Hồi 23: Vì mến tài, Khương Nhược Sơn nhận nghĩa tử; Quyết lập thân, Lệ Quân Ngọc trổ tài năng


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Ngừng một lát, Khương Nhược Sơn tiếp:
- Nếu người không phụ lòng tôi thì xin người hãy theo tôi về nhà để tôi lo liệu tiền quyên giám cho, chẳng hay người nghĩ thế nào?
Lệ Minh Đường suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Lão trượng đã có lòng đoái tưởng đến tôi, tôi đội ơn vô cùng, nhưng tôi xin tỏ trước một lời là xin lão trượng hiểu cho rằng, dầu sao nhà tôi cũng có chút ít sản nghiệp nên không hề có lòng tham đến sản nghiệp của lão trượng đâu, và xin thề rằng nếu tôi được may phước làm con của lão trượng thì không khi nào chịu lạm thực đến tài sản của lão trượng. Tôi chỉ cầu sao cho tôi được thành danh để lão trượng được phần vinh dự là tôi mãn nguyện lắm rồi!
Khương Nhược Sơn nói:
- Tuy người đã quyết lập chí như thế, đó là thái độ của kẻ anh hùng, nhưng dầu sao lão phu cũng phải định liệu cho phải lẽ chớ!
Khương Nhược Sơn vừa nói dứt, Lệ Minh Đường vội cúi lạy nhận làm nghĩa phụ. Lão Nhược Sơn lấy làm đẹp ý vội đưa tay đỡ Lệ Minh Đường dậy và vui vẻ nói:
- Được như vầy thật lão phu không gì toại nguyện cho bằng, nhưng lão phu chỉ sợ mình bạc phước không được hưởng thọ lâu dài để nhận lấy vinh dự về sau.
Lệ Minh Đường nói:
- Con đang hy vọng vào phúc ấm của nghĩa phụ để bước lên thang danh vọng một cách xuôi chảy, nếu ngày nào con thành danh thì nghĩa phụ cũng được phong tặng, xin nghĩa phụ chớ nên thốt lời bi quan ấy, con buồn lắm.
Khương Nhược Sơn nói:
- Thôi, bây giờ con hãy nghỉ ngơi rồi sáng ngày sẽ qua phòng ta ăn uống và cùng nhau khởi hành.
Nói rồi, Khương Nhược Sơn trở về phòng mình an nghỉ. Qua đến đầu canh năm, Khương Nhược Sơn thức dậy kêu chủ quán dọn rượu thịt lên, đoạn sai người qua mời Lệ Minh Đường.
Lúc ấy, Lệ Minh Đường cũng đã dậy, đang lo sắp đặt hành lý, kế có gia nhơn của Nhược Sơn qua nói:
- Ông tôi dạy sang mời ngài qua dùng rượu.
Lệ Minh Đường vội kêu Vinh Phát dậy coi phòng, rồi nối gót tên gia nhơn sang ăn uống cùng Khương Nhược Sơn.
Trước khi ngồi vào bàn, Khương Nhược Sơn không quên sai người đem bánh qua cho Vinh Phát, và truyền chuẩn bị mướn xe cộ cho sẵn sàng.
Cơm nước xong thì xe vừa đến, Lệ Minh Đường hối Vinh Phát đem hành lý lên rồi cùng Khương Nhược Sơn ngồi chung một xe, đoạn sửa một chiếc xe êm ái cho Vinh Phát nằm.
Cuộc hành trình này chỉ trong vòng hai ngày đã đến Võ Xương, lúc ấy bịnh tình của Vinh Phát đã thuyên giảm nhiều. Đến nơi, người nhà của Khương Nhược Sơn mừng rỡ chạy ra tiếp rước, Hoạt Toàn cũng giả vờ ân cần chạy ra niềm nở thưa:
- Tiện tế chẳng hay nhạc phụ về nên ra tiếp đón trễ nãi, mong nhạc phụ tha thứ cho.
Khương Nhược Sơn đưa tay chỉ Hoạt Toàn, giới thiệu cùng Lệ Minh Đường:
- Đây là anh rể của con đó, con hãy chào anh rể của con đi.
Lệ Minh Đường nghe bảo vội cúi đầu chào Hoạt Toàn. Hoạt Toàn ra vẻ ngạc nhiên, Khương Nhược Sơn liền thuật lại cho Hoạt Toàn biết Lệ Minh Đường là nghĩa tử của mình.
Hoạt Toàn nghe xong lấy làm bất bình, chàng nghĩ thầm:

Năm ngoái sanh một đứa con trai, phần gia tài này ta đã thiệt mất phân nửa, nay lại đèo bòng thêm con nuôi nữa, chẳng biết rồi đây cái tài sản này sẽ chia ra làm mấy mươi phần!

Hoạt Toàn tuy nghĩ vậy, song cũng gượng chào Lệ Minh Đường và mời vào nhà. Khương thị là người em gái của Khương Nhược Sơn, năm ấy độ ba mươi tuổi, trông thấy Lệ Minh Đường đi với Nhược Sơn thì lấy làm lạ, cả hai đều ngỡ ngàng không biết hỏi bằng gì.
Khương Nhược Sơn bèn thuật rõ lai lịch cho vợ con và em gái nghe, đồng thời bảo Lệ Minh Đường gọi Tôn thị bằng nghĩa mẫu và chào Khương thị bằng nghĩ Cô mẫu.
Tôn thị thấy thế lấy làm khó chịu, song làm thinh không dám nói. Khương Nhược Sơn lại bảo Lệ Minh Đường chào Thăng Kim và gọi bằng chị. Thăng Kim cũng cúi đầu chào đáp lễ rồi lui vào nhà trong.
Còn hai người tiểu thiếp của Khương Nhược Sơn là Nhu Nương và Đức Thơ đứng ở sau bức rèm liếc thấy Lệ Minh Đường diện mạo khôi ngô, cả hai như bị thôi miên không cầm lòng được, liền giả vờ vô tình bước ra để nhìn rõ mặt chàng trai tuấn tú ấy, nhưng khi giáp mặt Lệ Minh Đường, lại giả vờ hổ thẹn chạy vào.
Khương Nhược Sơn thấy thế liền kêu lại bảo:
- Lệ Minh Đường đã nhận ta là nghĩa phụ rồi. Xét ra người cùng hai nàng niên kỷ bằng nhau nhưng danh phận của nàng đương nhiên là mẫu. Vậy ta cho phép hai nàng ra tiếp chào, đặng từ đây về sau hai nàng sẽ cư xử với Lệ Minh Đường như tình cốt nhục.
Nhu Nương nghe nói liền bước ra chào Lệ Minh Đường, Đức Thơ cũng bước theo chào hỏi. Lệ Minh Đường liền rước bồng đứa bé và tỏ tình thân mật hỏi:
- Chẳng hay em nó tên là chi vậy?
Nhu Nương đáp:
- Nó tên là Nguyễn Lãng.
Sau đó, Khương Nhược Sơn sai người mang tiền lên Bắc Kinh quyên giám để cho Lệ Minh Đường được vào ứng thí. Trong thư, Nhược Sơn ghi rõ tên tuổi của Lệ Minh Đường, nhưng quê quán thì ghi ở huyện Hàm Ninh, phủ Võ Xương, tỉnh Hồ Quảng.
Hoạt Toàn trông thấy sự việc như vậy, lòng đầy căm tức, liền nói với vợ:
- Ta xem Lệ Minh Đường có vẻ xinh đẹp như con đào hát giả trai vậy, hay là nhạc phụ có ý riêng gì chăng, rồi tránh tiếng dị nghị nên mới nhận làm nghĩa tử?
Nàng Thăng Kim nói:
- Thân phụ tôi không khi nào có hành động như vậy đâu, phu quân chớ nên nghĩ bậy bạ mà mích lòng người.
Hoạt Toàn nói:
- Tôi thấy gần đây nhạc phụ đã biến tánh cho nên cưới đến hai nàng tiểu thiếp, thì biết đâu người lại không có hành động ố lem khác!
Thấy vợ mình không nghe, Hoạt Toàn đi nói với Tôn Thị. Tôn Thị nghe qua lấy làm căm hận nói:
- Được rồi, để ta dò xét kỹ lưỡng nếu quả thật như vậy, ta sẽ đánh cho nó một trận rồi đuổi ra khỏi nhà lập tức.
Từ đó Tôn thị hay cau có đá thúng đụng nia, mắng mèo chưởi chó, khiến Khương Nhược Sơn lấy làm bực mình, nhưng Khương Nhược Sơn cũng thừa hiểu đó là do Hoạt Toàn xúi giục, lão bèn dọn riêng một thơ phòng cho Lệ Minh Đường ở đọc sách.
Phòng riêng này tuy không rộng rãi mấy, song cũng mát mẻ đẹp đẽ, trông có vẻ nên thơ. Ngày nào cũng có người bưng cơm nước đến cho hai thầy trò Lệ Minh Đường ăn.
Vinh Phát nói với Lệ Minh Đường:
- Tuy ông Khương Nhược Sơn có lòng tốt thật, song người vợ ông không được tử tế.
Lệ Minh Đường nói:
- Mi nói đúng đấy, chỉ vì bà ta quê mùa dốt nát nên mới nghe lời Hoạt Toàn xúi giục làm như vậy, nhưng ta vì tình nghĩa phụ nên gác bỏ ngoài tai, không nên chấp trách làm gì. Riêng về Nguyên Lãng kia, ta cần phải biếu cho cậu vật gì để gây tình thân mật và kỷ niệm về sau.
Nói rồi, Lệ Minh Đường mở gói ra lấy một xâu chuỗi hột và một đôi vòng bằng ngọc định đem cho Nguyên Lãng rồi hai thầy trò tắt đèn an giấc.
Sáng hôm sau, Lệ Minh Đường đem ba vậy ấy đến phòng Khương Nhược Sơn. Con nữ tỳ vừa trông thấy vội hỏi:
- Tiên sanh đến đây có việc gì mà sớm thế? Ông bà tôi còn ngủ chưa dậy.
Lệ Minh Đường khoát tay, nói:
- Nếu còn ngủ thì chớ kêu làm gì, để ta về rồi một lát sẽ lại.
Lúc ấy Khương Nhược Sơn ở trong phòng nghe tiếng liền bảo nữ tỳ mời vào. Khương Nhược Sơn nhắc ghế mời ngồi rồi pha trà mời uống. Hai nàng tiểu thiếp Nhu Nương và Đức Thơ vì đã say đắm nhan sắc của Lệ Minh Đường nên vội bế Nguyên Lãng đến gần để chào hỏi.
Lệ Minh Đường tươi cười vui vẻ tiếp bồng Nguyên Lãng để vào lòng, rồi bảo nó:
- Hiền đệ ơi! Ta cho hiền đệ mấy cái này nghe!
Nói rồi lấy dây chuỗi hạt châu cùng dây vàng đeo vào cổ cho Nguyên Lãng, còn đôi ngọc thì đeo vào hai cườm tay. Nguyên Lãng mừng rỡ chạy lại khoe với cha:
- Cha ơi, con có mấy cái này tốt lắm!
Khương Nhược Sơn kéo tay Nguyên Lãng lên xem và nói:
- Ối chao! Trẻ con thì nên cho hắn đeo đồ giả cũng được, sao lại dùng vàng ngọc thiệt như vầy, chẳng là phí lắm sao?
Lệ Minh Đường nói:
- Mấy thứ này là vật cũ của con dùng lúc còn thơ ấu, chứ không phải mới mua đâu.
Khương Nhược Sơn xem kỹ lại, rồi cất tiếng khen:
- Con đã có những đồ dùng quí giá như vầy, tất nhiên một nhà đại phú rồi!
Lệ Minh Đường khiêm nhường nói:
- Tuy nhà con cũng có chút sản nghiệp, song vốn quê mùa nên có vật như vậy mà cũng không lấy chi làm trọng.
Nói rồi nàng cáo từ lui về phòng riêng.
Nhắc qua việc Nhu Nương và Đức Thơ, hai nàng hầu thiếp của Khương Nhược Sơn rất mê đắm sắc chàng trai Lệ Minh Đường. Hai người trở vào phòng cùng nhau khen ngợi. Đức Thơ nói:
- Người sao mà đẹp trai đến thế cơ! Ôi con mắt của chàng nó đẹp một cách tự nhiên, dầu một tay danh họa này có tài đến đâu cũng không thể vẽ cho giống hệt được.
Nhu Nương cũng tắc tưởi nói:
- Chẳng những con mắt đã xinh đẹp mà thôi, màu da của chàng cũng nõn nà như tấm lụa trông đẹp quá, nếu sau này cô ả nào được lấy chàng thì thật là hữu phước. Được người chồng đẹp thế thì dầu trọn đời ăn ở với nhau có nghèo khổ đến đâu cũng thỏa dạ.
Nhu Nương lại tiếp:
- Với cái màu da ấy, chẳng những chị đây lớn tuổi không bằng chàng đã đành, đến nỗi màu da của em cũng phải thua sút chàng nữa là khác.
Đức Thơ nghe vậy biết Nhu Nương đã phải lòng chàng rồi, bèn nói:
- Chị em ta ở chung nhau một nhà, tình nghĩa chẳng khác ruột thịt, vậy em xin tỏ thật cùng chị, theo con mắt của em thì tin chắc Lệ Minh Đường này không thể có một chàng trai nào sánh kịp, thậm trí đến hạng nữ lưu cũng ít người bì nổi.
Nhu Nương nói:
- Chị em ta cũng vì cha mẹ quá tham tiền, đem gả cho lão già này phí mất một đời xuân xanh, phải chi được kết duyên cùng Lệ Minh Đường, dầu chỉ được ấp yêu với chàng trong một ngày rồi chết đi cũng thỏa dạ.
Sau đó, hai người cứ bàn qua tính lại xung quanh vấn đề diện mạo anh chàng Lệ Minh Đường rồi than vắn thở dài, trông rất thảm thiết.
Khi dùng cơm sáng xong, Khương Nhược Sơn ra chơi nơi huê viên, Lệ Minh Đường thoáng thấy liền bước ra mời vào thư phòng rồi thưa:
- Chẳng phải con dám thôi thúc, nhưng xét việc công danh vô cùng hệ trọng, xin nghĩa phụ hãy mau mau sai người đến kinh lo liệu giùm, kẻo để trễ không được vào thì tội cho con lắm.
Khương Nhược Sơn mỉm cười đáp:
- Khi mới về đây ta đã lập tức viết thư sai người đi rồi, chớ đâu để ngày nay mà con phải nhắc.
Lệ Minh Đường đáp:
- Thế sao nghĩa phụ không cho con hay để con trao số tiền quyên giám và tiền lộ phí? Và tên họ con, chẳng hay nghĩa phụ khai như thế nào?
Khương Nhược Sơn đáp:
- Ồ! Ta đã là nghĩa phụ của con thì lẽ nào việc nhỏ mọn như vậy lại không lo liệu, để cho con xuất tiền quyên giám sao? Còn tên họ của con thì lão phu vẫn khai là Lệ Quân Ngọc, nhưng ta để con nhập tịch bên Hồ Quảng này, phỏng có được chăng?
Lệ Quân Ngọc nói:
- Sao nghĩa phụ không khai con là họ Khương, lại cứ để nguyên họ Lệ làm cho cha con mình phân biệt như vậy, sao co phải lẽ?
Khương Nhược Sơn nói:
- Nếu có ý tốt như vậy, ta rất vui lòng, nhưng chúng ta nhận nhau là cha con đã là quá phận lắm rồi, hà tất phải đổi tên họ.
Lệ Minh Đườgn nói:
- Con đội ơn nghĩa phụ rất nhiều, dầu cho có đổi họ cũng chẳng sao.
Câu chuyện của hai người vừa đến đây, tên đầu bếp đã dâng lên hai chén cháo bột củ sâm để ăn cho bổ khỏe. Khương Nhược Sơn vừa ăn vừa hỏi Lệ Minh Đường:
- Con thấy người đầu bép nấu nướng như vầy có dễ ăn không?
Lệ Minh Đường đáp:
- Bác đầu bếp này nấu nướng như vầy ăn ngon lắm, vả con yếu đuối có ăn là bao, xin nghĩa phụ dạy cho giảm bớt đi là hơn.
Khương Nhược Sơn cười nói:
- Ta chỉ sợ đầu bếp nấu nướng không ngon, làm cho nghĩa tủ không ăn được thôi.
Dứt lời, lão quay qua dặn tên đầu bếp:
- Ngươi hãy cố nấu nướng như thế nào để cho hiệp ý nghĩa tử ta thì ta trọng thưởng nhé.
Tên đầu bếp vâng dạ rồi lui ra. Sau đó Khương Nhược Sơn sai người đi kêu thợ may đến mướn may rất nhiều quần áo cho Lệ Minh Đường thay đổi.
Khương Nhược Sơn càng đối đãi tử tế với Lệ Minh Đường, Hoạt Toàn càng căm hận vô cùng, nhưng không biết làm cách nào cho bõ ghét.
Khương Nhược Sơn về đến phòng chưa được bao lâu, đã có gia đinh vào báo:
- Hiện có người em rể của lão gia là Ngô Đạo Am đến.
Khương Nhược Sơn mừng rỡ vội ra tận bên ngoài tiếp rước vào nhà. Ngô Đạo Am hỏi:
- Nghe nói lão huynh đi buôn bán, chẳng hay lão huynh về đây bao giờ vậy? Chỉ vì tiểu đệ thường hay đi vắng mãi nên không thường đến đây thăm lão huynh được.
Khương Nhược Sơn đáp:
- Tôi mới về được mấy hôm nay.
(Nguyên Khương Nhược Sơn có một người em gái gả cho Ngô Đạo Am là một nhà hàn sĩ, cha mẹ người mất sớm, nhưng lại có tài học rộng uyên thâm, thi đỗ tú tài, lại rất giỏi về môn y dược. Ông ta được vợ giới thiệu việc Lệ Minh Đường cho nghe nên nay ông ta mới đến hỏi thăm Khương Nhược Sơn).
Lời Bình:
- Lệ Minh Đường, con một vị Thượng thơ của tiền dinh dư, nàng ra đi mang theo vàng bạc không thiếu, tuy nàng nhận Khương Nhược Sơn làm nghĩa phụ, chỉ vì nàng muốn có người đỡ đầu giúp đỡ trên bước đường đi muôn dặm thôi, vì vậy nàng còn sợ Khương Nhược Sơn hiểu lầm rằng mình có ý muốn chia một phần gia tài của nghĩa phụ nên nàng rào đón trước để cho Khương Nhược Sơn khỏi giải quyết theo lẽ phải, nghĩa là sau này Lệ Minh Đường cũng sẽ được một phần gia tài.
Cho hay ở đời những âm mưu thường thường bị thất bại, mà cứ phó mặc cho số mệnh, lại thường đưa đến cái lợi bất ngờ.
- Người ta thường bảo
có tiền mua tiên cũng được
. Quả vậy, hai nàng hầu thiếp của Khương Nhược Sơn vừa trông thấy tài mạo của Lệ Minh Đường liền say mê và ước gì được sống chung với chàng dù nghèo hèn đến đâu cũng được. Biết vậy mà hai nàng vẫn lấy một ông già khú như Khương Nhược Sơn, đủ biết đồng tiền có tác dụng đến bực nào!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.