sắp ngớt đấy.
Hắn vểnh tai lên và phút chốc mắt hắn trở nên linh lợi. Rồi đôi mắt hắn lại đục ngầu như mắt chó dại; hắn im lặng và tìm cách gạt tôi ra.
- Đợi một phút đã, anh bạn? - Tôi quát lên.
Tiếng quát làm cho Cát chú ý, và giữa lúc hắn đẩy tôi một cái thì Cát túm lấy hắn và hai chúng tôi giữ hắn thật chặt.
Thế là cậu lính ta phát khùng lên:
- Buông tôi ra! Cho tôi ra ngoài! Tôi muốn ra ngoài!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Phía Tây Không Có Gì Lạ.