Chương 126


Số từ: 2943
Cỏ vũ mâu đã chín rũ, trên mấy vec- xta liền, đồng cỏ khoác một tấm áo choàng rung rinh uyển chuyển. Gió rập rình dũi đầu lớp cỏ xuống, dồn cỏ lại thành gò đống, làm cỏ xơ ra và xua những làn sóng xanh xanh trăng trắng như đá mắt mèo hết chạy về phía nam iại chạy về phía tây. Ở những nơi có một luồng không khí chảy qua, cỏ vũ mâu lại rạp đầu làm lễ, và trên những ngọn cỏ bạc phếch còn lưu rất lâu một vệt thâm thâm.
Các thứ cỏ đã nở rộ với đủ mọi màu hoa. Trên các đường sống gò ngải cứu chín rữa buồn bã rũ đầu xuống. Đêm rất ngắn, chưa nằm đã sáng. Đêm đêm cơ man nào là sao sáng lên lấm tấm trên bầu trời đen như cháy thành than. Vành trăng lưỡi liềm, vừng mặt trời nhỏ của người Cô- dắc, dè sẻn toả xuống một làn ánh sáng bềnh bệch. Dòng sông Ngân hà rộng thênh thang đan quyện với nhiều con đường khác cũng toàn là sao. Không khí hắc hắc và đặc quánh, gió hanh nặc mùi ngải cứu. Mặt đất thẫm đẫm vị đắng của cây ngải cứu mọc lan trên khắp nơi, khao khát gió mát. Những con đường dệt bằng sao, chưa từng bị vó ngựa hay chân người dẫm lên, kiêu hãnh lượn uyển chuyển. Các vì sao rắc đầy trên nền trời khô khan đen kịt mầu đất đen như những hạt thóc, nhưng chỉ chết uổng mà không nấy mầm, không cho mắt con người được thưởng thức những mầm non mới nhú… Mặt trăng nom như một mảnh đất muối khô nẻ, khắp đồng cỏ bị đại hạn, cỏ chết rũ, chỗ nào cũng có những con cun cút đánh nhau liên miên làm bay lên những đám lông trắng bong và tiếng châu chấu kêu lanh lảnh như tiếng kim khí…
Ban ngày trời nóng như thiêu như đốt, ngột ngạt, sương khói mịt mùng. Trên bầu trời xanh phai màu không vẩn một đám mây nào, chỉ thấy vừng mặt trời tàn nhẫn và một con chim ưng với đôi cánh nâu nâu vươn ra như một cây cung bằng thép. Trên đồng cỏ, cỏ vũ màu sáng lên chói lọi, loá cả mắt. Một thứ cỏ nóng, màu hung hung như lông lạc đà bốc hơi mù mịt. Con chim ưng nghiêng cánh lượn trên khoảng trời xanh thẳm, trong khi bên dưới, cái bóng khổng lồ của nó cứ lừ lừ lướt trên mặt cỏ.
Những con chuột nhảy rít lên khàn khàn, mệt mỏi. Những con ngân thử ngủ gật trong hang sau những đống đất vàng bốc hơi ngùn ngụt. Đồng cỏ nóng hổi nhưng không có sức sống, muôn vật chung quanh đều trong suốt và không động đậy. Ngay đến nấm kurgan cũng hiện lên xanh xanh ở nơi tận cùng của tầm mắt, huyền ảo, mờ nhạt, như trong một giấc mộng…
Ôi đồng cỏ thân yêu! Một ngọn gió đắng bắc thổi rạp bờm những con ngựa cái và ngựa giống trong đàn. Gió làm mũi ngựa vừa khô vừa mặn. Con ngựa ngửi thấy cái mùi đăng đắng mặn mặn ấy, cảm thấy có gió và nắng bèn nhay nhay hai cái môi mịn như lụa hí dài.
Ôi đồng cỏ thân yêu dưới bầu trời là sát mặt sông Đông! Những khe núi ngoằn ngoèo chia nhánh trong những thung lũng khô nẻ, những vách đất sét dựng đứng đỏ lòm, những vùng cỏ vũ nâu mênh mông với những vết móng ngựa in sâu dưới đất, những nấm kurgan trầm mặc như những nhà hiền triết gìn giữ cài vinh quang Cô- dắc chôn sâu bên trong… Ta rạp đầu làm lễ, đem cả một lòng hiếu thuận của người con hôn chất đất nhạt thếch của người, chất đất sông Đông, chất đất Cô- dắc, ôi cánh đồng cỏ thấm đẫm dòng máu không hoen ố!
Đầu nó nhỏ và khô như đầu một con rắn. Hai tai nó thon và rất linh hoạt. Các bắp thịt trên ức nó nở đến cực độ. Bốn chân nó thanh và khỏe, các khớp xương không có một chút khuyết tật nào, bốn móng nó nhẵn thín như những hòn đá củ đậu ngoài sông. Mông nó hơi xuôi, lông đuôi nó to sợi. Nó là một con ngựa sông Đông thuần giống. Hơn thế nữa dòng máu nó rất cao quí, chảy trong các mạch máu của nó không có một giọt máu lai nào. Nhìn bất cứ chỗ nào cũng thấy rõ là một con ngựa nòi. Tên nó là Manbruc. Ở chỗ uống nước, nó đã đánh nhau với một con ngựa giống khác để bảo vệ con ngựa cái của nó. Con kia nhiều tuổi hơn, khỏe hơn nó, và tuy những con ngựa giống thả ăn rong bao giờ cũng được tháo cá sắt nhưng con kia đã đá nó bị thương nặng ở chân trước bên trái. Cả hai con đều đứng chồm hẳn lên, cắn nhau, đá nhau bằng chân trước, xé toạc da nhau…
Gã coi ngựa không có mặt ở đấy, gã đang ngủ trên đồng cỏ, lưng phơi ra nắng, hai chân dang rộng trong đôi ủng nóng bỏng và lấm bụi. Con Manbruc bị địch thủ đánh ngã xuống đất, bị đuổi ra xa đàn, rồi nằm lại đấy, mất máu dần. Con kia chiếm cả hai đàn ngựa, rồi dẫn đi theo sườn khe Tovkaia.
Con ngựa giống bị thương được đưa về chuồng ngựa, gã y sĩ chữa cho nó cái chân bị đau. Nhưng sáu ngày sau Miska Kosevoi có việc lên báo cáo với viên giám thị đã được chứng kiến sự việc dưới đây: tuân theo cái linh tính của một kẻ mang sứ mệnh lưu truyền nòi giống, con Manbruc đã gặm đứt dây buộc, nhảy ra khỏi cái khung buộc ngựa, chiếm lấy mấy con ngựa cái bị buộc chân sau đang ăn cỏ ở cạnh nhà nhân viên và để sẵn đấy cho bọn coi ngựa, giám thị và y sĩ cưỡi. Nó đuổi mấy con ngựa cái ra đồng cỏ, đầu tiên cho chạy nước kiệu rồi sau nó cắn những con chậm lại phía sau, bắt phải chạy nhanh. Bọn coi ngựa chỉ còn được nghe thấy tiếng dây buộc chân sau mấy con ngựa cái đứt phừn phựt.
- Con khốn kiếp, nó bắt chúng ta phải đi bộ rồi!
Tên giám thị đưa mắt nhìn theo những con ngựa chạy xa dần, chửi ầm lên, nhưng trong thâm tâm không khỏi lấy làm hài lòng.
Đến giữa trưa con Manbruc dẫn mấy con ngựa cái ra chỗ uống nước. Mấy gã coi ngựa đi bộ đến dắt những con ngựa cái của nó đi, còn chính Manbruc thì bị Miska đóng yên, đưa ra đồng cỏ và trả về đàn cũ.
Trong hai tháng làm công việc coi ngựa, Miska đã để tâm nghiên cứu cẩn thận đời sống của những con ngựa thả rong trong trại. Anh đã theo dõi sâu sắc và cảm thấy rất tôn trọng trí thông minh và tinh thần cao thượng không giống con người chút nào của loài ngựa.
Những con ngựa đực đã nhảy cái ngay trước mắt anh và cái động tác ngàn đời ấy, thực hiện trong những hoàn cảnh nguyên thuỷ một cách tự nhiên, trong sạch và giản dị đến nỗi trong đầu óc Miska tự nhiên nảy ra những ý nghĩ so sánh không lợi cho con người chút nào.
Nhưng trong quan hệ của loài ngựa với nhau cũng có nhiều điểm giống con người. Chẳng hạn Miska nhận thấy rằng Bakha là một con ngựa giống bắt đầu về già hung ác, bất kham. Nó đối xử có phần thô bạo với những con ngựa cái khác, nhưng lại hoàn toàn không như thế đối với một con ngựa cái rất đẹp, bốn tuổi, có ngôi sao to trên trán và hai con mắt sáng bừng bừng. Con Bakha luôn luôn lượn quanh con ngựa cái vẻ lo lắng và nóng nảy bồi hồi, nó luôn luôn hít hít con ngựa cái với những tiếng hí đặc biệt, khe khẽ và say đắm.
Khi bị buộc trong tàu, nó thích đặt cái đầu hung hãn của nó lên mông con ngựa cái yêu dấu và cứ thế mơ màng rất lâu. Miska đứng bên cạnh nhìn con Bakha, thấy đầu gân các bắp thịt dưới da nó khẽ giật giật và anh thấy như nó yêu con ngựa cái nầy đắm đuối với cả một mối tình tuyệt vọng và âu sầu của một ông già.
Miska làm việc rất cần mẫn. Có lẽ cái tin anh làm việc chăm chỉ đã đưa đến tai tên ataman trấn, cho nên đến đầu tháng Tám, viên giám thị đã nhận được chỉ thị trả Miska về cho nhà hội đồng trấn điều động.
Miska sửa soạn chỉ loáng cái đã xong, anh trao trả các đồ chăn ngựa của công và ngay chiều hôm ấy đã lên ngựa về nhà. Con ngựa cái luôn bị chủ nó thúc. Lúc mặt trời lặn anh đã đi qua Kargin và tại đấy trên đỉnh một ngọn gò anh đuổi kịp một chiếc xe ngựa chạy về hướng Vosenskaia.
Người Ukraina lái xe đánh hai con ngựa béo căng đổ mồ hôi như tắm. Một người đàn ông vai rộng, thân hình cân đối, nửa ngồi nửa nằm phía sau chiếc xe nhẹ có lắp díp. Người ấy mặc một chiếc áo vét- tông cắt theo kiểu thành thị, chiếc mũ phớt màu xẫm hất ra sau gáy Miska cưỡi ngựa đi theo chiếc xe một lát, và cứ nhìn hai cái vai xuôi của người đội mũ phớt rung lên mỗi khi xe vấp và cái cổ áo trắng đầy bụi. Dưới chân người khách đi xe có một cái túi du lịch và một cái bao, trên phủ chiếc áo bành tô gấp lại. Mùi khói xì- gà rất lạ chọc vào mũi Miska. "Có một viên quan nào đó về trấn". - Miska vừa nghĩ thầm vừa cho con ngựa tiến lên ngang chiếc xe. Anh liếc nhìn xuống dưới vành mũ phớt, bất giác há hốc miệng và một cảm giác vừa sợ vừa hết sức ngạc nhiên làm cho lưng anh cứ như bị một kẻ tinh nghịch rắc kiến lên. Stepan Astakhov đang xoài người trong chiếc xe, một mẩu xì gà đen nhai nhai trong miệng đầy vẻ nóng nảy, cặp mắt sáng ngang tàng nheo nheo. Còn chưa tin hẳn vào mắt mình, Miska nhìn lại lần nữa cái khuôn mặt quen thuộc nhưng đã thay đổi lạ lùng của người cùng thôn, rồi cuối cùng anh quả quyết rằng con người đang nhún nhảy trên cặp xe đích xác là anh chàng Stepan còn sống sờ sờ. Anh cảm động quá mướt cả mồ hôi húng hắng ho và hỏi:
- Thưa ông, xin ông thứ lỗi cho ông có phải là ông Astakhov không?
Người ngồi trên xe bắt đầu cho chiếc mũ dạ chạy ra trước trán, quay mặt lại, ngước nhìn Miska:
- Vâng, tôi là Astakhov. Nhưng có việc gì thế? Bác phải chăng… Hượm đã nào, cậu là Kosevoi phải không? - Anh ta nhỏm đậy, mỉm cười đưới hàng ria màu hạt dẻ xén tỉa ngay ngắn, nhưng chỉ cái cặp môi là cười, hai con mắt và toàn bộ khuôn mặt già đi vẫn giữ một vẻ nghiêm nghị rất khó gần. Rồi khuôn mặt già đi vẫn giữ một vẻ nghiêm nghị rất khó gần. Rồi anh ta ngơ ngác và sung sướng chìa tay ra. - Kosevoi! Miska! Té ra chúng ta lại được gặp nhau thế nầy? Tôi rất sung sướng…
- Sao thế nhỉ? Sao lại thế nầy nhỉ? - Miska ném dây cương xuống, dang hai tay như còn hồ nghi. - Người ta nói rằng anh đã bị giết rồi. Nhưng tôi nhìn ra lại đúng là Astakhov…
Miska toét miệng cười, anh bấn cả lên, cứ ngọ nguậy mãi trên yên. Nhưng cái mã ngoài của Stepan cùng cách phát âm trầm trầm đúng tiếng Nga của anh la đã làm Miska luống cuống, và từ lúc ấy cho đến cuối cuộc gặp gỡ, anh cứ gọi Stepan là "bác" vì đã mơ hồ cảm thấy một đường ranh giới vô hình nào đó ngăn cách mình với Stepan.
Hai người bắt đầu nói chuyện với nhau. Những con ngựa đi bước một. Phía tây, ráng chiều đã nở ra những đoá hoa huy hoàng, nhưng trên trời, những đám mây nhỏ màu xanh xanh đã bay tới đón trời đêm. Trong những khoảng kề bên đường có con cun cút gân cổ kêu khàn khàn. Một bầu không khí tịch mịch và mù bụi trùm khắp đồng cỏ sự nhộn nhịp và mọi tiếng động ban ngày đã bị xua đi hết trong lúc chiều xuống. Cái hình ảnh ảm đạm của một toà nhà thờ nhỏ hiện lên rầu rĩ trên nền trời mầu hoa cà ở ngã tư giữa hai con đường về trấn Trucarinskaia và trấn Krugilinskaia. Những đám mây lổn nhổn đỏ như gạch chồng chất ngay bên trên nhà thờ.
- Bác ở đâu về thế, bác Stepan Andreevich? - Miska vui vẻ hỏi.
- Từ bên Đức về. Bây giờ tôi về quê đây.
- Nhưng tại sao trong thôn lại có những anh em Cô- dắc nói rằng, Stepan đã bị giết ngay trước mắt họ?
Stepan trả lời một cách dè dặt, giọng đều đều, tựa như những câu trả lời ấy làm anh ta phiền não:
- Tôi đã bị thương hai chỗ, còn anh em Cô- dắc… Anh em Cô- dắc cái gì? Chúng nó đã mặc xác tôi… Tôi bị bắt làm tù binh… Bọn Đức đã chữa cho tôi khỏi, rồi bắt đi làm việc…
- Hình như bác chẳng viết bức thư nào gửi về thì phải?
- Còn có ai mà viết? - Stepan vứt mẩu xì gà đi rồi châm ngay điếu thứ hai.
- Nhưng còn vợ? Bác gái vẫn sống, vẫn khỏe mạnh cơ mà?
- Tôi không ăn ở với nó nữa rồi, chuyện ấy ai chẳng biết.
Giọng Stepan nghe rất khô khan, trong đó không thể nhận thấy một chút gì ấm áp. Việc nhắc tới vợ cũng không làm anh ta xúc động chút nào.
- Thế nào, sống nơi đất nước người bác không thấy buồn à? - Miska gần như áp hẳn ngực xuống mũi yên, hỏi hết câu nọ đến câu kia.
- Đầu tiên cũng có buồn, nhưng rồi cũng quen đi. Tôi đã được sống đầy đủ. - Anh ta nín lặng một lát rồi nói thêm - Tôi đã định ở lại hẳn bên Đức, lấy quốc tịch Đức. Nhưng bây giờ nhớ nhà không chịu được, bèn quẳng hết bên ấy bỏ về.
Stepan mỉm cười, lần đầu tiên những vết nan quạt cứng đờ trên mắt anh ta dịu đi.
- Nhưng ở quê ta, tất cả đều đang lộn tùng phèo như thế nào, bác có biết không? Người mình đang đánh nhau với người mình.
- Pha- a- ải… tôi có nghe nói.
- Bác đã về bằng con đường nào?
- Tôi qua nước Pháp, đi tầu thuỷ từ Mácxây đến Novorossisk. Mácxây là một thành phố ra thành phố.
- Bác có thể bị gọi ra lính không?
- Có lẽ cũng bị… Thế trong thôn có chuyện gì mới không?
- Nhưng làm thế nào mà kể cho hết được? Chuyện thì nhiều lắm.
- Cái nhà của tôi vẫn còn chứ?
- Gió thổi cũng lung lay rồi…
- Còn bà con láng giềng? Hai thằng nhà Melekhov còn sống không?
- Còn sống.
- Anh có biết tin về con vợ cũ của tôi không?
- Vẫn ở bên ấy, ở Yagonoie.
- Còn thằng Grigori… vẫn ở với nó à?
- Không. Grigori ở với vợ chính thức của nó. Đã cắt đứt với Acxinhia của bác rồi.
- À ra vậy… Tôi không được biết.
Hai người nín lặng một phút. Miska vẫn chăm chú nhìn Stepan mãi không chán. Anh nói đầy vẻ thán phục và kính trọng:
- Xem ra bác đã làm ăn khá lắm. Bác Stepan Andreevich nhỉ. Quần áo của bác sang trọng cứ như một nhà quý tộc ấy.
- Bên ấy người nào cũng ăn vận sạch sẽ. - Stepan cau mày đặt tay lên vai người đánh xe. - Nầy, ta đi nhanh lên một chút.
Người đánh xe vung roi có vẻ không vui, hai con ngựa mệt mỏi kéo giật chiếc xe, chân bước không ăn nhịp. Bánh xe khẽ cọt kẹt, chốc chốc lại thụt xuống những chỗ ổ gà. Stepan quay lưng về phía Miska, hỏi một câu để cắt đứt câu chuyện:
- Cậu về thôn à?
- Không, tôi lên trấn.
Đến ngã tư, Miska kiễng chân trên bàn đạp, rẽ ngựa sang phải.
- Thôi tạm biệt bác Stepan Andreevich nhé!
Stepan nặng nề đưa mấy ngón tay lên vành chiếc mũ phớt đầy bụi, trả lời một cách lạnh nhạt, giọng nói rành rọt, tách bạch từng tiếng, nghe chẳng có vẻ người Nga chút nào.
- Đi cho khỏe nhé!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.