Chương 191
-
Sông Đông Êm Đềm
- Mikhail Sholokhov
- 2974 chữ
- 2020-05-09 03:12:08
Số từ: 2971
Ngay sau khi những tên ở Vosenskaia được tin về cuộc rút lui hấp tấp của các đơn vị Hồng quân, Grigori Melekhov đem hai trung đoàn kỵ binh bơi qua sông Đông. Rồi chàng phái những đội trinh sát mạnh sục sạo phía trước và tiến về phía nam.
Chiến đấu đang diễn ra sau ngọn gò ven sông. Tiếng hoả lực pháo binh rền như sấm hoà lẫn vào nhau, nghe cứ như âm từ dưới đất lên.
- Xem ra bọn Kadet nầy không cần phải dè sẻn đạn pháo! Chúng nó tổ chức cả một màn hoả lực di động! - Một tên chỉ huy cho ngựa tới gần Grigori, nói đầy vẻ thán phục.
Grigori chỉ nín thinh. Chàng cưỡi ngựa tiến trên đầu đội hình hành quân hàng dọc, và luôn luôn chú ý quan sát chung quanh. Từ bờ sông Đông tới thôn Batsky, suốt trên chặng đường dài ba vec- xta, dân phiến loạn đã để lại hàng ngàn chiếc xe vận tải lớn nhỏ. Khắp khu rừng, chỗ nào cũng có những đồ đạc vứt bỏ ngổn ngang: hòm xiểng, ghế dựa gãy nát, quần áo, đồ thắng ngựa, máy khâu, những túi thóc, tất cả những gì lòng tham lam tiếc của của các chủ hộ đã bắt họ phải vơ vét và mang theo trong khi rút lui ra sông Đông. Có những chỗ trên đường cái, thóc vàng bị đổ tung tóe ngập đến đầu gối. Ngay đấy còn còng queo những xác bò ngựa thối hoăng, trương phềnh, rữa ra không còn hình thù gì nữa.
- Làm ăn thế nầy thì khá thật đấy! - Grigori sửng sốt kêu lên.
Chàng bỏ mũ, cố nín thở, cho con ngựa đi rất cẩn thận vòng qua một đống thóc kết thành bánh như một nấm kurgan nhỏ, bên trên có một lão già nằm dang chân dang tay với cái mũ cát két Cô- dắc và chiếc áo choàng bằng dạ thô đẫm máu.
Lão già đã giữ của đến cùng! Ma nào dẫn lối, quỷ nào đưa đường lão đến bỏ xác nơi đây? - Một tên trong đám Cô- dắc nói giọng thương hại.
- Có lẽ tiếc quá không muốn bỏ lúa mạch lại…
- Nào thôi, cho chuyển sang nước kiệu đi! Lão khắm lên không chịu được nữa rồi. Nào! Đi đi kìa! Những hàng phía sau có giọng phẫn nộ kêu lên.
Thế là đại đội chuyển sang nước kiệu. Không ai chuyện trò gì nữa. Trong rừng chỉ còn nghe thấy tiếng rầm rập của hàng ngàn vó ngựa vang lên rất hoà hợp với tiếng đồ trang bị gọn ghẽ của lính Cô- dắc đập vào nhau lách cách.
Trận đánh đang diễn ra rất gần trang trại nhà Litnhitki. Những người lính Hồng quân chen nhau chạy theo cái khe khô cạnh Yagonyoe. Đạn ghém nổ tung tóe trên đầu họ, súng máy nhả đạn sau lưng họ. Trong khi đó làn sóng xung phong của trung đoàn kỵ binh Kalmys toả ra trên ngọn gò, chặn đường rút lui của họ.
Grigori cùng hai trung đoàn của chàng tới nơi thì trận chiến đấu đã kết thúc. Hai đại đội Hồng quân yểm hộ cho những đơn vị rời rạc và đoàn xe vận tải của sư đoàn 14 rút lui theo đèo Vosenskaia đã bị trung đoàn Kalmys số 3 đánh tan và tiêu diệt toàn bộ. Từ trên gò Grigori đã trao quyền chỉ huy cho Ermakov. Chàng bảo hắn:
- Ở đây không có chúng ta họ cũng đã làm xong việc rồi. Cậu cứ đến chỗ tập kết. Để mình tạt vào trang trại một lát.
- Anh có việc gì mà cần thế? - Ermakov ngạc nhiên.
- Chà, nói thế nào với cậu bây giờ. Hồi còn trẻ mình có sống ở đây đã làm công cho nhà chúng nó, vì thế cũng muốn nhìn qua nơi cũ một cái.
Grigori gọi Prokho rồi rẽ ngựa về hướng Yagonyoe. Sau khi đi được nửa vec- xta, chàng nhìn thấy bên trên đại đội đi đầu có một lá cờ trắng giơ rất cao đập phần phật trước gió. Không biết có gã Cô- dắc nào lo xa đã kéo nó lên.
"Cứ như đi đầu hàng để làm tù binh?" - Grigori nhìn đội hình kỵ binh hàng dọc trườn xuống cái khe khô chậm chạp như miễn cưỡng, bất giác nghĩ thầm với cả một tâm trạng lo lắng, và không hiểu sao cảm thấy khổ não. Trong khi đó binh đoàn kỵ binh của tên tướng Sekrechev đang cho ngựa chạy nước kiệu qua đồng cỏ tiến thẳng từ phía trước lại.
Một cảm giác âu sầu và trống rỗng tràn ngậm tâm hồn Grigori khi chàng cho ngựa đi qua cái cổng đổ nát tiến vào sân trang trại cỏ dại um tùm. Yagonyoe đã khác hẳn xưa, không thể nhận ra được nữa. Bất cứ chỗ nào cũng in rõ dấu vết khủng khiếp của tình trạng thiếu người trông nom và sự tàn phá. Ngôi nhà xưa kia đẹp đẽ nhường nào bây giờ nom ảm đạm hẳn đi và như thấp xuống. Cái mái nhà lâu lắm không sơn lại hiện lên vàng vàng với những đám hoen rỉ, vài đoạn máng nước gãy rơi xuống nằm lăn lóc bên thềm nhà, những cánh cửa chớp tuột bản lề thõng xuống xiêu vẹo, gió rú vù vù lùa vào những khung kính vỡ trên các cửa sổ và từ bên trong đã xông ra cái mùi mốc meo hăng hắc của một nơi không có người ở.
Góc nhà phía đông và thềm nhà đã bị một quả đạn pháo ba điu- im phá nát. Ngọn cây phong bị pháo bắn đổ chui qua một khung cửa sổ kiểu Vơnidơ trên dãy hành lang. Người ta vẫn để cái cây nằm như thế, gốc cây bị vùi dưới một đống gạch lở từ trên nền nhà xuống. Một cây hốt bố dại mọc nhanh như thổi đã bò lan quanh những cành khô của cây phong, bám lên những miếng kính cửa sổ còn nguyên thành những hình kỳ lạ và đã men tới đường gờ trang trí dưới mái nhà.
Thời gian và mưa nắng đã cho thấy kết quả công việc của nó. Các căn nhà quanh sân xiêu vẹo hẳn đi, nom cứ như nhiều năm rồi không có bàn tay con người chăm sóc. Bức tường đá trong tàu ngựa bị nước mưa xuân xối vào đã đổ, một cơn bão đã tốc mái nhà để xe, chỉ vài chỗ còn vương những đám rơm lợp nhà mục nát trên những vi kèo và những cái dầm trắng bệch như mặt người chết.
Ba con chó săn đã mất thói quen sống với người, nằm ngoài nhà đầy tới Vừa thấy có người, cả ba nhẩy chồm dậy, khẽ gầm gừ lẩn vào phòng ngoài. Grigori cho ngựa đi tới khung cửa sổ mở toang ở đầu chái nhà. Chàng khom người trên yên, hỏi to:
- Trong nhà có ai còn sống không?
Trong chái nhà lặng thinh giờ lâu, rồi một giọng đàn bà khê đặc:
- Chờ một chút nhé, lạy Chúa tôi! Tôi ra ngay đây.
Mụ Lukeria già sọm lệt sệt kéo lê hai bàn chân đất, bước ra hàng hiên. Bị chói nắng, mụ nheo nheo hai con mắt, nhìn Grigori rất lâu.
- Thím không nhận ra tôi nữa à, thím Lukeria? - Grigori xuống ngựa hỏi.
Mãi lúc ấy khuôn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt của mụ Lukeria mới có cái gì run run động đậy, và một vẻ hết sức xúc động đã thay thế cái thẫn thờ đần độn vừa nãy. Mụ khóc oà lên, mãi chẳng nói được nên Grigori buộc ngựa, kiên nhẫn đứng chờ.
- Tôi thật chẳng còn hồn vía gì nữa. Cầu Chúa đừng cho chúng nó dẫn xác tới đây… - Mụ Lukeria đưa chiếc tạp dề bẩn thỉu bằng vải thô lên lau nước mắt trên má, kể lể - Tôi cứ ngỡ chúng nó lại kéo đến… Chao ôi, anh Griska yêu quý, những chuyện xảy ra ở đây… kể thế nào cho hết được! Chỉ còn một mình tôi ở lại…
- Thế cụ Xaska đâu? Rút lui theo nhà chủ rồi à?
- Nếu rút lui thì may ra đã còn sống…
- Chẳng nhẽ cụ chết rồi sao?
- Chúng nó đã giết ông cụ… Nằm dưới hầm nhà đến nay đã được ba ngày… Đáng là phải đem ông cụ đi chôn, nhưng tôi lại đang ốm… Phải cố lắm mới đứng dậy được… Mà xuống dưới ấy, xuống chỗ người chết thì tôi sợ chết đi được…
- Vì sao mà chúng nó giết? - Grigori hỏi giọng âm thầm, mắt cứ dán xuống đất.
- Chúng nó đã giết ông cụ vì con ngựa cái… Cụ chủ và ông bà chủ của chúng ta đã cuống cuồng rút chạy. Chỉ mang theo tiền nong, còn bao nhiêu của cải đều để lại gần hết cho tôi giữ - Giọng mụ Lukeria chuyển sang thầm thì - Tôi đã giữ cẩn thận từng cái kim sợi chỉ? Các thứ chôn dưới đất đến bây giờ vẫn còn nguyên đấy… Ngựa thì chỉ mang theo con ngựa giống giống Orlovsky, các con khác đều trao cho cụ Xaska. Cuộc phiến loạn vừa nổ ra thì cả bọn Cô- dắc lẫn bọn Đỏ đều đến lấy ngựa. Con Vikho, con ngựa giống lông màu huyền ấy, có lẽ anh còn nhớ chứ gì? Nó đã bị bọn Đỏ lấy đi mất hồi đầu mùa xuân. Chúng nó hì hục mãi mới đóng được yên. Vì từ lúc lọt lòng nó có bị đóng yên bao giờ đâu. Nhưng bọn kia cũng chẳng được cưỡi nó, chẳng được nhởn nhơ nghênh ngáo trên lưng nó bao lâu Một tuần sau anh em Cô- dắc trấn Karginskaia có qua đây kể chuyện lại. Họ đã chạm trán với bọn Đỏ trên một ngọn gò, hai bên bắt đầu bắn nhau. Bên Cô- dắc có một con ngựa cái nhỏ, cũng thường thôi, giữa lúc đó con ngựa cái tự nhiên hí lên. Thế là anh có biết không con Vikho đã đưa luôn thằng Hồng quân sang chỗ đám Cô- dắc! Nó cứ chạy lao tới với con ngựa cái, còn cái thằng cưỡi trên lưng nó thì chẳng làm thế nào ghìm lại được. Đến khi thằng ấy thấy rằng nó không làm thế nào trị nổi con ngựa giống, nó bèn nhảy xuống giữa lúc con Vikho đang phi như bay. Nhảy thì cũng có nhảy, nhưng một chân lại không rút được khỏi bàn đạp. Thế là con Vikho đã lôi nó tới nộp cho anh em Cô- dắc.
- Cừ thật! - Prokho thích thú kêu lên.
- Bây giờ một ông "chủng (chuẩn) uý" ở Karginskaia đang cưỡi con ngựa giống ấy đấy. - Mụ Lukeria chậm rãi kể tiếp. - Ông ấy hứa rằng hễ cụ chủ trở về là sẽ đem con Vikho trả về tàu ngựa. Thế là có bao nhiêu ngựa đều bị lấy đi sạch, chỉ còn độc một con ngựa cái chạy nước kiệu Strelka, con của con Xugienaia lấy giống con Prime ấy mà. Nó đang có mang, vì thế chưa bị đứa nào động tới. Nó vừa đẻ con chưa được bao lâu. Cụ Xaska thương con ngựa con lắm, thương ơi là thương, không thể nào nói được cụ thương nó như thế nào đâu! Ông cụ nâng niu nó trên tay, dùng bình sữa cho nó bú sữa và một thứ thuốc sắc bằng một thứ cỏ gì ấy, cho bốn chân nó thêm cứng cỏi. Nhưng rồi tai hoạ ập tới… Con ngựa vừa sinh được ba ngày thì có ba thằng cưỡi ngựa tới lúc trời vừa sẩm tối. Ông cụ đang cắt cỏ trong vườn. Chúng nó quát rầm lên gọi cụ: "Nầy cái lão kia, lại đây?". Ông cụ quẳng cái hái đấy, bước tới chào chúng nó. Nhưng chúng nó chẳng thèm ngó qua cụ một cái, vẫn cứ uống sữa và hỏi: "Có ngựa không?". Ông cụ trả lời: "Cũng có một con nhưng đối với công việc chiến trận của các bác nó chẳng được tích sự gì đâu. Nó là ngựa cái, vừa sinh nở còn cho con bú. Thằng hung hãn nhất trong bọn quát rầm lên: "Việc nầy không cần đến đầu óc của lão! Dắt con ngựa cái ra đây, thằng quỷ già nầy! Con ngựa của tôi bị loét cả lưng rồi, phải thay con khác ngay đây? Đáng lẽ ông cụ phải nghe theo chúng nó và đừng cố giữ lấy con ngựa cái, nhưng chính anh cũng biết tính khí ông cụ như thế nào rồi chứ gì… Ngay đối với cụ chủ, ông cụ cũng thường chẳng chịu lép nữa là. Chắc hẳn anh còn nhớ đấy chứ?
- Thế ông cụ nhất quyết không cho à? - Prokho hỏi xen vào câu chuyện.
- Chà, trong chuyện nầy thì không cho thế nào được? Ông cụ chỉ nói với chúng nó: "Trước các bác, đã có nhiều tay kỵ binh tới đây, dắt đi hết cả ngựa, nhưng họ đều biết thương con ngựa nầy, còn như các bác…". Bọn kia đều đứng cả dậy và làm ầm lên: "À mày làm tay sai cho thằng địa chủ, mầy cố giữ nó cho thằng địa chủ phải không? Thế rồi chúng nó lôi ông cụ ra chỗ khác… Một thằng dắt con ngựa cái ra, bắt đầu đóng yên, nhưng con ngựa con cứ sán tới vú mẹ. Ông cụ bèn van chúng nó: "Các bác làm ơn làm phúc, đừng có lấy đi! Còn con ngựa con thì làm thế nào bây giờ?" "Làm thế nầy nầy?" - một thằng khác nói xong đuổi luôn con ngựa con ra khỏi con ngựa mẹ, rồi hạ khẩu súng trường trên vai xuống, bắn nó một phát. Ngay đến tôi cũng chảy cả nước mắt… Tôi bèn chạy đến van xin chúng nó và nắm lấy ông cụ, định kéo cụ ra chỗ khác để khỏi xảy ra việc gì chẳng lành. Nhưng cụ cứ nhìn con ngựa con, nom thật đáng sợ: râu cụ rung lên, mặt trắng bệch như bức tường. Cụ bảo: "Nếu thế thì mầy bắn cả tao nữa đi, đồ chó đẻ!"; Rồi cụ xông đến chỗ thằng kia, bám chặt lấy nó, không để cho nó đóng yên. Thế là chúng phát khùng, gìết mất ông cụ trong cơn tức giận. Thấy chúng bắn chết ông cụ, tôi hoá điên hoá ngộ… Đến lúc nầy tôi vẫn còn chưa biết nên làm thế nào với ông cụ bây giờ. Đáng là phải đóng cho cụ một cái quan tài hẳn hoi, nhưng việc ấy đâu phải là đàn bà làm được?
- Lấy cho tôi hai cái xẻng và một tấm vải thô. - Grigori nói:
- Anh định đem ông cụ đi chôn à? Prokho hỏi.
- Phải.
- Đúng là anh cứ tự mình làm nhọc thân mình, anh Grigori Panteleevich! - Cứ để tôi đi kiếm ngay mấy thằng Cô- dắc. Chúng nó sẽ vừa đóng quan tài vừa đào hố chôn ông cụ cho thật chu đáo…
Xem ra Prokho không muốn bận tay đi chôn cất một ông già mà hắn cũng chẳng biết là ai, nhưng Grigori kiên quyết gạt phắt ý kiến của hắn.
- Chúng mình sẽ tự tay đào huyệt chôn ông cụ. Cụ già nầy là một người rất tốt. Cậu cứ ra vườn, chờ mình bên bờ ao, để mình vào thăm ông cụ vừa mất…
Cụ Xaska đã kiếm được nơi yên nghỉ cuối cùng ngay dưới cây tiêu huyền cành đâm ngang dọc, bên cái ao mọc đầy súng, nơi trước kia cụ đã chôn đứa con gái nhỏ của Grigori và Acxinhia. Hai người liệm cái thân hình khô quắt của cụ trong một tấm vải thô sạch sẽ nặc mùi hốt bố, đặt cụ xuống huyệt rồi lấp đất lên. Bên cạnh nấm mồ nhỏ xíu đã thấy mọc thêm một nấm mồ nữa, chất đất sét ẩm mới đào lên được nện chắc bằng đế ủng sáng nhấp nhoáng nom rất vui mắt.
Trong lòng bị đè nặng bởi những hồi ức, Grigori nằm lên lớp cỏ, ngay gần cái nghĩa địa nhỏ xiết bao thân thương và ngắm giờ lâu bầu trời xanh ngắt trải rộng một cách hùng vĩ bên trên. Gió lang thang ở một chỗ nào đó trên khoảng không mênh mông, cao ngất, những đám mây lạnh giá thấp thoáng dưới ánh mặt trời đang chập trờn trôi đi Nhưng sự sống vẫn diễn ra sôi sục trên mảnh đất và tiếp nhận con người yêu đời, yêu ngựa và yêu rượu là cụ Xaska: trên cánh đồng cỏ lan tới sát khu vườn như làn nước lũ xanh mướt, trong những bụi gai mọc um tùm bên dãy cọc hàng rào đóng quanh cái sân đập lúa cũ, luôn luôn vang lên tiếng những con cun cút đánh nhau loạt xoạt, tiếng chuột đồng kêu chi chí, tiếng ong đực bay rùng rùng, tiếng cỏ xào xạc dưới làn gió ve vuốt, tiếng sơn ca hót ngân trong lớp sương mù tuôn cuồn cuộn, và ở một nơi rất xa có một khẩu súng máy nổ trầm trầm, dai dẳng và hung hãn để khẳng định cái vĩ đại của con người trong thiên nhiên.