Chương 1: Mở đầu
-
Tiếng Nói Tử Thi 1
- Cửu Tích Thủy
- 7911 chữ
- 2021-12-31 04:56:45
Đi thôi, đến khu phố XXX ngay lập tức, chắc chắn ở đó có một sòng bạc ngầm.
Trung đội trưởng nói,
Đánh bạc giết người, chúng ta phải chiến đấu quyết liệt bài trừ chúng. Hãy cẩn thận, đừng để thân phận bị bại lộ.
Sau khi viên cảnh sát trẻ nhận lệnh rời khỏi, trung đội trưởng quay sang chào đón tôi rất nhiệt tình.
Vài phút sau, một tên lưu manh đeo kính râm và dây chuyền nặng chịch, ăn vận thiếu nghiêm túc bước vào văn phòng.
Hắn không nói một lời mà chỉ ngồi đó rung đùi với vẻ đầy khiêu khích.
Đội trưởng nhìn hắn một lượt rồi gật đầu, tên lưu manh lập tức rời đi.
Đó là...?
Tôi chỉ ra cửa.
Cậu không nhận ra à?
Đội trưởng cười lớn.
Đó chính là cậu cảnh sát trẻ vừa nãy đấy!
Lần đầu tiên tôi được mở mang tầm mắt về sự tài tình của trinh sát cải trang, và viên cảnh sát thực hiện nhiệm vụ trinh sát ấy không ai khác chính là Cửu Tích Thuỷ.
Vừa
cân
được nghề cảnh sát mà vừa diễn lưu manh đầu đường xó chợ đạt đến thế, đây chính là
Người toàn năng
trong truyền thuyết sao?
Trong thời gian hai năm sau khi kết thúc kì tập huấn, do công việc bận rộn nên tôi vẫn chưa có cơ hội về thăm đội cảnh sát hình sự.
Hai năm sau, tôi trở lại đội cảnh sát hình sự để điều tra về một vụ án giết người. Vào thời điểm đó, Cửu Tích Thuỷ không còn làm nhiệm vụ trinh sát nữa, anh ta đã được điều chuyển và trở thành một cảnh sát kỹ thuật hình sự.
Một trinh sát viên mà có khả năng chuyển sang làm kỹ thuật viên hình sự thế này thì chắc chắn tài năng của anh ta không phải dạng vừa.
Không chỉ vậy, ngày này một năm trước, tôi vui mừng khôn xiết khi hay tin Cửu Tích Thuỷ còn viết cả tiểu thuyết nữa! Vậy là tôi xung phong nhận trọng trách viết lời giới thiệu!
Theo tôi biết, cuốn tiểu thuyết đồ sộ này là toàn bộ tâm huyết suốt nhiều năm trời của Cửu Tích Thuỷ. Công việc kỹ thuật hình sự ở cấp cơ sở vô cùng bận rộn, Cửu Tích Thuỷ đã dành trọn thời gian nghỉ ngơi, vượt qua bao khó khăn cũng như trải qua nhiều lần sửa đổi mới có thể hoàn thành bộ
Thi án điều tra hệ liệt
này.
Với kinh nghiệm viết tiểu thuyết dày dặn của Cửu Tích Thủy, chắc tôi cũng không cần nói nhiều về bút lực của anh ta nữa. Điều tôi muốn giới thiệu với độc giả là tính chân thực, sự chân thành và tính chính nghĩa của bộ truyện này.
Một sĩ quan cảnh sát kỹ thuật hình sự cấp cơ sở mỗi ngày phải điều tra mười mấy đến mấy chục hiện trường vụ án hình sự, mỗi năm cũng phải điều tra tới mười mấy hiện trường vụ án giết người. Từng câu chuyện trong bộ truyện này được tích lũy và chắt lọc từ những ngày tháng bôn ba, chiến đấu ấy. Vì các câu chuyện đều xuất phát từ thực tế, nên nếu xét về tính chân thực thì chắc chắn khó có cuốn tiểu thuyết trinh thám nào bì kịp nó. Dù sao chúng tôi cũng là cảnh sát cùng một tỉnh, khi đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi bắt gặp nhiều tình tiết và chi tiết rất đỗi quen thuộc, thậm chí tôi có thể kể tường tận về nó.
Chân thực chính là nền tảng tạo nên thành công của tiểu thuyết trinh thám. Tôi tin rằng, các độc giả của tôi đều đồng ý với quan điểm này. Vậy thì, còn lí do gì mà bạn không thử đọc những câu chuyện được viết trên những vụ án có thật này?
Mặc dù viết về công việc của bản thân như thế này rất dễ khiến người khác nghĩ rằng, những cảnh sát viết tiểu thuyết như chúng tôi đang cố tình cường điệu mọi thứ để gây sự chú ý và tranh thủ thiện cảm của công chúng. Thế nhưng, mượn câu chuyện để giảng về đạo lí, dùng chân tình để nói về nhân tính, dựa vào chi tiết để xây dựng, khắc hoạ hình ảnh, đó chính là những đặc điểm riêng biệt mà cuốn tiểu thuyết này theo đuổi. Vừa được đọc những câu chuyện điều tra phá án đặc sắc, vừa hình thành thái độ đúng đắn với cuộc sống, đồng thời lĩnh hội được đạo lí một lòng hướng thiện, vậy tại sao chúng ta lại bỏ qua nó?
Nếu như chân thực chính là nền tảng tạo nên thành công của tiểu thuyết trinh thám thì chân thành là
chất dinh dưỡng
của tiểu thuyết trinh thám. Lại thêm một lý do khiến bạn không thể bỏ lỡ bộ tiểu thuyết này.
Nhiều độc giả sẽ hỏi tôi, ông viết thành sách thế này không sợ rằng sẽ vô tình dạy cho kẻ ác cách thoát khỏi hình phạt của pháp luật sao? Tôi thẳng thắn trả lời không thể có chuyện đó. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt, kẻ ác càng muốn che giấu tội ác một cách hoàn hảo lại càng để lại nhiều manh mối, càng dễ lộ ra đuôi cáo. Ngược lại, cuốn tiểu thuyết bừng bừng chính nghĩa có thể răn đe tội ác, cảnh tỉnh người dân. Xã hội công minh chính trực là bảo đảm cao nhất cho sự phát triển xã hội văn minh và hòa bình hạnh phúc của người dân.
Chính nghĩa là linh hồn của tiểu thuyết trinh thám. Mang trong mình đầy đủ nền tảng,
chất dinh dưỡng
và linh hồn vậy thì tại sao bạn phải bỏ qua cuốn tiểu thuyết trinh thám này?
Cuốn tiểu thuyết này còn lý do nào để không bán chạy sao?
Tần Minh
Tháng 1 năm 2015
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 2005, tôi chính thức bước vào cánh cổng trường cảnh sát với trái tim ấp ủ bao hoài bão. Những năm tháng trải qua chế độ quản lý quân sự khép kín giúp tôi phát triển thói quen đọc sách. Đọc nhiều sách rồi tôi lại nghĩ đến việc tập viết lách. Vào tháng 7 năm 2008, tôi tốt nghiệp trường cảnh sát và ở nhà đợi phân công công tác. Tôi đã tranh thủ thời gian tám tháng rảnh rỗi này để bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời mình. Không có kĩ năng, không có ý tưởng, tôi chỉ gõ ra hết những gì nghĩ trong đầu tựa như ghi chép chi tiêu mỗi ngày. Mặc dù tác phẩm đầu tay thất bại nhưng tôi đã may mắn có cơ hội quen biết với một số cây viết trên mạng, đồng thời học hỏi được rất nhiều điều từ họ.
Năm 2009 đã diễn ra hai sự kiện khiến tôi mãi khắc ghi trong lòng. Việc đầu tiên là tôi chính thức mặc đồng phục cảnh sát và được đứng trong hàng ngũ cảnh sát hình sự; việc thứ hai là tôi nhận được hợp đồng với một trang xuất bản điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay về sau tôi có thể dùng danh xưng
nhà văn
để giới thiệu về mình. Kể từ đó, tất cả thời gian nghỉ ngơi của tôi về cơ bản đều dành cho việc viết tiểu thuyết. Từ năm 2009 đến cuối năm 2013, hàng triệu chữ đã được viết ra từ ngòi bút miệt mài của tôi, sau vài năm mài dũa tôi dần trở thành một cảnh sát viết tiểu thuyết.
Năm 2011, tôi chuyển từ đội Cảnh sát Hình sự sang phòng Kỹ thuật Hình sự của Cục Công an, đó là bộ phận pháp y thường được nhắc đến trên truyền hình Hồng Kông và Đài Loan. Sau một năm đào tạo có hệ thống và chuyên nghiệp, tôi trở thành một nhân viên giám định dấu vết. Khi làm việc trong bộ phận kỹ thuật, tôi có điều kiện được tiếp xúc với rất nhiều điều mà cảnh sát bình thường không thể tiếp cận. Mỗi lĩnh vực như pháp y, xét nghiệm vật lý và hóa sinh, xét nghiệm dấu vết hay chụp ảnh hình sự, đều có nét quyến rũ riêng.
Nhiều người khi theo dõi bộ phim
Bằng chứng thép
nổi tiếng đã có ấn tượng sâu sắc với bộ phận pháp y của Hồng Kông, nhưng những chuyện thâm cung bí sử của bộ phận pháp y ở Trung Quốc lại chưa bao giờ được tiết lộ. Vì vậy, một ý tưởng táo bạo xuất hiện trong đầu tôi, tôi muốn sử dụng ngòi bút của mình để kể lại những câu chuyện đặc sắc về họ. Sau nửa năm làm việc chăm chỉ, tôi đã hoàn thành bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trinh thám
Hồ sơ thám tử
viết về phòng kỹ thuật. Sau khi đăng cuốn tiểu thuyết này lên một diễn đàn, chỉ trong vòng hai tháng ngắn ngủi, tôi đã nhận được mười ba triệu lượt truy cập và một lượng lớn độc giả, đây là điều vượt xa mong đợi của tôi. Trong thời gian này, tôi cũng may mắn có dịp gặp gỡ biên tập viên của Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa Bác Tập Thiên Quyển Trung Nam. Ông thay mặt công ty ngỏ ý muốn xuất bản tác phẩm của tôi. Tuy nhiên, bản thảo đầu tiên còn nhiều sai sót, bản thân tôi là người theo đuổi sự hoàn mĩ, sau khi tổng hợp lại ý kiến của rất nhiều độc giả, tôi tiếp tục chấp bút viết cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai
Tiếng nói tử thi
, đồng thời lấy đó làm tập đầu tiên của loạt tiểu thuyết nhiều tập. Cốt truyện tập đầu tiên của loạt tiểu thuyết dựa theo câu chuyện của năm nhân vật chính với mỗi câu chuyện là một vụ án, liên quan đến lĩnh vực pháp y, xét nghiệm dấu vết, xét nghiệm vật lý hóa học, chụp ảnh hình sự và các khía cạnh khác của điều tra tội phạm.
Những vụ án chân thực và những trải nghiệm làm việc chân thực sẽ mang lại cho độc giả cái nhìn cũng như cảm nhận chân thực nhất.
Từng vụ án giết người khủng khiếp được miêu tả chi tiết hơn cả phim truyền hình, đẫm máu hơn cả phim điện ảnh. Nếu bạn không đủ can đảm, xin hãy dừng lại ở đây.
(Xin lưu ý các tình tiết, tên người, tên địa điểm, v...v...được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết đã được thay đổi, các phương pháp phân tích và phá án được hình thành trong tình huống đặc thù, nếu có sự tương đồng, đó hoàn toàn là ngẫu nhiên, các bạn độc giả vui lòng không so sánh áp dụng hay liên tưởng tới cá nhân cụ thể nào, nếu không sẽ tự chịu trách nhiệm và không liên quan gì đến tác giả.)
Cửu Tích Thuỷ
Tháng 5 năm 2015
TRUYỆN DẪN - XÁC CHẾT TRÊN SÔNG TỨ THUỶ
Câu chuyện của chúng ta bắt nguồn từ vụ án xác chết trôi nổi tiếng ở thành phố Vân Tịch năm 1996.
Đó là một buổi sáng sớm của tháng mười một. Cơn gió mùa thu lạnh buốt thổi qua các tán cây nhỏ như đang run lên từng đợt, những chiếc lá vàng xoay vòng theo cơn gió rồi tan biến giữa không trung. Cửa sau của tòa nhà Văn phòng Công an thành phố Vân Tịch nằm lặng lẽ trên một con đường nhỏ tráng xi măng quanh co. Ở cuối con đường là một tòa nhà hai tầng màu xanh và trắng với bức tường loang lổ hằn rõ dấu vết thời gian. Trong nắng sớm, dòng chữ lớn vàng đồng
Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Vân Tịch
trở nên rực rỡ đến lạ.
Không giống như khung cảnh lạnh lẽo tiêu điều bên ngoài, bên trong toà nhà lại luôn tràn ngập tinh thần hăng say, nhiệt tình. Lúc này, người đứng đầu của bộ phận kỹ thuật điều tra tội phạm tỉnh Loan Nam, Tư Hồng Chương, dẫn theo ba thực tập sinh vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu một loạt dấu chân máu bất thường trong một vụ án.
Đột nhiên, một cảnh sát trên vai đeo quân hàm 1 gạch 2 sao đẩy cánh cửa gỗ phòng thí nghiệm hoảng hốt chạy vào.
Rầm!
Cánh cửa gỗ đập mạnh vào tường, khiến một mảng tường vôi nhỏ rơi xuống.
Tư Hồng Chương bật dậy hỏi:
Tiểu Hoàng, có chuyện gì vậy?
Trưởng phòng, không hay rồi, vừa phát hiện hai thi thể trôi trên sông Tứ Thuỷ. Anh mau đến xem đi.
Lúc này đang trong giai đoạn siết chặt an ninh, có thể nói những vụ cướp giật thông thường còn bị liệt vào vụ án lớn trọng điểm, huống chi liên quan đến tính mạng con người, hơn nữa còn tới hai mạng, chẳng trách cảnh sát Hoàng lại căng thẳng đến vậy.
Tư Hồng Chương nhăn trán và nói:
Đừng lo lắng, có lẽ chỉ là một vụ đuối nước thôi. Để tôi qua đó xem sao.
Hiện trường vụ án là tại một bến tàu dân sinh bỏ hoang bên bờ sông Tứ Thủy. Toàn bộ khu vực này đã được cảnh sát địa phương phong toả. Cảnh sát đã dùng một tấm lưới bao quanh để ngăn thi thể không bị cuốn theo dòng nước trôi đi mất.
Tư Hồng Chương vừa xuống xe, một cảnh sát khoảng năm mươi tuổi liền chạy lại.
Trưởng phòng Tư, cuối cùng anh cũng đến rồi.
Cảnh sát trưởng, tình hình thế nào?
Chúng tôi nhận được tin báo lúc 7 giờ sáng, người báo án là dân làng sống gần đó. Một người dân trong lúc đi nhặt trai dọc bờ sông đã phát hiện ra hai thi thể đang trôi nổi trên sông. Anh ta vô cùng hoảng loạn, đạp xe ngay đến đồn cảnh sát chúng tôi báo án. Chúng tôi đi theo chỉ dẫn của anh ta một lúc thì phát hiện hai thi thể này.
Cảnh sát trưởng họ Triệu trình bày.
Gần đây thành phố chúng ta có tiếp nhận vụ án mất tích nào không?
Tư Hồng Chương cau mày hỏi.
Tôi đã yêu cầu trung tâm chỉ huy 110 kiểm tra, không có vụ án nào như vậy cả.
Rất có khả năng thi thể trôi dạt từ thượng nguồn đến đây. Chúng ta hãy kiểm tra ba thành phố ở thượng nguồn sông Tứ Thuỷ. Anh thử liên hệ với trụ sở Công an ở ba nơi này xem họ có nhận được báo cáo về những người mất tích hay không.
Tư Hồng Chương xoa cằm nói.
Được rồi, trưởng phòng, tôi sẽ đi liên hệ ngay lập tức.
Cảnh sát trưởng vừa ghi chép vừa gật đầu đồng ý.
Anh hãy bảo cấp dưới di tản đám đông xung quanh hiện trường đi. Giờ chúng ta đi kiểm tra hai cái xác xem sao.
Vừa dứt lời, Tư Hồng Chương xách vali khám nghiệm hiện trường lên rồi dẫn nhóm sinh viên thực tập đi về phía bến tàu.
Nhiều năm trước, bến tàu nơi phát hiện xác chết vốn là lối đi dẫn từ bờ sông lên trên tàu. Gọi là bến tàu nhưng thực chất chỉ gồm 1 tấm gỗ bên trên và 4 khúc gỗ tạo thành cột chống bên dưới. Lúc này, hai thi thể một ngửa lên, một úp xuống, lập lờ nổi trên mặt nước, thi thể đã xuất hiện hiện tượng trương phình, hầu như không thể nhận diện được khuôn mặt. Trên quần áo nạn nhân bám rất nhiều rong rêu, vì thế mà đến trang phục cũng không nhận dạng được.
Nạn nhân một nam một nữ, đã chết một thời gian dài.
Người đầu tiên lên tiếng không phải là Tư Hồng Chương, mà là học trò của ông - Lãnh Khải Minh. Lãnh Khải Minh, 26 tuổi, chuyên ngành pháp y, cao một mét bảy lăm, vẻ ngoài nghiêm nghị, toàn thân toát lên vẻ lãnh đạm hơn nhiều so với tuổi. Đây cũng là học trò ưu tú nhất của Tư Hồng Chương.
Sau khi nghe nhận định của Lãnh Khải Minh, Tư Hồng Chương ngạc nhiên hỏi:
Làm thế nào em biết được, cơ thể họ đã bị trương phình, hơn nữa phần đầu của một thi thể vẫn đang chìm trong nước, em dựa vào cái gì mà vừa nhìn đã đoán ra?
Thầy giáo, lẽ nào thầy không nhận ra ư?
Lãnh Khải Minh nhíu mày hỏi lại.
Nhóc con quan sát khá chi tiết đấy, được thôi, tôi thừa nhận tôi biết nguyên nhân, nhưng tôi hy vọng được nghe lời lí giải từ em.
Tư Hồng Chương đã có kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự nên những điều này không thể qua mắt được ông, nhưng một sinh viên đại học non trẻ có thể nhìn ra nguyên nhân trong nháy mắt, điều này thực sự làm ông ngạc nhiên.
Lãnh Khải Minh hắng giọng, quay đầu liếc nhìn hai thi thể nhấp nhô trên mặt nước và nói:
Sau khi chết, họ bị ném xuống nước. Lúc này khối lượng riêng của thi thể sẽ lớn hơn nước nên thi thể sẽ chìm xuống nước. Khi phân huỷ sẽ tạo ra khí gas khiến thi thể căng phồng lên như quả bóng và dần nổi lên trên mặt nước. Vào thời điểm này, thi thể đã biến dạng nghiêm trọng do khí gas sinh ra trong thi thể, kể cả nạn nhân có thân hình thấp bé thì cũng biến thành béo phì, thông thường thi thể sẽ xuất hiện các hiện tượng như đầu tai sưng phồng, mặt biến dạng vô cùng gớm ghiếc.
Bởi vì khí gas được tạo ra ở phần đầu và ngực rồi mới lan đến chân và đùi, do đó phần trên cơ thể sẽ nổi lên mặt nước trước rồi mới tới phần dưới. Chỉ khi khí gas đã tràn ngập khắp cơ thể, bàn chân mới bắt đầu nổi lên mặt nước, sau cùng toàn bộ cơ thể mới nổi lên. Do đó, khi đã nổi hoàn toàn trên mặt nước thì chắc chắn thi thể đã bị phân huỷ nặng. Từ điểm này em có thể nhận định, họ đã tử vong một thời gian dài.
Xương chậu của nam giới nhỏ, cơ hông kém phát triển, nhưng ngực rộng hơn và cơ ngực phát triển hơn, điều này làm cho trọng tâm của cơ thể bị lệch về phía trước, cũng có thể nói là thân trên nặng và thân dưới nhẹ. Khi ở trong nước, chỗ nặng có xu hướng chìm còn chỗ nhẹ sẽ nổi, vì vậy cơ thể nam giới thường nằm úp. Xương chậu của phụ nữ lớn hơn, mông cũng phát triển hơn, những chi tiết này trái ngược so với nam giới, do đó trọng tâm của cơ thể nữ giới sẽ dồn về phía sau, hông sẽ chìm xuống nước. Vì vậy, cơ thể phụ nữ thường ở tư thế nằm ngửa trong nước.
Chà, nói rất chi tiết.
Tư Hồng Chương gật đầu tán thưởng.
Lãnh Khải Minh cười nhẹ đáp lại.
Tiêu Lỗi, mau tranh thủ chụp ảnh hiện trường, lát nữa đội cứu hộ sẽ vớt xác lên.
Tư Hồng Chương quay qua hét lớn với thằng nhóc đang há hốc miệng bên cạnh.
Tiêu Lỗi 20 tuổi, chuyên ngành chính là chụp ảnh hình sự. Vào thời gian đó, chuyên ngành này chắc chắn chưa được phổ biến, chỉ có trường Cảnh sát mới mở chương trình học của môn này. Đôi mắt nhỏ như hạt đậu xanh của Tiêu Lỗi có khả năng nắm bắt ánh sáng tuyệt vời.
Tiêu Lỗi nhận lệnh, vội vàng cầm máy ảnh lên, sau khi thay đổi góc độ thích hợp liền nhanh chóng bấm nút chụp hai thi thể kia, xung quanh hiện trường phát ra tiếng chụp ảnh tách tách.
Một lúc sau, thi thể được vớt lên bờ đợi bước khám nghiệm tiếp theo. Vụ án xác trôi sông này không giống những vụ án khác, vì không thể xác định hiện trường rơi xuống nước đầu tiên của nạn nhân nên không thể lấy được vật chứng có dấu vết, tất cả chỉ có thể xử lý từ trên thi thể, phương pháp trực tiếp nhất là giải phẫu.
Một tiếng đồng hồ sau, hai thi thể bất động nằm trên bàn giải phẫu, còn 4 người đàn ông đang căng thẳng chuẩn bị. Sau khi mọi người trang bị đầy đủ những thứ cần thiết, Tư Hồng Chương nói với học trò nhỏ đứng bên cạnh mình,
Quốc Hiền, thầy và Khải Minh phụ trách giải phẫu, Tiêu Lỗi phụ trách chụp ảnh ghi chép, nhiệm vụ lấy mẫu mô giao cho em.
Trần Quốc Hiền, 23 tuổi, chuyên ngành chính khi học đại học là giám định vật chứng, lòng nhiệt tình của cậu với việc giám định đã đạt đến trình độ như mê mẩn người yêu.
Trần Quốc Hiền nghe thấy thầy của mình nói vậy bèn dùng tay phải nâng cặp kính dày cộp trên sống mũi, cậu nhếch khóe miệng rồi trả lời với vẻ hơi phấn khích,
Thầy yên tâm đi.
Sau khi phân công xong, Tư Hồng Chương và Lãnh Khải Minh cầm dao giải phẫu lên.
Cách đơn giản nhất để chứng minh sơ bộ thi thể nổi trên mặt nước bị người khác giết hay tự sát chính là giải phẫu phổi, nếu trong phổi của thi thể không có bùn đất dưới sông thì chứng tỏ là nạn nhân đã ngừng thở trước khi rơi xuống nước, tức là có khả năng nạn nhân bị người khác giết.
Theo kinh nghiệm của Tư Hồng Chương, trước tiên có thể phán đoán bằng cách giải phẫu phần phổi của thi thế, nếu là bị người khác giết thì cần tiến hành quan sát kỹ lưỡng cả thi thể.
Tư Hồng Chương nghiêng đầu, hơi nheo mắt lại nhìn Lãnh Khải Minh thuần thục rạch mổ thi thể với vẻ rất hài lòng.
Khi cơ quan nội tạng trong cơ thể được lấy ra, máu còn sót lại trong cơ quan nội tạng cũng nhanh chóng men theo bàn giải phẫu nặng nề rơi xuống sàn xi măng sần sùi, bắn tung tóe thành mảng lớn.
Tiêu Lỗi đứng một bên vác chiếc máy ảnh nặng trịch liên tục thay đổi góc độ chụp để ghi chép lại hình ảnh chi tiết. Trần Quốc Hiền đứng bên cạnh cầm bình nhựa đựng tài liệu giám định, chờ
đón tiếp
các bộ phận cơ thể đang được hai người kia cắt ra.
Xoẹt, xoẹt, Lãnh Khải Minh cầm dao phẫu thuật rạch xuống trước, tiếp theo là Tư Hồng Chương.
Đột nhiên, hai người đồng loạt quay người nói:
Bị người khác giết.
Cái gì? Án mạng?
Tiêu Lỗi bỏ máy ảnh ở trong tay xuống, cậu trừng đôi mắt vốn dĩ không lấy gì làm to lắm của mình chờ đợi xác nhận kết quả.
Phần phổi của hai thi thể hết sức sạch sẽ, không có bùn đất, điều này chứng tỏ trước khi rơi xuống nước họ đã ngừng thở rồi.
Lãnh Khải Minh tháo khẩu trang, vừa nói vừa lấy cơ quan nội tạng đầm đìa máu ra.
Nào mấy đứa, mau lấy lại tinh thần đi, vụ án này không dễ giải quyết, thời gian kiểm tra các em đến rồi.
Tư Hồng Chương vỗ tay nói.
Trừ Tư Hồng Chương ra thì tất cả mọi người có mặt đều hít sâu một hơi, họ ngẩn người nhìn hai thi thể đã biến dạng nằm trên bàn giải phẫu. Bởi vì mọi người biết, họ phải tìm kiếm tất cả manh mối phá án trên hai thi thể đã thối rữa nặng kia.
Sau khi xác định hai nạn nhân bị giết, vụ án mạng này đã làm cả thành phố Vân Tịch xôn xao, có thể nói vụ án này là một tin nóng trong thời đại phần lớn người dân đều không biết máy tính là gì, chỉ trong thời gian ngắn đã có rất nhiều tin đồn truyền đi khiến ai nấy đều cảm thấy sợ hãi.
Ba ngày sau, Tư Hồng Chương đưa ba học trò của mình vào trong văn phòng.
Các em nhìn nhận như thế nào về vụ án này?
Tư Hồng Chương cau mày hỏi.
Ba người im lặng không nói gì.
Tư Hồng Chương liếc mắt nhìn bọn họ mấy cái cũng chẳng ai có phản ứng gì, cuối cùng ông vẫn gửi gắm hi vọng vào Lãnh Khải Minh đang ngồi ở phía ngoài cùng.
Khải Minh, em có gì muốn nói không?
Thưa thầy, điều em nắm bắt được không nhiều lắm. Trước mắt em chỉ biết tuổi của thi thể đàn ông nằm trong khoảng từ 55 đến 60 tuổi, còn thi thể phụ nữ khoảng 50 tuổi.
Lãnh Khải Minh bình tĩnh trả lời.
Cái thằng này lầm lỳ ít nói thật đấy, cứ phải để thầy gọi tên em mới chịu nói.
Tư Hồng Chương nói với vẻ không vui.
Bị thầy giáo trách nhưng Lãnh Khải Minh vẫn không nói gì.
Tư Hồng Chương hứng thú bắt chéo chân,
Nói xem em phân tích thế nào?
Lãnh Khải Minh gật đầu, mở quyển sổ ghi chép luôn mang bên người ra rồi máy móc đọc.
Hai thi thể này đã sưng phù thối rữa ở mức độ cao, hơn nữa không nhìn rõ phần mặt, cho nên em cho rằng muốn phân tích tuổi của thi thể thì chỉ có thể bắt đầu từ khung xương, khung xương ở người có đặc trưng thay đổi một cách có quy luật theo tuổi tác tăng lên. Ví dụ như là từ 30 đến 40 tuổi, trung tâm cốt hóa sụn tăng lên, cán ức và thân ức nối liền với nhau. Từ 40 đến 50, thân ức và mũi kiếm (mũi ức) nối liền nhau, cổ họng và sụn bắt đầu cốt hóa cố định. Đến hơn 60 tuổi, xương sụn trên toàn thân đều đã cốt hóa. Em đã phán đoán tuổi tác của hai nạn nhân qua cách này, nhưng độ sai lệch của kiểu suy đoán này là 5 năm nên em không dám bảo đảm suy đoán của em là chính xác.
Thầy muốn biết em mất bao nhiêu thời gian để đưa ra phán đoán này?
Tư Hồng Chương nâng cốc trà lên uống một ngụm và hỏi.
Ba ngày.
Lãnh Khải Minh trả lời ngắn gọn.
Đã đọc bao nhiêu quyển sách?
Tư Hồng Chương lại hỏi.
6 quyển.
Lãnh Khải Minh trả lời.
Ngoài phát hiện ở lĩnh vực thuộc chuyên ngành của em, em còn có phát hiện gì khác không?
Tư Hồng Chương hỏi với vẻ mặt có phần nghiêm túc.
Không có.
Lãnh Khải Minh lắc đầu.
Tư Hồng Chương nghe xong liền gật đầu, sau đó hướng ánh mắt đến học trò khác.
Quốc Hiền, có gì muốn nói không?
Trần Quốc Hiền đẩy gọng kính, nói:
Thưa thầy, em chỉ kiểm tra ra nhóm máu của hai nạn nhân, bởi vì thiết bị của chúng ta hạn chế nên không phát hiện ra điều gì khác.
Thế Tiêu Lỗi thì sao?
Tiêu Lỗi xòe hai tay rồi nở nụ cười chân chất thay cho câu trả lời.
Nhìn thấy biểu hiện của ba học trò, Tư Hồng Chương hơi thất vọng, ông trầm mặc khoảng chừng một phút, sau đó đặt cốc trà xuống, thở dài một hơi và nói:
Khi nắm trong tay một vụ án, chúng ta phải học cách triển khai công việc. Các em chỉ phân tích vụ án dựa trên chuyên môn của mình mà không biết rằng, phá án là một công việc vận dụng tổng hợp các ngành học, đừng tự trói chặt mình vào một khuôn khổ không thực tế. Tiếp theo, thầy sẽ nói cho các em cái nhìn của thầy về vụ án này.
Dứt lời, Tư Hồng Chương đứng dậy, hai tay chắp sau lưng:
Điều quan trọng nhất trong vụ án này là làm rõ thân phận thật sự của hai nạn nhân, như vậy thì chúng ta mới có đầu mối điều tra chính xác. Khải Minh mất ba ngày mới tra được tuổi tác đại khái của hai thi thể, mà tuổi tác chỉ có tác dụng hỗ trợ trong việc phá án chứ không thể cung cấp manh mối phá án xác thực. Các em phải nhớ kĩ một chuyện, cho dù kẻ tình nghi có khôn ngoan đến đâu cũng không thể gây án mà không có một sơ hở nào. Thầy vẫn luôn tin rằng, vật chứng ở hiện trường biết nói, phải xem chúng ta có thể lắng nghe được hay không.
Tư Hồng Chương bước tới trước mặt ba người và tiếp tục nói:
Mặc dù hiện trường chỉ có hai thi thể, hơn nữa chúng ta cũng không thể xác định được thời điểm vứt xác, trông thì có vẻ như vụ án này không có đầu mối, nhưng trong mắt thầy, những thứ đó đã đủ rồi.
Cái gì? Như vậy mà đã đủ rồi ạ?
Nhìn người thầy như đã đoán ra tất cả mọi chuyện, Tiêu Lỗi bật thốt hỏi lại một cách khó tin.
Tư Hồng Chương mỉm cười giải thích:
Đầu tiên, chúng ta nói tới địa điểm vứt xác. Trên áo của hai thi thể bám đầy rong rêu, xét về tình hình sinh trưởng của những loại rong này cũng như kết hợp với việc thi thể đã bị trương phình, thầy biết được rằng thi thể đã trôi dạt ít nhất một tuần trên sông. Chúng ta đều biết, địa hình nước ta là tây cao đông thấp, chắc chắn thi thể trôi từ thượng nguồn phía tây đến chỗ chúng ta, mà đường sông từ chỗ chúng ta đến đầu nguồn sông Tứ Thủy là một đường thẳng, không có ngã rẽ, vì thế thầy có thể dựa theo tốc độ dòng chảy để phán đoán đại khái địa điểm kẻ tình nghi vứt xác.
Sau khi tra xét, thầy được biết, tốc độ chảy bình quân của sông Tứ Thủy là ba ki lô mét một giờ. Căn cứ theo số liệu này, vậy thì trong một tuần, hai thi thể này đã trôi được ít nhất là 504 ki lô mét trên lý thuyết với điều kiện không gặp bất kỳ cản trở nào.
Vậy nhỡ đâu thi thể mắc kẹt ở một nơi nào đó thì sao?
Lãnh Khải Minh hơi băn khoăn.
Như thể đã biết trước cậu sẽ hỏi câu này, Tư Hồng Chương trả lời:
Chuyện này phải nhắc tới sự thay đổi của sông Tứ Thủy trong mấy năm nay. Vài năm trước đây, tình trạng khai thác cát trái phép cực kì nghiêm trọng dẫn đến việc mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu chênh lệch rất lớn, càng gần đầu nguồn thì dòng nước càng chảy xiết, với sức mạnh của dòng nước như thế thì thi thể không thể mất quá nhiều thời gian trôi tới đây, đây là cái thứ nhất.
Thứ hai, mấy năm này sông Tứ Thủy bị ô nhiễm nghiêm trọng, trước năm 1990 còn có khá nhiều người nuôi cá trên sông, nhưng mấy năm gần đây bởi vì chất lượng nước nên cơ bản không còn ai nuôi nữa, vì thế sông sẽ không có những thứ cản trở như lưới đánh cá.
Thứ ba là sự phân bố địa lí của ba thành phố thượng nguồn sông Tứ Thủy. Từ thành phố ta đến thượng nguồn sông Tứ Thủy có tất cả ba thành phố, theo thứ tự từ đông sang tây là thành phố Động Sơn, thành phố Thuấn Canh và thành phố Nam Dương. Động Sơn và Thuấn Canh đều là dài nam-bắc, hẹp đông-tây, chỉ có Nam Dương ở thượng nguồn sông Tứ Thủy là rộng đông-tây, hẹp nam-bắc. Mà đường sông của hai thành phố Động Sơn và Thuấn Canh cộng lại chưa tới 100 ki lô mét, hiển nhiên khoảng cách quá gần, về cơ bản có thể loại trừ. Vậy thì khả năng là thành phố Nam Dương khá cao.
Nhưng đường sông từ chỗ chúng ta đến Nam Dương cũng chỉ có 350 ki lô mét, còn chênh lệch 154 ki lô mét với con số trên lí thuyết, rất có thể con số chênh lệch này tạo thành bởi dòng chảy ngược sinh ra trong quá trình thuyền bè đi từ cuối nguồn lên đầu nguồn. Hơn nữa các em cũng nhìn thấy đấy, hai thi thể này xuất hiện ở đoạn sông của thành phố chúng ta, nếu không phát hiện ra sớm và kịp thời vớt lên, có thể sẽ tiếp tục trôi xuống cuối nguồn. Kết hợp với khoảng cách từ ba thành phố đầu nguồn tới chỗ chúng ta, chỉ có Nam Dương là phù hợp với điều kiện vứt xác, nói cách khác, rất có thể hai nạn nhân là người Nam Dương.
Thưa thầy, em có một câu hỏi.
Lãnh Khải Minh nhíu mày hỏi.
Thầy làm thế nào để phán đoán ra hai thi thể này có mối liên hệ với nhau? Ý em là, có thể hai thi thể này chỉ trùng hợp trôi tới gần nhau?
Tư Hồng Chương cười đáp:
Thầy không cần trả lời câu hỏi này của em, em chỉ cần nghe hết những gì thầy nói tiếp theo, tự nhiên sẽ hiểu thôi.
Dứt lời, Tư Hồng Chương nói tiếp:
Sau khi phân tích rõ địa điểm vứt xác, chúng ta xử lí hết rong rêu trên người hai nạn nhân rồi xem xét tới quần áo của bọn họ. Thông qua quan sát, thầy phát hiện hai nạn nhân mặc quần âu, về cơ bản từ chất liệu đến kỹ thuật cắt may của quần đều không có gì khác nhau, vì thế có thể thấy được quần trên người họ sản xuất cùng một xưởng. Thầy còn phát hiện ra một vấn đề thú vị, đó là trên thi thể người đàn ông chỉ mặc áo ba lỗ trắng, mà trên thi thể người phụ nữ cũng thế, chỉ có một chiếc áo ba lỗ hoa.
Nói thế có nghĩa là, hai nạn nhân đều không mặc áo khoác?
Có vẻ như Lãnh Khải Minh đã đoán ra được điều gì đó.
Em nói không sai, bây giờ nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 15 độ, hai người bọn họ đều mặc quần dày, không có lí do gì lại không mặc áo khoác, chuyện này không phù hợp với thói quen sinh hoạt của người bình thường. Vì thế thầy dám đoán chắc rằng, sau khi gây án, kẻ tình nghi đã cố tình cởi áo khoác của hai người ra. Điều này cho thấy, có khả năng áo khoác của hai nạn nhân là một loại quần áo đặc biệt có thể nhận ra thân phận, kết hợp với chất liệu quần giống nhau của bọn họ để phân tích, thầy cho rằng, có thể hai người đã mặc một loại đồng phục nào đó trước khi chết. Hơn nữa có thể là loại đồng phục khiến người ta nhìn một cái là biết nạn nhân làm công việc gì, nếu không kẻ tình nghi đã chẳng cởi nó ra sau khi gây án. Từ đây chúng ta loại bỏ được những loại đồng phục phổ biến như bảo vệ, người bán hàng, bồi bàn. Thế nên thầy suy đoán, thân phận của hai nạn nhân có thể là công nhân xí nghiệp, hoặc là nhân viên nhà nước.
Vậy rốt cuộc là công nhân xí nghiệp hay nhân viên nhà nước?
Lần này, người mở lời là Tiêu Lỗi.
Tư Hồng Chương lấy mấy điếu thuốc ra khỏi túi và chia cho mọi người, ông châm thuốc rít một hơi rồi trả lời:
Quần của hai nạn nhân đều là quần âu khá dày, áo mà hai nạn nhân đang mặc cũng là loại áo lót, Tiêu Lỗi, nếu em là nạn nhân, liệu em có mặc áo ba lỗ trắng bên trong, rồi mặc đồng phục cảnh sát ngay bên ngoài không?
Mặc thế khó chịu lắm, chắc chắn phải mặc một chiếc áo sơ mi ở giữa nữa!
Tiêu Lỗi bĩu môi trả lời.
Dứt lời, như có điều gì thoáng qua, cậu ấy chợt hiểu ra và nhìn về phía thầy giáo của mình.
Tư Hồng Chương vỗ nhẹ vào đầu Tiêu Lỗi, cười nói:
Tiêu Lỗi, cậu nói không sai. Theo phân tích nhiệt độ không khí lúc này thì dù cho hai nạn nhân có mặc thêm một chiếc áo khoác thì cũng vẫn hơi mỏng, cho nên tôi đoán kẻ tình nghi đã cởi hai chiếc áo trên người nạn nhân, mà hai chiếc áo này có lẽ đều thuộc loại đồng phục có thể phân biệt nghề nghiệp. Ví dụ như đồng phục cảnh sát của chúng ta, ngoài áo khoác có chữ
cảnh sát
ra thì trên áo sơ mi và cúc áo cũng có in huy hiệu cảnh sát.
Từ quần âu mà nạn nhân mặc có thể dễ dàng thấy được, đồng phục hai người họ mặc đều là âu phục. Ở thành phố Nam Dương chỉ có vài doanh nghiệp là có phát đồng phục. Tôi đã kiểm tra rồi, đồng phục của họ cơ bản đều là quần áo cotton tương đối rộng, tôi chưa từng nghe nói họ sẽ phát âu phục cho nhân viên. Vậy nên tôi đoán rất có khả năng hai nạn nhân này là công chức nhà nước, hơn nữa hai người này làm việc cùng một cơ quan.
Thầy, như vậy cũng được sao?
Tiêu Lỗi mở to đôi mắt kêu lên.
Tư Hồng Chương cười không trả lời, uống ngụm nước nói:
Tôi tìm thấy một ít tiền mặt trong túi quần hai nạn nhân và một chiếc đồng hồ trên tay phải thi thể nam, điều này cho thấy hai nạn nhân không bị tổn thất về vật chất, hung thủ không nhắm vào tiền của bọn họ mà động cơ của hắn là sát hại.
Đặt cốc nước xuống, Tư Hồng Chương từ dưới bàn lấy ra túi vật chứng đựng chiếc đồng hồ rồi nói tiếp:
Sau quần áo, là đến chiếc đồng hồ này. Trên đồng hồ có mã A581-1, đây là bản cải tiến của chiếc đồng hồ mã A581, loại này chỉ sản xuất duy nhất vào năm 1960. Có lẽ các cậu không biết ý nghĩa của chiếc đồng hồ này, nó là ước mơ của hầu hết cánh đàn ông thập niên 50, 60. Lúc đó, bốn món đồ lớn lúc kết hôn là đồng hồ, xe đạp, máy may và radio.
Đồng hồ hãng Thượng Hải đã trở thành nhãn hiệu vàng của đám cưới, cho nên thường họ sẽ đeo bên mình chứ không ai cho người khác mượn. Nghĩa là chiếc đồng hồ mà thi thể nam đang đeo rất có khả năng được mua khi anh ta kết hôn, hay nói cách khác, người đàn ông bị sát hại đó đã kết hôn vào năm 1960.
Năm ấy, đồng hồ bản cải tiến này còn đắt hơn cả Limousine bây giờ, có tiền cũng chưa chắc đã mua được, chỉ có những gia đình làm chính trị, nhờ quan hệ mới mua được. Nếu đã là gia đình chính trị thì giác ngộ chắc chắn sẽ cao, không đến độ tuổi pháp luật cho phép chắc chắn sẽ không kết hôn. Năm 1960, độ tuổi kết hôn pháp luật quy định là 20 tuổi, nếu tính như vậy thì ít nhất nạn nhân nam đã 56 tuổi.
Độ tuổi của nạn nhân nữ còn dễ đoán hơn, chỉ cần đo xương chậu, quan sát thay đổi tương ứng của xương là có thể đưa ra kết luận. Theo phân tích của tôi, nạn nhân nữ khoảng 50 tuổi, điểm này cũng na ná như Khởi Minh đã phân tích.
Nghe đến đây, ánh mắt Lãnh Khải Minh nhìn Tư Hồng Chương đã tràn ngập ngưỡng mộ. Trong lòng cậu biết rõ, để có được những số liệu này, ba ngày qua cậu ta gần như chẳng được chợp mắt, còn thầy mình lại đưa ra kết luận còn chi tiết hơn cả mình chỉ thông qua một chiếc đồng hồ, điều này tất nhiên khiến cậu ta thán phục!
Ực ực, uống thêm hai ngụm trà, Tư Hồng Chương lau vết nước còn đọng lại trên môi rồi nói tiếp:
Chúng ta xem tiếp thi thể. Thi thể đã bị trương phình nên không thể nào đoán được trước khi chết bọn họ có bị thương hay không, từ bên ngoài thi thể không thể đưa ra kết luận gì được. Tay của hai nạn nhân cũng xuất hiện tình trạng bong tróc da, tôi đã dùng dao giải phẫu cắt lớp da có vân tay trên hai thi thể, hiện đã đưa đi xử lý, khi nào xử lý xong sẽ lấy được dấu vân tay có giá trị rồi. Điều này rất có ích cho việc điều tra thân phận thật sự của nạn nhân.
Tiếp theo, chúng ta cùng xem thay đổi trong nội tạng của thi thể. Mở phần dạ dày của hai nạn nhân, tôi phát hiện dạ dày hai người họ còn rất nhiều thức ăn chưa tiêu hóa, điểm này cho thấy trước khi chết bọn họ mới vừa dùng bữa xong. Hơn nữa, căn cứ vào loại thức ăn trong dạ dày thì thức ăn mà họ ăn trước khi chết là giống nhau, chứng tỏ trước khi bị sát hại, hai người họ đang ăn cùng nhau. Vậy nên hai người này cùng bị sát hại vào một thời điểm chứ không phải ngẫu nhiên trôi dạt tới gần nhau.
Gan của hai thi thể đều có màu đen, đây là biểu hiện của việc trúng độc. Tôi nghi ngờ hai nạn nhân đã bị người khác hạ độc trong khi ăn. Sau khi nạn nhân chết vì ngộ độc, hung thủ đã vứt xác xuống sông Tứ Thủy.
Bây giờ tôi đã đoán ra được quá trình gây án có khả năng tương đối cao của hung thủ. Chỉ cần phân tích thêm quan hệ của hai nạn nhân nữa thôi. Bọn họ có thể đang ăn cơm cùng nhau, vậy thì quan hệ giữa họ sẽ là vợ chồng hoặc đồng nghiệp hoặc bạn thân. Nhưng nghĩ kỹ thì hình như quan hệ vợ chồng sẽ dễ giải thích hơn, vì nếu là quan hệ đồng nghiệp hoặc bạn thân thì cái chết của hai người họ sẽ liên quan đến cả hai gia đình. Như vậy thì tỉ lệ báo án sẽ tương đối cao. Đội cảnh sát hình sự điều tra lâu như vậy mà tất cả các thành phố đầu nguồn đều không nhận được báo án mất tích nào, như vậy có thể chứng minh được điểm này rồi. Hung thủ sát hại hai người họ có khả năng chính là để diệt cỏ tận gốc.
Thành phố Nam Dương nhỏ như vậy, cơ quan chính quyền có thể quy củ phát đồng phục cho nhân viên không nhiều lắm, hơn nữa trong tình thế quy định pháp luật đang được siết chặt trên cả nước như hiện nay, dù là cơ quan nào thì chế độ chuyên cần cũng vô cùng nghiêm ngặt, người nào đi làm người nào không đi làm có thể tra được ngay lập tức. Nếu bọn họ là công chức tại chức thì khi mất tích nhiều ngày như vậy, cơ quan chắc chắn sẽ phát hiện ra điều khác thường. Nhưng vụ án đã qua rất lâu rồi mà chúng ta vẫn chưa nhận được một báo án nào có liên quan, hơn nữa kết hợp với độ tuổi của bọn họ thì rất có khả năng hai người họ đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu rồi. Độ tuổi nghỉ hưu quy định của nước ta nam 60 nữ 50, như vậy có thể xác định được độ tuổi thấp nhất của hai nạn nhân rồi.
Nghỉ hưu rồi còn mặc đồng phục sao?
Lãnh Khải Minh thắc mắc.
Tư Hồng Chương trở lại chỗ ngồi nói tiếp:
Độ tuổi của nạn nhân gần bằng tuổi bậc cha chú tôi, câu hỏi của cậu chứng tỏ cậu không hiểu tư tưởng của lớp thế hệ sinh ra trong những năm 40, 50. Tình cảm của họ với đồng phục còn hơn cả những gì cậu nghĩ, hiện nay ở nhiều khu dân cư trong thành phố chúng ta, số người già hơn 70 tuổi cả ngày mặc quân phục đầy đó. Vậy nên, hai nạn nhân dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn mặc đồng phục là chuyện hết sức bình thường, đặc biệt là trong những trường hợp long trọng như đi ăn tiệc, xác suất mặc đồng phục sẽ càng lớn hơn.
Ba người nghe xong đều gật đầu tán đồng.
Tư Hồng Chương ngồi trên ghế, ngả người ra sau nói:
Tổng hợp những điều đã nói trên, kết luận của tôi là: hai nạn nhân là người Nam Dương, có khả năng là vợ chồng làm việc cùng một cơ quan nhà nước, hiện đã nghỉ hưu. Chúng ta chỉ cần lọc ra những người phù hợp, gọi điện hỏi từng người, nếu có hai vợ chồng cùng không liên lạc được thì rất có khả năng họ chính là người đã bị sát hại, kết hợp thêm các thông tin lấy được từ thi thể như dấu vân tay, quần áo, đồng hồ, cơ bản có thể xác định được lai lịch nạn nhân. Sau khi xác định xong chuyện này, tập trung điều tra người cuối cùng mà nạn nhân cùng ăn cơm là ai, người này có khả năng chính là kẻ tình nghi.
Nhưng đây chỉ là manh mối phá án tương đối có ý nghĩa thực tế sau quá trình suy đoán lập luận chặt chẽ, đương nhiên sẽ còn nhiều trường hợp chúng ta không nghĩ tới, tình hình cụ thể vẫn cần phải tra xét cụ thể. Phá án thực ra chính là một quá trình liên tục đưa ra giả thuyết để tìm chứng cứ.
Tư Hồng Chương nói hết một mạch rồi quay sang nhìn các học trò nhỏ của mình, lúc này cả ba cậu nhóc đều mắt chữ O mồm chữ A khi nghe xong những lời ông nói.
Đội cảnh sát hình sự lần theo manh mối mà Tư Hồng Chương cung cấp, chỉ mất hai ngày đã tóm được kẻ tình nghi Hứa Đại Trụ về quy án. Theo những gì ông ta khai báo, hai nạn nhân là công chức của Cục Công thương thành phố Nam Dương, có quan hệ vợ chồng. Vì vấn đề xử lý giấy tờ mà hai bên đã kết thù nhiều năm, Hứa Đại Trụ nhân cơ hội bọn họ nghỉ hưu ở nhà, con cái lại đi vắng, nên lấy lý do hoà giải để mời họ ăn cơm, trong lúc ăn cơm thì hạ độc sát hại hai người rồi ném xác xuống sông. Vụ án xác chết trôi chấn động mấy thành phố đã được khép lại từ đây.
ÁN 1: XÁC CHẾT PHANH THÂY TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC