Hồi 69: Vì lo lắng, Lệ Thừa tướng lâm trọng bịnh; Bởi si tình, vua Thành Tôn gội gió mưa


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Khi hai con cung nữ bị vua Thành Tôn đoạt mất đôi giày thêu rồi, chúng sợ hãi dắt nhau đi một đỗi xa xa. Úc Mỹ Nhi nói nhỏ với Miêu Thoại Anh:
- Ta vâng lịnh Thái hậu đi tháo giày Lệ Thừa tướng để khám phá sự bí mật, còn Thánh thượng thì buộc chúng phải giấu kìn việc này, thật khó nghĩ quá! Theo ý chị thì chúng ta phải làm thế nào cho xuôi việc?
Miệu Thoại Anh nói:
- Thánh thượngđã phán một cách nghiêm khắc như vậy, nếu chúng ta thố lộ sự thật thì thế nào cũng bị thiệt mạng, chi bằng tâu dối với Thái hậu thì tiện hơn.
Úc Mỹ Nhi khen phải.
Hai đứa bàn định xong, trở về Vạn Thọ cung, cứ y theo lời dạy của vua Thành Tôn tâu dối cùng Thái hậu, khiến Thái hậu vừa nghe qua đã thất kinh vội nói với Hoàng hậu:
- Ta đã bảo thứ Phiên tửu ấy nguy hiểm lắm, uống vào có thể nguy đến tánh mạng. Thôi ! Thế là mất một vị hiền thần và cũng là ân nhân của ta, ta ân hận vô cùng.
Trưởng Hoa Hoàng hậu ngạc nhiên nói :
- Lúc trước con nghe nói thứ Phiên tửu ấy tuy làm cho người ta say, nhưng tánh chất ôn bổ, nên con đã có cho bốn đứa cung nữ uống thử thì thấy không hại chi cả, sao hôm nay lại xảy ra việc như vậy, thật lạ lùng.
Thái hậu nói :
- Cũng bởi ta quá tin lời con, nên mới hại người như vậy!
Lúc ấy Trưởng Hoa Hoàng hậu trong lòng vô cùng bối rối, đứng ngồi không yên, cứ than vắn thở dài, rồi Hoàng hậu thắp nhang khấn vái :
- Xin Hoàng hậu phò trợ cho Lệ Minh Đường được tai qua nạn khỏi, rồi kẻo là em tôi bạc phước lắm !
Càng nghĩ, Trưởng Hoa Hoàng hậu càng buồn vô hạn, nàng cáo từ lui về cung nằm vật trên giường thở dài não ruột, quên mất việc thông tin cho cha mẹ hay.
Nhắc qua bọn Huyền Xương, khi đến Thanh Phong các thấy Lệ Minh Đường nằm liệt trên long án, liền đỡ lên xe ngự liễn rồi lấy mềm đắp kín, đoạn cùng các võ sĩ cầm binh khí hộ vệ xung quanh và cầm ngự tàn che phủ, Huyền Xương bay ngựa đến trước điện lớn tiếng hỏi :
- Hôm nay ai là quan trực điện ở đây ?
Kêu vừa dứt lời, đã thấy từ trong điện chạy ra một viên lão tướng nói :
- Tôi là Lý Long Quan trực điện ở đây, không biết có điều gì quan trọng mà gọi đến tôi ?
Huyền Xương vội lấy thánh chỉ ra trao cho Lý Long Quan xem. Lý Long Quan xem xong thánh chỉ vội trở vào lấy cây đại đao ra cắm đi theo dựa bên xe ngự liễn hộ tống Lệ Thừa tướng.
Khi đi đến ngoài cửa đông, ông ta xảy gặp Lương Thừa tướng từ trong nội các về. Lương Thừa tướng thấy vậy giật mình kinh hãi, vội vã chạy đến giở mềm ra xem.
Huyền Xương ngăn lại bảo :
- Thánh thượng thấy Lệ Thừa tướng uống rượu say quá nên cấm không cho ai được giở mền ra vì sợ người bị cảm mạo thương hàn, nên Điện quan phải cầm đao đi theo, bất luận quan hay dân , nếu bất tuân giở mềm ra thì cứ việc chặt tay rồi về tâu, Thánh thượng sẽ trị tội sau. Vì vậy, mong Thừa tướng hãy đợi về nhà rồi hãy xem cũng chẳng muộn.
Lương Thừa tướng gật đầu lên kiệu đi thẳng về phủ. Bỗng thấy một tốp gia tướng chạy đến đón xem. Các võ sĩ thấy thế, trợn mắt hét lớn :
- Các người chớ làm ngang, hãy để cho chúng ta đi thong thả.
Bọn gia tướng nói:
- Chúng ta đây đều là gia tướng của Võ hiếu vương và Mạnh Thượng thơ, hay tin Lệ Thừa tướng say rượu nên mới đến thăm, các người phải để cho chúng ta xem mới được.
Nguyên cha con Hoàng Phủ Kính và cha con Mạnh Sĩ Nguyên biết rõ âm mưu phục vụ rượu khám xét trong cung, nhưng không hay tin tức gì cả, sau lại nghe nói Lệ Minh Đường được vua sai nội giám khiêng về phủ nên vội sai gia tướng đến đón đường giở ra xem thử có hề chi không.
Lúc ấy, Huyền Xương đứng ra cản lại, hiên ngang nói:
- Đã có thánh chỉ đây, nếu ai dám cả gan giở mềm ra sẽ bị chặt đứt tay ngay.
Bọn gia tướng của Mạnh Thượng thơ nghe nói vậy, sợ hãi thối lui ngay, chỉ có bọn gia tướng Võ hiếu vương cậy thế nhà Vương tước nên cứ sấn tới, nói:
- Nếu không cho xem thì ta sẽ về bẩm lại với Võ hiếu vương, thế nào chúng bay cũng chịu tội.
Vừa nói, chúng vừa áp tới toan giở mềm. Lý Long Quân liền lướt tới giơ đao lên quát:
- Hãy rút tay lại cho mau, không thì ta chặt đứt tay bây giờ.
Bọn gia tướng thất kinh, vội giựt tay lại chạy hết. Bọn Huyền Xương thấy không còn ai ngăn cản, mới ung dung đẩy xe ngự liễn thẳng vào tướng phủ. Lương Thừa tướng lật đật ra tiếp nghinh. Huyền Xương liền khiến võ sĩ đẩy thẳng vào phòng, còn mình thì theo Lương Thừa tướng vào thính đường ngồi uống trà.
Lương Thừa tướng nhìn Huyền Xương hỏi:
- Chẳng hay vì cớ gì mà hôm nay tiện tế tôi lại say quá vậy?
Huyền Xương bèn thuật chuyện lại cho Lương Thừa tường nghe rồi đứng dậy cáo từ lui về. Còn Lệ Minh Đường thì được võ sĩ đ ẩy xe vào tận bên giường, các nữ tỳ đỡ lên giường rồi lấy mềm đắp kín lại.
Tố Hoa thấy Lệ Minh Đường nằm thin thít, liền lớn tiếng gọi, vẫn không thấy nói năng gì cả nên cứ ngồi dưới chân giường canh giữ không dám rời, vì sợ có người đến mở giày trông thấy thì lộ chuyện.
Lúc ấy, nội nhà Lương Giám xúm xít nhau kẻ trong người ngoài bàn luận, tìm cách cách thế nào cho lệ Thừa tướng mau dã rượu, kẻo bị say không tỉnh có thể nguy đến tánh mạng.
Đang bàn luận, bỗng có quân chạy vào báo:
- Có Võ hiếu vương và Mạnh Gia Linh đến thăm.
Lương Thừa tướng liền bảo Cừu Huê Lâm ra tiếp. Cừu Huê Lâm vâng lịnh rước hai người vào rồi mời Hoàng Phủ Kính ngồi trên, còn mình cùng Mạnh Gia Linh ngồi ngang hàng ở dưới.
Khi uống trà xong, Hoàng Phủ Kính và Mạnh Gia Linh hỏi thăm qua loa ít điều rồi cáo từ lui về.
Một lát sau, Thủ môn quan lại vào báo:
- Thánh thượng sợ thứ Phiên tửu quá mạnh có hại đến tánh mạng Lệ Thừa tướng, nên đưa bốn vị Thái y đến điều trị.
Lương Giám nghe nói mừng rỡ, vội thân hành ra nghinh tiếp vào. Bốn vị Thái y nói :
- Thứ Phiên tửu mạnh lắm e có hại đến kinh lực, vậy xin Thừa tướng cho phép chúng tôi được vào xem mạch để về tâu cho Thánh thượng.
Lương Giám gật đầu rồi truyền đàn bà bước ra ngoài hết, chỉ để bốn vị Thái y và Huyền Xương vào phòng thôi. Bốn vị Thái Y vào bắt mạch xong ra nói với Lương Giám :
- Lịnh tế lục mạnh thảy điều hòa, chúng tôi tin chắc rồi đây sẽ dần dần tỉnh lại như thường chứ không hại chi cả. Còn như Thừa tướng muốn người mau tỉnh rượu thì cứ dùng sanh cam thảo và bán hạ tán nhỏ, thổi vào mũi tự nhiên thấy hiệu nghiệm ngay.
Lương Giám nghe nói, tỏ lời cảm tạ rồi đưa Huyền Xương cùng bốn vị Thái y ra về, đoạn truyền cho người nhà lấy cam thảo , bán hạ làm y theo lời chỉ dẫn của Thái y , thì quả nhiên, khi thổi vào mũi, trông thấy Lệ Minh Đường nằm ngủ im, chốc chốc lại cựa mình, ngáp dài, Cảnh Phu nhơn thì lo dạy nữ tỳ sắc nhơn sâm để sẵn, chờ Lệ Minh Đường tỉnh dậy uống cho bổ khỏe.
Qua đến canh ba, Lệ Minh Đường tỉnh dậy, cựa mình cười nói :
- Ghê thật ! Phải một bữa say quá sức !
Tố Hoa mừng rỡ nói :
- Tiểu thơ đã tỉnh rồi !
Lệ Minh Đường nghe hai tiếng tiểu thơ, giật mình ngồi chồm dậy nói :
- Ủa ! Em được đưa về đây bao giờ ?
Tố Hoa bèn, thuật hết mọi việc cho Lệ Minh Đường nghe. Lệ Minh Đường thất kinh nói :
- Xưa nay em uống bao nhiêu rượu cũng không thấy say, cớ sao hôm qua Thái hậu chỉ ban cho em có ba chén rượu ngọt mà khi người bảo em đề thơ vào bức ttượng, em đã cảm thấy xây xẩm cả mặt mày, kế thấy Thái hậu bảo nội giám đỡ em nằm trong Thanh Phong các, rồi sau đó em không con biết chi nữa hết. Có lẽ thứ rượu này là Mông hãn được nên mới mạnh đến thế !
Tố hoa nói :
- Cứ theo lời của nội giám thì thứ rượu ấy của nước Tây Phiên đem cống hiến, tên là Ngọc hồng xuân tửu, chế nhiều chất cổ nhưng mạnh lắm. Trong cung đã thí nghiệm , hễ người nào uống vào hai chén thì say suốt một ngày, một đêm, nay tiểu thơ uống những ba chén mà mới bây giờ đã tỉnh thì tửu lượng của tiểu thơ không phải vừa.
Nói dứt lời, Tố Hoa đứng dậy mở cửa gọi nữ tỳ đem hương trà vào để cho Lệ Minh Đường giải khát. Nữ tỳ lập tức bưng trà vào; Lệ Minh Đường uống xong bước xuống giường toan đi tiểu thì bỗng cảm thấy hai bàn chân lỏng lẻo, dường như mất đôi giày thêu.
Lệ Minh Đường giật mình, lật đật ngồi trên giường, tháo đôi hia ra, nắm lấy bàn chân bóp xem thì quả nhiên đôi giày thêu bên trong không còn nữa. Nàng kinh hồn hoảng vía, mặt mày tái mét, ngồi lặng thinh không nói nửa lời.
Tố Hoa lấy làm lạ hỏi:
- Việc gì mà tiểu thơ kinh hãi quá vậy?
Lệ Minh Đường sợ nói ra, Tố Hoa lại sợ hãi chớ chăng ích chi, bèn đáp:
- Có việc gì đâu!
Tố Hoa không tin, nói:
- Tiểu thơ vốn người bình tĩnh và tài trí hơn người mà nay bỗng biến sắc thì thế nào cũng có việc gì đây chớ chẳng không.
Lệ Minh Đường gượng cười đáp:
- Thật tình không có điều chi lạ hết, xin chị chớ đa nghi.
Nói rồi, Lệ Minh Đường ngồi nghĩ thầm:

Ta có nghe Hoàng Phủ Thiếu Hoa đưọc vua giáng chỉ cho đình hoãn việc kết hôn, chắc là có thân mẫu của chàng vào cung khải tấu, vì vậy Hoàng hậu mới lập mưu tâu cùng Thái hậu đòi ta vào cung vẽ tranh đặng ban Phiên tửu cho ta say rồi cởi giày khám nghiệm. Hèn chi ta còn nhớ lúc ấy Thánh thượng có hỏi vặn ta mấy câu:
Có vẽ được không? Có uống rượu ngọt được không?
Rõ ràng là Thánh thượng nói mánh khoé cho ta biết, nhưng ta lại vô tình không để ý nên phải lầm mưu! Ta cũng còn nhớ rõ khi ta xẩy xẩm mặt mày. Thánh thượng nhìn ta bằng đôi mắt thương hại. Nay Thánh thượng đã bảo vệ cho ta để giữ bí mật, thì tất nhiên đôi giày thêu của ta, người đã dấu kín được rồi. Thật căm hận thay cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa, làm việc gì cũng không thương lượng với ta. Phải ta biết vậy thì năm xưa ta không thèm đề bạt chàng làm chi. Thật là một việc làm
dưỡng hổ sanh họa
khiến ta hôm nay phải bại lộ!

Lệ Minh Đường suy nghĩ đến đây, lửa giận phừng phừng lên tột đỉnh, bèn khóc rống lên một tiếng, phun ra một vòi máu tươi rồi gục đầu xuống uất nghẹn.
Tố Hoa thất kinh, vội bế xốc Lệ Minh Đường để vào lòng, đưa tay vuốt ngực lia lịa. Hồi lâu, Tố Hoa mới để Lệ Minh Đường nằm xuống giường rồi bưng đèn soi, trông thấy một đống huyết tươi, trong lòng khiếp đảm, vội chạy lại ôm Lệ Minh Đường, khẽ hỏi:
- Vì cớ gì mà tiểu thơ phát bịnh thình lình như vậy?
Lệ Minh Đường thở hổn hển đáp:
- Chỉ vì tâm thần em bất định nên mới sanh như vậy, chị hãy bảo nữ tỳ đem sâm cho em uống thì hết ngay.
Tố Hoa vội vã đi gọi nữ tỳ đem sâm vào. Tố Hoa đứng tại cửa phòng tiếp lấy chén sâm rồi đóng cửa lại, đem vào cho Lệ Minh Đường uống, đoạn quét dọn vũng máu dưới đất và hỏi:
- Tiểu thơ kinh hãi đến phát bịnh như vậy, hay là hai chân tiểu thơ bị bại lộ rồi chăng? Tôi cùng mẹ tôi đã chịu ơn dày của tiểu thơ, nay thấy tiểu thơ thổ huyết, lòng tôi đau như cắt, sao tiểu thơ nỡ giấu tôi?
Vừa nói, Tố Hoa vừa lấy khăn lau miệng cho Lệ Minh Đường. Lệ Minh Đường cười nói:
- Chị cứ yên tâm, dầu có bại lộ cũng không hề chi.
Tố Hoa lại nói cho Lệ Minh Đường biết rằng Thánh thượng đã giáng chỉ cho Lệ Minh Đường được phép ở nhà tịnh dưỡng trong ba ngày rồi mới vào triều.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm:

Dầu cho Thánh thượng có yêu ta đến đâu cũng vô ích, đời nào ta chịu thất tiết sao? Nhưng chỉ có ba ngày rồi vào triều thì ta biết ăn nói làm sao đây?
Càng nghĩ, Lệ Minh Đường càng giận Thiếu Hoa, cứ nằm trăn qua trở lại ngủ không yên giấc.
Nhắc qua vua Thành Tôn khi ở tại Hưng Khánh cung, ngại cho Phiên tửu mạnh quá có thể phá hoại cơ thể Lệ Minh Đường nên sai bốn vị Thái y đến chẩn mạch. Bốn vị Thái y về cho hay là Lệ Minh Đường đã tỉnh, trong lòng vua mới yên. Vua lại nghĩ thầm:

Khi Lệ Minh Đường tỉnh rượu, thấy bị mất giày, thế nào cũng kinh tâm và khi biết được ta đã hết lòng bảo bọc thì chắc người sẽ đem lòng cảm kích. Nàng biết ta giấu giày cho nàng thì nói gì nàng lại chẳng nghe
.
Nghĩ đến đây, vua Thành tôn cảm thấy sung sướng vô cùng, vì vua đinh ninh rằng rồi đây thế nào cũng được một vị ái phi giúp việc nội trợ, còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì cứ việc ép gả Mạnh Lệ Quân giả cho xong.
Sáng hôm sau, vua Thành Tôn không ngự ra triều, chỉ vào Thiên điện ngồi phê văn án. Song tuy ngồi làm việc mà lòng vua luôn luôn tơ tưởng đến Lệ Thừa tướng, thành thử không phê được chữ nào hết, và trọn ngày hôm ấy vua bỏ ăn bỏ ngủ.
Chiều hôm ấy gió lạnh thổi về, bầu trời ủ rũ, khiến những kẻ tương tư càng thêm buồn thảm, vua Thành Tôn cảm thấy lạnh buốt tận tâm can, muốn sai Huyền Xương đến tỏ cho Lệ Minh Đường biết nỗi lòng yêu thương của mình, nhưng vua lại sợ Huyền Xương không thể nào nói hết .
Đang ngồi nghĩ ngợi, bỗng thấy bầu trời mây kéo đen nghịt, giông sấm tơi bời, mưa xuống như đổ. Vua Thành Tôn nghĩ thầm:

Chi bằng bây giờ ta giả tên nội giám đến, có lẽ tỏ hết được niềm tâm sự này hơn và lại không tiết lộ ai hay

Nghĩ đoạn, vua gọi Huyền Xương đến bảo:
- Trẫm định đi thăm Lệ Thừa tướng, nhưng sợ các quan biết thì bất tiện lắm, vậy ngươi hãy lấy áo mão nội giám, cùng áo đi mưa và con ngựa đem đây, đặng trẫm giả làm nội giám đến thăm người.
Huyền Xương vâng mạng, vừa đi vừa cười thầm:

Ai đời một ông vua mà mê gái đến nổi không kể gì gió mưa
.
Huyền Xương đem áo mão đến, vua Thành Tôn vội vã cởi áo long bào, thay áo nội giám vào, bên ngoài choàng chiếc áo mưa.
Huyền Xương vừa dắt ngựa đến vừa tâu:
- Xin bệ hạ đi rồi mau trở về, kẻo Hoàng hậu và bá quan hay được thì hạ thần sẽ có tội.
Vua Thành Tôn gật đầu, lên ngựa buông cương.
Vì mưa gió lớn mà con ngựa lại chạy mau, nên mặc dù vua Thành Tôn đã mặc áo và đội mão che mưa nhưng nước vẫn tạt vào cổ áo chảy dọc xuống bâu, thấm vào mấy lớp áo trong.
Khi đến ngõ tướng phủ, vua xuống ngựa kêu tên Thủ môn quan nói:
- Ngươi hãy vào báo Lệ Thừa tướng hay rằng có thánh thượng sai ta đến thăm.
Tên Thủ môn quan không biết là Thiên tử, nên chạy ra đáp:
- Cơ khổ, Ông lội gió mưa đến đây cực quá, nhưng bây giờ Lệ Thừa tướng say rượu chưa tỉnh, còn Lương Thừa tướng thì mắc làm việc trong nội các. Vậy xin ông hãy về rồi tôi sẽ bẩm lại cho.
Vua Thành Tôn trong lốt nội giám, nói:
- Ngươi đừng nói nhiều lời, hãy vào bẩm ngay cho Lệ Thừa tướng biết.
Thủ môn quan vâng lời chạy vào thông báo. Lúc ấy Lệ Minh Đường đang ngồi buồn rầu, xẩy thấy Vinh Phát vào thưa:
- Thánh thượng có sai một tên nội giám đến thăm, mà bây giờ Lưong Thừa tướng đã vào nội các rồi nên không ai nghinh tiếp.
Lệ Minh Đường nói:
- Mi hãy ra cậy ông Cừu Huệ Lâm nghinh tiếp.
Vinh Phát vâng lịnh chạy ra, hồi lâu lại thưa:
- Ông Cừu Huệ Lâm đang ngũ mê, kêu hoài không dậy.
Lệ Minh Đường nói:
- Vậy thì mi hãy ra nói với nghĩa phụ ta, bảo người mặc áo chỉnh tề ra nghinh tiếp cũng được.
Vinh Phát vộ vã chạy ra nói với Khương Nhược Sơn. Khương Nhược Sơn lật đật lấy áo mão mặc vào ra nghinh tiếp, nhưng Khương Nhược Sơn không biết là Thiên tử nên mời vào dùng lễ tân chủ ngồi ngang nhau và dạy gia tướng pha trà dâng lên .
Vua Thành Tôn ngổi nghĩ thầm:

Ta đây đường đường một vì Thiên tử mà lại ngồi ngang hàng với một kẻ tiểu hộ bần dân thế này cũng đáng buồn cười

Nghĩ rồi, vua Thành Tôn nói với Khương Nhược Sơn:
- Tôi phụng thánh chỉ đến đây có việc cơ mật cần phải giáp mặt Lệ Thừa tướng mới được, xin người làm ơn đua tôi vào.
Khưong Nhược Sơn nói:
- Nếu vậy xin ngài hãy ngồi đây chờ tôi tin cho Thừa tướng biết trước đã .
Nói rồi, Khương Nhược Sơn đúng dậy vào phòng thuật cho Lệ Minh Đường nghe. Lệ Minh Đường nói:
- Thế thì nghĩa phụ cứ mời tên nội giám ấy vào đây xem nào!
Khương Nhược Sơn liền ra dắt vua Thành Tôn vào. Lệ Minh Đường vừa trông thấy, thất kinh, vội vàng bảo Vinh Phát:
- Có Thánh giá giá lâm, hãy mau mau bảo người nhà ra hết.
Nói rồi bước ra trước cửa phòng nghinh tiếp, quỳ xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ!hạ thần không hay Thánh giá giáng lâm nên nghinh tiếp trễ, thật tội đáng muôn thác.
Lúc ấy ông Khương Nhược Sơn trông thấy hoảng vía kinh hồn , lật đật thối lui ra ngoài, còn vua Thành Tôn thì vói đỡ Lệ Minh Đường dậy và bảo:
- Cần gì tiên sanh phải thủ lễ quá như vậy!
Nói rồi,vua ung dung bước vào phòng giở áo mão đi mưa ra rồi ngồi xuống ghế, cho phép Lệ Minh Đường ngồi gần một bên.
Vua Thành Tôn thấy căn phòng vắng vẻ và kín đáo thì nghĩ thầm:

Thơ phòng này tiện quá, vậy để lát nữa ta cùng nàng uống ít chén rượu cho đẹp cái duyên nợ ba sinh
.
Sau đó Vinh Phát dâng trà lên, vua Thành Tôn trông thấy Vinh Phát trẻ tuổi, mặt sáng và đẹp đẽ như trăng rằm thì cười nói với Lệ Minh Đường:
- Đã là cường tướng thì thủ hạ quyết không phải là nhược binh. Thầy trò của khanh thật xứng quá.
Lệ Minh Đường tâu:
- Bệ hạ dạy quá lời, hạ thần đâu dám! Hôm nay trời mưa gió, chẳng hay bệ hạ có việc chi mà phải lặn lội đến đây, nhọc mình rồng đến thế?
Vua Thành Tôn nghe hỏi, biết mình làm điều trái lẽ nên trong lòng cảm thấy hổ thẹn, liền nói:
- Hôm qua Hoàng Thái hậu và Hoàng hậu lập mưu bảo ái khanh vẽ tượng Quan Âm rồi ban Phiên tửu, lúc ấy trẫm có tìm mánh khóe nói cho ái khanh biết. Thế mà ái khanh không chú ý để đến nỗi phải trúng kế . Nếu trẫm không vì tình ái khanh mà che chở, sai nội giám đưa về, thì thế nào Hoàng hậu cũng cầm ái khanh lại trong cung và buộc kết duyên cùng Trung Hiếu vương rồi. Lúc nãy trẫm định sai nội giám đến đây, nhưng lại sợ nội giám không tài nào tỏ hết nỗi lòng của trẫm cho ái khanh nghe, nên đành phải thay hình đổi dạng đến đây. Ái khanh nên biết rằng sự việc ái khanh mà lộ ra thì cái tội khi quân ấy không thể dung được, chắc ái khanh cũng thừa hiểu .
Lệ Minh Đường hổ thẹn vô cùng, vội quỳ xuống tâu:
-Hạ thần biết tội ấy muôn thác, dẫu thân này có tan xương nát thịt cũng chưa đền đáp được.
Vua Thành Tôn đỡ dậy cho ngồi rồi mỉm cười phán:
- Trẫm vì ái khanh mà hao tổn biết bao tâm lực, nay nỡ nào đành cho khanh chịu tội sao! Nhưng hôm trước tại Thiên Hương quán thật khanh quá bạc tình! Bây giờ hoàn cảnh lại càng thuận tiện hơn nữa, nghĩa là đã sẵn có Mạnh Lệ Quân giả, ta cứ việc ép Trung hiếu vương cưới nàng là xong, còn ái khanh thì cứ việc vào triều nghiễm nhiên là một Thừa tướng, tất nhiên khanh sẽ bình yên vô sự.
Nói đến đó, vua Thành Tôn nhìn thẳng vào Lệ Minh Đường như có ý dò xét, rồi tiếp:
- Để rồi đây trẫm ép Trung hiếu vương phải kết hôn với Mạnh Lệ Quân giả thì khanh có thể thoát thân được. Nhưng nếu ái khanh không nghe lời trẫm, lại cứ nhận mình là Mạnh Lệ Quân thì trẫm sẽ chiếu theo quốc pháp mà trị tội, không thể nào dung thứ được.
Lời bình:
Muốn chiếm được quả tìm người con gái, không gì hiệu quả cho bằng thi ân với họ rồi từ chỗ người ân biến thành người tình không mấy chốc, nhưng việc thi ân ấy phải là vô tư mới có kết quả khả quan, chớ khi đã muốn người ta lại cố tình thi ân để thực hiện mộng gió trăng thì quả là một âm mưu, trong trường hợp này đã không kết quả gì mà chỉ làm cho họ khinh bỉ và nổi giận mà thôi.
Vua Thành Tôn đoạt giày, giữ bí mật cho nàng cố thi ân, nhưng đó cũng chỉ là một âm mưu, cho nên mặc dù vua gội gió dầm mưa chịu hạ mình làm một tên nội giám đến xin xỏ một tình thương, mà Lệ Minh Đường từ khước, đến nỗi vua phải căm hận, thì việc căm hận của vua Thành Tôn cũng không phải là việc lạ.
Một khi người ta yêu, mà không được đáp lại, tình yêu trở nên tình hận là thường. Huống chi vua Thành Tôn đã phải hạ mình chịu tổn thương thể diện không ít, mà không kết quả gì, Thì uất hận biết bao!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.