Phần 11 - Chương 6: Họa dâm án (Những chuyện mắc họa vì dâm)
-
Thọ Khang Bảo Giám
- Ấn Quang Đại Sư
- 1928 chữ
- 2020-05-09 04:30:12
Số từ: 1890
Ấn Quang đại sư tăng đính
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Giai Phương Ấn Loát Hữu Hạn Công Ty, năm 1991)
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Thư sinh X… ở Duy Dương vừa viết xong một quyển dâm thư, mộng thấy thần quở trách. Tỉnh giấc bèn tự hối, liền thôi [không viết nữa]. Về sau, do con thơ, nhà nghèo, vẫn lấy ra đem in. Chẳng lâu sau, mắt mù, tay sanh ghẻ độc, năm ngón tay đều co quắp mà chết.
Thi Nại Am viết bộ Thủy Hử, trong ấy, miêu tả những chuyện gian dâm, cướp bóc [sống động] như vẽ. Con cháu ba đời bị câm.
Năm Bính Ngọ (1666) đời Khang Hy nhà Thanh, tại một huyện thuộc Duyện Châu, có Trịnh sinh là người đẹp trai, phong nhã, giỏi văn chương. Mê thích con gái của người cậu vừa đẹp vừa hiền thục, xin cưới; người cậu chẳng chấp thuận, vì đã nhận sính lễ của nhà họ Tiêu ở ấp bên cạnh. Do chú rể bị bệnh, nên cả năm chưa xuất giá. Trịnh sinh mua chuộc tớ gái của cô ấy, lấy được đôi hài dùng khi đi ngủ[1] và túi thơm của cô ta. Trịnh sinh thường giắt theo, khoe với họ nội của chàng Tiêu, bảo cô gái ấy và mình có tư tình; ấy là vì muốn lập kế cho chàng Tiêu biết đến, ắt sẽ ly hôn. Khi đã bị ly hôn, [cô em họ] bị mang tiếng, chẳng có ai muốn lấy; sau đấy, [Trịnh sinh] sẽ có thể xin cưới được. Chàng Tiêu biết chuyện, nửa tin, nửa ngờ, sai người đến hạch hỏi mẹ cô ta. Cô gái nghe những lời báng bổ, phẫn hận không thể kiềm chế nổi, vung dao sắc tự tử. Cha cô ta kiện lên quan. Vị chủ ấp là ông X… tính tình công chánh, cương nghị, bắt Trịnh sinh lên tra hỏi, vạch trần sự thật. Trịnh sinh bị phán xử tử.
Nhận định: Đời Đường, cô con gái người dì của Nguyên Chẩn là Thôi Oanh Oanh, vốn là tuyệt thế giai nhân. Chẩn cố công xin cưới, nhưng bà Thôi vốn muốn gả [Oanh Oanh] cho cháu là Trịnh Hằng. Chẳng được toại ý, Nguyên Chẩn hết sức phẫn hận, do vậy, viết bộ Hội Chân Ký[2] để bêu xấu, đội tên Thôi Oanh Oanh viết những bài thơ xướng họa lưu truyền trong cõi đời, khiến cho ngọc trắng không tỳ vết bị lấm lem muôn đời. So với Trịnh sinh, tội ấy càng nặng hơn nữa. Về sau, Nguyên Chẩn mắc quả báo lửa sét đốt thây, há cũng chẳng thích đáng ư?
Một thư sinh ở Giang Nam, văn chương hay khéo, nhưng tính chuyên thích bàn chuyện buồng the của kẻ khác. Năm Kỷ Dậu đi thi Hội, đến khi vào tam trường, lúc được ban đuốc[3], bỗng dưng thấy trên quyển văn của mình có bốn chữ
háo đàm khuê khổn
(ham bàn chuyện buồng the). Chàng vội vàng lấy tay xóa đi. Khi kiểm lại, sửa lỗi, thấy phía sau quyển thi đã bị chà nát. Khi khảo quan dùng bút son chấm bài, thấy bảy bài văn do anh ta đã viết hết sức hay khéo, tính lấy anh ta đỗ đầu, nhưng vì không có bài nộp cho vòng thi thứ ba, chẳng thể chấm đậu. Từ đấy, chàng thư sinh suốt đời lận đận [chẳng đỗ đạt gì].
Cuối đời Minh, ở vùng Ngô Hạ (Tô Châu), có Tần sinh học giỏi, lắm tài, giỏi nhất là sáng tác thi từ, nhạc phủ[4]. Anh ta là một kẻ hết sức khinh bạc, chỉ thích châm biếm, nhạo báng cõi đời. Hễ thấy kẻ nào dung mạo, hình dáng xấu xí bèn chẳng chịu nổi, ngay lập tức làm một bài thơ [chế giễu] ngay trước mặt [người đó]. Hễ nghe kẻ khác làm chuyện gì đáng cười, lọt vào tai anh ta là đã có ngay một khúc ca [nhạo báng]. Một người bạn thân của anh ta đút lót để được vào trường huyện, anh ta bèn làm bài thơ
Du Tường Thi
(thơ nhập học trường huyện) gồm một trăm vần để chúc mừng. Nhà hàng xóm có chuyện mèo chuột, anh ta liền tặng cho mười bài thơ Chim Hoàng Anh, xiên xỏ bóng gió tột bậc hay khéo, miệng đời rao truyền thấu khắp xa gần. Do vậy, nhiều lượt bị khốn đốn bởi nắm đấm, lại còn bị thưa kiện lên quan, gần như bị tước sạch danh vị, vẫn trọn chẳng thay đổi. Đến tuổi xế chiều, bỗng bị sốt rét phát cuồng, tự ăn phân của chính mình, cầm dao tự cắt lưỡi. Người nhà giằng lấy dao, xiềng trong buồng trống. Tìm dao không được, bèn nhai lưỡi nát bét phun ra. Mùi thối lan ra tận ngoài cửa. Sau đó, từ khe cửa sổ trông ra, thấy trong sân có cái búa chẻ củi, bèn dũng mãnh phá vỡ cửa sổ thoát ra, vớ lấy búa tự chém chính mình đến chết!
Nhận định: Trong bộ Giác Thế có nói:
Với tài năng ấy, Tần sinh [hô hào khiến cho] dân chúng tuân theo phong tục tốt đẹp, há khó khăn gì? Sao lại khiến cho cái tài đó trở thành công cụ để giết mình? Khác gì Tùy Hầu dùng minh châu để ném chim sẻ, dùng gươm Thái A để đốn củi!
Gần đây, có một thư sinh, có tài lạ, tự cho rằng ắt sẽ thi đậu, nhưng ưa dùng những giáo huấn trong kinh sách [của thánh hiền] để châm chọc. Về sau, [đi thi] nhiều lần được chấm điểm cao, nhưng cứ vào vòng thi sau bèn có chỗ viết sai, luôn luôn bị trượt. Đấy chính là lẽ báo ứng vì đã vũ nhục lời lẽ thánh hiền! Những kẻ có tài trong cõi đời thường phạm lỗi này mà chẳng biết sai trái. Ôi! Đọc sách như vậy, có khác gì kép hát diễn tuồng ư? Hình tượng tư văn[5] đã bị hạng người ấy vùi xuống tận đất mất rồi!
Lý Thúc Khanh luôn liêm khiết, cẩn thận; đồng liêu là Tôn Nham ghen ghét, bịa chuyện rêu rao cùng mọi người:
Thúc Khanh chỉ được cái danh suông! Theo như tôi thấy, hắn chẳng bằng chó, lợn!
Nếu có ai hỏi vì sao nói như vậy, hắn ta đáp:
Thúc Khanh ăn nằm với em gái của chính mình, còn đáng làm người ư?
Do vậy, [lời ong tiếng ve] đồn đại ồn ào xa gần. Thúc Khanh muốn biện minh, nhưng chẳng tiện mở miệng. Nếu chẳng muốn nói rõ, phẫn hận, giận dữ khó chịu nổi. Vì thế, ôm nỗi uất ức mà chết. Em gái ông ta nghe tin, biết chuyện, hết sức kinh hoảng, phẫn hận, cũng treo cổ tự tử. Chẳng được mấy hôm, trời nổi giông tố, sét đánh Tôn Nham chết tươi, quăng thây đến tận cửa nhà Thúc Khanh. Đến khi đem chôn, sét lại đánh xuống mồ hắn!
Nhận định: Đây là kẻ có ý niệm bịa chuyện ô nhục, khinh miệt người khác, cho nên mắc phải quả báo nặng nề như vậy. Dẫu không có tâm châm biếm, cũng trọn chớ nên! Vào năm Nhâm Tý, tại trường thi Chiết Giang, có một phụ nữ bước vào khu vực đặt lều thi, vừa đi vừa hét to:
Vương Nhị ở Đông Dương
. Cả trường thi hoảng hồn, dùng đèn đuốc soi, chẳng thấy bà ta đâu cả. Do vậy, tìm kiếm trong dãy lều thi, quả thật có một người họ Vương đứng hàng thứ hai. Mọi người kể rõ nguyên do [tìm kiếm], rồi vặn hỏi nguyên nhân. Người ấy suy nghĩ rất lâu, nói:
Mấy năm trước, họ hàng tụ tập chuyện gẫu đùa cợt. Ngẫu nhiên nói tới một bà góa thủ tiết trong thôn, bèn bảo [thủ tiết] khó tin quá! Bà ta nghe chuyện, phẫn hận chết đi, chắc là chuyện ấy!
Do vậy, anh ta sợ hãi, không dám nộp quyển thi, thâu thập hành lý ra khỏi lều thi, [bỗng dưng], vấp ngã nơi bậc thềm, bị thương ở trán, đến sáng bèn chết. Có thể thấy tai hại của sự đùa bỡn, châm chọc. Đối với những chuyện liên quan đến danh tiết của người khác, trọn chẳng thể coi thường thốt ra lời được!
[1] Do khi xưa phụ nữ Trung Hoa bó chân, nếu tháo vải bó chân ra, chân sẽ bị thốn đau không đi lại được. Trước khi ngủ, phải thay vải bó mới, rửa chân, ngâm hương liệu cho khỏi hôi thối, bọc lại, dùng một loại hài mềm riêng để dùng khi cần đi lại trong nhà, khác với loại hài cứng, thêu thùa công phu dùng để đi ra ngoài. Để giữ cho thân thể thơm tho, nữ nhân cũng hay đeo những chiếc túi bằng lụa gấm, thêu thùa cầu kỳ, đựng hương liệu. Ngay cả nam giới thuộc các dòng họ quyền quý cũng hay đeo túi thơm ngang thắt lưng. Khi một cô gái có tình ý với ai thường đích thân thêu túi thơm tặng cho người ấy.
[2] Hội Chân Ký còn gọi là Thôi Oanh Oanh Truyện, mô tả mối tình giữa Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh. Theo bộ truyện đó, Thôi Oanh Oanh do theo mẹ đưa quan tài của cha về quê, đã ở nhờ dãy sương phòng phía Tây chùa Phổ Cứu, đã gian díu với Trương Quân Thụy, ăn nằm với nhau trước khi cưới hỏi v.v… Đến đời Nguyên, Vương Thực Phủ biên soạn thành tuồng hát có tên là Tây Sương Ký.
[3] Do những buổi thi kéo dài từ sáng đến tối, thí sinh phải dựng lều trong khu vực trường thi, đến tối được cấp đèn đuốc để tiếp tục viết bài cho đến khi nghe trống chấm dứt buổi thi và quyển thi được thu hồi.
[4] Nhạc Phủ (樂府) là một loại thơ, thuộc vào trong ba hình thức thơ cổ điển của Trung Hoa (tức Cổ Thi, Cận Thể Thi, và Nhạc Phủ). Nhạc Phủ vốn là loại thơ có thể phổ nhạc để ca hát. Vì thế, sau này bất cứ loại thi ca nào có thể phổ nhạc đều có thể gọi là Nhạc Phủ. Nhạc Phủ là danh xưng từ đời Tần để chỉ cơ quan quản lý âm nhạc của triều đình. Các triều đại sau gọi cơ quan ấy là Nhạc Phủ Lệnh hoặc Nhạc Phủ Thự. Điểm đặc sắc của lối Nhạc Phủ là chịu ảnh hưởng các bài thơ trong kinh Thi, chú trọng mô tả hiện thực, có âm điệu du dương, văn tự uyển chuyển, chú trọng miêu tả khắc họa và tự sự, dần dần diễn biến thành nhiều loại như ca, hành, ngâm, khúc, nhạc, lộng, tháo, dẫn v.v… Những tác phẩm nổi tiếng như Lệ Nhân Hành, Binh Xa Hành của Đỗ Phủ, Trường Hận Ca, Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị được coi là tiêu biểu cho lối tân nhạc phủ.
[5] Tư văn (斯文) là từ ngữ dùng để chỉ người có học thức, có sự hàm dưỡng, lễ độ, biết tôn trọng người khác. Hiểu theo nghĩa hẹp, từ ngữ này được dùng để chỉ giới nho sĩ.