Chương 12: Tìm song thân hào kiệt lên đường


Số từ: 3525
Nguồn: truyenngan.com.vn
Thiếu nữ tủm tỉm cười nói:
- Ba chung rượu này chất độc tương đối ghê gớm hơn một chút. Hai vị có uống hay không?
Phương Nhân Trí ngửi mùi rượu, nhìn sắc rượu biết ba chung nước xanh là này không phải là rượu chi hết, mà là chất cực độc hòa với nước.
Ðừng nói chuyện uống vào bụng mà chỉ ngửi mấy cái cũng đủ trúng độc mê mang rồi. Gã liền đáp:
- Bọn tại hạ tuy có thuốc giải độc, nhưng có gặp loại chất độc như rắn rết, hoặc chất độc mà bọn giặc cướp hạ cấp trong hắc đạo sử dụng thì mới lấy ra đối phó. Cô nương là đệ tử danh môn chính phái như Hoa Sơn thì khi nào bọn tại hạ dám mạo phạm?
Câu nói của gã có cho thiếu nữ hay rằng: Nếu uống rượu độc của cô tức là tự hạ mình. Thiếu nữ nói :
- Vị thiếu tiêu đầu họ Lâm đây vì tiểu nữ mà hạ sát "Dư đại hiệp" của quý phái để hai vị tìm y rửa hận, tiểu nữ chẳng thể thõng tay đứng nhìn không hỏi gì đến. Nhưng phái Thanh Thành và phái Hoa Sơn vốn có mối giao hảo cùng nhau thì không thể để hòa khí bị tổn thương vì tay bọn tiểu bối chúng ta. Chúng ta nên tìm biện pháp tốt đẹp cho cả hai bên. Tiểu nữ muốn yêu cầu hai vị lượng tình cho một chút được chăng ?
Vẻ mặt hai gã Phương, Vu nhăn nhó rất khó coi. Phương Nhân Trí đáp:
- Nếu cô nương muốn tha tính mạng thằng lỏi này thì bọn tại hạ không có cách nào để phúc trình gia sư được.
Thiếu nữ nói:
- Bây giờ đành thế này vậy. Chúng ta mời Lâm thiếu tiêu đầu lại uống ba chung rượu này để cho y được chết toàn thi thể. Không đến nỗi đầu một nơi mình một nẻo. Như vậy hai vị vừa trả được thù mà tiểu nữ cũng gỡ được chút thể diện. Thế là lưỡng toàn kỳ mỹ.
Lâm Bình Chi lúc mới nghe thiếu nữ xin cho mình tưởng là cô yêu cầu hai gã đừng can thiệp vào nữa. Ngờ đâu nghe cô dứt lời thì chỉ là yêu cầu cho mình được uống thuốc độc mà chết. Chàng nghĩ ngay ba người họ vẫn giữ mối kết giao chẳng khi nào họ vì một người ngoài mà trở mặt động thủ. Chàng lẩm bẩm:
- Ta đường đường là nam tử hán thì khi nào lại để một cô gái van xin kẻ khác cho mình?
Chàng liền hiên ngang lên tiếng:
- Lâm mỗ tài nghệ kém người, hà tất phải nói lắm thêm.
Lâm Bình Chi giương mắt lên nhìn thì thấy tối đen như mực. Chân tay mình mảy đau đớn như dần. Trong lòng hồi hộp dị thường, chàng lẩm bẩm:
- Ta đã chết rồi, bây giờ thành quỷ chứ không phải người nữa. Ta hiện ở âm phủ không còn ở dương gian.
Hồi lâu chàng cố dãy giụa mấy cái, mở miệng được toan la lên thì đột nhiên thấy bùn lầy tràn vào.
Chàng cả kinh bụng bảo dạ:
- Quả nhiên mình đã bị chôn vùi trong phần mộ rồi.
Chàng chống hai tay từ trong đống bùn chui lên được. Chàng lồm cồm bò đi mở mắt ra nhìn thì vẫn thấy mình còn ở bên phạn điếm nhỏ bé.
Bốn bề một màu tối om, chàng biết là đang đêm khuya. Ở nơi sơn dã chàng chỉ thấy tiếng côn trùng rên rỉ, mà tuyệt không có tiếng người. Giữa lúc ấy một mảnh trăng từ trong đám mây đen ló ra. Ánh trăng ảm đạm chiếu bóng cây trúc lã ngọn trên mặt đất. Làn gió thổi cành lá rung rinh tưởng chừng như quỷ ma đang kiếm người mà cắn.
Lâm Bình Chi trống ngực đánh thình thình. Ðỉnh đầu vẫn đau như dao chém. Chàng bò đến bên một gốc cây, thò tay ra vịn vào cành để đứng thẳng người lên. Chàng thấy bên cạnh có một cái huyệt thì biết mình quả đã bị chôn xuống đất. Chàng tự hỏi:
- Rõ ràng ta uống rượu độc của cô gái kia rồi lại bị một cái đá vào đầu thật nặng, thế mà sao chưa chết? Dĩ nhiên cô gái xấu xa phái Hoa Sơn đã mai táng cho ta...
Chàng nghĩ tới tấm lòng chiếu cố của người thiếu nữ thì mối uất hận cũng giảm đi rất nhiều. Lâm Bình Chi loạng choạng quay về phạn điếm, bụng bảo dạ:
- Gia gia cùng má má đã bị hai tên ác nhân bắt đem đi, tất nhiên dữ nhiều lành ít. Ta phải rượt theo để cứu người mới được. Tuy ta không địch nổi chúng. Nhưng ta ngấm ngầm hạ thủ biết đâu chẳng có cơ hội thành công. Nếu không xong việc, gia gia cùng má má bị chết rồi thì ta còn sống một mình làm sao được?
Nghĩ tới chuyện cứu viện song thân, lòng chàng vừa nóng nảy lại vừa phấn khởi do đó mà tinh thần chấn động.
Chàng nghĩ bụng:
- Ta phải thay mặt đổi hình để hai tên ác nhân không nhận ra ta. Nếu không thế chúng vừa thấy mặt mình liền hạ sát ngay thì còn giải cứu thế nào được gia má?
Lâm Bình Chi để hết tâm vào chuyện cứu người, chàng quên hết nỗi đau khổ trên đầu, chỉ tính kế cải trang thế nào cho tiện .
Chàng liền lần xuống bếp, sờ mó trong bóng tối, tìm được hỏa đao, hỏa thạch. Chàng bật lửa lên thếp vào ngọn đèn dầu, len lén vào phòng chủ quán tưởng tìm lấy một bộ quần áo để mặc, ngờ đâu nhà này nghèo túng đến cùng cực, cả một bộ quần áo để thay đổi cũng không có. Trong phòng chỉ thấy ít quần áo vải to vá chằng vá chịt, nhưng lại là quần áo đàn bà.
Lâm Bình Chi trầm ngâm một lúc, rồi khêu đèn lên đi ra ngoài phạn điếm thì thấy thi thể vợ chồng chủ nhân nằm lăn dưới đất. Chàng nghĩ bụng:
- Âu là ta đành đổi lấy bộ quần áo người chết vậy.
Ðột nhiên một cơn gió lạnh thổi tới, đèn phụt tắt. Trong bóng tối om, chàng lại đứng bên xác chết, không khỏi ớn da gà. Chân chàng nhũn ra lảo đảo quay về nhà bếp lại thắp đàn lên rồi trở ra chỗ vừa rồi kéo xác chết đàn ông vào, cởi quần áo thây ma ra.
Giả tỷ là ngày thường mà Lâm Bình Chi trông thấy xác chết thế này thì chàng đã tránh xa. Nhưng lúc này vì nóng lòng cứu song thân thì dù việc khó đến đâu chàng cũng làm được.
Lâm Bình Chi cởi quần áo xác chết ra cầm tay bỗng ngửi thấy mùi xú uế xông lên nồng nặc. Chàng định bụng đem đi giặt rồi sẽ mặc vào mình. Nhưng chàng lại nghĩ:
- Ta thường nghe gia gia nói: "Cứu người như chữa lửa". Nếu còn đem quần áo này giặt cho sạch sẽ để mất thời giờ thì có khi vì thế mà lỡ việc không cứu được gia má, phải ôm mối hận ngàn thu. Sau này còn làm người thế nào được?
Chàng nghiến răng cởi bỏ quần áo trong mình ra mặc quần áo người chết vào. May ở chỗ bộ quần áo này đối với khổ người chàng không rộng hẹp là mấy.
Lâm Bình Chi mặc áo xác chết vào mình rồi, chàng lấy quần áo của chàng quấn qua loa vào xác chết cho khỏi lõa lồ thân thể. Ðoạn chàng liệng hai xác chết nam nữ xuống huyệt, rồi lấy hai tay vun đất lấp kín tử thi. Lâm Bình Chi mai táng tử thi rồi, bụng bảo dạ:
- Lưỡi dao trủy thủ của ta bị cô kia lấy đi mất. Bây giờ bên mình ta cần phải có một thứ binh khí mới được.
Lâm Bình Chi cầm đuốc đi soi tứ phía thì thấy ba con ngựa buộc gốc cây không biết đi đâu mất rồi, chỉ thấy thanh trường kiếm của phụ thân vẫn đeo và thanh kim đao của mẫu thân đều gãy làm hai đoạn vứt bỏ dưới đất. Chàng vừa bi phẫn lại vừa lo âu, lượm nửa thanh kiếm gãy của phụ thân gói vào trong mảnh vải rách cài vào sau lưng rồi đi ra cửa điếm.
Lâm Bình Chi nghe tiếng ếch kêu inh ỏi từ trong khe núi vọng lại. Ðột nhiên chàng cảm thấy nỗi thê lương tịch mịch rồi không nhịn được, chàng khóc rống lên. Chàng liệng bó đuốc ra, ánh đuốc vọt đi thành đường cánh cung trong bóng tối rồi véo một cái, bó đuốc rớt xuống rãnh nước bên đường tắt phụt. Bốn bề lại tối đen như mực. Chàng la thầm:
- Lâm Bình Chi hỡi Lâm Bình Chi! Nếu ngươi không cẩn thận hay không nhẫn nại để lọt vào tay bọc ác ôn phái Thanh Thành thì sẽ như bó đuốc rớt xuống nước tắt ngấm kia.
Chàng giơ tay áo lên lau mắt, tay áo vừa đưa tới trước mặt thì lập tức một mùi xú uế xông vào mũi khiến chàng phải buồn nôn. Lâm Bình Chi bật tiếng la:
- Một chút khí vị xú uế mà đã không chịu nổi thì làm nam tử hán, làm đại trượng phu thế nào được?
Ðoạn chàng cất bước ra đi.
Lâm Bình Chi đi được mấy bước, chợt thấy trên đỉnh đầu lại đau nhói lên. Chàng nghiến chặt hai hàm răng, tăng gia cước lực đi nhanh hơn. Chàng chạy loạn trên đỉnh núi chỗ cao chỗ thấp cũng chẳng hiểu có phải song thân đã đi về ngả này không. Lâm Bình Chi đi tới lúc trời sáng. ánh dương quang chiếu vào mặt chàng làm hoa cả mắt. Bỗng chàng run lên tự hỏi:
- Hai tên đạo tặc áp giải gia gia cùng má má lên núi Thanh Thành. Tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây tỉnh Phúc Kiến mà sao ta lại chạy về phía Ðông?
Chàng vội trở gót xoay lưng về phía mặt trời mọc ,và chạy thật nhanh.
Lâm Bình Chi bụng bảo dạ:
- Gia má mình đi nửa ngày, mình lại đi trái đường mất nửa đêm, bây giờ hai bên cách nhau quá xa rồi. Mình cần mua một con ngựa để chạy thì tốt hơn, nhưng không hiểu mất độ bao nhiêu tiền?
Chàng sờ túi bất giác la lên một tiếng đau khổ. Nguyên lúc ra đi bao nhiêu tiền bạc châu báu đều bỏ vào trong cái túi da bên yên ngựa. Lâm Chấn Nam cùng Vương phu nhân đều có giắt tiền trong mình, nhưng chàng thì đến một lạng bạc cũng không có. Chàng đã nóng nảy bây giờ lại càng bồn chồn, dậm chân la lên:
- Bây giờ biết làm thế nào?... biết làm thế nào?
Chàng đứng ngìn người ra một lúc, nghĩ bụng:
- Dù sao việc cứu viện song thân là việc khẩn cấp, dù có phải chết đói cũng đành.
Ðoạn chàng co dò chạy thật nhanh xuống núi.
Lâm Bình Chi chạy đến giờ ngọ thì bụng đói meo. Bỗng thấy bên đường có mấy cây nhãn đầy trái xanh. Tuy nhãn chưa chín nhưng cũng có thể ăn cho đỡ đói.
Lâm Bình Chi chạy đến gốc cây thò tay ra toan bẻ nhãn, nhưng ngón tay vừa chạm vào trái cây, chàng lại nghĩ bụng:
- Ta là người họ Lâm ở Phước Oai tiêu cục xưa nay vẫn giữ trong trắng. Những cây nhãn này là vật có chủ. Ta không nói với chủ mà lấy ăn thì là quân trộm đạo. Nhà họ Lâm đã ba đời chuyên việc hộ vệ tài sản tánh mạng cho người ta, đối đầu với quân đạo tặc võ lâm. Sao mình bây giờ lại làm việc đạo tặc? Nếu bị người ta trông thấy thóa mạ ta là một tên tiểu tặc thì còn chi là danh dự của gia gia? Phước Oai tiêu cục dù bị kẻ khác đốt rụi cũng chẳng cần gì. Muốn chấn chỉnh lại cơ đồ cũ phỏng có khó gì? Nhưng con em nhà họ Lâm chỉ một lần làm quân đạo tặc thì cái chiêu bài Phước Oai tiêu cục muốn dựng lên cũng không được nữa.
Lâm Bình Chi từ thuở nhỏ cũng đã có gia đình giáo dục, chàng biết những tên đại đạo đều do tiểu tặc biến thành. Tiểu tặc bắt đầu bằng việc lấy cắp trái dưa, trái táo nhỏ mọn rồi từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều. Sau quen nết không trở lại được nữa, chẳng khác người chân cắm sâu xuống bùn không thể nhổ lên được nữa.
Lâm Bình Chi nghĩ tới đây, bất giác mình đổ mồ hôi lạnh ngắt, chàng quyết chí:
- Một ngày kia, gia gia cùng ta gây lại thanh thế Phước Oai tiêu cục. Bậc đại trượng phu phải giữ vững lập trường để làm người. Chẳng thà ăn xin quyết không làm đạo tặc.
Rồi chàng rảo bước tiến về phía trước không để ý nhìn những cây nhãn bên đường nữa .
Lâm Bình Chi đi mấy dặm nữa thì đến một thôn trang nhỏ. Chàng tìm đến một nhà nông, thẹn thùng ấp úng xin thức ăn. Trong đời trước nay được nuôi dưỡng sung sướng, trà kề tay cơm kề miệng, có phải xin xỏ ai bao giờ.
Lâm Bình Chi nói được hai ba câu, mặt đã đỏ bừng.
Nhà nông này mụ vợ vừa gây gổ với chồng, bị chồng đánh cho một chập. Trong lòng mụ đang cơn tức bực. Mụ vừa mở miệng đã thóa mạ phủ đầu chàng bằng những lời chanh chua. Mụ còn giơ cán chổi lên mồm loa mép giải quát mắng:
- Thằng tiểu tặc kia! Cái điệu mi ấp úng, nấp nánh thế này tất không phải là người lương thiện. Lão nương mất một con gà mái, nhất định là mi bắt trộm về ăn thịt rồi. Bây giờ mi còn muốn đến cắp gà trộm chó nữa chăng? Lão nương có cơm gạo cũng chẳng thàm bố thí cho những quân hạ cấp như mi. Mi ăn cắp gà để lão trời giáng nổi hung đánh lão nương một trận thâm tím cả mình mìy.
Mụ nông phụ cứ thóa mạ một câu thì Lâm Bình Chi lại lui một bước. Mụ thóa mạ mỗi lúc một cao hứng và giơ cán chổi lên nhằm đập vào mặt chàng.
Lâm Bình Chi cả giận nghiêng mình né tránh. Chàng giơ chưởng lên muốn đánh lại mụ. Nhưng trong lòng lại nghĩ thầm:
- Mình đến xin ăn không được mà lại đánh ẩu một người đàn bà ngu xuẩn quê mùa, há chẳng là một chuyện buồn cười?
Nghĩ vậy chàng liền thu chưởng về. Nhưng chàng dùng sức quá mạnh, thu chưởng về không phải chuyện dễ. Trên đầu chàng bị thương còn đau lắm, người chàng xoay xở không được linh diệu. Chân trái bước loạng choạng, dẫm phải đống phân trâu trượt đi một cái, ngã ngửa người ra.
Mu nông phụ liền quất chổi vào mặt chàng vừa cười ha hả vừa mắng nhiếc:
- Thằng giặc non thối tha này đi đứng không vững. Bản lãnh như vậy mà mi toan đánh lại lão nương ư?
Mụ lại đập một nhát chổi vào đầu chàng, rồi nhổ nước miếng lên người chàng nữa. Ðoạn mụ trở gót quay vào.
Lâm Bình Chi bị một phen nhục nhã. Chàng vừa phẫn hận trong lòng mà toàn thân lại đau đớn khôn tả.
Ta nên nhớ chàng bị Phương Nhân Trí đá mạnh một cước vào huyệt "Bách hội" trên đầu chàng mà chàng không chết đã là may lắm. Sau chàng lại bị gạch đá cùng đất cát đà lên người chàng ở dưới huyệt hàng nửa ngày trời, phần chết nhiều hơn phần sống. Vì chàng nóng lòng cứu song thân mà chống chọi được.
Lúc này chàng ngã lăn ra không dậy được nữa. Chàng chống hai tay xuống đất toan đứng dậy, nhưng mấy lần lóp ngóp đứng lên lại ngã khụy xuống. Phân trâu dính bê bết vào cả mặt mũi chân tay chàng.
Giữa lúc chàng đang cực kỳ hoang mang thì mụ nông phụ kia từ trong nhà đi ra. Trong tay mụ cầm bốn bắp lúa ngô đã luộc chín nhét vào tay chàng vừa cười vừa mắng:
- Gã tiểu quỷ kia! Ăn cái này đi! Trời sinh ra mi có bộ mặt xinh đẹp, so với cô dâu mới nhà người ta còn dễ coi hơn mà lại không học lấy điều hay để mà làm ăn, lại lười thúi thây, thúi xác, ăn dơ làm biếng.
Lâm Bình Chi cả giận toan liệng mấy bắp ngô đi.
Mụ nông phụ cười nói:
- Giỏi lắm! Mi liệng đi! liệng đi! Mi có giỏi không sợ chết đói thì liệng đồ ngọc thực đi. Thực là quân tiểu tặc đáng chết rã họng.
Lâm Bình Chi bụng bảo dạ:
- Nếu không nhịn được điều nhỏ mọn thì hư đến việc lớn. Ta chỉ cần cứu được gia gia và má má, chấn hưng lại Phước Oai tiêu cục. Bây giờ chịu để mụ đàn bà thôn quê này sỉ nhục một phen cũng chẳng hại gì.
Chàng nghĩ vậy liền nói:
- Ða tạ nữ chủ nhân.
Rồi há miệng ngoặm bếp ngô ăn. Mụ nông phu cười nói:
- Ta đã biết là mi chẳng dám liệng đi.
Ðoạn mụ trở gót bỏ đi, miệng vẫn còn lẩm bẩm:
- Thẳng tiểu quỷ này đói quá rồi. Con gà mái mà ta mất trộm xem chừng không phải gã ăn cắp. Bữa nay nhà mình xúi quẩy có gã đến đây để mình dồn một chập cho hả bớt cơn tức giận cũng là hay.
Lâm Bình Chi gặm hết một bắp ngô không còn một hột, trong lòng đỡ đói, tinh thần phấn khởi. Chàng gắng gượng đứng lên tiếp tục đi về phía Tây.
Dọc đường đi tới đâu xin ăn tới đó. Khi gặp nơi sơn dã thì chàng hái trái cây rừng ăn cho đỡ đói. May ở chỗ năm nay tỉnh Phúc Kiến được mùa, ngũ cốc phong đãng. Dân gian lưng thực có phần dư dùng. Lâm Bình Chi tuy đã bôi mặt lem luốc, nhưng chàng ăn nói văn nhã, gây được cảm tình với mọi người, việc xin ăn của chàng cũng chẳng khó khăn gì. Dọc đường chàng dò hỏi tin tức song thân mà chẳng được âm hao chi hết. Chàng đi tám chín ngày thì đến địa phận tỉnh Giang Tây.
Chàng hỏi rõ đường lối đến thẳng Nam Xương vì chàng nghĩ rằng Nam Xương cũng có phân cục của Phước Oai tiêu cục, may ra có tin tức gì chăng. Nếu không cũng lấy được ít tiền lộ phí và một con tuấn mã để đi cho lẹ. Ngờ đâu vào thành Nam Xương, Lâm Bình Chi hỏi tới Phước Oai tiêu cục thì có người đi đường hỏi lại:
- Phước Oai tiêu cục ư? Ngươi hỏi làm chi? Tiêu cục đã bị thiêu rụi, làm liên lụy đến cả mười mấy nhà lân cận bị cháy sạch sành sanh.
Lâm Bình Chi lo thầm cho số phận đau khổ. Chàng tới tiêu cục thì quả nhiên chỉ còn gạch trơ đỏ, cột cháy đen sì, ngói vỡ khắp nơi. Chàng hỏi một đứa nhỏ gần đó những nhà này bị thiêu ngày nào thì gã cho biết là đang đêm sáu bữa trước đây phát hỏa. Gã tiểu đồng còn nói thêm:
- Trong tiêu cục có mười mấy người chết cháy, mùi hôi thối nồng nặc.
Lâm Bình Chi tính ngày, chàng đoán chắc bọn Phương Nhân Trí đi ngựa đến đây trước rồi phóng hỏa đốt tiêu cục. Chàng đứng ngìn ra hồi lâu rồi tự nhủ:
- Mối thù này không trả thì còn làm người thế nào được?
Lúc đi đường chàng đã hỏi một người phu xe cho biết đường lối Tứ Xuyên. Ở Giang Tây muốn đi đường thủy thì xuống thuyền ngược dòng sông Trường Giang qua Hồ Nam, Hồ Bắc vượt qua dãy Tam Giáp là đến Tứ Xuyên. Nếu đi đường bộ thì trước hết đến Hồ Nam, vượt qua biên giới Xuyên Tương rồi đến Xuyên Tây. Ðường này đi lại khó khăn, thường thường mấy chục dặm không có nhà ở.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiếu Ngạo Giang Hồ.