Hội quán Tam Điểm
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 687 chữ
- 2020-05-09 05:46:25
Số từ: 671
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Nguyễn Đình Đầu
Ít ai ngờ rằng
tòa soạn báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh nằm tại góc đường Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa từng là trụ sở Hội Tam Điểm - xây dựng theo kiến trúc cổ điển đầu thế kỷ XX.
Hội này có tên tiếng Pháp Franc - Maconnerie và tiếng Anh Free - Masonry (hội Xây dựng Tự do). Đó là những hội kín, lúc đầu chỉ có tính nghề nghiệp, công đoàn sau mang đậm tư tưởng tín ngưỡng. Tới thời trung cổ, hội phát triển mạnh ở nước Anh, rồi truyền sang Pháp[2].
[2] Grand Larousse Encyclopédique - Tập 5 - NXB Larousse - Paris, 1962. Trang 240 - 241.
Hội tin ở Thiên Chúa là Kiến trúc Sư Cả - người sáng tạo và vẽ ra vũ trụ và muôn loài dưới thế. Motif tạo hình tiêu biểu là compa, êke, búa, đục... tức đồ kiến trúc và xây dựng. Ba cấp bậc hội viên chính là: tập nghề (apprenti), thợ bạn (compagnon) và thầy nghề (maitre). Nghe nói, hội viên khi ký tên thường chấm thêm ba chấm và mặt tiền trụ sở bao giờ cũng có khung hình tam giác. Do đó người Việt Nam gọi là Hội Tam Điểm. Trụ sở hội bài trí uy nghiêm như một thánh đường và mệnh danh là hội quán (loge).
Quân Pháp đánh Sài Gòn năm 1859. Năm 1862, triều đình Huế phải ký nhượng địa cho Pháp ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường. Năm 1867, Pháp cưỡng chiếm nốt ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm 1868, những hội viên Tam Điểm người Pháp thành lập hội quán Đông phương Thức tỉnh (loge Le Réveil de lOrient) ở Sài Gòn[3] Họ là những tay thực dân quân nhân và dân sự có lập trường chống Công giáo đối với các giáo sĩ. Đa số quan lại Pháp ở cấp bậc công sứ, thống sứ hay thống đốc hay toàn quyền thường là hội viên Tam Điểm (toàn quyền Paul Bert công khai theo Tam Điểm). Vô hình trung, cả nhà thờ Đức Bà lẫn hội quán Tam Điểm đều nhìn ra đường Nguyễn Du. Nhưng nhà thờ Đức Bà thì to lớn và luôn mở rộng cửa, còn hội quán Tam Điểm thì hội họp bí mật khép kín. Dư luận chung cho rằng âm mưu thực dân đế quốc, đều xuất phát từ hội quán Tam Điểm mà ra. Tuy nhiên, một số hội viên Tam Điểm cũng là hội viên Hội Nhân Quyền đã từng vận động, phóng thích cụ Phan Chu Trinh khỏi tù chung thân tại Côn Đảo. Hội Tam Điểm biết nhân nhượng khi cần. Có lẽ vì thế, đầu năm 1922, Bác Hồ xin gia nhập hội qua sự giới thiệu của điêu khắc gia Roger Boulanger, với phiếu lý lịch:
Nguyễn Ái Quấc sinh ngày 15-2-1895 (An Nam), tô chỉnh nhiếp ảnh, họa sĩ
.
[3] Jacques Dalloz, La loge maconnique à Saigon - Bulletin L’Histoire - No 256, Juillet - Aout 2001.Trang 60 - 61.
Từ năm 1925, hội bắt đầu thâu nhận hội viên bản xứ tại Việt Nam[4] Khởi đầu thế chiến thứ II (1939 - 1945), Đức xâm chiếm Pháp, Thống chế Pétain lên cầm quyền. Các hội kín như Tam Điểm hay có tính cách quốc tế như Cộng sản, đều bị cấm cách. Hội quán Đông Phương Thức Tỉnh ở Sài Gòn bị đóng cửa. Hội sở Tam Điểm ở đường Nguyễn Du được sử dụng cho công ích khác và nay là tòa soạn báo Công An TP.HCM.
[4] Jacques Dalloz, sđd, trang 60 :
Sa fiche note: Nguyen Ai Quac, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur photographe, dessinateur
.
Khi thành phố chỉnh trang vườn Tao Đàn, tòa soạn báo Công An sẽ di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, cần giữ lại và trùng tu Hội sở Tam Điểm như di tích lịch sử - văn hóa độc đáo của thành phố.