Chương 26 - Mối thù oan gia giữa hai họ
-
Thần Điêu Hiệp Lữ
- Kim Dung
- 8336 chữ
- 2020-05-09 09:44:03
Số từ: 8329
Nguồn : sưu tầm
Dương-Qua thản nhiên như không, đưa tay vuốt lại nếp áo rồi cười cười bảo Gia-luật-Tấn!
- Ông bị thuốc độc của kim châm, chỉ còn ba giờ nữa là mất mạng. Nếu ông thuận tình nghe tôi một việc tôi sẽ cứu cho.
Gia-luật-Tấn chấp tay nói:
- Bình sinh hạ quan vốn ngưỡng mộ những bậc anh hùng hiệp sĩ như quý Ngài, hôm nay tình cờ được gặp thật cũng thỏa lòng mong ước. Dương anh hùng thương tình cứu cho thì thật là may phước. Nếu không, dẫu phải bỏ mạng hạ quan cũng vui lòng vì đã hân hạnh được chết vì bàn tay của một hảo hán. Chết như thế là một danh dự chứ đâu phải điều nhục nhã mà buồn.
Bao nhiêu lời tâng bốc, khéo nói của Gia-luật-Tấn khiến cho Dương-Qua hứng chí như bay tận mây xanh nên chàng lộ vẻ hân hoan trên nét mặt.
Dương-Qua từ tấm bé có khi nào tiếp xúc được với giới quan trường nên đâu có hiểu thấu những mánh lới tán dương quỵ lụy của họ đối với các bậc bề trên, mỗi khi họ cầu van nài một ân huệ gì đặc biệt. Vì vậy nên những lời tán dương của Gia-luật-Tấn, Dương-Qua hoàn toàn tin là lời lẽ chân thật. Huống chi hắn ăn nói đã nhỏ nhẹ, điệu bộ lại khúm núm nên chàng vừa ý hết sức.
Nguyên người Mông-Cổ bản chất mộc mạc thô lỗ nghĩ đâu nói đấy. Nhưng Gia-luật-Tấn nhờ sinh trưởng ở Trung nguyên lại thuộc giòng danh gia quý tộc cho nên sự nói năng khôn khéo không thể chê được.
Dương-Qua vỗ vai Gia-luật-Tấn nói:
- Thôi, ông khỏi cần nói nhiều, để tôi cứu chữa cho.
Nói xong chàng thò tay vào bọc lấy ra một viên đá "nam châm" hút sắt đặt lên vết thương trên vai Gia-luật-Tấn. Tức thì hai cây "Ngọc phong châm" theo sức hút của viên đá vọt ra ngoài. Dương-Qua lấy thuốc xoa vào vết thương bớt ê ẩm ngay.
Lục-vô-Song chưa bao giờ được thấy "Ngọc phong kim châm" nay thấy hai mũi kim tý hon, mỏng manh như hai sợi lông, thả vào nước nổi lềnh bềnh thì nghĩ bụng:
- ám khí gì mà lạ vậy. Thứ này lấy ra gió thổi bay mất ngay, làm sao mà phóng đi được!
Nàng cười mãi, bảo Dương-Qua:
- Mang danh nam tử phải hành động thế nào cho quan minh chính đại chứ lẽ nào đi chế ám khí hại lén người ta thì đâu phải con người khí phách!
Dương-Qua nghe nói chỉ cười lạt, chẳng trả lời, quay sang hỏi Gia-luật-Tấn:
- Chị em chúng tôi muốn được đại nhân kết nạp làm gia nhân sai vặt trong dinh, chẳng hay có được không?
Gia-luật-Tấn thất sắc vội đáp:
- Dương anh hùng thích vui nói đùa như vậy, chứ hạ quan đâu dám nhận. Bây giờ đại nhân muốn cần dùng việc gì cứ thật tình nói thẳng ra, hạ quan sẽ xin hết sức làm vừa lòng đại nhân.
Dương-Qua nói:
- Tôi muốn thật đấy, không nói đùa đâu. Chúng tôi muốn được làm kẻ hầu cận cho đại quan, chứ không giả ngộ như đại quan đã lầm tưởng.
Gia-luật-Tấn thấy chàng quả quyết như vậy, nghĩ thầm:
- Có lẽ hai người muốn được ta tấn cử để có quan to chức trọng, nhưng không tiện nói thật, tìm cách nói khéo ra như vậy, mình là kẻ thức thời, tất nhiên phải hiểu lấy chứ.
Nghĩ rồi y chậm rãi nói:
- Nếu nhị vị đã quyết lòng, hạ quan đâu dám cãi ý. Cứ như tài năng của nhị vị, nếu tiến cử đến Hoàng-Thượng, chắc chắn sẽ được trọng dụng ngay.
Dương-Qua biết y đã hiểu lầm mình nên cười rồi đáp:
- Ông đã hiểu lầm chúng tôi rồi. Hai đứa tôi đâu có ý nghĩ làm quan hay được chức tước. Sở dĩ vì bị kẻ thù đuổi gấp, mà chống cự không nổi, buộc lòng phải xin ông nhận tạm, cho giả làm gia nhân để che mắt chúng mà thôi. Ngoài ra tuyệt nhiên không có một hậu ý gì khác nữa.
Gia-luật-Tấn ngỡ ngàng quá, thở dài một cái, gượng nói:
- Cứ như bản lãnh siêu phàm của nhị vị thì kẻ thù nào dám bức sách nổi, hoặc giả nếu chúng ỷ thế đông người, hạ quan sẽ cho quân lính tiếp tay cùng nhị vị để đối phó, được không?
Dương-Qua đáp:
- Đối với người thù của chúng tôi, dầu bao nhiêu quân mà cũng chẳng làm chi hắn nổi. Tốt hơn là đại nhân cứ cấp cho hai bộ đồ thị vệ là xong chuyện.
Nghe câu nói tuy đơn giản nhưng có vẻ nghiêm trọng và quả quyết nên Gia-luật-Tấn phải luôn miệng vâng dạ rồi truyền cho đi lấy hai bộ đồ "thị-vệ" mang lại ngay.
Dương-Qua tiếp nhận, chia cho Lục-vô-Song một bộ rồi cùng qua phòng kế bên thay đổi.
Lục-vô-Song thay đồ xong đứng trước gương ngắm nghía thấy mình đã hiển nhiên biến thành một chú thị vệ Mông-Cổ rất bảnh trai!
Bắt đầu đêm đó cả hai ở luôn trong tư dinh của Gia-luật-Tấn và chẳng có việc gì lạ xảy ra.
Rạng ngày sau, đoàn quân Mông Cổ lại lên đường. Dương-Qua và Lục-vô-Song mỗi người ngồi trong một chiếc kiệu có bốn người khiêng, còn Gia-luật-Tấn cưỡi ngựa đi theo sau.
Đoàn quân đi mãi đến gần đứng bóng, thình lình có tiếng nhạc Loan-Linh reo vang lảnh lót, nhưng một chặp sau tắt hẳn không còn nghe nữa.
Lục-vô-Song được nằm trong kiệu êm, được kẻ hầu người hạ bốn phía lấy làm thích chí nghĩ thầm:
- Bây giờ ta cần gì phải đi nữa cho vất vả, cứ nằm lỳ nơi đây cho chúng khiêng đi, khi nào về tới Giang-Nam sẽ hay.
Đi mãi hai ngày sau, không còn nghe tiếng nhạc Loan-linh nữa mà bọn hành khất cũng không ai hay biết để đón đường phá rối. Vì vậy nên Lục-vô-Song cũng thấy vững bụng bớt lo.
Đến ngày thứ ba, đoàn quân đến trại Long-câu, một vị trí quan trọng, sầm uất phồn thịnh, người ở đông đúc và cũng là địa điểm trọng yếu trên trục giao thông giữa Tân-Hoài và Biện-Lương.
Gia-luật-Tấn ra lệnh cho quân lính dừng lại nghỉ chân và ăn uống.
Chiều đó, sau khi cơm nước xong xui, Gia-luật-Tấn vào phòng gặp Dương-Qua nói chuyện và ngỏ ý muốn được chàng chỉ vẽ cho một vài ngón võ tùy thân.
Nhờ y khéo tán tỉnh nên Dương-Qua vui vẻ nhận lời.
Dương-Qua chỉ vẽ cho y một vài thế võ thô sơ, chàng giảng lý thuyết trước rồi biểu diễn từng lối đánh đỡ thật chu đáo.
Gọi là vài thế thô sơ, nhưng đối với Gia-luật-Tấn thì toàn là những thế tuyệt diệu chưa hề biết nên rất thích thú và chăm chú đem hết tâm trí để học.
Đang say mê học tập, thình lình thị vệ vào bẩm:
- Kính bẩm đại nhân, có người mang thư của Cụ Cố từ Kinh đô đem về.
Gia-luật-Tấn mừng quá hỏi:
- ồ, hay quá, mi dặn hắn chờ một tý ta sẽ ra ngay bây giờ.
Nói rồi, y đứng dậy xin lỗi tạm cáo biệt Dương-Qua để ra ngoài đón người đem thư, nhưng bỗng y đổi ý nghĩ thầm:
- Hay là ta cứ ở đây tiếp tục học tập và bảo hắn mang thư thẳng lại đây cũng được.
Nếu ta bỏ đi e Dương anh hùng buồn ý, cho là không thiết tha với việc học tập rồi chẳng truyền dạy cho nữa.
Nghĩ xong y bảo người thị vệ:
- Nhà ngươi bảo người mang thư đem ngay lại đây cho ta xem.
Người thị vệ biến sắc, ấp úng một chập và thưa:
- Bẩm đại nhân... bẩm... bẩm...
Gia-Luật-Tấn gắt:
- Bẩm, bẩm gì mà lôi thôi mãi thế, làm như có điều gì quan trọng lắm. Cứ bảo hắn đem lại đây ngay, đừng bẩm dai nữa.
Tên thị vệ lấy lại bình tĩnh thưa:
- Bẩm ngài, chính Cụ Cố đã thân hành đến thăm, chứ không phải gửi thư.
Gia-Luật-Tấn không tin, đứng yên suy nghĩ:
- Vô lý, có chuyện gì đến nỗi phụ thân ta phải đến tận nơi đây?
Ngay lúc đó, bức màn cửa vén lên một cụ già tóc râu như tuyết, ung dung bước vào, vừa cười vừa nói:
- Con, chắc con không ngờ rằng cha đến thăm con tại đây phải không?
Gia-Luật-Tấn vừa trông thấy mặt cha, vừa mừng vừa sợ, vội vàng sụp lạy thưa rằng:
- Kính lạy phụ thân, thật con không ngờ phụ thân đến để ra đón mừng. Xin phụ thân tha tội bất hiếu.
Ông cụ vẫn tươi cười đáp:
- Cha cũng muốn cùng đi với con cho vui.
Ông lão chính là Gia-luật-Sở-Tại, cha của Gia-Luật-Tấn. Đại-Thừa-Tướng của dương trào Mông-Cổ. Theo quan chế của triều Nguyên thì gọi Thừa Tướng là "Trung thư lệnh".
Tuy biết ông cụ là cha của Gia-Luật-Tân, nhưng Dương-Qua chưa hiểu quyền uy tột bực của ông như thế nào, và cũng không ngờ, trong khắp thiên hạ trên toàn cõi Trung-hoa, ông chỉ thua sút có một mình đương kim Hoàng-Đế mà ngồi trên mấy trăm triệu người cả Hán lẫn Mông-Cổ.
Nhìn thấy ông Cụ rất phương phi quắc thước, đầu tóc bạc phơ, râu dài uốn lóng lánh như cước, trán rộng, mắt sáng, da dẻ hồng hào, uy nghi đường bệ, thoạt trông thấy cũng phải đem lòng kính nể. Quả thật là một Cụ già quý tướng.
Chàng tự nhiên có một cảm giác vừa kính vừa yêu từ trong lòng phát ra.
Ông Cụ vừa ngồi xuống ghế thì ngoài cửa có hai người nữa cùng bước vào, thì lễ cùng Gia-Luật-Tấn và gọi bằng anh cả.
Đó là một người con trai và một người con gái. Trai độ 25 tuổi, gái vào khoảng hai mươi, cỡ tuổi của Dương-Qua mà thôi.
Chào hỏi xong xuôi, Gia-luật-Tấn hỏi hai em:
- Hai em cùng đi với thân phụ đến đây phải không?
Thì ra người thanh niên là con thứ của Gia-luật-Sở-Tài, tên là Gia-luật-Tề và người thanh nữ là Gia-luật-Yên, gái út của ông Cụ.
Gia-luật-Tề dáng người thanh thanh cao cao, trán rộng, cằm vuông, nhìn điệu bộ cử chỉ thật là uy nghi dũng mãnh.
Người mới gặp chàng lần đầu không biết rõ thân thế, chỉ nhìn quan dáng điệu cũng có thể đoán là công tử của một danh gia quý tộc.
Gia-luật-Yên thì mặt đẹp như hoa, da trắng như trứng gà bôi, mắt phượng mày tầm, thân hình mảnh mai nhưng không có vẻ quá lả lướt. Trong cái đẹp vẫn ẩn tàng một nét uy nghi của con người cân quắc nữ lưu.
Nghe anh hỏi, Gia-luật-Yên hé cặp môi đỏ mọng như san hô cười dòn dã, toan trả lời thì Gia-luật-Tấn đã bước lại gần thân phụ hỏi nhỏ:
- Có việc gì trọng đại mà phụ thân lại bất ngờ mang cả hai em con cùng ra đây. Hay đã có điều gì xảy ra tại Kinh-đô chăng?
Gia-luật-Sở-Tài vuốt râu đáp:
- Quả đúng như vậy. Nhưng con nên cho bọn thị vệ ra hết cả rồi cha sẽ thuật lại cho mà nghe.
Gia-luật-Tấn ra lệnh cho các thị vệ giải tán ngay. Nhưng đối với Dương-Qua thì xem y như bậc bề trên chẳng dám đả động tới. Tuy nhiên Dương-Qua cũng hiểu ý, mỉm cười rồi lẳng lặng bước ra ngoài.
Gia-Luật Sở-Tài quả con người mẫn thiệp có mắt tinh đời, chỉ ngó qua đã nhận thấy Dương-Qua có những cử chỉ khác hẳn bao nhiêu người khác. Trong lúc bao thị vệ lễ phép sụp lạy mình thì chàng vẫn đứng im nhìn với cặp mắt thản nhiên không chút nể sợ, vì vậy nên ông hỏi Gia-luật-Tấn:
- Người mới vừa bước ra sau cùng là nhân vật nào vậy?
Gia-luật-Tấn tự xét không tiện đem lai lịch và sự việc của Dương-Qua ra trình bày cho cha và hai em biết để rồi có thể hiểu lầm mình thích giao du với bọn búa đao lạc lõng mất thể diện một phụ mẫu chi dân. Vì vậy nên y tìm cách nói lệch đi:
- Bẩm phụ thân, đó là một ông thầy tướng số. Lần này phụ thân về Giang-Nam chắc có chuyện gì cần thiêt hay bất ngờ chăng?
Gia-Luật Sở-Tài thở dài một cái và rầu rầu đáp:
- Ta đi phen này có hai mục đích, một là đi lánh nạn cho mình hai là để tìm cách cứu vãn để nghiệp muôn đời cho tiên đế.
Gia-luật-Tấn yên lặng ngồi nghe và thấy cả hai em cũng nín thinh với vẻ mặt đăm chiêu buồn bã.
Nguyên từ ngày Nguyên Thái-Tổ là Thành-Cát-Tư-Hãn băng hà, con thứ là Oa Khoát Thai lên ngôi kế vị chưa được bao lâu cũng qua đời truyền lại cho con là Quí-Do. Quí-Do cũng chết non nên Hoàng-Hậu của Quí-Do chấp chánh theo lối "thùy liêm thính chính" nghĩa là rủ màn nghe việc trào đình.
Hoàng-Hậu có tánh ưa nịnh ghét trung, thích nghe những bọn tiểu nhân dèm siểm, đố kỵ những văn quan võ tướng có công lớn với đương triều. Vì thế cho nên công việc trong trào lộn xộn chia rẽ chưa lúc nào tệ như vậy.
Gia-luật Sở-Tài là một tay "khai quốc công thần" đã ba đời vua có công hạn mã, được ba vua yêu mến nể vì. Thấy Hoàng hậu hay tin cậy những bọn không ra gì lại hay bày trò đâm loạn ngay trong cung cấm nên đã nhiêu lần đem lời ngay thẳng can gián.
Vì nhiều lần bị Thừa Tướng cản ngăn và chỉ trích việc làm của mình, Hoàng hậu có ý bất bình ra mặt, tuy nhiên vì Gia-Luật Thừa Tướng là vị đệ nhất Công Thần của tiên đế nên chưa làm chi được, song trong bụng vẫn lăm le kiếm dịp để sát hại cho khuất mắt.
Sở dĩ cái việc làm của Gia-luật Sở-Tài lúc nào cũng đường đường chính chính nên mặc dầu Hoàng hậu hay bọn nịnh thần có ghét cũng không có cách nào buộc tội được.
Gia-luật-Sở-Tài thừa rõ ý ấy nhưng ông nghĩ rằng:
- Ta đã cao niên dầu có chết đi cũng không tủi nữa. Sống ngày nào ta quyết không để cho sự nghiệp của tiên hoàng Thành Cát Tư Hãn bị hư nát vì tay một người đàn bà.
Vì vậy cho nên mỗi khi thấy có việc gì không đúng, lão thần thẳng thắng cản ngăn cho tới kỳ cùng. Lắm khi hai bên tranh chấp gay go và khi tan chầu, cả hai có vẻ không vui và giận lẩy.
Là người thông minh xuất chúng, liên việc như thần Thừa Tướng Gia-Luật-Sở-Tài cũng biết rõ ràng đi đối đầu với Hoàng hậu là một điểm quá ư nguy hiểm và ngày nay mạng mình cũng lung lay như ngọn đèn treo trước gió, chưa biết sẽ phục tắc lúc nào. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cơ nghiệp của Tiên-Hoàng Thành-Cát-Tư Hãn và lời ủy thác của người lúc băng hà thì ông lại quyết tâm bảo vệ cho đến cùng, tìm cách củng cố lại công việc trào chánh.
Một ngày kia Thừa Tướng bỗng nghĩ ra một kế nên lúc vào chầu có dâng cho Hoàng hậu một bản điều trần rằng xứ Hà-nam hiện có nhiều tham quan ô lại những lạm dân nghèo nên xin đảm nhận trọng trách đích thân ra đó để thanh tra và tìm cách bổ cứu.
Đọc biểu chương Hoàng hậu cả mừng vì lúc nào Thừa Tướng ở tại triều không khác nào một cái đinh trước mắt, nay người đi càng xa, càng đỡ bận trí bấy nhiêu, mong cho người ở ngoài đó càng lâu càng tốt, và mỗi ngày đỡ phải nghe những lời ngăn can phiền phức nhức óc.
Vì vậy nên Hoàng-hậu đặt bút chuẩn phê ngay.
Để ra ơn lấy lòng đối với một lão thần đã có công to cùng triều đình nên Hoàng-hậu hạ chiếu cấp cho Thanh "thượng phương bảo kiếm" và ủy quyền cho Thừa tướng có thể "chém trước tấu sau", với quyền uy tuyệt đối thay mặt cho vua quyết định mọi việc ở phương xa.
Về đến tư dinh, Thừa-Tướng cho mời tất cả các vị công thần đã có công hạn mã cùng hai trào Tiên-đế Thành-Cát-Tư-Hãn và Oa-Khoát-Thai dựng lên đế nghiệp, vào bàn luận.
Nghe tâm sự của Thừa Tướng mọi người đều khen phải.
Trong đêm ấy, Gia-Luật Thừa Tướng thức khuya đọc bộ "Tư tri thông giám" đến đoạn "Trương-Giám-Chi truất phế Võ-tắc-Thiên hoàng hậu lập vua Trung-Tôn nhà Đường thì trong lòng nảy ra một ý tưởng muốn noi gương ấy áp dụng cho Trào chánh hiện nay, nhưng ông suy nghĩ:
- Ta muốn noi chí tiền nhân làm sao phế bỏ mụ đàn bà này củng cố lại đế-nghiệp của Tiên-Vương, nhưng nếu không kịp nhẹm lỡ đổ bể ra thì chắc con dâm phụ sẽ thừa dịp gán cho mình vào tội phản loạn.
Muốn thực hiện mưu này ta nên chuẩn bị khi ra đến Hà-Nam sẽ dâng biểu xui đem binh dẹp loạn. Chắc chắn thế nào Hoàng hậu cũng sẽ chuẩn y. Lúc ấy ta sẽ thừa dịp chấn chỉnh lực lượng. Khi nào có đầy đủ binh hùng tướng mạnh sẽ hưng binh về trào, lập một vị minh chúa lên ngôi, truất phế Hoàng-hậu xuống.
Hiện nay trong những người trong hoàng tộc chỉ còn Mông-Kha, cháu của Thành-Cát-Tư-Hãn vốn người thông minh đạo đức, bản chất anh minh thuần hậu khẳng khái hơn người, được hầu hết các văn võ bá quan mến chuộng. Nếu lập Mông-Kha lên ngôi Hoàng-Đế chắc chắn mọi người thảy đều hoan-nghinh.
Sau khi bọn thị vệ rút lui rồi, cha con Gia-luật-Sở-Tài mới đem câu chuyện này ra bàn luận.
Gia-luật-Tấn bồi hồi mừng lo lẫn lộn vì y nghĩ rằng:
- Nếu việc này thành công thì quả là công đức phi thường với quốc dân, xây dựng lại được đế nghiệp, nhưng nếu rủi ro bị thất thì nhất định phải mang trọng tội và bị tiêu diệt toàn gia.
Trong khi bốn cha con trù tính kế hoạch trong phòng thì ở phòng kế bên, Dương-Qua lắng tai nghe ngóng. Vốn đã biết được phép "thiên nhãn thông" "thiên nhĩ thuật" nên Dương-Qua có thể nghe được rõ ràng mặc dầu họ nói rất nhỏ và đôi bên bị cách vách.
Kẻ nào đào luyện hai phép này đến chỗ tuyệt kỹ cao siêu sẽ có thể thấy được những gì mà người thường không trông thấy, nghe được những gì mà thiên hạ không nghe ra.
Lục-vô-Song ở cách buồng của Gia-luật-Tấn một căn nhà nhỏ. Những điều của bốn người bàn luận trong phòng, Lục-vô-Song không hề hay biết, nhưng trái lại Dương-Qua thì nghe không sót một câu nào.
Đối với Dương-Qua, chỉ có những chuyện có liên hệ đến mình mới đáng để ý, ngoài ra bao nhiêu việc khác dầu quan trọng đến đâu cũng chả nghĩa lý gì.
Lục-vô-Song thấy Dương-Qua lặng yên ngồi xếp bằng tròn, mắt nhắm kỹ không khác nào một nhà sư đang tham thiền nhập định gần nửa ngày không nhúc nhích thì ngạc nhiên vỗ vai hỏi:
- Làm gì mà ngồi lặng yên như ông sư nhập định vậy ngốc?
Trong khi ấy Dương-Qua đang tập trung mọi ý chí lắng nghe câu chuyện của cha con Gia-luật-Sở-Tài phòng bên nên không hay biết gì về câu hỏi của Lục-vô-Song.
Lục-vô-Song hỏi lại lần nữa nhưng Dương-Qua vẫn ngồi yên không đáp. Nàng nổi giận đưa tay đập mạnh hai cái vào lưng và gắt:
- Ta hỏi mi có nghe không mà làm thinh mãi vậy hở ngốc?
Dương-Qua bị đập mạnh vào người mở choàng mắt, nhảy tung ra phía trước rồi nói nhỏ:
- Có kẻ nào đang rình trên mái nhà gần đây.
Lục-vô-Song ngơ ngác nhìn quanh chẳng thấy gì hết, đáp khẽ:
- Đâu có, không thấy bóng dạng một người nào hết.
Dương-Qua bảo:
- Nhất định có! Nhưng hắn đang nấp trên nóc phòng thứ năm đàng kia chứ không có ở đây.
Lục-vô-Song không tin, cười chế nhạo:
- Làm gì có ai đâu? Mi ngồi ngủ mê, chiêm bao nói sảng đấy.
Dương-Qua thấy nàng ngoan cố bèn nắm áo nàng kéo luôn ra ngoài và bảo:
- Cô chẳng tin thì ra đây mà xem. Biết đâu không phải là Sư phụ của cô đang dò xét để tìm cô!
Nghe tiếng Sư-phụ, Lục-vô-Song giật mình lo sợ, ngoan ngoãn bước theo, ra đến mái hiên, phủ phục phía sau tấm bao lớn đưa mắt nhìn lên trên trời.
Theo tay của Dương-Qua chỉ về phía Tây, Lục-vô-Song trông thấy quả nhiên có một bóng đen lù lù hình như một người đang nằm nấp trên nóc nhà thứ năm.
Đêm nay thuộc hạ tuần cuối tháng không trăng sao, tư bề tối đen như mực, đứng xa không tài nào nhận được những vật trước mắt chớ đừng nói ở trong nhà mà đoán sự việc xảy ra bên ngoài.
Lục-vô-Song càng cảm phục tài nghệ của Dương-Qua, nàng nghĩ bụng:
- Thằng Ngốc quả thật tài tình đúng mức. Tuy nhiên nhất định người này không phải sư phụ của ta đâu. Bất cứ ngày hay đêm lúc nào sư phụ ta cũng mặc y phục trắng hay màu vàng nhạt, chứ không bao giờ mặc đồ đen hay màu nào khác.
Nàng đang đứng lặng thinh suy nghĩ bỗng Dương-Qua ghé miệng kề tai nói nhỏ:
- Người này không phải là Sư-phụ cô đâu, cứ yên chí nhé.
Ngay khi ấy, bóng đen vươn mình đứng dậy nhảy xuống đất chạy thoăn thoắt lại phía nhà của Gia-luật-Tấn, bước tới cửa, đẩy nhẹ ra tay vung một ngọn đoản đao tóe ánh thép loang loáng sáng ngời miệng thét lớn:
- Gia-Luật-Sở-Tài, hôm nay mi đã đến ngày tận số rồi.
Quát vừa dứt câu, người ấy đã bước lọt vào trong nhà. Tiếng nói lảnh lót giống giọng đàn bà. Thân hình nàng tầm thước thon thon, dáng đi đứng có vẻ lẹ làng mạnh dạn lắm. Thấy vậy Dương-Qua có ý lo ngại và nghĩ rằng:
- Cứ theo dáng điệu nàng này thì bản lãnh cao hơn Gia-Luật-Tần một bực rất xa. Phen này cha con hắn khó chống cự nổi.
Lúc ấy Lục-vô-Song nhắc:
- Chúng mình cũng nên lại gần xem thử ra sao chứ!
Thế là cả hai phi thân nhẹ nhàng như đôi bướm đứng ngay phía ngoài cửa sổ đưa mắt nhìn vào gặp lúc Gia-luật-Tấn đang múa một cây gậy ngăn trước đỡ sau chống lại với lưỡi đao của nàng ấy đang vung lên nghe vùn vụt, xé gió vo vo.
Nàng áo đen có một bản lãnh khá cao, đao pháp có vẻ tinh thục lắm. Nàng vũ lộng thanh đao lấp lánh như hoa lê, chém vun vút vào người của Gia-luật-Tấn làm cho cây gậy bỗng sắp bị chặt gãy, càng lâu càng lúng túng.
Biết mình đã đuối sức không thể cự đương lâu nữa, y vội gọi lớn:
- Phụ thân, xin tìm đường lánh đi cho mau.
Rồi y thét lớn:
- Quân bay đâu rồi, hãy đến tiếp tay cùng ta, mau lên!
Thấy nếu cứ để kéo dài cuộc tranh chấp, e bọn thị vệ kéo vào đông quá bất lợi, nên nữ lang áo đen chuyển mình phóng ra một ngọn cước.
Ngọn đá tung ra mau quá, Gia-luật-Tấn né tránh không kịp bị trúng ngay giữa lưng dội tới trước, ngã sắp xuống nền nhà.
Lập tức nàng ấy phóng tới, vung đao nhắm ngay đầu chém xuống thật mạnh.
Dương-Qua thấy tình hình quá nguy ngập miệng la "nguy quá"! rút ngay một mũi "Ngọc Phong Châm" định tung ra để giải cứu nhưng bỗng có bóng một người con gái nhảy ra quát lớn:
- Tiện tỳ, chớ vô lễ!
Người ấy chính là Gia-Luật-Yên, gái út của Gia-Luật-Sở-Tài.
Miệng nói tay trái tát ngay mặt nữ lang áo đen, tay mặt dùng thế "tay không đoạt đao" cướp lấy thanh đoản đao đang chém xuống đầu anh mình.
Thế là hai bên dằng co, kẻ trì người kéo, trông như hai con vượn giành mồi. Cả hai hành động hết sức lanh lẹ, biến thế liên tiếp khi sang tả lúc sang hữu, cây diệp đao lúc ở tay người này khi lại lọt vào tay nàng nọ, nhưng ai cũng cố nắm lấy đằng cán, không người nào chịu nắm đàng lưỡi.
Dương-Qua bèn nhìn Lục-vô-Song nói nhỏ để chọc tức nàng:
- Xem tài nghệ hai nàng này có vẻ cao cường hơn cô một bực.
Trong lúc ấy bọn thị vệ đã vũ lộng binh khí hè nhau xông vào định vây đánh nữ lang, nhưng Gia-Luật-Tề cản lại nói:
- Các ngươi cứ để yên. Tam-Tiểu-Thư khỏi cần các ngươi đánh giúp.
Lục-vô-Song nghe Dương-Qua nói khích, nổi nóng đấm thùm thụp mấy cái vào lưng chàng.
Dương-Qua cười hề hề ghẹo nữa:
- Cô cứ xem đấy không phải sao? Tôi nói không bao giờ sai. Họ xuất thủ toàn những ngón rất tinh diệu, nhất định phải là đệ-tử của cao nhân. Cô bì sao được.
Gia-luật-Tấn đứng qua một bên nghỉ sức và cả cha con đều ngạc nhiên trố mắt ra nhìn, cùng suy nghĩ:
- Xưa nay Gia-Luật-Yên có tập luyện võ nghệ bao giờ đâu mà hôm nay lại tài giỏi như thế này?
Thế rồi hai người hồi hộp đứng nhìn trân trối.
Hai cô cứ tranh nhau quyết giựt cho được lưỡi đoản đao. Người nào cũng quyết túm lấy cán cố rút khỏi tay kẻ địch. Giằng co qua lại, đẩy tới kéo lui, chạy quanh co khắp phòng chưa ai đạt được ý muốn.
Thấy cứ kéo dài mãi, Gia-luật-Tấn nóng ruột đứng dậy nói:
- Tam muội, em hãy lui ra, để cho anh tiếp nàng vài ngón xem sao.
Vừa dứt lời, chàng lanh chân bước vào tung ra liên tiếp ba quyền như búa đập.
Gia-Luật-Yên bước trái qua một bên, miệng nói:
- Đây, anh ra tay bắt sống hắn cho em nhé.
Dương-Qua mỉm cười, chắp tay sau lưng, đứng xem Gia-Luật-Tề và nữ lang áo đen tranh tài cùng nhau.
Đánh một chập lâu, Gia-Luật-Tề bỗng đứng nguyên một chỗ, tay trái giấu sau lưng, tay phải đưa ra phía trước muốn cướp lấy thanh đao, nhưng chưa động thủ. Người con gái áo đen cũng đứng lại thủ thế không dám tấn công nữa.
Dương-Qua buột miệng khen nhỏ:
- Thế võ của chàng này quả nhiên lợi hại!
Lục-vô-Song chế nhạo:
- Bản lãnh của hắn trội hơn chú gấp mấy lần, không lợi hại sao được.
Dương-Qua lặng thinh không đáp, giả bộ như không nghe câu ấy.
Bỗng Gia-Luật-Tề gọi em gái nói:
- Tam muội, hãy xem, anh điểm huyệt cho hắn mềm cả gân cốt, không còn đủ sức nằm vững thanh đao. Em chuẩn bị để đoạt lấy nhé!
Nàng áo đen giận quá hét lớn:
- Súc sinh đừng phách lối, quả là quân khốn kiếp óc đầy cuồng vọng chủ quan.
Gia-Luật-Tề không đáp lại, đưa tay lẹ như chớp điểm ngay vào người cô gái. Cô gái áo đen cảm thấy như muôn ngàn mũi kim châm vào các thớ thịt, chân tay bủn rủn, thanh đoản đao đã rơi xuống đất nghe xoảng một tiếng lớn.
Mọi người xung quanh thảy đều thán phục Gia-luật-Tề nói đâu có đó, tài nghệ tuyệt vời.
Gia-luật-Tề cúi xuống lượm thanh đoản đao nhìn Gia-luật-Yên nói:
- Tam muội, bây giờ hắn không còn binh khí nữa, em có muốn thử sức thì cứ xông vào, nhưng phải để ý đề phòng song cước của hắn nhé.
Nữ lang bị mất khí giới chỉ còn hai bàn tay không, nét mặt có vẻ hốt hoảng vì kinh sợ.
Bọn thị vệ nghĩ thầm:
- Công tử mình đã đoạt khí giới mà không ra tay hạ sát là có ý muốn tha chết cho nàng, sao nàng không chịu tẩu thoát đi cho mau, cứ đứng hoài như vậy làm gì nữa.
Gia-luật-Yên tiến lên hai bước, đưa tay chỉ ngay mặt nữ lang áo đen, nghiêm nghị nói:
- Hoàng-nhan-Bình, đã hai phen anh em ta rộng lòng tha chết sao mi chẳng biết thân cứ mang mặt đến đây làm dữ mãi. Hôm nay đừng trách chúng ta độc ác nhé.
Dương-Qua nghe gọi tên nữ lang thì nghĩ bụng:
- Bọn này có nhiều tên họ quá ư kỳ lạ, ít khi nghe gọi quá.
Thật ra chàng đâu biết rằng giòng họ Gia-Luật là quốc tính của nước Đại-Liêu, cũng như giòng họ "Hoàng nhan" là quốc tính của nước Kim. Hai họ này đều là Hoàng-Tộc của hai nước. Nước Kim tiêu diệt nước Liêu, và sau này nước Kim lại bị nước Mông Cổ tiêu diệt lại.
Ngày nay cả hai họ "Hoàng-Nhan" và "Gia-Luật" đều là giòng dõi Hoàng phái bị vong quốc.
Bị Gia-luật-Yên trách mắng, Hoàng-nhan-Bình đứng yên không đáp lại.
Gia-luật-Yên hỏi luôn:
- Nếu mi muốn cùng ta tranh tài cao thấp thì cứ ra tay đi.
Nói rồi múa quyền đánh nhau.
Hoàng-nhan-Bình bước lùi ra sau né tránh rồi nói nho nhỏ, giọng rầu rầu:
- Mi hãy giao trả thanh đạo lại cho ta.
Gia-luật-Yên nghe nói suy nghĩ:
- Sở dĩ anh ta đoạt lấy đoản đao của ngươi là muốn cho ngươi tay không cùng ta tranh tài cao thấp. Nay mi cứ nằng nặng đòi lại đao ấy, không hiểu với mục đích gì đây?
Tuy vậy nhưng nàng vẫn có tính hào hiệp không hề cân chấp, ngó một tên thị vệ bảo:
- Ngươi thưa với anh ta xin nhận lại thanh đoản đao để trả cho nàng này.
Một phút sau, tên thị vệ cầm đao ra, hai tay đưa cho nàng và hỏi thêm:
- Bẩm cô nương, cô nương có cần đến vũ khí nào không?
Gia-luật-Yên lắc đầu đáp:
- Khỏi cần, ta không muốn dùng vũ khí.
Rồi nàng ngó Hoàng-nhan-Bình trao thanh đao cho nàng và nói:
- Ta dùng tay không đánh với mi, tuy chắc thua, nhưng ta vẫn cố gắng để mi được thỏa lòng.
Hoàng-nhan-Bình nét mặt tái lợt, đôi mắt rầu rầu chớp lia, nhìn về phía Gia-luật-Sở-Tài, òa lên khóc lớn và nói qua giòng nước mắt:
- Mi đã giúp quân Mông-Cổ sát hại song thân ta, ngày nay ta không đủ sức báo thâm cừu, xin hẹn gặp nhau dưới suối vàng để rửa hận lớn.
Dương-Qua thấy đôi mắt vô cùng chán nản và tuyệt vọng của nữ lang đã đoán hiểu ý định của nàng nên kêu lớn:
- Cô nương, cô nương! Chớ nên!
Ngay lúc ấy Hoàng-nhan-Bình trở ngược lưỡi dao đâm vào cổ họng để tự vận.
Gia-luật-Tề xông vào đoạt mất thanh đao rồi điềm đạm nói:
- Việc gì nàng phải làm như vậy?
Mọi người quá ngạc nhiên, cùng kêu lên một tiếng vì hốt hoảng, do đó chẳng ai để ý đến tiếng kêu của Dương-Qua.
Lục-vô-Song nghe được, nhìn chàng hỏi nhỏ:
- Chú gọi nàng là Cô nương? Vậy nàng là sư-phụ của chú sao?
Dương-Qua lắc đầu và ấp úng đáp:
- Không phải... không phải Cô nương tôi đâu.
Nguyên nhân vì trong khi Hoàng-nhan-Bình quyết tâm tự tử, nét mặt và khóe mắt nàng chứa chất tất cả niềm đau đớn thất vọng, mới nhìn thấy giống hệt như nét mặt ủ rũ của Tiểu-long-Nữ lúc nhìn chàng lần chót nói lời vĩnh biệt. Vì vậy nếu trong giây phút quá cảm xúc, chàng cứ đinh ninh đó là Tiểu-long-Nữ của mình, nên hốt hoảng gọi Cô nương.
Lục-vô-Song thấy nét mặt Dương-Qua rầu rầu đăm chiêu và nghiêm nghị không giống như thái độ thường ngày nên cũng e dè không dám hỏi thêm nữa.
Khi ấy Gia-luật-Sở-Tài cất tiếng nói:
- Hoàng-Nhan cô nương đến đây nay đã ba lần cô nương đến tìm lão phu để hành thích nhưng không làm được như ý. Lão phu muốn hỏi cô nương một câu này: Luôn luôn cô nương oán hận lão phu đã làm Tể-tướng cho Đại Mông-Cổ rồi giết hại song thân mình. Cô nương có biết kẻ nào đã giết hại tổ phụ của lão phu không?
Hoàng-nhan-Bình lắc đầu đáp:
- Tôi không rõ điều ấy được.
Gia-luật-Sở-Tài nói tiếp:
- Tổ phụ của lão phu là Hoàng tộc của nước Đại-Liêu, mà nước Đại-Liêu đã bị nước Kim tiêu diệt. Con cháu họ Gia-Luật của Đại-Liêu đã bị người họ Hoàng-Nhan của nước Kim giết chết rất nhiều. Cũng vì vậy mà ngay từ khi còn niên thiếu, lão phu mới quyết tâm phò Mông-Cổ để nhờ thế lực Mông-Cổ mà tiêu diệt lại họ Hoàng-Nhan của Kim quốc. Than ôi! Nếu ngày nay con cháu đôi bên cứ lấy oán trả oán thì oán nọ sẽ liên miên, đời đời kiếp kiếp cứ lo thù qua giết lại, biết bao giờ dứt được.
Nói đến đây, người lão thành đáng kính mơ màng đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, như muốn tìm thấy cảnh núi xương, sông máu. Tưởng tượng hình ảnh thảm sát đã diễn ra trong dĩ vãng và sẽ tiếp tục về sau muôn đời bất tuyệt! Bao nhiêu hình ảnh ghê rợn ấy cũng chỉ do một động cơ chính là hai chữ "oán thù"!
Hoàng-nhan-Bình nghe nói có vẻ suy tư, trầm ngâm đôi phút rồi nhớ tại thực tại, tức mình không tự nhủ được, trợn mắt nhìn Gia-luật-Tề thách lớn:
- Tôi hổ thẹn tài hèn sức kém đã ba lần đi báo thù cho song thân nhưng đều thất bại, chẳng muốn sống làm gì nữa. Tại sao mi nhúng tay vào cản ngăn tôi?
Gia-luật-Tề mỉm cười nói bông đùa:
- Bây giờ cô nương cứ tự cho mình không đủ sức để trả thù nữa thì tự nhiên ý chí cũ sẽ tiêu tan hết.
Hoàng-nhan-Bình uất hận quá nhưng không cử động gì nữa, hét lên một tiếng, đôi mắt nhìn Gia-luật-Tề trừng trừng như muốn moi mật ăn gan.
Gia-luật-Tề vội vàng quay cán đao giải huyệt cho nàng.
Sở dĩ chàng không dùng ngón tay mà lấy đao giải huyệt cho Hoàng-nhan-Bình là để giữ cho nàng không muốn trước mắt mọi người sờ mó vào mình một phụ nữ đang tê liệt và cũng là một lối để giữ câu phương châm "nam nữ thọ thọ bất tương thân".
Giải huyệt xong rồi, chàng lễ phép hai tay cầm thanh đoản đao trao trả.
Hoàng-nhan-Bình do dự một hồi lâu mới đưa tay tiếp nhận và điềm đạm nói:
- Đã ba lần công tử tha tội không giết, lại đối đãi hết sức tốt. Tôi đâu phải sắt đá mà không thấy rõ điều ấy. Tuy nhiên mối cựu thù giữa hai họ sâu hơn biển, cao hơn núi, không thể vì chút cảm tình mà dẹp bỏ đi được.
Gia-luật-Tề cúi đầu suy nghĩ:
- Nàng có một bản lãnh khá cao siêu mà lúc nào cũng cương quyết phục thù cho cha mẹ. Chẳng lẽ ta phải ở luôn bên cạnh phụ thân để bảo vệ mãi sao? Hay là bây giờ ta tìm cách khích nàng để quỵ hết mối thâm thù ấy vào bản thân ta cho yên chí.
Nghĩ như vậy rồi chàng nói lớn:
- Tôi hết sức thán phục lòng hiếu thảo của cô nương, lúc nào cũng quên mình để nghĩ đến mối thù của cha mẹ. Nhưng giữa thân phụ của tôi đều là những bậc tiền bối, phải để cho họ tự lo liệu, giải quyết cùng nhau vì họ chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Ngày nay cô nương và tôi là phận làm con, cùng vai vế, cùng địa vị như nhau. Vậy tôi ước mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau thanh toán món nợ máu. Cô nương nghĩ sao?
Hoàng-nhan-Bình chẳng suy nghĩ đáp ngay:
- Hiện nay tài nghệ của ta còn thấp kém thua mi nhiều, ta chưa phải là đối thủ của mi. Nếu muốn như thế cũng được, nhưng phải chờ một cơ hội khác trong tương lai.
Nói xong nàng xoay mình nhảy ra ngoài biến mất.
Gia-luật-Tề thấy vậy ngại rằng nàng sẽ phẫn chí đi tìm chết nên vội vàng phi thân đuổi theo và kêu nói:
- Cô nương họ Hoàng, cô nương quả là con người quá ư nông nổi và cạn tính. Hãy ngừng lại, tôi phân tỏ vài lời.
Hoàng-nhan-Bình nghe nói dừng chân quay lại hỏi:
- Tại sao nhà ngươi bảo ta là nông nổi?
Gia-luật-Tề cả cười đáp rằng:
- Tôi cũng đồng ý là hiện nay võ công của tôi cao hơn cô một bậc. Nhưng tại sao cô nương không chịu khó đi tìm một danh sư để học hỏi thêm, chừng nào xét có đủ bản lãnh sẽ tìm lại cùng tôi so tài rửa hận? Chúng ta thảy đều trẻ tuổi, thời gian còn dài lắm, có gì mà phải hấp tấp như vậy kia.
Hoàng-nhan-Bình lắng tai nghe cũng nhận là hữu lý nên gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
Gia-luật-Tề nói tiếp:
- Trong những lần qua, tôi chỉ sử dụng một cánh tay phải để đối phó với cô nương. Sau này tôi nhất định chỉ dùng một cánh tay ấy mà đối địch nữa. Nếu tôi sai lời dùng đến tay trái, thì tôi nguyện sẽ chịu chết bởi lưỡi gươm của cô nương. Nói như thế không phải tôi có ý tự phụ hay muốn khinh miệt cô nương mà thật tình vì tôi nghĩ, nếu dùng cả hai tay thì tánh mạng cô nương khó nỗi bảo toàn. Vì tánh thương người nên tôi đã đưa ra lời cam kết ấy, và tôi xin lấy danh dự để bảo đảm không hề nói ngoa.
Sở dĩ Gia-luật-Tề đưa ý kiến này ra là muốn Hoàng-nhan-Bình nuôi hy vọng thắng được mình để bỏ ý định tự tử đi. Chàng biết rằng sở dĩ con người đi tự tử vì đã quá tuyệt vọng. Nếu có hy vọng không khi nào họ tự tử bao giờ.
Hoàng-nhan-Bình nghe xong ngẫm nghĩ:
- Mi tự cho mình tài cao hơn người nên đã quá tự phụ nên ra điều kiện ấy. Tự mi đã buộc nợ cho mi, chứ ta nào có biết.
Mi đã thách như vậy, ta cũng bằng lòng đi tìm thầy học thêm để trở về đấu lại lần nữa.
Nghĩ rồi nàng gật đầu nói:
- Ta bằng lòng, và mong ngươi phải giữ lời đã hứa. Người quân tử đã nói như dao khắc cột, không thể làm khác được nữa.
Gia-luật-Tề đáp:
- Gia-luật-Tề này đã nói, dầu đến chết vẫn không quên.
Hoàng-nhan-Bình thở dài, đưa mắt rầu rầu nhìn quanh một bận rồi phi thân biến mất trong bóng đêm.
Bọn thị vệ thấy công tử đã tha cho nàng rồi mới yên chí, quay lại vấn an cụ cố Tể-tướng.
Trong khi sự việc xảy ra quá ư gây cấn nhưng Gia-luật-Tấn thấy Dương-Qua vẫn điềm nhiên không thi thố tài năng cũng lấy làm ngạc nhiên lắm. Gia-luật-Yên hỏi Gia-luật-Tề:
- Vì lẽ gì mà anh cứ tha cho cô bé ấy mãi như vậy.
Gia-luật-Tề cười đáp:
- Nếu muốn giết hắn thì lúc nào giết cũng được cần gì phải nôn nóng.
Gia-luật-Yên mỉm cười ranh mãnh đáp:
- Có lẽ anh muốn em gọi cô ta là chị dâu chăng? Nếu có thể cứ nói thật đi.
Gia-luật-Tề nghiêm giọng nói:
- Em đừng bông đùa nhàm nhở không được.
Thấy anh đã giận, Gia-luật-Yên không nói dỡn nữa.
Dương-Qua đứng ngoài cửa sổ đã nghe rõ mọi việc, khi nghe Gia-luật-Yên hỏi anh muốn bảo mình gọi là chị dâu thì nghĩ rằng:
- Cô này có ý nghĩ cũng ngộ nghĩnh lắm. Gia-luật-Tề hành động có vẻ quân tử đại lượng lắm. Nhưng hắn vẫn còn trẻ tuổi nhiều tình cảm, đâu phải nhà sư mà tránh khỏi nanh vuốt của ái tình.
Chàng nghĩ càng mến phục Gia-luật-Tề, nhưng sực nhớ lại khóe mắt của Hoàng-nhan-Bình lúc long lanh cảm động giống hệt như đôi mắt đẹp của Cô nương Tiểu-long-Nữ. Liên tưởng đến hai người chàng cũng công nhận quả xứng đôi vừa lứa.
Đang suy nghĩ xa gần thình lình có một bóng đen vụt bay từ nóc nhà phía Đông qua hướng Tây Nam. Dương-Qua khẽ bảo Lục-vô-Song:
- Đứng chờ đây một chốc. Tôi đi có tý việc cần, sẽ về ngay.
Lục-vô-Song vội hỏi:
- Chuyện gì vậy, ở đâu thế?
Chàng nín thinh băng mình như làn khói, mờ dần trong bóng đêm về hướng Đông.
Bóng đen ấy là Hoàng-nhan-Bình. Nàng có bản lãnh và khinh công cũng khá, nhưng đối với Dương-Qua đâu có nghĩa lý gì. Vì vậy không bao lâu chàng đã theo kịp và thấy nàng sà xuống một túp nhà nông dân trong xóm.
Nàng tằng hắng một tiếng rồi khoan thai bước vào nhà. Dương-Qua cũng từ từ hạ xuống, nhè nhẹ lướt theo sát gót, nhưng nhờ tài khinh thân quá tinh dịu nên Hoàng-nhan-Bình chẳng hề hay biết.
Khi bước vào trong, Dương-Qua đứng nấp ngoài tường nghe ngóng.
Một chập sau từ căn nhà gần bên có ánh đèn le lói, trong đó có tiếng thở dài vô cùng não ruột.
Dương-Qua cũng thấm thía với tiếng thở dài căm hờn như nức nở ấy nên bất giác cũng thở dài theo.
Hoàng-nhan-Bình hình như nghe được tiếng thở dài ấy, nên cả sợ, vội vàng thổi tắt ngọn đèn trên bàn rồi rón rén bước lại đặt tai vào vách tường nghe ngóng.
Một chặp sau vẫn thấy tư bề vắng lặng như tờ, nàng khẽ hỏi:
- Ai đó?
Dương-Qua cũng se sẽ đáp lại:
- Vì cảm thông cùng cảnh ngộ đau lòng nên tôi cũng thở dài để trút bớt phần nào phiền não xin miễn chấp.
Thấy kẻ này không có gì ác ý, Hoàng-nhan-Bình vững bụng hỏi thêm:
- Xin cho biết người là ai?
Dương-Qua chậm rãi nói:
- Ngày xưa, cổ nhân quyết chí báo thù đến nỗi phải "nằm gai nếm mật" hay "ăn than sơn mình" trải bao nhiêu gian khổ chẳng sờn lòng. Lạ gì mới thất bại một vài lần mà cô nương đã nản chí đâm ra tự tử, không hổ thẹn với tiền nhân ư?
Nguyên ngày ở Đào-Hoa-Đảo, được Hoàng-Dung dạy văn, Dương-Qua có đọc được sách biết Câu-Tiễn nằm gai nếm mật và Dự-Nhượng sơn mình nuốt than để nuôi ý chí phục thù, nên mới đem ra làm ví dụ để nói chuyện cùng Hoàng-nhan-Bình cho có điển tích.
Thình lình đèn sáng trưng, cửa phòng mở rộng, Hoàng-nhan-Bình ló đầu nhìn ra rồi chắp tay vái dài, lễ phép nói:
- Kính mời các hạ bước vào trong nầy cho tôi được hầu chuyện.
Khi Dương-Qua bước vào phòng, dưới ánh đèn dầu, Hoàng-nhan-Bình thấy một thanh niên mặt mày xinh đẹp, y phục theo lối Mông-Cổ thì rất ngạc nhiên, vội hỏi:
- Nghe những lời các hạ vừa dạy thật quả chí lý, vậy xin các hạ vui lòng cho biết quý danh quý tánh để thỏa lòng ngưỡng mộ.
Dương-Qua không đáp theo câu hỏi, đứng thẳng người, vòng tay trước ngực nói:
- Tên Gia-luật-Tề thật là một đứa tự phụ và khoác lác. Hắn dám xưng chỉ dùng một tay đánh thắng cô được. Lối ấy đâu có gì khác lạ mà khoe khoang?
Hoàng-nhan-Bình chưa hiểu Dương-Qua thuộc thành phần nào, theo phe ai nên còn e dè, chưa dám tán thành hay phản đối.
Dương-Qua nói tiếp:
- Tôi có thể chỉ cần dạy cho cô vài thế võ để buộc Gia-luật-Tề phải sử dụng cả hai tay. Nếu cô chưa tin, cứ thử rồi biết. Tôi cam đoan không dùng đến thế thứ tư đâu.
Hoàng-nhan-Bình vẫn ngạc nhiên và bỡ ngỡ lắm. Nàng nghĩ bụng:
- Anh chàng này là ai? Sao tự nhiên đến đây chưng tài, hay có dụng ý gì đối với mình chăng?
Thấy nàng còn do dự, Dương-Qua nói tiếp:
- Nếu nàng muốn thử thách để tin vào lời nói của tôi, xin cứ dùng gươm chém tôi đi sẽ có chứng minh cho mà xem. Nếu tôi nói dóc bị chết bỏ mạng không oán trách được ai.
Hoàng-nhan-Bình nói:
- Khỏi cần đấu gươm đao. Tôi chỉ cần quyền chưởng để thử sức thôi. Nếu các hạ né tránh được cũng đã cao siêu lắm rồi.
Dương-Qua lắc đầu đáp:
- Không được đâu. Cô phải dùng đao kiếm, nếu không, thì đời nào cô thấy được sự thật để phục tài tôi chứ?
Thấy người này nói năng có vẻ thật tình chứ không phải đùa cợt hay phỉnh phờ, Hoàng-nhan-Bình nói:
- Nếu quả vậy thì các hạ thật là một kẻ tài ba xuất chúng, tôi không bao giờ ngờ đến một chuyện như vậy được. Vậy xin các hạ xem chừng ngay nhé.
Nói xong nàng múa đao chém lia vào vai Dương-Qua như bằm chuối.
Dương-Qua thản nhiên khoanh tay đứng nhìn, hình như không đếm xỉa gì hết. Khi lưỡi đao sắp chạm vào da, chàng chỉ lắt mình nhẹ một cái là tránh được rất dễ dàng.
Hoàng-nhan-Bình muốn chặt ngay vào đầu nhưng vẫn do dự, vừa vung ra đã thụt lại ngay.
Dương-Qua bảo:
- Cô cứ chém thật tình đi, chớ ngại ngùng gì hết.
Hoàng-nhan-Bình nghĩ:
- Chẳng lẽ y là yêu ma hay thần thánh gì mà nói có vẻ lớn lối tài tình quá vậy.
Nàng bặm môi chém vút một đao thật mạnh, định chặt đôi thân hình chàng làm hai đoạn.
Nhưng ánh đao vừa vung lên, Dương-Qua hình như đã đoán trước bảo rằng:
- Với thế đao ấy, tôi chỉ cần nằm rạp xuống là chém hụt ngay, cô đừng dùng ngón này vô ích.
Hoàng-nhan-Bình đem hết tinh thần và sức lực dồn vào cánh tay chém vù vù khắp bốn mặt, nhưng Dương-Qua vẫn nhởn nhơ cứ nghiên qua lật lại sơ sơ cũng đủ tránh được trong đường tơ kẽ tóc.
Hoàng-nhan-Bình thán phục quá, đang phân vân chưa biết nên đổi cách nào để chém cho trúng thì Dương-Qua đã bảo:
- Bây giờ tôi đã rõ tài chém của cô rồi. Nhưng tôi chưa biết tài phóng đao của cô ra sao, xin hãy thi thố xem thử.
Hoàng-nhan-Bình gật đầu, bước lui ra sau một tý rồi vung tay phóng luôn lưỡi điệp đao bay thẳng lại chàng như tên bắn. Dương-Qua khẽ đưa tay bắt được, thảy lại cho nàng và bảo:
- Hãy phóng mạnh hơn xem thử.
Hoàng-nhan-Bình khiếp quá, đứng nhìn trân, chưa tin là sự thật.
Dương-Qua nói tiếp:
- Thôi được rồi, bây giờ đến phiên tôi nhé. Cô cứ múa đao cho kỹ và giữ gìn cẩn thận đấy. Chỉ trong ba ngón là tôi đoạt được lưỡi đao ngay, cô giữ cách nào cũng không thể được.
Hoàng-nhan-Bình tuy đã phục chàng quá sức với những ngón vừa mới thi thố, tuy nhiên vẫn chưa dám tin rằng chỉ trong ba thế mà có thể tay không đoạt được đao mình.
Tay nắm chặt cán đao, nàng bảo:
- Xin các hạ xem đây!
Nói xong nàng vung lên múa đao theo thế "Vân hoành Tần Lĩnh" (mây bay trên đỉnh non Tần) chém phạt ngang một nhát. Dương-Qua khẽ cúi đầu thấp xuống tránh được, thuận tay hất nhẹ vào sống đao khiến con đao rời ngay khỏi tay nàng, quay một vòng kêu vo vo rồi rớt trên mặt đất.
Hoàng-nhan-Bình mất đao đứng ngẩn người trố mắt nhìn chàng, phục quá!
Dương-Qua mím miệng vận khí thổi phù một hơi, thanh đao bay bổng lên rơi lại gần chân Hoàng-nhan-Bình như người ta thổi một mảnh giấy con.
Hoàng-nhan-Bình chưa biết nói sao mặt mày ngơ ngác suy nghĩ, bỗng Dương-Qua cười cười nói tiếp:
- Bây giờ tôi cho cô nương xem lối ném đao bằng môi, đỡ dao bằng lưỡi nhé.
Vừa nói xong chàng vận khí hút một cái, thanh đao bay lên dính giữa đôi môi rồi thổi phù ra một hơi, thanh đao bay vút lên trên cao rồi từ từ rơi xuống. Chàng thè lưỡi nhẹ nhàng đỡ lấy sống đao rồi ngậm chặt trên miệng. Một lát chàng nhả đao rơi xuống đất rồi cười hà hà nhìn nàng không nói gì hết.
Hoàng-nhan-Bình quá sức kinh ngạc, cảm phục sát đất, miệng lẩm bẩm mãi:
- Trời! Quả thật là lạ lùng, kỳ diệu quá sức.