Phần 10 - Chương 6: Phước Thiện Án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành)


Số từ: 1187
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Cha ông Thời Bang Mỹ là nha tướng tại Trịnh Châu. Tuổi đã sáu mươi mà không có con. Một lần, áp tải quân lương tới Thành Đô, vợ bảo hãy mua thiếp đem về. Ông tìm được một cô gái rất đẹp, ngó thấy cô ta dùng vải trắng buộc tóc. Hỏi han, cô ta khóc đáp:
Cha thiếp vốn là người xứ Đô Hạ, làm lính hầu cho phó quan của châu này, [bị chết], đưa quan tài đến đây thì không [đủ tiền để] trở về, [mẹ phải] đem bán thiếp để lo tang ma
. Cha ông Bang Mỹ thương xót, đem tiền giúp đỡ bà mẹ, trả lại con gái. Lại còn lo liệu thỏa đáng cho họ trở về. Khi trở về nhà, ông kể chuyện này với vợ. Bà vợ bảo:
Giúp người ta trong cơn nguy cấp, đức hạnh rất lớn; chuyện nạp thiếp tôi sẽ lo liệu cho ông
. Không lâu sau, bà vợ hoài thai. Một đêm, mộng thấy một người sắc vàng tía ngồi đoan nghiêm giữa nhà. Sáng ra bèn sanh Bang Mỹ. Bang Mỹ đỗ đầu kỳ thi Hội, làm quan tới chức Lại Bộ Thượng Thư.
Đời Minh, cha của Triệu Bỉnh Trung, [Bỉnh Trung] là Trạng Nguyên năm Mậu Tuất (1598) trong niên hiệu Vạn Lịch, làm ấp duyện[1]. Có người do thừa kế chức tước của cha mà làm Chỉ Huy Sứ bị tù oan. Ông Triệu dốc sức giúp đỡ mới được thả. Chỉ Huy Sứ cảm kích, hổ thẹn vì không thể đền ơn, bèn dâng con gái làm hầu non cho ông. Ông Triệu xua tay bảo:
Đó là con gái nhà đàng hoàng, không thể được
. Người ấy cứ nài ép, lại xua tay:
Không được
. Rốt cuộc chẳng thuận theo. Về sau, con ông (Triệu Bỉnh Trung) ngồi xe công, trên đường có người bám vào kiệu của ông nói:
Đây là vị Trạng Nguyên nhà ông Không Được Phép
, nói mấy lượt như thế. Khi thi đậu, Bỉnh Trung quay về, kể chuyện cùng cha. Ông bố thở dài nói:
Đó là chuyện hai mươi năm trước, ta chưa hề kể với ai. Thế mà thần minh lại nói với con
.
Ông Lữ Cung làm gia sư tại nhà nọ, ban đêm thường đọc sách. Có góa phụ trẻ tuổi ở gần nhà bỗng nương theo ánh trăng tìm tới [gạ gẫm]. Ông nghiêm khắc cự tuyệt. Hôm sau, cô ta lại sai thị tỳ cầm sang biếu hai con cá bằng ngọc. Ông đập nát ngọc. Đứa tớ gái hổ thẹn lui về. Về sau, ông làm tới chức Cung Bảo, chưa hề kể với ai chuyện này. Ngẫu nhiên, trong khi dạy học có nhắc tới, trọn chẳng tiết lộ danh tánh của người ấy!
Đời Tống, ông Hoàng Tĩnh Quốc làm phán quan ở Nghi Châu. Một đêm, bị dẫn vào cõi âm. Viên quan trong cõi âm hỏi:
Ở Nghi Châu có một chuyện tốt đẹp, ông có biết hay không?
Sai nha lại đem sổ cho xem. Thì ra có thầy thuốc tên là Niếp Tùng Chí, vào ngày tháng năm đó, đến chữa bệnh tại một nhà nọ ở Hoa Đình. Vợ người bệnh ấy muốn dan díu với ông, Tùng Chí tận lực cự tuyệt. Thượng Đế sắc truyền Tùng Chí được tăng thọ hai kỷ, con cháu hai đời đều đỗ đạt. Tĩnh Quốc quay về, kể với Tùng Chí. Tùng Chí đáp:
Tôi chưa hề kể chuyện này với vợ con, không ngờ đã được ghi chép trong sổ sách cõi âm
. Về sau, quả nhiên Tùng Chí sống thọ, con lẫn cháu đều đỗ đạt.
Đời Minh, Mao Lộc Môn vào độ tuổi nhược quan (hai mươi tuổi) sang Dư Diêu học, ở trọ nhà họ Tiền ngay trước cửa miếu thờ Thành Hoàng. Có đứa tớ gái xinh đẹp, hâm mộ phong thái của chàng Mao. Một đêm, mò tới thư phòng, [giả vờ] gọi kiếm mèo. Lộc Môn bảo:
Vì sao cô một mình tới đây gọi kiếm mèo?
Đứa tớ gái cười đáp:
Tôi chẳng phải là gọi tiểu miêu (mèo con), mà là thích Đại Mao
. Lộc Môn nghiêm mặt, đáp:
Cha sai ta đi xa cầu học. Nếu vô lễ xâm phạm cô, ngày sau, làm sao nhìn cha được? Lại còn có mặt mũi nào nhìn gặp chủ nhân của cô?
Đứa tớ gái hổ thẹn lui ra. Về sau, Lộc Môn thi đỗ vào khoa Mậu Tuất (1538) trong niên hiệu Gia Tĩnh, làm quan tới chức Phó Sứ, thọ chín mươi tuổi.
Viên nha lại họ Cố ở Bắc Tân Quan, Hàng Châu, vâng lệnh quan sang Giang Nam lo việc. Ban đêm, ông dừng thuyền bên bờ sông tại Tô Châu, thấy một thiếu phụ toan trầm mình, bèn ngăn lại, hỏi han. Cô ta đáp:
Chồng thiếp do thiếu quan lương[2] mà bị bắt giam, tánh mạng sẽ mất trong sớm tối, không nỡ lòng thấy chồng chết trước, cho nên tự tận
. Ông Cố mở túi tiền, biếu cô năm mươi lạng bạc. Cô ta cảm tạ, rời đi. Khi trở về, thuyền lại đi qua chỗ ấy, ông đến quán rượu ngồi, khéo sao đối diện cửa quán chính là nhà của thiếu phụ ấy. Vợ kể chuyện ấy với chồng, mời ông về nhà, bày rượu tiếp đãi. Chồng bảo vợ:
Cái ân cứu mạng do nghèo nàn chẳng báo đáp được. Nàng hãy ngủ với ông ta để đền đáp
. Do vậy, họ giữ ông Cố ngủ lại. Nửa đêm, người vợ đến chỗ ông Cố ngủ [toan ân ái]. Ông Cố dứt khoát cự tuyệt, khoác áo trốn về thuyền. Khi ấy, trong thành Hàng Châu bị hỏa hoạn, cháy rụi mấy chục nhà. Mọi người thấy trong ánh lửa có vị thần mặc giáp vàng, tay vung vẩy lá cờ đỏ vòng quanh một ngôi nhà. Lửa cháy tới đó, bèn dồn ngược lại. Khi lửa tắt nhìn xem thì ra là nhà ông Cố, mọi người đều cho là vì âm đức mà ra!
[1] Ấp Duyện (邑掾): Duyện (掾) có nghĩa là
giúp đỡ
. Do vậy, chức phó quan thường gọi là Duyện. Ấp Duyện là quan phó ấp. Chữ Ấp không có nghĩa hẹp như xóm ấp trong tiếng Việt. Thời Chiến Quốc, lãnh thổ một nước chư hầu gọi là Ấp (từ đó diễn thành ý nghĩa
đất phong của các quan to cũng được gọi là Ấp hay Thái Ấp
). Về sau, chữ Ấp chỉ kinh đô của một nước, dần dần biến chuyển thành ý nghĩa đô thành lớn, một thị trấn đông dân cư. Ấp ở đây phải hiểu theo nghĩa
huyện
, vì quan huyện thường được gọi là Ấp Úy hoặc Ấp Tể.
[2] Quan lương (官糧) ở đây là lương thực chu cấp cho một cơ quan hành chánh như huyện, phủ vào thời đấy. Chồng cô ta đảm trách chuyển vận lương thực hay coi kho mà để thất thoát nên mới bị tội.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thọ Khang Bảo Giám.