Chương 29: Làm Sao Bớt Lo Về Tài Chính 70% Nỗi Lo Của Chúng Ta ....
-
Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống
- Dale Carnegie
- 4377 chữ
- 2020-05-09 12:58:19
Số từ: 4360
Thể loại: Nghệ Thuật Sống
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
Nhà Xuất Bản Tổng hợp TP.HCM
Nếu tôi biết cách giải quyết những nỗi lo về tài chính của mỗi người thì tôi đã không viết cuốn này mà đã toạ tại Bạch cung, ngay bên Tổng thống rồi. Nhưng có việc tôi làm được, là kể kinh nghiệm của vài nhân vật đã biết giải quyết vấn đề ấy, giúp bạn vài lời khuyên thực tế, chỉ chỗ mua vài cuốn sách chỉ dẫn bạn thêm.
Theo một cuộc điều tra của tờ báo "Gia đình của phụ nữ", 70 phần trăm nỗi lo của ta là do vấn đề tiền nong. Geerge Gallup, trong viện điều tra Gallup, nói rằng phần đông ta tin chắc hễ lợi tức tăng lên chỉ mười phần trăm thôi, sẽ hết lo thiếu thốn. Sự ấy đúng trong vài trường hợp, nhưng lại rất sai trong nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn khi viết chương này, tôi phỏng vấn một nhà chuyên môn lập ngân sách giúp các gia đình là bà Elsie Stapleton, một người đã làm cố vấn nhiều năm cho thân chủ và nhân viên của một tiệm tạp hoá lớn ở Nữu Ước. Sau bà mở phòng cố vấn tư, để giúp những người lo lắng mất ăn mất ngủ vì kiếm chẳng đủ ăn. Bà đã giúp nhiều người về mọi cách sinh lợi, từ người phu vác, kiếm không đầy 100 mỹ kim, tới những ông chủ hãng kiếm được trăm ngàn mỹ kim mỗi năm. Bà nói với tôi như vầy: "Đối với đa số, không phải tăng lợi tức mà hết lo về tài chính đâu".
Thiệt ra, sự tăng lợi tức thường chỉ làm tăng số chi xuất và cũng tăng thêm chứng nhức đầu nữa. Phần đông lo lắng không phải là tại thiếu tiền mà tại không biết cách chi túc". (Đọc mấy câu ấy chắc bạn nhớ rằng bà Stapleton không nói rằng câu ấy đúng cho mọi người đâu. Bà nói: "Phần đông". Bà không chỉ bạn. Bà nói về các cô em, các ông anh của bạn, có cả chục người, phải không bạn?).
Có nhiều bạn lại nói: "Ước gì anh chàng Carnegie này phải trả những toa hàng của ta, tiêu pha trăm món cần thiết như ta với số bổng của ta, để cho y bỏ cái giọng dạy đời ấy đi". Thưa bạn tôi đã có lúc phải lo sốt vó rồi. Tôi phải làm lụng khổ nhọc mười giờ một ngày trên cánh đồng lúa và trong kho cỏ khô ở Misssouri - làm tới nỗi chỉ mong mỗi một điều là sao cho thân thể hết mỏi nhừ, hết nhức nhối mà thôi. Làm như trâu vậy, mà mỗi giờ không được tới một đồng nữa, cũng không được tới cắc rưỡi nữa. Cũng không được tới một cắc nữa. Mỗi giờ chỉ vỏn vẹn có năm xu.
Tôi đã sống 20 năm trong những nhà không phòng tắm, không máy nước. Tôi đã phải trải cái cảnh ngủ trong một căn phòng lạnh tới 15 độ dưới số không. Tôi đã đi bộ hàng ngàn cây số để tiết kiệm mỗi lần một vài xu tiền xe, giầy thì lủng đế mà quần thì vá đũng. Tôi đã thấu cái cảnh vào hàng cơm chỉ gọi món ăn rẻ tiền nhất và đêm ngủ thì gấp quần lại, để xuống dưới nệm, nằm đè lên cho nó có nếp, vì không tiền mướn ủi! .
Vậy mà trong thời đó, tôi vẫn kiếm cách để dành được vài xu, vài cắc vì tôi sợ cái cảnh túi rỗng lắm. Nhờ kinh nghiệm ấy, tôi thấy rằng nếu bạn và tôi, muốn khỏi mang nợ và khỏi lo về tiền nong, chúng ta phải theo phương pháp của các hãng buôn: lập một quỹ chi tiêu và quyết chỉ chi tiêu theo số dự định. Nhưng phần đông chúng ta không làm vậy. Ông bạn tốt của tôi, ông Leon Skimkin, Tổng giám đốc nhà xuất bản cuốn sách này, cho tôi hay rằng nhiều người đui mù một cách lạ lùng về vấn đề tiền nong. Ông kể chuyện một kế toán viên mà ông biết. Người này khi làm cho hãng, tính toán chi li, cẩn thận lắm, nhưng với túi tiền riêng thì... chẳng hạn, lãnh lương trưa thứ sáu, đi xuống phố, thấy một áo ba đờ xuy vừa mắt bày ở một cửa tiệm, liền mua ngay, không bao giờ nghĩ rằng số lương mới lãnh chỉ đủ trả tiền nhà, tiền điện và mọi thứ nhất định mà thôi. Y chỉ biết hiện đương có tiền trong túi, tuy y cũng biết hơn ai rằng nếu hãng y cũng chi tiêu theo lối cẩu thả ấy, thế nào cũng vỡ nợ.
Xin bạn nhớ điều này: Khi phải tiêu tiền, tức là bạn kinh doanh cho chính bản thân vậy. Mà thiệt thế, dùng tiền mua một vật, tức là "kinh doanh" chứ gì?
Phải theo nguyên tắc nào khi tiêu tiền? Lập ngân quỹ bắt đầu ra sao?
Có 11 nguyên tắc sau đây bạn có thể theo được.
Quy tắc thứ nhất: Ghi những chi tiêu vào sổ
Năm chục năm trước, khi Arnold Bennet khởi sự viết tiểu thuyết ở Luân Đôn, ông còn nghèo lắm. Ông phải tính trước, với hai cắc mỗi ngày, ông phải tiêu những gì? Như vậy, có khi nào ông tự hỏi tiền đi đâu mất không? Không, ông đã biết rồi mà. Ông thích phương pháp ấy tới nỗi tiếp tục dùng nó khi ông đã giàu, nổi danh khắp thế giới và có cả một chiếc du thuyền nữa.
Ông John. Rockfeller cũng giữ một sổ kế toán. Trước khi lên giường ngủ, ông đã tính toán để biết rõ từng xu số tiền còn lại.
Bạn và tôi, chúng ta cũng phải có một sổ tay để ghi số xuất nhập cho tới hết đời ư? Không, không cần. Những nhà chuyên môn khuyên rằng phải ghi chép từng xu một, ít nhất trong một tháng đầu và nếu có thể được, trong hai tháng sau. Như vậy chúng ta biết tiêu vào những việc gì, rồi do thấy, có thể lập ngân sách chi tiêu được.
Bạn nói bạn biết rõ tiêu tiền vào những việc gì ư? Có thể được lắm, nhưng trong 1.000 người mới có một người như bạn! Bạn Stapletin nói với tôi rằng phần đông đàn ông hay đàn bà cũng vậy, lại nhờ bà làm cố vấn về vấn đề tài chánh, đều kể hàng giờ các món chi tiêu bao nhiêu để cho bà chép - rồi khi thấy kết quả bà đã ghi trên giấy, họ la lên: "à! Vậy ra tiền tôi đi theo cái ngả đó sao? "Họ không tin như vậy. Bạn có giống họ không? Có thể được lắm.
Quy tắc thứ nhì: Lập ngân sách thiệt đúng với những nhu cầu của bạn, như quần áo phải cắt khít với thân thể bạn vậy.
Bà Stapleton lại nói với tôi rằng hai gia đình có thể sống sát vách nhau, trong những nhà y như nhau, cùng trong một xóm, cùng có số con như nhau, cùng lãnh một số lương mà qũy chi tiêu của họ nhiều khi khác nhau rất xa. Tại sao vậy? Tại vì không ai giống ai hết. Bà nói lập ngân sách phải do chính ta làm lấy và phải quen rồi mới làm đúng được.
Lập ngân sách không phải là hy sinh bỏ hết nỗi vui trong đời mà là để cho ta thấy yên ổn trong lòng về vấn đề tài chính.
Bà tiếp: "Những người nào có ngân sách gia đình là những người thanh nhàn".
Nhưng bạn lập ngân sách ra sao? Như tôi đã nói, trước hết chúng ta phải ghi đủ những chi tiêu, rồi đi hỏi ý kiến những nhà chuyên môn. Trong nhiều châu thành dân số hai vạn trở lên, có những hội chuyên môn nghiên cứu để đem sự thịnh vượng cho gia đình. Bạn đến hỏi hội, sẽ được nhiều lời khuyên về những vấn đề tài chính và được người ta chỉ cho cách lập ngân sách theo số lợi tức của bạn. Bạn không phải trả tiền công.
Quy tắc thứ ba: Tiêu tiền một cách khôn ngoan.
Tôi muốn nói: Tiêu cách nào mà cũng một số tiền đó, ta được lợi hơn cả. Trong nhiều hãng, có những nhân viên chuyên môn mua đồ cách nào lợi nhất cho hãng. Bạn làm công cho gia đình của bạn, tại sao không theo cách ấy?
Quy tắc thứ tư: Đừng để cho chứng nhức đầu tăng theo lợi tức.
Bà Stapleton sợ nhất lập ngân sách cho những gia đình mà lợi tức một năm được 5.000 mỹ kim. Tôi hỏi tại sao thì bà đáp: "Vì nhiều người Mỹ cho rằng mục đích phải đạt được là kiếm sao cho được 5.000 mỹ kim một năm. Hộ sống một cách hợp lý và bình dị từ lâu, rồi khi kiếm được số lợi tức đó, họ cho rằng đã đạt được mục đích của đời họ rồi. Họ mới bắt đầu khuyếch trương. Chẳng hạn, mua một ngôi nhà ở ngoại ô, vì theo họ, đâu có tốn hơn là mướn phố? Rồi tậu xe hơi, sắm đồ đạc, quần áo mới. Như vậy, tất nhiên họ thiếu thốn, thành thử bây giờ họ không sung sướng bằng lúc trước, vì họ đã xài quá mức so với lợi tức tăng lên".
Điều ấy rất tự nhiên. Chúng ta ai cũng muốn sống cho thoả thích. Nhưng rút cục, cách nào làm cho ta sướng hơn? Cách tự bắt ta sống theo một ngân sách nhất định; hợp với túi tiền xanh đỏ của mõ toà thúc nợ và lủi như cuốc khi chủ nợ đập thình thình vào cửa?
Quy tắc thứ năm: Nếu phải vay thì ráng có cái gì để bảo đảm.
Nếu bạn gặp cơn túng quẫn, phải đi vay, những sổ bảo hiểm, quốc trái và sổ tiết kiệm đều là tiền ở trong túi bạn hết. Chỉ việc mang những thứ đó lại ngân hàng hoặc các sở tiết kiệm, các hãng bảo hiểm...
Nếu bạn không có những thứ đó nữa, nhưng có một ngôi nhà, một chiếc xe hoặc một gia sản gì khác, bạn cũng có thể mượn tiền ngân hàng được.
Còn nếu bạn không có tài sản, ngoài số lương ra không có chi đảm bảo cả, xin bạn nhớ kỹ lời này nó quan trọng như đời sống của bạn vậy: Đừng, đừng bao giờ thấy công ty cho vay nào quảng cáo trên báo mà lại hỏi vay ngay. Đọc quảng cáo của họ, ta tưởng họ nhân từ như Phật vậy. Đừng tin họ! Chỉ có một số ít công ty lương thiện thôi. Bạn nên lại hỏi một vài người làm trong ngân hàng quen của bạn, nhờ họ chỉ cho một công ty ngay thẳng mà họ biết. Nếu không, tức là đưa cổ cho người ta cứa đấy.
Cái nguyên tắc nên nhớ khi đi vay là nếu bạn chắc chắn sẽ trả nợ ngay, thì sẽ được tính lợi nhẹ và vừa phải, và bạn sẽ trả được. Còn nếu bạn khất lần khất lữa, tiền lãi và mọi thứ phí tổn khác góp lại dần dần sẽ nặng lắm, có khi gấp 20 lần số vốn, tức là nặng gấp 500 lợi suất ở các ngân hàng.
Quy tắc thứ sáu: Bảo hiểm về bệnh tật, hoả hoạn và tai nạn bất thường khác.
Bạn có thể đóng góp những số tiền nhỏ để bảo hiểm về mọi thứ tai nạn được. Tất nhiên, tôi không khuyên bạn nên bảo hiểm cả những bệnh trật gân và nhức đầu xổ mũi, nhưng tôi khuyên bạn nên bảo hiểm về những tai nạn mà, nêu xảy ra, sẽ làm cho bạn tốn nhiều tiền. Bảo hiểm để khỏi lo như vậy là rẻ lắm.
Chẳng hạn tôi biết một người đàn bà năm ngoái nằm 10 ngày ở nhà thương mà khi ra chỉ phải trả có 8 mỹ kim. Tại sao vậy? Vì bà ấy đã bảo hiểm về tật bệnh.
Quy tắc thứ bảy: Đừng cho vợ con lãnh tột một lần số tiền bảo hiểm sinh mạng của bạn.
Nếu bạn bảo hiểm sinh mạng để khi chết, gia đình bạn có một số tiền, thì tôi xin đừng theo lối cho lãnh tiền một lần tột. Một người đàn bà mới goá mà lãnh một số tiền lớn sẽ ra sao? Để bà Marison S. Eberly trả lời các bạn. Bà coi chi nhánh Phụ nữ ở Viện Bảo hiểm nhân mạng tại Nữu Ước, khuyên những ông bảo hiểm nhân mạng nên để cho vợ lãnh mỗi tháng một số tiền bao nhiêu đó, chứ đừng để cho lãnh hết một lần. Bà kể chuyện một quả phụ lãnh của công ty bảo hiểm 20.000 mỹ kim một lần, rồi đưa cho con trai mở tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi. Thế rồi việc làm ăn thua lỗ, bà ấy nay không còn một xu.
Một bà goá khác nghe lời ngọt ngào của một nhà buôn, dùng gần hết số tiền lãnh ở hãng bảo hiểm để mua những lô đất trống mà theo con buôn nọ thì "chắc chắc chỉ một năm nữa giá sẽ gấp đôi". Ba năm sau, bà ta phải bán lại những lô đất với số tiền bằng một phần giá mua...
Có cả ngàn những bi kịch như vậy.
Sylvia S. Port, nhà bình bút chuyên môn vấn đề tài chính ở báo New York Post, viết trong mục "Nhật ký gia đình" như vầy: "Nhưng mươi lăm ngàn mỹ kim ở trong tay một người đàn bà, trung bình không đầy bảy tám năm đã hết nhẵn".
Mấy năm trước, tờ tuần báo "Chiều thứ bảy" viết: "Một người đàn bà goá, không có kinh nghiệm về buôn bán, không có một nhà ngân hàng nào khuyên bảo, mà lại đi nghe lời đường mật của một nhà buôn, bỏ tiền bảo hiểm ra làm ăn, hoặc trữ hàng, thì mau sạt nghiệp vô cùng. Bất kỳ một luật sư hay một chủ ngân hàng nào cũng có thể kể hàng chục gia đình, trong đó chồng ki cóp suốt đời, hy sinh mọi thứ, không dám ăn, mặc, để tiền lại cho vợ goá, con côi mà rồi gia tài tán tận. Tại sao vậy? Tại bà vợ hoặc cậu con nghe lời đường mật của một tên vô lại để nó giựt hết tiền đem tiêu thoả thích".
Vậy bạn muốn lo cho vợ con, hay theo cách của J. P. Morgan, một trong những nhà tài chính khôn khéo nhất từ trước tới nay. Trong chúc thư của ông, ông chia gia tài cho 16 người thừa hưởng. Trong số ấy có 12 người đàn bà. Ông có chia tiền cho họ không? Không. Ông cho họ cổ phần trong các tổ hợp sản xuất để họ được lãnh mỗi tháng một món lợi tức nhất định tới mãn đời.
Quy tắc thứ tám: Dạy cho con biết giá trị của đồng tiền.
Tôi không bao giờ quên được một ý kiến đã đọc trong tờ báo "Đời bạn". Tác giả ấy, bà Stella Tuttle, tả cách bà dạy con biết giá trị của đồng tiền. Bà xin nhà ngân hàng một triệu chi phiếu, cho đứa con gái chín tuổi của bà. Mỗi tuần bà phát tiền cho nó tiêu vặt. Nó gởi lại bà số tiền đó như gởi tại nhà ngân hàng cho trẻ em vậy. Rồi trong tuần, nếu muốn tiêu một hai cắc, nó viết một tấm chi phiếu để lãnh số tiền ra, đoạn tự tính toán lấy số tiền còn lại là bao nhiêu. Đứa nhỏ không những thấy vui mà còn học được giá trị đồng tiền và cách tiêu sài nữa.
Phương pháp ấy rất tốt. Nếu bạn có em nhỏ, trai hoặc gái, tới tuổi đi học mà bạn muốn dạy chúng cách tiêu tiền, tôi khuyên bạn nên dùng phương pháp đó đi.
Quy tắc thứ chín: Nếu cần, bạn nên làm thêm để kiếm phụ bổng.
Nếu sau khi đã lập ngân sách một cách khôn khéo mà bạn vẫn còn thấy không đủ tiền tiêu tới cuối tháng, bạn có thể theo một trong hai cách sau: Hoặc rầy la, quạu quọ, phàn nàn, hoặc làm việc để kiếm thêm ít tiền ngoài nữa.
Kiếm thêm cách nào? Thì tìm xem thiên hạ có cần gấp vật gì mà hiện này chưa được cung cấp đủ không? Đó là cách của bà Nellie Speer ở Nữu Ước. Năm 1932, bà sống trơ trọi trong một căn nhà có ba phòng. Chồng bà mới mất, còn hai người con đều đã ở riêng. Một hôm mua cà rem ở một tiệm nước, bà thấy tiệm ấy cũng bán bánh mà bánh không có vẻ ngon lành gì hết. Bà bèn hỏi người chủ có muốn mua bánh của bà làm không. Người đó hỏi mua thử hai ổ. Bà nói với tôi: "Tôi tuy làm bếp giỏi, nhưng hồi chúng tôi ở Georgie, luôn luôn nhà có một người ở, và chưa bao giờ tôi làm trên 12 cái bánh ba tê nhỏ. Bởi vậy khi làm hai ổ bánh, tôi hỏi một bà hàng xóm cách nướng bánh rồi về làm. Khách ở tiệm nước ấy ăn hai ổ bánh của tôi, rất lấy làm thích. Hôm sau, hai người chủ tiệm đặt năm ổ nữa. Rồi những tiệm nước, tiệm cơm khác cũng dần dần đặt, mỗi ngày một nhiều. Trong hai năm, mỗi năm tôi làm 5.000 ổ bánh trong căn bếp nhỏ xíu của tôi và kiếm được hàng ngàn mỹ kim chẳng tốn kém gì hết, trừ tiền mua vật dụng".
Về sau bánh đặt làm nhiều quá, bà phải mở tiệm, vì bếp nhà không đủ chỗ; lại mướn hai người nướng đủ thứ bánh. Trong chiến tranh vừa rồi, người ta phải nối đuôi hằng giờ trước tiệm để mua bánh của bà.
Bà Speer nói: "Hồi ấy tôi sung sướng nhất trong đời tôi. Làm việc ở tiệm 12 đến 14 giờ một ngày, nhưng không thấy mệt, vì không phải làm việc mà là tiêu khiển. Tôi cho rằng tôi dự một phần trong công việc tăng hạnh phúc của người khác lên một chút. Và tôi bận quá, không có thì giờ để thấy mình cô độc, để ưu phiền nữa. Má tôi và nhà tôi qua đời, các con tôi đi ở riêng, để lại trong đời tôi một lỗ trống mà tôi đã lấp được nhờ công việc ấy".
Khi tôi hỏi ý kiến bà Speer rằng một người đàn bà nấu nướng khéo, những lúc rảnh, có thể kiếm tiền bằng cách đó tại một châu thành trên 10.000 dân số không, thì bà đáp: "Được chứ! Tất nhiên là được chứ! ".
Bà Ova Snynder cũng sẽ nói với các bạn như vậy. Bà sống ở Châu thành Maywood, một châu thành 30.000 người. Bà bắt đầu làm ăn với vài đồng bạc vốn và một cái lò. Chồng bà đau, bà phải kiếm tiền nuôi chồng. Kiếm cách nào bây giờ? Không có kinh nghiệm. Không có tài gì hết. Bà lấy lòng trắng trứng gà ngào với đường rồi nướng thành bánh ở phía sau lò, đoạn bà mang bánh ra ngồi gần trường bán cho học trò, khi tan học, giá một cắc một chiếc. Bà tự nhủ: "Mai chắc kiếm được thêm. Mỗi ngày ta phải lại đây bán bánh nhà làm mới được". Trong tuần đầu tiên, không những được lời mà bà còn thấy đời thú vị hơn một chút nữa. Cả nhà đều được vui vẻ vì hết rảnh để lo nghĩ rồi.
Nhưng nào đã hết chuyện. Người nội trợ nghèo khổ ở Maywood đó lại có tham vọng khuyếch trương nghề mình nữa. Bà muốn có một đại lý bán bánh "nhà làm" ở giữa một châu thành ồn ào, tấp nập là châu thành Chicago. Bà rụt rè ngỏ ý đó với người bán hạt rẻ rong đường. Người này nhún vai đáp: "Khách hàng của tôi mua hạt dẻ chứ không mua bánh". Bà đưa ra một chiếc bánh làm mẫu. Người đó trông thấy thèm, mua ngay. Nhờ vậy, ngày đầu bà ta đã kha khá. Bốn năm sau mở một tiệm thứ nhất ở Chicago, chiều ngang có hai thước rưỡi. Đêm làm, ngày bán. Đến nay, người đàn bà trước kia nhút nhát, bắt đầu mở tiệm bánh ở trong bếp ấy, đã có 17 tiệm ở tại một khu đông đúc nhất của châu thành Chicago.
Tôi muốn kết luận như vầy: bà Nellie Spêer ở Nữu Ước và bà Ora Snyder ở Mywood đáng lẽ lo lắng và thiết hụt thì lại làm việc để kiếm thêm. Bắt đầu làm rất nhỏ, từ trong bếp núc, không ai đỡ đầu, quảng cáo cái gì hết. Như vậy thì có nỗi lo lắng về tiền bạc nào mà họ không thắng nổi?
Bạn ngó chung quanh sẽ thấy biết bao nhiêu công việc chưa có đủ người làm. Chẳng hạn, nếu bạn tập làm bếp cho giỏi, bạn có thể kiếm được tiền lắm.
Đã có nhiều cuốn sách dạy cách kiếm tiền trong những lúc rảnh; bạn lại tiệm sách hỏi thì thấy. Đàn ông hay đàn bà đều có cơ hội làm ăn hết.
Nhưng xin căn dặn bạn điều này: nếu không có tài riêng về nghề bán hàng thì đừng đi gõ cửa từng nhà mà rao hàng. Người ta rất sợ thứ đó mà cũng nhiều người thất bại về nghề đó lắm.
Quy tắc thứ mười: Đừng bao giờ đánh bạc hết.
Một điều làm cho tôi rất ngạc nhiên là có nhiều người mong kiếm tiền bằng cách cá ngựa hay đánh đề. Tôi biết người sinh nhai bằng nghề xổ đề mà rất khinh bỉ những kẻ khờ dại mang tiền lại "cúng" y.
Tôi quen một người bán vé cá ngựa danh tiếng nhất ở Mỹ. Y nói rằng dầu biết rất nhiều về cá ngựa mà không bao giờ bỏ một xu ra để cá hết. Chao ôi vậy mà đã có những kẻ điên bỏ mỗi năm sáu tỷ mỹ kim để cá ngựa, nghĩa là sáu lần số quốc trái của Mỹ năm 1910!
Y còn bảo nếu muốn hại một kẻ thù nào thì nên làm cho kẻ đó mê cá ngựa. Và khi tôi hỏi: "Đánh cá theo "tuy đô" có khá không", y đáp": "Theo cách đó có thể sạt nghiệp bán trời được nữa".
Nhưng nếu nhất định chơi cờ bạc thì phải chơi cho thông minh, nghĩa là phải tính xem phần may nhiều hay phần rủi nhiều. Tính cách nào? Bằng cách đọc cuốn "Làm sao tính được may rủi" của Osswald Jacoby, một nhà quyền uy về môn "bridge" và "phé", một nhà toán học về bực nhất, một nhà chuyên môn về thống kê và bảo hiểm. Cuốn này dày 215 trang, bảo ta biết phần rủi của ta trong đủ các môn cờ bạc và cũng bảo ta phải biết phần rủi tính theo một cách khoa học về hàng chục ngành hoạt động khác nhau nữa. Tác giả không hoài công vạch cho cách kiếm tiền trong nghề đỏ bác đâu, chỉ muốn cho bạn biết, trong mỗi môn cờ bạc thường chơi, phần ăn là bao nhiêu, phần thua là bao nhiêu thôi. Mà khi bạn đã thấy phần thua nhiều hơn phần ăn thì bạn sẽ thương hại cho những hạng "bò sữa" đem hết cả số tiền mồ hôi nước mắt kiếm được để "cúng" vào đề vào tài xỉu hay cá ngựa.
Nếu có máu cờ bạc, bạn nên đọc cuốn ấy đi và bạn sẽ đỡ phí nhiều tiền lắm, đỡ cả 100 lần, có lẽ cả 1.000 lần giá tiền cuốn sách nữa.
Quy tắc thứ 11: Nếu không làm sao cho tài chánh khá hơn được thì thôi, cũng cứ vui vẻ đi, đừng đầy đọa tấm thân mà uất ức về một tình cảnh không thể thay đổi được.
Nếu bạn không làm sao cho tài chính khá thêm được thì có thể làm cho tâm trạng thơ thới được. Bạn nên nhớ rằng nhiều người khác cũng lo lắng về tài chính như ta vậy. Chúng ta sầu não vì nghèo hơn gia đình ông Xoài; nhưng có lẽ ông Xoài cũng sầu não vì nghèo hơn gia đình ông Mít và ông Mít cũng nghèo hơn gia đình ông ổi.
Vài danh nhân trong lịch sử nước Mỹ cũng đã điêu đứng vì tiền. Tổng thống Lincoln và Tổng thống Washington đều phải vay tiền để đi tới Bạch cung, khi mới được bầu làm Tổng thống. Nếu chúng ta không được thoả mãn hết thảy những điều mong muốn thì cũng đừng tự đầu độc và làm cho tính tình chua chát vì âu sầu, uất hận. Hãy cố vui đi đừng đọa đầy tấm thân. Ráng tỏ ra là một đạt nhân về vấn đề ấy. Sèneque, một trong những triết gia có danh nhất ở La Mã, nói: "Nếu anh cho rằng cái anh có là chưa đủ thì dù có chinh phục được cả thế giới, anh cũng vẫn khốn khổ".
Và chúng ta nên nhớ điều này: dù sản nghiệp của bạn có cả Hiệp chủng Quốc với một hàng rào gà chui không lọt ở chung quanh đi nữa, thì mỗi ngày bạn cũng chỉ ăn có ba bữa và mỗi đêm cũng không ngủ trên hai cái giường.
Hêt