Chương 12 - Người đàn bà trong cổ mộ đài
-
Thần Điêu Hiệp Lữ
- Kim Dung
- 9684 chữ
- 2020-05-09 09:43:59
Số từ: 9687
Nguồn : sưu tầm
Thầy trò đang ngớ ngẩn thì một hồi tù và nữa lại nổi lên, tiếng tù và đằng đằng sát khí, báo hiệu có người đang giao đấu với nhau.
Khưu-xứ-Cơ tỏ vẻ giận dữ, nói:
- Quân gian ác! Quân gian ác!
Rồi ông ta nhìn về phía rừng cây rậm, nói tiếp:
- Quách-Tỉnh con! Bọn gian phi kia đã nguyền mười năm nữa đến trả thù. Lời nguyền ấy dụng ý trong mười năm sau chúng khỏi bận tâm đương đầu với con, để rảnh tay phá phách thiên hạ. ở đời lại có những bọn lợi dụng danh dự làm kế tiểu xảo như vậy sao? Thôi, ta đi đây.
Quách-Tỉnh hỏi:
- Bọn đó là Hoắc-Đô công tử chăng?
Khưu-xứ-Cơ nói:
- Còn ai vào đây nữa! Bọn đó lại đến gây việc giao chiến với Tiểu-long-Nữ rồi.
Vừa nói, Khưu-xứ-Cơ vừa chạy như bay xuống núi. Quách-Tỉnh chạy theo sau.
Hai người vượt qua khỏi chừng một trăm dặm đường thì tiếng tù và nổi bật lên. Trong tiếng tù và ấy có chen lẩn tiếng lêng kêng, chứng tỏ rằng vị sư Tây-Tạng Đạt-nhĩ-Ba cũng đã xuất trận.
Khưu-xứ-Cơ nói:
- Hai đứa nầy vốn sanh trong chốn danh gia vũ nghệ mà lại hợp nhau đi hiếp đáp một thiếu nữ thì không còn biết sỉ nhục là gì.
Quách-Tỉnh theo chân Khưu-xứ-Cơ rảo bước, mỗi lúc một nhanh hơn. Chỉ chốc lát cả hai đến sau lưng núi. Nhìn qua vách đá. Quách Tỉnh trông thấy núi rừng một màu đen đặc, phía trên khoảng rừng cây thấp thoáng bóng mười người, đứng sừng sững như những bóng ma si tình đã vây đánh nơi Trùng-Dương điện trước đây.
Hai người ẩn sau vách đá để xem xét động tĩnh ra sao!
Hoắc-Đô hoàng-tử và nhà sư Tây-Tạng đứng khít nhau, cứ sau mỗi tiếng tù và thổi lên là họ nối theo những tiếng keng keng cốt sao khiêu khích Tiểu-long-Nữ ra khỏi mộ đài.
Sau một lúc khích lệ, rừng cây náo động trở lại với trạng thái êm đềm giữa rừng khuya.
Hoắc-Đô hoàng-tử bỏ chiếc tù và xuống đất, dõng dạc với giọng nói sang sảng:
- Ta là Tiểu vương xứ Mông-Cổ, tên Hoắc-Đô, kính hướng Tiểu-long-Nữ chào mừng.
Cứ mỗi lần nói xong, trong rừng cây có tiếng đờn "tanh tanh" vọng lại chào mừng.
Thấy Tiểu-long-Nữ đánh đờn đáp lễ, Hoắc-Đô hoàng tử mừng rỡ, cất giọng nói tiếp:
- Được nghe thiên hạ đồn về đạo hạnh cô nương, nên ta đến đây xin đem tài tỉ thí để cầu duyên, xin cô nương vui lòng chỉ giáo cho chút ít tài nghệ.
Lời nói vừa dứt, tiếng đàn bỗng trở nên kích động, bao hàm ý giận dữ như muốn đuổi khách. Bọn tà ma nào có hiểu gì tâm trạng của kẻ chơi đàn. Hoắc-Đô lại cất giọng nói:
- Tiểu vương tôi vốn giòng giõi danh gia vong tộc, dung mạo nào có thô kệch gì, ước mong được cô nương thưa tiếp, tôi tin rằng với tài nghệ của tôi không đến nỗi làm cho cô nương thẹn mặt.
Giọng đờn bỗng cao vọt lên như có ý trách móc. Cây thiết huyền cầm vốn có âm thanh thật hòa nhã trong trẻo, thế mà chẳng biết tâm trạng của cô gái ấy ra sao mà lúc bấy giờ tiếng đàn bỗng trở nên chua chát, khiến những kẻ biết nghe đờn không dám kiên nhẫn đứng nghe lần thứ hai nữa.
Hoắc-Đô quay sang phía nhà sư Đạt-nhi-Ba, đưa mắt hỏi dò ý kiến. Nhà sư Tây-Tạng gật đầu, Hoắc-Đô nói:
- Cô nương nhất định không ra, Tiểu vương nầy chỉ còn có cách là dùng võ lực để thỉnh cầu thôi.
Nói đoạn, hắn vung tay phải lên ra hiệu, tức thì bọn yêu tà ào ào chạy về hướng rừng cây.
Trong bọn chúng đứa nào cũng nghĩ bụng:
- Bọn Toàn-Chân là môn phái lợi hại trong giới võ lâm mà hai người cầm đầu của chúng còn chưa sợ, chúng dại gì mà không hứa theo hai đứa nầy để vào mộ đài cướp bóc.
Nghĩ thế, chúng tranh nhau, mạnh ai nấy chạy vào rừng.
Khưu-xứ-Cơ trông thấy nổi giận lớn tiếng hét:
- Đây là chốn cũ của tổ sư chân nhân ta, chúng bay không được vô lễ phạm đến.
Mọi người nghe giọng nói của Khưu-xứ-Cơ oang oang trong rừng, một giọng nói hùng hồn như có một mãnh lực chặn đứng mọi hành động phi nghĩa, tất cả đều rờn rợn nhưng lòng tham của chúng thúc giục chúng không dừng bước.
Khưu-xứ-Cơ quay lại nói với Quách-Tỉnh:
- Quách đồ đệ, chúng ta ra tay kẻo trễ.
Tức thì hai thầy trò Quách-Tỉnh từ sau bức tường đá co chân nhẩy vọt tới. Nhưng bỗng họ dừng chân lại, vì trước mặt họ, bọn tà sư kia một lũ lố nhố ôm đầu chạy thối lui, miệng rên rỉ kêu cứu.
Khưu-xứ-Cơ cũng như Quách-Tỉnh đều đứng ngây người nhìn cuộc rối loạn của chúng.
Chẳng bao lâu Hoắc-Đô và Đạt-nhi-Ba cũng trồi đầu ra, vẻ mặt hầm hầm kinh sợ chẳng khác nào vẻ mặt thảm hại khi chúng rút lui ở Trùng-Dương cung.
Khưu-xứ-Cơ và Quách-Tỉnh trong lòng không khỏi ngạc nhiên tự hỏi:
- Chẳng biết Tiểu-long-Nữ đã dùng biện pháp nào mà xua đuổi bọn chúng mau lẹ như thế?
Hai người chưa tìm được lời giải đáp thì bỗng nghe đằng xa có tiếng kêu vù vù vọng lại. Dưới ánh trăng màu sữa loãng, một đoàn côn trùng đang bay đến vun vút. Đoàn côn trùng tỏa ra tứ phía, bâu vào đầu bọn dâm tặc kia mà cắn.
Quách-Tỉnh lấy làm lạ, hỏi:
- Chẳng biết giống côn trùng ấy thuộc loại gì.
Khưu-xứ-Cơ lắc đầu không đáp, chăm chú nhìn, thấy trong bọn kia có nhiều người nhảy chồm lên kêu la vì đau đớn quá.
Quách-Tỉnh nói:
- Đúng là loài ong rồi! Nhưng tại sao ong lại có sắc trắng.
Lúc ấy bầy ong lại xúm đến đốt vào đầu bảy tám người nữa. Họ nằm lăn ra, kêu thảm thiết.
Quách-Tỉnh nghĩ bụng:
- Bị ong đốt mà đau đớn như thế tất loài ong nầy có một thứ nọc độc khác thường khiến người ta không thể chịu nổi.
Bây giờ, bầy ong đang thắng thế, cất cánh vù vù tiến dần về phía Khưu-xứ-Cơ và Quách-Tỉnh.
Khưu, Quách hai người cũng ái ngại không biết phải đối phó bằng cách nào. Khưu-xứ-Cơ vận khí dồn xuống đơn điền, rồi búng miệng thổi ra một hơi. Một luồng gió làm xào xạc rừng cây thổi ngược lại bầy ong.
Bầy ong đang lúc hăng say thẳng hướng, thấy có luồng gió vội dừng cánh. Khưu-xứ-Cơ búng miệng thổi tiếp một hơi nữa, và Quách-Tỉnh cũng búng miệng thổi phụ vào. Bầy ong bị gió cản lại quay sang hướng khác. Hai người này áp dụng ngón võ nghệ vi diệu của phái Toàn-Chân, làm cho bầy ong chống cự không nổi.
Bầy ong lại tỏa ra, tìm bọn Hoắc-Đô, Đạt-Nhĩ-Ba mà cắn. Hơn mười nạn nhân nữa quằn quại rên la vì nọc độc của bầy ong quái quắc kia. Chúng nói lớn:
- Chúng con biết đã phạm trọng tội, xin Tiểu-long-Nữ cô nương vui lòng cứu sống cho.
Quách-Tỉnh lấy làm lạ nghĩ thầm:
- Bọn kia toàn là những đứa đã từng sống trong đời võ sĩ giang hồ, can đảm có thừa, coi cái chết như không, cớ sao lại rên rỉ thảm thiết trước một bầy ong nhỏ bé như thế nhỉ?
Bấy giờ từ trong rừng vọng ra tiếng đàn cầm. Trên ngọn cây dâng lên một đám khói thưa thớt, trắng phau. Và một mùi hương phảng phất thơm ngát.
Một lát sau, tiếng bay phần phật của bầy ong mỗi lúc một gần. Khi ngửi thấy hương hoa, bầy ong nhóm lại bay trở về rừng.
Thì ra Tiểu-long-Nữ đã tung hương hoa để chiêu hồi đàn ong trở về.
Khưu-xứ-Cơ đã từ hai muơi năm trường là kẻ lân bang của Tiểu-long-Nữ thế mà cũng chẳng biết nàng có thể làm được những chuyện lạ lùng như thế, nên nay đem lòng cảm phục.
Với một giọng nói hình như thích thú, Khưu-xứ-Cơ quay lại Quách-Tỉnh:
- Nếu chúng ta sớm biết tài nghệ Tiểu-long-Nữ thế nầy thì Trùng-Dương cung của chúng ta chắc không đến nỗi phải bị tiêu diệt.
Câu nói của Khưu-xứ-Cơ tưởng chỉ để mình Quách-Tỉnh nghe thấy mà thôi nhưng hình như trong mộ đài Tiểu-long-Nữ cũng biết được ý tứ của hai người bằng phép "độc tâm thuật" nên bỗng có tiếng đàn vọng ra, giọng rất dịu dàng tựa hồ như một lời cảm tạ kẻ tri âm.
Khưu-xứ-Cơ cười hề hề, nói:
- Cô nương bất tất phải dùng đến lễ độ như thế. Bần đạo Khưu-xứ-Cơ này xin cho đệ tử Quách-Tỉnh thân đến nơi kính chúc cô nương.
Bên trong, đàn cầm vọng ra hai tiếng tanh-tanh" để cảm ơn rồi im bặt.
Quách-Tỉnh nghe trong bọn Hoắc-Đô có những tiếng kêu thảm thiết, động lòng nói với Khưu-xứ-Cơ:
- Bọn họ là những thiên thần tội nghiệp. Xin sư phụ thỉnh cầu với Tiểu-long-Nữ để cho chúng ta được cứu mạng họ.
Khưu-xứ-Cơ nói:
- Cứ để tùy ý Long cô nương xử trí, chúng ta chớ nên dự vào. Chúng ta trở về thôi.
Nói xong, hai thầy trò Khưu-xứ-Cơ lui gót, trở về hướng đông.
Dọc đường Quách-Tỉnh đem thân thế Dương-Qua kể lại tỷ mỷ cho Khưu-xứ-Cơ nghe.
Khưu-xứ-Cơ thở dài, nói:
- Dương-Khang, cha của Dương-Qua là một vị anh hùng, lẽ nào chúng ta không thương tình đào luyện cho Dương-Qua trở nen người nối nghiệp. Phần con, con đã có lòng tốt với Dương-Qua thì cũng nên ráng hơn nữa. Còn ta, ta sẽ tận tâm nuôi dạy để mai sau nó nên người.
Quách-Tỉnh nghe Khưu-xứ-Cơ nói, rất mừng rỡ, tuy dọc đường giữa rừng núi, Quách-Tỉnh cũng quỳ xuống để tạ ơn:
Khưu-xứ-Cơ lại hỏi:
- Có lần con nói rằng tại Đào-hoa đảo có người đến vẽ trộm địa đồ, và bên trong có Cái-Bang dính líu việc ấy có nghĩa gì vậy?
Quách-Tỉnh thưa:
- Sư phụ còn nhớ đến đứa học trò bất hiếu là Bành không?
Khưu-xứ-Cơ như nhớ ra, nói:
- à! Ta nhớ rồi! Nó lớn gan lắm! Nhưng không ngờ nó lại dám đến tận đảo Đào-hoa mà sanh chuyện nhỉ.
Quách-Tỉnh nói:
- Vợ chồng đệ tử đã suy nghĩ rất nhiều, cố tìm hiểu chuyện đó: "Nếu chỉ có Bành thị thì nhất quyết Bành-thị không dám làm liều, ngặt vì trong việc còn có người đứng sau ném đá giấu tay.
Khưu-xứ-Cơ cười, nói:
- Hiện nay võ nghệ của Hoàng Dung và lối bố trí trên đảo Đào-hoa, nếu có người toan đến phá phách thì kẻ ấy nhất định mang thất bại, chẳng làm được trò trống gì. Vậy con chẳng cần bận tâm đến làm chi!
Quách-Tỉnh gật đầu tỏ vẻ đồng ý rồi bỏ qua việc ấy.
Hai người chuyện trò với nhau một lúc thì về đến Trùng-Dương điện. Bấy giờ trời đã sáng tỏ, mọi người đang dọn dẹp, tìm gỗ đá chặt cây dựng lên mấy túp lều tạm trú. Ngôi võ điện nguy nga trước đây bây giờ chỉ còn lại những vết chân tường làm kỷ niệm.
Khưu-xứ-Cơ triệu tập các đạo sĩ họp mặt, rồi dẫn đạo sĩ râu dài đã chỉ huy trận Bắc-đẩu giới thiệu với Quách-Tỉnh:
- Người nầy học trò của Vương sư đệ, tên là Triệu-chí-Kính làm tam đại đệ tử, đã tập luyện rất thuần thục. Ta định giao trách nhiệm giáo dục Dương-Qua cho Triệu-chí-Kính.
Quách-Tỉnh đã từng giao đấu với Triệu-chí-Kính, nên biết Triệu-chí-Kính võ nghệ đã điêu luyện, lấy làm mừng, liền gọi Dương-Qua bảo phải làm lễ nhập môn Triệu-chí-Kính.
Kế đó, Quách-Tỉnh ở lại Chung Nam sơn ít bữa dặn dò Dương-Qua cặn kẽ, rồi từ biệt mọi người trở về đảo Đào-hoa.
Dùng dằng mãi, Quách-Tỉnh mới xa Chung-Nam sơn mà lòng đầy lưu luyến.
Khưu-xứ-Cơ nhớ lại hồi năm xưa, Dương Khang vì võ nghệ siêu quần nên được giao giữ việc nuôi dưỡng Tôn-xứ-Ưu ở Vương phủ. Sau đó vì hư hỏng ở Trù-Thành nên mang hại. Do lẽ đó Khưu-xứ-Cơ tự nghĩ rằng: Phàm thầy dạy có nghiêm thì mới tạo nên được trò giỏi, cha có nghiêm thì mới rèn được đứa con có hiếu. Việc dạy dỗ Dương-Qua phải rất nghiêm thì mới tránh được vết xe đồ của cha nó.
Ngay lúc ấy, Khưu-xứ-Cơ gọi Dương-Qua vào, nghiêm sắc mặt lớn tiếng ra lệnh cho nó phải chịu sự khó nhọc, khổ sở bất cứ việc gì cũng phải vâng lời Triệu-chí-Kính.
Dương-Qua vốn đã không muốn ở lại Chung-Nam Sơn. Bây giờ mới vừa thọ giáo đã bị một trận quở mắng trong lòng lại càng thêm ấm ức. Tuy cố nhẫn nhục nghe, song nước mắt tràn ra, không ngăn nổi.
Rồi đợi đến lúc Khưu-xứ-Cơ đi khỏi nó oà ra khóc.
Triệu-chí-Kính thấy thế nhỏ nhẹ hỏi:
- Có điều gì thế! Đạo trưởng có điều gì làm cho con không đẹp ý chăng?
Dương-Qua quay đầu lại, thấy Triệu-chí-Kính, sư phụ mình, lấy làm bối rối, chấp tay thưa:
- Thưa sư phụ, con nghĩ đến chú Quách đảo Đào-hoa, lòng nhớ nhung không cầm được.
Triệu-chí-Kính thấy Dương-Qua chỉ vì bị Khưu-xứ-Cơ nghiêm khắc nên khóc lóc, giờ đây nó lại viện cớ nói dối là nhớ Quách-Tỉnh mà khóc. Lời ấy làm cho Triệu-chí-Kính không bằng lòng, thầm nghĩ: Thằng bé chưa bao nhiêu tuổi mà đã dùng lời lẽ lừa dối! Vậy ta phải răn dạy thế nào cho nghiêm mới có thể sửa đổi được tính nết của hắn.
Nghĩ như vậy Triệu-chí-Kính hầm hầm nét mặt nạt:
- Đối với bực sư phụ mà ngươi dám dối ư?
Thật ra, Dương-Qua chính mắt đã trông thấy các đạo sĩ Toàn-Chân môn phái, người nào cũng đều bị Quách-Tỉnh đánh tơi bời như lá rụng. Nó lại thấy Khưu-xứ-Cơ và đồng bọn lại bị Hoắc-Đô dùng yêu tà làm cho thất điên bát đảo phải nhờ vào sức Quách-Tỉnh mới thoát được cảnh đại bại. Nó cho võ nghệ của các đạo sĩ Trùng-Dương cung chỉ là bậc tầm thường không đi đến đâu cả. Ngay đối với Khưu-xứ-Cơ nó chẳng khâm phục, huống hồ Triệu-chí-Kính.
Tuy nhiên, lòng nó cũng có đôi chút thắc mắc: tại sao võ nghệ họ như vậy mà trong giới giang hồ ai cũng ca tụng môn phái Toàn-Chân, cho môn phái Toàn-Chân là một môn phái chơn truyền thuộc vào hạng nhất trong thiên hạ.
Phải chăng vì môn đồ đã biếng nhác, tập luyện không đến nơi đến chốn, để cho phái võ này càng ngày càng đi đến chỗ thất truyền?
Nhưng dù sao, trước mắt nó, với Khưu-xứ-Cơ, Triệu-chí-Kính những kẻ nó đã cho rằng bất tài thì dẫu nó có thọ giáo cũng chẳng ích gì.
Dương-Qua đã nhồi đi nhồi lại trong óc bao nhiêu ý tưởng như trên. Và cũng chính vì ý tưởng đó mà sau này lắm chuyện không hay đã xảy đến cho nó.
Dương-Qua thấy sắc mặt sư phụ tỏ ra khó chịu, nghĩ thầm:
- Ta tuy làm lễ thụ giáo, nhận người là thầy thực, song chỉ vì bất đắc dĩ. Dẫu ta có cố ý vâng lời, gắng công tập luyện một lối võ như người rồi ra cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Nghĩ như thế, nó quay mặt đi, không thèm nói gì đến Triệu-chí-Kính cả.
Triệu-chí-Kính nổi giận, quai mồm ra hét:
- Ta hỏi mi, mi dám to gan không trả lời sao?
Dương-Qua quay lại nói:
- Sư phụ muốn tôi trả lời sao thì tôi trả lời vậy, không cần phải hỏi tôi làm chi.
Triệu-chí-Kính thấy nó vô lễ lòng giận dữ không thể nén được, đưa tay tát vào mặt nó một cái, trán nó sưng lên một cục bứu rất lớn.
Dương-Qua kêu lên một tiếng, rồi vừa nhón chân khóc vừa chạy vào rừng.
Triệu-chí-Kính đuổi theo kịp, nắm nó lại hỏi:
- Mày chạy đi đâu?
Dương-Qua trừng mắt nói:
- Ông thả tôi ra, tôi không thèm học võ nghệ của ông làm gì.
Triệu-chí-Kính càng giận hơn, quát mắng:
- Đồ vô loại! Mày nói gì thế?
Dương-Qua lúc bấy giờ chẳng cần gì nữa, mắng lại:
- Đạo sĩ hèn hạ! Cứ đánh ta cho chết đi!
Thời xưa, bổn phận của học trò đối với thầy được xem là tuyệt đối, tình thầy chẳng khác gì tình cha con. Trong giới võ lâm cũng thế, sư phụ có quyền xử tử đệ tử, mà đệ tử chẳng hề dám nói một tiếng. Lúc bấy giờ Dương-Qua dám mở mồm mắng lại Triệu-chí-Kính là một điều ít trông thấy, một cử chỉ trái nghịch, một hành vi vô đạo.
Do đó, Triệu-chí-Kính mặt tái đi vì giận, khi uất lên đến tuyệt đỉnh, liền đưa tay tát vào mặt Dương-Qua mấy cái. Dương-Qua né tránh rồi thừa cơ nắm được tay Triệu-chí-Kính, cắn lấy ngón tay trỏ.
Trước đây Dương-Qua được Âu-Dương-Phong truyền dạy nội công tuy chưa đến đâu song cũng có thể sử dụng tạm thời trong các việc lặt vặt. Nó cắn chặt ngón tay Triệu-chí-Kính, làm cho Triệu-chí-Kính vùng vẫy thế nào cũng không được.
Đau quá, Triệu-chí-Kính hét lớn:
- Muốn sống bỏ ra! Mầy muốn chết sao?
Dương-Qua đã lỡ, không còn biết sợ hãi nữa. Vả lại nó cũng đã đến mức tức quá không thể nhịn nổi, nên Triệu-chí-Kính càng nói nó lại càng cắn chặt hơn, nhứt là lúc nó bị Triệu-chí-Kính dùng tay đánh vào đầu vào vai nó.
Triệu-chí-Kính rút tay không ra, bị đau quá cũng không còn e dè gì nữa, dùng tay trái đánh một chùy thật mạnh vào "Thiên linh cái" của nó, thằng bé bị tê hẳn người đi té xỉu xuống đất. Nhờ đó Triệu-chí-Kính mới rút tay ra được, thì ngón tay của ông ta đã đứt thấu xương.
Ngón tay đó, Triệu-chí-Kính có thể dùng kim khâu lại, xức thuốc lành, song, chịu tật, không cử động lanh lợi được nữa.
Nhìn ngón tay bị thương, Triệu-chí-Kính cơn tức chưa nguôi, dùng chân đá vào mình Dương-Qua mấy cái cho hả dạ, rồi mới xé áo buộc ngón tay lại.
Nhìn cùng bốn phía, Triệu-chí-Kính không thấy có bóng một người nào, lẩm bẩm:
- May mà không ai thấy, nếu có kẻ biết được thì ta còn gì thể diện.
Triệu-chí-Kính lấy nước rảy vào mặt Dương-Qua cho tỉnh lại. Nhưng thằng bé vừa tỉnh, nó chồm dậy, xông vào Triệu-chí-Kính toan đánh.
Triệu-chí-Kính trợn tròn đôi mắt, nắm áo trước mặt nó, hét:
- Đồ súc sinh! Mày muốn ta đánh chết sao?
Dương-Qua đôi mắt đỏ ngầu, chưởi lớn:
- Đồ chó má! Mi là đồ đạo sĩ khốn nạn!
Triệu-chí-Kính không còn nhẫn nhục được nữa lấy ngón tay xỉ vào mặt nó một cái.
Như đã đề phòng trước, Dương-Qua tránh khỏi, rồi tiến sát vào đưa tay đánh lại.
Triệu-chí-Kính thoi cho nó mấy cái nữa, làm cho nó xiển niển. Tuy nhiên, thằng bé vẫn như không biết đau, lì lợm dấn thân vào.
Thật ra, Triệu-chí-Kính chỉ dùng một tay một chân cũng đủ làm cho Dương-Qua thọ thương song ông ta nghĩ rằng nó là đệ tử mình, nếu đánh nó bị thương tích, lúc trở về các sư phụ và sư bá hỏi thì biết trả lời làm sao.
Nghĩ thế Triệu-chí-Kính cố tình nhân nhượng.
Nhưng Dương-Qua không biết thế. Cơn giận làm cho nó như điên như dại. Nó lấy hết sức bình sinh coi như mình đang đứng trước một địch thủ bắt cộng đái thiên, mặc dù bị đánh té xiển niển, nó vẫn xông đến, không chịu đầu hàng.
Sau một hồi đấm đá liên tiếp, Triệu-chí-Kính thấy mặt mày, mình mẩy Dương Qua tím bầm, không còn sót chỗ nào, lòng hối hận muốn thôi, không đánh nữa. Song Dương Qua vẫn một mực nhất định không chịu thôi, buộc lòng Triệu-Chí-Kính phải dùng tay điểm vào huyệt phía dưới lưng nó, nó mới chịu nằm xoài xuống đất.
ấy thế mà trong lúc nằm xoài dưới đất, đôi mắt nó nộ khí vẫn còn tiết ra ngùn ngụt.
Triệu-chí-Kính nói:
Mày là đứa môn đệ phản nghịch. Mày có chịu sửa lỗi hay không?
Dương-Qua vẫn trợn đôi mắt nhìn Triệu-chí-Kính tỏ vẻ bất phục, mà không nói năng gì cả.
Triệu-chí-Kính bực bội, bước lại ngồi trên một tảng đá thở hào hển.
Thật ra, Triệu-chí-Kính đấu với một đối thủ võ nghệ cao cường, hơn ba tiếng đồng hồ liền mà chẳng bao giờ ông ta thở hổn hển như thế. ấy bởi khí tức của ông ta lên quá cao, làm cho người ông ta mất thăng bằng đó thôi.
Triệu-chí-Kính nhìn đứa học trò mình nằm dài dưới đất, nghĩ đến tánh ngang bướng của nó, chưa biết nên xử trí thế nào, thì bỗng một hồi chuông từ nơi võ điện vang rền.
Đó là tiếng chuông chiêu tập môn đệ của vị giáo trưởng Mã-Ngọc.
Triệu-chí-Kính nghe tiếng chuông giật mình, quay lại bảo Dương-Qua:
Nếu từ rày trở đi mày còn ngang bướng vô lễ như thế thì ta đánh đến chết không tha.
Nói đoạn, Triệu-chí-Kính lấy ngón tay ấn vào huyệt để giải đau cho Dương-Qua.
Nào ngờ Dương-Qua vừa nhỏm dậy lại xông vào đánh nữa.
Triệu-chí-Kính tức giận, nói:
- Tao không đánh mày nữa sao mày lại làm thế?
Dương-Qua hậm hực nói:
- Từ nay trở đi người còn đánh nữa chăng?
Tiếng chuông giục vang hồi khiến cho Triệu-chí-Kính không còn thì giờ nói nhiều hơn.
- Mày mà không chừa tật hỗn ẩu, vô lễ thì ta còn đánh mãi, đánh đến chết mới thôi.
Dương-Qua nói:
- Thế càng tốt! Nếu không đánh ta, ta gọi bằng sư phụ, còn nếu cứ đánh mãi, ta chẳng thèm nhận là sư phụ nữa.
Triệu-chí-Kính cười chua chát, gật đầu nói:
- Trường giáo triệu tập chúng ta về võ điện. Thôi hãy trở về nhận lệnh đã, bữa khác sẽ hay.
Thấy Dương-Qua áo quần tơi tả, mặt mày tím bầm, sợ có người trông thấy hỏi nó, nó nói thật thì danh dự làm thầy của Triệu-chí-Kính còn gì, Triệu-chí-Kính lòng lo lắng, cực chẳng đã phủi lại quần áo và lau mặt cho thằng bé nắm tay nó dắt về võ điện.
Bây giờ nơi điện Trùng-Dương cung đã được cáo đạo sĩ dựng lên mười mấy túp lều tranh, xây cất trên nền cũ. Triệu-chí-Kính và Dương-Qua về đến nơi thì ai vào phòng nấy, chỉ còn có Mã-Ngọc Khưu-Xứ-Cơ và Dương-xứ-Nhất hãy còn ngồi ở bên ngoài.
Mã-Ngọc vỗ tay ra hiệu, mọi người đều im bặt. Giọng ông sang sảng nói:
- Trường-Sinh chân nhân sai Thành-Tinh từ Sơn-Tây đến, cho biết bên ấy tình thế rất nguy ngập, Trường-Xuân và Ngọc-Dương chân nhân đã tới ứng điện, nay yêu cầu ta và đệ tử đi cứu ứng đây.
Mọi đạo sĩ nhìn nhau tỏ ra rất phẫn uất.
Tiếp theo đó, Khưu-xứ-Cơ đọc danh sách mười đạo sĩ đã được lựa chọn ra đi. Ông ta nói:
- Các ngươi sửa soạn hành lý để sáng sớm theo ta.
Các đạo sĩ xôn xao bàn tán:
- Lý-mạc-Thu chẳng qua là một nữ nhi, vì sao Trường-Sinh chân nhân và Lưu sư thúc không địch nổi?
Có người nói:
- Nếu Khưu xứ bá và Vương sư thúc đến đó thì chắc Lý-mạc-Thu phải cúi đầu hàng phục.
Trong lúc mọi người đang bàn tán thì Khưu-xứ-Cơ bước đến bên Triệu-chí-Kính nói:
- Ta muốn đem ngươi theo ta, nhưng thấy ngươi không thể trễ tràng việc giáo dục Dương-Qua nên đành phải để ngươi ở lại.
Đoạn ông ta liếc mắt nhìn Dương-Qua, thấy thằng bé mặt tím bầm, ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao thế? Ai đánh cháu thế này?
Triệu-chí-Kính lo sợ nếu Dương-Qua kể ra sự thật ắt Khưu-xứ-Cơ sẽ quở trách, nên hốt hoảng đưa mắt nhìn Dương-Qua với thái độ trấn an. Nhưng, Dương-Qua làm ngơ không thèm để ý.
Khưu-xứ-Cơ giận dữ nói:
- Đứa nào đánh cháu thế nầy thật là đốn mạt! Cháu hãy nói rõ cho ta biết.
Câu nói ấy càng làm cho Triệu-chí-Kính bối rối hơn. Song Dương-Qua tỏ vẻ bình thản nói:
- Không có ai đánh cháu cả. Vì vô ý, cháu bị vấp ngã trong hang núi.
Khưu-xứ-Cơ không tin, hét lớn:
- Đừng nói dối! Làm thế nào lại bị vấp ngã mà bầm mặt mày nhiều chỗ như vậy?
Dương-Qua thưa:
- Vì sư phụ con có dặn lúc nào cũng để tâm đến võ nghệ, do đó con lãng ý nên bị rủi ro.
Nghe nói thế, Khưu-xứ-Cơ hỏi dồn:
- Rồi sao? Rồi vì đâu bị vấp ngã như thế?
Dương-Qua thưa:
- Thấy sư phụ dạy thế con không muốn phụ lòng sư phụ, luôn luôn nghĩ đến việc học hành...
Những lời nói khôn ngoan của Dương-Qua khiến Triệu-chí-Kính rất hài lòng, nét mặt dịu lại.
Dương-Qua kể tiếp:
- Nào ngờ, đột nhiên có một con chó dại đến cắn cháu. Cháu đánh nó, nó vẫn cứ sấn lại làm dữ, cháu sợ nó cắn trúng nên thoát thân, chạy trốn. Trong lúc vội vàng cháu sơ ý trợt chân té xuống hang đá. May sao gặp sư phụ và nhờ sư phụ đến lôi cháu dậy.
Khưu-xư-Cơ bán tin bán nghi, đưa mắt nhìn Triệu-chí-Kính có ý hỏi dò hư thực thế nào.
Triệu-chí-Kính nét mặt hầm hầm, giận dữ nói:
- Mày xấc láo đến mức đó là cùng! Tại sao mày lại dám gọi ta là loài chó dại?
Khưu-xứ-Cơ ngạc nhiên, nhìn Triệu-chí-Kính không hiểu ra sao cả.
Triệu-chí-Kính trong lúc nóng nảy đã lỡ lời trước mặt Khưu-xứ-Cơ còn biết giấu giếm thế nào nữa. Nếu đồng lõa với Dương-Qua lừa dối Khưu-xứ-Cơ thì cũng khốn, mà nói thực ra thì cũng chẳng yên.
Triệu-chí-Kính quay sang Khưu-xứ-Cơ thưa:
- Dạ dạ! Đúng là đệ tử có vực nó dậy.
Chẳng biết Khưu-xứ-Cơ có thật tin lời Triệu-chí-Kính không, chỉ thấy ông ta nét mặt lạnh nhạt rồi nói lảng sang chuyện khác:
- Ta đi rồi, ngươi phải rán sức truyền thụ cho Dương-Qua những huyền công của bản môn. Cứ mười ngày một lần phải lên trình với Mã sư bá, để Mã sư bá xem xét lại.
Triệu-chí-Kính lòng không vui đối với đứa đồ đệ như Dương-Qua, song Khưu-xứ-Cơ đã dặn dò không dám nói gì hơn phải cúi đầu vâng lệnh.
Dương-Qua lúc đó thích thú lắm, vì nó đã ám chỉ sư phụ nó là một con chó dại mà sư phụ nó không dám phản đối. Nó không để ý gì đến lời dặn dò của Khưu-Xứ-Cơ nữa.
Khưu-Xứ-Cơ vừa bước đi được mười bước, lửa giận phừng phừng bốc lên làm cho Triệu-chí-Kính không còn dằn được nữa, ông ta đưa tay đánh mạnh vào đầu Dương-Qua một cái. Dương-Qua kêu lớn:
- Khưu tiên sư! Khưu tiên sư!
Khưu-xư-Cơ ngoảnh lại hỏi:
- Cái gì thế?
Tay của Triệu-chí-Kính vẫn còn giơ lên ngay đầu Dương-Qua nên không chối cãi vào đâu được nữa. Triệu-chí-Kính vừa tức vừa ngượng cúi đầu không nói.
Dương-Qua chạy về phía Khưu-xứ-Cơ, mếu máo khóc và nói:
- Thưa tiên sư, tiên sư đi rồi không ai che chở cháu, chắc là các sư bá, sư thúc sẽ đánh con đến chết mà thôi.
Khưu-xứ-Cơ nhìn mặt Dương-Qua quát:
- Đừng nói bậy, làm gì có việc như thế!
Tuy bên ngoài Khưu-xứ-Cơ vẻ nghiêm khắc song bên trong nghĩ đến đứa bé thân cô thế quả, mồ côi cha mẹ, động lòng thương liền gọi Triệu-chí-Kính bảo, ta giao đứa bé này cho ngươi, nếu lúc ta trở về có gì sơ xuất ta sẽ quả trách ngươi đấy.
Triệu-chí-Kính không biết nói sao chỉ biết cúi đầu nghe dạy.
Ngày hôm ấy, sau bữa cơm chiều, Dương-Qua hăm hở chạy đến một gian nhà tranh, cửa phòng của Triệu-chí-Kính sư phụ nó.
Vừa bước vào, thấy Triệu-chí-Kính, nó đã vồn vã nói:
- Sư phụ!
Giờ ấy là giờ các đạo sĩ Trùng-Dương điện đang luyện võ công.
Triệu-chí-Kính ngồi xếp bằng trên một tấm ván, đang chú mục nhìn xa xăm, bỗng thấy thằng bé chạy vào, với dáng điệu ấy, Triệu-chí-Kính suy nghĩ:
- Thằng nhỏ nầy thật ranh mãnh, tinh ma. Ngay bây giờ nó đã bướng bỉnh, hỗn xược, nếu nó học được thành tài thì nó còn kể ai vào đâu nữa. Dạy nó thật hoài công. Tuy nhiên, Đạo trưởng đã có lời truyền, nếu ta những tận tâm chỉ dạy thì cũng không được.
Lòng Triệu-chí-Kính thắc mắc mãi, nghĩ chưa ra lối thoát.
Thấy sư phụ ngồi im lìm, thằng bé chậm rãi bước đến mỉm cười.
Cử chỉ ấy lại gieo vào lòng Triệu-chí-Kính một cái gì chán ghét. Thốt nhiên, Triệu-chí-Kính nghĩ ra được một giải pháp, bụng bảo dạ:
- Được, ta cứ cho nó học một số ít trăm câu ca về môn huyền công, còn mánh khóe về võ nghệ ta chỉ dạy đến nửa chừng mà thôi. Như vậy nó không thể nào đến mức điêu luyện được. Sau nầy đạo trưởng có hỏi đến, ta cứ đổ thừa cho nó là đứa biếng nhác, không chịu cố gắng học hành.
Nghĩ như thế, nét mặt Triệu-chí-Kính bỗng tươi hẳn lên. Ông ta quay về phía Dương-Qua nói:
- Qua nhi! Con đã đến đó sao?
Dương-Qua nói:
- Hôm nay có đánh ta nữa chăng?
Cũng vẫn với giọng hỗn láo đó, song Triệu-chí-Kính không thèm giận dữ như trước, nói:
- Ta truyền võ nghệ cho con nào có đánh đập con làm gì? Từ nay con phải lo học tập mới được.
Dương-Qua thấy thái độ Triệu-chí-Kính đổi khác, đổi một cách nhanh chóng ngoài sự ức đoán của nó lên lấy làm lạ, dần dần tiến lại gần, tuy chưa được yên trí lắm.
Triệu-chí-Kính liếc mắt nhìn nó với thái độ ung dung, chẳng tỏ ý gì thù oán nó, nói:
- Môn phái Toàn-Chân của ta luyện tập võ nghệ không giống các môn phái khác. ở đây chúng ta luyện tập từ trong ra ngoài chứ không phải từ ngoài vào trong. Bây giờ ta truyền cho con tâm pháp, con phải cố công học cho thuộc lòng.
Dứt lời Triệu-chí-Kính đọc một mớ khẩu quyết về nội công của môn phái Toàn-Chân.
Dương-Qua vốn thông minh hơn người, chỉ học qua là thuộc làu hết. Tuy nhiên, qua những vết nứt rạng giữa tình sư đệ, qua những trạng thái đổi thay bất ngờ của Triệu-chí-Kính. Dương-Qua nghĩ rằng: có lẽ Triệu-chí-Kính đã đem những khẩu quyết giả mạo để dạy nó lấy lệ, làm cho nó mất thời giờ đi chăng?
Nghĩ như vậy, nó giả vờ quên một vài đoạn đến hỏi Triệu-chí-Kính thì Triệu-chí-Kính cũng nói y như vậy.
Mặc dầu thế, nó vẫn chưa tin cách đó, hai ngày nó lại giả quên và hỏi lại nữa. Nhưng lần nào Triệu-chí-Kính cũng nói không khác.
Nó tin lời, cho khẩu quyết đó không phải là thứ giả.
Trong khoảng mười ngày, Triệu-chí-Kính không dạy món gì ra khác hơn là khẩu quyết. Ngoài ra việc tập luyện võ nghệ thì Dương-Qua không hề biết đến một mảy may nào.
Đúng ngày thứ mười, Triệu-chí-Kính đưa nó đến trình với Mã-Ngọc, và bảo là đã truyền cho nó bảo môn tâm pháp. Triệu-chí-Kính ra lệnh cho Dương-Qua đọc lại khẩu quyết cho Mã-Ngọc nghe.
Nó đọc không sót một chữ nào, khiến cho Mã-Ngọc phải tấm tắc khen thầm:
- Thằng bé nầy thông minh đáo để. Sau này ắt nó phải trở thành một tay võ hiệp siêu quần trong phái Toàn-Chân.
Mã-Ngọc đâu có ngờ quỉ kế của Triệu-chí-Kính!
Mấy tháng trời trôi qua như chớp, thấm thoắt đã đến mùa đông! Dương-Qua bấy giờ cũng chỉ thuộc làu một mớ khẩu quyết để khi cần đàm luận võ nghệ có thể nói thao thao bất tuyệt, còn việc thực hành chẳng biết một mảy may. Tài năng và trí tuệ tuyệt vời của thằng bé cũng đành vô dụng.
Qua mười ngày đầu, Dương-Qua đã cảm thấy được ác ý của Triệu-chí-Kính, sư phụ nó, nhưng nó như con chim nhốt trong lòng, ai muốn cho ăn gì tùy ý, đâu dám đòi hỏi gì hơn.
Oán hận của nó mỗi ngày một tăng, cấu kết trong tiềm thức mà không có một ai để ý giãi bày. Nó nóng lòng đợi Khưu tổ sư về nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy.
Hình như, nơi Trùng-Dương điện chẳng phải mình sư phụ nó có ác ý với nó, mà nó có cảm giác mọi người nơi đó ai cũng ghét nó. Do đó, nó thấy chán ngán trước cuộc sống cô đơn, không người tâm sự. Tuy không nói ra mà lòng nó khinh thị tất cả những ai gọi là môn phái Toàn-Chân.
Về phần Triệu-chí-Kính, ông ta lấy làm đắc ý khi thay Dương-Qua không thi thố nổi tài năng. Thường khi thấy Dương-Qua chôn vùi trí óc trong mớ khẩu quyết vô dụng kia. Triệu-chí-Kính tự bảo:
- Mày hỗn láo với sư phụ mày rốt cuộc mày chỉ mang thiệt thòi vào thân!
Trời đông tuyết đổ mỗi lúc một nhiều. Chẳng mấy chốc mùa đông cũng sắp hết.
Theo thông lệ của Tổ sư Trùng-Dương cung truyền lại, hàng năm cứ gần đến đêm trừ tịch có tổ chức một cuộc so tài trong võ điện mục đích để kiểm điểm lại tài năng từng người và sự tiến triển của môn phái qua một năm rèn luyện.
Các đạo sĩ thấy ngày so tài gần đến, ai nấy chăm chú tập luyện không lúc nào nghỉ.
Họ mơ đến ngày rằm tháng chạp, cái ngày trăng tròn vành vạnh, đó là cái ngày mọi người chứng kiến cho công trình học tập của mỗi vị đạo sĩ Trùng-Dương cung.
Lúc đó, môn đệ phái Toàn-Chân phân ra nhiều nhóm, cứ mỗi nhóm nhỏ đấu nhau thì gọi là cuộc so tài sơ bộ. Kẻ nào thắng ở hiệp sơ bộ mới được vào đấu các hiệp tuyển chọn.
Mã-Ngọc cùng với các đệ tử lớn nhỏ hợp thành một nhóm, Khưu-xứ-Cơ cùng với đồ đệ lớn nhỏ họp thành một nhóm, còn nhóm thứ ba là nhóm Đàm-xứ-Thụy.
Tuy Đàm-xứ-Thụy đã qua đời song đệ tử của Đàm-xứ-Thụy toàn là những tay cự phách. Do đó Mã Ngọc, Khưu-xứ-Cơ tỏ lòng nhớ tiếc một đạo hữu sớm qua đời thường nhắc nhở môn đệ của Đàm-xứ-Thụy, và dành riêng cho Đàm-xứ-Thụy một vinh dự.
Mỗi năm đến ngày chánh thức so tài thì môn đệ ba nhóm ấy được họp mặt, tuyển dụng.
Năm nay Khưu-xứ-Cơ, Vương-xứ-Nhất v.v... đi chưa về, chỉ còn có Mã-Ngọc, Xích-đạo-Thông ở nhà, hai người nầy trấn giữ võ điện.
Tuy nhiên, khác mọi năm, năm nay Trùng-Dương cung vừa xảy ra một tai biến nên cá nhân mỗi người trong môn phái đều cố tâm rèn luyện võ công, cốt làm sao cho tiếng tăm của môn phái khỏi suy kém, và môn phái chính thống này khỏi mai một.
Thật vậy, đã mười năm nay, các đệ tử cừ khôi trong môn phái đều phiêu lưu tản mác chỉ còn lại một vài vị tiên sư cầm đầu có bản lĩnh, còn các môn đệ đều chưa mấy thuần phục.
Đúng vào giờ ngọ ngày hôm ấy cứ theo thứ tự đã định sẵn, Triệu-chí-Kính, Thôi-chí-Phương tụ tập ở Đông-nam nơi khoảng đất trống cùng nhau kiểm điểm lại lối tổ chức hàng năm trong vũ điện, và chủ tọa cuộc so tài sơ bộ của lớp đệ tử nhỏ tuổi gọi là "đệ tử đại đệ tử".
Lớp đệ tử nầy liền biểu diễn quyền thuật, hoặc múa đao, múa kiếm, múa các vũ khí nhẹ ngắn, hoặc vận dụng nội công tùy theo sở trường mỗi người, và tất cả đều do Triệu-chí-Kính phê bình để thẩm định hơn thua.
Nhưng "đệ tử đại đệ tử" là gì?
Toàn-Chân môn phái do Vương-trùng-Dương khai sáng gọi là vị tổ sư. Mã-Ngọc cùng trong bọn bảy đạo sĩ kia là học trò tổ sư nên liệt vào hạng "đệ nhị đại đệ tử". Còn Dương-Khang, Triệu-chí-Kính, Doãn-chí-Bình v.v đều là học trò của bảy vị kia, nên gọi là "đệ tam đại đệ tử". Đến lớp nhỏ tuổi như Dương-Qua và đồng bọn đều là học trò của lớp "đệ tam đại đệ-tử" nên gọi là "đệ tử đại đệ tử".
Dương-Qua nhập vào hạng đệ-tử đại đệ-tử sau cùng nên ngồi ở sau rốt.
Nhìn thấy các tiểu đạo sĩ khác cũng lớp tuổi với mình mà ai nấy quyền thuật đều có vẻ tinh thục hơn, mỗi người đều chuyên môn một ngón, Dương-Qua thấy bực bội và oán hận trong lòng.
Triệu-chí-Kính nhìn thấy nét mặt nó có vẻ giận dữ oán hờn thì lại muốn cho nó xuất trận để các đệ tử khác thấy cái bất tài của nó mà chê cười cho bõ ghét.
Ông ta đợi đến lúc hai tiểu đạo sĩ so tài xong, cất khí giới rồi thét gọi Dương-Qua:
- Dương Qua! Ra đấu đi!
Dương-Qua đứng ngẩn người ra nghĩ bụng:
- Chưa dạy người ta một chút võ nghệ nào mà bảo người ta đấu là đấu cái quái gì chớ?
Trong lúc Dương-Qua đang chần chờ, thì Triệu-chí-Kính lại gọi:
-Dương-Qua! Có nghe ta gọi không! Hãy mau ra đấu trường!
Bị gọi nhiều lần như thúc giục, Dương-Qua không biết làm sao bước tới trước mặt Triệu-chí-Kính xá dài, và nói:
- Đệ tử là Dương-Qua kính trình diện sư phụ.
Trong Toàn-Chân phải phần đông là những kẻ tu hành, song cũng có một số ít như Dương-Qua, không thuộc hẳn vào hạng tu hành cho nên lúc chào hỏi, lúc yết kiến có những cử chỉ khác hơn.
Thấy Dương-Qua bước đến cúi đầu chào, Triệu-chí-Kính chỉ tay vào đấu trường thách:
- Có tiểu đạo sĩ nào dám đấu với Dương-Qua chăng?
Một tiểu đạo sĩ nghe Triệu-chí-Kính nói, ung dung bước ra đấu trường. Vị tiểu đạo sĩ này thân hình vạm vỡ, to béo hơn Dương-Qua nhiều.
Dương-Qua chần chờ không dám bước ra. Triệu-chí-Kính vẫy tay nói với Dương-Qua:
- Nó không lớn gì hơn người bao nhiêu đâu, người hãy ra tỉ thí với nó xem nào?
Dương-Qua thưa:
- Đệ tử chưa học được một môn võ thuật đâu dám cùng với đạo huynh tỉ thí.
Triệu-chí-Kính nổi giận hét:
- Ta đã dạy ngươi hơn nửa năm võ nghệ, tại sao ngươi lại nói chưa học một môn nào? Thế thì nửa năm nay ngươi làm cái trò trống gì?
Dương-Qua không biết trả lời sao đành đứng im cúi đầu xuống.
Triệu-chí-Kính nói:
- Mày lười biếng, ham chơi, chẳng khổ công tập luyện, quyền thuật chẳng ra gì không dám thi thố với đồng bạn thực là hổ nhục. Ta hỏi mi: Chân tay tiến đều, ngang dọc múa còn câu dưới là gì?
Dương-Qua đáp:
- "Tay múa lung tung đâu vào đấy".
Triệu-chí-Kính khen:
- Đúng! Vậy ta hỏi mi: "Hai phép sanh khác tùy nghi" còn câu dưới là gì?
Dương-Qua đáp:
- "Né tiến tùy theo thế đối phương".
Triệu-chí-Kính mỉm cười, nói:
- Giỏi lắm! Không sai một chữ. Thế thì mi đem cái biết ấy ra đấu trường mà áp dụng xem sao.
Dương-Qua sợ sệt nói:
- Đệ tử chẳng hiểu gì về những câu khẩu quyết đó.
Triệu-chí-Kính bề trong tuy thích chí, nhưng bề ngoài làm ra vẻ giận dữ quát mắng:
- Học hành gì mi! Học khẩu quyết rồi thì phải tập luyện! Còn dùng dằng mãi chẳng chịu ra chiến đấu ư?
Các đạo sĩ nghe Dương-Qua đọc khẩu quyết không sai chữ nào thế mà khi ra tỉ thí thì lại khiếp sợ, nên xúm nhau khích lệ, kẻ bỉm môi, người giục giã với luận điệu gần như châm biếm.
Bao nhiêu ác cảm hình như đổ dồn vào Dương-Qua.
Nguyên nhân chỉ vì lúc Quách Tỉnh lên núi đã đem sức mình hạ mấy tên cự phách trong môn phái Toàn-Chân nhục nhã ấy còn ghi trong lòng các đạo sĩ Trùng-Dương điện. Thế rồi bao nhiêu bực tức đổ dồn vào Dương-Qua, ai trông thấy Dương-Qua cũng đều nhớ lại cái ngày bại trận xấu hổ đó.
Thật ra, cùng một môn phái, cùng là bạn mà những người có thái độ như thế đâu phải chính đáng. Âu cũng là thói thường, trong thiên hạ. Mà chốn Trùng Dương cung nào phải ai cũng tốt đâu.
Dương-Qua thấy mọi người đến thúc giục mình, mỉa mai mình lòng tự ái nổi lên, không đằng được, nghĩ thầm:
- Bữa nay ta liều chết một phen xem sao!
Nghĩ đoạn, nó xông ra đấu trường múa máy tay chân, đưa thẳng tay lên bổ vào đầu tiểu đạo sĩ đối thủ.
Tiểu đạo sĩ kia thấy Dương-Qua bộ tịch khác thường, không theo nguyên tắc của môn phái, không biết tiến thoái theo phép vũ thuật chỉ múa lung tung, lấy làm lạ chưa dám đụng thế, cứ lùi mãi.
Dương-Qua hăng quá đánh thí thân, tấn công địch thủ đủ mọi mặt mà không cần tự vệ.
Tiểu đạo sĩ địch thủ lùi hoài bất giác nhận thấy chỗ sơ hở của Dương-Qua, liền dùng thế "Phong thảo lạc diệp" nghĩa là gió quét lá rụng, đánh vào chân, làm cho Dương-Qua mất đà ngã sấp xuống đổ máu mũi máu mồm chảy ra một lượt.
Các tiểu đạo sĩ đứng xem thấy Dương-Qua bị thương rộ lên cười một lượt.
Dương-Qua thấy thế càng căm tức hơn, không còn biết đau đớn là gì, chờm dậy chân đá tay đấm lăn xả vào địch thủ.
Tiểu đạo sĩ địch thủ thấy nó hầm hầm nét mặt, xông đến tấn công như vũ bão, chỉ còn biết né tránh. Dương-Qua cứ một mặt đánh bừa, không kể gì đến nguyên tắc võ biền nữa. Hắn cúi đầu lủi vào nắm chân trái của đối thủ vật xuống.
Đối thủ luồn tay mặt qua một bên, cứ hông Dương-Qua đánh thốc tới, dùng theo thế "Thiên thân đảo huyền" để cứu nguy việc bị địch thủ bẻ cẳng.
Dương-Qua lúc trước một thời gian ở Đào-hoa đảo chẳng luyện tập gì hết, từ ngày tới Trùng-Dương cung thấm thoắt đã hơn nửa năm cũng chẳng luyện được một miếng võ nào. Nhưng vì máu hăng của nó xông lên ngùn ngụt, nên nó chưa thấy đau thấm tới.
Địch thủ lấy làm lạ, chẳng biết vì sao nó nhỏ bé như thế kia mà đánh mãi vẫn không chuyển. Tiểu đạo sĩ định thử, liền vận dụng hết sức mình, thoi vào hông Dương-Qua một cái đích đáng.
Lần nầy Dương-Qua bị đau điếng cả người. Nhưng lạ thay nó càng đau lại càng hăng lên. Nó bỏ chân trái của địch thủ ra, rồi lại xông vào nắm lấy chân phải.
Địch thủ bị hắn lao vào quá mạnh, giật mình mất thăng bằng. Nhân đó, hắn bồi vào một chùy trúng ngay quai hàm, địch thủ phải ngã ngửa ra, nằm sải dưới đất như một tấm ván.
Nó xông tới! Đạo sĩ địch thủ thừa cơ vận nội công vào mông và hai bàn tay, tung người đá bật vào ngực Dương-Qua.
Dương-Qua chụp được chân, lật trái một vòng, làm cho đối thủ lăn tròn như chiếc vụ.
Bị đau quá, đạo sĩ đối thủ không còn chịu nổi nữa, đứng dậy nói:
- Dương-Qua! Ta xin cầu hòa!
Ban chấm điểm thấy thế tưởng rằng đối phương đã chịu hòa thì Dương-Qua ngưng đấu, ngờ đâu nó vẫn cứ xông vào đánh mãi, càng đánh càng hăng, càng đánh càng dẻo, chỉ vài ba đòn kế tiếp, đạo sĩ đối thủ phải bị vọt máu mũi, nằm sải dưới đất.
Các đạo sĩ đứng xem thấy sợ để Dương-Qua hung hăng quá sẽ gây tai họa, liền bảo phải thôi đấu.
Mặc kệ, Dương-Qua như một đứa điên dại, cứ đấm đá liên hồi. Đối thủ lùi bao nhiêu thì Dương-Qua tiến tới bấy nhiêu, cuộc đấu võ trở thành một cuộc đuổi bắt buồn cười.
Dương-Qua từ ngày lưu lại Chung-Nam sơn đến nay đã nửa năm, có lẽ khí uất tích lũy lâu ngày chỉ chờ đợi có dịp là phát tiết ra. Thì ngày hôm nay chính là dịp để cho Dương-Qua phát tiết cái uất khí trong người nó vậy.
Do đó càng đánh nó càng hăng, khí uất đã làm cho nó không còn biết đau đớn gì nữa.
Đến cuối cùng, đối thủ của nó chịu không nổi la lên cầu cứu.
Thấy đối thủ cứ chạy mãi, miệng la ôi ối, Dương-Qua hét:
- Đạo sĩ khốn kiếp! Đồ đểu giả! Hèn mạt!
Câu mắng đó chẳng những Dương-Qua mắng đạo sĩ đối thủ của nó mà nó có ý mắng tất cả các đạo sĩ Trùng-Dương cung mà nó cho là thù địch với nó.
Các đạo sĩ đứng xem nghe Dương-Qua mắng chưởi bừa bãi, nghĩ thầm:
Thằng bé nầy không được dạy dỗ cẩn thận ắt sau sẽ trở thành một phường phản phúc.
Ai nấy đều nhìn Dương-Qua với thái độ căm tức.
Giữa lúc đó thì Dương-Qua rượt đối thủ của nó, miệng vẫn la chưởi om sòm. Còn đối thủ của nó như đã mệt sức, kêu lớn:
- Sư phụ ơi! Sư phụ ơi! Cứu con với.
Triệu-chí-Kính thấy thế hét lên:
- Hãy ngừng trận đấu! Dương-Qua!
Mặc cho lời kêu gào của Triệu-chí-Kính, Dương-Qua vẫn đuổi theo đối phương, như muốn bắt lấy đối phương để giộng đầu xuống đất cho hả giận.
Bây giờ, trong đám đạo sĩ lớn tuổi, có một người quá nóng lòng vùng chạy ra đấu trường, nắm cổ Dương-Qua ghì chặt lại.
Vị đạo sĩ này to lớn, mập mập, cử chỉ rất lanh lẹ.
Đạo sĩ ấy đưa tay đấm mạnh vào đầu vào cổ Dương-Qua lia lịa, miệng hét lớn:
- Đồ phản phúc! Đồ nhãi ranh!
Dương-Qua quay đầu lại nhìn thấy vị đạo sĩ đó là Tỉnh-Quang. Nó nhớ lại lúc nó mới đến Trùng-Dương cung, chính nó đã làm nhục vị đạo sĩ nầy.
Thực vậy, Tỉnh-Quang đã hậm hực thù oán Dương-Qua từ mấy tháng trường, mối thù ấy cấu kết vào lòng, trong cho có dịp là ra tay. Nay nhân chỗ sơ hở của Dương-Qua, Tỉnh-Quang dại gì không thừa cơ hội ấy.
Alert
IP Printer-friendly page
Edit
Reply
Reply With Quote
Top
Hắn dùng toàn những miếng đòn độc đánh Dương-Qua cho hả dạ.
Về phần Dương-Qua, khi liếc thấy bộ mặt căm hờn của Tỉnh-Quang nó đã có cảm giác thấy trước việc chẳng lành. Song nó bị Tỉnh-Quang nắm lấy cổ không làm sao giãy giụa được.
Sau mấy tràng cười gắn, Tỉnh-Quang dùng bàn tay chặt vào gáy của Dương-Qua như đánh một kẻ thù, và nói:
- Mày không nghe lời các bậc sư phụ, mày là đứa học trò ương ngạnh, bội thầy phản bạn, trong môn phái ta ai đánh mi cũng được.
Dứt lời Tỉnh-Quang lại tiếp tục đánh nữa.
Trong đám đạo sĩ đứng xem có Thôi-chí-Phương là người chính trực, thấy Dương-Qua ra tỉ thí mà chẳng hề biết gì vũ công của bản môn, lòng nghi hoặc sự hẹp hòi cùa Triệu-chí-Kính, lại đoán biết có điều gì tư vị thù hằn, khi thấy Tỉnh Quang dùng những ngón độc đánh Dương-Qua mà chẳng ai nói rằng gì cả, liền xông vào, quát:
- Tỉnh-Quang! Tỉnh Quang! Không được đánh nữa.
Tỉnh-Quang nghe tiếng quát của sư thúc Thôi-chí-Phương, tuy không bằng lòng, song cũng đành phải buông Dương-Qua ra, nói:
- Dám thưa sư thúc! Tôi đoán rằng sư thúc chưa rõ tính tình của thằng nhóc xảo quyệt nầy. Nó cứng cổ lắm, chẳng thèm nghe theo lời chỉ giáo của sư phụ. Nếu cứ dung thứ nó mãi thì trong môn phái chúng ta chẳng còn qui củ nào nữa.
Thôi-chí-Phương như chẳng nghe lý luận của Tỉnh-Quang, chạy đến trước mặt Dương-Qua nhìn thấy miệng mũi nó đầy máu, mặt sưng húp, tím bầm, động lòng thương, ôn tồn hỏi:
- Dương-Qua! Sao sư phụ dạy dỗ mà chẳng ráng tập tành để đến ngày tỉ thí lại đánh loạn đả như thế? Nguyên tắc võ chẳng rành rẽ.
Dương-Qua lòng hậm hực, phát hiện ra cả tiếng nói, nó đáp:
- Sao tiên sư lại nói thế? Tiên sư không biết rằng sư phụ tôi không hề dạy cho tôi một chút võ nghệ nào sao?
Thôi-chí-Phương nói:
- Ta đã nghe mi đọc khẩu quyết không sai một chữ, lẽ nào mi lại chưa được tập luyện?
Lời nói của Thôi-chí-Phương làm cho Dương-Qua nhớ lại lúc nó còn ở Đào-hoa đảo Hoàng Dung đã dạy cho nó nào Mạnh Tử, Luận-ngữ, nào Đại-học, Trung-Dung, nay đến Triệu-chí-Kính thì dạy nó khẩu quyết những món chỉ để nhồi sọ nó, thực ra không đem ra áp dụng trong thực tế được chút nào. Nghĩ như thế nó oán hận và nghi hoặc cả loài người. Nó tưởng không còn ai thực tâm thương nó nữa.
Và cũng vì nghĩ thế, nó quắc mắt nhìn Thôi-chí-Phương, nói:
- Đấu võ không đấu bằng miệng mà phải đấu bằng tay chân. Sư phụ tôi chỉ dạy tôi bằng miệng thì làm sao đấu với ai được. Nếu kẻ nào đấu võ bằng miệng thì lối dạy của sư phụ tôi quyết chẳng thua ai.
Thôi-chí-Phương lòng nghi ngờ chưa tin lời nó là thật, nên muốn thử xem nó có tập luyện ít nhiều chăng, liền làm ra vẻ giận dữ quát mắng:
- Mi ăn nói hỗn xược với bề trên như thế sao?
Dứt lời, Thôi-chí-Phương dùng tay đánh vút xuống đầu nó.
Miếng đánh ấy nếu kẻ nào không chân truyền tập luyện theo phái Toàn-Chân sẽ phải ngã gục ngay tức thời. Còn những người đã tập luyện có thể dùng "nhu chế cương, hư chế thực" mà trừ được.
Nhưng lạ thay! Dương-Qua không hề đỡ mà đầu nó chỉ rung lên một chút, rồi lùi lại đằng sau mấy bước chớ không bị ngã.
Thôi-chí-Phương thuộc vào hạng tam đại đệ tử của Toàn-Chân phái, là một trong những tay cự phách cao thủ, tuy không giỏi bằng Triệu-chí-Kính song cũng đủ sức dọc ngang trong giới giang hồ.
Thấy mình đánh một đòn nội công mà Dương-Qua chịu nổi, Thôi-chí-Phương lấy làm ngạc nhiên tự nghĩ:
- Cứ như sức đề kháng này thì ít ra nó cũng phải luyện trên mười năm nội công mới chịu nổi chứ nó vừa nhập môn trên sáu tháng làm gì có bản lãnh dường ấy? Nhưng nội công đã khá tại sao lúc giao đấu nó lại đánh loạn đả như thế?
Thôi-chí-Phương thắc mắc mãi vẫn không tìm hiểu nổi. Vì Thôi-chí-Phương có biết đâu rằng trước kia Mã-Ngọc đem bí thuật của Toàn-Chân truyền lại cho Quách-Tỉnh, Quách-Tỉnh truyền lại cho Tần-nam-Cầm. Trong mấy năm trời, Dương-Qua đã học phép nội công của Tần-nam-Cầm cho nên trong lúc giao đấu Dương-Qua không biết ngón đánh nào hay mà căn bản nội công của nó rất vững chắc, có thể ngang với người đã từng rèn luyện trong mười năm.
Dương-Qua bị Thôi-chí-Phương giáng cho một đòn như thế càng giận, dẫu ông trời nó chưa nể huống hồ Thôi-chí-Phương. Nó lao đầu đến, đánh vào bụng Thôi-chí-Phương một thoi.
Thôi-chí-Phương né sang một bên, và rất đắc ý như đã tìm thấy được trình độ võ công của Dương-Qua, mỉm cười bảo Tỉnh-Quang:
- Tỉnh Quang! Ra mà đấu với Dương-Qua! Nhưng chớ đánh nó mạnh nghe.
Tỉnh Quang đã hờm sẵn, chỉ còn có lời nói ấy là nhảy ra đánh Dương-Qua lập tức.
Dương-Qua cũng không nhịn, đâm bổ vào Tỉnh-Quang. Nhưng hễ Dương-Qua đâm vào bên trái thì Tỉnh-Quang dùng tay mặt đánh vào hông, còn Dương-Qua đâm vào bên phải thì Tỉnh-Quang dùng tay trái thoi vào ngực với thế "Hổ môn thủ".
Với lối đánh độc hiểm của Tỉnh-Quang, nếu Dương-Qua không luyện nội công trong mười năm tất phải bị hộc máu rồi.
Tuy vậy, mặt Dương-Qua vẫn trắng bạch ra như giấy.
Tỉnh-Quang thấy đánh nó miếng nầy vẫn không chuyển, lấy làm kinh ngạc, liền vận khí vào bàn tay bồi một quả thôi sơn vào mặt. May thay, đòn nầy Dương-Qua dùng vai đỡ được, song nó không hiểu một tí gì về quyền thuật nên cứ xông vào một cách vụng về, mặc tình cho đối phương đánh đá.
ác ý hơn nữa, Tỉnh-Quang dùng tay mặt nhử nó rồi lòn tay trái đánh vào bụng dưới nó một đòn chí tử, nó đau quá phải gò bụng gò lưng lại mà chịu.
Trong lúc nó cúi lom khom người lại bị Tỉnh-Quang dùng bàn tay chém vào ót nó mấy cái, làm cho nó xây xẩm mặt mày, lảo đảo muốn ngã. Các đạo sĩ đứng xem thấy thế rộ lên cười trước tánh liều lĩnh của nó.
Thực ra, mọi người có đâu rằng Dương-Qua vốn giống tánh ông nội hắn là Dương-Thiết, một con người gan dạ đến chẳng bao giờ chịu đầu hàng trước kẻ địch.
Bây giờ Thôi-chí-Phương hiểu rõ Dương-Qua chẳng được tập luyện võ nghệ gì cả, nên quay sang bảo Tỉnh-Quang:
- Thôi! Đừng đánh nữa Tỉnh-Quang.
Nhưng Tỉnh-Quang được dịp trả thù, nhất định không thôi, vừa đánh túi bụi, vừa nói:
- Nào, mày đã biết tay tao chưa?
Dương-Qua cất mồm mắng:
- Khốn nạn! Tao nhất định không coi mày là gì!
Tỉnh-Quang tức giận quá, hai tay đánh lia lịa vào sống mũi Dương-Qua làm cho nó chẳng còn trông thấy trời đất gì nữa, lảo đảo quỵ chân xuống đất.
Khí uất xông lên, trong người nóng nực. Dương-Qua cảm thấy một hơi nóng chạy khắp mình, tập trung xuống đơn điền, tỏa ra tay chân, ra mồm, rồi cả người nó như có một mãnh lực nào sai khiến, nó há mồm "ngoạp" một tiếng, hai chân dí vào mặt đất tung người lên, dùng đầu đâm bổ vào ngực Tỉnh-Quang nhanh như điện chớp.
Thân hỉnh Tỉnh-Quang to lớn thế kia, mà với ngón đòn đó đã làm cho Tỉnh-Quang tung lên không trung mấy thước, rồi rơi huỵch xuống đất như một tấm phản nằm chết cứng.
Những đạo sĩ đứng xem nãy giờ thấy Tỉnh-Quang cậy lớn hiếp bé, cậy mạnh hiếp yếu, giở những ngón đòn độc ác đánh Dương-Qua, tuy không nói ra nhưng lòng cũng hồi hộp cho tính mệnh Dương-Qua. Giờ đây bỗng thấy Dương-Qua chỉ đánh một đòn mà làm cho Tỉnh-Quang bay bổng lên trời, rồi rơi xuống nằm chết cứng, đều lấy làm lạ chạy đến xem sao.
Thật ra trong lúc bí thế, Dương-Qua đã vô tình dùng thế võ "hàm mô công", thế võ ấy trước kia nó đã đánh chết một đệ tử của Cái Bang tại đảo Đào-hoa vậy.
Nó nghe các đạo sĩ nhôn nhao lên, lào xào nói:
- Thôi chết mất rồi! Hết thở rồi! Trời ơi! Chúng ta phải lập tức vào thưa với trưởng giáo tiên sư.
Dương-Qua lúc đó mới biết địch thủ nó đã bị thế "hàm mô công" đến chết, và nó cảm thấy một tai vạ ghê gớm sắp xảy đến cho nó, nó liền thừa lúc mọi người không chú ý, co giò ù té bỏ chạy.
Các đạo sĩ đang lao nhao trước cái chết của Tỉnh-Quang, Dương-Qua chạy trốn lúc nào chẳng ai hay biết gì cả.
Triệu-chí-Kính thấy Tỉnh-Quang thương tích nặng nề, thập tử nhất sanh, không còn hy vọng sống được, vừa giận vừa thương, gọi tên Dương-Qua mắng lớn:
- Dương-Qua! Mày học ngón võ giết người ở đâu thế?
Võ công của Tỉnh-Quang tuy khá giỏi, song khổ nỗi từ lâu nay chỉ trấn thủ nơi võ điện, ít kinh nghiệm kiến văn, không biết chống với miếng đòn "hàm mô công" là miếng đòn rất độc.
Triệu-chí-Kính la hét một hồi chẳng thấy Dương-Qua trả lời đâu cả, xem lại thấy Dương-Qua đã mất dạng, liền phân công bốn mặt tìm kiếm.
Các đạo sĩ bàn nhau:
- Chung-Nam-sơn chu vi có mấy chục dặm lại là phạm vi thế lực của Trùng-Dương cung, làm thế nào thằng bé có thể thoát thân dễ dàng.
Trong lúc đó, Dương-Qua hoảng hốt, chẳng cần chọn lựa xem lối nào hạ sơn, cứ việc cắm đầu chạy một mạch rồi lẩn vào trong rừng rậm để ẩn trốn.
Chạy một lúc, nó nghe đàng sau có tiếng gọi:
- Dương-Qua! Dương-Qua! Mi ở đâu? Muốn sống hãy trình diện lập tức.