Nơi chúng tôi đã ngồi


Số từ: 1345
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Quốc Bảo

Chúng tôi lớn lên bằng quán
. Những ngôi quán, không tên hoặc nổi danh, vạ vật bên đường hoặc sang trọng máy lạnh, đều đã trở thành nhà của chúng tôi, một thế hệ Sài Gòn ít nhiều khác biệt với thế hệ trước và sau nó. Thế hệ chúng tôi, buồn bã và mơ mộng, chọn quán để sống và lớn lên. Để lưu giữ những tâm cảm Sài Gòn.
Trong mỗi chúng tôi đều có một Sài Gòn của chung, âm ỉ cháy như một que diêm vĩnh cửu. Nó vĩnh cửu, là nhờ quán.
Quán là nơi tụ tập của thế hệ tôi, để rồi mỗi khi rời xa, quán Sài Gòn lại hiện lên như một hình phạt. Tôi đã hứng chịu nhiều lần hình phạt ấy, khi ở Hà Nội, ở Huế, ở Kontum, ở miền Tây Nam bộ và khi ở Phnom Penh, Bangkok.
Nơi chốn treo trên cổ người


Như một hình phạt.

Quán là nơi lần đầu trong đời, tôi chứng kiến gương mặt rũ rượi của tình yêu. Đấy là một trong những ngôi quán xập xệ ven đường Tô Hiến Thành, bên con kênh nước đen với hàng dừa tơi tả mà chúng tôi - những đứa con trai biết yêu lần đầu - gọi là Hạ Uy Di của mình. Ở đấy, nhạc mở oang oang từ máy cassette như để át đi những câu nói u uất của tình nhân. Nơi đó là chốn hẹn của những tình nhân phần lớn là vụng trộm. Phần lớn là bất thường, phần lớn mang gương mặt rũ rượi.
Dãy cà phê ở cư xá Bắc Hải rất thịnh vượng vào những năm 80. Nhiều quán núp dưới lớp áo lành mạnh
Nhà văn hóa phường
để nhạc hải ngoại đủ loại chen Bảo Yến Gò Công thành một selection
khá độc đáo. Lũ sinh viên chúng tôi thường bỏ học tiết cuối, kéo nhau về đấy. Nghe đến thuộc lòng nhạc mục mà vẫn thèm. Chúng tôi bấy giờ, chẳng đứa nào có được một cái cassette ở nhà. Đến đâu, nghe ké nhạc ở đó. Và đề ra chỉ tiêu phải thuộc lòng bao nhiêu bản nhạc, để làm vốn nuôi... tinh thần! Không biết rồi cuối cùng, bao nhiêu người bạn của tôi ngày ấy có còn nhớ nổi một giai điệu Bảo Yến Gò Công nào chăng (Tết này anh không thèm đốt pháo!)
hay mỗi lần đi qua quán lại rùng mình quay ngoắt? Sợ quá khứ ấy mà!
Ở đường Lý Chính Thắng vào khoảng thời gian nói trên, có một quán mở trong biệt thự, mang tên Hoàng Hôn. Quán vườn, lộ thiên, rộng lắm. Và nhạc ngoại quốc mở từ đĩa nhựa thì ngọt như một giấc mơ. Chúng tôi bấy giờ học cấp ba, thỉnh thoảng nhịn quà sáng kéo nhau vào. Toàn bộ tư liệu nhạc trẻ Âu Mỹ đã được tôi nhồi nhét suốt mấy năm cuối phổ thông như thế. Ngồi cà phê mà không dám uống nhiều, chỉ xin trà đến khi nào không còn chịu nổi bộ mặt chán nản của phục vụ nữa, thì về. Hoàng Hôn nổi tiếng còn nhờ đoàn làm phim Vụ Án Viên Đạn Lạc
đã mượn bối cảnh quay. Tài tử Thương Tín phóng Honda 67 xộc thẳng vào quán như một cơn lốc, gọi cà phê đen, ngồi ghếch chân lên bàn. Ghế mây, bàn thấp, nhạc Tây, cà phê sánh đặc - đúng kiểu mẫu quán Sài Gòn.
https://i.imgur.com/PJ1qSuw.jpg
Bố Già chỗ Hồ Huấn Nghiệp là một quán đặc biệt. Chẳng sang trọng gì so với mặt bằng quán khắp nơi, thế mà đông nghìn nghịt. Đông từ bảy giờ sáng đến nửa đêm. Đấy là một quán kem, nơi chế biến loại kem làm từ hoa quả tươi theo kiểu Pháp. Trong nhà tối âm u, tủ sách cũ đầy bụi, nơi mà bạn có thể ngồi trầm ngâm bao lâu cũng được, mượn sách trên tủ đọc - những cuốn sách Pháp úa vàng quăn góc. Còn bè bạn đông vui thì ngồi vỉa hè. Chen chúc, thích cánh, bàn ọp ẹp xiêu vẹo và ghế nhựa bé tẹo, mà vui. Quán có cách quy ước vị trí bàn khách rất lạ: cạnh đề, mai trong, mai giữa, mai ngoài, sổ vôi, sổ cửa...,
nghe cứ như những ám hiệu của một hội kín. Tìm hiểu thì biết mai trong là bàn cạnh chỗ cây mai ngày xưa, phía trong. Đại khái vậy. Sáng nay bạn ngồi đâu? Cạnh đề hay sổ cửa?

Cà phê Việt Nam đậm đắng, đầy bóng tối (Tôi uống từng ngụm nhỏ bóng tối - Dương Thụ). Chẳng phải lịch sử cà phê Việt đã đầy bóng tối đó sao, khi người Pháp trồng những đồn điền đầu tiên ở Đông Dương và tận dụng nhân công rẻ như bèo xứ này? Nhưng dẫu sao, cà phê cũng vô tình phân biệt Việt Nam với những nước Á châu còn lại - nơi vốn là một lục địa trà. Tôi thì xem cà phê (đậm, đắng, đầy bóng tối) như thứ linh dược. Một thứ nước uống rất Đạo. Không bao giờ bạn có thể nốc ừng ực một tách cà phê Việt. Phải nhắp từng ngụm nhỏ, cảm nhận cái đắng dìu dịu len vào, cảm nhận những ngụm nâu óng ả như những ngụm nhung tan chảy, cảm nhận nhịp tim mình tăng nhanh từng nhịp. Cảm nhận từng bó thần kinh giãn ra, rung nhè nhẹ. Một cảm giác không diễn tả được.
Đầu những năm 90, chúng tôi hay tập trung cà phê sáng ở quán vỉa hè Bà Lê Chân, một quán cóc rất Sài Gòn. Mặt bằng hẹp, bàn ghế kê chênh vênh, người cùng bàn có khi kẻ thấp người cao rất
phân biệt đối xử
. Chủ quán vạm vỡ, ngoay ngoáy đánh cà phê đến khi nổi bọt như mật ong, mắt xa xăm đọc thơ, Ta hôn em môi cực cùng ly biệt
. Chủ quán là thi sĩ Huy Tưởng.
Có một dạo, tôi thích đến quán Cô Tư ở đường Lý Thái Tổ, đối diện Nhà khách Bộ Ngoại giao. Quán lụp xụp lắm, như một chỗ dừng chân ven quốc lộ. Khách thường là dân lao động, những người đạp xích lô chiếm đa số. Cà phê pha bằng vợt vải màn kiểu đồng bằng Cửu Long. Thuốc lá lẻ bán bày trong đĩa. Ngồi đó, tựa lưng vào bức tường mà sự loang lổ và thấm dột được giấu bớt bằng những bích chương dầu gội, kẹo cao su, ngắm những vệt nắng chiều muộn ửng lên lần cuối, là một trải nghiệm không tồi. Bạn sẽ thấy lòng mình trong trẻo lại.
Tôi không thích vị cà phê Trung Nguyên, dù đấy là một dây chuyền rất đáng tự hào trong nền kinh tế trẻ Việt. Trung Nguyên đậm vẻ
hóa học
quá, vị nồng, màu thẫm và đặc quánh. Thành thử, tôi ít ghé những đại lý nhan nhản khắp nơi của thương hiệu này. Trung Nguyên dành cho những người trẻ thích nhạc Top Ten và không kén chọn cà phê lắm. À, ở đấy họ cũng uống nước cam được mà!
Một số quán mới mở dạo gần đây đầu tư nội thất đẹp. Như AQ, như Nirvana, như Windows. Có lẽ, mô hình quán đẹp cũng sẽ thu hút một thế hệ đạo-cà phê mới, sau khi lũ chúng tôi đã rời bỏ. Vì tuổi tác, vì áo cơm, vì cuộc sống gia đình. Chúng tôi chỉ còn lưu giữ những hình ảnh quán, những hương vị quán, những âm thanh quán mà chúng tôi đã trải như một kho tàng tâm cảm. Nhờ đấy, chúng tôi gắn chặt với Sài Gòn. Là một thành tố của Sài Gòn.
Nếu có một ngôi quán ước mơ cho chúng tôi ngày hôm nay, thì đấy là một nơi có cà phê ngon, chỗ ngồi rộng và không mở nhạc.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.