CHƯƠNG IX.3


Số từ: 2752
Chiếc xe băng qua cổng lớn rẽ vào một con đường tắt qua khu vườn và dừng lại trước cổng dành cho gia nhân. Bà Mi-kha-lép-xka quá nóng ruột nên không thể đích thân mang các thứ hàng hóa mua được cất vào trong kho. Giống như một đầu tầu hoả tốc hành, bà lao qua nhà bếp, phòng để bát đĩa, phòng ăn, thở có phần hổn hển hơn mức mà sự mệt nhọc đòi hỏi, và tăng tốc độ lên nữa.
Bà biết rất rõ giờ này ông bà Trưn-xki đang ở chỗ nào, và bà không nhầm. Họ đang ở ban công phía bắc. Bà E-lê-ô-no-ra, cứng đờ và thẳng đơ trong chiếc áo nịt ngực, ngồi trên một chiếc ghế cứng không trải nệm (bà không công nhận những loại ghế khác) và chìm đắm trong đống những quyển sổ cái khổng lồ của nhà máy. Sau lưng bà, ông Xu-pếch, kế toán, đang đứng với nét mặt của một kẻ tội đồ, lát nữa thôi sẽ bị mang đi tra khảo. Cái đầu hói của ông, giống như một cái nấm phấn to tướng màu hồng, được phủ đầy những giọt mồ hôi. Ở đầu kia ban công, trong một chiếc ghế mây to tướng, ông Xta-nhi-xoáp Trưn-xki đang ngồi, chung quanh là những chồng báo nhiều đến khó tưởng tượng nổi.
Bà Mi-kha-lép-xka không nói một lời, đứng sững giữa ban công, nom như một pho tượng đầy vẻ đe dọa.
Ông Trưn-xki hạ thấp chiếc kính mắt xuống và hỏi:
- Có chuyện gì thế, Mi-kha-le-siu?
- Chuyện không lành! - Bà rên lên.
- Không có chanh à?
- Ôi, chanh gì mà chanh!... Chuyện ô danh!
- Có gì xảy ra thế? - Ông Trưn-xki đặt báo xuống, hỏi bình tĩnh nhưng đã chú ý hơn.
- Chuyện gì xảy ra?... Chuyện bê bối! Tôi ngượng đến cháy cả người. Cả thị trấn không bàn gì đến chuyện khác nữa! Chỉ nói đến cậu ấy mà thôi!
- Nói đến ai?
- Đến cậu Lê-sếch thân yêu nhà ta chứ ai.
- Lê-sếch à?
Phu nhân Trưn-xka ngẩng đầu bảo:
- Ông Xu-pếch, ông nhớ nhé. Ta tạm dừng ở hàng này, 1482 zuốt-ty và 24 grôs (33).
- Vâng thưa bà, - ông kế toán thở hắt ra. - Hai mươi bốn grôs. Tôi có phải đi không ạ?
- Không, ông cứ ở lại. Thế Mi-kha-lép-xka bảo sao?
- Cậu chủ Lê-sếch ấy ạ! Thật điếm nhục cho cả nhà! Tôi được nghe những chuyện mà... mà...
- Bà kể lại xem nào. Chắc là tin đồn vớ vẩn nào đó thôi, - bà Trưn-xka nói với vẻ bình tĩnh sắt đá.
- Người ta đánh nhau ở Ra-đô-li-xki, người ta giết nhau vì cậu chủ Lê-sếch nhà ta. Trưởng chi nhánh bưu điện phang ghita đến nát vụn lên đầu hắn, rồi cả hai lăn lộn khắp bãi chợ. Anh ta quạng đập mũi hắn ra! Gẫy cả bao nhiêu là răng...
- Ai? - ông Trưn-xki ngắt lời. - Thằng Lê-sếch ấy à?
- Không, thằng con trai ông Mô-xte-rơ-giây, thợ yên cương kia.
- Thế thì bận gì đến chúng ta?
- Nhưng đó là vì con bé mà cậu Lê-sếch đang bày chuyện yêu đương kia kìa.
Phu nhân Trưn-xka nhíu mày.
- Tôi chẳng hiểu gì cả. Xin Mi-kha-lép-xka kể lại tất cả cho thứ tự xem nào.
- Thì tôi đã nói rồi đấy thôi! Vì một con bé. Vì cái cô Ma-rư-sia nhà bà Skốp-kô-va. Đã từ lâu, tôi biết là có chuyện ám muội mà. Mắt già thật nhưng nhìn tinh lắm. Có phải tuần rồi tôi chả bảo là: - Nào, nào, cậu Lê-sếch có chuyện gì mà hay đi Ra-đô-li-xki quá đấy!... Hay là tôi không nói nào?... Nào, xin ông bà cứ bảo là tôi chưa nói đi xem...
- Bỏ qua chuyện đó. Thế nhưng cái cô ấy thì sao?
- Gái thì vẫn là gái. Đẹp thì có đẹp, nhưng tôi cũng chẳng thấy cô ấy có gì phi thường cả. Đến nỗi gì mà phải đánh nhau vì một cô như thế?... Nhưng đó là một chuyện. Ngày nào cũng phóng lên thị trấn. Tôi nghĩ bụng: - Có gì lôi kéo cậu ấy ở đấy thế nhỉ, giờ thì mới lộ tẩy hết cả ra! Đến tận bây giờ.
- Nhưng mà lộ chuyện gì chứ?
- Chuyện rằng cậu chủ đi lại với con bé ấy, con bé Ma-rư-sia ấy đấy. Suốt cả ngày, cái xe mô-tô phải đứng ở đâu nào?... Ngay trước cửa hiệu bà Skốp-kô-va. Ai cũng thấy, ai cũng lắc đầu. Thế còn cậu Lê-sếch thì ở đâu ạ?... Trong cửa hiệu. Chỉ có hai người với nhau! Vâng! Chỉ độc cậu ấy với cô kia, vì lẽ bà Skốp-kô-va không ngồi trong hiệu. Bà chủ hiệu thuốc cũng nói lại là cho đến nay cha xứ trên đài giảng không lên án những đồi phong bại tục kia. Nếu như cha chưa làm việc ấy, bà ta bảo, thì có nhẽ là do kính trọng cha mẹ cậu thanh niên thiếu năng lực kia đấy thôi, bà ấy bảo thế.
Ông Trưn-xki nhăn mặt khó chịu.
- Thế rồi sao?
- À, thế rồi thằng con trai ông thợ yên cương, cái thằng cựu học sinh trường dòng ấy, hôm thứ bẩy... Không, không, hôm thứ sáu... Không, tôi nói đúng đấy, hôm thứ bẩy, trước cả đông đủ bàn dân thiên hạ, mới gặng hỏi cái cô Ma-rư-sia kia là tại sao đem trường kỷ đặt trong cửa hiệu làm gì... Cái cô Ma-rư-sia kia không trả lời. Thế là hắn bèn nói những lời gì ấy về cậu Lê-sếch nhà ta với cô kia, khiến cho mọi người phải ôm bụng mà cười.
- Mọi người nào mới được chứ? - Phu nhân E-lê-ô-no-ra lo ngại hỏi.
- Thì bàn dân thiên hạ. Chuyện xảy ra ngay ngoài phố, ai mà chẳng nghe. Rõ là cô kia bị xấu hổ quá. Không nói lời nào, cắm đầu chạy thẳng. Nhưng chắc cô ả phải kêu ca với anh chàng Xô-bếch, ở bưu điện ấy. Mà cũng có thể anh ta làm cách nào đó biết chuyện. Chỉ biết rằng gặp thằng cha cựu chủng sinh kia, anh ta lăn xả ngay vào và nện cho hắn một trận thừa sống thiếu chết. Còn hôm nay thì chính mắt tôi trông thấy xe mô-tô của cậu Lê-sếch lại dựng trước cửa hiệu ấy rồi. Thế nào rồi cậu ấy cũng chuốc lấy chuyện không lành vào thân cho xem. Cái anh chàng Xô-bếch kia sẵn sàng gây cho cậu một chuyện gì đó, vì nhẽ...
- Thôi được rồi, - phu nhân Trưn-xka cắt ngang. - Cảm ơn Mi-kha-le-sia đã thông báo. Chúng tôi sẽ lưu tâm đến việc ấy.
Bà nói rất thản nhiên, nhưng bà quản gia hiểu rất rõ câu ấy báo hiệu điều gì. Lúc này bà cũng mới chợt nhận thấy là mình đã hành động quá vội vàng và thiếu thận trọng. Quả thực, bà quá phẫn uất vì những cuộc viếng thăm thiếu luân thường đạo lý của cậu Lê-sếch, nhưng bà vẫn yêu thương cậu hơn cả con đẻ, giờ đây bà đâm hối về những hành động của mình.
- Thưa ông bà, - bà nói, - tôi thì tôi chẳng bảo gì cậu Lê-sếch nhà ta, bởi vì rằng thì là...
Nhưng ông bà Trưn-xki đã chuyển sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, điều đó có nghĩa là bà Mi-kha-le-sia đã đến lúc phải lui ra ngoài. Bà lần khân khi làm chuyện ấy, bà cứ cân nhắc không biết có nên chạy ra đường đón cậu Lê-sếch để báo trước cho cậu cái tai vạ mà bà đã gây ra chăng (34). Nhưng sau khi cân nhắc, bà đi đến kết luận rằng một trận lôi đình giáng xuống cậu chủ, - trận lôi đình mà cậu cũng đáng được nhận - sẽ chỉ có lợi cho cậu mà thôi, và thế là bà từ bỏ ý định đó.
Dù thế nào chăng nữa, cậu cũng đáng phê phán. Nếu cậu định lừa một cô gái gia giáo, thì cậu đã hành động rất tồi. Còn nếu cô Ma-rư-sia không thuộc con nhà gia giáo, thì cậu làm điếm nhục cả bản thân lẫn gia đình.
Bà Mi-kha-le-sia nghĩ thế, và ông bà Trưn-xki cũng có cùng ý kiến như thế.
Vậy nên khi Lê-sếch trở về, anh ngạc nhiên và lo ngại khi nhận thấy những ánh mắt lạnh lùng đón anh. Thoạt tiên, anh chợt hoảng hồn bởi thoáng nghĩ: cái thằng khốn kiếp Bau-erơ, giám đốc khách sạn ở Vin-nô, đã gửi hóa đơn thanh toán đến rồi chứ chẳng chơi.
- Mà như thế thì thật là khốn nạn, - anh nghĩ bụng trong khi im lặng dùng bữa tối, - hắn không thể chờ được vài tuần hay sao. Hóa đơn - nếu trí nhớ không đánh lừa Lê-sếch - có ghi những khoản mà anh không hề muốn để cho cha mẹ biết một chút nào. Nhất là những cái gương bị vỡ kia, cùng với một số hơi nhiều, quả thực là cũng quá nhiều - những chai sâm banh đã uống...
- Anh có thể dành cho chúng tôi chừng nửa tiếng đồng hồ được không? - Phu nhân Trưn-xka vừa đứng dậy khỏi bàn vừa hỏi. - Chúng tôi muốn nói chuyện với anh.
- Những nửa tiếng đồng hồ kia ạ? - Lê-sếch nghi ngờ hỏi lại.
- Anh cho rằng thế là quá nhiều đối với cha mẹ hay sao?
- À không, thưa mẹ. Con xin tùy cha mẹ.
- Ta sang phòng làm việc.
- Ồ! - Lê-sếch tự nhủ - Chắc phải là chuyện quan trọng đây.
Thông thường, trong phòng làm việc diễn ra những cuộc trao đổi ít phần dễ chịu nhất và nhiều phần nghiêm khắc nhất với cha mẹ.
Ông Trưn-xki ngồi vào vị trí chủ tịch đoàn cạnh bàn làm việc, hắng giọng những hai lần rồi mở đầu.
- Lê-sếch con! Cha mẹ được biết rằng do tính nhẹ dạ của mình con đã đi đến giới hạn không những chỉ vượt quá thuần phong mỹ tục mà còn quá khái niệm về danh dự cá nhân, những điều mà cha mẹ đã cố gắng để làm con được thấm nhuần.
- Cha muốn nói đến những vụ lộn xộn đáng xấu hổ giữa các thanh niên chưa vợ trong thị trấn... những vụ tai tiếng do con gây ra.
Lê-sếch nhẹ nhõm nghĩ thầm:
- Vậy là không phải hóa đơn! Ơn Chúa! - và chàng nở một nụ cười hoàn toàn thoải mái.
- Kính thưa cha mẹ! Con thấy người ta đã đánh lừa cha mẹ, hay nói đơn giản, người ta đã bịa đặt ra những chuyện vớ vẩn nào đó thì phải. Con lại càng không thể là nguyên nhân của những vụ đó được.
- Thế ra con cũng không biết một tí gì về một cô Ma-rư-sia nào đó chứ? - Bà mẹ thong thả hỏi, - về cô bán hàng ở hiệu bà Skốp-kô-va?
Lê-sếch hơi đỏ mặt.
- Chuyện ấy thì liên can gì đến việc này ạ?
- Rất liên can, con ạ.
- Vâng. Con có biết Ma-rư-sia ấy. Một cô gái dễ mến.
Chàng hắng giọng rồi nói thêm:
- Con cũng hay thường ghé vào hiệu ấy để mua thuốc lá.
- Ngày nào cũng vào, - bà mẹ nhấn mạnh.
- Cũng có thể thế, - chàng trai nhíu mày. - Nhưng thế thì sao kia ạ?
- Ngày nào con cũng lui tới đó và ngồi lại hàng tiếng đồng hồ.
- Thậm chí nếu quả có thế đi chăng nữa... Thưa mẹ, chắc mẹ cũng hiểu rằng con đã vượt quá cái tuổi chịu kiểm tra rồi chứ ạ?...
- Hẳn rồi. Nếu như chỉ nói đến sự kiểm tra của cha mẹ. Nhưng ngay cả một người đã trưởng thành và hoàn toàn độc lập vẫn phải chịu một sự kiểm soát khác, ít cảm thông hơn nhiều. Mẹ muốn nói đến sự kiểm soát của dư luận xã hội.
Lê-sếch giật mình.
- Xin lỗi mẹ, nhưng con chưa hề phạm tội gì cả!
- Thì cũng chưa ai đổ tội cho con.
- Vậy thì có chuyện gì mới được chứ?
- Mẹ muốn nói đến phép lịch sự và lòng tự trọng. - phu nhân Trưn-xka nhấn mạnh từng tiếng trả lời.
- Con không nghĩ là mình đã vi phạm đến một trong hai thứ đó.
Ông Trưn-xki sốt ruột nhấp nhổm trên ghế.
- Lê-sếch của cha. - ông lên tiếng. - Tự con phải hiểu rằng việc con thường xuyên lui tới, việc con ngồi lâu một cách quá đáng trong cửa hiệu ấy, không thể không gây nên những điều bình luận...
- Chuyện ấy chẳng phiền toái đến ai cả. Cửa hiệu... cửa hiệu là chỗ công cộng. Ai cũng có quyền vào.
- Xin lỗi, - bà mẹ cắt ngang, - nhưng những lời chối cãi quanh co ấy nằm ở dưới tầm con. Trước tiên, con ngồi ở đó suốt ngày, khiến cho người ta để ý và gây nên tiếng đồn không hay. Có lẽ con không nghĩ ai đó ngây thơ đến mức tin rằng con dùng những thời gian ấy để nghiên cứu phương pháp buôn bán của cửa hiệu nhỏ. Con ngồi ở đó chính là vì cô gái bán hàng kia.
- Cũng có thể. Nhưng mà thế thì sao?
- Từ đó có thể suy ra rằng con xem mối quan hệ bạn bè với cô gái đó là rất thú vị.
- Chính thế, thưa mẹ.
- Và xứng với con nữa chứ?... Đúng thế không?... Xứng đáng với ngài Trưn-xki về cả phương diện trí tuệ, xã hội và bằng hữu?
Lê-sếch nhún vai:
- Đó chính là những vấn đề quan niệm, cách nhìn...
- Mẹ xin được nói rằng theo quan điểm của cha mẹ, trong chuyện này không có chuyện gì bàn cãi cả. Mà bằng chứng rõ ràng nhất là những cuộc viếng thăm của con đã trở thành đầu đề cho những chuyện ngồi lê đôi mách trong thị trấn.
- Con coi khinh những chuyện ngồi lê đôi mách! - Chàng nóng nảy thốt lên.
- Và không chỉ chuyện ngồi lê đôi mách đâu. Chính cô gái ấy đã bị công khai nhục mạ bởi một trong số... những địch thủ ít may mắn hơn con, và hậu quả là một... kẻ ngấp nghé khác của cô gái... nổi tiếng này đã tự coi là có nghĩa vụ phải đứng ra bảo vệ danh dự của cô ta trong một cuộc đấm đá trên đường phố. Nhờ thế mà... những cuộc tán tỉnh của con cũng như chính con đã trở nên nổi tiếng trong vùng rồi đấy.
Lê-sếch giương tròn hai mắt.
- Nhưng con không hề biết chút gì! Không thể nào lại thế được!
Chàng bật dậy phẫn nộ, kêu lên:
- Đó chỉ là những tin đồn bậy bạ, trong đó không hề có một chút sự thật nào cả!
- Rất tiếc, con ạ, - ông Trưn-xki lên tiếng, - cha mẹ có được những tin tức hoàn toàn chắc chắn.
- Tôi không tin! - chàng nổi khùng. - Nếu có, cô ấy đã kể cho tôi nghe! Còn mẹ, khi nói đến cô gái mà mẹ không quen, một cô gái đoan chính nhất, mẹ không nên dùng những... những chữ ẩn ý hai nghĩa như thế! Đó... đó thật là ghê tởm!
Ông bà Trưn-xki đưa nhanh mắt cho nhau. Họ hoàn toàn bất ngờ trước sự bùng nổ của cậu con trai, người từ trước đến nay vẫn thường nói ra những lời không mấy coi trọng phụ nữ.
- Mẹ thấy rằng cô gái ấy là người có ý nghĩa đối với con.
- Tất nhiên là có ý nghĩa, nếu như vì con mà cô ấy phải chịu... một chuyện như thế...
Chàng cắn môi, không nói hết lời.
------------------------------
(33) 1 zuốt-ty bằng 1000 grôs. (N.D)
(34) Nguyên văn: Để báo trước cho cậu thứ bia mà bà đã nấu được (N.D)
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.