Phần 4 - Chương 12: Giới dâm cách ngôn - Hoàng Thư Vân


Số từ: 2313
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tà dâm là phàm đối với vợ con của kẻ khác, ta do tà tâm xâm phạm thì là tà dâm. Dẫu đối với vợ của chính mình mà phạm nhằm chẳng phải lúc (khi vợ có kinh nguyệt, đang thai nghén, vừa mới sanh xong, đang cho con bú sữa, đang bị bệnh, trong ngày trai giới), chẳng phải chỗ (chẳng phải là nơi chốn để giao hợp), hoặc khi có mối quan hệ sanh tử đến thân mình hoặc vợ, hoặc nhằm ngày người lẫn thần đều cấm kỵ, hoặc đối với thân thể chẳng giao hợp theo đúng lẽ, hoặc [hành dâm] trong ngày đản sanh của thần thánh, đều là tà dâm. Đối với kỹ nữ, họ do ác nghiệp đời trước đến nỗi phải đọa vào đó, hãy nên sanh lòng thương xót. Lại ngược ngạo ưa chuộng kẻ hạ tiện ấy, mặc sức làm chuyện dâm uế. [Do vậy, sẽ] tổn đức, chuốc lấy báo ứng, đúng là đáng kinh sợ! Nếu xâm phạm trẻ nhỏ, gian dâm gái trinh, dâm loạn bà góa, ô nhục ni tăng; đấy chính là hành vi chẳng bằng cầm thú, thần lẫn người đều căm ghét, luật trời chẳng dung, càng là tội ác to lớn cùng cực! Hãy nên mạnh mẽ tỉnh ngộ, run sợ, thận trọng, kiêng lánh, tự giữ thân, kiêng dè cẩn thận, đừng vi phạm.
Lại có kẻ giao phối với cầm thú, rối loạn luân thường. Loại hành vi chẳng nỡ nhắc tới đó, rốt cuộc vẫn có trường hợp xảy ra! Than ôi! Lòng người bại hoại đến mức cùng cực như thế đó! [Hạng người như vậy], há chỉ là đọa nhập cầm thú, lại còn gây hại cho con cháu. Sách Cảm Ứng Thiên coi chuyện
thấy vẻ đẹp của người khác, dấy lòng dan díu
là có tội. Dấy lòng còn chẳng được, huống là thực hiện ư? Hoặc tập thành thói quen ư?
Ôi! Cổ nhân có vị được người khác dâng gái mà chẳng nhận, thế mà ta tính toán trăm kế để đoạt được. Cổ nhân có vị đêm thâu cự tuyệt kẻ dâm bôn, ta lại cưỡng bức, ô nhục [kẻ khác]. Cổ nhân có vị bỏ tiền ra mua thiếp, [khi biết người ấy đã là vợ kẻ khác] bèn trả lại cho chồng cô ta; thế mà ta tìm nhiều cách đoạt lấy! Cổ nhân có người bỏ tiền để giúp cho tớ gái lấy chồng, mà ta thì cậy thế gian dâm. Cổ nhân có người chuộc kẻ làm nghề hạ tiện cho họ hoàn lương, mà ta còn thừa dịp họ gặp nguy khốn để hiếp đáp. Cổ nhân có người bỏ tiền cho vợ chồng kẻ khác được đoàn tụ, mà ta lại ly gián để cướp đoạt. Cổ nhân có người bỏ tiền giúp người khác cưới hỏi, ta lại âm hiểm phá hoại. Ngấm ngầm thì [nạn nhân] nuốt nhục trong chốn khuê các. Lộ chuyện ra, cả nhà [người ấy] mang nhục. [Hậu quả] nhỏ thì cũng suốt đời thù hận, lớn thì sẽ trở thành nỗi lo về tánh mạng! Còn sống thì mắc oán với thần minh, cũng chẳng thể nhìn mặt chồng, cha mẹ, con cái của nạn nhân. Chết đi, sẽ trầm luân trong ác đạo, liên tiếp đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ta đã gây tội, đúng là không thể nào trốn được, mà niềm oán hận của kẻ ấy trọn không thể cởi gỡ, kéo dài đời đời kiếp kiếp, [tạo thành] nghiệp duyên lâu dài, con cháu phải hứng chịu báo ứng thảm khốc! Khoái lạc vỏn vẹn trong khoảnh khắc, tội chất chứa nhiều đời vô tận. Toàn là do lầm nhận hoa đốm trong hư không, đắm chìm trong biển dục. Nợ phong lưu oan nghiệt, sao nỡ kết thành? Cần phải hiểu thấu suốt, phải nín nhịn. Nếu chẳng nhịn được, tức là vẫn chưa hiểu biết thấu suốt vậy!
Vì thế, thấy vợ con người ta, hãy tưởng như gia đình, quyến thuộc của chính mình. Tưởng người cao tuổi như mẹ, coi người lớn tuổi như chị, thấy kẻ nhỏ tuổi hơn như em, hoặc như con gái [của chính mình], ắt dâm tâm sẽ chẳng do đâu dấy lên được! Kinh Hoa Nghiêm dạy:
Bồ Tát ư tự thê thường tự tri túc
(Bồ Tát đối với vợ của chính mình thường biết đủ). Đối với vợ của chính mình, còn chẳng nên dâm dục quá độ, há còn dám dâm loạn vợ con kẻ khác ư? Sách Tốc Báo Lục chép:
Ta chẳng dâm vợ người, người khác chẳng dâm vợ ta
. Sách Minh Luật ghi:
Kẻ gian dâm con gái người ta, sẽ bị báo ứng tuyệt tự. Kẻ gian dâm vợ người khác, sẽ bị quả báo con cháu dâm dật
. Đối với những vụ án tội lỗi xưa nay, hãy xem trong các sách như Giới Dâm Bảo Huấn, Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, đã ghi chú khá nhiều câu chuyện, chẳng đáng sợ ư?
Cần biết: Sắc tướng vốn là Không, vẻ kiều diễm như huyễn. Bình sơn phết rực rỡ đựng phân, túi gấm giấu đao. Mỗi lúc rảnh rang trong phòng kín, đừng sanh vọng tưởng. Dẫu cho các tà duyên tụ hợp, chớ táng tận lương tâm. Chỉ dùng huệ lực để chiếu soi, giữ gìn chánh niệm. Hãy nghĩ tới lương tri nơi tự tâm, rạng ngời ở nơi ta. Quỷ thần trong hư không, giám sát ta nghiêm ngặt. Trên đầu là Tam Đài Bắc Đẩu[1], chiếu rực trước mặt ta. Táo Thần trong nhà, Tam Thi[2] trong thân, chằm chằm theo dõi ta. Phước lạc nơi thiên đường, chớp mắt bèn có thể đạt tới. Nỗi khổ trong địa ngục, hễ sảy chân sẽ sa vào.
Hãy gò cương trước vách núi, quay đầu trong biển khổ. Trong lúc muôn phần gian nan, mà tự giữ vững, giữ ý niệm
muôn phần chẳng thể phạm
. Đối với bài văn dứt dục của Văn Xương Đế Quân, bài ca ngăn ngừa dâm của tổ sư Chung Ly[3], hãy nên học thuộc, tận lực gìn giữ, đừng tạo nghiệp phải giấu diếm, đừng làm chuyện bại hoại đạo đức, đừng coi đào hát là kẻ hèn hạ, mà càng phải thêm thương xót. Đừng nghĩ tôi tớ là lũ thấp hèn rồi chẳng giữ trọn [đức hạnh của chính mình]. Đừng tiếp nhận [chung đụng] kẻ tự đến muốn ta làm chuyện dâm bôn với họ, để rồi phải sa thân vào lửa. Chớ coi thê thiếp như cơm ăn trong nhà, cứ phóng túng tình dục đến nỗi sanh mạng bị thương tổn. Đừng quên danh phận kẻ lớn người nhỏ, kẻo rối ren cương thường. Chớ ô uế tịnh hạnh của ni tăng, kẻo chọc giận thần minh. Chớ lẫn lộn ranh giới giữa người và cầm thú, kẻo kết duyên đeo lông. Đừng đối với gia đình của kẻ oán cừu mà tiết hận nơi vợ con của họ. Chớ xem những lời lẽ dâm đãng, những khúc nhạc hoặc văn chương đẫm mùi tình sắc, để khỏi khơi động tà tâm. Chớ bàn sắc đẹp, tiếng dâm, kẻo mê hoặc ý niệm người khác. Trừ kẻ tự phạm [lỗi tà dâm] ra, phàm những kẻ dẫn dụ con em nhà đàng hoàng trở thành dâm đãng, và kẻ thích bàn chuyện trai gái, biên soạn dâm thư, vẽ vời tranh ảnh dâm dật, khơi gợi những tình cảm thấp hèn của con người, nhằm dạy người khác tà dâm. Người thấy kẻ nghe những thứ ấy, ắt sẽ muốn phạm vào tà dâm. Kẻ hoan hỷ tán thành, sẽ giống như tự phạm!
Kinh Lăng Nghiêm dạy:
Thập phương Như Lai, sắc mục hành dâm, đồng danh dục hỏa. Bồ Tát kiến dục, như tỵ hỏa khanh. Nhược bất đoạn dâm, tu Thiền Định giả, như chưng sa thạch, dục kỳ thành phạn, kinh bách thiên kiếp, chỉ danh nhiệt sa
(Mười phương Như Lai nhìn vào các chuyện hành dâm, đều gọi là lửa dục. Bồ Tát thấy dục, bèn như tránh né hầm lửa. Nếu kẻ tu Thiền Định mà chẳng đoạn dâm, sẽ như nấu cát đá mà mong nó biến thành cơm, trải trăm ngàn kiếp, chỉ gọi là
nung nóng cát
). Nếu luận định theo sự thật, ắt sẽ chẳng cần thật sự làm chuyện [dâm tà] ấy, chỉ cần dấy lên một niệm, đã phạm tội đứng đầu trong muôn điều ác! Ấy là vì chân tánh thường hằng được Thượng Đế ban cho[4], nguyên mạng được nhận lãnh từ cha mẹ. Thấy sắc đẹp, dấy lên dâm tâm, ắt khách (những ảnh hưởng bên ngoài) sẽ thay thế tánh thường hằng làm chủ. Chân tánh do Thượng Đế ban tặng, ắt sẽ bị nhuốm bẩn một lần, đấy chính là đại bất trung (lòng trung xuất phát từ cái tâm chẳng thiên lệch, chẳng lừa dối. Do dối mình, dối trời, cho nên là bất trung). Những dụ hoặc bên ngoài lay động căn bản của nguyên mạng, [khiến cho] cái được lãnh nhận từ cha mẹ sẽ bị hao tổn một lần. Đấy chính là đại bất hiếu. Do vì tánh chẳng lìa mạng, mạng chẳng lìa tánh, mỗi lần dấy động dâm dục, sẽ là một lần hao tổn lý khí, tức là một lần mất đi tánh mạng, tức là một lần phạm phải tội ác đứng đầu!
Ôi! Kẻ hồng nhan như bạch khuê[5] chưa nhuốm bẩn, mà sổ đen ghi tên gã thanh niên [phạm lỗi] đã tăng thêm! Do đó, bậc quân tử trước hết dùng chuyện chánh tâm để gạn trong cái nguồn; kế đó, dùng
ít ham muốn
để dưỡng đức ấy. Há dám mặc tình buông lung dục vọng, trái trời, khinh miệt lý, để rồi đến nỗi hao phước, giảm lộc, đoản thọ, để lại họa ương ư? Kinh Hoa Nghiêm dạy:
Tà dâm chi tội, diệc linh chúng sanh đọa tam ác đạo. Nhược sanh nhân trung, đắc nhị chủng quả báo. Nhất giả, thê bất trinh lương. Nhị giả, đắc bất tùy ý quyến thuộc
(Do tội tà dâm, cũng khiến cho chúng sanh đọa vào ba đường ác. Nếu sanh trong loài người, sẽ bị hai thứ quả báo. Một là vợ chẳng trinh lương, hai là chẳng được quyến thuộc như ý). [Châu Hy chú giải] sách Luận Ngữ đã viết:
Thế thượng vô như nhân dục hiểm, kỷ nhân năng bất ngộ bình sanh
(Trên cõi đời chẳng có gì nguy hiểm bằng dục vọng của con người, có mấy ai có thể chẳng vì chuyện đó mà lầm lỡ cả một đời), đáng buồn thay!
[1] Tam Đài (còn gọi là Tam Giai, Tam Xung, Tam Kỳ), tức là gọi tắt của Tam Đài Tinh Quân, hoặc Tam Đài Hoa Cái Tinh Quân. Nói cụ thể, sẽ bao gồm Thượng Đài Hư Tinh Khai Đức Tinh Quân, Trung Đài Lục Thuần Tư Không Tinh Quân và Hạ Đài Khúc Sanh Tư Lộc Tinh Quân. Theo sách Vân Cấp Thất Thiên của Đạo Gia, Tam Đài chính là sáu ngôi sao nằm phía Nam tòa sao Bắc Đẩu, chia thành ba cặp, giống như bậc tam cấp trước tòa Bắc Đẩu, nên có tên gọi như thế. Theo tín ngưỡng Đạo giáo và Tử Vi, chòm sao này chủ trì quan lộc, tức công danh, tài sản sự nghiệp của mỗi người.
[2] Theo Động Thần Quyết của Đạo giáo, trong thân có ba loại trùng là thượng trùng Bành Cứ, trung trùng Bành Chất, và hạ trùng Bành Kiêu. Khi con người chết đi, các loài trùng ký sinh trong thân đều chết, riêng ba loài trùng này sẽ thoát ra, sẽ biến thành thi quỷ. Ba loại trùng này được tăng trưởng bởi thói xấu của con người, như Bành Cứ tương ứng với thói tham ăn tục uống, Bành Chất tương ứng với thói tham lam tài sản, Bành Kiêu tương ứng với tham dục, đắm sắc.
[3] Tổ sư Chung Ly chính là Chung Ly Quyền. Ông này vốn là một trong bát tiên, được tôn là Chánh Dương Tổ Sư, hoặc Vân Phòng Tiên Sinh. Ông từng ra mười đề thi cho Lữ Động Tân, độ Lữ Động Tân thành tiên. Do ông thường tự xưng là Thiên Hạ Đô Tản Hán Chung Ly Quyền (天下都散漢鍾離權) với ý nghĩa tự trào phúng
Chung Ly Quyền là gã nhàn tản nhất trong thiên hạ
, người đời sau vô ý, ngắt danh hiệu này thành hai, lại tưởng lầm chữ Hán (được dùng với ý nghĩa
hán tử
) là triều đại Hán, nên mới có thuyết nói ông sống vào đời Hán. Thậm chí, có kẻ nghĩ ông có họ là Hán, nên thường gọi ông là Hán Chung Ly. Ông thường được miêu tả với hình ảnh một ông già râu dài, đầu hói, bụng phệ, mặc áo phạch ngực, hở bụng, tay cầm quạt. Do Vương Trùng Dương (Vương Triết, sáng tổ Toàn Chân Giáo) học đạo từ Lữ Động Tân, nên đạo sĩ Toàn Chân Giáo đã tôn Chung Ly Quyền thành đệ nhất tổ, Lữ Động Tân là đệ nhị tổ.
[4] Nguyên văn
cái hằng tánh giáng tự Duy Hoàng
, Duy Hoàng (維皇) là danh xưng xuất phát từ sách Thượng Thư để gọi Thượng Đế, với ý nghĩa: Thượng Đế là vị vua duy nhất tối thượng của muôn vật.
Hằng tánh
(恒性) là tánh không thay đổi, tức chân tánh. Câu cách ngôn này được viết theo quan điểm Đạo Giáo, nên coi chân tánh của mỗi cá nhân đều bắt nguồn từ Thượng Đế.
[5] Bạch Khuê: Một loại ngọc đẹp trong trắng, sạch bóng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.