Chương 3.1
-
Quỷ Dữ và Nàng Prym
- Paulo Coelho
- 5184 chữ
- 2020-05-09 02:56:56
Số từ: 5172
Dịch Giả: Lê Khánh Toàn
NXb Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
Người dân thị trấn Viscos đã nhanh chóng biết rõ những thói quen của vị khách lạ, ông ta dậy sớm, uống xong tách cà phê đặc sánh rồi đi dạo khắp dãy núi quanh vùng mà không chút nề hà cơn mưa dai dẳng suốt từ ngày thứ hai kể từ khi vị khách tới thị trấn. Mưa như trút. Mưa triền miên. Những hạt mưa rơi trong không trung dần đông lại biến thành những bông tuyết. Người khách lạ không bao giờ ăn trưa và thường quay về khách sạn vào đầu giờ chiều, đóng cửa phòng và ở lì trong đó chắc để ngủ - mọi người đều nghĩ thế.
Gần tối người khách lạ lại đi dạo nhưng chỉ lòng vòng trong thị trấn. Ông ta luôn là người đầu tiên xuất hiện ở tiệm ăn, biết chọn đúng ngay những món ngon nhất, không những thế, chẳng cần để ý đến giá cả, gọi ngay loại rượu vang tuyệt hảo, mà "tuyệt hảo" hoàn toàn không có nghĩa là "đắt nhất", sau đó châm thuốc rồi đi sang quán bar. Sau vài buổi, ông ta đã bắt thân được với mấy ông bà vốn là khách quen của quán ở thị trấn.
Ông khách có vẻ thích nghe những câu chuyện kể về những địa điểm ở thị trấn này, về những người đầu tiên từ xa xưa đã đến sinh sống ở Viscos (người ta cho rằng, ở đây đã từng có một thành phố lớn hơn rất nhiều so với cái thị trấn nhỏ bé hiện nay. Những đống đổ nát của một vài ngôi nhà ở cuối ba con phố của thị trấn dường như đã khẳng định điều này), về những phong tục của địa phương, về những điều mê tín dị đoan thường thấy ở những người nông dân vốn quen với công việc đồng áng, về đủ mọi cách thức canh tác và chăn nuôi mới lạ.
Mỗi khi đến lượt ông khách kể về mình thì y như rằng xuất hiện mâu thuẫn. Lúc thì ông ta kể mình đã từng là thuỷ thủ, lúc thì nhớ về các nhà máy chế tạo vũ khí khổng lồ mà mình từng làm chủ trước khi vứt bỏ tất cả và nương náu trong một tu viện những mong tìm đến với Chúa.
Rời quán bar, những người dân của Viscos lại tranh luận xem mọi chuyện nghe được từ ông khách là thật hay bịa. Ông thị trưởng cho rằng, chẳng có gì không bình thường ở đây cả. Con người ta trong đời có thể làm đủ mọi nghề, mặc dù những người dân Viscos từ lúc tóc còn để chỏm đã hiểu mỗi người trong số họ đều có một số phận đã định sẵn. Ông linh mục lại một mực giữ ý kiến khác. Ông cho rằng người khách lạ đã từng lầm lạc và tự đánh mất mình nên đã đến vùng này để mong tìm lại bản thân.
Tất cả mọi người chỉ cùng nhất trí một điều: người khách lạ sẽ ở lại thị trấn của họ không quá một tuần. Theo lời bà chủ khách sạn kể, thì hình như ông khách trọ đã gọi điện đến sân bay thủ đô để định trước ngày bay của mình. Nhưng có một điều lạ là ông ta bay đi châu Phi chứ chắc chắn không phải về Nam Mỹ. Ngay sau cuộc nói chuyện điện thoại ấy, ông khách rút từ trong túi ra một xấp thẻ tín dụng và trả trước tiền phòng, tiền ăn, mặc dù bà chủ đã cố cam đoan rằng, bà tin ông ta. Tuy thế, ông khách vẫn nhất định không chịu. Bà chủ khách sạn đành đề nghị ông ta như với tất cả các khách trọ khác trả bằng thẻ tín dụng, còn tiền mặt để dành cho mọi tình huống bất trắc, mà hiếm gì những chuyện không lường trước được. Bà chủ còn định nói thêm: "Biết đâu, ở châu Phi, người ta lại không nhận thẻ tín dụng của ông thì sao?" Song chợt nghĩ như thế thì bất lịch sự quá, như thế chẳng hóa ra bà đã lén nghe cuộc nói chuyện qua điện thoại của người khách trọ. Thứ nữa, khác gì bà có ý nói trên thế giới có những vùng này văn minh hơn những vùng kia.
Người khách lạ cảm ơn bà chủ khách sạn vì sự thông cảm, nhưng vẫn nhã nhặn từ chối.
Ba buổi chiều liền, vẫn bằng tiền mặt, ông ta chiêu đãi tất cả những ai có mặt trong quán bar. Đây là điều chưa từng thấy ở Viscos, vì thế những người có mặt trong quán liền quên ngay tất cả những gì không ăn khớp hoặc mâu thuẫn trong câu chuyện của người khách lạ. Mọi người đều cho rằng, ông ta là một người phóng khoáng, thân thiện, không hề có định kiến và thành tâm đối đãi với họ, những người dân ở chốn heo hút quê màu này cứ như thể họ là dân của các thành phố lớn.
Và bây giờ, mọi người trong quán lại tranh luận về một chuyện khác. Ngay trước lúc quán bar đóng cửa, trong số khách còn ngồi nán lại sau cùng, có một người tuyên bố rằng, ông thị trưởng đoán chẳng trật chút nào. Người khách lạ chắc chắn là một người rất từng trải, cho nên ông ta hiểu rõ giá trị của một tình bạn chân chính. Một số người khác vẫn ngả theo ý kiến của ông linh mục, người theo thiên chức có nghĩa vụ phải thấu hiểu phần hồn của người khác, đồng thời họ nhất trí rằng, người khách lạ là một người cô độc đang đi tìm những người bạn mới hay một cái nhìn mới đối với cuộc đời. Dù còn nhiều ý kiến trái ngược nhau song người khách lạ vẫn được lòng tất cả mọi người. Những người dân Viscos tin chắc là vào thứ hai tới, khi người khách đi rồi, họ sẽ cảm thấy thiếu vắng ông ta.
Ngoài ra, họ còn nhận thấy rằng, ông khách là một người rất thanh nhã. Sở dĩ họ cho như vậy vì dựa trên một chi tiết rất có ý nghĩa: tất cả những người đàn ông khác đến đây, đặc biệt là những khách đến một mình, thể nào cũng cố bắt chuyện với Chantal Prym, cô gái làm việc ở quán bar với hy vọng tán tỉnh được cô hòng có một cuộc tình ong bướm hoặc còn vì một lý do nào đó nữa. Còn họ thấy người khách lạ này chỉ giao tiếp với Chantal cốt để đặt món và không hề liếc nhìn cô với ánh mắt ngụ ý ve vãn tình tứ.
Sau lần gặp bên suối, suốt ba đêm liền, Chantal hầu như thức trắng. Gió bỗng chốc lặng đi rồi lại nổi lên như một trận cuồng phong đập vào các cánh cửa sổ bằng sắt kêu loảng xoảng khiến con tim cô như ngừng đập. Nếu có chợp mắt thiếp đi trong chốc lát thì mỗi lần tỉnh giấc người cô lại ướt đẫm mồ hôi, mặc dù về đêm cô luôn tắt lò sưởi để tiết kiệm.
Đêm đầu tiên cô thấy mình đối diện với cái Thiện. Giữa hai cơn ác mộng mà sau đó cô không thể nhớ nổi, cô lại cầu nguyện Chúa và xin Người cứu giúp. Trong đầu cô không hề có ý định, dù chỉ là thoáng qua, kể về những điều cô nghe thấy trong rừng, tức là tự mình trở thành kẻ đứng ra tuyên bố về tội ác và chết chóc.
Lúc này đây cô nghĩ Chúa ở quá xa, chẳng nghe thấu những lời cầu nguyện của mình, thế nên cô cầu khẩn bà ngoại. Mẹ Chantal chết ngay sau khi sinh cô nên bà ngoại là người đã nuôi nấng và dạy dỗ cô từ tấm bé. Bà cũng đã mất từ lâu. Chantal cố hết sức bấu víu vào ý nghĩ cái Ác đã có một thời từng ngự trị ở đây và bây giờ thì nó vĩnh viễn không còn tồn tại.
Có thể nói rằng trong cuộc đời mình, cô gái đã gặp phải không biết bao chuyện đau buồn, thế nhưng cô luôn đinh ninh một điều, những người sống trong thị trấn của cô là những người trung thực, sẵn sàng vô điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình, ngẩng cao đầu kiêu hãnh sống trong đời và được tất cả mọi người trong vùng kính trọng. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng được như thế. Trong suốt hai trăm năm có lẻ, dân Viscos từng là những đại diện bất hảo nhất trên đời, còn tất cả những người khác chấp nhận hoàn cảnh này như một điều hoàn toàn tự nhiên và giải thích đó là do lời nguyền của những người Celte xa xưa đã bị tiêu diệt trong trận chiến với những người La Mã.
Tình trạng cứ thế kéo dài mãi cho đến khi những người đồng bào của cô chợt tỉnh ngộ nhờ lòng quả cảm thầm lặng của một người duy nhất không tin vào các lời nguyền mà chỉ tin vào những điều phúc lành. Nghe tiếng cánh cửa sổ đập chát chúa vì những cơn gió giật, Chantal nhớ lại câu chuyện bà ngoại từng rủ rỉ kể cho cô nghe.
"Ngày trước đã lâu lắm rồi, ở một trong những hang động của vùng này có một tu sĩ ẩn cư, người mà sau này được vinh danh là Thánh Savin. Thuở ấy, Viscos còn là một điểm giáp biên, nơi tụ tập của đám trộm cướp lẩn trốn pháp luật, các toán buôn lậu, những ả gái điếm, các gã chuyên đâm thuê chém mướn tạm nghỉ tay giữa những cuộc chém giết, những kẻ tìm kiếm các trò phiêu lưu… Tóm lại, chỉ toàn những kẻ ngưu tầm ngưu, mã tầm mã tụ tập tại đây. Trong số bọn chúng, tàn bạo và táng tận lương tâm nhất là một gã Ả rập tên là Ahab. Gã làm chủ cả thị trấn và các vùng lân cận, bắt những người nông dân vẫn cố gắng sống đường hoàng và trung thực phải chịu các khoản cống nạp quá sức chịu đựng.
Lần đó, Savin rời khỏi hang ở ẩn của mình đi đến nhà Ahab và xin ngủ lại qua đêm.
- Chẳng lẽ ngươi không biết ta là một kẻ giết người không ghê tay hay sao? Ở quê nhà ta đã cho khối thằng đi chầu Diêm Vương, còn mạng sống của ngươi đối với ta chẳng đáng giá gì sất. – Nói rồi Ahab phá lên cười.
- Tôi biết chứ. - Savin đáp. – Nhưng tôi thấy mệt mỏi vì cuộc sống ở trong hang lắm rồi. Hãy cho tôi tá túc trong nhà anh dù chỉ một đêm thôi cũng được.
Ahab biết danh tiếng của vị tu sĩ thánh thiện này cũng không thua kém gì gã, và điều này khiến gã lo ngại bởi vì gã không muốn chia sẻ danh tiếng của mình với bất kỳ một ai, huống hồ lại là với một kẻ còm nhom, ốm yếu này. Vì thế Ahab rắp tâm đêm đó sẽ giết chết Savin để chứng tỏ cho tất cả mọi người biết ai mới là chủ nhân đích thực và duy nhất ở đây.
Họ chỉ trao đổi với nhau đôi câu. Những lời nói của vị tu sĩ thánh thiện cũng gây được ấn tượng với Ahab, nhưng gã vốn bản chất là một kẻ đa nghi và đã từ lâu rồi không còn tin vào cái Thiện. Gã tướng cướp chỉ cho vị tu sĩ thánh thiện chỗ ngủ đêm, còn đã gầm ghè đi mài dao trông như một hung thần. Savin quan sát theo gã một lát rồi nhắm mắt ngủ thiếp đi một cách ngon lành.
Ahab mài dao suốt đêm. Nhưng sáng ra, khi tỉnh giấc, vị tu sĩ ẩn cư đã nghe thấy tiếng khóc nức nở.
- Ông đã không hề tỏ ra sợ hãi và cũng không nguyền rủa kết tội tôi. Lần đầu tiên trong đời có một người ngủ qua đêm bên cạnh tôi mà tin tưởng rằng tôi có thể là một người tốt bụng và có thể cho người khác ở nhờ trong nhà mình khi họ cần. Tôi đã hành động như thế vì niềm tin của ông như thể tôi có thể hành động được như vậy.
Và kể từ giờ phút ấy, Ahab cũng từ bỏ luôn cái nghề tội lỗi của mình và bắt tay vào thay đổi cuộc sống trong vùng. Thế là từ đó, Viscos từ chỗ là nơi trú ngụ cho đủ mọi loại cặn bã xã hội, dần dần biến thành một thành phố đóng vai trò trọng yếu về buôn bán giữa hai quốc gia mà nó nằm ở chính giữa."
Phải rồi, chuyện đúng là thế.
Chantal thôi không khóc nữa và thầm biết ơn bà ngoại đã giúp cô nhớ lại câu chuyện xa xưa này cùng những người tốt đang sống chính tại nơi đây và cô có thể tin tưởng ở họ. Cô gái cố gắng nhắm mắt ngủ, nhưng trong mơ luôn hiện lên cảnh tượng cô sẽ kể cho mọi người ở thị trấn tất cả những điều cô được nghe từ người khách lạ nọ, thậm chí cô có thể hình dung được vẻ sợ hãi và kinh ngạc của ông ta khi bị dân Viscos tống cổ ra khỏi thị trấn.
Nhưng ngày hôm sau, cô ngạc nhiên dõi theo người khách lạ rời tiệm ăn sang chỗ quán bar, qua chỗ người gác khách sạn đứng rồi đến bên quầy thực phẩm của thị trấn chẳng khác gì một người khách du lịch bình thường nhất. Và như không hề có chuyện gì xảy ra, ông ta bắt chuyện với mấy người khách quen, vẫn làm bộ như ông ta thích thú với việc xén lông cừu hay cách thức hun sấy thịt. Những người dân Viscos cho rằng hầu hết khách du lịch nước ngoài tới đây đều sướng mê cuộc sống lành mạnh và tự nhiên ở thị trấn của họ, vì vậy trong câu chuyện họ cứ lặp đi lặp lai, thậm chí mỗi lần kể lại thêm tràng giang đại hải, chỉ một chủ đề duy nhất: được sống tránh xa các tệ nạn của văn minh hiện đại mới tuyệt vời làm sao, mặc dù thực ra, người nào trong số họ cũng mơ ước được một lần len lỏi giữa dòng xe cộ nháo nhào và bị đầu độc bởi những luồng khí thải độc hại, hoặc giữa rừng nhà bê tông cốt thép, nơi mối nguy hiểm chết người luôn rình rập theo từng bước chân.Ý tưởng này xuất hiện bởi lẽ các thành phố lớn thường có sức quyến rũ ma mị như bùa mê với những người nông dân.
Ấy thế mà, chỉ cần có một người khách xuất hiện ở Viscos là y như rằng, tất cả người dân của thị trấn lại sốt sắng tranh nhau như cố thuyết phục không chỉ vị khách mà còn cả chính bản thân mình tin rằng, họ phải cảm tạ số phận đã cho họ cái diễm phúc được sinh ra tại nơi đây và được sống ở một chốn thiên đường thực thụ. Họ dường như quên mất rằng, không hiểu tại sao mãi đến tận giờ, chẳng có lấy một ai trong số những người khách trọ của khách sạn quyết định từ bỏ chốn phồn hoa để tới sinh cơ lập nghiệp ở Viscos.
Cuộc trò chuyện rôm rả, dễ chịu có lẽ cứ thế diễn ra và mọi chuyện đều trôi chảy nếu như người khách lạ không buột miệng nói một câu mà đáng lẽ ra không nên nói:
- Bọn trẻ ở Viscos của các vị ngoan thật đấy! Chẳng thấy chúng hò hét bên cửa sổ vào những buổi sáng sớm, không như ở các thành phố khác mà tôi đã từng đến.
Một thoáng im lặng căng thẳng và khó xử vụt đến, bởi vì ở thị trấn Viscos này hoàn toàn không hề có trẻ con. May sao, có một người đã nhanh trí vội hỏi người khách lạ rằng, xem ra ông ta có vẻ thích ăn món ăn địa phương vừa mới dọn ra cho bữa tối. Và thế là câu chuyện lại tiếp tục trở lại, như thường lệ, vẫn xoay quanh chủ đề về vẻ đẹp của cuộc sống nơi thôn dã và các thói hư tật xấu của chốn đô hội.
Thời gian trôi đi, Chantal mỗi lúc một thêm lo lắng chờ xem người khách lạ có yêu cầu cô kể về cuộc gặp của họ ở trong rừng nữa hay không. Nhưng ông ta không hề nhìn về phía cô và chỉ hỏi cô đúng một lần khi gọi đồ uống cho tất cả những người có mặt trong quán bar và trả tiền luôn.
Khi khách khứa ra về hết, còn người khách lạ cũng lên phòng mình, cô gái cởi tạp dề, lấy một điếu thuốc trong bao thuốc lá của ai đó bỏ quên trên bàn và trình bày với bà chủ quán rằng, đêm qua cô bị mất ngủ nên xin dọn dẹp quán vào sáng hôm sau. Bà ta đồng ý. Chantal quơ ngay áo măng tô, bước vội ra phố, hít một hơi thật căng không khí giá lạnh của trời đêm.
Tới nhà cô chỉ chừng hai phút đi bộ, và cô gái cảm thấy những hạt mưa nhẹ chảy trên má. Cô nghĩ, có lẽ toàn bộ câu chuyện này chỉ là một trò đùa ác và ngông, còn người khách lạ chỉ đơn giản muốn gây được sự chú ý của cô bằng cái cách không mấy hay ho và quái gở này.
Nhưng cô lại nhớ ngay đến số vàng vì chính cô đã tận mắt trông thấy những thỏi vàng. Nhỡ đâu đó là vàng giả thì sao? Nhưng Chantal chẳng còn hơi sức đâu để nghĩ tiếp nữa nên về đến nhà, cô vội thay quần áo và chui luôn vào chăn.
Đêm thứ hai, Chantal gặp cả cái Thiện lẫn cái Ác. Cô thiếp đi, ngủ rất sâu và ngon, hầu như không hề mộng mị song chưa đầy một tiếng sau cô lại tỉnh giấc. Ngoài trời tịnh không một tiếng động – thậm chí gió cũng không đập vào các cánh cửa sổ bằng sắt kêu loảng xoảng nữa, cả những con chim đêm cũng im tiếng. Không có gì. Tuyệt nhiên không có gì chứng tỏ Chantal đang sống ở trên đời này.
Cô lại gần cửa sổ, nhìn ra con phố vắng tanh, q ua màn mưa bụi và sương mù giăng mờ, khó khăn lắm mới thấy ánh đèn nê ông của tấm biển khách sạn. Trong ánh sáng mờ nhạt ấy, thị trấn Viscos càng thêm u buồn. Chantal hiểu rõ sự tĩnh mịch bao trùm lên thị trấn nhỏ bé tỉnh lẻ này tuyệt nhiên không hề biểu hiện sự thanh bình và yên ổn, mà là sự thiếu vắng hoàn toàn những thông tin mới mẻ đáng được quan tâm đến.
Chantal nhìn sang phía rặng núi. Cô không thể nhìn thấy chúng vì những đám mây đen trĩu nặng, nhưng cô biết nơi chôn giấu vàng ở đó. Nói chính xác hơn, là viên gạch màu vàng mà người khách lạ để lại đó. Ông ta đã chỉ cho cô địa điểm của kho báu, như muốn mời mọc cô gái đào thỏi vàng lên và lấy cho mình.
Cô quay về giường, trằn trọc một hồi, rồi lại ngồi dậy đi vào phòng tắm, ngắm nhìn mình ở trong gương, nghĩ rằng, không bao lâu nữa vẻ quyến rũ của mình sẽ mất đi. Nghĩ tới đó, cô gái lại đi nằm. Cô lấy làm tiếc vì đã không lấy bao thuốc lá của ai đó trong số khách của quán bar bỏ quên trên bàn. Nhưng không lấy cũng là may, biết đâu người đó nhớ ra quay lại lấy nó thì sao, mà Chantal thì không muốn để mất lòng tin của mọi người. Nếp sống của Viscos là thế, dù là bao thuốc lá chỉ còn một nửa đã có chủ, hay một chiếc khuy áo thôi cũng được giữ cho đến khi chủ của chúng sực nhớ đến và hỏi thăm xem có ai nhặt được không. Đã thành quy ước, tiền trả lại phải tính thành từng xu lẻ và không được phép làm tròn. Điểm đáng ghét là mọi thứ ở đây đã thành quy định bất di bất dịch, cứng nhắc và có thể dự đoán trước.
Biết chắc là không thể nào ngủ lại được nữa, cô cầu nguyện và lại nhớ đến bà, nhưng trước mắt cô luôn hiện ra chỉ một cảnh tượng: hố đất, khối nhỏ màu vàng dính đầy đất và đoạn cành cây cô cầm trong tay như chiếc gậy của một người hành hương chuẩn bị lên đường. Chantal thiếp đi được một vài lần và choàng tỉnh lại ngay, ngoài trời vẫn là bầu không khí im lìm chết chóc ấy, vẫn một hình ảnh ấy không ngừng quay cuồng trước mắt cô.
Khi Chantal nhìn thấy ánh ban mai đầu tiên ló rạng qua ô cửa sổ, cô liền mặc quần áo và ra khỏi nhà. Mặc dù người dân Viscos có thói quen dậy từ tờ mờ sáng nhưng bấy giờ vẫn còn quá sớm, cả thị trấn vấn còn ngủ yên. Chantal đi dọc theo con phố vắng lặng, thỉnh thoảng quay lại trông chừng xem người khách lạ có bám theo sau không. Nhưng sương mù dày đặc, cách hai bước chân thôi là đã không trông thấy gì. Chantal chốc chốc lại dừng lại, cố nghe ngóng bước chân lạ, nhưng chỉ nghe thấy tiếng trống ngực mình đập thình thịch.
Cô gái tiến sâu vào khu rừng, đến gần tảng đá hình chữ Y – tảng đá gieo cho cô sự sợ hãi. Cô có cảm giác như nó chỉ chực đổ sập xuống. Chantal cầm lấy cành cây hôm trước cô quẳng lại, bắt tao vào đào đúng chỗ mà người khách lạ đã chỉ cho cô, sau đó luồn tay vào khe đất mới đào và rút thỏi vàng lên. Liền đó, cô nhận thấy một điều thật kỳ lạ - vẫn như trước đấy trong khu rừng tịnh không có một tiếng động. Dường như bởi sự xuất hiện của một ai đó khiến chim chóc và muông thú trốn xa còn cây rừng thì chết lặng.
Khi cầm thỏi vàng trên tay, Chantal không ngờ nó nặng đến thế. Cô lau sạch hết đất và nhận thấy trên một mặt của nó có đóng hai con dấu cùng một vài con số nào đó mà cô không hiểu ý nghĩa của chúng và cô cũng không muốn cố để hiểu.
Thỏi vàng này có giá là bao nhiêu? Cô không biết con số chính xác, nhưng như người khách lạ nói khi đó thì đủ để cô sống đến cuối đời mà không phải bận tâm về chuyện kiếm sống. Chantal cầm trên tay cái khối ước mơ của mình mà nhờ một điều thần kỳ vụt hiển hiện trước mắt cô. Đây là cơ hội để thoát khỏi những chuỗi ngày cũng như đêm giống nhau như đúc ở Viscos, thoát khỏi cái khách sạn nơi cô đã làm việc ngay khi mới đến tuổi trưởng thành, thoát khỏi những lần họp mắt hàng năm với nhóm bạn từ lâu rồi đã đi khỏi Viscos vì được cha mẹ cho đến các thành phố lớn để học hành – và chúng nó đã thành đạt trong cuộc sống, thoát khỏi những cuộc chia ly với tất cả những người mà cô vừa kịp làm quen và cảm thấy gắn bó, thoát khỏi những gã đàn ông mới gặp đã xổ ra những lời hứa tặng cô hàng núi vàng nhưng mới sang ngày hôm sau đã bỏ đi thậm chí không có đến một lời từ biệt, thoát khỏi tất thảy những gì mà cô kịp và không kịp giã biệt. Chính tại đây, trong khu rừng này đã xuất hiện phút giây trọng đại nhất của đời cô.
Cuộc đời luôn thật bất công với Chantal. Cô chẳng hề biết mặt cha, mẹ thì chết khi vừa sinh ra cô, trút lại cho cô gánh chịu lỗi lầm. Bà ngoại đã cặm cụi kiếm sống bằng nghề khâu vá, tiết kiệm từng đồng xu để mong sao đứa cháu gái ít ra cũng biết đọc biết viết. Chantal là một cô gái hay mơ mộng. Cô mơ thấy mình vượt qua những trở ngại, lấy chồng, kiếm được chỗ làm ổn định ở một thành phố lớn, hay biết đâu có một người nào đó đi săn tìm những tài năng đến cái chốn chim kêu vượn hú này để nghỉ ngơi đôi chút và chợt phát hiện ra cô. Biết đâu, cô sẽ trở thành một minh tinh lừng danh, cô sẽ viết một cuốn sách khiến danh tiếng của cô nổi như cồn. Biết đâu, cô sẽ phải nghe những lời kêu xin nài nỉ của đám phóng viên ảnh. Biết đâu, cuộc đời sẽ trải thảm đỏ đón rước cô.
Mỗi ngày qua đi là một ngày mong đợi. Chiều nào cũng có thể xuất hiện ở Viscos cái người có thể đánh giá được phẩm chất của cô. Từng đêm cũng lại đem đến cho cô niềm hy vọng. Có một người đàn ông qua đêm trên chiếc giường của cô, sớm mai sẽ đưa cô cùng ra đi và cô sẽ không bao giờ còn phải thấy ba con phố nhỏ, những ngôi nhà bằng đá lợp mái ngói, nghĩa địa cùng ngôi nhà thờ, khách sạn cùng cửa hàng nơi có thể mua các loại thực phẩm tươi nguyên nhưng rồi cứ nằm suốt ở đó ế chổng ế chơ hàng tháng trời và cuối cùng phải bán tháo như những loại sản phẩm bình thường nhất của nhà máy.
Đôi khi, trong đầu cô chợt nảy ra ý nghĩ rằng, những người Celte từ thuở xa xưa sống ở miền đất này, đã chôn giấu những kho báu của mình ở đây và cô phát hiện ra chúng. Tuy nhiên trong số tất cả các ước mơ của Chantal thì đây là ước mơ hão huyền nhất, không tưởng nhất.
Thế mà giờ đây, trên tay Chantal là một thỏi vàng, chính cái kho báu mà cô chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của nó, nói đúng ra, thì cô đã không tin vào sự giải thoát hoàn toàn và trọn vẹn.
Nỗi sợ hãi chợt xâm chiếm lấy cô, sự may mắn chỉ một lần trong đời mỉm cười với cô, có thể biến mất ngay trong chiều nay. Ngộ nhỡ người khách lạ đổi ý thì sao? Hoặc là ông ta quyết định đi sang thị trấn khác và tìm ở đó một người phụ nữ sẵn sàng hơn Chantal, đồng ý giúp ông ta thực hiện dự định của mình? Tại sao cô không đứng dậy, không đi ngay về nhà, xếp mấy thứ đồ vặt vãnh nghèo nàn vào va ly rồi cứ thế rời bỏ Viscos?
Cô hình dung ra cảnh mình theo sườn dốc cheo leo dựng đứng xuống con đường nhựa phía dưới chân dốc, một chiếc xe chạy ngang qua, còn người khách lạ cùng lúc này đang trên đường đi dạo buổi sáng, phát hiện ra thỏi vàng của ông ta đã bị lấy trộm. Chantal sẽ đi đến một thành phố gần nhất, còn ông ta thì quay về khách sạn và gọi cảnh sát.
Chantal cảm ơn người tài xế và đi thẳng ra bến xe, mua vé đi tiếp đến đâu đó xa hơn, đúng lúc đó có hai viên cảnh sát tiến lại phía cô và nhã nhặn đề nghị cô mở va ly. Khi họ nhìn thấy những gì bên trong, vẻ lích thiệp của họ vụt biến mất – cô ta đây rồi, người phụ nữ đang bị truy bắt theo thông báo được phát ra ba tiếng trước đó về tội ăn trộm.
Và trong đồn cảnh sát, Chantal đứng trước sự lựa chọn: kể lại toàn bộ sự thật mà chẳng một ai tin, hoặc bịa ra câu chuyện nhìn thấy một hố đất mới đào, khi đào sâu hơn thì cô phát hiện ra thỏi vàng. Có một người chuyên đi tìm kho báu, anh ta cũng săn tìm các kho báu của người Celte, có một lần đã qua đêm với cô. Theo lời anh ta, hóa ra nhà nước có ra các điều luật quy định rõ: người tìm thấy có quyền hưởng tất cả những gì anh ta phát hiện thấy, nhưng có nghĩa vụ, cũng theo điều khoản này, thông báo về phát hiện của mình, nếu nó có giá trị về lịch sử. Nhưng thỏi vàng này chẳng hề có một chút giá trị lịch sử nào, đây là một vật của thời hiện đại, chỉ đơn giản là một thỏi vàng có dán nhãn hiệu, dấu đóng và các con số.
Người khách lạ sẽ bị tra hỏi. Ông ta sẽ không thể nào chứng minh được là Chantal đã đột nhập vào phòng của ông ta và ăn trộm tài sản. Lời khai của ông ta trái ngược với những lời khai của cô, nhưng cũng không loại trừ tình huống là người ta vẫn tin ông ta, đặc biệt là khi họ phát hiện ra ông khách có những người bạn có thế lực và những mối quan hệ đắc dụng. Khi đó, Chantal sẽ yêu cầu tiến hành giám định và kết quả là cô đã nói đúng sự thật – trên thỏi vàng có dính đất.
Nhưng cùng lúc đó tin đồn về sự việc này đã lan đến Viscos và những người dân ở đây, vì ganh tị hay vì tức tối có thể dựng chuyện với cảnh sát để chống lại Chantal bằng cách đơm đặt câu chuyện đồn thổi về cô rằng nghe đâu cô đã không ít lần vụng trộm ăn nằm với những người khách đến trọ cho nên cô có thể dám đánh cắp thỏi vàng trong khi người khách lạ đang ngủ lắm.