Chương 167


Số từ: 4220
Các đốm lửa cuối cùng đã tắt trong thôn Barmutkin. Tiết trời hơi giá lạnh đã phủ lên mặt các vũng nước một váng băng mỏng. Ở một chỗ nào đó bên ngoài thôn, sau cánh đồng hưu canh dùng làm bãi chăn nuôi, vài con sếu về muộn sà xuống nghỉ đêm trong những gốc rạ năm ngoái. Làn gió hiu hiu thổi từ phía đông bắc đưa đến trong thôn tiếng sếu kêu mệt mỏi, cố giữ cho khỏi vang quá to. Những tiếng kêu đó càng tô đậm, càng làm nổí bật bầu không khí tĩnh mịch, thanh bình của một đêm tháng Tư. Bóng tối tích lại rất dày trong các khu vườn. Đâu đây có tiếng bò kêu, rồi tất cả lại lặng đi. Không còn nghe thấy một tiếng động nào nữa trong chừng nửa tiếng đồng hồ. Chỉ lâu lâu mới có tiếng vài con vạc ăn đêm gọi nhau rầu rĩ và tiếng vô số những con vịt trời bay qua, cánh vỗ ràn rạt phá tan bầu không khí yên lặng: những đàn vịt trời hối hả bay tới những đầm nước ven sông Đông còn lại sau khi nước lũ rút đi… Rồi sau đó, từ dãy phố đầu thôn vẳng tới tiếng người nói, loáng thoáng ánh lửa trên những điếu thuốc Có cả những tiếng ngựa hí lẫn tiếng vó ngựa dẫm lạo xạo trên lớp bùn đóng băng. Đội trinh sát kỵ binh đã quay về thôn.
Có hai đại đội Cô- dắc phiến loạn thuộc lữ đoàn độc lập số 6 đóng trong thôn. Bọn Cô- dắc đến ở trong sân một ngôi nhà ở đầu thôn. Chúng vừa nói chuyện với nhau, vừa dắt ngựa ra chỗ chiếc xe trượt tuyết để giữa sân và lấy thóc, rơm cho ngựa ăn. Có một gã cất cái giọng trầm khàn khàn, bắt đầu hát một bài theo điệu vũ. Gã chậm rãi hát rõ từng tiếng như người mệt mỏi:
Tôi đi thủng thẳng,
Chân bước nhẹ nhàng,
Và như gái trai thường tán tỉnh nhau
Buông một câu bỡn cợt cô nàng…
Lập tức một bè nam cao phụ bay vút lên như một con chim, vượt lên trên bè trầm đang êm ả, nghe rất vui nhộn.
Nhưng câu đùa cô nàng không thích,
Đét! - cái tái tai nhằm trúng má tôi.
Nàng Cô- dắc mến thương
Đang tức giận sục sôi…
Vài giọng trầm khác lại hoà thêm vào bài hát. Nhịp điệu chuyển sang thanh hơn, hoạt bát hơn, rồi bè nam cao cố trội hẳn lên ở những chỗ cuối câu, vang lên rất mạnh, rất vui:
Tôi xắn tay phải,
Bạt tai cô nàng,
Và cô nàng đứng trước mặt tôi,
Bừng bừng má đỏ như vang,
Với cái má bưng bừng đỏ ưng như vang.
Mếu máo cô nói:
"Anh với tôi có gì tình ngãi,
Vì anh yêu đã tới bảy người,
Một ả goá kể là thứ tám,
Đến vợ anh là người thứ chín,
Và thứ mười, đồ khốn nạn, mới là tôi!"
Mấy tên Cô- dắc trong toán cảnh giới ở sau cái cối xay gió nghe thấy cả những tiếng sếu kêu lanh lảnh trên những khoảng đất cày hoang vắng, tiếng hát của bọn Cô- dắc lẫn tiếng vịt trời vỗ cánh ràn rạt trên bầu trời đêm đen kịt. Chúng đang buồn bực vì phải nằm giữa đêm khuya trên mảnh đất lạnh ngắt, đông cứng vì băng giá. Không được hút thuốc, không được chuyện trò, cũng không được đi lại hoặc đấm nhau cho ấm. Cứ phải nằm ở giữa những cuộng hướng dương năm ngoái, giương mắt nhìn ra khoảng đồng cỏ đen ngòm hoặc ghé tai xuống đất mà lắng nghe. Nhưng cách mình có mười bước đã chẳng nhìn thấy quái gì nữa rồi, mà một đêm tháng Tư thì có bao nhiêu tiếng loạt soạt, qua bóng tối truyền đi bao nhiêu tiếng động đáng nghi, mà bất cứ tiếng động nào cũng có thể gây ra tâm trạng lo lắng: "Phải chăng trinh sát của bọn Đỏ đang hoạt động, biết đâu chúng nó chẳng đang trườn tới?" Rồi cứ có cảm tưởng như từ xa quả thật có văng tới tiếng bụi rậm gẫy răng rắc, tiếng thở cố ghìm nén… Một gã Cô- dắc còn trẻ tên là Vypriatkin đưa bít tất tay lên quệt giọt nước mắt ứa ra vì gã đã nhìn quá lâu, rồi hích khuỷu tay vào thằng bên cạnh. Thằng kia đang nằm co quắp như con tôm, thiu thiu ngủ, đầu gối lên cái túi dết bằng da. Cái bao đạn kiểu Nhật ép đau sườn nó, nhưng nó ngại không muốn nằm lại cho thoải mái vì không muốn để khí lạnh ban đêm lọt vào trong tà áo ca- pôt khép kín. Tiếng bụi rậm loạt xoạt và tiếng thở to dần rồi bất chọt nghe như ở ngay bên cạnh Vypriatkin. Gã chống khuỷu tay nhỏm dậy, ngạc nhiên nhìn qua bụi cây lơ thơ như một đoạn hàng rào và mãi sau mới nhận ra những đường nét lờ mờ của một con nhím lớn. Con nhím vội vã iần theo vết chân của một con chuột, cái mõm nhỏ xíu như hình mõm lợn chúi xuống đất. Nó thở phì phì sát cái lưng đầy gai nhọn vào những cuộng cỏ dại khô. Rồi bất thần nó cảm thấy rằng chỉ cách nó vài bước đang có một cái gì thù địch, nó bèn ngẩng đầu lên, thì thấy một con người đang nhìn mình. Con người ấy thở dài nhẹ nhõm, khẽ lẩm bẩm:
- Đồ quỷ dữ khốn kiếp! Làm mình hết cả hồn vía…
Con nhím vội rụt nhanh đầu, thu bốn cái chân nhỏ xíu, nằm lặng đi một phút, nom chỉ là một đống lông cứng, rồi nó từ từ vươn mình, đạp chân xuống mặt đất lạnh, lăn đi như một đám gì xám xám, thân chạm vào những cuộng hướng dương, sát lên những đám cỏ thỏ ti khô mục. Rồi tất cả trở lại yên tĩnh và trời đêm lại như trong thần thoại.
Những tiếng gà gáy đợt hai đã vang lên trong thôn. Trời đã sang sáng. Vài ngôi sao đầu tiên đã ló ra qua những đám mây thưa thớt. Rồi gió quét hết mây và bầu trời bắt đầu nhìn xuống mặt đất bằng vô số những con mắt vàng óng.
Ngay lúc đó Vypriatkin nghe thấy phía trước có những tiếng vó ngựa đạp rành rọt, tiếng cỏ dại gãy ràn rạt, tiếng một vật gì bằng kim khí đập lách cách và một lát sau có cả tiếng yên ngựa cọt kẹt. Cả mấy gã Cô- dắc cũng nghe thấy. Chúng đặt ngón tay lên cò súng.
- Sẵn sàng! - Tên trung đội phó khẽ nói.
Hình một người cưỡi ngựa hiện lên như cắt rời trên nền trời đầy sao. Một người đang cho ngựa đi bước một về hướng cái thôn.
- Đứng la- a- ại? Ai? Có giấy thông hành không?
Bọn Cô- dắc đứng chồm dậy, sẵn sàng nổ súng. Người kia cho ngựa đứng lại, giơ tay lên.
- Các đồng chí, đừng bắn?
- Có giấy thông hành không?
- Các đồng chí!
- Có giấy thông hành không? Trung đô- ô- ội…
- Hượm đã! Tôi chỉ có một mình… Tôi đầu hàng!
- Hượm đã, anh em! Đừng bắn! Bắt sống lấy nó!
Tên trung đội phó chạy đến trước mặt người cưỡi ngựa.
Vypriatkin nắm lấy dây cương con ngựa. Người cưỡi ngựa đưa chân qua yên, xuống ngựa.
- Mầy là ai? Quân Đỏ à? À hà, anh em ạ, đúng là bọn nó! Trên mũ lông của nó có ngôi sao đỏ đây nầy. Mầy lọt vào tay chúng tao rồi, à- à- à?
Người cưỡi ngựa giậm chân cho đỡ tê, nói giọng đã bình tĩnh:
- Các đồng chí hãy đưa tôi đến gặp thủ trưởng của các đồng chí. Tôi có một tin hết sức quan trọng cần báo cho ông ta biết. Tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky, tôi đến đây để đàm phán.
- Trung đoàn trưởng à? Giết con rắn độc nầy đi, anh em ơi! Luka ạ, để mình khử ngay nó…
- Các đồng chí! Lúc nào các đồng chí giết tôi mà chẳng được, nhưng trước hết để tôi trình bày với thủ trưởng của các đồng chí những điều đã làm tôi phải đến đây đã. Tôi nhắc lại rằng đây là một việc hết sức quan trọng. Nếu các đồng chí sợ tôi chạy thì cứ lấy vũ khí của tôi…
Người chỉ huy Hồng quân bắt đầu tháo dây đeo gươm.
- Tháo ngay ra! Tháo ngay ra! - Một gã Cô- dắc giục.
Khẩu Nagan và thanh gươm tháo ra đều trao cả cho tên trung đội phó.
- Khám người tên trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky xem! - Tên trung đội phó cưỡi lên con ngựa của người chỉ huy Hồng quân rồi ra lệnh.
Bọn kia khám xét người bị bắt. Tên trung đội phó và Vypriatkin giải anh ta về thôn. Anh ta đi bộ. Gã Vypriatkin cầm ngang cây súng trường kiểu Áo đi bên cạnh, còn tên trung đội phó thì cưỡi ngựa đi phía sau, coi bộ rất khoái trá.
Cả ba lặng thinh đi mươi phút! Người bị áp giải hút thuốc luôn miệng, chốc chốc lại đứng lại, kéo tà áo ca- pôt lên che cho que diêm khỏi bị gió thổi tắt. Mùi thuốc lá ngon làm cho gã Vypriatkin không nhịn được nữa.
- Cho tôi một điếu, - Gã xin.
- Xin mời!
Gã Vypriatkin cầm lấy hộp thuốc lá bằng da kiểu hành quân còn đầy ắp. Gã lấy ra một điếu, còn hộp thuốc là thì bỏ vào túi mình.
Người chỉ huy kia không nói gì, nhưng một lát sau, khi đã đi vào tới trong thôn, anh ta mới hỏi:
- Các đồng chí dẫn tôi đi đâu?
- Đến đấy sẽ biết.
- Nhưng đến đâu cơ chứ?
- Đến chỗ đại đội trưởng.
- Các đồng chí hãy đưa tôi đến gặp lữ đoàn trưởng Bogatyrev.
- Lữ trưởng không có đây.
- Sao lại không có đây? Tôi được biết rằng hôm qua ông ấy đã cùng với ban chỉ huy đi Barmutkin và hiện giờ đang ở đây mà.
- Chuyện ấy thì chúng tôi không biết.
- Thôi đi các đồng chí, thôi đủ rồi! Tôi biết mà các đồng chí lại không biết… Đây cũng chẳng phải là bí mật quân sự gì, nhất là khi quân địch của các đồng chí đã được biết.
- Thôi đi đi, đi đi!
- Tôi sẽ đi. Nhưng các đồng chí hãy dẫn tôi đến chỗ Bogatyrev.
- Thôi im đi! Theo đúng điều lệnh thì tôi với anh không được nói chuyện với nhau.
- Thế cái chuyện lấy bao thuốc thì điều lệnh cho phép à?
- Thiếu gì những chuyện như thế? Đi đi, và ỉm cái mồm, nếu không tôi sẽ lột cả áo ca- pôt đấy. Cái thằng dễ bẳn tính khiếp!
Chúng gọi mãi mới lôi được tên đại đội trưởng dậy. Tên nầy cau có đưa hai nắm tay lên dịu mắt, ngáp ngắn ngáp dài, mãi không sao hiểu được gã trung đội phó sung sướng đến nở nang cả mặt mày đang nói với mình những gì.
- Tên nào cơ chứ? Thằng trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky à? Cậu không nói khoác đấy chứ? Đưa giấy má của nó đây?
Vài phút sau, hắn đã cùng người chỉ huy Hồng quân tới chỗ lữ đoàn trưởng Bogatyrev. Vừa nghe tin trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky bị bắt giải tới, Bogatyrev nhảy chồm ngay dậy như bị rứt tóc. Hắn cài khuy quần đi ngựa, kéo dây bơ- rơ- ten lên hai vai chắc nịch, châm cây đèn năm bấc, rồi hỏi người chỉ huy Hồng quân đứng thẳng người bên cạnh cửa:
- Ngài là trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky?
- Vâng, tôi là Voronovsky, trung đoàn trưởng trung đoàn Xerdovsky.
- Mời ngài ngồi.
- Xin cám ơn.
- Tại sao ngài… Ngài đã bị bắt trong trường hợp như thế nào?
- Tôi đã tự ý đến gặp ngài. Tôi có chuyện cần phải nói riêng với ngài. Xin ngài ra lệnh cho những người không có việc ra ngoài.
Bogatyrev vẫy tay một cái. Tên đại đội trưởng cùng đến với người chỉ huy Hồng quân và người chủ nhà, một gã cựu giáo râu ngô đang há hốc miệng đứng đấy đều ra ngoài. Bogatyrev xoa xoa cái đầu đen đen tròn xoe, cại nhẵn thín như quả dưa hấu, ra ngồi xuống bên cạnh cái bàn, trên mình mặc độc một chiếc sơ- mi lót bẩn thỉu. Một vẻ tò mò cố giấu vẫn hiện rõ trên khuôn mặt hắn với cặp má bệu còn hằn những vết đỏ hỏn vì nằm không khéo.
Voronovsky là một người lực lưỡng nhưng không cao lắm. Hắn mặc một chiếc áò ca- pôt rất vừa người, đeo dây súng của sĩ quan lồng qua vai. Hắn xốc lại cặp vai long đình, một nụ cười thoáng hiện dưới hàng ria đen ngắn.
- Tôi mong rằng có vinh dự được hầu chuyện một vị sĩ quan? Xin ngài cho phép cho tôi được giới thiệu vài lời về bản thân, rồi sau sẽ trình bày nhiệm vụ mà tôi phải thực hiện khi đến tìm gặp ngài… Tôi vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc và đã làm đến thượng uý trong quân đội của vua Nga. Trong những năm chiến tranh với Đức, tôi phục vụ trong trung đoàn Một trăm mười bảy Lyubomirsky. Năm Một nghìn chín trăm mười tám tôi bị động viên theo sắc lệnh của Chính quyền Xô viết và làm sĩ quan chính ngạch. Hiện nay như ngài đã biết, tôi đang là chỉ huy trung đoàn Xerdovsky của Hồng quân. Tuy ở trong hàng ngũ Hồng quân, nhưng từ lâu tôi đã cố tìm cơ hội để chạy sang với các ngài… chạy sang với những người đang đấu tranh chống lại bọn Bolsevich.
- Thưa ngài thượng uý, ngài chờ cơ hội cũng lâu rồi đấy.
- Vâng, nhưng tôi còn muốn chuộc tội với nước Nga, vì thế không những chỉ muốn sang một mình (việc ấy thì có thể thực hiện từ lâu rồi) mà còn muốn đưa sang theo cả một đơn vị Hồng quân, tất nhiên là những phần tử lành mạnh nhất trong đó, những người đã bị bọn cộng sản lừa dối và lôi kéo vào cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt.
Tên cựu thượng uý Voronovsky nhìn Bogatyrev bằng cặp mắt xám rất xa tinh mũi, nhưng hắn thấy tên kia mỉm cười có vẻ không tin, nên mặt hắn đỏ ửng lên như một đứa con gái và vội nói thêm:
- Thưa ngài Bogatyrev, tất nhiên đối với tôỉ và những lời tôi nói ngài có thể không tin đến mức nào đó… Nếu ở vào cương vị của ngài, thì tất nhiên tôi cũng có những cảm giác như thế… Nhưng ở đây đã có những sự thật hiển nhiên…
Hắn lật tà áo ca- pôt, lấy trong túi chiếc quần mầu cứt ngựa ra một con dao díp, cúi gập người làm dây da trên vai kêu ken két rồi rạch rất cẩn thận đường chỉ khâu rất chắc ở mép tà áo ca- pôt. Một phút sau hắn lấy trong chỗ mép tà áo bị tháo chỉ ra vài tờ giấy đã vàng khè và một tấm ảnh rất nhỏ.
Bogatyrev chăm chú đọc những tờ giấy chứng minh. Trong số đó có một tờ chứng nhận: "Người mang giấy nầy đích thực là trung uý Voronovsky thuộc trung đoàn bộ binh 117 Lyubomirsky, sau thời gian chữa bệnh được về nghỉ phép hai tuần tại sinh quán ở tỉnh Smolenskaia". Trên tấm giấy đó có dấu và chữ ký của bác sĩ trưởng y viện dã chiến số 8 của sư đoàn bộ binh 14 Simbirskaia. Các giấy chứng minh khác đều ghi tên Voronovsky và đều xác định chắc chắn rằng Voronovsky là một sĩ quan cũ. Còn tấm ảnh thì chụp hình một tên thiếu uý Voronovsky còn trẻ đang nhìn Bogatyrev bằng hai con mắt tươi cười rất gần tinh mũi. Trên chiếc áo quân phục rất diện mầu cứt ngựa lấp lánh một tấm huân chương thánh Gioóc của sĩ quan, hai cái lon trắng tinh càng làm nổi bật cặp má rám nắng và hàng ria đen của gã thiếu uý.
- Thế nầy rồi thì sao? - Bogatyrev hỏi.
- Tôi đến đây để báo cho ngài biết rằng tôi đã cùng trung đoàn phó của tôi là cựu thiếu uý Volkov làm công tác tuyên truyền trong đám chiến sĩ Hồng quân, và toàn bộ các cán bộ chiến sĩ trung đoàn Xerdovsky, tất nhiên trừ bọn đảng viên cộng sản, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng sang với các ngài. Hầu hết đám chiến sĩ Hồng quân đều là nông dân hai tỉnh Saratovskaia và Xamarskaia. Chúng đã đồng ý chiến đấu chống lại bọn Bolsevich. Bây giờ chúng tôi cần phải thoả thuận ngay với ngài về các điều kiện đầu hàng của trung đoàn. Hiện nay trung đoàn đang ở Ust- Khopeskaia, có chừng một ngàn hai trăm tay súng. Chi bộ của đảng cộng sản có ba mươi tám tên, cộng thêm một trung đội gồm ba mươi tên đảng viên cộng sản ở địa phương. Chúng tôi sẽ bắt giữ đại đội pháo phối thuộc với chúng tôi, nhưng có lẽ sẽ phải khử bọn pháo thủ vì chúng phần lớn là đảng viên cộng sản. Đám Hồng quân dưới quyền chỉ huy của tôi đang sôi sục bất mãn do những gánh nặng mà cha ông chúng nó đang phải chịu đựng theo chế độ trưng thu lương thực. Chúng tôi đã lợi dụng hoàn cảnh ấy để làm cho chúng ngả theo hướng chạy sang với anh em Cô- dắc… tức là sang với các ngài. Nhưng bọn binh sĩ dưới quyền tôi chỉ sợ một điều là sau khi trung đoàn đầu hàng, chúng có thể bị ngược đãi… Tất nhiên vấn đề nầy chỉ có tính chất cục bộ, nhưng tôi cũng cần phải bàn bạc kỹ càng với ngài.
- Có thể có những sự ngược đãi như thế nào?
- Bị giết hại cướp bóc chẳng hạn…
- Không, những chuyện như thế chúng tôi không cho phép đâu?
- Còn điểm nầy nữa: các binh sĩ kiên quyết yêu cầu trung đoàn Xerdovsky được giữ nguyên biên chế cũ và cùng với các ngài chiến đấu chống bọn Bolsevich với tư cách là một đơn vị chiến đấu độc lập.
- Điều nầy mà hứa với ngài thì tôi…
- Tôi cũng hiểu! Tôi cũng hiểu! Xin ngài cứ báo lên cấp trên của ngài, rồi tìm cách cho chúng tôi biết.
- Vâng, tôi sẽ phải báo cáo lên Vosenskaia.
- Xin ngài thứ lỗi cho, tôi chỉ có rất ít thời giờ, vì nếu tôi chùng chình về muộn thì tên chính uỷ trung đoàn sẽ để ý thấy sự vắng mặt của tôi. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thoả thuận xong về các điều kiện đầu hàng. Xin ngài mau mau báo cho tôi biết về quyết định của bộ tư lệnh của các ngài. Trung đoàn sẽ có thể bị điều tới vùng sông Dones hoặc có lực lượng bổ sung đưa đến thêm, mà nếu thế…
- Vâng, tôi lập tức cho liên lạc hoả tốc cưỡi ngựa đi Vosenskaia.
- Còn điều nầy nữa: xin ngài ra lệnh cho anh em Cô- dắc dưới quyền ngài trả lại cho tôi vũ khí. Tôi không những đã bị tước vũ khí, - Voronovsky ngừng những lời nói lưu loát của hắn để mỉm một nụ cười gần như ngượng nghịu, - mà còn bị lấy cả… hộp thuốc lá. Chuyện ấy tất nhiên cũng chẳng có gì đáng kể, nhưng cái hộp thuốc lá ấy là vật kỷ niệm của gia đình cho, vì thế tôi rất quí…
- Ngài sẽ được trả lại tất cả. Khi tôi nhận được ý kiến trả lời của Vosenskaia thì làm thế nào báo cho ngài biết được?
- Hai ngày nữa sẽ có một người đàn bà từ Ust- Khopeskaia đến đây gặp các ngài, ở Barmutkin. Mật hiệu… chúng ta hãy cứ định là "liên hợp". Xin ngài cứ nói cho người ấy biết. Tất nhiên chỉ nói bằng lời…
° ° °
Nửa giờ sau, một gã Cô- dắc thuộc đại đội Marsaev đã phi ngựa như bay về phía tây, đi Vosenskaia.
Hôm sau gã liên lạc riêng của Kudinov đã đến Bacmutkin, tìm tới chỗ ở của tên lữ trưởng và chưa kịp buộc ngựa, gã đã chạy vào trong nhà, trao cho tên Grigori Bogatyrev cái phong bì đựng công văn có ghi "Hoả tốc. Tuyệt mật". Bogatyrev hấp tấp bẻ con dấu xi. Chính tay Kudinốp đã viết những dòng chữ rất khoáng đạt trên tờ giấy có in "Ăng- tết" của Xô viết Quân khu Đông Thượng:
"Chào cậu, Bogatyrev! Tin thật đáng mừng. Chúng mình uỷ cho cậu toàn quyền đàm phán với cái bọn ở trung đoàn Xerdovsky và thuyết phục chúng đầu hàng bằng bất cứ giá nào. Mình đề nghị nhượng bộ chúng nó, hứa với chúng nó rằng chúng ta sẽ tiếp nhận toàn bộ trung đoàn, thậm chí sẽ không tuớc vũ khí. Chỉ có một điều kiện tất yếu là chúng nó phải bắt và trao những tên đảng viên cộng sản, thằng chính uỷ trung đoàn, và chủ yếu là những thằng cộng sản thuộc mấy trấn Vosenskaia, Elanskaia và Ust- Khopeskaia của chúng ta. Bảo chúng nó rằng thế nào cũng phải bắt đại đội pháo, đội vận tải, đội tiếp liệu. Cậu hãy tìm mọi cách đẩy nhanh công việc nầy! Phải cố điều thật nlnều lực hrợng của mình tới địa điểm tập kết của trung đoàn đó, bí mật bao vây và lập tức tiến hành tước vũ khí. Nếu chúng nó chống cự thì sẽ giết hết không để sót một đứa nào.
Phải hành động thận trọng, nhưng cương quyết. Tước vũ khí xong là lập tức giải tán toàn bộ trung đoàn đến Vosenskaia. Nên giải chúng nó đi theo bên hữu ngạn, như vậy tiện hơn, hơn nữa phía bên ấy xa mặt trận, đồng cỏ lại trơ trụi, chúng nó sẽ không thoát được, nếu chúng nó nghĩ lại và tính chuyện bỏ chạy. Cậu sẽ giải chúng nó theo sông Đông, qua các thôn, và sẽ phái hai đại đội kỵ binh theo dõi phía sau. Đến Vosenskaia sẽ phân tán chúng nó xuống các đại đội, mỗi đại đội hai ba đứa, xem chúng nó đánh lại bọn chúng nó như thế nào. Sau đó sẽ không còn là việc chúng ta phải lo nữa: chúng ta sẽ hợp nhất với anh em mình, các cậu ở bên kia sông Dones, đến lúc ấy sẽ mặc cho họ xét xử chúng nó và làm gì thì làm. Theo ý mình thì treo cổ tất cả chúng nó lên cũng được. Chẳng có gì đáng thương hại. Mình sẽ sung sướng khi nhận được tin thắng lợi của cậu. Hàng ngày phải liên lạc hoả tốc báo tin cho mình biết".
Kudinov.
Phía dưới còn có ghi thêm:
"Nếu bọn trung đoàn Xerdovsky trao những thằng đảng viên cộng sản của địa phương chúng ta, thì cậu sẽ cắt một đội vũ trang mạnh áp giải chúng về Vosenskaia, và cũng bắt đi qua các thôn. Nhưng đầu tiên phải giải những thằng trung đoàn Xerdovsky đi trước đã.
Phải chọn những thằng Cô- dắc đáng tin cậy nhất vào đội áp giải (kiếm những thằng hung dữ nhất và nhiều tuổi một chút thì hơn).
Trước khi giải đi phải thông báo rộng rãi cho dân chúng biết rõ. Chúng ta sẽ không phải bẩn tay xử tội chúng nó. Nếu chúng ta làm khôn khéo thì bọn đàn bà sẽ dùng gậy gộc đánh chết chúng nó. Cậu hiểu chưa? Làm như thế là có lợi cho chúng ta nhất đấy: nếu đem chúng nó đi xử bắn, tin tức sẽ được đua đến tai bọn Đỏ và chúng nó sẽ nói rằng chúng ta bắn tù binh. Làm thế nầy sẽ giản tiện hơn.
Chúng ta cứ kích cho dân chúng trị chúng nó, sẽ làm cho có những con người phẫn nộ điên cuồng như những con chó xích. Dân chúng tự ý hành hình, chỉ có thế thôi. Chẳng còn phải chịu trách nhiệm gì cả!"
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sông Đông Êm Đềm.