Phần 10 - Chương 4: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)
-
Thọ Khang Bảo Giám
- Ấn Quang Đại Sư
- 1129 chữ
- 2020-05-09 04:30:09
Số từ: 1091
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Đời Minh, Văn Chánh Công Tạ Thiên, thuở trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ ở Tỳ Lăng. Có cô gái thừa dịp cha mẹ đi vắng, đến dụ dỗ ông tằng tịu. Ông khuyên can:
Phụ nữ chưa lấy chồng mà đã thất thân với người khác, sẽ bị điếm nhục suốt đời, sẽ khiến cho cha mẹ, chồng, họ hàng đều bị mất mặt
. Ông nghiêm mặt, cự tuyệt. Cô gái ấy hổ thẹn, rút lui. Ngày hôm sau, ông lập tức từ tạ, xin nghỉ dạy. Về sau, vào năm Ất Mùi (1475) trong niên hiệu Thành Hóa[1], ông đỗ Trạng Nguyên, làm quan tới chức Thừa Tướng, con là Phi làm quan đến chức Thị Lang[2].
Phí Xu là người đất Thục (Tứ Xuyên) lên kinh đô thi Hội. Vào lúc chạng vạng, một người đàn bà tới bảo:
Tôi là con nhà buôn vải vóc. Sau khi xuất giá, chồng chết, nghèo hèn, không trở về nhà được, xin theo nương cậy ông
. Ông Phí nói:
Ta chẳng muốn phạm tội phi lễ, sẽ mời cha ngươi đến đón
. Cho người hỏi dò cha người ấy khắp nơi, cho biết tình trạng của nữ nhân ấy. Cha cô ta khóc lóc, cảm tạ, đem con gái về. Ngay trong năm ấy, ông Phí thi đậu, làm quan đến chức Thái Thú.
Ông Cận ở Trấn Giang đã năm mươi tuổi mà không con. Dạy trẻ vỡ lòng tại huyện Kim Đàn. Thấy con gái nhà hàng xóm khá xinh xắn, vợ ông liền bán thoa, xuyến, mua về làm thiếp. Ông trở về nhà, bà vợ bày rượu trong phòng, bảo ông:
Tôi đã già chẳng thể sanh nở. Nàng này khá hiền lành, chắc có thể sanh con nối dòng cho nhà họ Cận
. Ông cúi đầu, đỏ mặt tía tai. Bà vợ cho rằng mình có mặt thì chồng sẽ ngần ngại, bèn đi ra, đóng chặt cửa lại. Ông bèn leo qua cửa sổ thoát ra, bảo vợ:
Ý bà tốt lành, nhưng tôi thường bồng bế cô ta thuở bé, luôn mong cô ta sẽ được gả vào chỗ đàng hoàng. Tôi đã già rồi, lại còn lắm bệnh, chẳng thể làm nhục cô ta được
, bèn trả cô ấy về. Năm sau, bà vợ sanh ra Văn Hy Công, mười bảy tuổi đã đậu Giải Nguyên[3], năm sau đỗ nghè. Về sau, [Văn Hy Công] là một vị Tể Tướng hiền đức.
Thư sinh họ Tào ở Tùng Giang đi thi. Ở quán trọ, có người đàn bà tìm đến [dụ dỗ]. Ông Tào kinh hãi, vội chạy sang chỗ khác tá túc. Đi nửa đường, thấy có ánh đèn dẫn đường, dẫn vào một tòa cổ miếu. Nghe đánh trống thăng đường, ông Tào phủ phục trước miếu. Nghe trong điện thờ xướng danh những người được ghi tên trong bảng tân khoa. Tới người thứ sáu, lại [có nha lại] bẩm rằng:
Ông X… gần đây làm chuyện sai trái, Thượng Đế gạch tên, hãy nên bù người nào vào?
Thần nói:
Ông Tào ở Tùng Giang chẳng hành dâm với người đàn bà ở quán trọ, là bậc chánh khí, đáng thêm tên vào
. [Nha lại] bèn thêm tên ông Tào vào. Ông Tào [nghe phán bảo như vậy] vừa sợ hãi, vừa vui mừng. Quả nhiên [về sau] đỗ thứ sáu.
Đời Minh, tại Chiết Giang có viên Chỉ Huy Sứ[4], mời thầy đến dạy con. Thầy bị bệnh, con đem mền đắp cho thầy đổ mồ hôi, vô ý cuộn theo cả chiếc hài của mẹ làm rớt dưới giường của thầy. Thầy lẫn trò đều không biết. Chỉ Huy Sứ trông thấy, bèn nghi ngờ, vào hỏi vợ, vợ chẳng nhận, bèn sai đứa tớ gái giả vờ vâng lệnh vợ đến mời thầy, cầm đao chờ sẵn sau đó. Hễ thầy mở cửa sẽ giết ngay. Thầy nghe tiếng gõ cửa, hỏi chuyện gì. Đứa tớ gái thưa:
Bà chủ cho mời thầy
. Thầy nổi giận, quát mắng đứa tớ gái, không chịu mở cửa. Chỉ Huy Sứ lại ép vợ mình đích thân đến mời. Thầy vẫn kiên quyết cự tuyệt, bảo:
Tôi được ông Đông mời về, há lén lút làm chuyện xấu xa ư? Xin hãy mau quay về
, trọn chẳng mở cửa. Viên Chỉ Huy Sứ mau chóng nguôi giận. Hôm sau, thầy xin thôi dạy. Viên Chỉ Huy Sứ cảm tạ, thưa:
Tiên sinh đúng là bậc quân tử
rồi mới kể lại chuyện ấy để tạ tội. Ngay trong năm ấy, thầy thi đỗ, làm quan to.
Ông Lâm Mậu Tiên ở Tín Châu, tài học hơn người, đã được chọn đi thi Hương. Nhà hết sức nghèo, đóng cửa, đọc sách. Vợ một tay hàng xóm rất giàu, chán ghét chồng thất học, riêng hâm mộ tài danh của Mậu Tiên, ban đêm tìm đến toan chung chạ. Mậu Tiên quở trách:
Nam nữ khác biệt, lễ pháp chẳng dung. Trời, đất, quỷ thần la liệt đông kín, há có thể ô nhục ta ư?
Bà ta hổ thẹn lui về. Năm sau, Mậu Tiên thi đậu, ba đứa con trai đều đậu Tiến Sĩ.
[1] Thành Hóa là niên hiệu của Minh Hiến Tông (Châu Kiến Thâm) từ năm 1464 cho đến năm 1487. Ất Mùi là năm Thành Hóa thứ mười một.
[2] Thị Lang (侍郎) là chức quan đã có từ đời Hán, là thuộc hạ của Thượng Thư. Đời Đông Hán quy định, năm đầu nhậm chức sẽ gọi là Lang Trung, năm thứ hai gọi là Thượng Thư Lang, năm thứ ba trở đi mới gọi là Thị Lang. Từ đời Tùy trở đi, quyền hành của Thượng Thư Đài lớn dần, quyền lực và trách nhiệm của Thị Lang cũng tăng theo. Đời Thanh, đối với mỗi bộ lại còn lập ra Hữu Thị Lang và Tả Thị Lang. Như vậy, Thị Lang tương đương với chức Thứ Trưởng hiện thời.
[3] Kể từ đời Minh, người đỗ đầu trong kỳ thi Hương gọi là Giải Nguyên.
[4] Đời Minh, nhằm phân tán quyền lực quan lại đứng đầu các tỉnh (tức quan Tuần Phủ), triều đình đã lập ra ba chức quan khác biệt dưới Tuần Phủ, gồm Đô Chỉ Huy Sứ (gọi tắt là Chỉ Huy Sứ, trông nom việc quân sự), Bố Chánh Sứ (coi hành việc hành chánh và tài chánh), và Án Sát Sứ (coi việc kiện tụng, tư pháp).