Chương 9
-
Reacher báo thù
- Lee Child
- 7146 chữ
- 2020-05-09 04:18:55
Số từ: 7134
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Tôi nhờ Roscoe vào đồn lấy hộ chiếc túi đựng tư trang có tiền trong đó. Rồi chúng tôi tiếp tục chạy xe và nữ cảnh sát thả tôi xuống trung tâm thị trấn, tôi thống nhất sẽ gặp cô ở đồn sau vài giờ. Tôi đứng trên vỉa hè, trong cái nóng gay gắt của buổi sáng Chủ nhật, vẫy tay chào Roscoe.
Tôi cảm thấy khá hơn nhiều. Tôi đã vận động trở lại. Tôi sẽ xác minh câu chuyện về Blake Mù và đưa Roscoe đi ăn trưa, rồi biến khỏi Georgia, không bao giờ trở lại.
Thế nên tôi dành chút thời gian lang thang ngó nghiêng quanh thành phố, làm những việc lẽ ra nên làm chiều thứ Sáu vừa rồi. Nơi này thực ra chẳng có gì nhiều. Tỉnh lộ lâu đời chạy thẳng từ Bắc về Nam, đoạn dài chừng bốn dãy nhà được gọi là Phố Chính. Bốn dãy nhà này có các văn phòng và cửa hiệu nhỏ nằm hai bên đường, được chia tách bởi những con ngõ nhỏ chạy vòng về phía sau các tòa nhà. Tôi thấy một hiệu tạp hóa nhỏ, một cửa hàng cắt tóc, một cửa hàng thiết bị, một phòng khám, một văn phòng luật sư và một phòng khám nha khoa. Ở phía sau các tòa nhà thương mại là khu đất công viên có hàng rào cọc nhọn màu trắng và cây cảnh.
Trên phố, các cửa hiệu và văn phòng có mái hiên chìa ra vỉa hè. Trên vỉa hè đặt các ghế dài nhưng chẳng có ai ngồi.
Toàn bộ nơi này không có người. Sáng Chủ nhật, ở nơi rất xa xôi. Phố Chính chạy về phía Bắc, thẳng như kẻ chỉ, qua vài trăm mét công viên nữa là tới đồn cảnh sát và đồn chữa cháy, còn quá nửa dặm nữa là tiệm ăn Eno. Quá tiệm Eno vài dặm là lối rẽ về phía Tây tới Warburton, nơi có nhà tù. Ở phía Bắc ngã rẽ ấy, dọc mười bốn dặm tỉnh lộ tính từ nơi tôi đang đứng lên tới điểm giao cắt với quốc lộ thì chỉ có mỗi khu nhà kho, ngoài ra không còn gì nữa.
Ở mạn Nam thị trấn, tôi thấy một bãi cỏ nhỏ có một bức tượng đồng và con phố có nhiều nhà dân chạy về phía Tây. Tôi dạo bước về phía đó thì trông thấy một tấm biển màu xanh kín đáo ghi dòng chữ: Beckman Drive. Phố nhà Hubble. Tôi không thấy được cả đoạn đường đi xuống đó vì ngay gần đấy nó uốn sang trái rồi lượn sang phải quanh một bãi cỏ rộng, trên đó có nhà thờ lớn bằng gỗ sơn trắng. Bao quanh nhà thờ là những cây anh đào, bao quanh bãi cỏ là những chiếc xe hơi sạch bong sơn màu dịu đậu thành hàng ngay ngắn. Tôi nghe văng vẳng tiếng organ hòa cùng tiếng hát.
Trên bãi cỏ là tượng một người tên Caspar Teale, người đã làm việc gì đó khoảng một trăm năm trước. Chênh chếch Beckman Drive ở bên kia bãi cỏ là một con phố có nhiều nhà dân khác, chạy về phía Đông, với một cửa hàng tiện ích đứng đơn độc ở góc phố. Và chỉ có thế. Một thị trấn không có gì nhiều. Không có nhiều chuyện diễn ra. Tôi mất không tới ba mươi phút để ngó qua hết mọi thứ nơi này có thể trưng ra cho tôi.
Nhưng đây là thị trấn ít khiếm khuyết nhất mà tôi từng thấy. Thật ngạc nhiên. Mọi tòa nhà đều mới tinh hoặc mới được tân trang. Đường sá phẳng lì như mặt kính, vỉa hè bằng phẳng và sạch sẽ. Không ổ gà, không kẽ nứt, không chướng ngại trên đường. Những văn phòng và cửa hiệu nhỏ trông như thể được sơn lại hằng tuần. Những bãi cỏ và cây cảnh đều được cắt tỉa đến mức hoàn hảo. Bức tượng đồng của ông già Caspar Teale trông như được ai đó liếm sạch bóng vào mọi buổi sáng. Lớp sơn của nhà thờ sáng tới nhức mắt. Cờ tung bay khắp nơi, lấp lánh ánh trắng, rực rỡ màu đỏ và xanh dưới nắng. Toàn bộ nơi này sạch sẽ đến mức khiến ta dạo quanh mà bụng cứ lo ngay ngáy vì sợ để lại vết chân bẩn ở đâu đó.
Cửa hàng tiện ích ở góc phố Đông Nam bán những loại hàng tạo cho nó một cái cớ đủ hợp lý để mở vào sáng Chủ nhật. Mở cửa nhưng không bận bịu. Trong cửa hàng chẳng có ai trừ một anh chàng trực quầy. Nhưng anh ta có cà phê. Tôi ngồi ở một quầy nhỏ, gọi một cốc cà phê lớn và mua một tờ báo ra ngày Chủ nhật.
Lão Tổng thống vẫn nằm ở trang nhất. Giờ thì lão ở California. Lão đang giải thích với các nhà thầu quốc phòng lý do vì sao con tàu chở những món lợi nhuận kếch sù của họ đang khựng lại sau năm mươi năm vinh quang. Dư chấn từ tuyên bố của ông ta tại Pensacola liên quan tới lực lượng Bảo vệ Bờ biển vẫn còn lan truyền. Đêm thứ Bảy thuyền của họ sẽ trở lại cảng. Nếu không có ngân sách mới chúng sẽ không ra khơi tiếp. Tất cả những tay viết xã luận cho tờ báo này đều bất bình về điều đó.
Tôi ngừng đọc liếc lên khi nghe tiếng cửa mở. Một phụ nữ bước vào. Bà ngồi lên một chiếc ghế cao ở đầu đối diện quầy tôi ngồi. Bà ta già hơn tôi, có lẽ bốn mươi tuổi. Tóc sẫm màu, rất mảnh mai, mặc đồ đen đắt tiền. Nước da rất nhợt. Nhợt đến nỗi hầu như phát sáng. Bà bước đi với vẻ căng thẳng đầy lo lắng. Tôi có thể thấy rõ những đường gân ở hai cổ tay bà ta như những sợi dây mảnh. Tôi có thể thấy một dạng căng thẳng đầy kinh hoàng trên mặt người phụ nữ này. Tay trực quầy lướt tới bên người phụ nữ, bà ta gọi cà phê bằng giọng khẽ đến mức tôi gần như không nghe thấy dù bà ngồi rất gần và căn phòng yên tĩnh.
Nguời phụ nữ mặc đồ đen không ở lại lâu. Bà uống hết nửa chỗ cà phê, liên tục nhìn đồng hồ đeo tay. Rồi bên ngoài, một chiếc xe bán tải đen dừng lại, người phụ nữ run lên. Đó là một chiếc bán tải mới cáu và rõ ràng nó chưa chở bất kỳ thứ gì đáng chở. Tôi thoáng thấy người lái xe khi anh ta nhoài người đẩy cửa xe. Đây là một tay trông rất dữ. Khá cao. Đôi vai rộng, cổ to. Tóc đen. Lông đen mọc khắp hai cánh tay đầy múi thịt. Có lẽ chừng ba mươi tuổi. Người phụ nữ da tái trượt khỏi ghế như một bóng ma và đứng dậy. Nuốt nước bọt. Khi bà mở cánh cửa cửa hàng, tôi nghe thấy tiếng động cơ loại lớn của ô tô đang nổ ở trạng thái chờ. Người phụ nữ bước vào trong xe nhưng nó không chạy đi. Chỉ đậu ở mép đường. Tôi xoay ghế để hướng mặt vào anh chàng trông quầy.
"Ai thế?" tôi hỏi.
Anh chàng nhìn tôi như thể tôi từ hành tình khác tới.
"Đó là bà Kliner," anh ta đáp. "Ông không biết gia đình Kliner à?"
"Tôi có nghe nói về họ," tôi đáp. "Tôi không phải người ở thị trấn này. Kliner sở hữu các nhà kho trên đoạn gần đường quốc lộ, đúng không?"
"Đúng," anh chàng nói. "Và ngoài ra còn nhiều nữa. Ông Kliner là người quan trọng ở đây đấy."
"Thế hả?" tôi hỏi.
"Chắc chắn rồi," người trông quầy nói. "Ông có nghe nói về Quỹ chứ?"
Tôi lắc đầu. Uống hết chỗ cà phê và đẩy cốc qua để anh ta rót thêm.
"Ông Kliner đã lập ra Quỹ Kliner," người trông quầy nói. "Mang lại lợi ích cho thị trấn trên nhiều mặt. Có từ năm năm trước, từ hồi đó tới nay ngày nào cũng đều như Giáng sinh cả."
Tôi gật đầu.
"Bà Kliner ổn chứ?" tôi hỏi.
Anh chàng rót cà phê vào cốc tôi, lắc đầu.
"Bà ấy là người ốm yếu", anh ta nói. "Rất yếu. Da rất tái, đúng không? Xanh xao. Một người rất ốm yếu. Có thể là lao. Tôi đã thấy người bị lao có biểu hiện như thế. Trước đây bà ấy cũng thuộc dạng xinh đẹp nhưng bây giờ thì trông như cây gì đó trồng trong tủ ấy, đúng không? Một phụ nữ rất ốm yếu, điều đó thì chắc quá rồi."
"Người trong xe bán tải là ai thế?" tôi hỏi.
"Con ghẻ", anh chàng trông quầy đáp. "Con của ông Kliner với vợ đầu. Bà Kliner là vợ hai của ông ấy. Tôi nghe nói là quan hệ giữa bà ấy với con ghẻ không được tốt lắm."
Anh chàng dành cho tôi cái gật đầu có tác dụng chấm dứt câu chuyện phiếm. Đi ra chỗ khác để lau sạch cái máy gì đó mạ crôm phía sau đầu kia quầy. Chiếc bán tải đen vẫn đợi bên ngoài. Tôi đồng ý với anh chàng bán hàng rằng người phụ nữ trông như thứ cây gì đó trồng trong tủ. Bà ta trông như một loài lan hiếm thiếu ánh sáng và chất dinh dưỡng. Nhưng tôi không đồng ý với anh ta rằng bà trông ốm yếu. Tôi không nghĩ là bà này mắc bệnh lao. Tôi nghĩ rằng bà đang phải chịu đựng thứ gì đó khác. Thứ gì đó trước đây tôi từng thấy một hoặc hai lần. Tôi nghĩ bà chỉ đang phải chịu đựng sự kinh sợ. Kinh sợ thứ gì, tôi không biết. Kinh sợ điều gì, tôi không muốn biết. Chẳng phải vấn đề của tôi. Tôi đứng dậy đặt một tờ năm đô la lên quầy. Anh chàng trả lại toàn bằng tiền xu. Anh ta không có tiền giấy. Chiếc xe bán tải vẫn ở đó, đứng yên bên mé đường. Người lái xe đang nghiêng người, ngực tì vào tay lái, nhìn ngang qua bà mẹ kế, chằm chằm ngó thẳng vào tôi.
Phía sau quầy trước mặt tôi có một tấm gương. Tôi trông đúng là một gã đã ở trên một chiếc xe buýt chạy xuyên đêm và ngồi nhà giam hai ngày. Tôi nghĩ mình cần tắm rửa sạch sẽ trước khi đưa Roscoe đi ăn trưa. Anh chàng sau quầy thấy được điều tôi đang suy nghĩ.
''Anh thử đi cắt tóc đi," anh ta nói.
"Vào ngày Chủ nhật hả?" tôi hỏi.
Anh ta nhún vai.
"Họ luôn có mặt ở đó," anh ta nói. "Không hẳn là đóng cửa. Cũng không hẳn là mở."
Tôi gật đầu, đẩy cửa bước ra ngoài. Tôi trông thấy một đám người nhỏ đang ra khỏi nhà thờ, tán chuyện trên bãi cỏ rồi vào xe của mình. Phần còn lại của thị trấn vẫn không có người. Nhưng chiếc xe bán tải đen vẫn đậu bên mé đường, ngay bên ngoài cửa hàng tiện ích. Gã lái xe vẫn chằm chằm nhìn tôi.
Tôi đi bộ về phía Bắc trong nắng, chiếc bán tải chầm chậm đi cùng, giữ khoảng cách. Gã trai vẫn chúi người về phía trước, nhìn ngang sang bên. Tôi sải vài bước, chiếc xe tăng tốc để giữ cự ly. Rồi tôi đứng khựng lại và hắn vọt lên. Tôi đứng yên. Rõ ràng tay lái xe không có kế hoạch lùi xe lại. Gã đạp mạnh ga phóng vụt đi cùng tiếng động cơ gầm lên. Tôi nhún vai tiếp tục bước. Tới hiệu cắt tóc. Khom người chui qua mái hiên sọc và thử đẩy cửa. Không khóa. Tôi bước vào.
Giống như mọi thứ khác ở Margrave, hiệu cắt tóc phải nói là tuyệt vời. Nó sáng lên nhờ những chiếc ghế cổ cùng các món đồ được đánh bóng đẹp đẽ và chăm sóc kỹ lưỡng. Cửa hiệu có bộ đồ nghề cắt tóc mà mọi người đã bỏ đi từ ba mươi năm trước. Giờ thì mọi người đều muốn lấy lại chúng. Họ bỏ ra cả gia tài để mua bởi chúng tái hiện hình ảnh người ta vẫn muốn ở nước Mỹ. Hình ảnh người ta vẫn nghĩ về nước Mỹ. Chắc chắn đó là hình ảnh vốn có của nước Mỹ trong cách nghĩ của tôi. Tôi sẽ ngồi ở một sân trường tại Manila hay Munich và tưởng tượng ra những bãi cỏ, hàng cây, những lá cờ và một hiệu cắt tóc sáng ánh crôm dịu nhẹ như cửa hiệu này. Cửa hiệu này có hai ông già da đen phục vụ. Họ chỉ đang ngồi không. Không thực sự mở cửa để làm ăn, không thực sự đóng cửa. Nhưng hai người có ý sẽ phục vụ tôi. Họ ngồi đó, tôi cũng đã tới đó, vậy tại sao lại không chứ? Và tôi đoán là mình trông như trường hợp phải giải quyết gấp. Tôi yêu cầu họ thực hiện công việc, cắt tóc, cạo mặt, dùng khăn nóng và đánh giày. Trên tường có trang nhất của một số tờ báo được đóng khung. Những tít lớn. Roosevelt qua đời (Franklin Delano Roosevelt (1882 -1945): Tổng thống thứ 32 của Mỹ).
Ngày phát xít Nhật đầu hàng, JFK bị ám sát (John Fitzgerald Kennedy (1917 -1963): Tổng thống thứ 35 của Mỹ).
. Martin Luther King bị giết hại (Mục sư, nhà hoạt động nổi tiếng đấu tranh cho quyền con người, bị ám sát thang Tư năm 1968).
Chiếc đài trên bàn bằng gỗ gụ đang phát ra những tiếng ấm áp. Tờ báo mới của ngày Chủ nhật được gập gọn gàng trên một chiếc ghế dài bên cửa sổ.
Hai ông già đánh bọt xà phòng trong bát, liếc con dao cạo lưỡi thẳng, nhúng chổi cạo vào xà phòng. Họ khoác cho tôi vài chiếc khăn và bắt đầu công việc. Một ông cạo cho tôi bằng con dao cổ lưỡi thẳng. Ông già còn lại chỉ đứng chẳng làm gì. Tôi nghĩ có lẽ chút nữa ông mới tham gia. Ông già làm việc bắt đầu tán chuyện, như những người cắt tóc vẫn làm. Kể cho tôi nghe lịch sử nghề nghiệp của ông. Hai người này là bạn từ nhỏ, sống tại Margrave này từ hồi đó tới nay. Khởi nghiệp cắt tóc trước Thế chiến thứ Hai. Học nghề ở Atlanta. Cùng mở hiệu khi là thanh niên. Chuyển cửa hàng tới đây khi khu ở cũ bị phá. Ông kể cho tôi về lịch sử của hạt theo quan điểm của một thợ cắt tóc. Liệt kê tên của những người đã ngồi vào và bước ra khỏi những chiếc ghế cổ kia. Kể cho tôi về mọi loại người.
"Vậy hãy kể cho cháu nghe về nhà Kliner đi," tôi bảo.
Là người hay chuyện nhưng đề nghị này khiến ông già im bặt. Ông ta dừng tay suy nghĩ một lúc.
"Không thể giúp anh với đề nghị ấy, điều đó thì chắc chắn rồi," ông nói. "Đó là chủ đề chúng tôi không thích bàn luận ở đây. Tốt nhất là anh hỏi tôi về một người hoàn toàn khác đi."
Tôi nhún vai dưới mấy chiếc khăn.
"Được thôi," tôi nói. "Ông đã bao giờ nghe nói tới Blake Mù chưa?"
"Tôi đã nghe nói về ông ấy, cái đó thì chắc chắn," ông già đáp. "Đó là người chúng ta có thể bàn luận, không vấn đề gì cả."
"Tuyệt," tôi nói. "Vậy ông có thể kể gì cho cháu?"
"Hồi ấy thi thoảng ông ấy ở đây," ông thợ cắt tóc đáp. "Họ nói là ông ấy sinh ở Jacksonville, Honda, ngay bên kia ranh giới bang. Thường đi bộ từ đó lên, anh biết đấy, qua đây, qua hết Atlanta, suốt chặng đường về phía Bắc lên tới Chicago, rồi đi bộ cả chặng đường trở về. Trở về qua Atlanta, qua đây, về nhà. Hồi ấy rất khác, anh biết đó. Không có quốc lộ, không xe hơi, hoặc ít nhất cũng không dành cho một người da đen nghèo khó và bạn bè của ông ấy. Tất cả đều đi bộ hoặc đi bằng xe chở hàng."
"Ông đã bao giờ nghe ông ấy chơi nhạc chưa?"
Ông thợ một lần nữa dừng tay nhìn tôi.
"Anh bạn, tôi bảy mươi tư tuổi," ông nói. "Chuyện này diễn ra khi tôi còn là một chú bé con. Chúng ta đang nói chuyện về Blake Mù ở đây. Những người như ông ấy chơi trong các quán bar. Hồi còn bé, chẳng bao giờ tôi vào quán bar, anh hiểu rồi đấy. Nếu vào thì tôi bị quất cho lằn mông. Anh nên nói chuyện với ông bạn tôi đây. Ông ấy già hơn tôi nhiều. Có thể ông ấy đã nghe Blake Mù chơi nhạc, có thể ông ấy chỉ không nhớ bởi bây giờ ông ấy không nhớ được nhiều. Thậm chí không nhớ đã ăn gì trong bữa sáng. Tôi nói đúng không? Này, ông bạn già, sáng nay ông ăn gì?"
Ông già kia quay sang tựa vào bồn rửa bên cạnh bồn của tôi. Đây là một ông già xương xẩu cùng màu với chiếc đài gỗ gụ.
"Tôi chẳng nhớ bữa sáng đã ăn gì," ông nói. "Thậm chí còn chẳng biết sáng tôi có ăn gì không nữa. Nhưng nghe này, có thể tôi già rồi nhưng sự thật là người già nhớ dai lắm. Không phải những chuyện mới đây, anh hiểu rồi đấy, mà là các sự kiện lâu rồi. Anh phải tưởng tượng trí nhớ của anh như một chiếc thùng cũ, anh biết chứ? Một khi nó đã đổ đầy những thứ đồ cũ thì không có cách nào nhồi đồ mới vào. Không có cách nào hết, anh hiểu không? Vậy nên tôi không nhớ chuyện mới nào bởi cái thùng cũ của tôi đã đổ đầy những sự kiện cũ xảy ra từ hồi trước. Anh hiểu điều tôi đang nói không?"
"Chắc chắn là cháu hiểu rồi," tôi nói. "Vậy hồi đó ông đã nghe ông ấy chơi nhạc chứ?"
"Ai kia?" ông già hỏi lại.
Tôi nhìn hết người này tới người kia. Không biết đây có phải là chuyện thường xảy ra không.
"Blake Mù ấy," tôi nói. "Ông đã bao giờ nghe ông ấy chơi chưa?"
"Chưa, tôi chưa bao giờ nghe ông ấy chơi cả," ông già đáp. "Nhưng chị tôi thì có. Tôi có bà chị tầm ngoài chín mươi, vẫn còn sống. Hồi đó bà ấy cũng hát hò chút, bà ấy đã hát nhiều lần cùng Blake Mù."
"Thế hả?" tôi nói. "Bà ấy hát cùng ông ta à?"
"Chắc chắn thế rồi", ông già xương xẩu đáp. "Bà ấy hát với bất kỳ ai đi ngang qua. Anh phải nhớ rằng thị trấn cổ này nằm ngay trên đường lớn dẫn tới Atlanta. Cái tỉnh lộ ngoài kia ngày trước còn chạy qua đây về Florida ở phía Nam cơ. Nó là tuyến đường duy nhất xuyên qua Georgia theo hướng Bắc - Nam. Tất nhiên bây giờ anh có quốc lộ chạy qua mà không phải dừng lại, các anh có máy bay, có mọi phương tiện. Giờ Margrave không còn quan trọng, chẳng ai đi qua đây nữa."
"Thế nên Blake Mù đã dừng lại ở đây sao?" tôi nhắc ông già. "Và chị gái ông đã hát cùng ông ấy à?"
"Ngày trước mọi người thường dừng chân ở đây," ông nói. "Mạn Bắc thị trấn đầy các quán bar và nhà trọ dành cho khách qua đường. Toàn bộ mảnh vườn đắt đỏ nằm giữa chỗ này và đồn chữa cháy trước đây toàn là quán bar và nhà trọ. Giờ thì tất cả đã bị phá đi, nếu không thì tự chúng cũng sụp đổ rồi. Từ lâu rồi nơi đây không còn là khu vực kinh doanh phục vụ khách qua đường nữa. Nhưng hồi ấy thị trấn đâu có như bây giờ. Lúc nào cũng có những dòng người đến và đi. Công nhân, người làm nghề thu hái, các tay trống, binh sĩ, người vô gia cư, lái xe tải, nhạc sĩ. Tất cả thường dừng lại chơi nhạc, và bà chị gái già của tôi lại có mặt ở đó hát cùng tất cả bọn họ."
"Và bà ấy nhớ Blake Mù chứ?" tôi hỏi.
"Chắc chắn là nhớ rồi", ông già đáp. "Hồi ông ấy còn sống, bà cụ cho rằng ông ấy là thực thể sống vĩ đại nhất. Bảo rằng ông ấy luôn chơi thật tuyệt vời. Thực sự rất tuyệt vời."
"Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?" tôi hỏi. "Ông biết không?"
Ông già suy nghĩ lung lắm. Trở lại quá khứ qua ký ức đang nhạt nhòa dần của mình. Ông lắc mái đầu bạc vài lần. Rồi ông lấy khăn ướt từ chiếc hộp nóng và đặt lên mặt tôi. Bắt đầu cắt tóc cho tôi. Rốt cuộc lắc đầu dứt khoát.
"Không thể nói chính xác được," ông đáp. "Ông ấy thỉnh thoảng lại đi qua đây. Tôi nhớ điều ấy khá rõ. Sau ba bốn năm gì đó thì ông ấy biến mất. Tôi ở Atlanta một thời gian, không ở đây nên không biết. Nghe nói có kẻ nào đó giết ông ấy, có thể ở ngay Margrave này, có thể không phải. Có rắc rối lớn gì đó, khiến ông ấy bị giết chết tươi."
Tôi ngồi lắng nghe chiếc đài cổ của hai ông già một lúc. Rồi lấy tờ hai mươi đô trong cuộn tiền trả họ và vội vã bước ra Phố Chính. Sải bước về hướng Bắc. Đã gần trưa, trời nắng như rang. Nóng so với tháng Chín. Chẳng thấy ai khác đi bộ. Con đường đen táp hơi nóng vào mặt tôi. Blake Mù đã cuốc bộ trên con đường này, có lẽ trong cái nóng buổi trưa. Hồi hai ông già cắt tóc còn là trẻ con, nơi đây còn là huyết mạch theo mạn Bắc đưa tới Atlanta, Chicago, công việc, hy vọng, tiền bạc. Cái nóng buổi trưa sẽ không ngăn nổi người ta đến nơi họ đang đến. Nhưng bây giờ con đường chỉ là một nhánh màu đen nhẵn nhụi chẳng dẫn tới nơi nào cả.
Đi bộ mấy phút trong cái nóng thì tôi tới đồn cảnh sát. Tôi băng ngang bãi cỏ xanh mơn mởn, qua một bức tượng đồng khác và kéo mở cánh cửa kính nặng nề ở lối vào. Bước vào cái lạnh bên trong. Roscoe đang tựa vào quầy tiếp tân đợi tôi. Phía sau cô, trong phòng họp, Stevenson đang nói chuyện điện thoại vẻ khá gấp gáp. Roscoe mặt mũi tái nhợt và trông rất lo lắng.
"Chúng tôi đã tìm thấy một thi thể nữa", cô nói.
"Ở đâu? tôi hỏi.
"Lại trên khu nhà kho", nữ cảnh sát đáp. "Lần này ở phía bên kia đường, dưới giao lộ, chỗ giao lộ vồng lên",
"Ai là người tìm thấy?" tôi nói.
"Finlay", cô đáp. "Sáng nay ông ấy lên đó, lần mò xung quanh, tìm kiếm thứ gì đó có thể hỗ trợ cho chúng tôi điều tra về thi thể đầu tiên. Có chút hữu ích, đúng không? Tất cả những gì ông ấy tìm thấy là một thi thể khác."
"Cô biết người này là ai không?" tôi hỏi.
Roscoe lắc đầu.
"Chưa xác định được danh tính", cô nói. "Cũng như người đầu tiên".
"Giờ Finlay ở đâu?" tôi hỏi.
"Đi gặp Hubble rồi", nữ cảnh sát đáp. "Ông ấy nghĩ rằng có lẽ Hubble biết gì đó về chuyện này",
Tôi gật đầu.
"Xác chết này nằm đó được bao lâu rồi?" tôi hỏi.
"Có lẽ hai hoặc ba ngày", Roscoe đáp. "Finlay bảo rằng có thể đêm thứ Năm đã diễn ra án mạng làm hai người chết."
Tôi gật đầu lần nữa. Hubble đã biết điều gì đó về vụ này. Nạn nhân thứ hai này là người Hubble đã cử tới gặp nhân viên điều tra đầu trọc. Hubble không thể hiểu tại sao người này lại chạy thoát được. Nhưng anh ta đã không thoát.
Tôi nghe tiếng xe trong bãi đậu bên ngoài và tiếng cánh cửa kính lớn kéo mở ra. Finlay thò đầu vào.
"Đến nhà xác, Roscoe," ông nói. "Cả ông nữa, Reacher."
Chúng tôi theo ông trở ra với cái nóng. Tất cả vào chiếc xe không sơn phù hiệu của Roscoe. Để xe Finlay chỗ ông đã đỗ. Roscoe lái xe. Tôi ngồi băng ghế sau. Finlay ngồi ở ghế phụ phía trước, xoay người sang để có thể đồng thời nói chuyện với cả hai chúng tôi. Roscoe lướt khỏi khu đậu xe của đồn hướng về phía Nam.
"Tôi không thể tìm thấy Hubble," Finlay nói. Nhìn tôi. "Ở nhà anh ta chẳng có ai. Anh ta có nói gì với ông về chuyện đi đâu đó không?"
"Không," tôi đáp. "Chẳng một từ nào. Chúng tôi hầu như không nói chuyện gì suốt hai ngày cuối tuần."
Finlay hầm hừ với tôi.
"Tôi cần tìm hiểu xem anh ta đã biết gì về toàn bộ chuyện này", ông bảo. "Đây là vụ nghiêm trọng và chắc chắn anh ta biết điều gì đó. Anh ta đã nói với ông điều gì về chuyện này, Reacher?"
Tôi không trả lời. Tôi không hoàn toàn chắc chắn mình đang đứng về phía nào. Có lẽ là phía Finlay, nhưng nếu Finlay bắt đầu dò la về mối liên quan của Hubble dù đó là gì, Hubble và gia đình anh ta sẽ nhận kết cục là cái chết. Chẳng có gì nghi ngờ về chuyện đó. Thế nên tôi cho là mình chỉ nên đứng trung lập và rồi chuồn khỏi đây càng sớm càng tốt. Tôi không muốn dính líu vào chuyện này.
"Ông đã thử gọi vào số di động của Hubble chưa?" tôi hỏi.
Finlay ậm ừ rồi lắc đầu.
"Tắt máy," ông ta đáp. "Máy tự động thông báo thế "
"Anh ta có tới lấy đồng hồ chứ?" tôi hỏi.
"Lấy cái gì cơ?" Finlay hỏi lại.
"Đồng hồ đeo tay của anh ta ấy," tôi nói. "Hôm thứ Sáu anh ta để lại chiếc Rolex trị giá mười ngàn đô cho Baker. Khi Baker còng tay chúng tôi để chuyển tới Warburton. Anh ta đã quay lại lấy chứ?"
"Không," Finlay bảo. "Chẳng thấy ai nói gì cả."
"Được rồi", tôi nói. "Thế thì anh ta có công việc khẩn ở đâu đó. Một tay khốn như Hubble sẽ không đời nào quên chiếc đồng hồ trị giá mười ngàn đô, đúng không?"
"Việc khẩn gì?" Finlay nói. "Anh ta đã kể gì cho ông về chuyện đó hả?"
"Anh ta không nói gì với tôi hết", tôi đáp. "Tôi đã bảo ông là chúng tôi hầu như không nói chuyện rồi còn gì."
Finlay quắc mắt nhìn tôi từ ghế trước.
"Đừng giở trò với tôi, Reacher," ông ta nói. "Cho tận tới khi tôi tóm được Hubble, tôi sẽ giữ ông và quay ông ra bã vì những điều anh ta đã nói cho ông. Và đừng có cố chứng tỏ rằng anh ta đã ngậm miệng suốt hai ngày cuối tuần, bởi những gã như anh ta không bao giờ làm thế. Tôi biết điều đó, ông cũng biết thế, vậy nên đừng giở trò với tôi, được chưa?"
Tôi chỉ nhún vai với đội trưởng thám tử. Ông ta sẽ không bắt giữ tôi lần nữa. Có lẽ tôi sẽ bắt xe buýt từ nhà xác, dù nó nằm ở đâu đi nữa. Tiếc là tôi không được ăn trưa với Roscoe.
"Thế vụ này là thế nào?" tôi hỏi Finlay.
"Cũng hệt như trường hợp trước", ông ta đáp. "Trông như diễn ra đồng thời. Bị bắn chết, có lẽ cũng bằng thứ vũ khí kia. Người này không bị đá lăn khắp nơi sau khi chết nhưng có lẽ đây chỉ là một vụ."
"Ông không biết người này là ai à?"
'Tên anh ta là Sherman," Finlay đáp. "Ngoài thông tin đó thì không biết gì cả."
"Nói cho tôi biết đi," tôi bảo.
Tôi đang hành động trái với thói quen. Finlay ngẫm nghĩ một lúc. Tôi thấy ông quyết định trả lời. Như thể chúng tôi là đồng sự.
"Đàn ông da trắng chưa xác định được danh tính," ông ta nói. "Cũng hệt như người đầu tiên, không giấy tờ tùy thân, không ví, không dấu vết nhận dạng. Nhưng người này đeo một chiếc đồng hồ bằng vàng, mặt sau khắc chữ: tặng Sherman, yêu anh, Judy. Có lẽ anh ta chừng ba mươi ba lăm gì đó. Khó nói chính xác bởi xác anh ta đã nằm đó ba đêm và bị lũ động vật nhỏ gặm mất tương đối, ông biết chứ? Hai môi đã mất, mắt cũng thế, nhưng bàn tay phải vẫn ổn bởi nó gập lại dưới cơ thể, thế nên tôi có một số dấu vân tay tốt. Chúng tôi đã kiểm tra cách đây một giờ và sẽ có thể thu được thông tin gì đó, nếu chúng tôi gặp may."
"Bị bắn bằng súng trường à?" tôi hỏi.
Finlay gật đầu.
"Trông có vẻ cùng một khẩu", ông nói. "Cỡ nòng nhỏ, đạn đầu mềm. Xem ra phát đầu tiên chỉ làm anh ta bị thương, anh ta có thể chạy. Anh ta dính thêm vài phát đạn nữa nhưng cũng cố ẩn được phía dưới quốc lộ. Anh ta ngã xuống và mất máu mà chết. Người này không bị đá lăn lộn bởi chúng không tìm thấy anh ta. Theo tôi thì chuyện diễn ra như thế!"
Tôi suy nghĩ về điều này. Tôi đã cuốc bộ qua ngay chỗ ấy lúc tám giờ sáng thứ Sáu. Ngay giữa hai xác chết.
"Và ông cho rằng anh ta tên là Sherman à?" tôi hỏi.
"Tên anh ta khắc trên đồng hồ đeo tay," Finlay nói.
"Có thể không phải tên khắc trên đồng hồ của anh ta," tôi nói. "Có thể anh chàng đã đánh cắp đồng hồ của người khác. Có thể đã thừa kế, mua từ một hiệu đồ cũ, nhặt được trên phố".
Finlay chỉ lần nữa ậm ừ. Chúng tôi phải đi được cách Margrave hơn mười dặm về phía Nam rồi. Roscoe vẫn giữ tốc độ cao theo tỉnh lộ cổ. Rồi cô giảm tốc rẽ theo một nhánh đường bên trái chạy thẳng về phía đường chân trời.
'Ta đang đi đến chỗ quái quỷ nào thế?" tôi hỏi.
"Bệnh viện hạt," Finlay nói. "Ở Yellow Springs. Thị trấn duy nhất ở phía Nam Margrave. Sắp tới rồi."
Chúng tôi tiếp tục chạy xe. Yellow Springs dần hiện ra như một vết nhòe trong quầng không khí nóng phía chân trời. Ngay phía trong rìa thị trấn là bệnh viện hạt, gần như chỉ đứng một mình. Được xây dựng ở đây hồi các bệnh lây lan và người ốm bị cách ly. Đây là bệnh viện lớn, gồm các dãy nhà thấp và rộng trải ra trên một khu vực rộng vài acre. Roscoe giảm tốc độ và ngoặt vào lối vào. Chúng tôi chạy qua vài gờ giảm tốc vòng vèo qua mấy dãy nhà đứng riêng ra ở phía sau. Nhà xác là nhà cấp bốn dài có cửa cuốn khá lớn đang kéo lên. Chúng tôi dừng xe khá xa cửa và để xe lại trong sân. Ba người nhìn nhau rồi bước vào.
Một bác sĩ pháp y đón chúng tôi đưa vào một căn phòng. Ông tới ngồi ở một chiếc bàn kim loại rồi vẫy tay ra hiệu cho Finlay và Roscoe ngồi xuống ghế. Tôi tựa người vào một quầy, giữa một máy tính và máy fax. Đây không phải cơ sở làm việc được rót nhiều ngân sách. Nó được trang bị theo kiểu tiết kiệm vài năm trước. Mọi thứ đều cũ, sứt mẻ và bẩn thỉu. Rất khác với trụ sở đồn ở Margrave. Người đàn ông sau chiếc bàn trông mệt mỏi. Không già, không trẻ, có lẽ trạc tuổi Finlay. Áo choàng trắng. Ông giống kiểu người có thể khiến người khác yên tâm về quyết định của mình. Ông không tự giới thiệu. Nghiễm nhiên coi như chúng tôi đã biết ông là ai, nhiệm vụ của ông là gì.
"Các bạn muốn biết gì nào?" ông hỏi.
Nhân viên pháp y lần lượt nhìn qua ba chúng tôi. Chờ đợi. Chúng tôi nhìn lại.
"Đây có phải cùng một vụ không?" Finlay hỏi. Chất giọng Harvard sâu của Finlay nghe chừng không hợp với căn phòng tồi tàn. Bác sĩ pháp y nhún vai với ông.
"Tôi mới nhận thi thể thứ hai được một giờ", ông nói. "Nhưng đúng, tôi có thể nói rằng đây chỉ là một vụ. Gần như chắc chắn là cùng một thứ vũ khí. Trong cả hai trường hợp đều là đạn đầu mềm cỡ nhỏ. Đạn bay chậm, có vẻ như súng gắn thiết bị giảm thanh."
"Cỡ nòng nhỏ à?" tôi nói. "Nhỏ cỡ nào?"
Vị bác sĩ xoay cái nhìn mệt mỏi về hướng tôi.
"Tôi không phải chuyên gia về vũ khí," ông nói. "Nhưng tôi nhận định là cỡ 22. Với tôi cỡ đó là nhỏ. Tôi cho rằng chúng ta đang xem xét các vỏ đạn cỡ 22 có đầu mềm. Ví dụ như đầu của nạn nhân đầu tiên. Hai vết thương vào nhỏ và hai vết thương ra lớn, đặc trung của đạn cỡ nhỏ đầu mềm."
Tôi gật đầu. Đó là hiện tượng do đạn đầu nhỏ gây ra. Nó bắn vào và dẹt ra. Trở thành một mảnh chì cỡ đồng xu xuyên qua bất kỳ loại mô nào nó gặp phải. Tạo thành một lỗ ra rất lớn. Và nếu đó là một viên đầu mềm cỡ 22 tốc độ thấp đi kèm thiết bị giảm thanh thì cũng có lý. Không tác dụng gì khi sử dụng ống giảm thanh trừ phi tốc độ đạn ra đầu nòng thấp hơn tốc độ âm thanh. Nếu không viên đạn sẽ gây ra tiếng ồn suốt quãng đường bay tới mục tiêu, như một chiếc máy bay chiến đấu tí hon.
"Được rồi," tôi nói. "Họ đã bị giết trên chỗ người ta tìm thấy xác à?"
"Chẳng có gì nghi ngờ về chuyện đó," Finlay đáp. "Chứng ứ máu chỗ thấp đều thể hiện rõ ở cả hai thi thể."
Ông nhìn tôi. Muốn tôi hỏi ông ta chứng ứ máu chỗ thấp là gì. Tôi đã biết nó là gì rồi, nhưng muốn lịch sự nên tôi tỏ ra khó hiểu.
"Chứng ứ máu chỗ thấp sau khi chết," đội trưởng thám tử nói. "Màu tím bầm. Khi ta chết, sự lưu thông ngưng lại đúng không? Tim không đập nữa. Máu ta tuân theo định luật về trọng lực. Nó dồn xuống phần thấp nhất của cơ thể vào các mao mạch thấp nhất trong người, thường là vào các mao dẫn cực nhỏ trong phần da gần bề mặt ta ngã xuống, dù bề mặt ấy là gì. Các tế bào màu đỏ đọng lại trước. Chúng khiến da có màu đỏ. Rồi chúng đóng cục nên các vết này giữ nguyên, như một tấm ảnh. Sau vài giờ, các vết ấy không thay đổi. Các vết ở nạn nhân đầu tiên hoàn toàn khớp với tư thế của ông ta trên sân trước nhà kho. Ông ấy bị bắn, bị ngã đập đầu xuống, ông ấy bị một tên điên nào đó đá lăn tròn trong vài phút, rồi ông ấy nằm đó trong tám tiếng. Điều đó không có gì phải nghi ngờ."
"Ông thấy chuyện đá nạn nhân thế nào?" Finlay hỏi bác sĩ pháp y.
Vị bác sĩ lắc đầu và nhún vai.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ nào thế này," ông nói. "Đôi khi tôi có đọc trên tạp chí. Rõ ràng là một dạng tâm thần. Không có cách nào giải thích nổi. Làm thế với người chết thì cũng chẳng được gì. Không làm người đó đau đớn bởi anh ta đã chết. Nhưng không hiểu sao kẻ kia phải làm thế thì mới thấy dễ chịu. Con điên giận không thể tin nổi, sức mạnh đáng sợ. Các vết thương thật kinh khủng!"
"Thế còn người thứ hai?"
"Anh ta đã bỏ chạy", viên bác sĩ trả lời. "Phát đạn đầu ở tầm gần trúng lưng nhưng không làm người này gục, anh ta bỏ chạy. Trên đường chạy anh ta dính thêm hai phát nữa. Một phát vào cổ, một phát trúng đùi khiến anh ta mất mạng. Đứt động mạch đùi. Anh ta đã cố chạy được tới đoạn quốc lộ vồng lên cao, rồi ngã xuống và mất máu cho tới chết.
Không có gì hoài nghi về chuyện đó. Nếu như trời không mưa suốt đêm thứ Năm, chắc chắn các vị đã trông thấy vệt máu trên đường rồi. Chắc chắn phải có một gallon (khoảng 3,78 lít)
và một nửa số này nằm ở đâu đó bởi chắc như đinh đóng cột là nó không còn nằm trong cơ thể người ấy nữa".
Tất cả chúng tôi trở nên im lặng. Tôi nghĩ về cú chạy băng ngang đường đầy tuyệt vọng của nạn nhân thứ hai, cố gắng ẩn nấp trong khi những viên đạn xuyên vào da thịt anh ta. Ngã gục dưới đoạn quốc lộ vồng lên và chết giữa cuộc giành giật khẽ khàng của những động vật nhỏ hoạt động về đêm.
"Được rồi", Finlay nói. "Thế là chúng ta có thể nhận định rằng hai nạn nhân đã gặp nhau. Kẻ bắn nằm trong nhóm ba tên, hắn làm hai nạn nhân bất ngờ, bắn hai phát vào đầu nạn nhân đầu tiên trong khi nạn nhân thứ hai bỏ chạy và bị bắn trúng ba phát trong khi đang chạy, đúng không?"
"Ông cho là có ba kẻ tấn công à?" bác sĩ pháp y hỏi.
Finlay hướng về phía tôi và gật đầu. Đây là giả thuyết của tôi, thế nên tôi phải giải thích.
"Có ba đặc điểm tính cách riêng biệt", tôi nói. "Một tên thiện xạ, một tên điên lên cơn và một tên che giấu kém cỏi."
Viên bác sĩ từ từ gật đầu.
'Tôi tin điều đó," ông nói. "Người đầu tiên bị bắn ở cự ly có thể bắn thẳng, do đó ta nên nhận định rằng ông ấy biết những kẻ giết mình và cho phép chúng đến cạnh chứ?"
Finlay gật đầu.
"Chắc chắn phải thế rồi", ông nói. "Năm người gặp nhau. Ba tên tấn công hai người kia. Đây là vụ gớm đấy, phải không?"
"Chúng ta biết những kẻ tấn công là ai không?" bác sĩ đặt câu hỏi.
"Chúng ta còn chẳng biết tên các nạn nhân nữa"
Roscoe chen vào.
"Có giả thuyết gì về hai nạn nhân không?" Finlay hỏi bác sĩ pháp y.
"Với người thứ hai thì không, trừ cái tên trên đồng hồ đeo tay của anh ta," vị bác sĩ đáp. "Tôi mới biết tên anh ta cách đây một giờ."
"Thể là ông có giả thuyết về nạn nhân đầu tiên à?"
Viên bác sĩ đang xem mấy mảnh giấy trên bàn thì điện thoại đổ chuông. Ông nghe máy rồi đưa cho Finlay.
"Điện thoại của ông," ông ta nói. Finlay vẫn ngồi trên ghế, rướn người ra để nhận cuộc gọi. Lắng nghe một lúc.
"Được rồi," ông nói vào điện thoại. "Chỉ cần in ra và fax tới đây cho chúng tôi, được chứ?"
Rồi ông trao máy lại cho bác sĩ pháp y và ngồi ngay người lại. Gương mặt ông bắt đầu xuất hiện một nụ cười.
"Đó là Stevenson ở đồn," ông nói. "Rốt cuộc chúng ta đã tìm được dấu vân tay khớp với vân tay của nạn nhân đầu tiên. Có vẻ chúng ta đã đúng khi xác minh lại. Stevenson sẽ fax tới đây bây giờ, thế nên hãy nói cho chúng tôi những gì ông đã biết, bác sĩ ạ, và chúng tôi sẽ khớp lại."
Người đàn ông mệt mỏi trong chiếc áo choàng trắng nhún vai rồi cầm một tờ giấy lên.
"Nạn nhân đầu tiên hả?" ông nói. "Tôi không có nhiều lắm. Thi thể nát bấy cả. Người này cao, mạnh khỏe, đầu trọc. Vấn đề chính là những việc liên quan tới răng. Có vẻ như người này đã chữa răng ở khắp nơi. Một số ở Mỹ, một số trông có vẻ ở Mỹ, một số ở nước ngoài."
Ngay cạnh hông tôi, chiếc máy fax bắt đầu phát tín hiệu và kêu rì rì. Một tờ giấy mỏng cuốn vào.
"Vậy ông rút ra được gì từ điều đó?" Finlay hỏi. "Ông ấy là người nước ngoài à? Hay là người Mỹ sống ở nước ngoài hay thế nào?"
Tờ giấy mỏng đã chạy ra, in kín chữ. Rồi chiếc máy ngừng lại im lặng. Tôi cầm tờ giấy lên liếc qua. Rồi tôi đọc hai lần. Tôi lạnh toát người. Tôi bị cơn tê liệt lạnh cóng chụp lấy không thể cử động nổi. Tôi không thể tin nổi những gì mình đang thấy trên tờ fax này. Bầu trời như sụp xuống đầu tôi. Tôi chằm chằm nhìn viên bác sĩ và cất tiếng.
"Ông ấy lớn lên ở nước ngoài," tôi nói. "Sống ở đâu ông ấy cũng phải chữa răng. Ông ấy bị gãy cánh tay phải hồi tám tuổi và được bó bột ở Đức. Ông ấy được cắt amiđan trong bệnh viện ở Seoul."
Ông bác sĩ ngước nhìn tôi.
"Họ có thể kết luận như thế qua dấu vân tay của ông ta à?" ông hỏi.
Tôi lắc đầu.
"Người đó là anh trai tôi", tôi nói.