Chương 18: Làm Sao Trị Được Bệnh U Uất Trong 2 Tuần


Số từ: 5550
Thể loại: Nghệ Thuật Sống
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
Nhà Xuất Bản Tổng hợp TP.HCM
Khi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đặt một giải thưởng 200 mỹ kim cho tác giả nào viết được một truyện ích lợi và hứng thú nhất với nhan đề: "Tôi đã thắng được ưu phiền cách nào? ".
Ban giám khảo cuộc thi đó có: Eddie Rickenbacker, Chủ tịch Hãng hàng không Eastern Air Lines, Bác sĩ Stewart, W. Mc. Clelland ở Đại học đường Lincoln Memorial, và H. V. Kaltonborn, Bình phẩm viên của Đài phát thanh Nữu Ước. Chúng tôi nhận được hai truyện tuyệt hay, tới nỗi không sao phân biệt được hơn kém. Bởi vậy chúng tôi chia giải thưởng làm hai.
Truyện dưới đây, của ông C. R. Burton, là một trong hai truyện ấy.
"Má tôi bỏ nhà hồi tôi chín tuổi và ba tôi mất hồi tôi có 12 tuổi. Ba tôi bị bất đắc kỳ tử, còn má tôi thì từ bỏ nhà đi, cách đây 19 năm, tôi không được gặp, cả hai đứa em gái nhỏ má tôi dắt theo cũng biệt dạng. Trong bảy năm đầu, tôi không nhận được bức thư nào của má hết. Má tôi đi được ba năm thì ba tôi bị tai nạn mà mất. Trước khi ấy, Người có sang chung với người bạn một tiệm cà phê trong một tỉnh nhỏ ở Mixssouri, và trong khi người bận đi buôn bán ở nơi khác, thì người bạn kia liền sang tiệm cà phê lại cho người khác rồi bỏ trốn mất. Một người bạn thân đánh dây thép gọi ba tôi về ngay; và trong khi vội vàng, ba tôi chẳng may bị xe hơi cán ở Salines. Hai người cô tôi, vừa già, vừa nghèo, vừa hay đau, nhận nuôi ba đứa trong số năm anh em chúng tôi. Nhưng không ai chịu nuôi tôi và em tôi hết.
Chúng tôi bơ vơ trong tỉnh. Chúng tôi rất lo bị người đời đãi chúng tôi như thường đãi những đứa trẻ mồ côi. Nỗi lo đó hiện thực ngay. Trong một thời gian ngắn, tôi sống nhờ một gia đình nghèo trong tỉnh. Nhưng thời buổi khó khăn, vì ân nhân của tôi mất việc, không nuôi tôi được nữa. Sau nhờ được ông bà Loftin dắt tôi về nuôi tại trại ruộng, cách tỉnh độ 13 cây số. Ông Loftin 70 tuổi và đau, nằm ở giường hoài. Ông biểu tôi: "Hễ không nói dối, không ăn cắp và bảo gì làm nấy thì ở mãi được". Tôi thuộc lời ấy như lời Thánh kinh và theo đúng như vậy. Tôi được đi học, nhưng ngay tuần đầu, mỗi lần trở về nhà, la khóc khổ sở. Những bạn học chọc ghẹo, chế giễu cái mũi lớn của tôi, bảo tôi là đồ ngu và kêu tôi là thằng "mồ côi thò lò mũi xanh". Tức giận quá tôi muốn đánh tụi nó, nhưng ông Loftin khuyên tôi "Biết nhịn và tránh cuộc xô xát, ẩu đả, là có một nghị lực tinh thần lớn lắm". Tôi nhịn cho tới bữa kia một đứa nhỏ hốt bãi phân gà trong sân trường và ném vào mặt tôi. Tôi liền xông vào đánh nó; vài đứa khác cho như vậy là đáng kiếp cho thằng nọ và từ đó chúng tôi chơi với nhau.
Tôi lấy làm tự đắc có chiếc mũ mà ông Loftin đã mua cho. Một hôm, một đứa bạn gái lớn giựt mũ tôi đang đội, đổ đầy nước vào, thành thử chiếc mũ hư. Nó nói "đổ nước như vậy để cho cỏ rác trong đầu óc tôi khỏi khô".
Ở trường tôi không bao giờ khóc hết, nhưng về nhà thì tôi sụt sùi kể lể. Rồi một hôm, bà Loftin khuyên tôi một lời mà tôi hết ưu uất, lo buồn và từ đó, kẻ thù của tôi thành bạn thân của tôi. Bà khuyên thế này: "Ralph ơi, bọn đó sẽ không hành hạ con, không gọi là "thằng mồ côi thò lò mũi xanh" nữa, nếu con nghĩ tới chúng và tìm cách giúp chúng".
Tôi theo lời khuyên ấy. Tôi ráng học, chẳng bao lâu đứng đầu lớp mà không bạn nào ganh tị hết, vì tôi đã tìm hết cách giúp họ rồi.
"Tôi giúp nhiều bạn làm bài dịch và bài luận, có khi làm sẵn cả bài cho nữa. Một đứa mắc cỡ không dám cho người nhà hay rằng tôi gà bài cho, nên xin phép má nó đi săn, nhưng lại nhà tôi, buộc chó vào lẫm, rồi nhờ tôi giảng giùm bài học. Tôi chép tập cho một đứa khác và bỏ nhiều buổi tối chỉ toán cho một bạn gái.
Cảnh chết chóc và đau lòng xẩy tới bên hàng xóm. Hai người chủ trại chết, rồi một người bỏ vợ. Trong bốn gia đình, chỉ có tôi là đàn ông. Tôi giúp những người đàn bà goá đó trong hai năm. Khi đi học và lúc ở trường về, tôi ghé vào trại họ, giúp họ bửa củi, vắt sữa bò, cho súc vật ăn uống. Thành thử không ai chế nhạo tôi nữa mà cảm tạ tôi. Khi giải ngũ, ở Hải Quân về, tôi được rõ cảm tình của họ. Ngày đầu tiên tới nhà, hơn 200 người lại thăm tôi, có người đi hơn 120 cây số, và lòng họ đối với tôi thiệt chân thành. Vì tôi chịu khó và vui vẻ giúp đỡ người khác cho nên hết lo lắng và ưu phiền. Đã 13 năm rồi, không còn ai gọi tôi là "thằng mồ côi thò lò mũi xanh nữa".
Đáng khen thay cho C. R. Burton! Anh đã biết bí quyết đắc nhân tâm và diệt lo, để vui sống.
Bác sĩ Frank Loope cũng vậy. Ông tàn tật 23 năm vì chứng sưng khớp xương. Vậy mà ông Withouse ở toà Seattle Star đã viết cho tôi: "Tôi đã lại phỏng vấn bác sĩ Loope nhiền lần. Chưa bao giờ tôi thấy một người vị tha hoặc sung sướng hơn ông ta".
Ông già nằm liệt giường ấy làm cách nào mà sung sướng như vậy? Bạn thử đoán xem. Có phải bằng cách phàn nàn và chỉ trích kẻ khác không? Không... Có phải bằng cách than thân trách phận và muốn được mọi người chú ý tới, săn sóc cho không? Không... Ông sung sướng như vậy chỉ nhờ biết theo đúng châm ngôn của Hoàng xứ Galles: "Tôi phụng sự". Ông kiếm tên và địa chỉ của những người tàn tật khác và viết những bức thư vui vẻ an ủi họ để họ và ông cùng được vui lòng. Sau cùng, ông lập một hội ở khắp nước gọi là "Hội những người bị giam tại nhà".
Nằm trên giường, ông viết trung bình mỗi năm 1.400 bức thư và kiếm sách cùng máy thâu thanh tặng cho hàng ngàn người tàn tật để họ được vui vẻ.
Bác sĩ Loope khác người ở chỗ nào vậy? Chính ở chỗ ông có lòng nhiệt thành của một người có mục đích, có sứ mạng. Ông được biết hoan lạc chính bởi ông phụng sự một lý tưởng cao cả và ý nghĩa hơn cái đời sống đáng lẽ rất tầm thường của ông. Ông thiệt không giống ông Show, tự cho mình là trung tâm của vũ trụ và phàn nàn tại sao thế giới không tận tụy lo hạnh phúc của ông, để cho thân ông phải thành "một cái túi da chứa bệnh tật và âu sầu".
Alffred Adler, nhà trị bệnh thần kinh trứ danh, có nói một câu lạ lùng nhất từ trước tới giờ. Ông biểu những người mang bệnh âu sầu rằng: "Chỉ trong hai tuần là ông hết bệnh, nếu ông theo đúng phương thuốc này: Ráng mỗi ngày kiếm cách làm vui một người nào đó".
Lời ấy có vẻ khó tin quá, cho nên muốn giảng thêm, tôi phải trích hai trang trong cuốn sách rất hay: "Ý nghĩa của đời sống phải ra sao?" của bác sĩ Adler. Đây là hai trang đó.
"Bệnh u uất tựa như một thoái oán hờn dai dẳng, chủ ý để được người xung quanh luôn luôn thương hại săn sóc tới mình. Những ký ức hồi nhỏ của một người có bệnh đó đại loại thường có những cử chỉ ích kỷ như vầy: "Tôi nhớ có lần tôi muốn nằm trên giường, nhưng anh tôi đã nằm ì trên đó rồi. Tôi la khóc cho tới khi anh tôi phải nhường giường cho tôi".
"Những người u uất thường muốn tự tử và việc cần nhất của y sỹ là tránh cho họ cái lý do để tự tử. Riêng tôi luôn luôn cho họ phương thuốc đầu tiên này: "Nếu ông không muốn làm việc thì đừng tự bắt buộc phải làm nó". Cốt ý để làm nhẹ bớt tình cảnh khẩn trương của họ đi. Phương thuốc ấy dường như giản dị quá, nhưng nó trị được tận căn chứng bệnh. Khi một người mắc chứng bệnh u uất, muốn gì đều được như ý, thì còn trách móc gì ai nữa? Còn thù oán gì nữa mà mong tự tử để tự trả thù? Tôi nói với họ: "Nếu ông muốn đi coi hát hay muốn đi chơi, cứ đi. Giữa đường ông không muốn đi nữa thì thôi, ngừng lại. Như vậy, họ được thoả lòng hiếu thắng. Họ thấy họ lớn hơn ông Trời, vì muốn làm gì thì làm kia mà! Một mặt khác, họ thường muốn áp chế và trách móc mọi người nhưng nếu ai cũng đồng ý với họ luôn luôn, thì họ còn áp chế ai được nữa? Phương pháp đó có kết quả tốt và chưa bao giờ con bệnh của tôi tự tử hết", cho nên tôi sẵn sàng câu trả lời: "Ông đã không muốn làm gì thì cứ việc nghỉ". Có một đôi khi họ đáp: "Tôi chỉ muốn nằm suốt ngày". Tôi biết nếu để họ nằm ở giường suốt ngày thì chẳng bao lâu họ sẽ khó chịu, không muốn nằm nữa. Bởi vậy tôi chẳng hề cản. Vì nếu ngăn cản thì họ gây rối liền. Tôi luôn luôn để họ tự tiện. Đó là qui tắc thứ nhất.
"Qui tắc thứ nhì là tấn công trực tiếp cách sống của họ. Tôi bảo họ: "Bệnh ông có thể hết được nếu ông theo đúng phương sách trong hai tuần: ông ráng mỗi ngày nghĩ cách làm vui lòng một người khác". Tôi khuyên vậy là vì họ thường chỉ bận óc với ý nghĩ: "Làm sao cho người khác bực mình được?". Nghe tôi khuyên, họ trả lời những câu rất lý thú. Có người nói: "Điều đó dễ lắm. Suốt đời tôi chỉ tìm cách làm vui lòng mọi người". Thực ra, họ không bao giờ như vậy cả. Tôi chắc họ cũng chẳng bao giờ nghĩ tới sự ấy. Tôi lại khuyên: "Khi nào không ngủ được, thì ông nghĩ cách làm vui lòng một người khác, ông sẽ mau hết bệnh lắm".
Tất nhiên tôi dặn họ phải làm vui lòng người một cách nhũn nhặn, thân ái.
Hôm sau gặp họ, tôi hỏi: "Hồi hôm, ông có nghĩ tới lời tôi khuyên nhủ không?". Họ đáp: "Vừa đặt mình tôi đã ngủ rồi, thành thử không nghĩ tới được". Ngủ được còn gì hơn nữa?
Có người trả lời: "Tôi không sao theo lời ông được, vì tôi nhiều nỗi lo quá rồi". Tôi bảo họ: "Thì ông cứ lo việc ông đi; nhưng đồng thời, ông có thể thỉnh thoảng lo cho người khác được". Như vậy tôi dần dần tập cho họ chú ý tới người khác.
Lại có nhiều người nói: "Tôi làm vui lòng họ làm chi? Họ có nghĩ cách làm vui lòng tôi đâu?". Tôi đáp: "Vì như vậy lợi cho sức khỏe của ông. Còn họ thì rồi họ sẽ đau như ông hiện đau".
Rất ít khi tôi gặp được một bệnh nhân chịu nói: "Tôi đã nghĩ tới lời ông khuyên".
Tôi biết rằng bệnh của họ chỉ do không chịu hợp tác với đời, nên tôi muốn họ nhận thấy điều ấy là cần. Khi nào họ bằng lòng hợp tác với người một cách bình đẳng thì họ sẽ hết bệnh... Bổn phận quan trọng nhất của những tín đồ bất cứ đạo nào vẫn là: "Thương người như thể thương thân"... Người nào ích kỷ không nghĩ tới bạn bè, sẽ gặp những nỗi khó khăn nhất... Chúng ta chỉ cầu sao cho mỗi người thành một bạn tốt, yêu mến đồng loại, chân thành và tận tâm trong tình thương và trong hôn nhân. Được như vậy, không còn gì hơn nữa".
Vậy bác sĩ Adler khuyên ta mỗi ngày làm một việc thiện. Mà thế nào là một việc thiện? Mohanet nói: "Một việc thiện là một việc làm nở một nụ cười trên môi người khác".
Tại sao làm việc thiện mỗi ngày lại có ảnh hưởng tốt tới tâm hồn ta? Vì khi nghĩ cách làm vui người khác, ta không nghĩ tới ta nữa; mà chính cái tật chỉ nghĩ tới mình đã làm cho ta ưu tư, sợ sệt và lo lắng.
Bà William T. Moon, giám đốc một trường học ở Nữu Ước không cần phải mất tới hai tuần mới kiếm được cách làm vui người khác hầu diệt nỗi ưu tư của bà. Bà thắng bác sĩ Adler, vì thâu được kết quả nhanh gấp 14 lần. Nói thế nghĩa là bà diệt ưu tư của bà chỉ trong một ngày, chứ không cần tới 14 ngày, nhờ bà nghĩ cách làm cho hai đứa trẻ mồ côi được vui sướng.
Bà kể: "Năm năm trước, một hôm vào tháng chạp, tôi thấy tâm hồn chìm đắm trong biển ưu tư. Tôi than thân trách phận của vì tôi đã sống nhiều năm đầy hạnh phúc với nhà tôi, rồi thình lình nhà tôi mất. Lễ Giáng sinh càng tới gần, tôi càng thấy buồn tẻ. Chưa bao giờ tôi ăn lễ đó trong cảnh cô độc, cho nên năm ấy tôi thấy nó tới mà ghê. Càng cận ngày, tôi càng đau đớn cho thân phận. Thiệt ra, đời tôi cũng như đời hết thảy chúng ta còn được nhiều nỗi đáng vui. Ngày giáp lễ Giáng sinh, tôi ở sở ra hồi ba giờ chiều và thơ thẩn trên địa lộ thứ 5 để tìm sự khuây khoả. Bấy giờ trên đường chật ních những người qua lại, vẻ mặt rất hân hoan. Càng trông họ, tôi lại càng nhớ những năm sung sướng đã qua. Nghĩ tới sự phải về giam mình trong một căn phòng lạnh lẽo và trống trải, tôi không chịu nổi. Tôi sợ hãi không biết nên làm gì nước mắt chảy ròng ròng. Sau khi đi lang thang khoảng một giờ như vậy, tôi tới cuối một con đường ô tô buýt, Nhớ lại hồi trước hai vợ chồng thường leo lên một chiếc xe thứ nhất ở bến. Xe chạy qua sông Hudson được một lát, tôi nghe người bán vé nói: "Tới cuối đường rồi, thưa cô". Tôi xuống xe. Tôi cũng không biết tên nơi đó nữa, nhưng thấy cảnh tĩnh mịch yên ổn. Trong khi đợi chuyến xe về, tôi đi ngược một con đường có nhiều nhà cửa sang trọng. Đi ngang một nhà thờ, nghe tiếng đàn du dương đánh bản: "Đêm tĩnh mịch", tôi bèn vô. Trong nhà thờ không có ai hết, trừ người đánh đàn. Tôi lẳng lặng ngồi xuống ghế mà không ai hay. Cây No-en trang hoàng đẹp đẽ, chiếu sáng ra làm cho những đồ trần thế chói lọi như những ngôi sao lấp lánh dưới ánh trăng. Nghe âm thanh dịu dàng của bản đàn và bụng lại đói- vì từ sáng chưa ăn gì - tôi thiu thiu ngủ, giữa lúc tinh thần và thể chất đều mệt mỏi.
"Tỉnh dậy, tôi không còn nhớ tôi đang ở đâu nữa. Tôi thấy trước mặt có hai đứa nhỏ quần áo tồi tàn, chắc lại để ngắm cây Nô-en. Đứa gái chỉ tôi nói: "Không biết có phải ông già No-en mang cô này lại không?". Thấy tôi ngửng đầu mở mắt, cả hai đứa đều sợ. Tôi vội bảo cho chúng yên tâm. Đoạn hỏi đến cha mẹ. Chúng đáp: "Chúng em không có ba má".
Vậy ư? Vậy thì, trời ơi! hai đứa nhỏ còn khổ hơn tôi nhiều. Thấy chúng thế rồi nghĩ đến tôi thế này mà còn than thân trách phận, tôi thấy thua chúng. Tôi để chúng coi cây No-en xong, dắt chúng lại một tiệm nước để giải khát, và mua cho chúng ít kẹo, đồ chơi. Nỗi cô đơn của lòng tôi tự nhiên biến mất. Đã mấy tháng nay, nhờ hai đứa con mồ côi ấy, tôi quên hẳn cảnh ngộ tôi đi và được vui vẻ quá. Trong khi hỏi chuyện chúng, tôi nhận thấy rằng muốn được hạnh phúc, ta phải gây hạnh phúc chung quanh ta. Ta phân phát hạnh phúc tức là nhận được hạnh phúc vậy. Do sự giúp đỡ người và do tình thương, tôi đã thắng ưu tư và thói than thân trách phận. Tôi thấy đời tôi thay đổi hẳn chẳng những lúc ấy mà cho tới mấy năm sau nữa".
Tôi biết nhiều người nhờ quên mình mà tìm thấy sức khoẻ và hoan hỉ. Nếu kể chuyện họ, có thể viết thành một cuốn sách được. Như trường hợp của bà Margaret Taylor Yetes chẳng hạn, một người đàn bà nổi danh nhất trong giới Hải Quân Hoa Kỳ.
Bà là một tiểu thuyết gia, nhưng không có truyện trinh thám nào bà viết hay bằng nửa câu chuyện thiệt xảy ra, ngày quân đội Nhật Bản tân công hạn đội Mỹ ở Trần Châu Cảng. Lúc ấy bà đã bị bệnh đau tim hơn một năm rồi. Mỗi ngày bà phải nằm liệt giường đến 22 giờ, kỳ dư chỉ được nhiều lắm là từ phòng ra vườn, để tắm nắng. Mà đi như vậy phải vịn tay người ở gái. Hồi đó bà tưởng sẽ tàn tật tới mãn đời. "Mà thiệt ra - lời bà nói - quân Nhật không tấn công Trân Châu Cảng và làm cho tôi xúc động mạnh tới nỗi khỏi bệnh, thì có lẽ đời tôi tuy sống cũng như chết. Khi quân Nhật tấn công, cả châu thành hỗn loạn. Một trái bom rớt gần nhà tôi làm tôi bắn ra khỏi giường. Xe cam nhông binh đội chạy lại cái trại lính ở Hickam Field, Scofield và phi trường Kaneohe Bay, để chở vợ con của bộ binh và thuỷ binh vô ở trong các trường học. Đồng thời, hội Hồng thập tự kêu điện thoại hỏi từng nhà xem có phòng dư và thuận cho những người gia cư bị tàn phá đó tới ở đậu. Hội biết tôi có máy điện thoại ở đầu giường, nhờ tôi thông tin giúp hội. Tôi ghi chữ nơi mà vợ con binh lính có thể lại ở tạm và đáp những câu hỏi về gia quyến của họ.
Ngay bấy giờ tôi đã được biết chồng tôi là Hải Quân trung tá Robet Raleigh Yate vô sự. Tôi ráng làm cho những người vợ chưa có tin tức về chồng họ được vững dạ và tôi an ủi một số đông đàn bà goá - chao ôi, có đến hai ngàn một trăm mười bảy sĩ quan, hạ sĩ quan và quân lính trong Lục quân, Hải quân tử trận và 960 người mất tích.
"Mới đầu, tôi phải nằm để trả lời điện thoại. Rồi tôi ngội dậy lúc nào không hay. Sau cùng bận việc và hăng hái quá, tôi quên hết bệnh tật, ra khỏi giường đến ngồi ở bàn. Vì mải giúp những người khác khổ sở hơn mình nhiều, nên tôi quên hẳn tôi đi. Thế rồi trừ tám giờ ngủ ra, ngày cũng như đêm, không bao giờ tôi nằm ở giường nữa. Bây giờ tôi nhận thấy rằng nếu quân Nhật không tấn công Trân Châu Cảng thì tôi đã thành một người bán tàn tật suốt đời. Nằm ở giường dễ chịu quá, luôn luôn có người hầu hạ, nên bấy lâu tôi đã tự làm cho tiêu tan cái ý muốn khỏi đau mà không hay.
"Trận Trân Châu Cảng là một bi kịch bản thương nhất trong lịch sử Mỹ, như riêng đối với tôi, nó là một may mắn. Cuộc khủng hoảng ấy đã cho một sức mạnh mà không bao giờ tôi ngờ có được. Tôi không nghĩ tới tôi nữa mà chuyên chú vào người khác. Tôi có một mục đích lớn lao, quan trọng, cốt yếu. Tôi không có thì giờ nghĩ tới tôi, lo lắng cho tôi nữa".
Một phần ba những người bệnh thần kinh có thể tự trị được nếu họ làm theo Margaret, nghĩa là nghĩ tới sự giúp đỡ kẻ khác. Đó không phải là ý của tôi mà là của Carl Jung. Mà Carl Jung biết rõ điều ấy hơn ai hết. Ông nói: "Một phần ba con bệnh của tôi đau không phải vì bệnh, mà vì đời sống của họ vô nghĩa và trống rỗng. Nói một cách khác, họ muốn đi du lịch trên đường đời, nhưng trễ tàu, nên đời họ hoá ra nhỏ mọn, vô ích, khiến họ chảy đi kiếm một nhà chuyên trị bệnh thần kinh. Vì lỡ tàu họ đứng trên bến mà trách hết thảy mọi người - trừ họ ra - và muốn cho cả thế giới săn sóc họ, làm thỏa những ý muốn ích kỷ của họ".
Chắc bạn tự nhủ: Nhưng chuyện đó có chi lạ lùng đâu? Nếu gặp hai đứa trẻ mồ côi đêm Giáng sih, thì ta cũng thương chúng được; nếu ở Trân Châu Cảng, ta cũng vui vẻ làm như Margaret Taylor Yates rồi. Nhưng cảnh ngộ của ta khác: ta sống một đời tầm thường quá. Ta không gặp cảnh gì bi đát cả. Vậy thì làm sao ta giúp người được? Và tại sao lại giúp họ chứ? Có lợi gì cho ta đâu?".
Câu hỏi đó có lý. Tôi xin đáp. Dù đời bạn cũng gặp một vài người lạ. Bạn đối với họ ra sao? Bạn lãnh đạm ngó họ, hay cảm thương tự hỏi họ có uẩn khúc chi mà chán chường đến vậy? Như người phu trạm chẳng hạn, mỗi năm đi hàng trăm cây số, mang thư lại tận nhà bạn, có bao giờ bạn thấy thương người đó hoặc tha thiết muốn biết tình cảm họ ra sao không? Có bao giờ hỏi họ "đi nhiều như vậy có mệt, có chán không?". Còn người bán hàng ở tiệm tạp hoá, người báo cáo, người đánh giầy cho bạn ở góc đường nữa? Họ đều là người như ta, trong đầu cũng đầy những lo lắng, mơ mộng và hoài bão riêng. Họ cũng mong gặp được người tri kỷ để kể lể tâm sự, nhưng có bao giờ bạn để họ kể lể tâm sự của họ không? Đó. Tôi muốn bạn giúp đỡ người theo cách ấy. Bạn không cần phải là một danh ca hoặc một nhà cải cách xã hội mà cũng có thể giúp đời trong khu vực riêng của bạn được. Ngay sáng mai, bạn hãy giúp những người mà bạn gặp đi.
Giúp như vậy bạn được lợi gì? Bạn sẽ hân hoan hơn nhiều, sẽ được mãn ý và hài lòng về bạn rất nhiều! Aristote gọi thái độ ấy là một "thứ ích kỷ sáng suốt". Zoroastre nói "Làm việc thiện không phải là một bổn phận mà là một nguồn vui, vì nó tăng sức khỏe và hạnh phúc của ta". Và Benjamin franklin tóm tắt ý ấy trong lời nói giản dị này: "Anh thương người tức là anh rất thương anh vậy".
Ông Henrry C. Linhk, giám đốc Sở Tâm Lý ở NữuƯớc viết: "Theo tôi, trong thời đại, không có phát minh về tâm lý nào quan trọng bằng sự chứng minh khoa học rằng biết hy sinh và có kỷ luật là hai đức tính cần thiết cho sự thành công và hạnh phúc của chúng ta".
Khi chăm chú tới ước vọng của người, không những ta quên lo lắng, ưu tư của ta, mà nhờ đó, ta còn có rất nhiều bạn và rất vui vẻ nữa. Tại sao vậy? Thì đây: Một lần tôi hỏi giáo sư William Lyon Phelps ở Đại Học đường Yale về điều ấy. Ông đáp:
"Không bao giờ tôi vào một tiệm cao lâu, một tiệm hớt tóc hoặc một cửa hàng mà không nói một câu làm vui những người tôi gặp. Tôi ráng tỏ rằng tôi coi họ là người chứ không phải chiếc bánh xe trong một cỗ máy. Tôi thường khen cô bán hàng có cặp mắt hoặc mớ tóc đẹp. Hoặc tôi hỏi người thợ hớt tóc đứng suốt ngày có thấy mệt không. Có khi tôi hỏi tại sao họ lại lựa nghề đó, học nghề từ hồi nào và đã hớt được bao nhiêu cái đầu rồi. Tôi chỉ cho họ cách tính. Tôi thấy rằng hỏi thăm họ vậy thì họ tươi cười vui vẻ. Tôi thường bắt tay phu xách hành lý cho tôi để anh hăng hái và tươi cười suốt ngày. Có một buổi hè nóng nực vô cùng, tôi ăn bữa trưa trong một toa xe lửa của Công ty New Haven Railway. Toa chật cứng khách và nóng như lò, mà người hầu bàn lại chậm chạp. Đến lúc người này mang thực đơn lại tôi nói: "Trời như hôm nay mà phải nấu ăn trong bếp nóng, chắc khổ lắm nhỉ?". Anh ta liền chua chát chửi thề. Mới đầu tôi cứ tưởng anh đã đổ quạu. Nhưng anh ta nói: "Trời cao đất dầy!! Hết thẩy khách ăn đều phàn nàn về món ăn dở, sự hầu bàn chậm chạp, trời nóng, giá cao. Tôi đã nghe họ chỉ trích 19 năm rồi. Ông là người đầu tiên và độc nhất tỏ lòng thương hại cái kẻ ở trong bếp nóng như thiêu. Cầu trời cho có nhiều khách ăn như ông".
Người hầu bàn ngạc nhiên thấy người da đen như anh cũng được coi như người chứ không như những bánh xe của công ty xe lửa. Giáo sư Phelps tiếp: "Ai cũng cần được chú ý tới mình một chút và tỏ tình đồng loại với mình. Nếu gặp một người dắt một con chó đẹp ở ngoài đường, tôi luôn luôn khen con chó đẹp. Và khi tôi quay lại thì thường thấy người kia vuốt ve, ngắm nghía nó. Nghe lời tôi khen, người ấy nhớ lại vẻ đẹp của con vật".
"Một lần, ở nước Anh, nhân gặp một người chăn cừu, tôi thành thật khen con chó của anh lớn và thông minh. Rồi hỏi anh ta dạy dỗ nó ra sao. Sau lúc từ biệt, tôi ngó lại thì thấy con chó đứng thẳng, hai chân trước vịn lên vai chủ, để chủ vuốt ve. Tôi chú ý đến anh ta và con chó được nâng niu mà tôi cũng được vui lòng nữa.
Bạn có thể tưởng tượng một người đi bắt tay những anh phu vác, tỏ lòng thương hại những người làm trong bếp nóng như thiêu và khen chó của người, bạn có thể tưởng tượng được người như vậy mà chán chường hoặc ưu tư và bị bệnh thần kinh được không? Tất nhiên là không. Một tục ngữ Trung Hoa nói: "Người nào cầm bông hồng mà biếu bạn, luôn luôn tay người đó phảng phất hương thơm... ".
Điều ấy, Billy Phelps ở Yale đã biết rõ và ông đã sống đúng theo đó. Ta khỏi phải chỉ cho ông nữa.
Nếu bạn là đàn ông, bạn không cần phải đọc đoạn dưới này; không có lợi gì cho bạn lắm, vì đó là chuyện một cô con gái khổ sở mà được nhiều người hỏi làm vợ. Cô ấy bây giờ là một bà già đã có cháu nội rồi. Mấy năm trước có lần tôi lại nghỉ một đêm tại nhà hai vợ chồng bà. Tôi diễn thuyết ở tỉnh bà và sáng hôm sau, bà đánh xe đưa tiễn tôi tới một ga xe lửa cách đó 80 cây số, để về Nữu Ước. Chúng tôi bàn về cách đắc nhân tâm. Bà nói: "Ông Carnegie, tôi thuật cho ông nghe một chuyện mà từ trước tới nay tôi chưa nói, cả với nhà tôi nữa. Gia đình tôi là một vọng tộc ở Philadelphie. Bi kịch hồi tuổi thơ và tuổi xanh của tôi là cảnh nghèo. Tôi không được sang trọng như chị em cùng dòng thế phiệt như tôi. Quần áo tôi thì bằng vải thô, vừa chật, vừa không hợp với hình vóc, cố nhiên lại không đúng thời trang nữa. Tôi lấy làm nhục nhã, xấu hổ tới nỗi nhiều đêm nằm thổn thức. Về sau thất vọng quá, nên trong những bữa tiệc, tôi luôn luôn cố tình xin người bên kể cho nghe những kinh nghiệm, lý tưởng và dự định về tương lai của họ. Không phải tôi thích nghe họ đâu. Tôi cốt hỏi như vậy để họ khỏi ngó vào bộ áo tồi của tôi mà. Nhưng một điều lạ lùng xảy ra: nghe lời đáp của những chàng trai trẻ, tôi hiểu nhiều và vì chú ý tới câu chuyện, có khi tôi quên hẳn bộ cánh của tôi đi. Nhưng điều đó chưa bằng điều này: vì chăm chú nghe và khuyến khích họ nói về họ, nên đã vô tình làm cho họ vui lòng. Thế rồi dần dần tôi được người ta để ý tới tôi nhất trong bọn chị em cùng giới. Sau đó, có ba chàng trong bọn hỏi cưới tôi".
(Quý cô nghe chưa, đó là cách kiếm chồng đó).
Vài bạn đọc chương này chắc bĩu môi nói: "Không có gì vô lý bằng cả đoạn khuyên nên chú ý tới người khác ấy. Hoàn toàn là thuyết pháp. Ta chẳng dại gì mà nghe. Ta muốn thu cho đầy túi, vơ được cái gì thì vơ, vơ ngay bây giờ. Còn những kẻ khác? mặc xác họ! ".
Nếu đó là ý kiến của bạn thì bạn có quyền giữ nó. Nhưng nếu bạn có lý thì hết thẩy những triết gia và giáo dục gia từ hồi nhân loại có sử tới giờ - Giê Su, Khổng Tử, Thích Ca, Platon, Aristote, Thánh Francois - hẳn lầm lẫn cả rồi. Tuy nhiên, bạn có thể khinh lời huấn hỗ của các bậc giáo chủ. Vậy để tôi xin kể lời khuyên của hai người theo thuyết giáo thần. Người thứ nhất là ông A. E Housman, giáo sư ở Đại học đường Cambridge, một trong những nhà sư phạm nổi danh nhất thời ông. Chính giáo sư Housman là một người theo thuyết vô thần, một người chán đời đã có lần muốn tự tử mà cũng phải nhận rằng kẻ nào chỉ nghĩ tới mình thôi thì đời chẳng những không sung sướng, không thành công được mà kẻ đó sẽ khổ sở. Còn kẻ nào quên mình để giúp đỡ người khác sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Nếu lời A-E. Housman không làm cho bạn cảm động thì tôi xin kể lời của một người Mỹ nổi danh nhất ở thế kỷ này, trong số những người theo thuyết vô thần: Theodore Dreiser. Ông chế nhạo tất cả các tôn giáo, cho rằng Thánh kinh chứa toàn những chuyện hoang đường và đời người là một "chuyện do một thằng khùng kể, đầy những lời rỗng tuếch, vô nghĩa và những hành động hung hăng của những kẻ hoá dại". Vậy mà Dreiser bênh vực một nguyên tắc căn bản là giúp đỡ kẻ khác. Ông nói: "Nếu ta muốn kiếm một chút vui trên cõi trần, ta phải thực hành những nghĩa cử tốt đẹp, không những để lợi cho mình mà cần nhất lợi cho kẻ khác nữa, vì cái vui của mình tuỳ thuộc vui của kẻ khác, cũng như vui của kẻ khác tuỳ thuộc vui của mình".
Nếu chúng ta muốn "làm những nghĩa cử tốt đẹp cho kẻ khác"- như Dreiser đã khuyên - thì chúng ta hãy làm mau đi. Không có thì giờ để phí. Cho nên có thể làm được việc thiện nào, có dịp tỏ được lòng vị tha thì phải làm ngay. Đừng trì hoãn, đừng xao nhãng, vì chúng ta sẽ không bao giờ trở lại con đường chúng ta đã trải qua".
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống.