Phần 4 - Chương 9: Giới dâm cách ngôn - Ngô Trạch Vân
-
Thọ Khang Bảo Giám
- Ấn Quang Đại Sư
- 1210 chữ
- 2020-05-09 04:30:05
Số từ: 1172
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Con người sau khi được thừa hưởng khí chất [từ cha mẹ], đã thành hình, điều quan trọng nhất, không gì bằng sanh mạng. Nhưng nếu chưa thể dưỡng sanh[1], làm sao biết bảo toàn sanh mạng cho được? Đã biết bảo toàn tánh mạng, sẽ có thể dưỡng sanh, đấy là nguyên lý chẳng thay đổi. Lòng người gần đây chẳng bằng thời cổ, phong tục mỗi ngày một tệ hơn. Trong những cái gây tàn hại nặng nề nhất đối với sanh mạng của con người, không gì to bằng sắc! Sắc ví như đao bén, chạm đến sẽ bị tổn thương. Sắc ví như chất độc từ chim Trấm, uống vào ắt tiêu đời! Tuy nam nữ kết hôn, chẳng trái nghịch nhân luân, nếu chẳng biết đến nghĩa lý tiết chế tình ái, nỗi sầu mất mạng vẫn ẩn trong đó, nhưng người đời cứ thấy là chuyện ngọt ngào, khoái lạc, cứ buông lung, chẳng biết tiết chế, là vì lẽ nào? Ấy là vì trước đó, đã quên mất cái tâm đạo đức, ý niệm tà dâm bèn do nhân duyên mà dấy. Đang độ tuổi thiếu niên khí huyết sôi nổi, đắm mến những thói phóng đãng vô lại, thường tiêu mòn tinh thần hữu dụng trong tay đàn bà, con gái, chẳng hề tiếc nuối! Thậm chí coi chuyện khoét vách, trèo tường là chuyện hay ho. Ngủ lang nơi tiệm ả đào, cặp kè kỹ nữ, tự phụ là hạng phong lưu. Thậm chí, đối trước vợ con nói bàn chuyện dâm dật, cợt nhả suồng sã trong chốn khuê phòng. Vì lẽ này, gia phong bại hoại, kỷ cương, luân thường vùi lấp trong sắc dục[2], để tiếng xấu khắp trong ngoài, nhưng kẻ ấy vẫn ngỡ là vui, chẳng nghĩ là khổ! Cho tới khi chìm đắm đã sâu, tinh khô, tủy cạn, kẻ có chí khí do đó mà đọa lạc, tai mắt bởi đó mà lòa điếc, hình hài do đó mà còm cõi, nhân cách bởi đó mà thấp hèn. Hết thảy các bệnh hư nhược, bại xụi lại thừa dịp đó mà sanh, đến nỗi một thân sự nghiệp vô cùng, hy vọng không chi to hơn, thảy đều tiêu tán, chẳng còn chi nữa! Rốt cuộc, mất mạng đang độ tuổi trung niên, ghi tên trong sổ quỷ. Hoặc là chết chẳng yên thân, hại đến con cháu, thảy đều là do lỗi lầm chẳng biết tiết chế sắc dục! Đúng là đã coi sanh mạng như trò đùa vậy!
Con người đối với tiền tài, dẫu là mối lợi nhỏ nhặt vẫn so đo, tính toán trăm kế để tranh giành, đã cân nhắc thâu nhập để quyết định chi tiêu, vẫn sợ thiếu hụt. Có kẻ nào ăn xài phung phí, chẳng biết chừng mực, [sẽ bị mọi người] chỉ trích là đứa phá của. Ôi! Tiền bạc là thứ có được từ bên ngoài, vẫn trân trọng dường ấy. Còn như tinh dịch đáng quý, chẳng được đặc biệt coi trọng như tiền tài. Sự tàn hại của dâm dục chẳng hề nhỏ nhoi! Tiền của đã hết, ắt nghèo túng; tinh đã hết, ắt chết tươi! Thế mà cứ mặc lòng phóng túng dâm dục, chẳng biết tiếc nuối mảy may! Một mai tinh cạn, tủy khô, nước cạn, lửa hừng, thuốc thang vô hiệu! Hối hận thì đã muộn mất rồi! Ông Tô Đông Pha nói:
Chuyện gây tổn thương sanh mạng, chẳng phải chỉ có một, nhưng kẻ hiếu sắc ắt phải chết. Thân con người dùng Thần để chế ngự Khí, Khí hóa thành Tinh. Tinh thần sung mãn, tròn đầy, thân thể cường tráng, đủ sức làm chuyện lớn lao. Nếu dâm dục vô độ, ắt tinh cạn, khí hao, Thần chẳng thể duy trì được, sẽ thành bệnh tật, chết sớm!
Hiểu nguyên do này, há chẳng thận trọng ư?
Thân thể, da, tóc, nhận lãnh từ cha mẹ, chẳng dám hủy hoại, tổn thương; đó là khởi đầu của lòng hiếu vậy. Nói đến chuyện
hủy hoại, tổn thương
, há chỉ có nghĩa là gẫy tay, gẫy chân mà thôi? Giống như một cái cây quý mới mọc, trong lúc nó đâm chồi nẩy nở, ắt phải kiêng đẵn chặt, sáng bón, tối chăm. Sau đấy, mới hòng nó tỏa rợp bóng. Kẻ đương tuổi dậy thì, gân cốt vẫn chưa vững chắc, huyết khí chưa định, mà đã chôn vùi chân nguyên trước, đến nỗi hình thể khô khao, còm cõi, tinh hoa tiêu sạch, trăm thứ bệnh theo đó ồ ạt nẩy sanh. Đối trước cảnh ấy, cha mẹ kinh hoảng, bối rối, bó tay, chẳng biết làm sao! Ở đây, tạm chẳng bàn đến chuyện âm chất thiếu khuyết, hiềm rằng tuổi thọ suy giảm là do tự mình gây tạo oan nghiệt, khiến cho song thân ngầm ôm nỗi đau vô bờ. Cổ nhân mỗi bước đều chẳng dám quên cha mẹ, vì thân này là do cha mẹ lưu lại, há nên điếm nhục sự thanh bạch ư? [Hễ điếm nhục thân thể, thanh danh], sẽ là bất hiếu không chi to bằng!
Kẻ thiếu niên khinh bạc, đến nhà thân hữu, tự tiện dòm ngó nữ quyến của người ta, hoặc nghiêng tai nghe trộm. Trên đường đi, gặp người nữ xinh tươi, dừng chân ngó sững, lẵng nhẵng theo đuôi, gạn hỏi tên họ. Thậm chí, lấy chính những người mà chính mình đã được thấy nghe để mặc sức chòng ghẹo, bàn tán cùng đồng bọn. Thử hỏi cái tâm ấy là cái tâm gì vậy? Ông Cừ Bá Ngọc chẳng lén lút làm chuyện xấu, Tư Mã Ôn Công suốt cả đời chẳng có chuyện gì không thể nói với người khác. Vậy mà [những gã thiếu niên khinh bạc ấy] ngay trong lúc ban ngày, ban mặt, ở nơi mọi người dồn mắt trông vào, cứ ngạo nghễ bộc lộ thói xấu chẳng ngại ngần! Khinh bạc như thế, lại chẳng coi những vị đoan chánh ra gì, há chẳng khiến cho quỷ thần phẫn nộ ư? Nếu trong những kẻ quen biết, có hạng người như vậy, hãy nên sớm tuyệt giao, chớ nên thân cận với chúng nó một ngày nào!
[1] Ở đây,
dưỡng sanh
được dùng theo nghĩa rộng, hàm ý: Làm thế nào để vun bồi thân thể cho nó tăng trưởng tốt đẹp.
[2] Nguyên văn
nhân tư, môn phong bại hoại, luân kỷ táng vong trung cấu, tân đài, di xú nội ngoại
. Trung Cấu (中冓) là cái buồng kín trong nhà, Tân Đài là cái đài do Vệ Tuyên Công xây cho nàng Tuyên Khương ở. Tuyên Khương vốn là công chúa nước Tề, đã đính hôn với thái tử Cấp. Vệ Tuyên Công thấy con dâu tương lai đẹp quá, bèn chiếm làm của riêng, xây Tân Đài cho ở. Như vậy,
trung cấu
và
tân đài
đều hàm nghĩa đam mê sắc dục.