Chương 78 - Rừng Hoang Tuyết Lạnh, Ngạo Chiến Xảy Ra


Số từ: 8869
Nguồn : sưu tầm
Bạch mi tăng nhìn ngay Bành trưởng lão, đôi mắt chẳng chuyển tròng, phát ra những tia sáng quắc, uy nghi như ngầm bảo lão ta đang tâm sát hại đồng bọn. Vì Bạch mi hòa thượng hiểu rõ Bành lão đã dùng "Nhiếp hồn đại pháp" trợ lực với Hắc y tăng để giết chết lão ăn mày ốm.
Bành trưởng lão rất khó chịu với tia nhìn xoi mói nầy. ông quay sang hắc y tăng, bỗng nhiên kêu to một tiếng và hỏi Hắc y tăng:
- Lão hòa thượng! Lão hòa thuợng có phải là Bang chủ Thiết Chưởng chăng? Tôi đoán không nhầm.
Lão lại hi hở cười to, trên mặt hiện ra những nét sát nhân hắc đạo. Cười xong lão ta tỏ vẻ cảm động như kẻ xa nhà gặp bạn thân, nước mắt ươn ướt và nói:
- ông chính là Bang chủ Thiết chưởng bang: Cừu lão tiền bối đây mà! Vì cớ sao Bang chủ ra làm hòa thượng vậy?
Đúng vậy, chính Hắc y tăng là Cừu thiên Nhận, Bang chủ của Thiết chưởng bang. Nguyên lúc trước Cừu thiên Nhận đã lên tỷ võ trên đỉnh Hoa Sơn, vì tính đốn ngộ của lão ta, Nhất Đăng đại sư điểm hóa trở nên sáng suốt đôi phần. Về sau lão bỏ nhà cửa đi theo Nhất đăng đại sư, làm tăng lữ. Bạch Mi tăng là một nhân vật kiệt liệt giang hồ, đã ngang hàng với Vương Trùng Dương, Hoàng dược Sư, Âu dương Phong và và Hồng Thất Công, hiệu của ông là Nhất Đăng đại sư, tức là Bạch mi tăng. Cừu thiên Nhận từ lúc quy y Phật pháp, lấy pháp danh là: Từ Ân, dũng mãnh tinh tấn, chăm việc tu hành, chỉ vì thuở trước ông làm những việc oan nghiệt quá nhiều, trong lòng rất hung dữ, chỉ chế ngự bản năng được phần nào thôi, tính rất ngông cuồng. Nếu ông ta ra ngoài rất dễ bị cám dỗ, sinh ra chuyện cường bạo. Nơi bàn tay của ông cũng đủ đánh người chết dập xương, do đó Nhất Đăng đại sư mới cho ông đeo các mảnh tiền điếu, hễ tay chân ngứa ngáy muốn làm điều xằng bậy thì các mảnh thì các mảnh tiền chạm vào nhau kêu lên để làm cho ông tỉnh ngộ. Một ngày kia, thầy trò Nhất Đăng đang ẩn tu tại Nam lộ, xứ Hồ Quảng, bỗng được tin cầu cứu của người đệ tử là Châu Tử Liễu đang thọ khổ tại tuyệt tình cốc. Thầy trò mới sửa soạn lên đường đến hang Tuyệt Tình. Đang đi giữa rừng sâu núi cốc, vì cơn tuyết đổ mới ghé qua nhà Dương Qua rồi gặp bọn Bành trưởng lão và Cừu thiên Nhận đã vô cớ giết oan một mạng người. Kể từ lúc xuất gia tu hành, Từ Ân tức Cừu thiên Nhận đã giữ trọn giới luật trong mười năm qua, tuyệt không vi phạm một lỗi lầm nhỏ mọn nào, bây giờ lỡ tay giết chết một người là lần thứ nhất trong mười năm công quả của ông. Do đó ông đau khổ vô ngần, sự hối hận ăn năn đã làm ông mê man và thiếp đi một lúc thật lâu.
Từ Ân đại sư thầm nghĩ: "Mọi việc xảy ra là do ý của Bành trưởng lão gài bẫy cho ông mắc tròng". ông cất đầu nhìn về phía Bành trưởng lão như muốn nuốt sống ông này bằng đôi mắt đỏ rực như lửa cháy.
Nhất Đăng đại sư biết rõ tình trạng nguy ngập, nếu không kịp thời khuyên nhủ Từ Ân nên ông gấp đến dìu Từ ân đứng dậy. Ông hiểu rõ tâm địa của Từ ân từ giờ phút này ác niệm đã sống dậy, càng chứa chấp càng sôi động, có một ngày nào đó sẽ xảy bạo động ra khó lòng mà can thiệp kịp nữa. Nhất Đăng đại sư để tâm đề phòng Từ Ân, vì chứa hiền sẽ xảy ra lành, chứa ác sẽ đức sẽ gặp điều thảm họa và sự tu hành phải tùy thời, nên ông dang tay áo rộng, cúi xuống đỡ người đệ tử đứng lên. Từ Ân được dìu đứng dậy. Nhất Đăng nhìn vào mặt Từ Ân, trầm giọng niệm:
- A di đà Phật, A di đà Phật!
Và ông niệm đến bảy trăm tám mươi tiếng a dì đà.
Từ Ân đại sư đôi mắt dần dần chuyển về hướng Nhất Đăng đại sư mà không nhìn Bành trưởng lão nữa. Ông ngồi xụp xuống đất, xếp bằng tròn thở ra và niệm Phật hiệu theo ý thầy.
Phần Bành trưởng lão hiểu rõ Cừu thiên Nhận võ công quán thế tại sao lại nhẫn nại tùng phục lão Nhất Đăng hòa thượng? Theo Bành trưởng lão thì Nhất Đăng hòa thượng chỉ là người đầu bạc râu dài, bất quá là vị hoà thượng già suy yếu không làm được trò trống gì. Nghĩ như thế Bành trưởng lão muốn dùng "Nhiếp hồn đại pháp" sát hại Cừu thiên Nhận cho rồi nhưng nhưng ông nghĩ lại chẳng nên giết vội. Nào ngờ Nhất Đăng đại sư đứng cạnh người đệ tử, đôi mắt theo dõi biến chuyển nội tâm của Bành trưởng lão, cho nên lão nầy lúng túng chưa thể xuất chưởng sát hại thầy trò ông. Môn "Nhiếp hồn đại pháp chưởng" gốc là thuật thôi miên, dùng tinh thần cảm ứng phát ra chưởng lực để vào mắt đối phương cho tâm loạn mới xử dụng được. Nhưng đối phương của Bành trưởng lão đôi mắt sáng như sao, nội lực mạnh như hổ, cho nên Bành trưởng Lão tung chưởng ra không được. Thật ra Bành trưởng lão không biết rõ Nhất Đăng đại sư là Đoàn Nam Đế. Nhất Đăng đại sư đã tu luyện nhiều năm, đôi mắt như thần, tâm linh sáng suốt, thì Bành trưởng lão làm sao chế ngự được? Bấy giờ Bành trưởng lão nhận thấy hoàn cảnh ông rất nguy ngập, sợ Cừu thiên Nhận nghe lời Nhất Đăng dùng "Thiết chưởng" mà quật lão chết. Lão muốn đi trốn nhưng lại ngán nỗi tuyết giá ngập trùng. Vào buổi trước, Cừu thiên Nhận có một ngoại hiệu là "Thiết chưởng thủy thượng phiêu" vang danh thiên hạ về môn khinh công, đi trên tuyết không dấu chân, đi dưới sông như trên bộ. Bành trưởng lão biết rằng trốn cũng không thoát tay Cừu thiên Nhận nên đành phải im lìm với Nhất Đăng đại sư và Từ ân hòa thượng, tạm nghỉ ngơi qua đêm lạnh. Bành trưởng lão nằm thao thức, lòng dạ rối bời, mà đôi mắt chẳng rời Cừu thiên Nhận.
Trong lúc đó, Dương Qua sau khi nghe Nhất Đăng đại sư quay về Lộc Mẫu kinh, chạnh nghĩ rằng: "Khi người quá vui vẻ về cuộc sống thì sự chết chóc cũng không biết sẽ xảy đến lúc nào. Như lão ăn mày ốm đi theo đường lối gian tà, ác độc, chết cũng đáng lắm rồi. Tuy nhiên cái chết quá chớp nhoáng của lão ăn mày ốm làm chàng nhớ lại lúc Từ ân hòa thượng tung song chưởng ra, chưởng pháp kỳ dị, tương tự như Giáng long thập bát chưởng của Hồng thất Công thuở trước hoặc như Hàm mô công của âu Dương Phong, hoặc na ná như chưởng lực "Trịnh giá tề khu" của Kim luân Pháp Vương vậy. Chàng ngẫm lại trong vùng thảo trạch vô sổ kẻ anh hùng hào kiệt mà chàng đã biết qua, duy có lão hoà thượng mới đáng kể. Nhưng lão là ai mà võ công cao cường đến thế?".
Lại nghe Từ Ân hòa thượng ngồi phía bên ngoài hơi thở đều đều, khi lên, khi xuống, có âm điệu rất hay. Bỗng Từ Ân hòa thượng vùng nói lớn:
- Sư phụ! Sư phụ! Tôi ngẫm lại, tôi đã gây điều ác nghiệt quá nhiều, nên trời không dùng cho người chết, tôi thiệt không xứng đáng làm hoà thượng.
Nhất Đăng đại sư nói:
- Tội lỗi! Tội lỗi thay! Để ta thuyết cho ngươi nghe một đoạn kinh phật!
Từ Ân đáp to:
- Sư phụ! Sư phụ! Đừng nói uổng công, tôi theo hầu thầy mười năm có dư, nào có thay đổi được gì? Chỉ làm thầy mệt nhọc mà thôi! Đừng nói là một đoạn kinh, dầu cho một pho kinh dày của Thích ca Mầu ni cũng không cảm hóa nổi.
Đột nhiên nghe có tiếng "lách cách" của hai thứ đồng thiết tiền va chạm do tay chân Từ Ân cử động, Từ Ân buồn rầu nghĩ ngợi.
Nhất Đăng đại sư nhẹ nhàng bảo:
- Từ ân! Chuyện đã xảy ra không lấy lại được! Ngươi còn phiền não làm gì?
Từ ân nghe nhức nhối, khó chịu, lắc đầu quầy quậy rồi nhảy ra ngoài hô to hai tiếng:
- Tức quá! Tức quá!
Rồi lại vung chưởng phát ra tiếng "Bùng, bùng" dữ dội.
Bành trưởng lão đang ngồi dựa vách, nghe như có sấm động, sét vang, lật đật nhảy ra ngoài. Sẵn cơn nóng giận buồn phiền, Từ ân thấy Bành trưởng lão, liền vung ra một chưởng khủng khiếp. Bành trưởng lão kêu lên, thân thể lão văng ra làm sáu mảnh. Từ ân hết sức phiền muội, và Bành trưởng lão chưa kịp thi hành kế hoạch thì bị nát thây. Luật trời báo ứng, nhân quả chuyển hồi.
Nghe tiếng la, Dương Qua và Tiểu long Nữ vội vàng chạy ra ngoài xem cơ sự, thấy Từ ân mắt đỏ như hồng táo, chân tay run bần bật. Thấy Dương Qua và Tiểu long Nữ đến, lão hét to:
- Dừng lại! Ta bảo các ngươi hãy dừng lại. Ngày nay là ngày khai sát giới!
Nói xong, lão tung ra song chưởng về phía Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Hai người cả kinh thái lui lại mấy bước.
Nhất Đăng đại sư từ từ nói:
- Mê đồ vị viễn, do khả tri hoàn (nghĩa là Đường mê chưa trôi bước xa, hãy bừng tỉnh mộng mà về nẻo chính).
Tiếp đó Nhất Đăng đại sư nói lớn:
- Từ ân! Từ ân! Hãy nghĩ lại con đường chân chính đằng xa, kẻo sau này chịu muôn kiếp trầm luân đoạ lạc!
Sắc mặt Từ ân khi nhợt nhạt lúc đỏ hồng. Trong lòng ông lúc bấy giờ nổi cơn hỗn loạn. Điều dữ, điều lành đua nhau dày xéo nội tâm ông rất mãnh liệt.
Mới hôm nào hai thầy trò ruổi rong trên đất tuyết, tâm trí an lành, mà bây giờ chỉ vì Bành trưởng lão khiêu khích, khiến cho Từ ân quên hết lòng nhân, tâm loạn cuồng. Ông ta thấy mình lầm lỗi càng tức, mà càng tức lại càng lầm lỗi. Chỉ trong chốc lát, Từ ân đã giết đến hai mạng người. Các dĩ vãng hiện lên đập mạnh vào nội tâm của ông, thì ông không thể nào kiềm chế được nữa. Từ ân bỗng ngó thẳng vào mặt Nhất Đăng đại sư và nhớ lại có lần Nhất Đăng đại sư đã cứu trợ ông nên được ông tôn kính là "ân sư". Tuy nhiên, Từ ân cảm thấy Nhất Đăng đại sư ràng buộc mình, không để được tự do. Trong khoảnh khắc, ác niệm lại nổi dậy như lửa cháy, sóng triều dâng, Từ ân hét to một tiếng vung song chưởng. Nhất Đăng không chống trả. Từ ân vội thâu song chưởng lại và quát lớn:
- Ông tính hòa với tôi à? Sao không trả lại?
Và Từ ân vung lên chưởng thứ hai. Nhất Đăng đại sư cũng không cử động đỡ lại. Từ ân cả giận mắng rằng:
- ông đã tỉnh hay mê? sao chẳng nói năng gì cả. Phải đánh trả chứ sợ gì? ông đã nổi danh trong hàng ngũ bá, nào là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông thì có sợ ai chứ? Huống hồ cái thằng Cừu thiên Nhận bang chủ bang lắm hơi, nó chỉ có một thế chưởng "Thiết chưởng thủy thượng phiêu". Nếu ông không chống trả, ắt phải thiệt thân, đừng có trách lão Cừu không báo trước.
Nếu đem thiết chưởng của Cừu thiên Nhận mà chống với Nhất dương chỉ của Nhất Đăng đại sư thì hai chưởng lực tương đương. Tuy công dụng có khác biệt, nhưng hai môn võ này đều danh tiếng nhất võ lâm.
Nhất Đăng đại sư thiên về Phật học, tu tịnh rất lâu, tuy ông là thầy của Cừu thiên Nhận (Từ ân) nhưng về nội lực thì không hơn, không kém. Nếu hai người đồng ý đánh nhau thì thế nào cũng đi đến chỗ một mất mạng, một trọng thương. Nhất Đăng đại sư luôn luôn hy sinh để giúp người với tất cả nguyện vọng, nên dẫu chịu chết dưới Thiết phong chưởng của Cừu thiên Nhận đi nữa ông nhất quyết không bao giờ đánh trả lại. Vả lại, ông tin tưởng Cừu thiên Nhận (Từ ân) sẽ hối ngộ ăn năn. Việc nầy không phải luận về võ công khí chưởng để tỉ thí, mà nói về thiện niệm với ác niệm xung đột.
Dương Qua và Tiểu long Nữ nhìn thấy Từ ân tung ra một thiết chưởng mạnh như quả núi, hướng vào Nhất Đăng đại sư và vận thêm mười bốn chiêu nội lực.
Nhất Đăng đại sư kêu to:
- ái da!
Tức thì ông ta phun ra một búng máu tươi.
Từ ân nói:
- Tôi nhất định không nương tay, ông hãy chống đỡ đi!
Nhất Đăng đại sư nhìn Từ ân bằng đôi mắt hiền từ nói:
- Từ ân, ngươi bảo không nương tay là sao? Ngươi có thắng ta cũng không ích lợi gì. Ta chỉ muốn thắng chính mình, khắc phục lấy bản thân mà thôi.
Từ ân đôi mắt đăm chiêu, lẩm bẩm:
- Chỉ muốn thắng chính mình, khắc phục lấy bản thân.
Nhất Đăng đại sư nói mấy câu, như sấm động ba đào, chuyền vào tâm tư của Dương Qua, làm chàng suy nghĩ:
- Chỉ muốn thắng mình trước, ấy là tính, khắc phục lấy bản thân, ấy là nhân niệm. Một hai đã thắng kẻ cường địch sẽ xảy ra nhiều chuyện nữa, thật là lời chân chính và chí lý của vị cao tăng.
Dương Qua nhìn về phía Từ ân thấy lão vận chưởng vung bủa vào Nhất Đăng đại sư, sợ đại sư chạy thoát. Nhất Đăng thối lui mấy bước, máu tươi từ trong miệng tuôn ra ướt đẫm cả bộ râu trắng, như nhuộm mầu hồng. Dương Qua lại thấy Từ ân tiếp chưởng sắp sửa tung ra một chưởng lực nữa thì chàng đã rõ lão Hắc y tăng võ công sâu rộng phi thường. Chàng nghĩ nếu để lão sử dụng vài chưởng nữa thì sắt đá cũng vỡ tung và tiêu ra tro bụi. Còn Nhất Đăng đại sư thì trước sau gì cũng như vậy, quyết lòng bỏ xác để cảm hóa được ác đồ. Chàng nhất định chẳng dung tha lão hòa thượng ngông nghênh ác độc nầy, dẫu phải bỏ mạng dưới thiết chưởng của lão. Thế là chàng rút thanh thiết huyền kiếm nhảy ra đứng trước Nhất Đăng đại sư. Đương lúc Từ ân xua chưởng đẩy ra phía đại sư chàng vung cây thiết huyền kiếm ra đỡ. Nguyên cây thiết huyền kiếm khi được tiếp khí công thì phát ra một luồng dịch khí phong ghê gớm lắm.
Chưởng phong của Từ ân bị sức chống trả của luồng dịch khí kình phong dội trả lại. Hai người nhìn nhau và lùi lại. Từ ân "xì" một tiếng tỏ ra phật ý. Không ngờ một chàng trai thợ săn, ở tận chỗ non cao rừng rậm này lại có một võ thuật tuyệt quán như thế?
Nhất Đăng nhìn chàng càng nghĩ càng lạ lùng.
Từ ân quát dậy lên:
- Ông bạn là ai? ý muốn làm gì?
Dương Qua nói:
- Tôn sư dùng lời khuyên bảo mà đại sư cố chấp không nhận, chẳng chịu nghe lời vàng ngọc hiền lành, mà còn lấy oán đền ơn, nhẫn tâm hạ thầy bằng những độc chưởng! Như vậy làm người sao được? Sánh với loài cầm thú có khác gì?
Từ ân cả giận hét lớn:
- Phải! Phải ngươi là người của Khất Cái bang chăng? Tại sao dám dùng lời khinh bạc đối với trưởng lão?
Dương Qua cười ngất đáp:
- Hai người Khất Cái mà đại sư vừa giết mới chính là cái bang hại loại, chứ tôi có phải Khất Cái bao giờ đâu? Họ hung dữ đại sư giết thế là đúng? Giết kẻ ác tức làm điều lành, có gì phải ăn năn chứ?
Từ ân ra chiều suy nghĩ và tính thầm: "Diệt ác tức là làm lành! Diệt kẻ ác tức là điều lành".
Dương Qua biết được ý lão là nhờ lão với Nhất Đăng đại sư đối đáp. Chàng biết lão quá hối hận, việc thiện ác đang xung đột ở nội tâm, vì thế Dương Qua tiếp lời:
- Hai lão này chính là Khất Cái đã phản bội. Chúng đã toan dắt cọp về nhà, đã đem cả dãy non sông gấm vóc nầy bán đứt cho ngoại bang. Đại nhân đã ra công giết chúng thật là công đức lớn nhất trên đời. Nếu chúng sống sót ở đời, thì không biết bao nhiêu trai, gái, trẻ, già vì tay chúng nước mất nhà tan, đạo Phật tuy từ bi chí thiện nhưng lũ tà ma ngoại đạo đến quấy phá, đức Phật cũng hiển lộng thần thông mà tru diệt chúng vậy.
Dương Qua hiểu về Phật học chút ít, là vì vừa rồi được nghe Nhất Đăng đại sư giảng đạo cho Từ ân phối hợp với sự học thuở nhỏ của chàng mà suy luận ra.
Từ ân nghe chàng nói lấy làm kỳ dị, tay hạ song chưởng, lòng nghĩ lại chuyện đã qua. "Thuở nọ ông sắp được Kim phong quan và bảo làm nội ứng để chiếm đoạt Tống triều thiên hạ". Vô tình Dương Qua nhắc lại chuyện bán nước buôn dân của hai lão hành khất làm cho Từ ân xúc động mãnh liệt. Ông tưởng Dương Qua đặt điều châm biếm nên hét lên dữ dội:
- Loài súc sanh! Ngươi dám ngụy biện về bát đạo để mắng ta à?
Vừa nói lão vừa vung ra một chưởng khốc liệt hướng vào Dương Qua. Còn Dương Qua cố nói những sự thật chứ đâu biết gì về hành động của lão. Đột nhiên thấy lão vung chưởng ù ù, chàng chẳng kịp vận kình phong kháng cự, lập tức chàng lùi về phía sau. Hai tiếng "bình bình" nổi lên, vách nhà vỡ tung ra một khoảng to. Dương Qua hoảng sợ chạy ra khỏi nhà. Nhất Đăng đại sư cả kinh nghĩ rằng: Chắc thiếu niên nầy sẽ chết về tay Cừu thiên Nhận. Võ công của gã làm sao chống lại với võ công lão Cừu?
Vách ván bị vỡ tung một lỗ khá to, lửa củi trong nhà xông lên mù mịt. Dương Qua nương theo làn gió thổi về nhà mà tiện vào cầm chặt đốc kiếm huớng về phía Từ ân bủa xuống một nhát cực mạnh và hét:
- Tốt lắm! Cũng bởi người hẹp lượng, đừng trách ta vô lễ.
Nguyên lúc Từ ân vung chưởng giết chàng, thì chàng chạy lùi ra sau, vì vậy tấm vách cây bị thiết chưởng của Từ ân dập nát. Chàng liền rút cây thiết kiếm hướng vào Từ ân bủa xuống, kình phong dồn cả vào lưỡi kiếm, khí thế rất mạnh.
Từ ân tưởng rằng với chưởng lực mạnh như sấm sét vừa rồi đã làm cho thân thể Dương Qua tan ra từng mảnh, nào ngờ Dương Qua thình lình xuất hiện, chỉ mũi kiếm vào ngực, với một thế kiếm "Độc cô cầu bại" bí truyền. Lão hốt hoảng né sang bên hữu, tránh khỏi. Hai người, kẻ kiếm phong, người thiết chưởng giao đấu. Một già một trẻ vừa thử sức mấy chiêu đã không dám khinh thường nhau nữa. Họ để tâm vào sự giao đấu đang diễn biến.
Nhất Đăng đại sư đứng trước bậc thềm, trông hai người giao đấu với nhau lấy làm kinh dị. Dương Qua là một thiếu niên trạc tuổi hai mươi, dám cả gan giao đấu với một người oai chiến thiên hạ nhưng kình lực của hai người bằng nhau, chứng tỏ chàng thanh niên nầy võ công phi phàm. Nhất Đăng đại sư xét mấy thế võ của Dương Qua không biết xuất xứ từ đâu với ngọn kiếm thường mà chống được kình phong của thiết chưởng, thật là quái dị chưa từng thấy. Suy nghĩ trong khoảnh khắc, đại sư quay đầu vào nhà bắt gặp Tiểu long Nữ tại cửa, rõ là một thiếu nữ nhan sắc kiều diễm, thần sắc tươi nhuận, đang nhìn trận đấu một cách bình thản, không lo sợ. Đại sư thầm nghĩ: "Thật là một thiếu nữ không phải tầm thường". Ông lại thấy giữa đôi mi và nhân dung có vài dấu chấm hiện lên đen đen, làm cho ông hết hồn kêu lên:
- Khổ thay, khổ thay!
Tiểu Long Nữ nhìn ông cười nói:
- Thầy cũng ra ngoài này à?
Dương Qua với Từ ân càng đánh càng hăng, Dương Qua có phần thủ thắng là vì nhờ trong tay có kiếm. Còn Từ ân với đôi tay không nhưng cũng chống trả mãnh liệt. Chưởng phong kêu lên "bừng bừng" tứ phía, cây ván của gian nhà đua nhau bay tán loạn.
Tiểu Long Nữ hoảng hốt bế Quách Tường vọt ra cửa sổ, tung thân ra ngoài thì hàng loạt chưởng phong bủa tới tấp, làm gãy hết những hàng cột trong nhà và gian nhà sụp đổ, một bên hạ xuống đất. Ngoài trời gió bấc thổi ù ù, tuyết rơi càng dữ dội. Cả hai thấy nhà đổ đều ra ngoài trời giao chiến. Từ ân đã hơn mười năm chưa hề giao đấu với ai, nay được dịp múa may ông lấy làm cao hứng, bủa ra hàng loạt thiết chưởng, hô hấp liên miên, chưa chi ông bủa ra trăm chiêu chưởng lực. Còn Dương Qua cứ tránh né mãi, hễ chàng né một chiêu chưởng thì hoàn lại Từ ân một chiêu võ, tiến thối mãi. Từ ân niên kỷ đã cao, dần dần chậm chạp. Dương Qua lanh tay đâm vào bụng lão một thế võ mãnh liệt. Từ ân đề khí khinh thân nhảy tháo ra ngoài. Dương Qua quét ngang một kiếm, Từ ân ngã người ra sau tránh. Luồng dịch phong do ánh kiếm phát ra công phá mặt đất, tuyết vỡ tan như luồng mữa bão dữ dội, bốc văng đầy mặt Từ ân. Một bụm tuyết dính vào mi mắt ông ta làm cho ông phải ngừng tay lo dụi mắt, tức thì lưỡi kiếm thiết huyền đã đập vào vai. Từ ân đột nhiên bị thất thế, ông ta nghiêng qua một bên để tránh lưỡi kiếm nhưng vì đuối sức, gượng đứng không được nên ông lảo đảo ngã. Dương Qua thắng thế chĩa mũi kiếm vào bụng lão. Từ ân vô phương vùng vẫy, cố vận
nội lực để đẩy mũi kiếm nhưng Dương Qua đã nhanh nhẹn đá vào hấp huyệt của lão, làm lão không hít được tí hơi nào. Bây giờ chỉ còn nhắm mắt chờ chết. Trong chớp mắt, mũi kiếm của Dương Qua như chiếc búa ngàn cân bủa vào đầu. Từ ân kêu lên:
- Chết... Thôi rồi đời một tay cái thế anh hùng "Thiết chưởng thủy thượng phiêu Cừu thiên Nhận".
Thiết chưởng bang chủ, đã từng ngang dọc tung hoành, giết người như bỡn, trong thế gian không ai đương cự lại ngờ đâu lại bị thảm bại dưới bàn tay một đứa bé. Có lần chạy sang Tây Vực lại mắc vào xảo kế của lão Ngoan Đồng phải lộn về Trung Quốc, Giờ đây cái chết đã kề bên, rất tiếc là lão lại chết vào một tay đứa bé. Tưởng đến cái chết lão vô cùng hối hận! Nhưng lại nghĩ cũng đáng lắm không hối tiếc gì nữa. Cả đời gieo tang tóc cho mọi người, giờ đây hết mong gặp người cứu độ. Nhất Đăng đại sư đã nói đến muôn lời, ngàn tiếng cũng chẳng chịu nghe. Dương Qua với một thanh kiếm nhỏ cũng uy hiếp được ta đó! Bấy giờ Từ ân mới nghĩ: "Bị người giết thế này thì thê thảm quá. Lúc trước ta giết người, cũng thê thảm như vậy ư?".
Nhất Đăng đại sư thấy Dương Qua có ý thâu phục Từ ân về đường chánh, nẻo ngay nên ông cảm phục lắm và thầm tưởng:
- Đấy mới là kẻ thiếu niên anh kiệt trên đờt ít có vậy.
Nghĩ như thế, ông tiến về phía Dương Qua, duỗi tay thẳng và búng một cái nhẹ vào khoảng không. Kinh khiếp thay! Chỉ một cái búng nhẹ đã thấy thanh kiếm thiết huyền tuột khỏi tay Dương Qua rơi xuống đất một khoảng thật xa. Từ ân thoát chết đứng dậy, cúi đầu hướng về Nhất Đăng đại sư nói:
- Sư phụ! Tội đệ tử đáng chết! Tội của đệ tử đáng chết!
Nhất Đăng đại sư nói:
- ăn năn, giác ngộ! Đệ tử hãy xin lỗi và cảm ơn vị tiểu cư sĩ này!
Dương Qua bấy giờ cũng ngạc nhiên không biết vì sao chỉ có cái búng tay nhẹ của lão hòa thượng mà đánh rơi thanh kiếm của chàng. Hay là hòa thượng này là Nhất Đăng đại sư. Chỉ có đại sư với Hoàng dược Sư mới có ngón tay kỳ diệu như vậy. Nhất Đăng có "Nhất dương chỉ", Hoàng dược Sư có "Đàn chỉ thần công", ngoài ra trên đời này không có người thứ ba biết dùng ngón tay ảo diệu như vậy. Nghĩ như thế Dương Qua liền quỳ xuống lạy Nhất Đăng nói:
- Đệ tử là Dương Qua, xin ra mắt đại sư.
Từ ân thấy vậy bước đến quỳ ngay trước mặt chàng sắp sửa lạy tạ. Dương Qua hoảng sợ nói:
- Lão tiền bối chớ nên lễ bái mà giảm thọ tiểu nhân!
Tiểu Long Nữ cũng ra hành lễ Nhất Đăng.
Đại sư vui vẻ bảo:
- Hai gian nhà cổ bị chúng tôi phá nát rồi giờ biết chỗ nào ngồi nghỉ ngơi trò chuyện?
Từ ân nói:
- Đệ tử trong lúc cuồng dại phạm đến thầy, thương tích không rõ có sao không?
Nhất Đăng đại sư điềm đạm bảo:
- Người đã hoàn hảo rồi!
Từ ân lấy làm hoan hỉ, không biết nói sao cho cởi mở, ông liền chạy lại bên căn nhà đổ nát dựng lại mấy cột và xếp sơ mái nhà, để tạm ngồi tránh tuyết sương.
Bây giờ Dương Qua lại nghĩ đến Võ tam Thông và Châu tử Liễu không rõ ở đâu. Nghe nói thì hai người này ghé qua Thương Ngâu ẩn du ngoạn, rồi sau nghe Võ Tam Thông nói Châu tử Liễu bị trúng độc đến Tuyệt tình Cốc. Thiên Trúc thần tăng và Châu tử Liễu làm gì trúng độc mà đi xin thuốc giải để bị khốn?
Nhất Đăng đại sư nói:
- Này hai sư đồ! Có rõ lối nào vào Tuyệt tình cốc không? Chúng ta hãy đến đấy! Ngươi có biết Từ ân hoà thượng với Nữ cốc chủ "Tuyệt Tình" có quan hệ gia đình không?
Dương Qua ngẫm nghĩ giây lát và nhớ lại Bành trưởng lão gọi Từ ân hòa thượng là Cừu bang chủ nên thưa với Nhất Đăng rằng:
- Sư phụ! Từ ân đại sư có phải họ Cừu chăng? Có phải đại sư là Cừu thiên Nhận bang chủ bang thiết chưởng đấy chăng?
Từ ân tuy đứng rất xa, nhưng nghe rõ Dương Qua nói bèn quay lại bảo:
- Ngươi muốn hỏi Tuyệt tình cốc chủ nhân à? Nó là em gái lão đấy! Ngươi có nghe em gái ta vẫn bình yên mạnh khỏe đấy chứ?
Dương Qua nghe đến chữ "bình yên mạnh khỏe" chẳng dám trả lời vì chàng biết rõ Tuyệt tình cốc nữ chủ là Cừu thiên Xích, đã bị chồng bà chặt đứt cả tay, chân và trở thành phế nhân rồi.
Từ ân đại sư hỏi:
- Em gái ta tính rất gan dạ. Nó đã tạo ra nhiều nghiệp quả, không rõ bây giờ ra sao?
Dương Qua đáp:
- Lệnh muội đã bị tàn tật chân tay không cử động được nên phải ngồi một chỗ luôn!
Từ ân bùi ngùi than thở:
- Lão xa cách cô em này bao năm đâu rõ sự thể như vậy? Gia đình của lão đã... hết rồi sao?... Ôi... đau đớn thay...! Chỉ còn cô ấy và người em trai thứ là hết.
Lão hòa thượng Từ ân nói đến đấy sa nước mắt và hồi tưởng lại các việc đã qua.
Nhất Đăng đại sư thấy lão bùi ngùi thương xót như vậy biết rằng Từ ân trần duyên chưa dứt, nghiệp chướng còn đầy, có ăn năn hối ngộ cũng chỉ nhất thời mà thôi, rút cục ác niệm vẫn chưa tiêu diệt. Trong nghịch cảnh Từ ân sẽ bị đau thương chi phối và ác niệm sẽ sống dậy. Ông ta sẽ hung tợn hơn muôn lần lúc trước. Lúc đó dẫu muôn lời răn cũng không thể nào cảm hóa được. Tội nghiệp thay! Duyên kiếp muốn tròn, trần ai phải đoạn. Số phận Từ ân không hợp với duyên pháp của ta.
Dương Qua thấy Nhất Đăng trầm tư mặc tưởng, trong ánh mắt phát ra những tia "mến yêu thương xót" người đệ tử bị đày đoạ chàng thầm tưởng: "Võ công của đại sư thật là ảo diệu, tại sao để cho người đệ tử đả thương mà chẳng chống đỡ tí nào? Chắc là ông có một ý định cao sâu nên lúc mình sắp giết hòa thượng Từ ân, thì ông lại ra tay giải cứu người đệ tử".
Lòng thắc mắc chàng hỏi:
- Đại sư? Đệ tử ý ngu trí cạn, không rõ những việc làm vừa qua của đại sư chắc có cao ý gì xin đại sư chỉ điểm giảng dạy cho đệ tử.
Nhất Đăng đại sư nói:
- Lòng người khó hiểu! Nếu ta để cho nhà ngươi giết thác lão, lão không được giác ngộ, mà còn bị trầm nghịch thật sâu dưới A tỳ. Con người cứu mạng của ta ngẫm ra chẳng uổng! Lão đã thạch đức của ngươi!
Nhìn qua Tiểu long Nữ, đại sư nói tiếp:
- Tiểu nương tử vì sao độc khí nhập vào tạng phủ?
Dương Qua nghe đại sư hỏi thất kinh. Nhưng trong khoảnh khắc chàng đã tìm ra một tia sáng, đáp thay Tiểu long Nữ:
- Đại sư! Sau khi nàng bị thương nặng, tôi đã khai phá, đả thông các huyệt đạo để trị liệu nào hay đến bấy giờ chất độc của "Băng Phách ngân trâm", xâm nhập vào cơ thể ngũ tạng. Xin đại sư mở lượng từ bi mà cứu độ cho nàng!
Dứt lời chàng quá xúc động, quỳ xuống đất lạy đại sư. Nhất Đăng đại sư dang tay đỡ Dương Qua đứng dậy và nói:
- Ngươi đả thông khai phá các huyệt bằng cách nào?
Đồng thời đại sư ngẫm nghĩ: "Quái lạ! Trên cõi đời này chỉ có ngón Nhất dương chỉ của ta mới có đủ sức mạnh thần diệu, khai phá đả thông được các huyệt đạo, thiếu niên này dùng cách nào đả thông cho được?".
Dương Qua đáp:
- Đệ tử để nàng ngồi trên Hàn ngọc sàng, hai tay nàng với tay đệ tử áp vào nhau, vận hơi khử độc!
Nhất Đăng đại sư nghe sự giải thích đã hiểu phần nào bèn nói:
- Đấy là môn pháp của Âu Dương huynh, chữa liệu khai phá độc khí đang quấy động của các huyệt đạo chứ không khai trừ được tận gốc, phải dùng Nhất dương Chỉ mới trừ tận gốc được!
Vừa rồi Nhất Đăng đại sư vừa điểm đôi ngón tay vào mạch môn bàn tay của Tiểu long Nữ. Nét mặt đại sư đăm chiêu nghĩ ngợi. Trong giây phút im lặng, đại sư thốt lên ba tiếng nhỏ:
- Có thể cứu!
Rồi đại sư bảo cả bọn vào trong nhà.
Dương Qua mải lo nghĩ và âu sầu bỗng nghe đại sư nói ba tiếng "có thể cứu" làm chàng bối rối hoang mang.
Tiểu Long Nữ thấy Dương Qua mặt mày ủ dột, thần sắc bơ phờ, nàng khổ tâm nghĩ thầm: "Từ lúc ta ra đi đến giờ chuyện gì cũng do chàng gánh vác giúp đỡ cả". Nàng tỏ vẻ vui nói:
- Sống chết có mạng, không ai cưỡng lại được số trời! Dương huynh chẳng nên âu sầu phiền muộn! Mạng tôi cũng chưa đến nỗi gì?
Nhất Đăng đại sư từ lúc vào nhà được nghe Tiểu long Nữ ăn nói ôn nhu hòa hoãn, lại biết theo thời, thuận mạng nên khen thầm:
- Tuy là tuổi trẻ đôi mươi, nàng vẫn không lo sợ trước con đường sanh tử, thực là một nữ nhi khác đời.
Đại sư có biết đâu sở dĩ nàng được như vậy là nhờ sự giáo hóa rất nghiêm chỉnh của thầy. Nhất Đăng đại sư thầm nghĩ: "Đây mới thực là cặp vợ chồng xứng đáng. Trai võ công trác tuyệt, gái tài sắc phi phàm. Như thế không hổ danh là "Long Phụng nhân duyên", ít người sánh kịp. Từ thuở bình sinh đến nay ta mới thấy cặp vợ chồng Quách Tỉnh Hoàng Dung là một và cặp vợ chồng này là hai. Họ rất yêu quý nhau, hỗ trợ khi đấu tranh, an ủi nhau lúc hoạn nạn. Nhưng nay cô nhỏ này đang trúng độc quá nặng, còn ta cũng thọ thương, làm sao sử dụng được "Nhất dương Chỉ" để cứu mạng? ông trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc, đoạn nói:
- Hai người niên kỷ còn nhỏ mà chuyện làm rất đáng khen. Lão nói không quá lời đâu.
Dương Qua nghe đại sư nói như thế cảm thấy khó chịu vì đại sư không đả động đến chuyện cứu Tiểu long Nữ. Chàng sa sầm nét mặt, đôi tay lạnh như tuyết giá...
Lại nghe Nhất Đăng đại sư nói tiếp:
- Bây giờ Tiểu phu nhân đã bị chất độc lâm vào tạng phủ! Còn lão lại thọ thương rất nặng nên chẳng biết làm sao sử dụng "Nhất dương chỉ" để chữa trị cho tiểu phu nhân được. Tuy nhiên không phải chỉ có một khoa hay một môn nào đặc biệt mới giải độc được. Nếu bây giờ tìm được cỏ Linh chi thiên thảo, cũng giải độc được cho Tiểu phu nhân. Còn hiện nay... Tiểu phu nhân nhờ nội công thâm hậu nên độc dược chưa xuất phát. Lão sẽ bảo đảm trị đỡ bằng cho tiểu phu nhân uống một hoàn thuốc có thể mạnh được bảy ngày, rồi chúng ta sẽ cùng đến "Tuyệt tình cốc" nhờ sư đệ của lão là Thiên trúc thần tăng chữa trị.
Dương Qua mừng rỡ đứng dậy nói:
- A! Đúng vậy! Đệ tử có nghe Thiên trúc thần tăng chuyên trị độc, ông ấy nổi tiếng thần y linh dược! Nếu gặp được thiền sư ắt có phương giải cứu.
Nhất Đăng đại sư nói:
- Nếu mà sư đệ ta cứu không được thì số mạng người đó hết rồi. Trên đời này hễ có một đứa bé sinh ra, ắt có người mất mạng. ấy là luật tuần hoàn. Còn như Tiểu phu nhân nếu thành thân xuất giá lâu rồi ắt khó chữa trị. Ta nói chẳng sai đâu.
Ông nói đến đây liền ngừng lại và nghĩ đến việc cũ. Ngày trước Châu bá Thông loạn giao với thứ phi của ông là Lưu quý Phi, sinh được đứa con trai. Chỉ vì sự ghen ghét mà sinh ra hận nên ông không chữa trị, để đứa nhỏ phải mất mạng. Từ ân giết chết đứa hài nhi trường hợp cũng tương tự vậy. Lúc bấy giờ Từ ân không rõ đạo lý, đến sau này quy y Phật tổ lại tôn Nhất Đăng làm thầy thì Từ ân đã tạo nhiều điều ác nghiệt. Tuy vậy Nhất Đăng đối với ông không oán trách nửa lời. Cũng vì trận giặc nội tâm mà ra, tính tự kỷ đều sinh sự bất hạnh, như trường hợp Từ ân giết đứa hài nhi như vậy.
Dương Qua liếc nhìn Nhất Đăng nghĩ thầm:
- Ông hòa thượng này rất kỳ dị. Bấy giờ chẳng chữa trị mà còn nói lý số, lại không có một lời an ủi cho người ta yên tâm!
Tiểu long Nữ cười chúm chím nói:
- Đại sư nói nghe bi quan quá!
Mắt nàng hướng ra cửa sổ thấy tuyết đổ muôn trùng, màu trời u ám. Nàng nói:
- Kìa! Trời tuôn đổ xuống bông tuyết trắng đẹp lung linh! Đẹp quá!
Tuy vậy, vầng thái dương vừa ló dạng thì khối tuyết lại tan rã tiêu điều. Mùa đông năm nay tuyết giá dày thêm, có lẽ còn lâu lắm bông tuyết mới hết rụng.
Nhất Đăng đại sư lại không ngớt nghĩ về cặp Dương Qua, Tiểu long Nữ. Dương Qua tuổi trẻ mà ngộ được đạo mầu thâm diệu. Từ ân còn kém y xa. Rồi ông quay đầu sang Từ ân hỏi:
- Ngươi nghĩ sao?
Từ ân làm thinh không đáp, chỉ lắc đầu cười vì Từ ân đang nghĩ ngày ta đi là sương giáng, giờ đến tiết đông thiên rồi, ông thầy này hay nói châm ngôn, ẩn ngữ quá. Hỏi nghĩ sao? là cái quái gì?
Dương Qua lòng phiền não, mãi lo sợ về việc Tiểu long Nữ mà nàng cứ dửng dưng không có vẻ gì buồn phiền chán nản. Chàng ôn lại việc gặp Nhất Đăng đại sư, từ khi cách nhau tấm vách đến lúc hầu chuyện cùng ông, đến lúc đại sư giúp chàng và Tiểu long Nữ hiểu về đạo lý và xa hơn nữa là ngày chàng bắt đầu yêu Tiểu long Nữ. Nhất nhất những chuyện gần đây xảy ra trước mắt chàng, làm cho tâm trí chàng mờ mệt.
Bấy giờ Nhất Đăng đại sư mới lần vào áo lấy ra một quả trứng gà, giao cho Tiểu Long Nữ nói:
- Con gà vì sao mà có? Nếu không có quả trứng này, câu chuyện từ ngàn xưa không ai giải nghĩa.
Dương Qua nói thầm:
- Lão hòa thượng lắm triết lý văn chương. Người ta sắp chết không cứu giúp!
Tiểu Long Nữ cầm quả trứng gà quan sát. Đây không phải là trứng gà thường mà là cục đất nung rất khéo, có chứa vật gì bên trong, màu sắc, hình dáng lại giống hệt một quả trứng thật. Nàng trầm ngâm một chốc đã hiểu ý đại sư nên nói vội:
- Trứng vỡ sinh ra gà, gà lớn sinh ra trứng. Cho nên vật gì có sinh ắt có chết.
Đại sư cười và ra dấu bảo nàng đập cái trứng gà. Cái trứng bể, lòi ra một viên thuốc màu vàng óng ánh, giống hệt lòng đỏ trứng gà.
Nhất Đăng đại sư bảo:
- Mạnh khỏe là nhờ nó!
Tiểu long Nữ hiểu ý đại sư, vội bỏ vào miệng, như ăn quả táo mềm thơm tho. Viên thuốc tự rã ra đi thẳng vào ruột.
Hôm sau Dương Qua cùng mọi người sửa soạn lên đường vào "Tuyệt tình cốc". Nhất Đăng đại sư tuy cho Tiểu long Nữ biết hiệu lực của viên thuốc chỉ được bảy ngày đêm thôi, nhưng viên thuốc này có công hiệu hơn nữa, và Tiểu long Nữ đủ sức lên đường.
Dương Qua còn ngại Nhất Đăng đại sư không đi nổi nên nói:
- Đại sư! Thương thế của đại sư có nặng lắm không và làm sao đi được?
Nhất Đăng trúng thương tích rất nặng nhưng ông nóng lòng cứu đệ tử và Tiểu long Nữ nên ông giả bộ mạnh bạo đáp:
- Chẳng có gì?
Rồi ông bắt đầu tiến bước. Ông đi trước, Từ ân, Dương Qua Tiểu long Nữ bước theo sau. Nhờ hoàn thuốc mà Tiểu long Nữ tinh thần tráng kiện, sức khỏe mạnh hơn xưa. Nàng trổ thuật khinh công đi vọt ngang Nhất Đăng đại sư mau như gió. Từ ân cả kinh tưởng nàng là gái đài trang, chân yếu tay mềm nào ngờ Tiểu cô nương này võ công cũng phi thường lắm. Một mình Dương Qua còn cự đương, thêm cô ả này giúp sức thì khó mà đoán được. Từ ân suy nghĩ thế nên dùng khinh công như gió cuốn theo cho kịp Tiểu long Nữ. Dầu sao ông cũng mang danh là thiên hạ vô địch về môn võ nầy. Ai ai cũng phải khen tặng là "Thiết chưởng thủy thượng phiêu" anh hùng.
Ông vượt qua khỏi Tiểu long Nữ trên mười trượng, Tiểu long Nữ chẳng chịu núng thế cứ đuổi theo mãi, chỉ còn thấy hai điểm đen trên nền tuyết bạc.
Dương Qua lại sợ Từ ân ác niệm phát sinh trở lại giết hại Long Nữ nên chàng cấp tốc đuổi theo. Nhưng về môn nầy Dương Qua kém hai người rất xa. Ban đầu còn thấy dạng hai người, đến sau họ mất hút. Chàng cố hết sức cũng không đuổi kịp. Bỗng nghe phía sau Nhất Đăng đại sư cười bảo:
- Tiểu cư sĩ. Nội lực của ngươi thâm hậu lắm tại sao không chạy được? Tôn sư ngươi là ai sao không chỉ dạy?
Dương Qua cả kinh. Chàng đã dùng hết sức khinh công mà đuổi theo không kịp. Chàng vừa nghe tiếng gọi vội quay đầu lại thì Nhất Đăng đã đến trước mặt, nhanh không thể tả mà dáng điệu thật khoan thai. Chàng thành thật đáp:
- Vãn bối biết võ công là nhờ vợ chỉ dạy đấy!
Nhất Đăng đáp:
- Tiểu phu nhân làm sao bì kịp ngươi?
Dương Qua đáp:
- Mấy tháng trước đây vãn bối chưa biết gì bỗng dưng có một sức mạnh kỳ dị, mà vãn bối vẫn chẳng hiểu duyên cớ ra sao cả.
Nhất Đăng đại sư hỏi:
- Vậy ngươi có uống thuốc gì không? Hay là ngươi ăn nhầm giống gì ngàn năm như cỏ "Anh chi" chẳng hạn thì nội lực của ngươi mới tăng trưởng như vậy?
Dương Qua ngẫm nghĩ phút chốc nhớ lại nói:
- Vãn bối nhớ lại rồi! Cách đây không lâu vãn bối có ăn một quả hồng. ăn xong sức mạnh tăng cường dữ dội, không biết đúng như vậy chăng?
Nhất Đăng nói:
- Trái hồng mà ngươi nói đó, gọi là Đào tiên thủy, nó còn tươi không có hạt phải chăng?
Dương Qua nói:
- Đúng như vậy. Thưa lão tiền bối! Vãn bối lấy làm kỳ dị chẳng hiểu sao, trái không hột lấy gì truyền giống?
Nhất Đăng hỏi:
- Ngươi đã hái quả này tại đâu?
Dương Qua đáp:
- Vãn bối lượm được, do con chim điêu từ đâu đem về rơi ngay đầu của vãn bối, thế mới lạ!
Nhất Đăng đại sư nói:
- Chính là câu chuyện ngàn năm một thuở. Ngươi có kỳ duyên mới gặp được! Trái hồng tươi này gọi là Châu quả, quý hơn "Thiên niên linh chi thảo", nó sẽ thành hình nhân sâm gọi là "Trân bửu" quý nhất trên đời. Giống "Châu quả này mọc ở hốc đá hoang vu, chân người không đến đó được, hoặc mười năm, hoặc hai chục năm mới có trái, có khi đến trăm năm mới có trái một lần. Chim điêu mang được quả này về chính là thần điêu.
Dương Qua hỏi:
- Chim ấy là thần điêu sao?
Chàng lại nghĩ: "Nếu gặp lại chim điêu mà xin ít quả cho Tiểu long Nữ ăn thì chắc nàng khỏe, và bổ ích lắm!
Hai người tuy đối đáp mà đôi chân vẫn bước nhẹ nhàng. Trong khoảnh khắc đã theo kịp Từ ân và Tiểu Long Nữ. Nhất Đăng đại sư và Dương Qua cả cười. Tại sao hai người chẳng dùng khinh công mà theo kịp? Vì khinh công chỉ lộng hành trong phút chốc thì nội lực suy giảm, phải ngưng lại vận khí. Còn hai người này lại dùng nội lực nên không bị suy giảm, càng đi càng mau hơn.
Tiểu long Nữ chậm lại cách Từ ân mấy trượng, vì nàng công lực không thâm hậu bằng Từ Ân được.
Khi đoàn người đi qua một sườn đồi Dương Qua bỗng chỉ tay trước mặt, nói:
- Kia có bóng ba người đi.
Dương Qua cố xem lại thì rõ người đi đầu là Từ ân, kế là Tiểu Long Nữ và kế bên Tiểu long Nữ lại là người lạ. Thấy người lạ đeo trên vai một gói cực lớn, nhìn kỹ chính là cái rương nhỏ, dáng đi nhẹ nhàng thoăn thoắt, chỉ cách Tiểu long Nữ chừng một trượng. Nhất Đăng đại sư lấy làm lạ, nghĩ đến quái gian đang trú ẩn giữa núi cao rừng rậm cướp của giết người nên đại sư cố đi nhanh hơn tí nữa để nhìn rõ lão ta là ai. Thì ra đó là một ông già râu tóc bạc phơ. Tiểu long Nữ về khinh công kém Từ ân nên lúc đầu chỉ cách xa một trượng, dần dần lùi lại đến sáu, bảy trượng. Dương Qua cảm nghĩ cũng như Nhất Đăng đại sư nên chàng đuổi
theo Tiểu long Nữ và khách lạ. Khi sắp vượt qua người khách lạ, bỗng nghe người khách lạ nói lên giọng thoang thoảng rất rõ ràng:
- Con Qua! vị đại hòa thượng nầy khinh công rất giỏi, ta và ngươi đều chẳng bằng! Ngươi thử đuổi theo xem.
Đoạn lão hướng qua Tiểu long Nữ cười nói:
- Ngươi cứ nhìn cái rương này! Long nhi con. Hãy tiếp chưởng khí lực! Đừng sợ lão hòa thượng! Đừng sợ!
Tiểu long Nữ hồn phi phách tán, quay đầu nhìn lại rõ là Lão Ngoan Đồng Châu bá Thông cười hềnh hệch chỉ ra sau lưng có cái rương nhỏ treo lủng lẳng và lão nói tiếp:
- Lại đây! Lại đây!
Cái rương nầy của Trùng Dương cung cất giấu. Trong rương chứa đủ vật dụng và thư tín bí mật của môn phái Toàn Chân, không rõ vì sao lão ăn cắp mang ra ngoài, đeo lủng lẳng trên vai.
Tiểu long Nữ cười khúc khích không đáp. Bỗng nhiên Châu bá Thông vượt mình đến kề Tiểu long Nữ, giơ tay ra đỡ sau lưng nàng và đưa nàng ngồi trên chiếc rương. Thân pháp ông ta thật ảo diệu phi thường. Chuyện xảy ra trong nháy mắt, Tiểu long Nữ không sao kháng cự kịp, phải ngồi chơi vơi trên chiếc rương của Lão Ngoan Đồng. Tiểu Long Nữ cố bám thật chặt và than:
- Kinh thay cho sức mạnh của Lão Ngoan Đồng.
Phái Toàn Chân đã xưng là "Thiên hạ võ công chánh tông" không hổ danh vậy. Những đạo sĩ của Trùng Dương Cung tuy không hơn ta về nội lực giao đấu nhưng rất tinh túy về võ công và xứng đáng là đệ tử chân chính.
Bấy giờ Dương Qua và Nhất Đăng đã nhận rõ lão ta là Châu bá Thông. Còn Từ ân thì lại sợ Tiểu long Nữ qua mình nên cứ hướng về phía truớc mặt mà trực chỉ khinh thân, không ngờ sau lưng lão lại có thêm một người nữa.
Châu bá Thông bước mạnh và lẹ làng, phút chốc đã gần đến sau lưng Từ ân. Lão bảo nhỏ Tiểu long Nữ:
- Long Nhi! Đi độ mươi phút nữa là ta đến sau lưng lão ấy.
Tiểu long Nữ cười nói:
- Tại sao ông biết rõ hòa thượng nhiều vậy?
Châu bá Thông cười bảo:
- úy! Ta với lão thi chạy đua từ Trung Nguyên qua Tây Vực, rồi từ Tây Vực về Trung Nguyên. Tóm lại trên cả ngàn dặm đường, thì làm sao chẳng biết lão Cừu?
Tiểu long Nữ ngồi trên lưng lão Ngoan Đồng êm ả vô cùng, chẳng khác ngồi trên lưng tuấn mã. Nàng quá vui thích, cười hỏi:
- Lão Ngoan Đồng! ông tính đưa tôi vô hang nào?
Châu bá Thông nói:
- Ta chỉ cần làm vui chứ không có ẩn ý gì.
Độ mươi phút sau hai người đã đến sau lưng hòa thượng Từ ân, cách hai trượng. Lúc này kình lực hòa thượng bị giảm dần.
Châu bá Thông bảo nhỏ:
- Xuống chứ! Chạy chứ!
Và ông nghiêng mình cho Tiểu long Nữ nhảy xuống. Nàng sẵn trớn vụt lên phía trước, vụt khỏi mặt Từ ân, ngoái đầu lại cười "khì" rồi lại trổ hết thuật thần hành chạy tới.
Từ ân cả kinh trổ hết thuật khinh công đuổi theo. Càng đuổi Long Nữ càng chạy cách xa Từ ân.
Từ ân hòa thượng bình sinh có hai môn tuyệt kỹ công phu đáng gọi là thiên hạ vô địch! Bất ngờ chỉ một ngày một đêm ngắn mà môn thiết chưởng bị bại về Dương Qua, môn khinh công phải thua Tiểu long Nữ, bất giác trong lòng nổi lên một niềm bi quan vô tận và đôi chân dần dần kém sút. ông thầm tuởng:
- Rất khó nghĩ thay. Đại hạn ta đã đến rồi chứ tại sao một thiếu nữ chân yếu tay mềm đã qua mặt được! Hay là do ác niệm ta phát sinh, ra tay đả thương sư phụ mà bị quả báo nên mới xảy ra hai chuyện kỳ quặc như vậy?
Ông nghĩ xong, lại cố gắng vượt quá, đuổi theo Tiểu long Nữ. Suy xét mọi việc trên đời nếu tâm thần hoảng hốt thì không làm nên chuyện gì. Bởi thế nên ông mới thua sút Tiểu long Nữ.
Dương Qua đi phía sau nên thấy rõ Châu Bá Thông đã lén giúp cho Tiểu long Nữ nên mới thủ thắng được Từ Ân đại sư. Chàng liền nhanh đuổi theo Châu bá Thông. Khi đến kề bên, chàng cười to và nói:
- Châu lão tiền bối! Tôi đa tạ ơn ông! Đa tạ ơn ông!
Châu bá Thông cười hềnh hệch bảo:
- Cừu thiên Nhận tự phụ là "Thủy thượng phiêu" ta đẩy con bé chạy hơn lão hết khoe khoang. Thiên Nhận càng già càng giỏi hé! Nầy! Tại sao cái đầu lão nhẵn nhụi như vậy? Đã làm hòa thượng rồi à?
Dương Qua nói:
- Lão tiền bối chưa rõ sao? ông ta đã bái nhận Nhất Đăng đại sư làm thầy và hiện giờ ông ta là hòa thượng đấy chứ.
Chàng đưa ngón tay chỉ về phía sau nói:
- Nhất Đăng đại sư đã tới kia.
Châu bá Thông hoảng kinh la lên:
- Trời! Đoàn hoàng gia đến đây hay sao?
ông quay đầu nhìn lại quả thấy Nhất Đăng đại sư liền la hoảng:
- ôi! Xuất hành bất lợi! Đứng lại là đại kiết. Dứt lời liền rẽ vào lối khác lẩn khuất trong rừng cây.
Dương Qua không hiểu Đoàn Hoàng gia là ai? Người ấy thế nào mà Châu bá Thông lại sợ và trốn tránh như vậy? Chàng ngoái lại thì thấy Châu bá Thông đã lẩn khuất từ bao giờ. Chàng nhủ thầm:
- Thật là một kỳ nhân quái có một không hai vậy!
Nhất Đăng đại sư thoáng thấy Châu bá Thông đi trước, ám trợ cho Tiểu Long Nữ thắng Từ ân đại sư, rồi thoắt một cái đã mất hút tự bao giờ. ông mỉm cười nói với Từ ân:
- Ngươi biết tại sao không thắng được chăng? Đã có người ở sau quấy ngươi đấy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thần Điêu Hiệp Lữ.