Chương 12: Đậu khấu thiều hoa
-
Trâm - Kẻ Yểu Mệnh
- Châu Văn Văn
- 9427 chữ
- 2020-05-09 04:06:55
Số từ: 9416
Người dịch: Tố Hinh
Nhà xuất bản Hà Nội
Hoàng Tử Hà ngước nhìn trời, cắn mạnh vào đầu lưỡi, mượn cơn đau ép mình tập trung tinh thần.
Cô gắng hít thở để nỗi nhói buốt trong lồng ngực dịu đi.
Cô nghĩ đi nghĩ lại về cái chết của Ngụy Hỷ Mẫn, sự cố ngã ngựa của phò mã và giấc mộng của công chúa, gắng tìm điểm chung giữa ba điều này, hòng xua tan những ý nghĩ về Vũ Tuyên.
Lúc men theo con đường nhỏ dưới gốc hợp hoan đi đến trước khung cửa tròn, cô đã bình tĩnh lại, ít ra nhìn bề ngoài đã thản nhiên như thường.
Thùy Châu đứng đợi trước cửa, tươi cười bước tới đón cô:
Phòng phò mã ở vườn Túc Vi, để nô tỳ dẫn công công đến.
Đa tạ, phiền tỷ tỷ quá.
Thùy Châu nhoẻn cười, đi trước dẫn đường. Đến trước một cánh cổng, ả định giơ tay đẩy ra thì bỗng rụt vội lại, dẫn cô quành sang đường xa hơn. Dù không thông thuộc đường sá trong phủ, Hoàng Tử Hà cũng biết rõ ràng ả đi đường vòng.
Ngoảnh lại nhìn cánh cổng khóa chặt, cô làm bộ vô tình hỏi:
Bên đó là chỗ nào vậy, sao phải khóa?
Thùy Châu chần chừ rồi ngập ngừng đáp:
Đó là vườn Tri Cẩm, bên trong trồng rất nhiều chuối và diên vĩ, tránh nắng hè là tiện nhất. Nhưng từ tháng trước, cứ đến nửa đêm lại nghe có tiếng khóc lóc trong đó, mọi người đều nói...
Thùy Châu nhìn quanh quất, thấy xung quanh không có ai, mới hạ giọng thật khẽ,
Đều nói có thứ không sạch sẽ. Công chúa bèn sai người mời đạo sĩ đến làm phép, rồi khóa cửa lại, nghe nói phải thanh tẩy oán khí mười năm mới mở ra được.
Hoàng Tử Hà đương nhiên không tin quỷ thần, nhưng vẫn ngoái đầu nhìn vườn Tri Cẩm, gắng ghi nhớ lại.
Vườn Túc Vi, nơi ở của phò mã trồng đầy tử vi. Đang giữa mùa hoa, hoa nở rộ thành từng chùm từng bụi, hết sức vui mắt.
Phò mã đang trò chuyện với Thôi Thuần Trạm, thấy thị nữ dẫn cô vào thì bảo:
Dương công công, chúng ta đang thảo luận về trận cầu hôm qua đây! Thân thủ công công nhanh nhẹn thật đấy, hôm nào rảnh ta đấu lại được chăng?
Hoàng Tử Hà cười đáp:
Nô tài đâu dám, phò mã mới là xông xáo khắp sân, khiến người kính phục.
Thôi Thuần Trạm săm soi cô từ trên xuống dưới, đầy vẻ nghi hoặc:
Gì cơ? Dương công công chơi kích cúc giỏi lắm à? Đúng là ta nhìn không ra đấy.
Đâu thể trông mặt mà bắt hình dong được?
Vi Bảo Hoành cười,
Vốn dĩ lúc Vương Uẩn mời tham gia, ta còn nói, Chu Tử Tần chỉ là tay mơ, tên Trương Hàng Anh to xác kia thì chẳng có ngựa mà cưỡi, chấp thêm cả Dương công công, một mình ta đấu với ba người họ còn e hiếp người quá đáng, huống hồ lại liên thủ với Vương đô úy, đúng là ỷ mạnh hiếp yếu mà! Ha ha, thực không ngờ cuối cùng lại bại trong tay họ.
Thôi Thuần Trạm suýt rớt cả hàm dưới:
Trận đấu hôm qua chẳng phải vì ngựa của phò mã gia xảy ra chuyện nên phải ngừng lại ư?
Ôi dào, thua là thua thôi, huống hồ Quỳ vương gia cũng ra trận, ta còn dám đánh nữa sao?
Nói đoạn, hắn cười với Hoàng Tử Hà,
Nhắc đến thì, thể diện Dương công công cũng lớn quá, vời được cả ba vị vương gia so tài thay mình, trong cả kinh thành này, công công là người đầu tiên đấy.
Nô tài nào dám, các vương cũng vì biết đối thủ là phò mã gia, nên mới chịu ra trận đấy thôi, nô tài đâu có cái thể diện ấy.
Hoàng Tử Hà vội đáp.
Ài, tiếc rằng lần này ta thực mất mặt quá, giữa chừng lại ngã ngựa, đúng là thanh danh bấy nhiêu năm đều đổ xuống sông cả rồi!
Miệng nói vậy nhưng mặt Vi Bảo Hoành vẫn tươi hơn hớn, còn cười hì hì xắn tay áo lên cho họ xem,
Thấy chưa? Vết thương lớn nhất trên người đấy, dài hai tấc rộng nửa tấc, là vết trầy.
Thôi Thuần Trạm vừa bực mình vừa buồn cười, vỗ bộp lên khuỷa tay hắn,
Thôi đi, đường đường nam tử hán, chỉ trầy da chút xíu mà cũng phải bôi thuốc, không biết xấu hổ!
Công chúa nói rồi đấy thôi, trên người có sẹo thì không sao, nhưng nếu mặt bị sẹo, thì không làm phò mã được nữa đâu.
Hắn nghênh ngang nói, đoạn bảo Hoàng Tử Hà,
Hôm qua ta suy nghĩ rất lung mà không sao thông được. Công công bảo con ngựa ta tiện tay dắt bừa đó, đã bị người ta hạ thủ lúc nào vậy? Ta cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi, hình như không có cơ hội ra tay đâu.
Nô tài hiện giờ cũng chưa có manh mối gì, có lẽ bọn nô tài phải điều tra thêm đã.
Hoàng Tử Hà lại hỏi,
Chẳng hay bên cạnh phò mã có việc gì hay người nào đáng chú ý chăng?
Vi Bảo Hoành nhíu mày nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp:
Hình như không có.
Ừm...
Hoàng Tử Hà còn đang trầm tư thì hắn thình lình đập bàn thốt lên:
À có! Gần đây ta quen một kẻ, đúng là vô cùng kỳ quái, không thể diễn tả được!
Ai cơ?
Hoàng Tử Hà và Thôi Thuần Trạm vội hỏi dồn.
Một tên tiểu hoạn quan, dung mạo thanh tú, dáng người nhỏ nhắn, song tài kích cúc còn cao cường hơn cả đám người ở Tả Kim Ngô Vệ, đó chính là việc lạ lùng nhất mà ta gặp gần đây!
Phò mã gia đừng đùa nữa mà!
Hoàng Tử Hà cười gượng rồi đứng dậy đi lại trong phòng, chợt trông thấy trên tường treo một bức tranh chữ, vẽ một cành đậu khấu đỏ rực, đôi chiếc là xanh như có như không. Bên cạnh bài đề bài thơ của Đỗ Mục:
Tuổi chớm mười ba dáng thướt tha
Tháng Hai đậu khấu mới đơm hoa
Gió xuân mười dặm Dương Châu thổi
Vén rèm trông, thấy thảy kém xa.
Đậu khấu là cây họ gừng, thân rễ to bằng ngón tay, gốc bẹt, lá dài, quả hình trứng, dùng làm thuốc và gia vị. Song đậu khấu hay được dùng ẩn dụ để ví người thiếu nữ độ tuổi mười ba mười bốn. Phép ẩn dụ này có xuất xứ từ bài thơ trên.
Hoàng Tử Hà nhìn dòng lạc khoản, không khỏi trầm trồ:
Phò mã gia quả là thư họa song tuyệt.
Thư họa song tuyệt gì chứ, thời còn ở Quốc Tử Giám, ta toàn cùng Tử Tần trốn học đi trèo cây bắt chim đó.
Vi Bảo Hoành xua tay,
Chẳng phải đều là cha ta ép ta ư.
Thôi Thuần Trạm cũng tấm tắc:
Ty chức thích bài thơ này lắm, tiểu cô nương mười ba mười bốn, đậu khấu đầu cành, đúng là trẻ trung thuần khiết, rung động lòng người...
Vi Bảo Hoành trợn mắt:
Chẳng hay tôn phu nhân năm nay…?
Khụ khụ... lớn hơn ty chức ba tuổi cơ. Có điều trong lòng ty chức vẫn mãi mãi là tiểu cô nương thuần khiết trẻ trung.
Hoàng Tử Hà chẳng buồn đếm xỉa đến cả hai, chỉ mãi ngắm nhìn bức họa:
Cành đậu khấu này phò mã gia vẽ đẹp quá, trong cả bài thơ, hai chữ đậu khấu viết cũng đẹp nhất.
Nét mặt Vi bảo Hoành bỗng u ám hẳn đi, nhưng chỉ cười cười không nói.
Thôi Thuần Trạm lại khen ngợi:
Dương công công cũng am hiểu thư họa nhỉ, quan sát tinh tường ghê.
Nô tài cũng bị cha ép học, nhưng mới chỉ học được hai năm thôi.
Trong ba người, Hoàng Tử Hà là kẻ duy nhất giữ vững thái độ với công việc, lại hỏi tiếp:
Xin hỏi phò mã có biết Ngụy Hỷ Mẫn không?
Công công nói kẻ bị trời phạt ấy ư?
Vi Bảo Hoành thuận miệng đáp:
Ta biết chứ, y ngày ngày theo hầu công chúa, người đã lùn lại còn hay khúm núm khom lưng uốn gối, trông như chó vậy. Được mỗi ưu điểm là chủ nhân sai cắn ai liền cắn ngay, rất nghe lời.
Nghe giọng điệu miệt thị của hắn, Hoàng Tử Hà bèn gặng:
Xem ra cũng là kẻ xông xáo được việc?
Thì được việc mà, được việc đến nỗi khiến người ta chẳng còn lời nào mà nói.
Vi Bảo Hoành cười nhạt,
Mấy tháng trước xảy ra một chuyện, chắc chắn các vị dò hỏi sẽ biết thôi, nên ta cũng kể luôn. Nếu không phải ta chạy khắp các nha môn dập đi, e rằng công chúa và thanh danh phủ công chúa đều tiêu tan rồi.
Hoàng Tử Hà và Thôi Thuần Trạm nhìn nhau, Thôi Thuần Trạm hỏi:
Chuyện gì vậy?
Chuyện này có lẽ chẳng liên quan gì đến vụ án, nhưng dường như lại cũng liên quan đến vụ án. Nếu không cần thiết, xin hai vị đừng lan truyền ra ngoài, bằng không sẽ làm tổn hại thanh danh phủ công chúa.
Vi Bảo Hoành dặn dò, đoạn nhíu mày trầm tư một thoáng rồi kể:
Đèn nến trong phủ xưa nay đều do tiệm nhang đèn nhà họ Lữ cung cấp. Tháng trước, lão Lữ có việc bận, bèn sai con gái đến giao hàng, kết quả cô nương con nhà tiện dân đó không hiểu phép tắc, không kịp tránh mặt công chúa… còn sơ ý giẫm lên làm bẩn gấu quần nàng.
Thôi Thuần Trạm buột miệng:
Chuyện nhỏ như vậy, phò mã cần gì phải để tâm?
Vốn là chuyện nhỏ, nhưng nhờ tay Ngụy Hỷ Mẫn lại quạt thành chuyện lớn. Công chúa lệnh cho Ngụy Hỷ Mẫn uốn nắn cô gái ấy, tên Ngụy Hỷ Mẫn này, để làm đẹp lòng công chúa, bèn đánh cho cô ta ngất xỉu, rồi vứt ra góc đường. Kết quả, bị một tên vô lại, tên gì ấy nhỉ... Hình như mọi người đều gọi là Tôn ghẻ, một gã lưu manh hơn bốn mươi rồi, khắp người lở loét, ai thấy cũng ghê tởm. Thấy tiểu cô nương kia bất tỉnh nhân sự, hắn bèn...
Vi Bảo Hoành tỏ vẻ xót xa, Thôi Thuần Trạm thì trợn trừng cả mắt, chỉ mình Hoàng Tử Hà bình thản cau mày:
Tiệm nhang đèn nhà họ Lữ ư?
Đúng thế, nghe nói lão Lữ xưa nay luôn khinh rẻ con gái, chuyện này lại đồn ầm cả lên, lão cho rằng cô ta làm điếm nhục gia môn, bèn đuổi ra khỏi nhà. Nghe nói tiểu cô nương đó đã bỏ xác ngoài đồng hoang, ôi...
Hoàng Tử Hà nhíu mày hỏi:
Vậy còn lão Lữ thì sao?
Nói ra thì, gặp phải kẻ nhát gan như lão ta là còn may đấy. Ta đã chạy vạy khắp các nha môn để dập chuyện này đi, còn tặng nhà họ Lữ hai trăm lạng bạc, sai người dần cho tên Tôn ghẻ kia một trận, lão Lữ mới cảm kích mà bỏ qua.
Thôi Thuần Trạm than thở,
Lão ta... đúng là nhát gan sợ chết, sẽ không báo thù ư? Theo ty chức biết thì Ngụy Hỷ Mẫn hình như bị chính cây nến do lão làm thiêu chết đó.
Vi Bảo Hoành xòe tay:
Vậy mới gọi là trời phạt, oan oan tương báo, cuối cùng nến do lão Lữ làm ra thiêu chết Ngụy Hỷ Mẫn, chẳng phải là kết cục rất hay ư?
Thôi Thuần Trạm rầu rĩ đáp:
Nếu công chúa cũng nghĩ được như vậy thì tốt quá.
Rời khỏi phủ công chúa, Thôi Thuần Trạm hỏi cô:
Tiếp theo đây Dương công công định đi đâu?
Nô tài thấy nhất định phải tới tiệm nhang đèn nhà họ Lữ một chuyến.
Ừm, hai ta cùng đi.
Hoàng Tử Hà lắc đầu:
Thôi thiếu khanh vận quan phục thế kia, nếu đến sẽ bị nhận ra ngay. Chi bằng để nô tài đi nghe ngóng trước, có khả nghi thì truyền lão tới Đại Lý Tự thẩm vấn là được.
Vậy thì hay quá.
Thôi Thuần Trạm nhìn giờ rồi hối hả nói,
Sáng nay lúc ra cửa bà nhà ta nói sẽ đích thân xuống bếp, ta phải mau mau về nhà ăn cơm bà ấy nấu, xem chừng sắp muộn...
Thôi thiếu khanh đi thong thả.
Hoàng Tử Hà nhìn theo xe ngựa của Thôi Thuần Trạm đi xa dần, rồi lập tức vẫy ngay một cỗ xe khác, may mà trời thương, cô vẫn còn kinh phí tra án moi được của Lý Thư Bạch lần trước,
chưa kịp
trả lại, bằng không lấy đâu tiền thuê xe?
Chạy thẳng đến nhà Chu Tử Tần, quả nhiên gã đang giam mình trong nhà nghiên cứu xương cốt.
Sùng Cổ, mau đến đây!
Chu Tử Tần trỏ chiếc đầu lâu bày trên giá, mừng rỡ gọi:
Mau đến đây chứng kiến thành tựu vĩ đại nhất của ta từ trước đến giờ này!
Hoàng Tử Hà thở dài,
Tôi tới tìm công tử có chuyện này cần bàn bạc...
Ôi dào, mặc kệ mặc kệ, mau đến đây!
Vừa nói, gã vừa túm lấy tay áo kéo cô vào nhà. Cô loạng choạng theo gã vào, thoạt nhìn đã thấy một chiếc đầu bày trên giá, tức thì giật nảy mình.
Giống người thật nhỉ? Ha ha, cũng như lần trước khôi phục lại bàn tay thôi, có điều cơ thịt gân mạch trên mặt quá nhiều, đến giờ ta mới lần đầu tiên làm được cái này... Này này, công công có cảm thấy... trông gương mặt này hơi quen quen không?
Còn không quen được ư? Khuôn mặt này nhan nhác Vương hoàng hậu. Hoàng Tử Hà thầm nghĩ.
Lúc cầm chiếc đầu lâu này, ta đã biết là mỹ nhân rồi, chỉ không ngờ lại đẹp đến thế.
Chu Tử Tần vuốt ve chiếc đầu trên giá, xuýt xoa.
Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ giây lát, chợt hỏi:
Công tử lấy đâu ra chiếc đầu này thế?
Mua chứ đâu, ta vẫn nhờ người phụ trách chôn cất các thi thể vô danh ở bộ Hộ để ý tìm giùm. Hừm, chuyện này là phạm pháp đấy, công công không được tiết lộ đâu nhé. Có một hôm, trước ngày chúng ta vớt được cái xác không đầu dưới kênh ấy, y lén lút mang cái này tới cho ta, nói là có người tìm được trong bụi cỏ. Ai da, lúc ấy trông nó còn be bét máu me, nhìn rất kinh tởm, có điều sau khi lóc hết da thịt, ta phát hiện cái đầu lâu này rất xinh đẹp, công công bảo có phải không?
Hoàng Tử Hà vơ ngay cái túi to, bọc lấy chiếc đầu ôm vào lòng, nói:
Chu công tử, tôi phải đem cái đầu này đi.
Hả? Tại sao?
Đừng hỏi nữa.
Cô nhét vội cái đầu vừa phục chế vào túi, hối hả dặn,
Tôi đem đi đây, sau này công tử tìm cái khác đi
Ôi ôi, Sùng Cổ đừng tuyệt tình thế chứ... Đây là chiếc đầu đẹp nhất ta từng thấy từ khi sinh ra đến giờ đấy... Trong lòng ta chỉ có nó thôi, công công đừng đem đi mà...
Chu Tử Tần túm chặt cái túi, kêu khóc om sòm,
Sùng Cổ không thể đối xử với ta như thế được! Nghĩ mà xem, vụ án vương phi lần trước ta đã chạy đôn chạy đáo vì công công, hết vớt thi thể lại đào huyệt, không có công cũng có sức, còn công công thì sao? Đến giờ vẫn không chịu tiết lộ chân tướng cho ta! Ta biết cái xác trong quan tài ấy không phải Vương Nhược, tại sao nhà họ Vương vẫn đưa về Lang Gia an táng không phàn nàn nửa câu? Còn nữa, hung thủ thật sự trong vụ đó là ai? Rốt cuộc hắn đã ra tay thế nào? Ta chẳng biết gì cả? Sùng Cổ nhẫn tâm vừa vừa thôi chứ... Bất kể thế nào, chuyện khác ta cũng không để bụng, nhưng công công để lại cái đầu này cho ta đi! Xin công công đấy, hay là ta dùng đầu mình đổi cho công công nhé được không...
Hoàng Tử Hà nghe gã khóc lóc kể lể đành thở dài nói khẽ:
Tử Tần, chiếc đầu này có lẽ là... con gái một người quen của tôi. Từ nhỏ cô ấy đã bị mẹ bỏ rơi, thân thế rất đáng thương, chết cũng rất thảm. Một cô gái đẹp như vậy mà phải đầu một nơi mình một nẻo, công tử đành lòng hay sao? Cho tôi đem cô ấy về an táng đi.
Thôi... thôi được
Chu Tử Tần do dự hồi lâu, cuối cùng đành lưu luyến buông tay ra, rầu rĩ nhìn cô,
Này... Sùng Cổ, nghe nói giờ công công đang điều tra vụ án ở phủ công chúa, lần này nhất định phải dẫn ta theo đấy! Ta muốn cùng công công điều tra toàn bộ vụ này, hơn nữa, ta sẽ dựa vào thủ pháp cao siêu và tài năng trời phú để phá án trước công công cho xem!
Hay quá, thực ra tôi tìm công tử cũng vì việc này đây.
Hoàng Tử Hà ra hiệu cho gã,
Trước hết, con cá lần trước đem về, công tử đã xét nghiệm chưa? Kết quả thế nào?
Chu Tử Tần nghiêm trang đáp:
Dĩ nhiên là rồi! Ta là ngỗ tác có trách nhiệm nhất trong triều đấy! Lũ cá đó quả nhiên đều trúng độc chết.
Độc gì vậy? Nguồn gốc thế nào?
Vẫn chưa thể khẳng định, nhưng hình như là trúng độc thủy ngân.
Chu Tử Tần gãi đầu bối rối, đoạn nhíu mày,
Lạ thật, ai lại bỏ thủy ngân xuống hồ cá chứ? Thứ này mang đi mang lại không tiện, mà việc gì phải bỏ xuống hồ?
Hoàng Tử Hà cau mày nghĩ ngợi giây lát rồi nói:
Cứ biết thế đã, giờ công tử tìm cho tôi một bộ đồ, rồi chúng ta đến tiệm nhang đèn nhà họ Lữ.
Được thôi, thân hình A Bút cũng na ná công công, để ta đi lấy ngay.
Trong chốc lát, Hoàng Tử Hà đã lắc mình biến thành người hầu của Chu Tử Tần.
Hai người tìm thấy tiệm nhang đèn họ Lữ ở chợ Tây. Từ đằng xa trông thấy tấm bảng hiệu lộng lẫy, bên trên viết một chữ Lữ to tướng.
Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần ghé vào quán trà cạnh đó,Chu Tử Tần xông xênh tiền bạc, vừa vào đã gọi Mông Đỉnh Cam Lộ thượng hảo, còn thêm bốn loại mứt quả tám đĩa điểm tâm, lại thưởng hậu cho kẻ hầu trà, khiến hắn vui đến nỗi bỏ mặc những khách khứa khác, chỉ chăm chăm hâm trà cho bọn họ.
Công công nhìn tăm mắt cua này, đẹp chưa.
Chu Tử Tần kéo Hoàng Tử Hà lại nhìn tăm sủi lên từ lò lửa,
Ồ, nhiều tăm quá, Sùng Cổ xem này, lần trước ta từng thấy bọt máu sùi ra từ miệng một người cũng thế này đấy! Công công đoán xem, người đó bị thương chỗ nào trong lục phủ ngũ tạng?
Hoàng Tử Hà vội huých khuỷu tay vào thắt lưng Chu Tử Tần, ngăn gã nói tiếp.
Đun trà xong, tên hầu bèn bưng đến rót cho hai người, cười cười nói:
Công tử tinh mắt quá, chọn trúng ngay tôi. Tôi hầu trà mười mấy năm nay rồi đấy, trong quán này không ai bì nổi tay nghề của tôi đâu.
Hoàng Tử Hà cười đáp:
Ngươi chẳng qua mới mười mấy năm thôi, này, có thấy tiệm nhang đèn đối diện kia không? Nghe nói nghề làm nhang đèn nhà họ truyền đến bốn đời rồi đấy, đó mới gọi là nghề tổ truyền.
Nhà đó thì không bì được rồi, bốn đời làm nhang đèn, phải đến hơn trăm năm ấy chứ, nếu không cây nến lớn trong chùa Tiến Phúc sao lại giao cho họ làm?
Chu Tử Tần chớp mắt, vẫn chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, đành ngoan ngoãn bưng chén trà lên uống.
Có điều nghe nói nhà họ cũng chỉ truyền được đến đời thứ tư thôi, lão Lữ đâu có con trai!
Quả vậy, chỉ có độc một đứa con gái, coi như là tuyệt tự rồi. Huống hồ, còn xảy ra chuyện này.
Nhắc đến mấy chuyện ngồi lê đôi mách, tên hầu trà phấn chấn hẳn lên,
Hai vị có nghe nói chưa? Lão ta đuổi con gái đi rồi! Ai da, dù là con gái cũng không nên chà đạp như thế, ngày sau lão ta già khọm, để xem lấy ai phụng dưỡng!
Hoàng Tử Hà giả bộ hào hứng hỏi,
Nghe nói lão ta đuổi con gái đi, là vì chuyện tên Tôn ghẻ?
Đúng thế, Tôn ghẻ người chẳng ra người ngợm không ra ngợm, vừa xấu xí vừa bệnh tật, hơn bốn mươi tuổi vẫn chưa lấy được vợ, thấy con gái người ta ở ngoài đường, bèn giở trò vô lại. Đã thế, còn đi khắp nơi khoe khoang, khiến người trong kinh ai ai cũng biết, chẳng phải là ép chết cô ta ư!
Chu Tử Tần không dè nội tình thê thảm đến thế, bất ngờ đến nỗi suýt lảm rơi chén trà trong tay. Gã trỏ tiệm nhang đèn đối diện hỏi:
Chính là… lão Lữ làm nến ư?
Hoàng Tử Hà vẫn bình thản hỏi:
Sao lão Lữ không báo quan để nghiêm trị tên Tôn ghẻ kia?
Thôi thôi đừng nhắc đến nữa, chẳng phải mọi người đều chửi rủa lão vì chuyện này ư? Lão nhận tiền xong là im như thóc, còn chê con gái nhơ bẩn, đuổi cổ ra khỏi nhà.
Tên hầu trà cũng không nén nỗi cơn giận, giọng cao hẳn lên,
Hôm đó, chúng tôi tận mắt chứng kiến lão đá cô ta ra cửa, rồi ném một con dao một sợi dây thừng trước mặt, bảo cô ta tự chọn lấy cách chết, đừng chết trong nhà làm mất mặt lão!
Nghe đến đó, Chu Tử Tần đập bàn giận dữ mắng:
Khốn nạn thật, lão ta không đi liều mạng với kẻ thù, lại chà đạp con gái mình như vậy, có còn là người nữa không?
Tên hầu lắc đầu:
Tội nghiệp lắm, Tích Thúy con gái lão quỳ ngay giữa đường, khóc đến ngất xỉu mấy lần song lão kiên quyết không mở cửa! Các vị bảo một cô nương mới mười sáu mười bảy, bị giày vò như thế, còn mang tai mang tiếng khắp nơi, đi đến đâu cũng bị soi mói, đã khốn đốn đến cùng cực rồi, vậy mà cha ruột cô ta còn không dung chứa, thẳng tay đuổi khỏi nhà, có phải là hành động của con người nữa không?
Hoàng Tử Hà ngoài mặt vẫn bình tĩnh nhưng cơn giận đã ứ đầy lồng ngực. Cô gắng nén giận hỏi:
Vậy về sau con gái lão ta đi đâu?
Cô ta quỳ giữa đường dưới trời nắng chang chang hơn hai canh giờ mà cửa vẫn không mở. Cuối cùng chúng tôi không đành lòng, định chạy ra vực cô ta vào thì cô ta đã chụp lấy sợi thừng, liêu xiêu chạy ra khỏi chợ Tây, chẳng biết là đi đâu… Ôi, giờ cũng chẳng rõ đã chết ở rừng sâu núi thẳm nào rồi!
Chu Tử Tần giận đến nỗi nói không nên lời, hồi lâu mới trỏ tiệm nhang đèn đối diện chửi toáng lên:
Lão già đó nhất định sẽ gặp báo ứng!
Dào ôi, báo ứng gì thì cũng nhanh nhanh lên! Lão ta già khọm mới có con gái, bà vợ cũng lớn tuổi, sau khi sinh bị băng huyết qua đời, chỉ để lại một cô con gái đó thôi. Tích Thúy rất ngoan, mới bốn năm tuổi đã theo phụ việc cha, bảy tám tuổi đã biết kê ghế đứng bếp nấu cơm cho cha! Còn lão già kia thì sao! Hằng ngày mở mồm ra là chửi con gái vô dụng, hễ thấy nhà người ta có con trai là nhìn trừng trừng đến rơi tròng mắt. Các vị bảo, thành Trường An có đến cả trăm vạn người, kẻ trọng nam khinh nữ không ít, nhưng đã thấy ai thèm con trai đến phát điên như lão ta chưa? Nếu hôm trước lão ta bị sét đánh chết thì láng giềng cũng chẳng lấy làm lạ!
Tên hầu trà vừa lắc đầu than thở, vừa ra ngoài múc nước, miệng vẫn không thôi lải nhải,
Xóm giềng bọn tôi chỉ tiếc là trời cao không có mắt! Tôn ghẻ bệnh tật rề rề bao năm nay, nếu lúc hắn giở trò mà Tích Thúy bỏ chạy, chắc chắn hắn không thể đuổi kịp, sao cô ta lại bị hắn bắt được nhỉ?
Chu Tử Tần đang giận sôi gan, quay sang Hoàng Tử Hà thì thấy cô bặm môi, tay nắm chặt lấy mép bàn, gân xanh nổi cả lên, gã giật nảy mình, hốt hoảng hỏi:
Sùng Cổ sao thế?
Hoàng Tử Hà thở hắt ra mấy hơi, cuối cùng mới thả lỏng tay, gắng hạ giọng đáp:
Tôi không sao… Xưa nay chưa gặp kẻ nào chà đạp đàn bà con gái đến mức này, nên có phần hơi… khó chịu.
Công công nghe tên hầu trà kể rồi chứ? Không thấy lạ ư? Tại sao lúc bị tên ghẻ lở ốm yếu kia bắt, Tích Thúy không bỏ chạy? Ta thấy đáng lẽ cô ta phải ra sức giãy giụa phản kháng, không thì cũng nên hô hoán lên chứ?
Hoàng Tử Hà thầm nghĩ, công tử làm sao biết được, trong chuyện này còn có phần của tên Ngụy Hỷ Mẫn phủ công chúa?
Thấy thái độ của cô, Chu Tư Tần ngạc nhiên hỏi:
Công công không thấy lạ ư? Không kinh ngạc à?
Lạ lắm, kinh ngạc lắm.
Hoàng Tử Hà thở dài đứng dậy:
Tuy không muốn liên hệ gì với lão già đó, nhưng việc cần hỏi vẫn phải đi hỏi thôi. Công tử chuẩn bị đi, chúng ta cùng sang bên ấy.
Nhà họ Lữ bốn đời buôn bán, tiệm nhang đèn ở chợ Tây trải bao năm tháng trông đã cũ kỹ vô cùng. Mặt tiền cửa tiệm rất nhỏ, lối vào cũng hẹp, chỉ đủ quay người. Bên trái xếp một hàng giá nến bằng sắt, cắm đủ loại nến cao thấp khác nhau, bên phải là một quầy gỗ bày các miếng hương thẻ hương, lão Lữ đang rạp người trên mặt quầy, khắc một cây nến long phượng to bằng cánh tay trẻ con.
Cửa tiệm chỉ chiếm nửa gian trước, nhìn qua cánh cửa hậu mở toang, có thể thấy nửa gian sau trống không, dựng một cái lều chất đầy sáp nến và khuôn nến, lúc này, trên bếp lò đang nấu một nồi sáp đỏ, bốc mùi hăng hắc.
Cảm giác được có người bước vào, Lữ Chí Nguyên cũng chẳng buồn ngẩng lên, chỉ cất giọng khàn khàn hỏi:
Quý khách muốn mua gì?
Hoàng Tử Hà chắp tay vái chào lão rồi nói:
Lão trượng, ta là người của Đại Lý Tự, lần trước từng gặp ở chùa Tiến Phúc, lão còn nhớ không?
Bấy giờ Lữ Chí Nguyên mới chịu bỏ dao khắc xuống, nheo mắt nhìn cô, vẻ mặt vẫn trơ trơ:
Ồ, ra là các vị.
Đại Lý Tự có vài câu muốn hỏi lão, liên quan đến cái chết của Ngụy Hỷ Mẫn, lão có rảnh không?
Lão lữ nâng nhẹ cây nến trong tay lên đáp:
Đại nhân đợi cho một lát, trời nóng quá, nến vừa khắc xong mà để trên quầy sẽ bị biến dạng, lão phải nhuộm màu lên đã.
Lão cứ tự nhiên.
Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần ngồi trong tiệm, nhìn lão cầm cây nến đi đến cạnh chiếc nồi đang đun sáp đỏ đằng sau, nắm lấy sợi bấc ở đuôi nến, nhúng vào nồi xoay nhanh một vòng, cây nến trắng tức thì được phủ một lớp sáp đỏ tươi.
Đoạn, lão vơ lấy một nắm gì đó màu vàng đậm bỏ vào nồi, dùng chổi lông khuấy cho tan, miệng hỏi:
Có chuyện gì?
Lúc Ngụy Hỷ Mẫn chết, lão ở đâu?
Chẳng phải lão đã kể rồi sao? Tại nhà ở phường Phong Ấp!
Lão Lữ dùng chổi lông chỉ về phía phường Phong Ấp đằng sau,
Thế này, sớm hôm ấy sau khi đến giao hàng, vì lao lực quá độ nên lão ngã ngất tại chỗ, không đứng dậy nổi. Mã Lục đánh xe cùng lão đi giao hàng thấy vậy bèn đưa lão về nhà, thím Ngô đằng sau còn gọi thầy thuốc tới xem bệnh cho lão. Gã lang băm khốn kiếp đó không tìm được căn nguyên, chỉ kê mấy thứ thuốc bổ rồi dặn lão nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Hắn vừa đi khỏi thì lão được tin cây nến kia bị sét đánh trúng, đã nổ tung. Lão hốt hoảng toan trở dậy chạy đến xem, nào ngờ vừa đứng lên đã thấy hoa mắt chóng mặt ngã lăn ra!
Hoàng Tử Hà cau mày, cảm thấy theo lời lão kể thì quả thật không có thời gian gây án, lại hỏi:
Một ngày trước pháp hội chùa Tiến Phúc, lão ở đâu?
Chùa Tiến Phúc tuy sẵn tiền, nhưng trước một tháng mới gom góp đủ các loại sáp đưa đến. Các vị có biết, làm một đôi nến to như thế phải mất bao nhiêu công sức không? Nhất là tháng trước, con gái lão… bị lão đuổi đi, tay thợ phụ Trương Duyên cũng đau ốm, một mình lão phải bắc giá làm nến, hì hục suốt đêm, không rời nửa bước, đại nhân cứ hỏi láng giềng quanh đây xem, lão lục đục suốt đêm, có lúc nào rời ra được đâu?
Vừa nói lão vừa nhìn vào trong nồi, thấy sáp vàng trong nồi đã đủ độ, bèn nhúng chổi vào, thong thả quết lên những hoa văn long phượng và mây lành khắc trên thân nến, chẳng buồn nhìn bọn họ nữa.
Hoàng Tử Hà lại hỏi,
Về cái chết của Ngụy Hỷ Mẫn, lão có thấy…
Được rồi, lão chỉ mong y chết thôi đấy!
Lão Lữ nói toẹt ra luôn,
Đồ hoạn quan chó cậy thế chủ, chết sớm ngày nào hay ngày nấy! Tiếc rằng trời lại giáng sấm sét làm nổ cây nến kia, hủy hoại thanh danh cả đời lão!
Công công thấy lão già đó… có khả nghi không?
Thấy Hoàng Tử Hà cứ xăm xăm đi chẳng nói chẳng rằng, Chu Tử Tần dè dặt hỏi.
Hoàng Tử Hà cau mày, vừa đi vừa đáp:
Không biết, phải hỏi thêm mới rõ.
Đến phường Phong Ấp thì vừa tới giờ Thân. Chỉ thấy một đám các bà các chị đang xúm xít dưới gốc cây cạnh giếng vừa giặt giũ vừa chuyện phiếm.
Hoàng Tử Hà bước đến hành lễ với họ, đoạn hỏi dò:
Xin hỏi các vị nương tử, nhà Lữ Chí Nguyên Lữ lão trượng đi đường nào vậy?
Mấy người đàn bà trỏ một căn nhà đầu hồi bò đầy dây leo:
Nhà họ Lữ ở đằng kia kìa, có điều ban ngày lão Lữ ở cửa tiệm trong chợ Tây, nhà không có ai đâu.
Vậy… tối lão có về không?
Đương nhiên về, ôi chao, chúng tôi là hàng xóm láng giềng, có lúc cũng bực mình với lão. Nhất là một tháng trở lại đây, lão chúi đầu làm cây nến đó bất kể ngày đêm, cứ nghe tiếng khuôn đồng rồi khoan sắt loảng xoảng suốt đêm không sao ngủ nổi.
Một người khác tiếp lời:
Chẳng thế nữa, đêm trước hôm xảy ra chuyện ở chùa Tiến Phúc, bà con nhớ không? Nửa đêm nửa hôm còn ầm ĩ, làm đồ tể Lưu ở sát vách mất ngủ, cứ thế chửa vống sang, nhưng lão Lữ làm thinh, vẫn mãi miết làm nến, gõ đập choang choang. Đồ tể Lưu bảo, chỉ hận không thể xách rìu sang phá cửa nhà lão ta đấy.
Hoàng Tử Hà lại hỏi:
Vậy Tích Thúy con gái lão bây giờ…
Tích thúy à? Chẳng biết nữa…
Người nọ lộ vẻ xót xa,
Ôi chao, con bé ngoan ngoãn là thế, lại lanh lợi, đám trai trẻ trong phường để ý nó nhiều lắm, ai ngờ lại bị hủy hoại như vậy.
Chẳng thế ư, theo tôi thấy, lẽ ra sét nên đánh chết Tôn ghẻ mới phải, sao lại giáng xuống hoạn quan phủ công chúa cơ chứ?
Lẽ nào sét lại đánh nhầm?
Chưa chừng là vì Tôn ghẻ không dám bước chân ra khỏi nhà ấy?
À, các bà có nhớ chuyện tháng trước không? Vụ Tích Thúy lén giấu giá nến đi tìm Tôn ghẻ liều mạng ấy!
Ai mà quên được! Lão Lữ đúng là quân lòng lang dạ sói! Nhận tiền người ta xong thì giật ngay lấy giá nến, còn tát cho con bé ngã lăn ra đất! Tôi cũng lấy làm lạ, nghe nói Tôn ghẻ đau ốm bao nhiêu năm chẳng có tiền chữa trị, lấy đâu ra chừng ấy tiền đút cho lão?
Số con bé khổ thật! Vừa ra đời đã mồ côi mẹ, đến cuối cùng lại gặp phải chuyện thế này...
Đại nương đa cảm đã bắt đầu kéo một góc tạp dề lau nước mắt,
Thà sớm đi gặp mẹ nó còn hơn, sống trên đời mà thế này chỉ chịu tội thôi!
Xem ra, phủ công chúa hành động thật kín kẻ, dân chúng không hề biết tấn thảm kịch của Tích Thúy có bàn tay của Nguỵ Hỷ Mẫn nhúng vào.
Rời khỏi phường Phong Ấp, thấy Hoàng Tử Hà cứ ngẩn ngơ, chân đi như bước trên mây, Chu Từ Tần lo lắng giơ tay đỡ lấy vai cô, ân cần hỏi:
Sùng Cổ sao vậy?
Đặt mình vào hoàn cảnh cô ấy... tôi thấy... sợ quá.
Hoàng Tử Hà lẩm bẩm, rồi ngồi thụp xuống, cảm thấy cơn buồn nôn cuộn lên trong ngực.
Cô chống tay vào gốc cây bên cạnh, gắng thở đều để kìm nén niềm căm uất.
Chu Tử Tần không hiểu tại sao Dương Sùng Cổ là hoạn quan mà lại đặt mình vào bi kịch của một thiếu nữ, nên cũng ngồi xuống bên cạnh, nghi hoặc nhìn cô hồi lâu, thấy sắc mặt cô từ từ hồng hào trở lại, mới dè dặt hỏi:
Công công không sao chứ?
… Tôi không sao, chắc là mệt quá đấy thôi.
Cô dựa vào thân cây, giải thích quấy quá,
Vụ án công chúa giao phó thực không đơn giản chút nào.
Đúng thế, cách giải thích hay nhất là trùng hợp, nhưng công chúa cứ khăng khăng đòi chúng ta phải tìm ra hung thủ, thật là…
Chu Tử Tần càu nhàu, rồi lại ân cần hỏi:
Để ta đưa công công về phủ Quỳ vương nhé?
Không… Tôi muốn đến nhà Trương Hàng Anh, thăm… A Địch.
Được thôi, có điều…
Chu Tử Tần ngập ngừng hỏi:
Công công đói không? Đừng đi tìm A Địch vội, để ta đi mua chút gì cho công công ăn đã nhé, công công muốn ăn gì?
Hoàng Tử Hà nhìn gã đầy bất lực:
Tôi nghĩ, A Địch rất có khả năng là Tích Thúy.
Nghe vậy, Chu Tử Tần nhảy dựng lên, há hốc miệng, mắt cũng trợn trừng trông còn to hơn miệng:
Gì cơ? Tại sao? Sao công công biết?
Thời điểm Tích Thúy rời khỏi nhà đi tìm cái chết trùng với khoảng thời gian Trương nhị ca cứu được A Địch ở trên núi, A Địch không muốn gặp ai, suốt ngày trốn trong nhà họ Trương, nửa đêm còn lén khóc…
Hoàng Tử Hà thở dài hỏi khẽ,
Chẳng phải rất rõ ràng ư?
Chu Tử Tần líu cả lưỡi, hồi lâu mới lắc đầu quầy quậy:
Ta không tin! A Địch… và Trương nhị ca thân mật thế, sao có thể gặp phải chuyện thê thảm như vậy!
Hoàng Tử Hà thở dốc, cụp mắt nhìn xuống chân.
Dưới bóng cây, mấy con kiến đang hối hả tìm đường đi, bò qua bò lại quanh chân cô.
Thì ra cô đã chắn ngang đường về tổ của chúng.
Hoàng Tử Hà chậm rãi dịch chân ra, nhìn đám kiến mừng rỡ chạy ra khỏi tổ và đám kiến hào hứng quay về nhà, cũng thấy cả những con kiến bị mình vô ý giẫm chết dưới chân.
Trời đất vô tình, sức mạnh của thiên nhiên là vô hạn, có thể cuốn phăng tất cả, bàn tay vô hình thúc đẩy vận mệnh mỗi người, buộc chúng ta phải dấn bước. Có lẽ luồng sức mạnh ở phía sau thao túng chúng ta đây cũng không thể tự chủ, cũng có thể chẳng hề hay biết, một cử động nhỏ thôi đối với kẻ khác lại là mối họa hủy diệt.
Cô nhấc chân bước sang con đường lát đá cạnh đó.
Chu Tử Tần bỗng ngỡ ngàng nhìn cô, gọi khẽ:
Sùng Cổ...
Hoàng Tử Hà từ từ ngước lên:
Gì cơ?
Ừm…
Gã nghi hoặc nhìn gương mặt bình thản của cô, ngập ngừng:
Không có gì…Vừa nãy ta còn tưởng là công công khóc.
Hoàng Tử Hà ngẩng đầu nhìn trời, buông một câu gọn lỏn:
Đi thôi.
Đi đâu?
Nhà Trương Hàng Anh.
Chu Tử Tần lập tức chạy theo cô:
Này, Sùng Cổ, chúng ta đến với tư cách gì đây? Giúp Đại Lý Tự phá án, hay là…
Hoàng Tử Hà ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
Không, chỉ là bạn của Trương Hàng Anh thôi.
Hai người xách cân quả khô, men theo hàng rào râm bụt quanh nhà Trương Hàng Anh, đi đến dưới gốc hòe. Vừa ngẩng lên, cô đã thấy Trương Hàng Anh đầu cúi gằm, chầm chậm đi từ trong ngõ ra, vẻ đầy tâm sự.
Dáng người Trương Hàng Anh cao lớn, kể cả lúc làm chân sai vặt trong Đoan Thụy Đường vẫn bừng bừng anh khí, vậy mà giờ Hoàng Tử Hà lại thấy gã ngơ ngẩn thẫn thờ, tựa hồ không phải đang trên đường về nhà, mà đang đi trên một cây cầu độc mộc vừa hẹp vừa chênh vênh, dài ngút ngát không thấy điểm cuối.
Trương nhị ca!
Chu Tử Tần gọi.
Bấy giờ Trương Hàng Anh mới ngẩng lên, trông thấy bọn họ, gã gắng nặn ra một nụ cười:
Ồ, là … các vị à, hôm nay sao lại rảnh rang tới tìm tôi thế?
Hôm trước nghe huynh nói bá phụ không được khỏe, nên chúng tôi đến thăm.
Chu Tử Tần dúi túi táo khô và long nhãn trong tay vào lòng Trương Hàng Anh.
Cái này biếu bá phụ, may mà Sùng Cổ chu đáo nhắc ta.
Hoàng Tử Hà vội phân trần:
Tôi cũng hết cách, mới vào phủ Quỳ vương, còn chưa được nhận lương tháng, đành mặt dày đi tay không vậy.
Đừng khách sáo thế, các vị đến chơi là tôi mừng lắm rồi!
Trương Hàng Anh cắt lời cô, gương mặt cũng tươi lên,
À phải, tôi có tin vui báo với mọi người đây, nhờ phúc hai vị, sáng hôm nay Tả Kim Ngô Vệ đã gửi công văn chính thức tới, từ ngày mai tôi được nhận rồi!
Tốt quá rồi, chúc mừng huynh!
Chu Tử Tần mừng rỡ khoác vai Trương Hàng Anh,
Ta đã bảo mà! Hôm qua Vương Uẩn bị chúng ta đánh cho tâm phục khẩu phục, có lẽ y cũng tự biết, nếu còn không chịu nhận Trương nhị ca, thì chẳng biết ăn nói thế nào với ba vị vương gia!
Hoàng Tử Hà cũng vui lây, coi như từ rày không nợ nần gì Trương Hành Anh nữa. Nhìn gươngmặt tươi tắn của Trương Hàng Anh, cô mĩm cười,
Chúc mừng Trương nhị ca!
Trương Hàng Anh hào hứng khoe:
Lần này là song hỷ lâm môn, cha tôi liệt giường mấy tháng nay không dậy nổi, vừa nghe tin tôi được vào Tả Kim Ngô Vệ, liền phấn chấn tinh thần, sáng nay đã xuống giường được rồi! Ông còn tự bốc thuốc cho mình, nói rằng tâm bệnh đã trị khỏi, mấy hôm nữa bệnh tình sẽ khá lên thôi!
Nói đoạn, gã đẩy cổng dẫn bọn họ vào:
Các vị đến đúng lúc lắm, trời đang nóng nực, A Địch bảo sẽ làm mì lá hòe ăn cho mát, vào ăn cùng chúng tôi đi.
Đang nói dở câu bỗng nghe tiếng guốc gỗ lịch kịch, thì ra A Địch đang đứng trong sân, thấy có khách bèn lánh ngay vào nhà.
Trương Hàng Anh cười gượng:
A Địch sợ người lạ, các vị đừng để bụng nhé.
Đoạn gã vào trong bưng ra mì lá hòe và bát đũa, ba người ngồi xuống dưới giàn nho.
Thấy tô mì xanh mát cả mắt, Chu Tử Tần suýt nữa quên khuấy ý định ban đầu. Gã đón lấy bát, múc ngay một bát mì nhỏ, vừa ăn vừa nắc nỏm:
A Địch nấu ngon thật đấy, giá mà ngày nào ta cũng được đến ăn chực nhỉ.
Huynh muốn đến thì cứ đến, lúc nào chúng tôi cũng chào đón.
Trương Hàng Anh cười.
Hoàng Tử Hà cũng ăn một miếng, lại hỏi:
Trương nhị ca, vừa rồi huynh đi đâu vậy? Tôi thấy ban nãy hình như huynh hơi rầu rĩ?
À, em trai của chị dâu tôi, vừa tròn bốn tuổi, hôm trước bị lạc trong vụ hỗn loạn ở chùa Tiến Phúc, cả nhà nháo nhào đi tìm. May mà trên đời vẫn còn nhiều người tốt, sáng nay nhận được tin, có người đã đưa thằng bé về nhà, nên tôi đến xem sao.
Hoàng Tử Hà ngạc nhiên:
Chị dâu huynh chẳng phải con gái một ư?
Đúng thế, thằng bé này là em họ, bố mẹ chị ấy nhận làm con thừa tự thôi, dù sao trong nhà cũng phải có người nối dõi chứ. Hôm trước nghe nói họ đang cuống cuồng tìm con, nhưng mấy ngày nay tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi, chẳng đến giúp được, lòng cứ áy náy không yên.
Anh trai Trương Hàng Anh sau khi thành hôn thì ở lại nhà vợ, bấy giờ ở Trường An có tục vợ chồng mới cưới sẽ ở nhà vợ vài năm, không tính là ở rể.
Chu Tử Tần liền xoa dịu,
Trương nhị ca thật là, thằng bé trở về chẳng phải tốt rồi sao, huynh còn rầu rĩ gì nữa.
Nghe nói đến đứa bé bốn tuổi ở chùa Tiến Phúc. Hoàng Tử Hà sực nhớ tới bóng người bồng đứa bé lấm lem bùn đất trong cơn mưa tầm tã hôm ấy, bèn quay sang hỏi Trương Hàng Anh:
Người đưa thằng bé về…trông thế nào?
Tôi đến trễ, chỉ kịp nhìn thoáng qua thôi, quả là một nhân vật… như thần tiên vậy!
Trương Hàng Anh thật thà đặt bát xuống kể,
Huynh ấy đứng trước cửa nhà chị dâu tôi, làm sáng bừng cả nhà lên. Từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa từng thấy ai đẹp đến thế đâu.
Chu Tử Tần cười hỏi:
Nhà rách trạch vàng, lồng lộng như ráng chiều à?
Chữ dùng trong Thế Thuyết Tân Ngữ, miêu tả dáng người cao ráo đẹp đẽ, như cây ngọc đón gió.
Hoàng Tử Hà lặng thinh không nói.
Trương Hàng Anh nghe Chu Tử Tần nói cũng chỉ hiểu lơ mơ, đành đáp:
Ừm, nói chung là rất đẹp.
Vậy…
Tay cầm đũa của Hoàng Tử Hà run lên rất khẽ:
Người đó tên họ là gì?
Trương Hàng Anh lắc đầu:
Không rõ. Huynh ấy chỉ uống hai hớp trà là đi ngay, không để lại tên họ, cũng chẳng nhận quà cảm tạ, bởi thế mới nói người tốt trên đời còn nhiều lắm. Thằng bé còn nhỏ, cũng không biết tên tuổi và nơi ở của người ta, bây giờ chẳng có cách nào tạ ơn được nữa.
Chu Tử Tần hỏi:
Vậy làm sao người đó tìm được nhà chị dâu huynh?
Là thế này, nói ra cũng vất vả lắm, trẻ con không biết địa chỉ nhà, nên người đó đành đem thằng bé đi tìm khắp các phường trong thành Trường An. Nó bé như thế làm sao đi nổi? Đều là người đó ẵm nó đi từng nhà một, đến sáng hôm nay, thằng bé trông thấy nhà mình bèn gọi toáng lên, nhờ thế mới tìm được.
Thế mà không biết tên họ người đó, tiếc thật.
Chu Tử Tần than thở,
Ta còn muốn làm quen với huynh ấy, người ta vừa hào hiệp nhân từ lại đẹp đẽ thế cơ mà.
Trương Hàng Anh gật đầu lia lịa:
Đúng thế đúng thế! Xuất chúng lắm!
Càng nghe, Hoàng Tử Hà càng thấy lòng đau âm ỉ, không muốn nghe thêm nữa, cô bèn chuyển chủ đề:
Trương nhị ca không gọi A Địch ra ăn luôn?
Trương Hàng Anh lưỡng lự:
Cô ấy… sợ người lạ, tôi nghĩ hay là thôi đi.
Sùng Cổ nói phải lắm! Mọi người đều là bạn bè rồi, A Địch nhút nhát như thế không hay đâu, sau này chúng ta còn đến quấy quả nữa mà, cũng muốn chào hỏi cô ấy chứ.
Giờ hễ là lời Hoàng Tử Hà, Chu Tử Tần sẽ lập tức hùa theo, y như vẹt.
Ừm…cũng phải, để tôi gọi cô ấy ra chào khách.
Đoạn Trương Hàng Anh đứng dậy đi vào nhà.
Thấy gã vừa qua cửa, Chu Tử Tần liền rón rén bám theo, áp tai lên tường nghe ngóng.
Hoàng Tử Hà khinh bỉ nhìn gã, hỏi không ra tiếng:
Công tử định làm gì?
Chu Tử Tần cũng mấp máy môi đáp không ra tiếng:
Nghe trộm, xem Trương nhị ca và A Địch có phải kẻ tình nghi gây án không?
Hoàng Tử Hà sững người trước ánh mắt tràn đầy chính nghĩa mà cũng vô sỉ tột cùng của gã, tuy biết không hay, nhưng cô bất giác cũng áp tai vào tường theo.
Chỉ nghe tiếng lửa cháy lép bép bên trong, rồi giọng Trương Hàng Anh vang lên:
A Địch, họ là bạn ta, tính tình cũng tốt lắm.
A Địch lặng thinh không nói, rất lâu sau, Trương Hàng Anh cho rằng nàng đã nhận lời, liền giơ tay nắm lấy tay áo nàng:
Nào, để ta dắt muội ra làm quen với họ.
Nào ngờ A Địch vùng ra, giọng nhỏ nhẹ mà kiên định:
Muội… không đi đâu!
Cánh tay Trương Hàng Anh đang giơ ra, ngượng ngùng khựng lại giữa chừng.
Chu Tử Tần và Hoàng Tử Hà nhìn nhau, còn chưa kịp trao đổi gì, đã lại nghe thấy giọng nói yếu ớt run rẩy của A Địch:
Trương nhị ca, xin huynh đấy… Muội không muốn gặp ai cả! Muội… muội suốt đời này, không thể gặp ai cả…
Trương Hàng Anh lặng lẽ nhìn nàng, dịu giọng hỏi:
Lẽ nào muội định nhốt mình trong nhà cả đời hay sao?
Huynh không biết đâu… Huynh không hiểu được đâu…
A địch bưng mặt ngồi thụp xuống đất, gắng nén tiếng khóc:
Trương nhị ca, huynh rất tốt… Muội chỉ muốn sống yên ổn với huynh thôi. Muội chỉ muốn ở trong nhà này, xin huynh… đừng bắt muội ra ngoài gặp người khác mà…
Trương Hàng Anh dường như cũng không ngờ nàng lại phản ứng mạnh mẽ đến thế, cứ đứng ngây ra, hồi lâu không động đậy gì.
Cả trong lẫn ngoài nhà đều im phăng phắc, chỉ có tiếng nức nở của A Địch văng vẳng bên trong:
Trương nhị ca… muội nguyện nấu cơm giặt giũ cho huynh, hầu hạ huynh cả đời…Muội chỉ mong có được một chỗ trú chân như căn nhà nhỏ này, để muội nhốt mình ở đây suốt đời, cho đến khi già nua, mục rữa… Trương nhị ca, xin huynh đừng lôi muội ra ngoài, đừng bắt muội gặp người khác mà!
Trương Hàng Anh vừa nín lặng nghe A Địch khóc lóc, vừa ngoái đầu ngóng ra bên ngoài, thấy hai người bên ngoài không động tĩnh gì, bèn nhích lại gần A Địch khẽ dỗ dành:
Được rồi, không gặp thì không gặp, thực ra… thực ra ta cũng không đành lòng để muội ra ra ngoài.
A Địch mở to đôi mắt ngấn lệ, nhìn gã đăm đăm.
Trước ánh mắt nàng, Trương Hàng Anh cũng gãi đầu, đỏ bừng mặt vì bối rối:
Thực ra hằng ngày muội ở nhà chờ ta về, ta rất vui. Biết được muội nhất định sẽ không rời xa ta, biết muội chỉ có thể ở lại bên ta, giống như sở hữu một bí mật của riêng mình vậy...
Nước mắt ầng ậng đầy tròng rốt cuộc cũng lăn dài, A Địch cất tiếng gọi khe khẽ:
Trương nhị ca…
Chu Tử Tần nghe đến đây cũng ngượng ngùng, bèn huých Hoàng Tử Hà, ý bảo rút lui.
Song Hoàng Tử Hà chỉ nhíu mày, đặt ngón trỏ lên môi ra dấu im lặng.
Chu Tử Tần thấy mặt cô trầm ngâm thì không khỏi ngạc nhiên, thầm nhủ lẽ nào mấy lời vừa rồi của Trương Hàng Anh có gì không ổn ư?
Bầu không khí trong nhà bỗng nhiên lắng hẳn xuống. A Địch run run nhìn Trương Hàng Anh, hồi lâu mới hỏi:
Huynh… huynh biết chuyện của muội… biết muội không có chốn dung thân… từ lúc nào?
Trương Hàng Anh ngẩn ra, vô thức siết chặt nắm tay lại, cúi gằm mặt xuống né tránh ánh mắt nàng.
Lặng phắc như tờ. Loáng thoáng nghe thấy tiếng cười nói của đám người ngồi hóng mát dưới gốc cây hòe bên ngoài rào râm bụt theo gió đưa đến. Trên cây lựu, một con ve non vừa tỉnh giấc ngủ dài, mới kịp thoát xác đã cất tiếng kêu ran, âm thanh khô khan mà chói tay vắt ngang mảnh sân nhỏ.
Trương Hàng Anh im lặng hồi lâu, cuối cùng cũng lên tiếng, giọng rất chậm rãi, rất nhẹ nhàng, nhưng cũng hết sức rành rọt:
Hè năm ngoái, ta từng trông thấy muội ở chợ Tây. Lúc ấy, muội ngồi ngay trước cửa tiệm nhang đèn, đang chọn mua bạch lan. Bấy giờ trời đổ mưa, ta đi ngang qua, trông thấy muội tươi cười chọn hoa cũng đâm ngơ ngẩn, không cẩn thận giẫm phải một vũng bùn, làm bắn cả lên mu bàn tay muội…
A Địch rưng rưng nước mắt, thẫn thờ nhìn gã, vô thức giơ mu bàn tay trắng muốt lên săm soi.
Ta lắp bắp xin lỗi, nhưng muội cũng chẳng để bụng, vô tư rút khăn tay ra lau vết bùn, nhoẻn cười với ta rồi cầm một xâu bạch lan quay vào nhà. Dọc đường về, ta cứ ngơ ngẩn nhớ đến vết bẩn trên tay muội, nhớ đến nụ cười của muội, nhớ đến đờ đẫn, đến nỗi, đến nỗi đi lạc luôn...
Hoàng Tử Hà bên ngoài nghe gã thổ lộ cũng thấy vành mắt nóng rực lên, nước mắt đã bắt đầu rân rấn.
A Địch trong nhà chậm rãi nắm lấy vạt áo mình, áp lên lồng ngực, tựa hồ chỉ có vậy mới ngăn được con sóng triều phức tạp mà dữ dội đang cuộn lên trong lòng khỏi nhấn chìm bản thân.
Trương Hàng Anh ngồi xuống cạnh A Địch, dưới ánh lửa bập bùng trong căn bếp nhỏ, gã đăm đăm nhìn nàng, dịu giọng kể,
Về sau, ta thường đi ngang qua cửa nhà muội để nhìn lén, chứng kiến cha muội lạnh nhạt với muội, cũng nghe thấy muội hay ngâm nga khúc hát hái dâu, còn biết được có rất nhiều người đã đến ướm hỏi muội, nhưng cha muội đòi sính lễ quá cao, nên đến giờ muội vẫn chưa có nơi có chốn…
Nói đến đây, gã ngừng lại, cười khổ não, hồi lâu mới tiếp tục:
Lúc ấy ta đã tuyệt vọng, không dám đi qua nhìn muội nữa. Cho đến khi vào đội nghi trượng ở phủ Quỳ vương, ta lại sinh lòng tơ tưởng muội, nhưng vì gặp chuyện nên cũng không thành. Mãi tới lúc… tới lúc ta thấy muội ngất lịm trên núi, tay còn nắm chặt một sợi dây thừng... Về sau ta mới hay sợi dây đó là cha muội ném cho muội, ép muội tự sát...
Ông ta không phải cha muội.
A Địch nãy giờ cắn môi lắng nghe, thình lình rít qua kẻ răng:
Muội không có cha... Muội chỉ có mẹ, mẹ muội mất lâu rồi!
Trương Hàng Anh gật đầu, không bình luận gì mà tiếp tục kể:
Ta vực muội về nhà, lúc tỉnh lại, muội nói mình tên Tích...Ta cứ ngỡ muội sẽ nói mình là Tích Thúy, nào ngờ muội chữa lại, nói rằng mình tên A Địch, lúc ấy ta thầm nghĩ, nhất định muội đã gặp biến cố rất lớn. Về sau, về sau nghe ngóng được, ta rất ngạc nhiên, rất căm phẫn, muốn đi giết quách tên Tôn ghẻ... nhưng sâu thẳm trong lòng, tạ lại nghĩ, ta phải đối tốt với muội hơn nữa... Ta nghĩ tất cả đều là cái sai của ta, nếu ta sớm nhờ người mai mối, biết đâu... biết đâu muội sẽ không gặp phải chuyện đó...
Trương nhị ca...
A Địch run run gọi, nàng đang ngồi trước bếp lửa, thân hình nhỏ nhắn co rúm lại, run rẩy như một đóa hoa trong gió bão.
Trương Hàng Anh chìa tay ra, như muốn ôm lấy nàng mà vỗ về, nhưng nhìn gương mặt tái nhợt của nàng, lại nghĩ đến việc nàng từng phải chịu ô nhục cùng cực, e rằng không thích người khác đụng chạm, nên đành nén lại.
Nào ngờ A Địch khẽ kéo tay gã, lặng lẽ áp mặt vào cánh tay.
Trương Hàn Anh run rẩy giơ tay lên, ôm choàng lấy nàng.
Hai người dựa vào nhau trong gian bếp nhỏ, ngọn lửa bập bùng hắt ánh lờ mờ lên mình họ.
Chỉ nghe thấy giọng Trương Hàng Anh thật chậm rãi mà rành rọt từng chữ:
A Địch, muội yên tâm đi, những kẻ từng làm việc xấu, đều gặp phải báo ứng.
A Địch nín lặng hồi lâu mới chầm chậm gật đầu, nhẹ giọng nói:
Đúng thế, giống như hôm đó chúng ta thấy Ngụy Hỷ Mẫn bị chết cháy ấy, huynh biết Ngụy Hỷ Mẫn không, nếu không có hắn, muội cũng không rơi vào bước đường cùng thế này.
Ta biết, hắn là hoạn quan phủ công chúa.
Gã không nói tại sao mình biết, nhưng người nghe đều hiểu, thực ra những gì gã biết về A Địch còn vượt xa tưởng tượng của họ.
Hai người dựa vào nhau bất động, thật lâu.
Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần cũng lặng lẽ trở lại dưới giàn nho, ngồi xuống ăn mì lá hòe, có điều, chẳng còn thấy ngon lành gì nữa.