Chương 7
-
Tay Trắng Làm Nên
- Huân tước BeaverBrook
- 1455 chữ
- 2020-05-09 02:49:51
Số từ: 1468
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
Nguồn: NXB Hồng Đức
Trong việc kinh doanh, có hai thứ lầm lẫn: lầm lẫn vì thiếu kinh nghiệm và lầm lẫn vì dùng kinh nghiệm một cách vô lí.
Đừng nghĩ tới việc sửa đổi được một con người vô trách nhiệm, việc đó vô ích, vì kẻ vô trách nhiệm không thèm nghe những lời khuyên của người đó kinh nghiệm và khôn ngoan. Một kẻ đã bỏ lỡ tất cả các cơ hội thì có gặp cơ hội khác cũng lại bỏ lỡ nữa mà thôi. Một kẻ bẩm sinh ra không biết lí luận thì dù có đọc những sách về lí luận cũng vô ích. Khuyên bảo những hạng người đó chỉ là phí công.
Nhưng ta có thể tha thứ những lỗi lầm của tuổi trẻ được, vì những lỗi lầm đó dễ sửa. Thanh niên nào cũng có thể nhờ một kinh nghiệm chua chát mà học khôn được, hoặc có thể nhờ lời khuyên của kẻ đi trước đã mở đường cho mình mà tìm được một con đường tắt mới thành công.
Trong ngành kinh doanh, may lắm thì ngàn người có được một người bẩm sinh ra có thiên tài. Mà kẻ có thiên tài lại có thể dễ thất bại hơn người khác vì ham mạo hiểm và tự đắc, không có kinh nghiệm mà lại chẳng chịu nghe lời người khác.
Còn đương tuổi thanh xuân, tôi khuyên bạn nên chịu nghe một lời khuyên bảo sáng suốt còn hơn là chịu thất bại, làm nguy hại tài chính và mất lòng tự tin của bạn. Mất lòng tự tin tức là mất linh hồn của thành công.
Vậy những thanh niên có khả năng nhưng thiếu kinh nghiệm, những thanh niên tin ở số vận của mình nhưng chưa được rèn luyện, cần phải tránh những lỗi lầm nào đây?
Lỗi lầm thứ nhất là tin ở phép màu.
Những người tin ở phép màu không bao giờ để ý tới những cái lặt vặt, nó là dấu hiệu của sự thành công lớn sau này. Là vì đầu óc họ bị ảo vọng, nó như một ảo ảnh trong sa mạc, làm cho họ mê hoặc rồi họ lạc quan tới nỗi tin tưởng rằng chỉ một sớm một chiều là sẽ thành tỉ phú. Họ là nạn nhân của óc tưởng tượng của họ. Họ coi những người cạnh tranh với họ là hạng tầm thường, nhỏ nhoi, chẳng đáng kể; họ tự cho rằng chỉ có họ mới có chiếc chìa khóa vàng và chỉ cần vặn chìa khóa đó là làm chủ được vô số tài sản.
Ôi! Đâu có dễ dàng như vậy! Sự thật khác hẳn. Sự thậc là óc tưởng tượng của họ chẳng làm chủ được gì trong xã hội cả; họ mắc một căn bệnh nặng, bênh tin ở phép màu. Họ tưởng biết được câu thần chú để mở những cánh cửa thành công.
Không có người nào không tập sự lâu mà có thể trong một ngày nắm được bí quyết điều khiển công việc.
Bạn nên nghi ngờ những con người tự cho mình là thiên tài, chỉ có mình mới có óc tưởng tượng sáng tạo. Chắc chắn là họ lầm.
Lỗi lầm thứ hai là tin ở tài giao thiệp của mình. Lỗi lầm này rất tai hại. Nó thường mang hình thức dưới đây: người ta xoay xở, vận động để yết kiến các nhà đại doanh nghiệp, rồi bàn bạc một cách rời rạc về công việc làm ăn, bàn bạc chỉ để mong gây được thiện cảm thôi, chứ chẳng có mục đích gì rõ rệt cả.
Các nhà doanh nghiệp đó rất bận việc, đâu có để ý gì tới những chuyện tầm phào như vậy và có lẽ chưa đầy một tháng sau đã quên mất mặt mũi con người lại thăm mình rồi. Nhưng chàng thanh niên muốn
quảng giao
đó lại không hiểu như vậy.
Hắn cứ tin rằng hắn đã gây được cảm tình, khéo xã giao trong công việc làm ăn. Thái độ đó chẳng khôn ngoan chút nào mà cũng chẳng ích lợi gì (Tôi có thể nói thêm rằng: những người chịu tiếp hạng thanh niên đó cũng có lỗi như họ vì cả hai đều mất thì giờ vô ích).
Hai lầm lỗi đó do một chứng bệnh mà tôi có thể gọi là bệnh nghệ thuật khuếch trương quá độ đến nỗi lấn công việc kinh doanh. Hạng người đó cũng vô lí như một họa sĩ có những ý tưởng rất đẹp nhưng không đủ khả năng thể hiện nó lên tấm vải.
Lầm lỗi thứ ba là từ việc này nhảy qua việc khác, từ cực đoan này nhảy qua cực đoan khác.
Người ta thường thấy tật đó ở hạng thanh niên mắc cái tật phân loại có phương pháp, óc lúc nào cũng như chia thành nhiều ngăn nhỏ. Y như những bộ xương không thịt không máu. Những cái ngăn đó đầu độc đời sống nhà kinh doanh.
Có một lần người ta khuyên tôi dùng một thứ ngăn kiểu mới nhất trong phòng giấy của tôi ở Canađa. Sự sắp đặt thật tài tình, mọi việc được như ý cho tới ngày tôi bỗng nhận thấy rằng từ khi dùng kiểu ngăn phân loại tài liệu đó thì năng suất làm việc lại giảm đi. Thì ra không có gì khó hiểu cả. Các nhân viên của tôi chỉ loáy hoáy lo phân loại, sắp xếp mà hết ngày, không còn thì giờ làm công việc khác nữa. Tôi liền bãi bỏ lối sắp xếp đó đi. Biết bao nhiêu xí nghệp có tương lai mà suy sụp chỉ vì người điều khiển của sắp xếp quá ngăn nắp, chỉ thích dùng thẻ và dùng ngăn đó.
Người nào viết thư kĩ lưỡng quá cũng có tính tình giống hạng người tin ở hệ thống, ở nguyên tắc mà không có óc thực tế. Cái thói thích viết thư làm cho họ mất mỗi ngày hai ba giờ để viết cho thật hay, trình bày cho thật đẹp, tốn biết bao công phu, trong khi chỉ cần dùng một mẫu thư nào có sẵn mà điền mấy chữ vào là đủ.
Đành rằng phải thảo những bức thư quan trọng, nhưng người biết làm ăn, không khi nào dài dòng vô ích, mà viết rất gọn. Ngay những vấn đề quan trọng nhất cũng không cần phải viết mấy trang đặc để giảng giải. Thư càng ngắn thì lại càng rõ ràng.
Hạng lẩm cẩm thì không vậy. Buổi sáng tới hãng họ đọc thư cho thư ký tốc ký đánh máy, buổi chiều họ chịu khó sửa lại những bức đó, thấy vẫn còn có lỗi, lại bút lại, dùng viết chì xanh đánh dấu, ghi nhận xét, thế là mất toi hai giờ nữa, mà đa số các bức thư vẫn chưa gửi đi được. Người ta tưởng đâu như trong hãng của họ, không có công việc gì cả, rảnh rang lắm.
Một thanh niên vào hạng đó, lo tiếp xúc với ông này ông nọ, thảo rồi sửa thư từ cho không còn chê vào đâu được, đúng với nguyên tắc văn thư, làm cho nhân viên bù đầu với cái máy chữ và cái ngăn để tài liệu, xong bấy nhiêu công việc rồi thì còn thì giờ đâu nữa để tính toán công việc kinh doanh.
Bạn có thể bẻ tôi:
Ba tật đó khác xa nhau, không có lẽ nào mà một người lại mắc đủ cả ba được
. Phải, óc tưởng tượng làm sai sự thực, tính quá ngăn nắp thích các hệ thống phân loại, với tính lẩm cẩm tốn công viết thư cho thật kỹ, thật đẹp, những thói đó có vẻ khác nhau xa. Vậy mà, lạ lùng thay, tôi vẫn thường thấy những kẻ có đủ cả ba tật đó.
Những kẻ đó đầu óc không minh mẫn, lộn xộn, quá cương quyết mà lại quá bận việc,không sao đạt mục đích được. óc tưởng tượng của họ nhảy qua giới tuyến của sự thực, và cơ hồ như họ tự ý thức được điều đó, nên mới phải dùng một cách phân loại, sắp đặt tỉ mỉ, phải đặc biệt chú ý tới tiểu tiết, để ngăn óc tưởng tượng lại, không cho nó nhảy bậy bạ mà nguy hiểm. Và rốt cuộc là họ kiệt lực về những việc đó.
Họ là một chiếc tàu không có bánh lái: cứ tiến tới mà không biết tiến về đâu. óc tưởng tượng của họ không biết giới hạn của cái vô lí; sức của họ hao mòn vào những tiểu tiết kì cục.