Chương 150
-
Sông Đông Êm Đềm
- Mikhail Sholokhov
- 2838 chữ
- 2020-05-09 03:11:56
Số từ: 2835
Hôm Grigori trở về, thôn Tatarsky đã tổ chức được hai đại hội Cô- dắc. Đại đội toàn thôn quyết định động viên tất cả những người có thể cầm vũ khí từ mười sáu đến bảy mươi. Nhiều người cũng cảm thấy rằng tình hình không thể nào cứu vãn được nữa: phía Bắc là tỉnh Vosenskaia thì địch đã đi theo người Bolsevich và Quân khu Khopesky cũng đã là một khu đỏ, còn phía Nam là mặt trận, mặt trận nầy lộn ngược trở lại sẽ có thể đè bẹp ngay những kẻ phiến loạn như một trận tuyết lở. Một số người Cô- dắc đặc biệt thận trọng không muốn cầm vũ khí, nhưng bọn kia đã dùng vũ lực bắt họ phải theo. Stepan từ chối thẳng thừng không chịu đi đánh nhau.
- Tôi không đi. Các anh cứ bắt ngựa, làm gì tôi thì làm, nhưng tôi không muốn cầm súng đâu! - Anh ta đã nói rõ ràng như thế.
Sáng hôm Grigori, Khristonhia và Anikey bước vào nhà anh ta.
- Sao lại không muốn? - Grigori hỏi, lỗ mũi phập phồng.
- Không muốn là không muốn, chỉ có thế thôi.
- Nhưng nếu bọn Đỏ chiếm được thôn thì anh sẽ trốn đi đâu? Đi với chúng tôi hay ở lại?
Stepan long lanh hai con mắt, nhìn chằm chằm hết Grigori lại đến Acxinhia. Anh ta nín lặng một lát rồi trả lời:
- Đến lúc đó hẵng hay.
- Nếu thế thì ra ngoài kia? Khristonhia, bắt lấy nó! Chúng tôi sẽ lập tức xử bắn anh ngay? - Grigori cố tránh không nhìn Acxinhia lúc nầy đang đứng nép vào bếp lò, chàng nắm lấy tay áo quân phục của Stepan, kéo lại gần mình. - Ra ngoài kia, không ở đây làm gì nữa?
- Grigori, chớ có bậy… Buông ra! - Stepan tái mặt, chống cự một cách yếu ớt.
Khristonhia ôm lấy sau lưng Stepan, lầu bầu:
- Nếu đầu óc anh đã thế thì đi ra ngoài kia?
- Anh em?
- Chúng tôi không anh em với anh? Đi, đã bảo kia!
- Buông tôi ra, tôi sẽ ghi tên vào đại đội. Tôi bị bệnh thương hàn, còn yêu…
Grigori cười gằn, buông tay áo Stepan ra.
- Đi mà lĩnh súng. Sớm nói như thế có hơn không?
Rồi không chào ai cả, chàng khép tà áo ca- pốt bước ra ngoài.
Khristonhia thì chẳng ngần ngại gì cả, hỏi xin ngay Stepan thuốc lá để cuốn một điếu và còn ngồi nán lại để nói chuyện rất lâu, tựa như giữa hai người chẳng có việc gì xảy ra.
Đến tối thì có hai chiếc xe chở vũ khí từ Vosenskaia về thôn: tám mươi tư khẩu súng trường và hơn một trăm thanh kiếm. Nhiều người lấy ra các vũ khí mà họ đã cất giấu. Trong thôn ghi tên được hai trăm mười một chiến binh. Một trăm năm mươi người là kỵ binh, số còn lại là bộ binh.
Quân phiến loạn còn chưa có một tổ chức thống nhất. Tạm thời các thôn còn hoạt động riêng lẻ, họ tự động tổ chức những đại hội, đại hội toàn dân bầu ra những chỉ huy trong số những gã Cô- dắc chiến đấu giỏi nhất, không tính đến cấp bậc mà chỉ xét đến công trạng. Chúng chưa phát động những trận tấn công mà chỉ đặt liên lạc với các thôn lân cận và phái trinh sát cưỡi ngựa đi sục sạo các vùng chung quanh.
Cũng như năm Một nghìn chín trăm mười tám, Petro Melekhov được đưa lên làm đội trưởng đại đội kỵ binh của thôn Tatarsky ngay trước khi Grigori trở về. Latysev nắm quyền chỉ huy đại đội bộ binh.
Một số lính pháo binh do Ivan Tomilin dẫn đầu đi Batki. Trên đó có một khẩu pháo Hồng quân bỏ lại đã gần nát hỏng, không có máy nhắm, bánh xe cũng gãy. Bọn lính pháo binh lên đó chính là để sửa chữa khẩu pháo ấy.
Để trang bị cho hai trăm mười một chiến binh có một trăm linh tám khẩu súng trường, kể cả số đem ở Vosenskaia về lẫn số thu thập được trong thôn, một trăm bốn mươi thanh gươm và mười bốn khẩu súng săn. Ông Panteley Prokofievich được thả trong hầm nhà Mokhov ra cùng với mấy lão già khác đã đào khẩu súng máy lên, nhưng vì không có băng đạn nên khẩu súng đã không được nhận để trang bị cho đại đội.
Hôm sau, lúc trời sắp hoàng hôn có tin một đội tiễu phạt của Hồng quân đang tiến từ Karginskaia tới trấn áp cuộc bạo động. Đội tiễu phạt nầy gồm ba trăm tay súng dưới quyền chỉ huy của Likhachev, có bảy khẩu pháo và mười hai cỗ súng máy. Petro quyết định cử một đội trinh sát thật mạnh sục sạo về hướng thôn Tokin, đồng thời báo cáo lên Vosenskaia.
Đội trinh sát xuất phát lúc hoàng hôn. Grigori chỉ huy ba mươi gã Cô- dắc thôn Tatarsky ra đi. Vừa ở thôn ra, đoàn ngựa đã phi nước đại và cứ thế chạy gần tới thôn Tokin. Khi còn cách Tokin chừng hai ki- lô- mét, Grigori cho bọn Cô- dắc xuống ngựa trên con đường cái, bên cạnh một bờ dốc đứng không sâu lắm. Chàng cho bố trí dưới bờ dốc. Bọn giữ ngựa dắt ngựa xuống một cái khe. Tuyết dưới đó rất sâu. Những con ngựa thụt đến bụng trong lớp tuyết xốp. Một con ngựa giống động đực lúc trời sắp sang xuân, lồng lộn hí rầm lên. Một gã Cô- dắc được cắt riêng để coi nó.
Grigori phái ba gã Cô- dắc Anikey, Marchin Samin và Prokho Zykov tới sát cái thôn. Ba gã cho ngựa đi bước một. Xa xa, những cánh rừng chung quanh thôn Tokin chạy chữ chi thành một dải xanh xanh rất rộng theo sườn núi lan dần về phía đông - nam. Đêm đã xuống, những đám mây thấp sà xuống đồng cỏ. Bọn Cô- dắc ngồi nín lặng dưới bờ vách. Grigori nhìn theo hình ba tên cưỡi ngựa xuống dốc, hoà lẫn với đường sống trâu đen đen nằm giữa con đường. Chẳng mấy chốc không còn nhìn thấy những con ngựa nữa mà chỉ còn ba cái đầu ngật ngưỡng. Rồi cả ba cái đầu cũng khuất nốt. Một phút sau từ đó vang tới tiếng súng máy nặng tặc tặc rất to. Rồi lại có tiếng một khẩu nữa, nghe cao hơn, có lẽ là trung liên. Khẩu trung liên nã hết một đĩa đạn thì lặng đi, còn khẩu kia chỉ ngừng một lát rồi lại bắn rất nhanh hết thêm một băng đạn. Nhưng loạt đạn bay qua phía trên bờ vách tới một chỗ nào đó khá cao trong bóng tối. Tiếng súng máy rộn rã, vui vẻ và rất thanh làm mọi người phấn chấn lên. Ba gã trinh sát phi ngựa trở về.
- Vừa chạm trán với một vọng tiêu! - Từ xa Prokho Zykov đã kêu lên. Giọng hắn bị những tiếng chân ngựa chạy rầm rập át đi.
- Bảo các cậu giữ ngựa sẵn sàng! - Grigori ra lệnh.
Chàng nhảy lên bờ vách như nhảy lên ụ chiến hào, rồi không để ý tới những viên đạn viu víu cắm xuống tuyết, đi thẳng ra đón ba gã Cô- dắc đang cho ngựa đi tới.
- Không nhìn thấy gì à?
- Có nghe thấy tiếng chúng nó làm ầm ầm trong đó. Nghe những tiếng người nói thì có lẽ đông đấy. - Anikey vừa thở hổn hển vừa nói.
Hắn nhảy trên ngựa xuống, nhưng mũi ủng mắc vào bàn đạp, bèn chửi rầm lên, vừa lò cò và đưa tay gỡ chân.
Trong lúc Grigori hỏi han Anikey, tám gã Cô- dắc đã tụt từ bờ vách xuống khe, lấy ngựa phóng về nhà.
- Ngày mai sẽ đem chúng nó ra xử bắn. - Grigori lắng nghe tiếng vó ngựa xa dần của những ten chạy trốn, khẽ nói.
Những gã Cô- dắc còn ở lại ngồi thêm chừng một giờ dưới bờ vách. Chúng hết sức yên lặng lắng nghe. Cuối cùng có gã nghe thấy tiếng vó ngựa.
- Chúng nó từ Tokin lại đấy…
- Trinh sát!
- Không có lẽ!
Cả bọn thì thầm trao đổi ý kiến. Chúng vươn cổ, cố giương mắt nhìn thấy được một cái gì đó trong bóng đêm dày đặc như không có gì xuyên thủng nổi, nhưng chẳng thấy gì hết. Cuối cùng hai con mắt tinh như mắt dân Kalmys của Fedot Bodovskov nhận ra trước tiên.
- Chúng nó tới rồi đấy. - Hắn hạ cây súng trường trên cổ xuống, nói chắc chắn như đinh đóng cột.
Hắn đeo súng một cách rất kỳ quặc: dây đeo súng lồng sau gáy như dây thánh giá, còn khẩu súng thì nằm chéo lủng lẳng trước ngực. Dù đi bộ hay cưỡi ngựa cũng đều như thế, một tay trên nòng, một tay dưới báng, tựa như đàn bà quảy đòn gánh.
Chừng mười người cưỡi ngựa đang lặng lẽ đi trên đường, không ra đội hình gì cả. Đi đâu là một người dáng điệu đường bệ, quần áo rất ấm, tách ra chừng nửa thân ngựa. Con ngựa đuôi ngắn thân dài bước vững vàng và kiêu hãnh. Grigori ngồi bên dưới nhìn lên nền trời xám xịt thấy rõ những đường nét trên các hình người ngựa, thậm chí thấy rõ cả cái mũ lông kiểu Kuban đỉnh phẳng của người đi đầu.
Đoàn người ngựa đi cách bờ vách chừng mười xa- gien. Khoảng cách giữa họ và bọn Cô- dắc nhỏ đến nỗi có cảm tưởng như họ phải nghe thấy cả những tiếng thở khàn khàn và tiếng tim đập dồn dập của bọn Cô- dắc.
Grigori đã dặn trước rằng chưa có lệnh của chàng thì không được nổ súng. Như một con thú rình mồi, chàng chờ thời cơ một cách thận trọng và chính xác. Trong lòng chàng đã chín muồi một quyết tâm: chàng sẽ lên tiếng gọi đám người đang đi tới và đến khi họ bối rối đứng tụ lại một đám thì sẽ nổ súng.
Tiếng tuyết lạo xạo trên đường nghe thật là hoà bình. Một vó ngựa đập xuống làm nảy ra những tia sáng vàng vàng: có lẽ cái cá sắt bị trượt trên một mặt đá nhô lên khỏi tuyết.
- Ai?
Grigori nhẹ nhàng nhảy từ dưới bờ vách lên như một con mèo.
Những tên Cô- dắc khác xông lên theo với những tiếng loạt soạt trầm trầm.
Sự việc đã diễn ra hoàn toàn không như Grigori chờ đợi.
- Nhưng các anh muốn hỏi ai? - Người đi đầu hỏi bằng một giọng trầm khàn đặc, không thoáng một chút sợ hãi hay ngạc nhiên gì cả. Người đó kéo cương cho con ngựa tiến thẳng tới trước mặt Grigori.
- Anh là ai? - Grigori giật giọng quát lo nhưng vẫn không động đậy, nòng khẩu Nagan chỉ hơi ngổng lên một chút ở đầu cánh tay cong cong.
Vẫn cái giọng trầm lúc nãy nổ ra giận dữ, ồm ồm như tiếng sấm:
- Anh là ai mà dám quát lác như thế? Ta là chi đội trưởng chi đội tiễu phạt. Được bộ tư lệnh Tập đoàn Hồng quân số tám trao cho toàn quyền đi dẹp quân phiến loạn đây? Ai là đội trưởng của các anh? Bảo hắn ra đây cho ta?
- Tao là đội trưởng.
- Mày? Á- à- à…
Grigori nhìn thấy tay người cưỡi ngựa giơ lên cùng với một vật đen như lông quạ. Trước khi phát súng nổ, chàng đã kịp nằm xuống và hô lên:
- Bắn!
Viên đạn đầu tròn của khẩu Browning rít qua đầu Grigori. Cả hai bên đều nổ súng ầm ầm. Bodovskov ghì chặt lấy dây cương con ngựa của người chỉ huy không biết sợ. Grigori vươn tay qua đầu Bodovskov nắm chắc lấy tay người đó, chém sống gươm lên cái mũ kiểu Kuban rồi lôi cả cái thân hình nặng nề của anh ta từ trên yên xuống. Trận chiến đấu giáp lá cà kết thúc trong hai phút. Ba chiến sĩ Hồng quân phi ngựa tháo chạy, hai người bị giết, số còn lại bị tước vũ khí
Grigori chọc cái nòng súng của khẩu Nagan vào cái miệng sây sứt của người chỉ huy đội mũ kiểu Kuban bị bắt làm tù binh, hỏi qua loa:
- Mày họ gì, đồ sâu bọ?
- Likhachev.
- Mầy đi với chín thằng hộ vệ như thế thì mong giở được cái trò gì hử? Mầy tưởng người Cô- dắc sẽ quì gối đấy phỏng? Sẽ xin tha tội đấy phỏng?
- Chúng mầy giết tao đi!
- Chuyện ấy thì còn kịp chán, - Grigori an ủi anh ta. - Giấy tờ đâu?
- Trong cái túi dết. Cầm lấy, quân cướp đường! Đồ cho đẻ!
Grigori không để ý gì đến những lời chửi bới, cứ tự tay lục soát Likhachev. Chàng móc trong túi chiếc áo lông ngắn của Likhachev ra một khẩu Browning thứ hai, tháo lấy khẩu Mauser hộp gỗ và cái túi dết dã chiến. Trong túi bên, chàng tìm thấy một cái ví nhỏ bọc da thú lằn vằn trong đựng giấy và một cái bót thuốc lá.
Likhachev luôn miệng chửi rủa, anh đau quá thỉnh thoảng phải rên lên. Vai bên phải của anh bị một viên đạn xuyên qua. Thanh gươm của Grigori chém vào đầu cũng rất mạnh. Likhachev to lớn, cao hơn Grigori, nặng cân và có vẻ khoẻ lắm. Trên khuôn mặt ngăm ngăm râu ria cạo nhẵn nhụi, hai hàng lông mày đen, rộng nhưng ngắn vươn ra một cách phóng khoáng và gặp nhau ở chỗ tinh mũi, nom rất oai. Miệng Likhachev rộng, cằm vuông. Anh mặc một chiếc áo lông ngắn chếp nếp, đầu đội một chiếc mũ lông đen kiểu Kuban đã bị nhát gươm chém rách. Bên dưới cái áo lông còn có một chiếc áo quân phục cổ đứng màu cứt ngựa rất vừa người, cái quần đi ngựa rộng thùng thình. Nhưng chân anh lại nhỏ nhắn, đẹp, đi đôi ủng bằng da véc- ni rất diện.
- Cởi áo lông ra, thằng chính uỷ nầy! - Grigori ra lệnh. - Mày trơn lông đỏ da lắm. Tọng bánh mì Cô- dắc vào phì nộn như thế nầy, không chết cóng được đâu.
Mấy người tù binh bị trói tay bằng dây lưng, dây cương rồi cho ngồi lên ngựa.
- Nước kiệu theo ta! - Grigori ra lệnh rồi sửa lại trên người mình khẩu Mauser hộp gỗ của Likhachev.
Mọi người nghỉ đêm ở Batki. Likhachev lăn lộn trên cái ổ rơm trải dưới đất bên cạnh bếp lò, luôn luôn nghiến răng rên rỉ. Grigori soi đèn rửa và bằng vết thương ở vai cho anh nhưng không tra hỏi thêm gì nữa. Chàng ngồi giờ lâu ở bàn, xem các giấy uỷ nhiệm của Likhachev, bản danh sách các tên Cô- dắc phản cách mạng trấn Vosenskaia mà Toà án cách mạng lưu vong đã trao cho Likhachev, cuốn sổ tay, vài bức thư và những chỗ đánh dấu trên bản đồ. Thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn Likhachev, bắt gặp hai con mắt sắc như hai lưỡi dao của anh. Bọn Cô- dắc nghỉ trong ngôi nhà lục đục suốt đêm, hết ra sân thăm ngựa lại vào phòng ngoài hút thuốc và nằm chuyện gẫu với nhau.
Đến khi trời rạng, Grigori ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nhưng chẳng mấy chốc chàng đã tỉnh dậy và ngẩng cái đầu nặng chì lên khỏi bàn. Likhachev ngồi trên đệm rơm dùng răng cắn xé chỗ băng bó và cứ nhìn Grigori bằng cặp mắt hung dữ đỏ ngầu những máu, hai hàm răng trắng loá nhe ra một cách đau khổ như trong khi hấp hối, cặp mắt long lanh một ánh buồn bực đầy tử khí làm cho cơn ngái ngủ của Grigori như có bàn tay ai xua đi hết.
- Mầy làm sao thế? - Grigori hỏi.
- Mầy… cần hỏi làm gì hử? Tao muốn chết! - Likhachev gầm lên, mặt tái đi và nằm vật đầu xuống rơm.
Có một đêm mà Likhachev uống hết nửa thùng nước. Cho đến sáng anh không chợp mắt một lúc nào.
Sáng hôm ấy Grigori cho Likhachev lên một chiếc xe hai ngựa đi Vosenskaia cùng một bản báo cáo vắn tắt và tất cả các tài liệu thu lượm được.