3. Thị Trường Lấn Át Đạo Đức


Số từ: 1438
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
C
ó thứ gì không nên mua được bằng tiền? Nếu có thì làm sao xác định được hàng hóa nào có thể đem ra mua bán, hàng hóa nào không? Theo tôi, chúng ta nên tiếp cận vấn đề này bằng một câu hỏi hơi khác: Có thứ gì mà tiền không thể mua được?

3.1. Tiền mua được gì
và không mua được gì?


P
hần lớn mọi người sẽ trả lời là có. Lấy ví dụ: tình bạn. Giả sử tôi muốn có nhiều bạn hơn hiện tại thì tôi có đi mua bạn không? Chắc là không. Chỉ một giây suy nghĩ thôi ai cũng nhận thấy điều ấy. Một người bạn được thuê sẽ không giống một người bạn thực thụ. Tôi có thể thuê người làm những việc mà bạn bè thường làm – nhận thư hộ khi tôi đi vắng, chăm sóc con cái hộ khi tôi quá bận, hoặc đôi khi đóng vai bác sỹ tâm lý, lắng nghe chuyện buồn của tôi và đưa ra những lời khuyên cảm thông. Nhưng gần đây, tôi có thể làm cho mình được biết đến nhiều hơn trên mạng thông qua việc thuê một số
bạn bè
có bề ngoài ưa nhìn cho trang Facebook – với giá 99 xu một
bạn
mỗi tháng. (Trang web cung cấp bạn giả đã bị đóng cửa khi bị phát hiện sử dụng ảnh trái phép, phần lớn là ảnh của các người mẫu) [136]. Mặc dù tôi có thể mua mọi dịch vụ kể trên, nhưng thực tế là tôi không thể mua được một người bạn. Vì lý do nào đó, dùng tiền để mua bạn đã làm hỏng tình bạn, hoặc làm cho nó biến thành một thứ khác, không phải tình bạn nữa.
Hoặc lấy ví dụ giải Nobel. Giả sử bạn vô cùng muốn được giải Nobel nhưng không thành công. Và bạn có cơ hội mua nó. Nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mua giải là không ổn. Giải Nobel là loại hàng hóa mà tiền không thể mua được. Giải Cầu thủ xuất sắc nhất của giải Vô địch bóng chày quốc gia Mỹ cũng vậy. Bạn có thể mua chiếc cúp lưu niệm nếu có ai đó từng đoạt giải muốn bán lại cho bạn và trưng bày trong phòng khách. Nhưng bạn không thể mua bản thân giải thưởng. Lý do không phải vì Ủy ban trao giải Nobel hay giải bóng chày quốc gia Mỹ không bán giải mà vì kể cả khi họ có bán, giả sử mỗi năm có một giải Nobel được bán ra, thì cái bạn mua được cũng không phải giải thưởng thật. Việc trao đổi, mua bán trên thị trường sẽ làm mất ý nghĩa giá trị cho hàng hóa. Vì giải Nobel là một thứ đáng tôn trọng. Khi mua nó, bạn sẽ làm xói mòn giá trị mà bạn đang tìm kiếm. Một khi lộ tin có người mua giải thưởng thì giải thưởng không còn thể hiện sự thừa nhận, tôn vinh đối với người được trao giải Nobel nữa.
Giải Cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất cũng vậy. Nó cũng là hàng hóa đáng tôn trọng và giá trị của nó sẽ mất đi nếu người đoạt giải đi mua nó thay vì được trao sau một mùa thi đấu ghi nhiều điểm hoặc đạt các thành tích khác. Tất nhiên, giữa cúp lưu niệm biểu tượng của giải thưởng và bản thân giải thưởng có sự khác biệt. Thực tế là một vài người từng đoạt giải của Viện Hàn lâm điện ảnh Hollywood hoặc người thừa kế của họ đã bán bức tượng Oscar. Một vài bức tượng Oscar đã bị đem ra đấu giá ở nhà đấu giá Sotheby và vài nơi khác. Năm 1999, Michael Jackson đã trả 1,54 triệu dollar để sở hữu bức tượng Oscar giải Phim hay nhất cho phim Cuốn theo chiều gió
. Viện Hàn lâm điện ảnh phản đối những vụ mua bán này. Hiện tại, họ yêu cầu người nhận giải phải ký cam kết không bán tượng Oscar. Họ muốn tránh việc biến bức tượng mang tính biểu tượng thành món đồ sưu tập có thể mua bán được. Nhưng dù người sưu tầm có mua được tượng Oscar hay không thì rõ ràng việc mua bức tượng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất vẫn khác việc được trao giải thưởng đó [137].
Đây là những ví dụ rõ ràng cho thấy manh mối dẫn đến câu hỏi khó hơn mà chúng ta đang phải trả lời: Có thứ gì mà tiền có thể mua được, nhưng không nên dùng tiền để mua? Sau đây ta hãy xem một hàng hóa có thể mua được, nhưng việc mua bán gây tranh cãi mạnh mẽ về đạo đức: thận người. Một số người ủng hộ thị trường nội tạng phục vụ cấy ghép, một số người khác thấy không chấp nhận được về mặt đạo đức. Cái sai khi mua một quả thận không giống như khi mua giải Nobel là việc dùng tiền mua sẽ làm xói mòn giá trị hàng hóa. Quả thận vẫn hoạt động tốt (giả sử nó phù hợp với cơ thể người nhận) cho dù được mua bằng tiền. Vì vậy, để xác định có nên mua bán thận hay không, chúng ta phải đặt một câu hỏi đạo đức. Chúng ta phải nghiên cứu các lập luận ủng hộ và phản đối mua bán bộ phận cơ thể người và xem cái nào thuyết phục hơn.
Hoặc lấy ví dụ mua bán trẻ em. Vài năm trước, thẩm phán Richard Posner, người đứng đầu phong trào
luật pháp và kinh tế học
đã đề xuất sử dụng thị trường để phân bổ con nuôi. Ông biết rằng những em bé được nhiều người muốn nhận nuôi có giá cao hơn những em bé ít người muốn nhận. Nhưng ông cho rằng so với hệ thống hiện tại – là các cơ sở môi giới con nuôi sẽ thu một khoản phí nhất định chứ không đấu giá hay đặt giá cho các em bé – thị trường tự do sẽ làm tốt hơn việc phân bổ các em bé cho các gia đình muốn nhận con nuôi [138].
Khá nhiều người không đồng tình với đề xuất của Posner và cho rằng không nên mua bán trẻ em cho dù thị trường trẻ em có hiệu quả đến đâu. Về vấn đề gây tranh cãi này, chúng ta cần lưu ý một đặc điểm riêng biệt của nó: cũng như thị trường thận, thị trường trẻ em không làm mất đi giá trị của hàng hóa mà người mua tìm kiếm. Một em bé bạn mua được khác với một người bạn hay một giải Nobel. Nếu tồn tại thị trường con nuôi thì những người trả theo giá thị trường sẽ sở hữu cái họ muốn – một đứa con. Còn thị trường con nuôi có phù hợp về mặt đạo đức không lại là câu hỏi khác.
Vì vậy, dường như khi nhìn qua, có sự khác biệt rõ ràng giữa hai loại hàng hóa: những thứ tiền không thể mua được (như bạn bè, giải Nobel) và những thứ tiền có thể mua được nhưng mọi người cho rằng không nên dùng tiền để mua (như thận, trẻ em). Nhưng theo tôi, sự khác biệt thực ra không rõ ràng như chúng ta thấy ban đầu. Nếu xem xét kỹ càng hơn, chúng ta có thể lờ mờ thấy có mối liên hệ giữa các tình huống rõ ràng – trong đó việc dùng tiền để mua đã làm ảnh hưởng đến hàng hóa – và các tình huống gây tranh cãi, trong đó hàng hóa vẫn có thể được mua bán, nhưng bị cho là sẽ xói mòn, hư hại hay mất đi.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[136] Daniel E. Slotnik,
Ít bạn quá? Có một trang web sẽ cho phép ta mua thêm bạn (lại còn quyến rũ nữa chứ), New York Times, 26/2/2007.
[137] Heathcliff Rothman,
Tôi thực sự muốn cảm ơn bạn bè tôi ở nhà đấu giá
, New York Times, 12/2/2006.
[138] Richard A. Posner,
Quy chế quản lý thị trường con nuôi
, Boston University Law Review 67 (1987): trang 59– 72; Elizabeth M. Landes và Richard A. Posner,
Kinh tế học về tình trạng thiếu hụt trẻ em
, Journal of Legal Studies 7 (1978): trang 323– 48.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.