3.10. Hiệu ứng thương mại hóa
-
Tiền không mua được gì?
- Michael Sandel
- 1209 chữ
- 2020-05-09 09:43:34
Số từ: 1199
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
R
ất nhiều nhà kinh tế học giờ đây đã nhận thấy thị trường có thay đổi đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ mà nó chi phối. Gần đây, một trong những người đầu tiên quan tâm đến hiệu ứng xói mòn mà thị trường gây ra đối với các chuẩn mực phi thị trường là Fred Hirsch – nhà kinh tế học người Anh, cố vấn cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong cuốn sách xuất bản năm 1976 – cũng là năm cuốn sách rất có ảnh hưởng Cách tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người
của Gary Becker được xuất bản, và ba năm trước khi Margaret Thatcher được bầu làm Thủ tướng Anh – Hirsch đã lật lại giả định cho rằng giá trị của hàng hóa không thay đổi, bất kể nó được cung cấp bởi thị trường hay hình thức nào khác.
Hirsch cho rằng kinh tế học chính thống đã không nhận thấy cái mà ông gọi là
hiệu ứng thương mại hóa
. Cụm từ này nghĩa là
ảnh hưởng lên đặc tính của một sản phẩm hay việc cung ứng nó hoàn toàn hoặc đa phần là do yếu tố thương mại gây ra, chứ không phải các nguyên nhân khác như mua bán phi chính thức, nghĩa vụ hai bên, sự vị tha, tình yêu, mong muốn được phục vụ người khác
.
Giả định thông thường – vốn luôn được ngầm định – là quá trình thương mại hóa một sản phẩm không làm ảnh hưởng đến nó
. Hirsch quan sát thấy giả định sai lầm này ngày càng phổ biến khi
kinh tế ngày càng thống trị
, với những nỗ lực của Becker và nhiều người khác nhằm đưa logic kinh tế vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và chính trị [170].
Hai năm sau, Hirsch qua đời ở tuổi 47, nên ông không có cơ hội phát triển luận điểm phê phán kinh tế học chính thống của mình. Trong các thập niên sau đó, cuốn sách của ông trở thành một
tiểu kinh điển
đối với những người phản đối quá trình thương mại hóa đời sống cũng như lập luận kinh tế ủng hộ nó. Ba ví dụ chúng ta đưa ra ở trên đã minh chứng cho tư tưởng của Hirsch – rằng việc áp dụng công cụ khuyến khích bằng tiền và cơ chế thị trường có thể thay đổi thái độ của con người và lấn át các giá trị phi thị trường. Gần đây, các nhà kinh tế học thực nghiệm khác cũng tìm thêm được bằng chứng của sự tồn tại của hiệu ứng thương mại hóa.
Ví dụ, Dan Ariely, thuộc đội ngũ những nhà kinh tế học hành vi ngày càng đông hiện nay, đã tiến hành một loại thí nghiệm để chứng minh rằng trả tiền cho mọi người để họ làm việc gì đó lại khiến họ không nỗ lực bằng khi đề nghị họ làm và không trả tiền, nhất là với những việc tốt. Ông kể lại một chuyện thực minh họa kết luận của mình. Hiệp hội Hưu trí Mỹ hỏi một nhóm luật sư liệu họ có sẵn lòng cung cấp dịch vụ cho người về hưu khi cần với mức giá
khuyến mại
là 30 dollar một giờ không. Các luật sư từ chối. Sau đó Hiệp hội lại đề nghị các luật sư giúp người về hưu miễn phí. Lần này các luật sư đồng ý. Khi rõ ràng họ được mời tham gia một hoạt động thiện nguyện chứ không phải một giao dịch trên thị trường thì họ cũng thể hiện thái độ thiện nguyện [171].
Ngày càng nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý xã hội đã đưa ra cách giải thích cho hiệu ứng thương mại hóa. Những nghiên cứu này nhấn mạnh sự khác biệt giữa động cơ bên trong (như niềm tin đạo đức hoặc lòng yêu thích công việc) và động cơ bên ngoài (tiền hoặc các phần thưởng hữu hình khác). Khi con người tham gia vào một công việc mà họ cho là đáng làm thì việc trả tiền có thể làm giảm động lực làm việc của họ vì trả tiền sẽ làm xói mòn hoặc
lấn át
lòng yêu thích hoặc niềm tin mà họ dành cho công việc đó [172].
Theo lý thuyết kinh tế chính thống, mọi động cơ – bất kể đặc điểm hay nguồn gốc của chúng là gì – đều được phân tích trên nguyên lý sự ưa thích và được giả định chúng bổ sung lẫn nhau. Nhưng cách phân tích này đã bỏ qua tác động xói mòn của đồng tiền. Hiện tượng lấn át có ý nghĩa rất lớn lên lý thuyết kinh tế học. Nó đặt ra câu hỏi liệu có nên sử dụng cơ chế thị trường và lập luận thị trường trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có công cụ khuyến khích bằng tiền để tạo động lực trong giáo dục, y tế, nơi làm việc, hiệp hội tình nguyện, trách nhiệm công dân và các tình huống mà động cơ bên trong lẫn niềm tin đạo đức đóng vai trò quan trọng hay không. Bruno Frey (tác giả nghiên cứu về chọn địa điểm đặt bãi thải hạt nhân ở Thụy Sỹ) và nhà kinh tế học Reto Jegen đã tóm tắt như sau:
Người ta có thể cho rằng ‘hiệu ứng lấn át’ là một trong những điểm bất thường quan trọng nhất trong kinh tế học, vì nó đem lại kết quả trái ngược với những ‘định luật’ kinh tế cơ bản nhất nói rằng công cụ khuyến khích bằng tiền làm tăng cung. Nếu hiệu ứng lấn át xảy ra, việc sử dụng công cụ khuyến khích bằng tiền sẽ làm giảm chứ không phải tăng cung hàng hóa
[173].
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[170] Fred Hirsch, Rào cản xã hội của tăng trưởng
(The Social Limits to Growth) (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1976), trang 87, 93, 92.
[171] Dan Ariely, Sự phi lý không ngoài dự đoán
(Predictably Irrational), tái bản có sửa chữa (New York: Harper, 2010), trang 75– 102; James Heyman và Dan Ariely,
Nỗ lực khi được trả tiền
, Psychological Science 1
5, số 11 (2004): trang 787– 93.
[172] Bạn đọc có thể xem tổng quan và phân tích 128 nghiên cứu về ảnh hưởng của động cơ bên ngoài lên động cơ bên trong trong nghiên cứu của Edward L. Deci, Richard Koestner và Richard M. Ryan,
Tổng quan lại về các thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của động cơ bên ngoài lên động cơ bên trong
, Psychological Bullentin 125
, số 6 (1999): trang 627-68.
[173] Bruno S. Frey và Reto Jegen,
Lý thuyết về lấn át động lực
, Journal of Economic Surveys 15
, số 5 (2001): trang 590. Xem thêm Maarten C. W. Janssen và Ewa Mendys- Kamphorst,
Cái giá của giá cả: sự lấn át, chèn ép các chuẩn mực xã hội
, Journal of Economic Behavior & Organization
55 (2004): trang 377– 95.