Đời hẻm
-
Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới
- Nhiều Tác Giả
- 1627 chữ
- 2020-05-09 05:46:26
Số từ: 1609
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Võ Phi Hùng
Một ngọn gió đổi thay nữa
thổi vào các con hẻm là các đợt người nghèo nhập cư đến từ làng quê Bắc Trung bộ. Họ nhanh chóng gia nhập đội quân làm thuê đông đảo của Sài Gòn. Và những con hẻm ven đô lại mở rộng vòng tay. Cơ cấu, hình hài của hẻm cũng đổi thay. Thế đó, trong đêm lặng yên mọi nhà cứ êm đềm ru giấc ngủ. Nhưng xuất phát từ các con hẻm kia, cuộc kiếm sống 24/24 giờ vẫn không ngừng nghỉ
Bà con cô bác trong xóm nghèo giàu lẫn lộn dễ nhận ra thằng cu Bìu khoảng mười bốn tuổi với thanh nhôm gõ rao mì trên tay. Cái đặc biệt của nó chính là cái vóc dáng nhỏ xíu xiu, chỉ bằng một đứa bé bảy tuổi được nuôi dưỡng bình thường ở thành phố, không bị béo ị.
Cho nên cu Bìu một cái bánh su giá một ngàn, nó ăn nhín nhín để kéo dài cái khoái khẩu, hai con mắt nhỏ đen láy sáng rực lên. Quả cái bánh bé mọn thôi nhưng đã trở nên kỳ diệu đối với nó đến thế nào. Cu Bìu là một trong hàng trăm ngàn người nhập cư đến Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Cu Bìu bán mì gõ cho một chủ xe mì trong con hẻm ở Gò Vấp.
Dưới làn ánh sáng tờ mờ buổi sớm mai ở một con hẻm thuộc khu Gò Vấp, bỗng thấy đậu ken dày hàng đoàn
chiến xa
màu sáng bạc, đó chính là hàng chục chiếc xe bán mì gõ tụ tập về bãi đậu sau một đêm dài len lỏi khắp hẻm dài, hẻm cụt, hẻm ngã ba, ngã tư rao bán món mì hủ tíu bình dân no dạ ấm lòng mà giá lại
bèo
.
Khoảng chín giờ sáng, chủ xe đi chợ về với mớ xương khúc, củ lẳng, vài cục thịt, giá, hẹ, mì, hủ tíu, ớt... là hàng chục
chiến xa
kia được đốt lò, hầm nước lèo, khói bốc lên uốn éo xanh mờ cả một vùng hẻm. Rồi từng nhóm ba người bu quanh từng chiếc xe, họ làm hẹ, lặt giá, xắt ớt cùng nhau râm ran chuyện quê xa: chuyện
trời làm cơn mưa lụt hàng năm/mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn
- như lời một bài hát (lời đúng của bài hát là: mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn/Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm-BTV); chuyện gửi tiền về giúp nhà; chuyện tết này về thăm quê.
Đến khoảng hai giờ trưa,
đoàn xe tăng nhôm
mì gõ ùn ùn
ra quân
, nhanh chóng tìm đến các góc phố, đầu hẻm, góc đình, mé chợ quen thuộc
chốt lại
, phục vụ cái dạ dày của khách bình dân lúc lên cơn đói thòm thèm.
Cu Bìu, giờ đó cũng phải đẩy xe qua các con hẻm quanh quẹo chật chội. Kê xe, bày quán cóc xong bắt đầu rong ruổi chơi nhạc gõ. Nó cười rất có duyên, chân chất như đậu phộng rang, bắp luộc. Nó lê đôi chân bé tẹo đi đến lúc phố lên đèn. Đôi tay thường nóng bỏng vì nước lèo tràn khỏi tô. Thấy nhà thiên hạ mở ti vi, có phim hoạt hình nó thèm nhỏ dãi, hay tay bấu song sắt, ghếch càm lên coi ké. Thấy lâu không quay về chủ xe mì gõ biết liền,
thưởng
cho nó cái nhéo tai, cốc đầu, hoặc tung một cú đá kung fu vào đít. Cấm khóc.
Mỗi tháng cu Bìu được bốn trăm ngàn, chủ giữ, cuối năm mới đưa đem về quê cho má nuôi ba bệnh. Cu Bìu phải lao động mười lăm giờ một ngày cho dù nó mới mười bốn tuổi. Nó đi loanh quanh cho đến khuya lơ khuya lắc, mười hai hoặc một giờ đêm, tải nặng trên vai tấm lòng chí hiếu và quen thuộc đến nỗi lũ chó không buồn sủa.
Đi sau cu Bìu là anh chàng tẩm quất và cậu trai
Bánh chưng bánh giò
. Các anh chàng
chưng, giò
này đạp xe phăm phăm đi từ bốn giờ chiều và trở về lúc bốn giờ sáng.
Nếu các anh
chưng giò
này có vợ bán vé số thì đúng là cảnh
chồng ngâu vợ ngâu
Bởi sáu giờ, đội
nữ binh
bán vé số dạo từ hẻm túa ra khu trung tâm, các quán cà phê, điểm ăn sáng, bến xe, bến tàu, ga, chợ... với đầu trần, áo khoác ngoài, dép lê, cọc vé số và chiếc túi nhỏ đựng tiền. Ra đi từ bình minh, trở về khi trời tối mịt. Người bị lừa mất cả vé số, kẻ bị giật bay biến túi tiền. Lê chân cả ngày, dép mòn vẹt gót, cổ khát khô, lại mất trắng tay, biết lấy
đồng mô
trả lại cho đại lý? Lủi thủi về gác trọ nằm khóc tủi thân, rồi lăn ra ngủ vật vờ, người này nằm sát bên người kia, xếp lớp như cá mòi. Có chật chội thật. Nhưng hơn lúc còn bơ vơ, lại ấm áp một tình quê đồng cảnh ngộ. Nhờ vậy mà nước mắt kịp chảy ngược vào trong.
Giờ các chị lại
phát triển
hai trong một
, vừa bán vé số vừa kèm theo rổ đậu phộng luộc. Một chị cất giọng Thanh Hóa:
Ai không mua vé thì en đậu phộng luộc cũng được
. Và chị nói tiếp:
Chồng chết, còn đứa con gái gửi họ hàng nuôi. Sau này nó lớn cho vào đây bán vé số
. Giọng chị thản nhiên về một tương lai đáng ngại.
Lại thêm
đội quân phụ hồ
thường bị giới lao động chân tay tại chỗ than phiền là phá giá tiền công hàng ngày.
Buổi sáng, một anh cai xây nhà
ngự
tại một quán cà phê cóc đầu ngõ hẻm. Đám phụ hồ nhập cư cứ hai người chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng lần lượt kéo đến tụ tập. Hầu hết đều gọi đĩa xôi, tô mì gói, ly trà đá, điếu thuốc lá
cưa đôi
thở khói chập chờn, chờ anh cai phân công tới các điểm làm việc. Có tay ỉ ôi vay mượn thêm ít tiền; có người xin thêm tiền chữa vết thương lúc làm việc.
https://i.imgur.com/pVIRVDa.jpg
Ban đêm, tại ngôi nhà đang xây vách tường dở dang, có một người thợ nhập cư treo chiếc võng toòng teng ngủ lại để coi ngó gạch, cát, xi măng. Trời mưa, anh giăng tấm bạt che nước trời. Gió giông giật mạnh, tấm bạt phập phồng
rên rỉ
trong đêm. Trên tầng cao đó, chỉ còn mỗi mình anh đong đưa võng buồn với ngọn đèn tròn vàng ệch và tiếng mưa rơi xối xả triền miên. Đêm đơn điệu và dài vô tận!
Buổi sáng ra đầu hẻm uống ly cà phê, anh nói nhớ quê đứt ruột. Cô gái trong xóm ghẹo:
Tới đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rể xanh cây mới dìa
!
.
Thế nhưng anh còn mẹ già đau ốm âm ỉ nhiều năm, còn ba đứa em vẫn phải đi đò ngang băng qua dòng sông nước xoáy cuồn cuộn để đến trường kiếm đôi ba con chữ lận lưng, nên anh cứ phập phồng đeo đẳng nỗi lo.
Rồi một đêm, cả hẻm kinh hoàng nghe tiếng đổ
ầm
của ngôi nhà tường đang xây dang dở. Mọi người chạy tới, moi đống gạch cứu mạng người phu hồ nhập cư đơn độc.
Ai cũng tưởng sau tai nạn bị què mất một chân, phải đi cà nhắc chắc anh về luôn ngoài quê.
Đội quân môi trường
là gồm những người đi moi rác. Họ không tụ tập quanh các bãi rác tập trung, vì sợ có
bảo kê
. Họ cũng không phải loại quảy bao bên vai, tay cầm móc sắt đi lang thang suốt ngày. Họ là
lao động tự do
nhưng lại có
giờ giấc, ca kíp
hẳn hoi. Và nơi họ
tác nghiệp
có
địa chỉ
rõ ràng, là các bịch rác ngay trước mỗi nhà trong hẻm.
Ca đầu,
ra quân
từ bảy giờ tối đến mười một giờ đêm. Ca hai, từ bốn giờ sáng đến trước thời điểm xe ba gác đổ rác dân sinh trong từng con hẻm hoạt động. Người moi rác mở từng chiếc bịch ni lông ra, chịu đựng mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, đôi khi mắt gặp phải làn hơi lạ cay rát, tay cũng phải cẩn thận để khỏi bị các vật nhọn như xương cá, đinh, kẽm đâm phải, hoặc miểng chai cắt tứa máu, dễ bị nhiễm trùng.
Và một đêm, người trong con hẻm cũ gặp lại anh phu hồ bị sập tường đè què chân lại xa quê, trở vào gia nhập
đội quân môi trường
để kiếm sống.
Hẻm nghèo, lại còn có người nhập cư nghèo hơn. Họ đã đến, đang đến và chắc sẽ còn đến dài dài, đem lại bài học dịu dàng về sự chịu thương chịu khó, về nỗi nhớ quê nhà day dứt, nghĩa tình chan chứa với người ở chốn ấy đợi mong. Âu cũng là bổ sung thêm vào những giá trị tình thân ấm áp, có nhau khi tắt lửa tối đèn trong
đời hẻm
.
Thế đó, trong đêm lặng yên mọi nhà cứ êm đềm ru giấc ngủ. Nhưng ngoài các con hẻm kia cuộc kiếm sống 24/24 giờ vẫn không ngừng nghỉ.
VPH. 2007
https://i.imgur.com/uHRwOF7.jpg