CHƯƠNG XX: KẾT.


Số từ: 3484
Đoàn tàu hổn hển dừng lại ở một ga nhỏ. Đó là sáng mai trời trong, rực nắng. Những mái nhà phủ một lớp tuyết dày, những cánh cây trĩu xuống dưới sức nặng của những nhũ băng chồng chất. Quang cảnh khoáng đãng chung quanh đường ke có một thứ gì thanh khiết trong màu trắng tinh và sự sạch sẽ ấy, dường như nó thoáng mỉm cười và mời chào bằng vẻ im lặng dịu dàng và êm xốp của mình.
Giáo sư Đô-bra-nhe-xki đứng lặng nhìn khoảng không gian trắng xóa kia. Đã bao lâu nay ông không về nông thôn. Thoạt tiên phong cảnh này cỏ vẻ giả tạo đối với ông, như một sự trang trí quá thực, quá ấn tượng và đẹp đến mức khó có thể là thực. Phải mất vài phút trước khi ông tìm lại trong ký ức mình những cảm giác ngày xưa, những mối quan hệ ngày xưa với cái thế giới mới được phát hiện kia... Chính ông cũng ra đời ở nông thôn, ông đã sống suốt thời thơ ấu và những năm đầu của tuổi thanh niên.
- Cũng là một thứ chứng quên. - ông nghĩ thầm: - con người quen sống đời phố phường sẽ quên mất thế giới này. Sẽ rơi vào nhịp điệu bệnh hoạn của công danh, công việc, theo đuổi... Và thôi không biết đến sự tồn tại của cái thời tiết này, sự tĩnh mịch này... cái mặt đất khác lạ này, nơi sự thật lên tiếng trực tiếp với con người chứ không phải qua loa ra-đi-ô, không qua những con chữ in màu đen - người ta quên mất điều đó...
Ông chợt nghe sau lưng có tiếng những bước chân khẽ rít rít và một giọng nói:
- Chắc ngài định về Ra-đô-li-xki?
- Không, đến Lu-đơ-vi-kốp. Ở đây có thể tìm được một chiếc xe ngựa nào không?
- Sao lại không a? Có thế. Nếu ngài ra lệnh, tôi sẽ nhảy phắt đến chỗ Pa-vơ-lắc, hắn sẽ thẳng ngựa trong chớp mắt.
- Rất mong ông giúp cho.
Song cái "chớp mắt" kia kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Chuyến đi đến Lu-đơ-vi-kốp mất hơn nửa tiếng đồng hồ trên con đường chưa hề có vết xe. Khi rốt cuộc chiếc xe trượt cũng dừng lại trước tòa dinh thự, thì đã là trưa. Nghe tiếng chó sủa, bà Mi-kha-lep-sia xuất hiện ở cửa, lấy tay che mắt cho khỏi chói, ngắm người đàn ông lạ mặt.
- Hẳn ông có việc đến nhà máy? - Bà hỏi.
- Không ạ. Tôi muốn gặp ngài Trưn-xki.
- Xin mời ông vào nhà. Nhưng ông bà chủ hiện không có nhà.
- Không hề gì. Chính ra tôi cần gặp vợ chưa cưới của ông Trưn-xki, gặp cô Vin-tru-rúp-na.
- Cô ấy cũng không có nhà.
- Không có ạ?
- Vâng! Thưa ông, tất cả đều đi Ra-đô-li-xki rồi.
Giáo sư Đô-bra-nhe-xki ngần ngừ.
- Thế họ sắp về chưa?
- Cũng chẳng biết thế nào, thưa ông. Họ đi đính ước ấy mà. Thế nào chắc cha linh mục cũng chưa chịu để họ về ngay đâu. Người sẽ giữ họ lại ăn trưa.
- Thế à? Thế thì thật không may. Thế bà có thể cho tôi biết?... Trạng sư Ko-rơ-trưn-xki ở Vin-nô có báo cho tôi, rằng ông bà Trưn-xki có đưa về đây một người tên là An-tô-ni Kô-si-ba, một thầy lang?
- Chứ sao, đúng thế, họ có đưa về. Có điều ông ấy không muốn ở lại nhà chúng tôi.
- Tôi không hiểu...
- Ồ, thì ông ấy không muốn mà. Cả một ngôi nhà đẹp thế kia đã được chuẩn bị cho ông ấy, nhà trong vườn kia kìa. Thế mà không ấy không muốn.
- Thế thì ông ấy ở đâu?
- Còn ở đâu nữa? Ông ấy quay về cối xay, chỗ ông Prô-cốp Mien-nhich rồi. Ông ấy bảo ở đấy ông ấy dễ chịu hơn cả. Một ông già dở người. Nhưng sao tôi cứ đứng mãi đây nói chuyện ngoài trời rét thế này (mặc dù nói thật tình hôm nay cũng không rét lắm) mà không mời ông vào nhà. Xin mời ông quá bộ...
Đô-bra-nhe-xki ngẫm nghĩ.
- Thôi, cảm ơn bà. Tôi phải đi ngay tới Ra-đô-li-xki. Tôi rất ít thời gian nên không thể chờ được.
- Xin tùy ông. Nếu ông muốn gặp ông bà chủ thì xin mời ghé đến nhà cha linh mục.
- Được rồi. Cám ơn bà.
Người đánh xe kéo cương, giáo sư dùng tấm da cừu quấn kín chân và chiếc xe trượt lại lên đường.
Nhưng hẳn là hôm ấy một sự rủi ro nào đó cứ theo đuổi ông. Khi ông đến trước nhà cha linh mục, ông được hay rằng ở đây chỉ có ông bà chủ Trưn-xki, những người mà ông chẳng có việc gì phải gặp. Người xà ích của họ bảo cho giáo sư biết rằng cậu chủ Lê-sếch cũng vợ chưa cưới đi ra nghĩa địa, nơi chôn cất mẹ cô chủ, và dọc đường họ sẽ ghé vào cối xay gặp thầy lang.
- Ngài sẽ tìm được họ ở chỗ này hoặc chỗ kia thôi - người xà ích kết thúc và quay sang người đánh xe của giáo sư, hỏi - thế Pa-vơ-lắc, cậu có biết đôi ngựa khoang của Lu-đơ-vi-kốp không?
- Sao lại không biết...
- Thế thì chú ý nhé. Cậu chủ đi bằng đôi khoang ấy đấy. Nếu cậu thấy chúng ở chỗ nào thì có nghĩa là cậu chủ ở đó.
- Rõ rồi. - người đánh xe gật đầu và tặc lưỡi giục con ngựa non.
Có hai con đường dẫn đến nghĩa địa của Ra-đô-li-xki. Con đường gần hơn mà các đám tang bao giờ cũng đi là đường chạy gần chỗ Ba Cây Lê. Đi xa hơn chừng một vio-rơ-xta nữa, có thể qua gần cối xay của ông Mien-nhich Prô-cốp. Lê-sếch chọn con đường này không những chỉ vì phẳng hơn mà còn nhằm mục đính tiện thể ghé thăm thầy lang luôn.
Tận đáy sâu tâm hồn, Lê-sếch vẫn hơn buồn vì ông. Chàng không thể hiểu nổi vì sao ông Kô-si-ba không đồng ý nhận làm khách ở Lu-đơ-vi-kốp, vì sao ông không muốn nhận làm khách ở Lu-đơ-vi-kốp, vì sao ông không muốn sống trong ngôi nhà nhỏ trong vườn, ngôi nhà mà chàng đã cùng Ma-rư-sia tốn bao công lao đốc thúc sửa chữa. Chàng hiểu rõ rằng Ma-rư-sia rất yêu "bác An-tô-ni" của nàng, và nàng rất muốn có ông bên cạnh. Đối với cả hai, sự từ chối của thầy lang là một điều bất ngờ đáng buồn.
Vì vậy, bây giờ, sau khi đã nộp lễ đính hôn, họ đính tấn công ông lần nữa bằng những lời đề nghị khẩn khoản. Vốn hiểu tính tình của "bác An-tô-ni", thực tình Ma-rư-sia cũng ít hi vọng. Còn Lê-sếch, vốn bướng bỉnh, cam đoan với cô là sẽ thuyết phục được ông chuyển chỗ ở.
Họ gặp thầy lang đang vác một bao bột trên lưng ngay trước cối xay. Người ta đang xếp bột lên chiếc xe trượt, loại xe mà ở vùng đó người ta gọi là xe "rô-đơ-va-len-ki".
Ông chào hỏi hai người, không hề mỉm cười, rồi xoa xoa tay, ông mời họ vào cái nhà ngang của mình.
- Hôm nay không lạnh, - ông nói, - nhưng để tôi quạt ấm xa-mô-va lên, uống nước cho nóng cũng không hại gì.
- Rất vui lòng, - Lê-sếch reo lên. - Ở chỗ ông chúng tôi không hề làm khách đâu... Cũng như chúng tôi ở nhà thôi.
- Cảm ơn ân huệ ấy.
- Quả thực ân huệ về phía chúng tôi khá nhiều, vì lẽ ông coi khinh lòng hiếu khách của chúng tôi ở Lu-đơ-vi-kốp, còn chúng tôi thì vẫn nhận làm khách của ông.
Thầy lang không đáp. Ông rút từ phía sau lò sưởi một chiếc giày cũ, chụp ống giầy vào ống xa-mô-va và bắt đầu thổi than đang tàn ở bên trong, mạnh đến nỗi tro và những tia lửa bay ra từ bên dưới mà.
- Ông An-tô-ni ạ, - Lê-sếch lại lên tiếng, - quả thực ông đã làm chúng tôi rất buồn. Thì ở quanh Lu-đơ-vi-kốp cũng đâu có thiếu người bệnh cần được ông giúp đỡ kia chứ. Ông để chúng tôi phải thương nhớ ông sao?...
Ông Kô-si-ba mỉm cười nhợt nhạt:
- Ông đùa đấy chứ! Tôi thì cần gì cho các vị...
- Ông không xấu hổ sao! - Lê-sếch giả vờ phẫn nộ thốt lên. Không nói đến tôi làm gì, nhưng ông không thể nói rằng Ma-rư-sia không gắn bó với ông.
- Đức Chúa sẽ đền đáp cho cô ấy!
- Thế sao ạ?
- À, gắn bó là gắn bó, mà cuộc đời là cuộc đời. Một cuộc đời mới, những gắn bó mới.
- Hay thật! - Lê-sếch kêu lên. - Ma-rư-sia, em thấy chứ?... Ông An-tô-ni cho chúng ta hiểu rằng ông ấy chán chúng ta rồi, bây giờ ông ấy sẽ gắn bó với những người khác.
- Bác An-tô-ni, - Ma-rư-sia khoác tay ông, cháu xin bác, rất xin bác đấy...
Thầy lang đưa tay vuốt ve cô.
- Con bồ câu nhỏ yêu quí... Bác có thể cho cháu tất cả, nhưng bác không đến chỗ các cháu, không đến đâu. Bác già rồi và hay buồn phiền. Nguyên bộ dạng bác đã làm hỏng niềm vui sung sướng của các cháu rồi. Ổ, còn nếu đôi khi các cháu muốn gặp bác, thì hãy đến cối xay này... Thôi, ta để yên chuyện ấy nhé.
Ông quay lại cái xa-mô-va, nước trong ấm đang reo khe khẽ.
Lê-sếch chìa hay tay.
- Ha, tiếc thật. Thế mà tôi đã định là, nhân lễ "tân gia", đúng vào ngày ông chuyển tới Lu-đơ-vi-kốp, tôi sẽ tặng ông một bộ đồ mổ hoàn chỉnh...
Chàng chờ hiệu quả, nhưng thầy lang giả vờ không nghe thấy lời mời mọc hấp dẫn kia. Ông lấy cốc trên giá xuống, soi chúng lên ánh sáng và bắt tay vào việc rót trà.
Khi họ đã ngồi và bàn, Ma-rư-sia nói:
- Hôm nay chúng cháu nộp lễ đính hôn. Bốn tuần nữa sẽ là ngày cưới của chúng cháu.
- Thế nào ông An-tô-ni cũng phải đến dự cưới của chúng tôi đấy nhé!- Lê-sếch kêu lên.
- Không có tôi thì cũng chẳng sao. Tôi không hợp với các ông bà lớn có mặt ở đấy đâu. Ở đây tôi vẫn chúc anh chị thành tâm như ở gần thôi.
- Ông không muốn làm chứng cho ngày vui của chúng tôi, ngày lễ của chúng tôi!
- Bác An-tô-ni!
- Sao lại không, - thầy lang gật đầu. - Bác sẽ đến nhà thờ kia mà, còn làm chứng ư... Thì chính bác ngay từ đầu đã chứng kiến tất cả những vui buồn của anh chị đó thôi, ơn Chúa, mọi việc đã được kết thúc theo ý anh chị.
- Ồ, ông An-tô-ni, - Lê-sếch sửa lại, - mọi sự mới chỉ là bắt đầu. Mới chỉ là bắt đầu niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi, niềm hạnh phúc mà chúng tôi đã giành được sau biết bao trở ngại, phải đánh đổi biết bao nước mắt và lo buồn, và thất vọng... thật lạ lùng khi nghĩ rằng chúng tôi đã phải chịu đựng ngần ấy nỗi xấu xa...
- Thế càng tốt cho anh, - thầy lang nghiêm trang nói.
- Sao lại tốt ạ?
- Bởi hạnh phúc chỉ lâu bền khi con người biết đánh giá nó đúng mức. Và đối với mỗi người, chỉ có những gì vất vả giành được mới có giá trị.
Cả ba đều trầm ngâm. Hai người trẻ tuổi nghĩ về tương lai hạnh phúc đang mở ra trước mắt họ, còn ông An-tô-ni Kô-si-ba nghĩ về nỗi cô đơn của mình, nỗi cô đơn mà trong đó ông sẽ phải sống cho đến lúc chết. Ông đã sống nhiều, đã chịu đựng đau khổ nhiều, vậy mà chẳng giành được cho mình một thứ gì hết. Ông sẽ nói ngược với trái tim mình nếu hối tiếc rằng sẽ hiến cho họ, sẽ ném thêm vào kho báu vĩ đại của họ như một món quà mọn, chút hạnh phúc nhỏ bé mà ông khát khao giữ cho mình... Không, ông không tiếc, nhưng quả thực lòng ông nặng trĩu như tâm hồn của mỗi người nặng trĩu khi không còn gì để đợi, không còn gì để hi vọng, không còn gì để khát khao nữa...
Có tiếng gõ cửa. Đó là người xà ích mang cái hộp bước vào.
- Thưa cậu chủ, tôi e hoa bị giá mất. Để ngoài trời lạnh lâu quá.
- Được rồi. Cứ để chúng lại đây. Lê-sếch bảo.- Mặc dù lát nữa chúng tôi cũng đi rồi.
- Mang hoa đi đâu thế, - thầy lang tò mò.
- Chúng tôi ra nghĩ địa, ra mộ mẹ Ma-rư-sia. Chúng tôi muốn chia xẻ với mẹ hạnh phúc của chúng tôi và cầu xin mẹ ban phước - Lê-sếch nghiêm trang đáp.
- Mẹ cháu à, con bồ câu nhỏ?
- Vâng.
- Thế là rất tốt... Tốt lắm... Hồi nào cháu có bảo rằng mẹ cháu nằm ở nghĩa địa Ra-đô-li-xki. Phải, phải... Lúc cháu nằm trong căn phòng này, giữa cái sống và cái chết, bác đã định đến mộ mẹ cháu cầu nguyện cho cháu tai qua nạn khỏi... Bao giờ lời cầu xin của người mẹ cũng vẫn có giá trị nhất, không những chỉ đối với loài người, mà cả với Đức Chúa cũng thế... Đó là những giờ phút thật nặng nề... Có điều bác không biết mộ mẹ cháu nằm ở đâu.
Nét mặt ông buồn hẳn, rồi ông lau trán và đứng dậy. Ông mang từ góc hõm tường ra một chùm cúc trường sinh rất to.
- Các cháu cầm lấy cả cái này nữa. Những hoa này không sợ bị băng giá, không bị héo đây. Đó là hoa dành cho người chết. Các cháu hãy thay mặt bác đặt ở đó.
Ma-rư-sia mắt đẫm lệ quàng tay ông ghì lấy cổ ông.
- Bác thân yêu, bác thân yêu...
- Ông An-tô-ni, hay là ông đi với chúng cháu. Ông sẽ tự đặt những bông hoa ấy? - Lê-sếch đề nghị.
Thầy lang nhìn vào mắt Ma-rư-sia, suy nghĩ rồi gật đầu.
- Được rồi, ta sẽ đi với anh chị. Từ đây ra nghĩa địa cũng không xa, mà tôi sẽ biết mộ bà nằm ở đâu, thỉnh thoảng tôi sẽ ghé qua nhổ cỏ, đặt hoa.
Ông An-tô-ni Kô-si-ba hiểu rằng khi không nhận lời làm khách ở Lu-đơ-vi-kốp ông đã làm Ma-rư-sia buồn, giờ đây muốn chứng tỏ cho cô thấy rằng những gì gần gũi với cô vẫn không bao giờ ngừng gần gũi với ông.
Mười lăm phút sau cả ba đã ngồi lên xe trượt. Ngựa phi nước kiệu nhỏ và chỉ một lát sau họ đã đến chỗ đường ngoặt, từ đó có thể trông thấy cái khám thờ nhỏ và toàn bộ khu đồi, nơi có cái nghĩa địa được gọi là Nghĩa Địa Mới. Thực ra thì chỉ có cái tên là mới, điều này có thể thấy được qua những quãng hàng rào bị bung ra, những cây thánh giá nghiêng ngả và bức tường gạch của cái khám nhỏ thờ thánh Xtan-nhi-xoáp Kô-xtka đã bị lộ gạch màu đỏ ở nhiều chỗ.
Cái nghĩa địa cũ nằm ở ngay sau nhà thờ, gần như chính giữa lòng thị trấn, từ hơn ba mươi năm nay đã đầy ứ, đến nỗi không còn một mét vuông nào không có mộ. Ngược lại, nơi đây, vốn trước kia là đồi trọc, nay là quả đồi mọc đầy cây, người ta chôn những người quá cố tại thị trấn Ra-đô-li-xki và những làng quanh vùng, dọc theo đường trồng cây hai bên. Giữa những con đường đó hãy còn nhiều mảnh đất chưa có mộ và cây cối. Hình như ngay cả cây cối cũng không muốn mọc trên cát xốp.
Con đường chạy cạnh bên nghĩa địa và chiếc xe trượt dừng lại trước cổng. Từ đây đã phải lội qua làn tuyết trắng chưa hề có vết chân người. Nhiều chỗ lớp tuyết dày lên tận đầu gối. Ở đây gió dồn tuyết vô hồi kỳ trận. Nhưng họ vừa vượt qua đỉnh đồi thì đã dễ hơn nhiều. Chỉ bên các nấm mộ mới có những gò tuyết dồn lên.
Ma-rư-sia dừng lại bên mộ mẹ cô, quỳ xuống tuyết và bắt đầu cầu nguyện. Lê-sếch cũng làm theo gương cô. Ông thầy lang bỏ mũ đứng lặng lẽ sau lưng họ.
Đó là một nấm mộ thôn dã bình thường với cây thập tự nhỏ màu đen treo những vòng hoa đã héo khô, ngập nửa phần trong tuyết. Hai người trẻ tuổi vừa cầu nguyện xong. Lê-sếch lấy hoa trong hộp ra, còn Ma-rư-sia gạt tuyết từ cây thánh giá xuống. Khi ấy hiện ra một tấm bảng nhỏ bằng tôn có những dòng chữ...
Ông An-tô-ni dõi mắt theo những dòng chữ ấy và đọc:
"Bà Bê-a-ta họ Gôn-tưn-xki..."
Ông bước một bước về phía trước mặt, vươn hai tay ra.
- Ông sao thế? Ông làm sao thế? - Lê-sếch kinh hoảng kêu lên.
- Bác ơi?
- Lạy Chúa! - Thầy lang rên lên. Một thứ ánh sáng kinh người bừng lên trong óc ông, làm sống lại tất cả.
Toàn thân ông run lẩy bẩy, từ cổ họng ông bật ra những tiếng rên rỉ trầm đục tưởng như không phải tiếng người. Sức lực ông kiệt quệ hoàn toàn, và hẳn ông đã ngã xuống đất nếu Lê-sếch và Ma-rư-sia không giữ thật chặt bai bên nách ông.
- Bác làm sao thế bác? - Ma-rư-sia kinh hoàng lắp bắp.
- Ma-ri-ô-la, con gái của cha... con gái của cha. - ông thốt lên bằng giọng hết sức run rẩy, rồi òa lên khóc nức nở.
Họ không tài nào giữ nổi thân hình không động đậy ấy, phải rất thận trọng đặt ông nằm xuống đất. Những lời ông thốt ra khiến họ vô cùng kinh ngạc, đặt biệt là Ma-rư-sia, bởi ông đã gọi cô bằng cái tên mà ngày xưa, trong những giờ phút vuốt ve âu yếm nhất, mẹ đã dùng để gọi cô, mà cũng chỉ hiếm khi thôi. Nhưng họ không có thời gian tìm hiểu nữa. Rõ ràng ông An-tô-ni Kô-si-ba bị một cơn thần kinh. Ông quỳ trên tuyết, gò cả người, hai tay úp chặt vào mặt và vẫn không thôi thổn thức.
- Ta phải khiêng bác ấy lên xe trượt thôi, Lê-sếch quyết định. - để anh chạy đi gọi xà ích, hai chúng ta không nổi đâu.
Anh vừa định đi thì giáo sư Đô-bra-nhe-xki hiện ra trên con đường trồng cây hai bên. Sự xuất hiện bất ngờ của ông khiến họ ngạc nhiên nhưng cũng vui mừng nữa.
- Xin kính chào giáo sư, - Lê-sếch nói. - Ông ấy bị lên cơn thần kinh. Làm thế nào?...
Nhưng Đô-bra-nhe-xki vẫn đứng yên nhìn tấm biển trên cây thánh giá.
- Chúng ta phải chuyển ông ấy lên xe trượt thôi. - Ma-rư-sia lên tiếng.
Đô-bra-nhe-xki lắc đầu.
- Không, xin bà hãy để cho cha bà được khóc thật hết.
Và nhìn thấy đôi mắt mở rộng của hai người ông nói thêm:
- Đó chính là cha của bà, giáo sư Ra-phao Vin-tru-rơ... ơn Chúa ông ấy đã lấy lại được trí nhớ... Ta đi đi, ta hãy bước ra xa... Hãy để cho ông ấy được khóc.
Họ đứng cách đấy một quãng và bằng những câu đứt đoạn, ông Đô-bra-nhe-xki kể lại cho họ nghe tất cả.
Trong khi ấy hẳn là những giọt nước mắt đã khiến thầy lang nguôi dần. Ông nặng nề nhổm dậy khỏi mặt đất, nhưng không biết đi. Ma-rư-sia chạy lại về phía ông úp mặt vào vai ông. Cô không thấy gì cả, vì lệ giàn giụa trong mắt, nhưng cô nghe thấy tiếng ông nói khẽ:
- Xin Chúa hãy ban cho nàng sự yên nghỉ đời đời...
Mặt trời đã lặn, tỏa những ánh vàng và đỏ rực rỡ ở chân trời, những chiếc bóng màu xanh lơ - sự mơn trớn nhẹ nhàng đầu tiên của buổi hoàng hôn mùa đông xuống sớm - ngả đi trên mặt tuyết.
- HẾT -
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.