Chương 35 - Dương Qua trổ tài.


Số từ: 10487
Nguồn : sưu tầm
Ngày còn hầu hạ dưới trướng sư phụ Nhất Đăng, Ngư nhân còn mãng biệt danh là "điểm thương ngư ẩn" ngày ngày dùng đôi chèo sắt bơi thuyền đi ngược dòng sông. Mặc dù luồng nước chảy ngược như thác lũ nhưng ông vẫn xem thường, hai tay chèo đưa con thuyền vượt sóng vùn vụt, như một động cơ, không thấy gì là mệt nhọc,
Cũng nhờ cái sức mạnh như cọp ấy mà ông được Nhất đăng đại sư yêu mến vô cùng, bản chất thẳng thắng và cương trực, không phải như Chu Tử Liễu chỉ chuyên về thơ phú văn chương, ông là biểu hiện của sức mạnh, nên trong trận này giao chiến cùng Đạt Nhĩ Ma quả thật là xứng tài vừa sức.
Xưa nay, Đạt Nhĩ Ma tự cho mình là người dõng lược vô cùng, không ngờ ngày nay gặp phải vị thần dõng lược của Đại lý cũng vô cùng mạnh mẽ, cho nên cả hai cảm thấy cùng phấn khởi, hăng say tấn công tới tấp, không ai chịu nhường ai cả.
Trong keo đầu giữa Chu Tử Liễu và Hoắc Đô thì trong trận đấu có phát ra luồng gió mạnh, khiến quần hùng phải tránh xa, thì nay trong trận đấu này tuy không có luồng gió nhưng không ai dám đứng gần và cũng đều đưa tay bịt tai lại vì cũng không ai chịu nổi với những tiếng binh khí chạm nhau đinh tai nhức óc.
Dưới ánh sáng của muôn vàn ngọn đuốc, cầy chày Kim cương của Đạt Nhĩ Ma quay tít như rồng vàng uốn khúc tung hoành giữa không trung, trong lúc đôi chèo sắt của Ngư Nhân như hai làn khói mờ bao quyện lấy xung quanh khi ẩn, khi hiện vô cùng ảo diệu.
Hai người càng đánh càng hăng trận đấu mỗi lúc một căng thẳng, ác liệt khiến cho quần hùng phải nín thở và hồi hộp để theo dõi từng giây phút. Từ xưa tới nay, chưa có một trận đấu nào xứng sức và ác liệt như trận đấu này.
Bỗng trong đám đông có người buột miệng nói rằng:
- Không biết xưa kia Dực Đức dạ chiến cùng Mạnh Khởi có được hào hứng và kịch liệt như trận đấu này không nhỉ?
Quách Tỉnh và Hoàng Dung theo dõi, tinh thần căng thẳng, mồ hôi ướt cả mình. Quách Tỉnh hỏi vợ:
- Bà thử xem bên ta có hy vọng thắng được không?
Hoàng Dung nói:
- Chưa thể đoán ngay bây giờ được đâu?
Thật ra trong thâm tâm Quách Tỉnh cũng biết rõ là lúc này chưa thê nào đoán ra được thắng bại về tay ai, tuy nhiên ông cứ hỏi Hoàng Dung và hy vọng bà sẽ trả lời là Ngư Nhân thắng cho đỡ hồi hộp.
Trận đấu kéo dài thêm vài chục hiệp nữa nhưng sức lực hai người vẫn không giảm sút, tinh thần còn có vẻ hăng hơn trước nữa.
Ngư Nhân vừa đánh vừa gầm gừ, có lúc hò lên như bò kêu, cọp rống.
Đạt nhĩ Ma lấy làm lạ hỏi:
- Mi nói cái gì thế?
Vì Đạt Nhĩ Ma hỏi bằng tiếng Tây Tạng nên Ngư Nhân nghe không hiểu gì hết, bèn hỏi lại:
- Mi hỏi cái gì vậy?
Đạt Nhĩ Ma cũng không hiểu tiếng Trung Nguyên.Hai người hỏi qua hỏi lại, một chặp sau nổi đoá chửi nhau ầm ỹ. Chửi đã rồi xuất hết tất cả các đòn hiểm độc để cố gắng chiếm phần thắng lợi.
Đấu trường bây giờ đã mở rộng chứ không ở trong phạm vi hẹp như trước nữa. Gặp lúc chiến đấu quá ác liệt gay go, hai người đuổi nhau chạy khắp nơi, bao nhiêu bàn ghế đổ gãy lung tung, chén bát bể văng tung tứ phía. Cả một toà đại sảnh và một hoa viên mênh mông đã biến thành thao trường, lắm lúc khiến những người đứng xem phải lanh chân chạy ra xa để khỏi phải mang hoạ bất ngờ vì tên bay đạn lạc.
Nghe tiếng binh khí chạm nhau mỗi lúc một lớn,Kim Luân Pháp Vương hé mắt ra nhìn, trong lòng lo ngại:
- Nếu cứ để đấu mãi như thế này, dù Đạt Nhĩ Ma có thắng ắt cũng phải trọng thương.
Suy nghĩ xong, ông ta dự định cất tiếng gọi đệ tử, nhưng thấy hai bên đang dấu hăng quá nên lại thôi đi.
Hai người quyết chiến càng lúc càng dữ dội, càng quyết liệt không khác gì hai con cọp giành mồi. Hai món binh khí xoắn tít vào nhau như cặp mãng xà đang quyện lấy nhau và quay tít, nhìn không kịp.
Dưới ánh đuốc, bóng chày vàng của Đạt Nhĩ Ma loé ra chói mắt trông tựa như một con kim xà. Đôi mái chèo sắt của Ngư Nhân vờn lên như cặp thuông luồng đen, trông rất ngoạn mục.
Trong lúc đang hăng say chiến đấu, bỗng choeng một tiếng rùng rợn, và cả hai cùng thét lên một tiếng vì hoảng hốt. Quần hùng nhìn kỹ thì một mái chèo đã bị cây Kim Cương đập gãy làm hai khúc văng bổng lên cao, lộn luôn mấy vòng rồi nhắm phía Tiểu Long Nữ đang ngồi bay tới.
Tiểu Long Nữ đang mải mê chuyện trò cùng Dương Qua không để ý. Thình lình khúc chèo văng tới xắng xuống đất, chạm phải mấy ngón chân cuả nàng.
Nàng giật mình la ối một tiếng, rồi đứng dậy, đưa tay bóp chân miệng xuýt xoa.
Dương Qua vội hỏi:
- Cô nương bị thương chỗ nào? Có đau lắm không?
Tiểu Long Nữ nhăn mặt đưa tay chỉ xuống chân, xuýt xoa mãi.
Dương Qua thấy vậy tức sôi lên, quay lại phía đấu trường cố tìm xem kẻ nào đã ném thanh sắt này trúng chân cô nương bị thương. Ngay trong khi đó, Ngư nhân đang cầm một nửa mái chèo cãi lý cùng Đạt Nhĩ Ma:
- Tôi đâu có thua, dù sao tôi cũng còn có một mái chèo và thừa sức tiếp tục chiến đấu.
Đạt Nhĩ Ma lắc đầu lia lịa:
- Không được, vũ khí gãy rồi thì cũng tính như là đã thua, cãi lý làm chi nữa.
Đạt Nhĩ Ma biết địch thủ là tay lợi hại, nếu để trận đấu kéo dài, chưa chắc mình đã thắng nổi nên hắn cố tình già miệng để giành phần thắng cho xong.
Hoắc Đô Vương tử cũng thừa dịp chạy lại hô lớn:
- Như thế trong ba keo, thì chúng tôi đã thắng hai rồi. Vậy chức Minh Chủ võ lâm phải thuộc về sư phụ tôi. Các ngươi không thể...
Hắn nói chưa dứt lời thì Dương Qua đã sấn tới trước mặt Ngư Nhân sừng sộ bảo:
- Chúng ta vô can vô cớ, tại sao ngươi dám dùng mái chèo sắt ném trúng chân cô nương ta làm bị thương hả?
Ngư nhân ngạc nhiên ấp úng đáp:
- Tôi.. tôi... đâu có...
Nhưng Dương Qua đã nạt lớn:
- CHính vũ khí của ngươi đã làm cô nương ta bị thương nơi ngón chân đấy. Biết điều thì lại xin lỗi ngay lập tức.
Ngư Nhân trông thấy Dương Qua còn trẻ tuổi, cho rằng "ngựa con chưa biết sợ cọp nên làm thinh không cãi lại.
Dương Qua điên tiết, xông lại giật đôi chèo, tay kéo Ngư nhân, miệng bảo:
- Muốn sống thì phải lại xin lỗi ngay, nếu không sẽ mất mạng ngay bây giờ.
Hoắc Đô thấy thằng bé chưa bao nhiêu tuổi đầu đã tới xen vào làm rộn chuyện của mình thì nổi nóng mắng lớn:
- Đồ ranh con, đứng có hỗn láo mà mất mạng!
Dương Qua hươi cây chèo hỏi lại:
- Súc sinh, mày bảo ai là ranh con hả?
Rồi chàng cười lớn nói:
- Thằng chó chết mà dám bảo mình là ranh con,hay quá nhỉ?
Chư vị anh hùng đứng ngoài nhìn vào, thảy đều buồn cười nên cùng cười lớn. Tuy nhiên khi trông thấy Hoắc Đô hầm hầm sấn tới thì biết việc không xong. Ai nấy có ý lo giùm tính mạng Dương Qua.
Hoắc Đô cầm cây quạt lại định bước tới đánh xuống đầu Dương Qua.
Hầu hết những người đến dự tiệc đều là những người có tinh thần nghĩa hiệp, nên khi thấy Hoắc Đô vung quạt định hại Dương Qua, ai nấy thảy đều tái mặt bất bình nhao nhao la lớn:
- Này tên mọi kia, đừng ỷ lớn hiếp người, không được đâu.
Quách Tỉnh xông lại, đinh đưa tay giật cây quạt trong tay Hoắc Đô.
Nhưng Dương Qua đã nhanh như điện chớp, cúi đầu hạ thân mình xuống một chút chui qua vòng tay của Hoắc Đô rồi thừa cơ vung cây chèo gãy, theo tư thế "hồi mã bổng" trong "đả cẩu bổng pháp" xắng mạnh vào ống quyển của hắn.
bị một đòn bất ngờ vào ống chân, Hoắc Đô Vương tử đau quá điếng cả người. Cũng may y được công phu luyện tập khá cao, nếu như kẻ nào khác thì tất đã phải té nhào xuống đất ôm chân rên rỉ rồi. Lập tức y nhịn đau, vận dụng nội công tung mình lên cao, lùi ra sau hơn năm thước, bặm môi nhịn đau, đứng không nói nên lời.
Quách Tỉnh vội hỏi Dương Qua:
- Qua nhi, có sao không?
Dương Qua tươi cười đáp lại:
- Thưa bá phụ,con chẳng hề gì, nhưng trái lại con đã cho tên này nếm "đả cẩu bổng pháp" của Hồng lão tiền bối rồi,chắc cùng thấm thía lắm.
Quách Tỉnh ngạc nhiên quá hỏi lại:
- Làm sao con biết được thế đó? Ai dạy cho con vậy?
Dương Qua tìm lời tráo trở:
- Có khó gì đâu, chính con nhìn theo lối đánh của Lỗ Bang chủ vừa đấu cùng hắn mà học lỏm được đấy ạ.
Quách Tỉnh vốn là người thật thà và chất phác, nghe Dương Qua trả lời như vậy đã tin ngay và nghĩ bụng:
- ồ, thằng bé này thông minh quá cỡ. Trên đời này chưa chắc có được kẻ nào thông minh hơn nó.
Hoắc Đô bị một đòn vào ống chân đau điếng hồn, tuy nhiên hắn vẫn đinh ninh trong lúc mình vô ý không đề phòng mới bị đánh trúng chứ không thể tin một thiếu nên chưa đầy hai mươi tuổi như Dương Qua mà đã có võ công cao siêu như vậy. Y cho rằng trong lúc này, vấn đề quan trọng nhất là tranh ngôi Minh chủ võ lâm, còn chuyện chấp nệ trẻ nít chưa cần thiết lắm, nên bỏ qua không thèm nói nữa....
Bỏ Dương Qua đứng đó, Hoắc Đô lại gần bảo Quách Tỉnh:
- Kính thưa Quách đại hiệp, cứ theo hai trận đấu vừa rồi, bên tôi đã thắng hết, như thế thì theo lời ước hẹn, ngôi Minh chủ Võ lâm phải thuộc về sư phụ tôi là Kim Luân Pháp Vương rồi. Nhờ Quách đại hiệp công bố với quần hùng được rõ. Kể từ nay ngôi minh chủ võ lâm đã thuộc về tay sư phụ tôi Kim Luân Pháp Vương. Vậy có ai chưa bằng lòng hoặc phản đối nữa không?
Y nói chưa dứt lời, Dương Qua đã phi thân đến sát một bên vung quyền đánh luôn hai đường liên tiếp, một đòn vào lưng, một đòn vào đùi, rồi thét lớn:
- Ta không bằng lòng, ta phản đối đó!
Bị đánh hai đòn bất ngờ vào lưng và đùi đau quá, Hoắc Đô la "ối" một tiếng rồi đứng nhăn mặt xuýt xoa rên rỉ.
Toàn thể anh hùng xung quanh thích chí cười ầm cả lên. Thật không ai có thể ngờ một cậu bé lại bạo gan ương ngạnh như thế, và cũng không ngờ một người như Hoắc Đô lại nếm luôn mấy đòn liên tiếp một cách quá ư dễ dàng.
Bị đánh luôn hai lần nữa, phen này Hoắc Đô không dằn lòng nhẫn nhịn nữa, tuy nhiên hắn vẫn chưa tin Dương Qua có bản lãnh cao siêu nên nghĩ bụng:
- Thằng bé này thật hỗn xược, phen này ta phải cho nếm một bạt tai cho biết thân. Chỉ cần một bạt tai của ta, mi cũng đủ về chầu tiên tổ.
Nghĩ vậy, y thuận tay tát luôn Dương Qua thật mạnh.
Quách Tỉnh thừa rõ bên Tây Tạng có một lối tát tay rất đặc biệt, gồm có cả cương lẫn nhu, vô cùng lợi hại, nếu gặp sắt cũng phải vỡ, gặp bùn cũng phải nhô. Đó là thuật "Tích hoa chưởng" của phái võ Tây Tạng, Dương Qua chắc không thể nào chịu đựng nổi. Vì vậy nên ông xông lại, nắm hai bàn tay Hoắc Đô ngỏ lời năn nỉ:
- Trẻ nít cạn nghĩ và có hành động dại khờ nông nổi.Xin điện hạ bỏ qua đừng chấp nệ nó làm gì cho mệt óc.
Bị Quách Tỉnh khoá hết tay chân không làm gì được, Hoắc Đô tức giận vô cùng, vội cố sức vùng cho thoát khỏi vòng kiềm chế của ông.
Ngay khi đó, Dương Qua cầm nửa khúc chèo sắt chạy lại đánh thêm một đòn vào đùi hắn và mắng lớn:
- Thằng man di súc sinh, đừng hỗn láo để bận lòng người bề trên của ta!
Quách Tỉnh vội nạt lớn:
- Qua nhi! Con không được vô lễ!
Toàn thể anh hùng hào kiệt thích chí cười ầm rộ cả lên.
Bọn tuỳ tùng Mông Cổ thấy ba người đang giằng co, đồng hét lớn:
- Tại sao hai người lại xáp đánh một người như vậy? Như thế đâu còn lẽ công bằng nữa. Nơi đây là nơi thí võ tranh tài cao thấp chứ có phải cuộc đánh lộn đâu mà kéo nhau hùa lại như vậy, không thấy nhục sao?
Quách Tỉnh sực nhớ, lại thấy mình làm không đúng, vội vàng bỏ Hoắc Đô ra.
Hoàng Dung đứng phía sau để ý theo dõi, thấy Dương Qua xuất thủ đòn nào cũng đúng theo quy tắc của "Đả cẩu bổng pháp" nên nghĩ thầm trong bụng:
- Không biết Dương Qua đã được ai truyền dạy "Đả cẩu bổng pháp" mà có vẻ tinh thục như vậy kìa? Chẳng lẽ chỉ nhìn lén trong lúc ta dạy cho Lỗ Hữu Cước mà đã thông thạo đến mức này hay sao? Nếu vậy thì nó thật là thông minh xuất chúng, hay lắm!
Theo nhận xét của bà thì Dương Qua có thừa sức chiến đấu cùng Hoắc Đô nên bà cất tiếng gọi lớn:
- Xin mời Quách đại hiệp lên đây, mặc cho đôi bên tranh tài cao thấp, đừng nên can thiệp vào làm gì cả!
Nghe Hoàng Dung nói, Quách Tỉnh đoán vợ đã có mưu kế gì hay nên nghe theo, bước lại đứng bên cạnh bà.
Hoắc Đô nổi nóng vung tay múa chân đấm đá loạn xạ trên người Dương Qua, nhưng chàng đã trổ thuật khinh công tránh né tài tình khiến cho Hoắc Đô không đánh trúng đòn nào hết.
Sau khi để Hoắc Đô đánh gió một hồi, Dương Qua từ từ nói:
- Ta đánh vai mi đây!
Miệng nói, vừa dứt câu, thì tay chàng đã đập trúng vào vai y một mái chèo. Chàng nói tiếp luôn:
- Xem chừng trúng đùi đây này!
Và tiếp theo đó, Hoắc Đô lại lãnh thêm một chèo vào đùi ngay... Rồi cứ như vậy, nói trước đánh sau, nhưng nói đâu đánh trúng phong phóc. Hoắc Đô mặc dù được báo trước nhưng cũng không thể nào tránh kịp.
Hoắc Đô không dùng quyền cước nữa vì thấy không công hiệu với Dương Qua. Y bèn dùng quạt vụt túi bụi vào người chàng.
Nhưng Dương Qua lẹ làng tránh né và đỡ gạt tất cả, không để một đòn nào trúng mình. Nhưng cứ sau một cái gạt là chàng điểm một đòn trả lại vào đùi hay vào lưng Hoắc Đô ngay.
Quần hùng đứng ngoài nhìn vào thấy Dương Qua đánh trúng liên tiếp, nhưng chàng chỉ dụng ý đánh lấy có chứ không có ý hạ độc thủ, thành thử các đòn không có gì là nguy hiểm hay đau đớn cả.
Hai người quần nhau kẻ tới người lui chập chờn trong đại sảnh, có khi ra tận ngoài hoa viên, khiến cho bao nhiêu người đứng xem thảy đều thích thú như đang xem một trận múa rồi chứ không phải là một trận quyết đấu.
Một cảnh tượng đáng buồn cười nhất là Dương Qua thì ăn mặc quần áo rách rưới như xơ mướp, còn Hoắc Đô thì áo mão cân đai vô cùng sang trọng, rõ ràng là hai thái cực. Dương Qua thì trẻ măng như một thư sinh, còn Hoắc Đô thì uy nghi đường bệ như một viên đại tướng.
Dương Qua thì nhẹ nhàng nhảy nhanh như vượn, còn Hoắc Đô thì hùng hổ như cọp săn mồi, hai bên cứ quấn nhau mãi chưa ai hơn ai. Khách bàng quan đứng xem ai cũng thầm ước trận đấu cứ kéo dài mãi để xem cho thoả thích.
Bên cạnh đó, Ngư Nhân và Đạt Nhĩ Ma đã thủ sẵn binh khí trong tay, người nào người nấy hầm hầm trợn mắt nhìn đối thủ, chực xông vào tái đấu, nhưng ngặt vì chưa có lệnh trên, nên cả hai cùng phải đứng yên chờ đợi không động thủ được,
Đạt Nhĩ Ma đứng hoài chờ thấy Hoắc Đô đánh mãi không hạ thủ được một đứa thiếu niên thì trong lòng bực dọc vô cùng. Nay lại thấy địch thủ của mình vỗ tay reo hò tán thưởng có bề thích thú thì nổi nóng cất tiếng chửi bâng quơ. Nhưng vì y chửi bằng tiếng Tây Tạng líu lo, Ngư Nhân không nghe được, nên dùng bút hươi lên không khí mấy chữ:
- "Mi chửi ta thì gió thổi bay lên trời"
Hoắc Đô đem hết tài năng múa quạt ra tấn công nhưng mãi không trúng được Dương Qua một đòn nào.
Y tức giận lắm, nhưng không biết tính sao hơn. Cuối cùng y nghĩ ra một kế, xếp quạt bỏ chạy, định lừa Dương Qua đuổi theo sẽ quay trở lại đâm một nhát vào huyệt "Hoàn khiêu"
Đây là một thuật điểm huyệt vô cùng lợi hại. Nếu đối phương bị điểm trúng đùi tất nhiên sẽ phải quỵ xuống và không thể cất bước đi nổi nữa, toàn thân sẽ bị tê liệt ngay.
Dương Qua tuy còn trẻ tuổi, nhưng kinh nghiệm chiến đấu khá nhiều,hơn nữa, con người chàng vốn thông minh ranh mãnh, cho nên thấy đối thủ đang đánh tự nhiên bỏ chạy, biết ngay là có gian kế chi đây, nên chàng lại không đuổi theo, chỉ cười và nói lớn:
- Sá gì cái trò trẻ con ấy mà cũng định mang ra lừa ta được sao? Nãy giờ ăn đòn khá nhiều rồi, nếu biết lẽ thì phải chịu thua phứt đi cho rồi.
Nếu so về sức mạnh thì Dương Qua không thể bằng Hoắc Đô, nhưng về tài lanh lẹ, mánh lới thì Hoắc Đô không thể nào bì được với Dương Qua.
Quần hùng nghe Dương Qua nói đều thích chí cười rộ lên.
Hoắc Đô thấy mưu kế của mình bị khám phá rồi, chẳng biết tính sao, tinh thần có phần rối loạn, e rằng trước mặt hào kiệt thiên hạ mà bị thua về tay một thiếu niên thì còn mặt mũi nào nữa. Trí óc hoang mang, lòng mất tự tin, y không dám tấn công nữa, chỉ đánh cầm chừng chờ thời cơ mà thôi.
Hoàng Dung theo dõi trận đấu, lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra rằng Dương Qua đã được cao nhân truyền võ nghệ, bản lĩnh phi thường, ít kẻ dám sánh. Tuy nhiên, nếu thế trận giằng dai, Dương Qua thiếu kinh nghiệm sẽ bị Hoắc Đô dùng ý chí hãm hại thì bỏ phí mất một dịp may hiếm có.
Nghĩ thế, Hoàng Dung cất tiếng gọi lớn:
- Qua nhi! Giữa con và điện hạ nên xử hoà đi là hơn, đừng kéo dài làm gì nữa!
Nghe Hoàng Dung bảo, Dương Qua dừng tay lại bảo Hoắc Đô:
- Sao, mi muốn nghỉ hay muốn đánh nữa? Có gan tiếp tục không?
Hoắc Đô vốn là tay xảo quyệt, mưu mô cũng giảo hoạt lắm nên nghĩ bụng:
- Dù sao mình cũng đã thắng hai keo rồi, bây giờ kéo dài trận này làm gì nữa cho thêm rắc rối!
Nghĩ vậy, y trả lời:
- Này tiểu súc sanh, nếu nhà ngươi nhận thua và bằng lòng suy tôn sư phụ ta là Kim Luân Pháp Vương làm Minh chủ võ lâm, thì ta còn kéo dài trận đánh làm chi nữa?
Vừa nghe hắn tuyên bố, tất cả anh hùng hào kiệt đều nhao nhao phản đối kịch liệt.
Thấy vậy, Hoắc Đô lớn tiếng phân bua:
- - Trước khi đấu, hai bên đã cam kết "Trong ba keo, ai thắng hai là được cuộc ". Điều kiện đã quá rõ ràng, bây giờ tại sao các vị đã vội quên lời ước hẹn mà phản đối tôi như vậy?
Từ trong đám đông có người quát lớn:
- Đừng có xảo ngôn, mi thắng chúng ta chỗ nào? Chính mi bị người đánh ngã rồi, đến khi người ta lẫy lòng nhân từ đến giải cứu cho thì mi lại cắn trộm, dùng ám khí hại ngầm. Như thế là thắng hay sao? Còn keo thứ hai, thì khí giới người ta bị gãy, nhưng người ta vẫn còn đủ sức tiếp tục thi đấu, tại sao mi lại già mồm bảo người ta thua. Trước đó có ai đặt điều kiện là hễ bị hỏng khí giới là phải thua đâu? Như vậy mà mi dám bảo là thắng luôn hai trận, thật không biết ngượng mồm!
Dương Qua cướp lời nói trước:
- Thôi xin đừng tranh chấp làm gì cho mệt. Còn lão hoà thượng già kia có tài cán gì đặc biệt mà dám huênh hoang đòi làm bá chủ thiên hạ? Thấp kém nhỏ tuổi như tôi mà cũng không phục, huống chi là các hào kiệt võ lâm!.....
Hoắc Đô đỏ mặt tía tai quát lớn:
- Đồ ranh con, đừng lớn tiếng. Hãy gọi sư phụ mi ra đây giao chiến cùng ta cho biết tài cao thấp!
Dương Qua ngước mặt lên trời cười ha hả rồi đáp:
- Như sư phụ ta mới đáng mặt Minh chủ võ lâm chứ như lão hoà thượng sư phụ mi có tài cán gì mà hòng? Còn phần mi thì kém quá, ai cũng thấy rõ rồi, xin đừng lớn lối.
Hoắc Đô trợn mắt nói:
- Sư phụ mi là ai đâu? Hãy mời ra đây xem thử.
Dương Qua trả lời:
- Theo lời hẹn ước từ trước, thì cuộc đấu tài tranh ngôi Minh chủ hôm nay, chỉ có đệ tử thay mặt sư phụ ra đấu với nhau mà thôi có phải không?
Hoắc Đô đáp:
- Quả đúng như vậy.Chính ta đây thay mặt sư phụ ta là Kim Luân Pháp Vương tranh tài và đã thắng luôn hai keo rồi, như thế thì ngôi Minh chủ phải về tay sư phụ ta chứ còn giông dài gì nữa?
Dương Qua bèn chuyển qua lẽ cãi khác:
- Nãy giờ mi thắng phái khác chứ có thắng phái của ta đâu mà hòng giành ngôi Minh chủ. Trong võ lâm có biết bao nhiêu là môn phái chứ nào phải chỉ có một mà thôi đâu!
Hoắc Đô ngạc nhiên hỏi:
- ủa, mi ở môn phái khác sao? Vậy sư phụ mi là ai hả?
Dương Qua cười lớn rồi vỗ tay reo lên:
- Trời ơi! Sao có hạng người ngu ngốc quá như thế này nhỉ? Sư phụ ta tức là người đã dạy ta nên tài để đấu cùng mi và ta cũng chưa hề thua mi bao giờ. Việc gì mà phải hỏi?
Anh hùng hào kiệt nghe Dương Qua nói vòng vo để trêu chọc Hoắc Đô, thảy đều tức cười, không ai bảo ai, toàn thể đều cười reo để tán thưởng.
Dương Qua nghiêm giọng bảo:
- Bây giờ đến phiên ta ra điều kiện. Chúng ta hãy đấu cùng nhau ba keo. Nếu bọn mi thắng ta hai keo, ta sẽ bằng lòng nhận lão hoà thượng già kia làm Minh chủ võ lâm. Trái lại, nếu ta thắng, mi phải tôn sư phụ ta làm Minh chủ, như thế mi có bằng lòng không?
Nghe Dương Qua nói, toàn thể quần hùng ai cũng đinh ninh sư phụ chàng cũng là một bậc tiền bối có tên tuổi trong võ lâm. Hôm nay, Kim Luân Pháp Vương đang tranh ngôi Minh chủ cùng Hồng Thất Công Bắc Cái, nếu thêm một vị thứ ba có đủ tài đức để đại diện cho Hán tộc tranh tài cùng bọn Mông Cổ thì còn gì hay bằng.
Vì vậy nên mọi người đồng thanh nháo nhào nói:
- Hay lắm! Tiểu anh hùng nói có lý lắm. Hoắc Đô phải thắng được tiểu anh hùng thì mới mong nói tới chuyện tranh ngôi Minh chủ võ lâm. Nếu không thì đừng hòng. Võ lâm Trung nguyên ta hiếm gì Bắc đẩu tài cao, bọn người không nên vội xem người bằng nửa con mắt như vậy!
Hoắc Đô suy nghĩ:
- Bên bọn chúng ta đã có hai tay giỏi nhất, và bên đó đã có hai đứa nếm mùi thất bại rồi, còn ai đáng ngại nữa. Tuy nhiên ta cũng cần đề phòng kẻo bị tụi nó ỷ đông, áp dụng chiến thuật xa luân chiến thì bất tiện cho phe mình lắm. Nếu thắng tên này, đứa khác lại nhảy ra, rồi cứ thế mãi thì biết chừng nào mới xong việc?
Nghĩ ngợi một lúc, y cất tiếng hỏi lại:
- Nếu quý tôn sư muốn ra tranh tài cũng được, và đề nghị của tiểu huynh cũng có lý lắm. Tuy nhiên, anh hùng hào kiệt trong thiên hạ rất nhiều, chưa chắc đã tụ họp đông đủ nơi đây hôm nay. Nếu trong trận đấu sắp tới, chúng ta giải quyết xong rồi, nay mai có những kẻ vắng mặt ngày hôm nay đến đòi thử tài thử sức nữa, chừng ấy biết bao giờ mới giải quyết xong?
Dương Qua nhìn thẳng vào mặt hắn, hiên ngang đáp:
- Nếu là người khác ra tranh đoạt ngôi Minh chủ, ta không bao giờ ra tranh chấp. Nhưng nếu là lão hoà thượng sư phụ ngươi thì ta quyết tranh cho tới kỳ cùng!
Hoắc Đô thừa dịp hỏi vặn lại:
- Nhưng quý tôn sư là ai, hãy giới thiệu ra xem thử! Hay là tiểu huynh đệ đóng vai tranh hộ người ta mà thôi?
Dương Qua cười ha hả đáp:
- Sư phụ ta đang đứng ngay trước mặt ngươi mà ngươi không thấy hay sao? Để ta kêu sư phụ ta ra cho ngươi xem mặt nhé!
Nói xong, Dương Qua quay lại gọi:
- Cô nương ơi, cô nương! Bọn chúng đòi được yết kiến cô nương, mời cô nương ra đây cho bọn chúng được gặp!
Tiểu Long Nữ đằng hắng một tiếng, đứng thẳng người nhìn Hoắc Đô, khẽ gật đầu chào.
Thật là câu chuyện không ai có thể ngờ trước được, Bao nhiêu anh hùng hào kịêt thảy đều ngạc nhiên, vừa buồn cười, vừa suy nghĩ:
- Nàng này xem ra còn trẻ măng, không hơn tuổi Dương Qua là bao nhiêu mà chẳng lẽ lại là sư phụ y hay sao?Có lẽ Dương Qua kiếm cớ để đùa nghịch cùng Hoắc Đô chăng?
Trong số đông chỉ có Triệu Chí Kính, Doãn Chí Bình và Hách Đại Thông là công nhận Dương Qua nói thật mà thôi
Hoàng Dung thấy Dương Qua bản lãnh cao cường, trong bụng đã đinh ninh là thế nào cũng do một dị nhân truyền dạy võ công. Hôm nay thấy chàng bảo sư phụ là một cô gái trẻ măng, xinh đẹp, hình dáng lả lướt mảnh mai như Tiểu Long Nữ thì ngạc nhiên hết sức. Bà cứ phân vân không biết Tiểu Long Nữ có tài chi đặc biệt mà được Dương Qua tôn làm sư phụ.
Còn Hoắc Đô Vương tử thì tức đến đỏ bừng mặt, trợn mắt thét lớn:
- Thằng oắt con, mi ranh mãnh vừa vừa chứ. Mi nên biết rằng hôm nay đại hội quần hùng tranh ngôi Minh chủ võ lâm, đồng thời bàn nhiều việc quan trọng chứ không phải là một cơ hội để bọn chăn trâu, chăn bò, quần manh áo túm như bọn mi giỡn cợt đâu nhé! Muốn bảo toàn được mạng sống thì hãy cút đi cho khuất mắt ta.
Dương Qua cười dài nói:
- Mi hãy xem lại và nhận xét cho kỹ nhé. Sư phụ mi đã già lại đen, nói năng líu lo như vượn kêu, khỉ réo ai mà hiểu được? Như thế mà mi cho là xứng đáng. Còn sư phụ ta thì xinh đẹp, thanh tao, mi lại bảo rằng không xứng đáng. Chẳng lẽ bậc Minh chủ võ lâm lại cần phải chọn những người mặt như trôn chảo, đầu trọc như gáo dừa, da nhăn mắt lõm như lão thầy chùa kia mới được sao?
Tiểu Long Nữ xưa nay chưa từng tiếp xúc với đời, nên không có một ý thức nào khác. Nay thấy Dương Qua đem mình ra so sánh, lại khen mình xinh đẹp thì thích chí nhoẻn miệng cười.
Nàng hé môi cười tươi như hoa hồng mới nở, đẹp như ngọc san hô, khiến cho toàn thể quần hùng thảy đều xúc động và ai ai cũng công nhận vẻ đẹp của nàng quả thật là nghiêng nước, khuynh thành không bút mực nào tả xiết được.
Mọi người thấy Dương Qua cứ gan lỳ châm chọc Hoắc Đô thảy đều vừa ý. Nhưng những bậc lão thành lại có ý lo ngại, vì sợ Hoắc Đô nổi nóng giết mất Dương Qua đi chăng?
Lúc bấy giờ, Hoắc Đô không còn nhẫn nại được nữa. Hắn gầm lên một tiếng vang trời rồi quát lớn:
- Chính thằng ranh con này gây hoạ trước, xin chư vị anh hùng tha lỗi cho tiểu đệ hạ sát hắn cho rồi, nếu cứ để kéo dài mãi thì chẳng còn thể thống gì nữa!
Nói xong, y cầm quạt đập vào huyệt Thiên linh cái của Dương Qua.
Dương Qua nào có chịu thua, trợn mắt thét lại:
- Xin chư vị anh hùng niệm tình thứ lỗi cho phép tiểu sinh hạ sát tên Hung nô này. Quả nhiên hắn cố tâm gây hoạ trước chứ không phải lỗi tại nơi tôi. ở đời có khi nào chim chích lại đi trêu chọc bồ nông?
Mọi người khoái chí khi nghe Dương Qua nói câu này. Tiêng cười la reo hò vang lên náo động cả một góc trời. Ngay lúc ấy, Dương Qua đã múa tít cây chèo gãy, vừa đỡ, vừa tấn công tới tấp.
Hoắc Đô thận trọng né tránh. Tay y cầm quạt cứ lừa cho Dương Qua chống đỡ rồi thừa cơ vận dụng hết công lực vào tay trái tung chưởng đánh tạt vào Thái dương chàng.
Đây là thuật "Thập thành lực" một bí quyết về chưởng pháp vô cùng kỳ diệu và lợi hại. Dù cứng rắn như sắt đá mà bị chưởng lực này đánh trúng thì cũng nát bể ngay.
Nhưng Dương Qua tinh ý và lanh lẹ phi thường. Khi nghe tiếng gió lộng ào ào thốc mạnh vào Thái dương, chàng nhảy sang một bên tránh né, đồng thời cầm chiếc bàn vuông tung lên chống đỡ. Chỉ nghe "ầm" một tiếng vang trời, cả chiếc bàn vuông bằng gỗ lim đã bị chưởng lực đánh nát tan thành muôn mảnh.
Thấy khí thế và chưởng lực của Hoắc Đô vô cùng hùng hậu, quần hùng thảy đều khiếp sợ, lo giùm cho tính mạng của Dương Qua.
Dùng chưởng không kết quả, Hoắc Đô nổi đoá tung người bay lên không, dùng cước phóng luôn mấy đạp liên tiếp.
Mặc dù có học qua "Đả cẩu bổng pháp" nhưng dù sao cũng chỉ là học lỏm, hơn nữa tập luyện chưa thành thục nên Dương Qua có nhiều chỗ sơ hở. Không bao lâu, chàng bị Hoắc Đô tấn công tới tấp và dồn vào một chỗ, chống đỡ có phần chậm chạp hơn trước.
Hoàng Dung thấy Dương Qua biết nhiều phép lạ trong "Đả cẩu bổng pháp" nhưng vì chưa thuần thục, hơn nữa dùng cây chèo gãy không hợp với thuật đánh bổng nên không được thuận tay, đánh đỡ có phần lúng túng.
Thấy đối phương quyền cước lanh lẹ phi thường, Dương Qua không dám khinh địch. Chàng cố đem hết những thế mà trước kia Hồng Thất Công đã truyền dạy cho, phối hợp với các bí quyết mà Hoàng Dung đã dạy cho Lỗ Hữu Cước đem ra áp dụng. Thuật đánh đỡ đã tinh diệu, thêm nhiều bí quyết kỳ ảo vô cùng, từ ngôn trường đến ngôn đoản phối hợp chặt chẽ, cho nên mỗi một đòn của Dương Qua đánh ra mãnh liệt và lợi hại vô cùng, nhiều khi khiến cho Hoắc Đô phải bối rối...
Hoàng Dung cầm gậy trúc xông vào giữa trận đấu nói lớn:
- Xin đôi bên tạm dừng tay, tôi có chuyện muốn nói!
Thấy hai người vừa đứng yên, bà quay sang ngó Dương Qua bảo:
- Muốn đánh chó thì phải dùng gậy đánh chó chứ.
Nói rồi, bà trao cây bổng cho chàng, miệng nói lớn:
- Đây này, ta cho mượn tạm.Khi nào hạ nó xong thì phải trả lại ngay nhé!
Nguyên cây Đả cẩu bổng là báu vật của Cái Bang, chỉ một mình Bang chủ là có quyền sử dụng mà thôi. Vì vậy nên Hoàng Dung phải tuyên bố là cho Dương Qua tạm mượn để quần hùng và nhất là các vị chức sắc trong Cái Bang khỏi thắc mắc và chất vấn lôi thôi.
Dương Qua được cây bổng thì mừng rỡ quá sức, vội vàng đưa hai tay đón nhận. Hoàng Dung trao bổng cho chàng, thuận miệng bảo nhỏ:
- Nhớ buộc hắn phải đưa thuốc giải độc nhé!
Khi Chu Tử Liễu đánh với Hoắc Đô bị ám khí của hắn rồi, Dương Qua đang mải mê nói chuyện cùng Tiểu Long Nữ nên không hề hay biết. Nay nghe Hoàng Dung bảo, chàng chẳng hiểu gì hết, định lên tiếng hỏi thuốc giải độc gì, để dùng vào việc chi, nhưng chàng chưa kịp hỏi thì Hoắc Đô đã dùng quạt tấn công liến tiếp.
Dương Qua vung bổng gạt phăng cây quạt, rồi thuân thế đâm mạnh vào ngực Hoắc Đô.
Cây bổng đã vừa tầm thước, cầm xứng tay, hơn nữa lại hợp với các bí quyết trong "Đả cẩu bổng pháp", cho nên Dương Qua thấy phấn khởi và đánh đỡ rất linh động, công lực do đó tăng lên gấp bội phần.
Hoắc Đô tung chưởng đập mạnh vào Thái Dương của Dương Qua. Chàng trầm mình né tránh, rồi thuận đà phóng bổng đâm thẳng vào dưới rốn của hắn nhưng Hoắc Đô cũng lanh lẹ bước qua một bên né được.
Vừa thoát khỏi một đòn yếu huyệt "Quản nguyên", Hoắc Đô vô cùng kinh hãi, không ngờ đối phương lại rất thành thạo về môn điểm huyệt, nghĩ thầm:
- Thằng bé này võ công cao cường,bản lãnh cao siêu lắm, không thể khinh thường nó được. Trước đây mình cũng tưởng hắn là tay mơ, giờ mới biết là tay đáng nể, có lẽ không thua gì mình đâu!
Suy nghĩ như vậy, hắn cẩn thận bước lùi ra sau, dùng quạt che kín trước bụng thủ thế.
Dương Qua nói lớn:
- Này, hãy thong thả nói chuyện đã. Cứ đánh nhau như thế này mãi thì chán quá. Cần phải có một giải gì đánh cuộc cùng nhau cho vui chứ!
Hoắc Đô đáp ngay:
- Được lắm, nếu mi thắng được ta, ta sẽ cúi đầu gọi mi bằng "ông nội" ba lần liên tiếp.
Dương Qua giả bộ không nghe, ngơ ngác hỏi lại:
- Sao, gọi bằng gì?
Mọi người xung quanh ai cũng hiểu rõ dụng ý giả vờ ngờ nghệch của Dương Qua. Nhưng Hoắc Đô vốn là người Mông Cổ chất phác, đâu hiểu được những thâm ý xảo quyệt và trẻ con ấy của Dương Qua, nên thấy chàng hỏi lại, hắn lại đáp lớn:
- Kêu là "ông nội"!
Dương Qua nhắc lại theo giọng cười đùa, kẻ cả của kẻ bề trên:
- Ông nội hả? Hay quá, khá quá, cháu tôi khá lắm! Hà hà...
Lúc bấy giờ Hoắc Đô mới biết mình bị mắc lừa chú bé nên đỏ mặt tía tai vì ngượng ngập, tay phải cầm quạt, tay trái vung chưởng đánh ra một lượt, khiến cho gió lộng ầm ầm tấn công Dương Qua dồn dập.
Dương Qua bình tĩnh đánh đỡ rồi lớn tiếng nói:
- Bây giờ thì tới phiên ta ra điều kiện. Nếu mày thua ta thì phải trao thuốc giải độc ngay đấy nhé!
Hoắc Đô nói:
- Ranh con, đừng lớn lối. Đời nào ta lại thua một thằng như mi mà hòng như vậy hả?
Dương Qua múa tít cây bổng tấn công Hoắc Đô tới tấp.
Lại nhắc đến hai anh em họ Võ và Quách Phù. Khi Dương Qua và Tiểu Long Nữ dắt nhau ra ngoài tình tự, cả ba cũng đã quên lãng câu chuyện xích mích không nói tới nữa. Không dè một chặp sau, Dương Qua tự nhiên xông vào sanh sự cùng Hoắc Đô. Hai anh em họ Võ thấy vậy thảy đều mừng rỡ, vì hai người đinh ninh thế nào Dương Qua cũng bị Hoắc Đô giết chết phen này. Thật là nhờ tay giặc giết chết một tay kình địch lợi hại, cũng là một điều may mắn cho bọn họ.
Nhưng thực tế đã khiến cho ba người đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tài nghệ của Dương Qua đối với Hoắc Đô cũng tương đương, kẻ tám lượng, người nửa cân. Lắm lúc, Hoắc Đô cũng phải lúng túng và nếu không lanh tay đánh đỡ thì có thể mất mạng như chơi.
Sau này, thấy Hoàng Dung lấy cây Đả cẩu bổng giao cho Dương Qua thì Võ Đôn Nho thất vọng than thầm:
- Khổ quá, trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng? Một tình địch lợi hại dường này thì ta tranh sao nổi?
Nhưng Võ Tu Văn chủ quan hơn, nghĩ bụng:
- Thằng này bất quá cũng liếng láo vài keo đầu mà thôi, trước sau rồi thì cũng bị Hoắc Đô hạ sát mà thôi. Hắn có tài giỏi thế nào cũng không thể hơn được Chu Tử Liễu bá bá cơ mà!
Riêng Quách Phù, nàng lại có ý tưởng khác.Khi nghe anh em họ Võ nói dèm, nàng nghĩ trách sao cha mẹ mình quá vội vã, nỡ đem một đứa con gái xinh như mộng, đẹp như hoa gả cho một tên bất tài khố rách áo ôm, trông chẳng khác gì một tên ăn mày. Việc này hệ trọng tới chung thân đời mình, thế nào cũng phải phản đối kịch liệt, chẳng lẽ mình chịu sống trăm năm với một kẻ như thế này ư?
Nhưng trận quyết đấu cùng Hoắc Đô, thấy Dương Qua trổ tài khiến cho Hoắc Đô phải nhiều phen lúng túng tránh né, thì Quách Phù lại suy nghĩ và tự trách:
- Cha mẹ mình cao kiến, nhìn xa trông rộng thật. Quả nhiên ta chỉ là ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung, không có kinh nghiệm ở đời, chỉ biết đánh giá anh hùng bằng tấm áo bên ngoài mà thôi. Thế mới biết cha mẹ ta được thiên hạ nhận xét là anh tài, chọn người tài ba quả nhiên vô cùng tuyệt diệu. Có gặp những trường hợp như thế này., mình mới thấy cảm phục cặp mắt tinh đời của bậc phụ mẫu. Như ta đây chỉ chuộng cái mã bề ngoài, suốt đời sống trong tơ lụa gấm vóc giàu sang nên cho dù có mắt cũng như người mù, có thấy đâu ra chân giá trị của kẻ anh hùng hào kiệt.Suýt chút nữa ta đã hiểu lầm một đấng trượng phu tài ba xuất chúng, chỉ biết nhận xét qua bộ cánh bên ngoài. Cha mẹ nhìn xa, thấy rộng cho nên nhân duyên là chuyện hệ trọng, từ đây cha mẹ đặt đâu, ta cứ ngồi đấy là xong!
Quách Phù cùng hai anh em họ Võ cứ suy tư mỗi người theo một dòng tư tưởng riêng của mình, thì giữa đấu trường, Hoắc Đô và Dương Qua càng lúc càng đưa ra nhiều đòn quyết tử, vô cùng ác liệt quyết chiến cùng nhau.
Thấy Dương Qua đã dần dần đuối sức, Hoắc Đô trong bụng mừng thầm và cố vận dụng hết công lực vào cây quạt và song chưởng, đem hết tài năng ra tấn công liên tiếp.
Nhiều ngón quạt đập mạnh quá làm cho không khí xung quanh phải rung động vì sức gió quá mạnh. Nhiều ngọn chưởng tạt ra gió lộng ầm ầm như núi lở, đá lăn khiến không ít quần hùng hoảng sợ, phải tránh ra xa.
Dương Qua cố đem hết tinh thần, sử dụng tất cả những ngón kỳ diệu nhất trong "Đả cẩu bổng pháp" ra ứng phó. Tuy nhiên, do vừa mới học sơ qua, và một phần chỉ là học lỏm, ít dịp rèn luyện, chưa thành thạo bao nhiêu nên chàng chưa vận dụng được tới cảnh giới tuyệt diệu của các tuyệt chiêu trong Đả cẩu bổng pháp. Do đó, chàng thỉnh thoảng bị Hoắc Đô tấn công, chỉ lo đỡ gạt, vừa đỡ chưởng, vừa đỡ quạt của hắn, tư thế có phần luống cuống. Thấy vậy, hai anh em họ Võ cùng mắng nhỏ:
- Đồ khốn nạn, không biết xét mình, tài nghệ chưa bao nhiêu mà đã phách lối.Phen này cho mày chết đáng đời.
Quách Phù nghe nói cự liền:
- Chính con người đó thừa can đảm và dõng lược mới có gan ra gánh vác việc đời, lo việc lớn cho quốc gia dân tộc, đâu phải như ai cứ ăn no ngủ kỹ, ngồi mát ăn bát vàng, chỉ đợi thiên hạ làm sẵn cho mình thừa hưởng. Những hạng người này mới đáng chết và cũng đáng cho thiên hạ phỉ nhổ!
Nghe Quách Phù nói, như kim châm vào ruột, anh em họ Võ tức mình nhưng mắc cỡ không dám nói lại, chỉ đứng yên, mặt mày đỏ lên vì xấu hổ.
Khi ấy, Dương Qua đã bị đối phương dồn vào thế bí, lắm khi tưởng là đã trúng đòn. Nếu trúng phải những đòn của Hoắc Đô thì không gãy cẳng thì cũng mang thương tật nặng nề.
Trong lúc trận đấu thập phần nguy cấp, chàng đưa mắt liếc sang một bên, thấy Tiểu Long Nữ đã bước lại gần, mắt chăm chú theo dõi trận đấu, hình như khuyên nhủ chàng yên tâm, lúc nào cũng có nàng ở bên để yểm trợ.
Dương Qua bèn trổ thần lực vụt mạnh một bổng, khiến cho Hoắc Đô phải tháo lui, rồi thừa dịp tung mình nhảy vút ra sau lưng Tiểu Long Nữ.
Hoắc Đô nổi nóng gầm lên như cọp rống:
- Mày đừng hòng thoát khỏi tay tao!
Miệng thét, chân phóng đi vun vút, quyết hạ sát Dương Qua cho bằng được.
Tiểu Long Nữ chờ cho hắn lướt qua, vừa khỏi, nàng bỗng dùng ngón chân cái khẽ húc vào huyệt "Côn luân" ở bên phải của Hoắc Đô và điểm luôn vào huyệt "Dũng tuyền" ở gót bên trái nữa.
Vừa trông thấy nàng chuyển gót sen điểm nhẹ tới, Hoắc Đô đã biết nguy rồi. Nếu là kẻ khác thì khó có thể tránh né cho kịp, nhưng Hoắc Đô vốn là một người nhiều kinh nghiệm chiến đấu, trong lúc bất ngờ, hắn vẫn giữ được bình tĩnh. Y nhận thấy tiến cũng bị mà thoái cũng gặp đòn, Hoắc Đô bèn đánh liều tung mình lên cao để né tránh.
Dương Qua đã liệu trước phản ứng của đối phương, cho nên không chờ cho Hoắc Đô đặt chân xuống đất, chàng đã dùng bổng quét ngang trên đấu hắn một đòn rất mạnh.
Hoắc Đô lật đật tung quạt đỡ được rồi nhảy phóc ra xa, mắt gườm gườm nhìn Tiểu Long Nữ trong lòng hoảng sợ nghĩ thầm:
-Tại sao võ lâm Trung nguyên có nhiều nhân tài lắm vậy? Chỉ có hai đứa trai gái này cũng đã ngán xương lắm rồi!
Dương Qua thừa thắng thế, tung bổng tấn công liền.
Vì vừa mất tinh thần qua một đòn của Tiểu Long Nữ. Hoắc Đô lúng túng đỡ gạt trong ba hiệp đầu. Nhưng đến hiệp thứ tư thì y đã lấy lại được bình tĩnh, bắt đầu dồn Dương Qua về thế thủ. Qua hiệp thứ năm thì hắn bắt đầu phản kích tới tấp.
Hoàng Dung theo dõi trận đấu, thấy Dương Qua không nhớ được khẩu quyết chiêu thứ tư trong "Đả cẩu bổng pháp" nên bà buột miệng nhắc luôn:
- "Bổng hồi lược địa thì diệu thủ, Hoành đả song ngao mạc hồi đầu" ( nghĩa là: lẹ làng rút bổng để chiếm đất, rồi đánh tạt ngang đầu chó, chớ bước lùi )
Đây là một trong các phép lạ trong "Đả cẩu bổng pháp", Dương Qua có học rồi nhưng trong lúc chiến đấu lúng túng quên mất hết cả. Nay nghe Hoàng Dung mách nước, chàng bỗng nhớ lại ngay, lập tức múa bổng tấn công theo thế ây, không bước lùi ra sau nữa.
Thật không ngờ phép đánh quái lạ ấy lại quá ư tinh diệu, kỳ quái như vậy. Cây quạt trong tay Hoắc Đô đang hùng dũng quét ngang dưới đất, bỗng chạm trúng đường bổng, suýt nữa sút khỏi tay bay mất.
Hoắc Đô kinh hãi vội vàng nắm chặt cán quạt rồi bước ngang sang một bên tránh né, không dám khinh thường xông xáo như trước nữa.
Thấy địch thủ tránh né, Hoàng Dung bèn nhắc thêm một câu khác:
- " Cẩu cấp khiêu tường như hà đả. Kích cầu dồn hề, tý cầu vỹ " ( nghĩa là: Khi chó nhảy qua tường, nên đánh vào chân hơn là đánh vào đuôi nó )
Đây là một thế khẩu truyền trong Cái Bang về phép đả cẩu, truyền từ đời Bang chủ này sang đời bang chủ khác. Người ngoài không học tới, nghe qua, dù tài giỏi đến đâu cũng không thể lãnh hội nổi. Chỉ có những ngừoi đã luyện tập qua rồi mới hội ý được. Mọi người đứng ngoài xem, thấy Hoàng Dung đọc những câu lạ, có xen vào những chữ "cẩu", thì cũng ngờ rằng là bà đang mắng nhiếc Hoắc Đô là đồ chó má, chứ có ngờ đâu bà đọc khẩu quyết để mách nước cho Dương Qua.
Những khẩu quyết này, nếu không phải là người sắp kế vị chức Bang chủ thì không bao giờ được học tới. Nhưng Dương Qua đã được Hồng Thất Công dạy qua rồi, hơn nữa đây là một cuộc so tài vô cùng hệ trọng cho đại cuộc đôi bên, cho nên Hoàng Dung chẳng nề hà quy luật của Cái Bang để làm hỏng việc lớn của nước nhà, nen mới đem khẩu quyết ra đọc bày vẽ cho Dương Qua đánh với Hoắc Đô Vương tử.
Dương Qua vốn là tay thông minh, lanh lẹ tuyệt vời. Chỉ thoáng nghe qua đã hiểu ngay và ghi nhớ được liền, cho nên chàng trổ hết tài năng đánh đúng theo tư thế đã được mách nước, khiến cho Hoắc Đô luống cuống chống đỡ không kịp nữa.
Tiếp luôn mấy hiệp nữa, Hoắc Đô đã lộ vẻ thua sút rõ rệt, đang tìm cách lẩn trốn.
Quần hùng trông thấy vậy reo hò vang dậy dể giúp cho Dương Qua phấn khởi thêm lên.
Hoắc Đô dùng quạt đánh mạnh mấy cái liên tiếp vào người Dương Qua rồi la lớn:
- Hãy khoan, dừng tay lại nói chuyện đã.
Dương Qua định bộ, nhìn hắn cười lớn hỏi:
- Sao, đã chịu thua rồi chứ?
Hoắc Đô nghiêm giọng bảo:
- Này, ta hỏi đây. Nhà ngươi bảo quyết tranh đấu giật ngôi Minh chủ võ lâm cho sư phụ ngươi, tại sao lại dùng toàn "Đả cẩu bổng pháp" của Hồng Thất Công mà chiến đấu cùng ta như thế? Nếu đấu cho phe Hồng Thất Công thì bên đó đã bại hai keo rồi, chuyện gì ta phải tốn công chiến đấu nữa!
Hoàng Dung nhận thấy lời nói của hắn cũng có lý, muốn dùng lời hùng biện để lấn át, cãi ẩu cho phe mình. Nhưng bà chưa kịp lên tiếng thì Dương Qua đã nói:
- Cháu nói, ông nghe cũng có lý lắm. "Đả cẩu bổng pháp" này vốn là thuật bí truyền của Hồng Thất Công. Nếu hôm nay, "nội"đem ra để tranh đấu, khiến cho cháu bị thua thì cháu ấm ức cũng phải. Nhưng cháu há quên rồi sao? Trong khi nội chỉ dùng một thế võ mượn tạm của người ta mà cháu đã thất điên bát đảo rồi, nếu nội dùng võ công của chíng tông bổn môn do sư phụ truyền dạy, thì cháu đã về chầu ông bà bên Mông Cổ từ lâu rồi còn chi nữa?
Hoắc Đô nổi nóng, trợn mắt lên gần rách, thét lớn:
- Thằng con nít, tuổi mi đáng làm em út ta, sao cả gan xấc xược xưng ông nội với ta.
Dương Qua mỉm cười giải thích:
- Phàm con người từ Vương tử đến khanh tướng, ai cũng phải lấy hai chữ "thành tín" làm đầu. Không giữ được chữ tín thì con người không còn giá trị nữa. Khi nãy, cháu đã hứa là nếu kém sức thì tôn ta làm ông nội mà. Sở dĩ ta xưng hô như vậy là để giữ chữ tín cho cháu mà thôi. Tại sao cháu vừa nói đã nuốt lời ngay như vậy. Thật quả là quân chó ngựa chứ nào có phải là con người hào kiệt đâu? Nếu cháu kém tư cách như thế, thì ông nội cũng chẳng thèm nhìn cháu làm gì nữa cho mang tiếng xấu lây.
Hoắc Đô thấy Dương Qua giải thích như vậy cũng có lý, không biết đối đáp ra sao, chỉ làm thinh, mặt mày đau khổ tím đen bầm cả lên.
Dương Qua khẽ liếc mắt nhìn Tiểu Long Nữ và nghĩ bụng:
- Cũng may thằng mọi này nhắc đến, nếu không ta cũng quên lửng mất rồi. Nếu trong trân này, ta chỉ áp dụng thuật "Đả cẩu bổng pháp" thì làm sao có dịp phát huy được các thế võ ảo diệu trong võ công của cô nương. Không khéo cô nương lại cho rằng Dương Qua này đã theo người ta mà quên cả gốc gác của mình đi chăng?
Thật ra lúc này, Tiểu Long Nữ chỉ mải mê theo dõi sắc diện xinh tươi, thân thể cường tráng của Dương Qua mà quên đi tất cả mọi chuyệ. Ngay tới câu chuyện thắng bại cũng không màng, và Hoàng Dung đọc khẩu quyết mách nước cho Dương Qua nàng cũng không lưu ý tới.
Khi nghe Dương Qua đáp như vậy, Hoắc Đô thầm nghĩ:
- Sở dĩ mi cầm cự được và kéo dài trận đấu như vậy là nhờ sự tinh diệu của "Đả cẩu bổng pháp" mà thôi. Nếu không có môn võ công này, chỉ trong mười hiệp, ta sẽ hạ sát mi ngay!
Nghĩ vậy, y mỉm cười nói:
- Nếu là như vậy, ta xin lãnh giáo võ công của quý phái một phen.
Khi còn trong Cổ Mộ, Dương Qua chuyên học môn đánh gươm nhiều nhất, nên hôm nay chàng quyết đem sở trường của mình ra để thi thố cùng Hoắc Đô.
Dương Qua quay về phía quần hùng lớn tiếng hỏi:
- Có vị nào mang sẵn gươm, xin vui lòng cho tiểu sinh mượn tạm.
Trong số hàng ngàn người có mặt hôm nay đang đứng xung quanh, có hơn hai trăm người đeo gươm. Khi nghe Dương Qua hỏi, ai nấy cũng đều tuốt gươm ra khỏi vỏ đồng thanh nói:
- Có đây, có đây!
Hách Đại Thông và Tôn Bất Nhị là hai vị đại hiệp kiếm khách, được Vương Trùng Dương rèn luyện, thấm nhuần ý thức yêu nước thương nòi. Vì vậy nên trong dịp này, cả hai đều hăng hái có lòng muốn giúp cho Dương Qua.
Đành rằng trước kia, khi Dương Qua gây sự chống đối với Toàn Chân giáo nên hai người có ý chán ghét chàng, nhưng hiện nay thấy Dương Qua có lòng nhiệt thành ra gánh vác công việc của nước nhà, làm rạng danh cho dân tộc, giống nòi, nên việc tư thù tạm gác sang một bên để cùng chung sức giúp nước nhà cùng chàng.
Tôn Bất Nhị là người có võ công tương đối thua sút nhất trong Toàn Chân thất tử nên Vương Trùng Dương đem thanh gươm quý báu nhất để tặng cho bà để bù đắp chỗ yếu điểm.
Khi thấy Dương Qua hỏi mượn gươm để chống giặc, Tôn Bất Nhị sốt sắng lẹ làng nâng thanh kiếm báu, nước thép xanh lè, hào quang sáng rực, hơi lạnh toả cả ra ngoài, khẽ nói:
- Xin tiểu huynh đệ dùng tạm thanh gươm này cũng được!
Dương Qua liếc thấy ánh gươm sáng loà thì biết ngay là thanh bảo kiếm, nếu dùng để đánh với Hoắc Đô thì tiện lợi vô cùng. Nhưng khi nhìn qua chiếc đạo bào rộng thùng thình của Tôn Bất Nhị, Dương Qua bỗng nhớ lại ngày nào ở Trùng Dương Cung bị người nhục mạ, lại thêm cái cảnh Tôn bà bị Hách Đại Thông hạ sát, máu me đầm đìa cả người, thì chàng cảm thấy máu hận bốc lên ngụt đầu, làm lơ không thèm nhận thanh kiếm quý ấy, và quay sang một bên nhận thanh gươm tầm thường của một đồ đệ Cái Bang. Đây là một thanh gươm rèn tầm thường bằng thép đen đủi xấu xí.
Chàng vừa nắm lấy thanh kiếm, vừa ân cần nói với người ấy:
- Đại ca vui lòng cho tiểu đệ mượn tạm một chặp nhé!
Tôn Bất Nhị bị Dương Qua đối xử khiếm nhã trước mặt bao nhiêu anh hùng thiên hạ, mặc dù là người tu hành nhưng trong lòng bà cũng cảm thấy xốn xang, khó chịu, toan ngỏ lời oán trách, nhưng sau đó bà chợt nghĩ lại:
- Tánh tình hắn còn trẻ con nông nổi, ta không nên trách móc làm gì, nhất là trong lúc này. Mọi việc tranh chấp dù ít, dù nhiều thảy đều có lợi cho quân địch.
Suy nghĩ như vậy, bà lẳng lặng rút lui vào đám đông biến mất.
Dương Qua thật ra cũng vì tánh con nít ương ngạnh cố chấp, phải chi lúc này, chàng ôn hoà đối xử phải chăng để nối lại tình giao hảo cùng Toàn Chân giáo thì hay biết mấy?
Hoắc Đô thấy Dương Qua từ chối một thanh bảo kiếm để lấy một thanh gươm tầm thường thô kệch thì nghĩ bụng:
- Có lẽ y tự hào về bản lĩnh cao siêu của mình, không cần đến báu kiếm cũng hạ được ta nên mới làm như vậy. Âu đây cũng là một chuyện may mắn cho ta!
Nghĩ vậy, y vội dùng cây quạt vung lên định thách thức Dương Qua quyết đấu.
Không chờ cho y hé môi, Dương Qua đã chĩa mũi kiếm vào cây quạt, chỗ Chu Tử Liễu ghi bốn chữ khi trước rồi cười lớn bảo:
- Ai cũng biết nhà ngươi là đồ man di mọi rợ, cần chi phải trương quạt ra để khoe bảng hiệu nữa?
Hoắc Đô nghe Dương Qua nhạo báng, đỏ mặt hổ thẹn nhưng không biết đáp sao, chỉ hứ lên một tiếng rồi xếp cây quạt lại, điểm ngay vào trọng huyệt nơi vai chàng, đồng thời tung chưởng tấn công ngay một lúc.
Từ ngày sống trong Cổ Mộ, Dương Qua đã chịu khó kiên trì học hết những môn ảo diệu nhất của Cổ Mộ phái rồi. Trong khi Lâm Triều Anh sáng chế ra "Ngọc nữ tâm kinh", thì kiếm pháp của bà còn có phần điêu luyện hơn cả kiếm pháp của Trùng Dương Cung. Nhưng Dương Qua đã học thêm được những bí quyết của Cửu Âm Chân Kinh và đem phối hợp cả hai môn võ công tuyệt đỉnh này dung hoà khiến cho kiếm pháp của chàng biến ảo phi thường, tưởng trên thế gian này không có một kẻ nào có thể theo kịp.
Khi Lâm Triều Anh sáng chế và phối hợp kiếm pháp rồi, bà không hề rời khỏi Cổ Mộ, chỉ đem những chiêu thức thần bí đó truyền lại cho Liễu Hoàn. Sau này, Liễu Hoàn truyền lại cho Tiểu Long Nữ. Cả ba đều chưa khi nào đặt chân lên chốn giang hồ võ lâm nên thiên hạ chưa một ai hay và thưởng thức kiếm pháp của Cổ Mộ phái ở Chung Nam Sơn.
Trong số đệ tử của Cổ Mộ có Lý Mạc Thu đã xuất thân giang hồ.Nàng là sư tỷ của Tiểu Long Nữ, tuy nhiên do thấy tính nết của nàng không được đoan trang, không nhân hậu cho nên sư phụ không chịu truyền hết tất cả những môn tuyệt đỉnh của kiếm pháp Cổ Mộ phái cho.
Khi Dương Qua trổ tài đem các ngón đánh và đỡ theo lối Cổ Mộ phái ra biểu diễn thì toàn thể quần hùng đều trầm trồ khen ngợi là hay và tinh diệu vô cùng, tuy nhiên trừ Tiểu Long Nữ ra, không ai có thể hiểu kiếm pháp này bắt nguồn từ đâu.
Kiếm pháp này do một người đàn bà sáng tạo ra, và sau đó truyền lại cho hai đời nữ đệ tử, cả thảy đều thuộc phái yếu cho nên trong lối đánh đỡ, khai triển không có vẻ hùng mạnh, chỉ mềm mại lả lướt và đẹp mắt mà thôi.. Sau này, Tiểu Long Nữ đem truyền lại cho Dương Qua. Tuy là đàn ông, nhưng Dương Qua cũng đã quen lối đánh của sư phụ và chàng múa kiếm cũng uyển chuyển lắm.
Trong những phút nhàn rỗi, Dương Qua đã đem tất cả những điều đã học hỏi được với đủ các tư thế căn bản, đem tự biên thành những thế khác nhau riêng biệt và thích hợp với con người và sức lực của chàng, cho nên lối đánh đỡ của chàng vừa hùng dũng, vừa bay bướm, mỗi khi múa ra linh động bay bổng vô cùng.
Cứ kể về sự lanh lẹ thần tốc thì trong các đường kiếm của Cổ Mộ phái, thật trên đời chưa có môn phái nào hơn.
Dương Qua đứng trước đại sảnh, biểu diễn những đường kiếm loang loáng, khi chém bên tả, khi vớt bên hữu, ánh kiếm bao phủ khắp toàn thân như hoa lê, trong phút chốc chỉ thấy đầy trời toàn ánh kiếm bay, không còn thấy bóng người đâu nữa. Tiếng gươm chém không khí như gió xé, rít lên những tiếng vi vu rùng rợn cả người, lộng thành trận gió làm phất phơ tà áo của bao người đứng xung quanh, khiến cho ai nấy thấy đều phải lắc đầu lè lưỡi, thầm khen kiếm pháp tinh diệu vô cùng.
Lối múa quạt của Hoắc Đô cũng vô cùng thần tốc. Đây là món trọng kỹ trong các môn võ từ bên Tây Tạng, lối đánh vừa mềm mại, vừa nguy hiểm. Tuy nhiên, các đường kiếm của Dương Qua quá ư mãnh liệt, khiến cho Hoắc Đô không thi thố tài năng được. Hơn nữa, mỗi khi quạt ra lại để lộ ra mấy chữ "man di" của Chu Tử Liễu đã đề lúc trước, khiến quần hùng reo cười chế nhạo, cho nên y đành xếp quạt lại để đánh. Vì vậy cho nên cây quạt trong tay Hoắc Đô Vương tử cũng trở nên vô dụng, chẳng thi thố được gì.
Lúc ấy Quách Phù và cả hai anh em họ Võ cũng trố mắt nhìn mê man, không ai thốt lên được tiếng nào nữa.
Toàn thể quần hùng ai nấy đều sững sờ mừng rỡ, nhất là Quách Tỉnh có lẽ là người sung sướng nhất, ông nghĩ rằng:
- Huynh đệ ta đã có một đứa con trai tài ba quán chúng, võ nghệ tuyệt luân như thế này, cũng đủ an ủi, được ngậm cười nơi chín suối.
Ông đăm đăm nhìn theo Dương Qua, cố ôn lại những chuỗi ngày khi trước và mối cảm tình thắm thiết giữa hai gia đình họ Quách và họ Dương khi xưa.
Hoàng Dung liếc mắt nhìn sang, thấy Quách Tỉnh tươi cười hân hoan thì đã đoán biết được phần nào tâm tư của chồng rồi. Bà đưa tay vuốt nhẹ nhẹ lên tay chồng ngỏ ý thông cảm và chia vui cùng ông.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thần Điêu Hiệp Lữ.