Mở đầu 3: Lời tựa [khuyên] giữ vẹn luân lý cho sách Bất Khả Lục


Số từ: 964
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Trời là đại phụ, đất là đại mẫu. Hết thảy nam nữ đều là con cái của trời đất, đều là kẻ ruột thịt của ta. Đã là ruột thịt, phải trọn hết lòng hòa thuận, yêu thương, che chở, nâng đỡ, mong cho ai nấy đều được yên ổn. Như thế, sẽ chính là đứa con xứng đáng của trời đất, chẳng khiến đấng sanh ra ta hổ thẹn! Đã có thể che chở, nâng đỡ con cái của trời đất, ắt trời đất sẽ thường che chở, nâng đỡ kẻ đó, khiến cho phước sâu, thọ dài, mọi chuyện như ý. Nếu như mặc tình hoành hành, khinh hiếp con cái của trời đất, sẽ tổn phước, giảm thọ, diệt môn, tuyệt tự. Khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, sẽ vĩnh viễn đọa trong ác đạo trải trăm ngàn kiếp, không được làm thân người lần nữa! Ấy chính là tự mình chuốc họa, há có phải là trời đất không nhân từ ư?
Khoan nói đến những chuyện khác, kìa như vợ con, chị, em, ai nấy đều có. Nếu kẻ nào dòm ngó vợ con, chị em của chính mình, ta liền nổi nóng, bực tức, muốn đánh nhau, sao lại thấy vợ con, chị em của người ta có chút nhan sắc, tâm bèn khởi xằng dâm niệm, lăm le toan ô nhục họ? Cùng là con cái của trời đất, là ruột thịt của ta. Nếu đối với người ruột thịt mà khởi ý niệm bất chánh, sẽ là ô nhục con cái của trời đất, khinh khi người ruột thịt, kẻ ấy còn có thể đứng trong trời đất, còn đáng gọi là người nữa ư? Huống chi, đạo vợ chồng thuộc về Tam Cương, Ngũ Thường, nam nữ lập gia đình là giềng mối lớn lao của con người. Con người sở dĩ khác với cầm thú, là do có nhân luân. Nếu làm chuyện khinh miệt lý, loạn luân, chính là dùng thân người để làm chuyện cầm thú; thân tuy là người, nhưng thật ra, chẳng bằng cầm thú. Vì sao vậy? Vì cầm thú không biết luân lý, con người biết luân lý! Biết luân lý mà vẫn khinh miệt luân lý, phải ở dưới loài cầm thú!
Nhưng hết thảy chúng sanh do dâm dục mà sanh, cho nên tập khí ấy đặc biệt nặng nề, phải ngăn ngừa sâu xa. Tưởng như người thân, tưởng như kẻ oán, tưởng bất tịnh, ngõ hầu dứt bặt tà niệm, thuần túy toàn là chánh niệm. Oán và bất tịnh thì trong lời tựa trước đã nói, ở đây, chỉ riêng phát huy về ý
tưởng như người thân
, ngõ hầu người đọc cùng giữ trọn vẹn thiên luân, chẳng ôm giữ ác niệm. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy con người nên xem nữ nhân như sau:
Tưởng người già như mẹ, người lớn hơn như chị, người nhỏ hơn như em, coi đứa bé bỏng như con gái, sanh tâm độ thoát, dứt bặt ác niệm
. Kinh Phạm Võng dạy:
Hết thảy người nam đều là cha ta, hết thảy người nữ đều là mẹ ta. Đời đời không khi nào ta chẳng từ họ sanh ra, phải sanh tâm hiếu thuận, tâm từ bi
. Như vậy, che chở, nâng đỡ họ còn chưa xuể, lẽ đâu khởi tâm xấu hèn, toan ô nhục họ?
Đời Minh, có một người học trò mắc thói dâm, chẳng thể tự kiềm chế, bèn hỏi Vương Long Khê[1]. Long Khê nói:
Ví như có người bảo ông: ‘Ở đây có cô gái làng chơi nổi tiếng, ông có thể đến chơi bời’. Theo lời đó, ông đến gặp, hóa ra là mẹ, hoặc chị em của ông. Ngay khi ấy, lòng dâm của ông có nguội lạnh hay chăng?
Đáp:
Nguội chứ!
Long Khê nói:
Thế nhưng dâm vốn là không, ông hãy hiểu cho đúng
. Nếu con người chịu coi hết thảy nữ nhân là mẹ, là con gái, là chị, là em, không chỉ là những ác niệm dâm dục chẳng thể do đâu mà sanh khởi, mà nhờ đó còn mau chóng thoát khỏi sanh tử luân hồi! Trong bộ sách Bất Khả Lục, những lời khuyên răn cứng rắn hay nhẹ nhàng, những câu chuyện được phước do thiện, mắc họa do dâm, và những ngày tháng nơi chốn nên kiêng ngừa [ăn nằm], đều nhất nhất nêu rõ. Có thể nói cái tâm
giác ngộ cõi đời tỉnh mê
ấy đã vừa chân thành, lại vừa tha thiết.
Cư sĩ Trương Thụy Tăng ở Duy Dương, tâm lợi người tha thiết, liền cho khắc in lưu hành, sai Quang phơi bày rõ ràng những điều trọng yếu, hòng trấn áp lòng dục. Do đấy, tôi tường thuật ý chỉ đại khái về
tưởng như kẻ oán, tưởng là bất tịnh
. Tiếp đó, vì anh họ ông ta là Chánh Huân đã qua đời, muốn dùng công đức này để truy tiến linh thức, ngõ hầu tội chướng tiêu diệt, phước trí cao rạng, thoát khỏi Dục Giới ngũ trược, sanh vào chín phẩm liên bang. Do tình hiếu hữu của cư sĩ, nên tôi lại soạn lời tựa bàn định chuyện giữ vẹn luân thường, mong sao những ai thấy nghe đều suy xét tường tận thì may mắn lắm thay!
Thích Ấn Quang kính soạn
[1] Long Khê là hiệu của Vương Kỳ (1498-1583), tự là Nhữ Trung, là một nhà tư tưởng đề cao thuyết Tam Giáo Đồng Quy vào thời Minh. Ông Vương cực lực cổ vũ học thuyết
tri hành hợp nhất
của Vương Dương Minh. Những trước tác của ông được biên tập thành bộ Long Khê Tiên Sinh Toàn Tập.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.