Chương 18: Một trời một vực


Số từ: 7955
Người dịch: Tố Hinh
Nhà xuất bản Hà Nội
Người ta thường nói ráng chiều lan ngàn dặm. Tà dương xán lạn hôm trước khiến trời hôm sau quang đãng không một gợn mây, mặt trời vừa lên, cả thành Trường An đã nóng hầm hập.
Hoàng Tử Hà mặc áo mỏng, bên ngoài khoác chiếc áo đỏ hoạn quan, người đầm đìa mồ hôi, ngồi yên thì không sao, hễ cử động là mô hôi túa ra.
Xong vụ án phủ công chúa còn chưa kết thúc, cô vẫn phải ra ngoài tra xét.
Vừa ra đến cổng đã thấy Chu Tử Tần dắt con Tiểu Hà đợi sẵn, tay còn cầm bốn cái bánh hấp nóng hổi.
Thấy cô, gã bèn đứng phắt dậy, chìa bốn cái bánh bọc trong lá sen ra:
Này Sùng Cổ, mỗi người hai chiếc.


Tôi vừa ăn rồi.
Nhưng sáng ra tất bật, chỉ kịp ăn mỗi miếng bánh ngọt, nên cô vẫn nhận một chiếc bánh, vừa cưỡi ngựa vừa ăn cùng Chu Tử Tần.

Ta biết hôm qua công công chỉ hứa cho qua chuyện thế thôi, nếu hôm nay ta không chặn cửa, nhất định công công sẽ đi điều tra một mình.
Chu Tử Tần bĩu môi trách.
Hoàng Tử Hà vội an ủi gã:
Đâu có, thực ra tôi đang định đi tìm công tử mà.


Thực ư?
Chu Tử Tần tin ngay,
Đúng là huynh đệ tốt, có nghĩa khí lắm! Công công nói xem, hôm nay chuẩn bị đi đâu đây? Liệu có thi thể cho ta trổ tài không?


Tốt nhất đừng có thì hơn.
Hoàng Tử Hà lườm gã,
Chúng ta phải tới nhà Trương nhị ca.


Hả?
Chu Tử Tần suýt thì ngã ngựa,
Sao lại đến nhà Trương nhị ca?


Hôm qua công tử không tới Đại Lý Tự à? Bức tranh ở nhà họ Trương biến mất rồi.


Tranh nào? Công công nói bức tranh vẽ ba cảnh chết ấy ư?
Chu Tử Tần kích động đến nỗi suýt đánh rơi cái bánh hấp,
Lẽ nào bức tranh đó có liên quan tới những chuyện này thực ư? Liên quan thế nào? Rốt cuộc vì sao các hình vẽ trong tranh lại giống các vụ án đến thế? Trương nhị ca gặp phiền phức rồi ư? Tả Kim Ngô Vệ định xử lý thế nào? Nếu Trương nhị ca xảy ra chuyện thì Tích Thúy làm sao đây?


Công tử cứ ăn bánh đi đã.
Hoàng Tử Hà chặn đứng tràng cật vấn của gã, giơ tay vỗ Na Phất Sa một cái, thúc nó chạy nhanh hơn.
Đi từ Đông sang Tây, băng qua nửa thành Trường An, cuối cùng họ cũng đến nhà Trương Hàng Anh.
Giờ vẫn còn sớm, các bà các chị trong phường đang đi xách nước, vừa xách vừa bàn tán:
Này, mấy người hôm qua hình như là người của quan phủ hay sao ấy? Sao tự dưng kéo đến đông thế nhỉ?


Nghe nói con thứ nhà họ Trương lại gây ra chuyện rồi.


Nhẽ đâu thế, thằng bé đó trông thật thà lắm mà, sao dạo này cứ xảy ra chuyện thế nhỉ, hết bị phủ Quỳ vương đuổi, lại bị Tả Kim Ngô Vệ trục xuất, giờ cả quan phủ cũng sờ đến rồi, đúng là… Trước đây thực không nhìn ra nó lại là người như thế đâu!

Chu Tử Tần không dám tin vào tai mình, nhảy ngay xuống ngựa túm lấy người kia hỏi:
Gì cơ? Ai bảo Trương nhị ca bị Tả Kim Ngô Vệ trục xuất? Sao lại thế được?

Người phụ nữ trung niên nọ thấy gã nhảy phắt xuống ngựa túm lấy mình thì phát hoảng:
Còn chẳng thế ư? Người của quan phủ kéo đến nhà nó lục soát, hôm nay nó cũng không ra ngoài, chẳng phải là bị đuổi rồi à?

Hoàng Tử Hà nhíu mày:
Tử Tần, đôi co với người lạ làm gì?

Chu Tử Tần nghe vậy đành hậm hực dắt Tiểu Hà đi về phía nhà Trương Hàng Anh. Hoàng Tử Hà cũng xuống ngựa, hai người vừa đến cổng nhà họ Trương, chưa kịp gõ đã thấy một cô gái từ bên trong xông ra, suýt nữa va vào họ.
Đằng sau vang lên tiếng Trương Hàng Anh gọi thất thanh:
A Địch! Muội đi đâu thế?

Hoàng Tử Hà tức thì giơ tay tóm lấy cánh tay cô gái vừa lao ra, giữ cô ta lại.
Chỉ thấy cô gái kia mặt mày tái ngắt, búi tóc cài cây trâm gỗ, vận một chiếc áo xanh tay hẹp, chân xỏ đôi hài xanh thêu hoa râm bụt, chính là Tích Thúy.
Nàng bị Hoàng Tử Hà tóm chặt, không sao giằng ra được, chỉ run rẩy gọi
Dương công công
, nước mắt lã chã.
Hoàng Tử Hà vội hỏi:
Cô nương sao thế? Cãi nhau với Trương nhị ca ư?

Tích Thúy lắc đầu quầy quậy, nhưng không nói năng gì.
Trương Hàng Anh đã chạy ra đến nơi, buồn bã nói:
A Địch, muội đừng làm liều, chuyện này… có liên quan gì đến muội đâu.

Hoàng Tử Hà đưa mắt ra ý bảo Chu Tử Tần
bình tĩnh
, rồi dẫn Tích Thúy vào, nhỏ nhẹ dỗ dành:
Rốt cuộc xảy ra chuyện gì, cô nương kể cho chúng tôi nghe được không? Nếu giúp gì được cô, chúng tôi sẽ dốc hết sức. Đừng thế này nữa, tốt xấu gì cũng có thêm người nghĩ cách giúp các vị, phải không nào?

Xong Tích Thúy cứ ôm mặt khóc rưng rức, chẳng nói chẳng rằng.
Trương Hàng Anh rầu rĩ kể:
A Địch… chẳng hiểu sao cả đêm qua cứ đứng ngoài sân, sáng nay tôi ngủ dậy trông thấy, gặng hỏi duyên do, cô ấy nói nhăng nói cuội cái gì mà tôi vốn tiền đồ như gấm, đều là bị cô ấy… cô ấy làm hại, còn bảo không thể làm liên lụy đến tôi nữa, đòi… đòi bỏ đi!

Hoàng Tử Hà chưa kịp nói gì thì Tích Thúy đã nghẹn ngào tiếp lời:
Trương nhị ca, muội… là người xui xẻo, huynh ở bên muội… sẽ bị vạ lây đấy! Cha muội đã nói mà, muội chính là sao chổi, vừa ra đời đã hại chết mẹ ruột mình, về sau lại… lại rơi vào tình cảnh thế này, đáng lẽ không nên sống trên đời nữa…


Không được nói bậy!
Trương Hàng Anh cất lời, đoạn dáo dác nhìn quanh, thấy không có ai, vội tóm lấy tay kéo nàng vào sân, đóng cổng lại.

Muội… muội nói thật đấy!
Tích Thúy khóc lạc cả giọng, gào lên với bọn Hoàng Tử Hà:
Các người có biết tôi là ai không? Là Lữ Tích Thúy! Chính là người bị cả thành Trường An chê cười bàn tán đấy! Cả thiên hạ đều biết tôi bị Tôn ghẻ làm nhục, đáng lẽ phải bỏ xác ngoài đồng hoang rồi! Tôi không nên sống ở đây, càng không nên làm liên lụy Trương nhị ca!


A Địch!
Trương Hàng Anh lao đến ôm chặt lấy nàng, bịt miệng nàng lại không cho nói tiếp nữa.
Tuy bị Trương Hàng Anh ôm ghì lấy, bịt chặt miệng lại, xong nước mắt Tích Thúy vẫn lăn dài trên má, ánh mắt đầy tuyệt vọng, khiến người ta thấy mà xót xa.
Hoàng Tử Hà liền đứng dậy bước đến cạnh nàng, nhỏ nhẹ an ủi:
A Địch cô nương, tôi biết việc chúng tôi đến điều tra làm cô lo lắng, nhưng thực ra chúng tôi không có ác ý đâu, xin cô chớ sợ. Trương nhị ca là bạn chúng tôi, trước đây cũng giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi biết bản tính huynh ấy thật thà ngay thẳng, bị cuốn vào vụ này chẳng qua vì trong trăm ngàn manh mối có mấy việc liên quan đến huynh ấy nên chúng tôi tới hỏi chuyện theo lệ đấy thôi, cô đừng lo, hỏi xong chúng tôi sẽ đi ngay.

Tích Thúy vẫn nhìn cô chằm chằm, chẳng có vẻ gì là đã nghe hiểu.
Hoàng Tử Hà thở dài nói:
Trương nhị ca, huynh buông A Địch cô nương ra đi, chúng tôi hỏi vài câu rồi đi thôi.

Trương Hàng Anh bèn dìu Tích Thúy ngồi xuống bên chiếc bàn đá, dỗ dành:
Muội đợi một lát, lát nữa là ổn thôi.

Hoàng Tử Hà ra ý bảo Trương Hàng Anh ngồi xuống rồi hỏi:
Hôm qua người Đại Lý Tự bảo sao? Bên Tả Kim Ngô Vệ nói thế nào?

Trương Hàng Anh lo lắng xoa tay đáp:
Chiều qua tôi đang ở Tả Kim Ngô Vệ thì người Đại Lý Tự đến tìm, nói muốn mượn bức tranh nghe đồn là thủ bút của tiên hoàng. Bấy giờ tôi còn thắc mắc, nhà tôi xưa nay cất giữ bức tranh ấy rất kỹ, cũng chẳng bao giờ kể với ai, sao người Đại Lý Tự lại biết. Nhưng họ đã nói thế, tôi cũng đành dẫn họ về nhà, bảo họ đợi bên dưới còn mình lên gác mở tủ lấy tranh… Nào ngờ lấy chìa khóa mở tủ ra, thì không thấy tranh đâu nữa!


Không thấy ư?
Chu Tử Tần ngạc nhiên hỏi.

Đúng thế, bức tranh vẫn cất trong tủ mười mấy năm nay, bỗng dưng không cánh mà bay! Tôi phát hoảng, vội chạy đi hỏi cha, cha tôi cũng cuống lên, chúng tôi và A Địch lật tung căn gác lên mà không thấy. Tôi chẳng còn cách nào, đành bảo với người của Đại Lý Tự rằng tranh đã không còn, nhưng họ không tin, nói rằng bức tranh đó rất quan trọng, bề trên đã yêu cầu đích danh, nếu tôi không giao ra thì chẳng ai gánh nổi trách nhiệm đâu. Tôi biết Đại Lý Tự phải ăn nói với bề trên, nhưng quả thật bức tranh đã mất, tôi làm thế nào được? Kết quả người của Đại Lý Tự nói với Tả Kim Ngô Vệ rằng tôi có liên quan tới hai vụ án mạng, kèm cả vụ phò mã trọng thương, huynh bảo còn không đủ to chuyện ư? Tả Kim Ngô Vệ bảo tôi hẵng xử lý cho xong vụ này đã, chưa xong thì không cần tới điểm danh nữa.

Chu Tử Tần kinh ngạc quay sang hỏi Hoàng Tử Hà:
Công công đoán xem… là tên khốn nào bắt Đại Lý Tự đi lấy bức tranh vậy? Có phải là Đồng Xương công chúa không?

Hoàng Tử Hà chống trán, cô đương nhiên biết
tên khốn
ấy là Lý Thư Bạch, có lẽ y chỉ tiện miệng bảo Đại Lý Tự một câu, kết quả Đại Lý Tự lại làm rùm beng, thành ra to chuyện thế này.
Nhưng nghe Chu Tử Tần hỏi vậy, cô đành đáp:
Tôi nghĩ… cũng không hẳn, Đồng Xương công chúa làm sao biết nhà Trương nhị ca có bức tranh ấy?


Huống hồ, dù có thì liên quan gì? Tranh là tiên hoàng vẽ chứ có phải Trương nhị ca đâu, phải không nào?
Chu Tử Tần hùng hổ đập bàn đứng phắt dậy,
Không được! Ta phải đi nói lý lẽ với Vương Uẩn!

Hoàng Tử Hà cơ hồ muốn sụp lạy tư duy nhảy cóc của Chu Tử Tần:
Liên quan gì đến Vương đô úy?


Vương Uẩn cai quản Tả Kim Ngô Vệ chứ sao! Đại Lý Tự làm khó người dưới của hắn, sao hắn không ra mặt che chở? Chẳng phải chỉ mất một bức tranh thôi ư? Lại là tranh của nhà huynh ấy, không phải của Đại Lý Tự, Đại Lý Tự dựa vào điều luật nào mà bắt Trương nhị ca giao ra? Tả Kim Ngô Vệ thì dựa vào quy định gì bắt huynh ấy ở nhà tìm cho được mới được đến?

Hoàng Tử Hà ngán ngẩm lườm gã:
Quan phủ tra án, bất luận là vương công đại thần hay thường dân trăm họ đều phải phối hợp. Có lẽ bức tranh của Trương nhị ca quả có liên quan tới vụ án, dù Đại Lý Tự bắt huynh ấy phải lập tức đi tìm, cũng không trách được.

Chu Tử Tần tức thì tiu nghỉu, nằm bò ra bàn:
Thực ra ta cũng biết mà… Chẳng qua là bất bình thay cho Trương nhị ca thôi! Khó khăn lắm huynh ấy mới vào được Tả Kim Ngô Vệ, chúng ta còn chưa kịp quay về Đoan Thụy Đường cho lão già phơi thuốc vênh váo kia bẽ mặt, thì lại gặp phải chuyện này! Ta bảo, Trương nhị ca, dạo này có lẽ huynh nên đến chùa miếu nào đó thắp hương đi, sao cứ gặp xui xẻo mãi vậy…

Chưa nói hết câu, bắt gặp cái nhìn trừng trừng của Hoàng Tử Hà, trông thấy Tích Thúy đã hơi nguôi nguôi giờ lại lã chã nước mắt, Chu Tử Tần vội giơ tay vả vào miệng, không nói thêm nữa.
Hoàng Tử Hà đứng dậy đề nghị:
Vào xem ngăn tủ đựng tranh của nhà huynh đã nhé.

Trương Hàng Anh vội đáp:
Được thôi.

Mấy người đứng dậy đi vào trong, theo cầu thang lên tầng hai.
Tủ đựng tranh ngay ở đầu cầu thang, cửa tủ móc một ổ khóa gỉ sét, Trương Hàng Anh mở một tủ khác kế bên cạnh ra, chỉ thấy bên trong ngổn ngang đủ thứ, nào hộp gỗ, lồng dế, gạt tàn…
Gã dốc ngược gạt tàn, moi ra một cái chìa khóa, mở tủ đựng tranh cho họ xem.
Bên trong đó cũng chứa rất nhiều đồ, mấy súc vải, hơn nửa quan tiền, phía dưới xếp vài loại thuốc. Ngăn trên cùng đặt một chiếc hộp gỗ dài dùng đựng cuốn trục, nhưng bên trong trống rỗng.
Trương Hàng Anh trỏ chiếc hộp nói:
Lúc người Đại Lý Tự đến, tôi mở tủ ra thì đã thế này rồi.

Nhìn những đồ vật xếp ngay ngắn bên trong, Hoàng Tử Hà lại hỏi:
Bức tranh mất lúc nào thế? Ngoài ra còn mất gì không?


Không biết nữa, hôm ấy cho các vị xem xong tôi đã cất đi rồi, sau đó cũng chẳng mở tủ ra nữa. Mọi thứ trong tủ vẫn y nguyên, thậm chí hộp vẫn đậy kín, chỉ mất mỗi tranh thôi.

Hoàng Tử Hà cau mày thở dài, ra ý bảo gã đóng tủ lại rồi nói:
Trương nhị ca, tôi biết rồi.

Trương Hàng Anh tròn xoe mắt:
Gì cơ? Huynh đã biết nó đi đâu rồi ư?


Tôi nghĩ, có lẽ đến trưa, hoặc ngày mai, nó sẽ quay lại.
Đoạn cô đưa mắt nhìn Tích Thúy, thấy nàng ta đờ đẫn né tránh ánh mắt mình, bèn nói thêm:
Hơn nữa, người tốt như Trương nhị ca, ngay một cô gái mắc nạn ngất xỉu trong núi còn đưa về nhà cứu chữa; lại thêm bản tính đôn hậu, không so đo quá khứ của người khác; đối đãi ai cũng hết lòng hết dạ, hẳn người bên cạnh huynh cũng cảm động, trời cao ắt cũng thành toàn cho huynh, để bức tranh ấy mau quay trở về. Bằng không, kẻ cắp tranh cũng sẽ đánh mất thứ quý giá nhất của mình, đồng thời phải chịu sự giày vò của lương tâm.

Trương Hàng Anh ngỡ ngàng hỏi:
Ý huynh là không cần tìm, bức tranh sẽ tự quay về ư?


Ừm, tôi nghĩ thế.

Nói đoạn Hoàng Tử Hà quay mình bước xuống gác:
Trước mắt chuyện bức tranh cứ thế đã, tôi còn phải hỏi huynh mấy việc nữa đây.

Chu Tử Tần sốt ruột nhắc:
Sùng Cổ, vậy rắc rối của Trương nhị ca thì sao? Ăn nói thế nào với Đại Lý Tự đây? Cả bên Tả Kim Ngô Vệ nữa, công công đi nói vài lời hay là ta đi? Lẽ nào công công định trơ mắt nhìn Trương nhị ca bị vận rủi quấn thân, lại phải quay về Đoan Thụy Đường cho người ta chèn ép bóc lột hay sao?

Hoàng Tử Hà chẳng buồn nhìn gã:
Tử Tần, bức tranh chỉ là một trong các lý do chúng ta đến đây thôi, tôi còn việc quan trọng hơn phải hỏi Trương nhị ca đây, công tử cầm sổ ra ghi chép lại cho tôi.


Được…
Chu Tử Tần ngoan ngoãn lấy bút mực từ chiếc túi đeo trên mình ngựa ra.

Trương nhị ca, hiện giờ trong tay tôi có cả thảy ba vụ án, đều liên quan tới phủ công chúa.

Hoàng Tử Hà ngồi xuống đối diện Trương Hàng Anh rồi đi ngay vào đề, phớt lờ vẻ thấp thỏm bất an của gã:
Vụ thứ nhất là Ngụy Hỷ Mẫn, hoạn quan phủ công chúa bị chết cháy tại chùa Tiến Phúc, bấy giờ Trương nhị ca đang ở trong chùa, hơn nữa khi ngọn nến phát nổ, lửa bén vào Ngụy Hỷ Mẫn thì huynh đang ở ngay cạnh y.

Quai hàm Trương Hàng Anh bạnh ra, gã miễn cưỡng gật đầu.

Vụ thứ hai, là tại sân kích cúc của Tả Kim Ngô Vệ, trong buổi tỉ thí hôm trước, phò mã Vi Bảo Hoành ngã ngựa bị thương, huynh cũng có mặt tại hiện trường, đang so tài với phò mã.

Trương Hàng Anh lại gật đầu không đáp.

Vụ thứ ba, là cái chết của Tôn ghẻ. Thời gian tử vong của hắn ước chừng vào khoảng giờ Ngọ, mà lúc ấy huynh lại ở phường Đại Ninh, bị mấy bà thím ngồi hóng mát trong góc khuất bắt gặp.

Chu Tử Tần đang múa bút tốc ký cũng dừng phắt lại, ngỡ ngàng nhìn Trương Hàng Anh.
Trương Hàng Anh mấp máy môi, cuối cùng lên tiếng phân trần:
Tôi… tôi cũng chẳng hiểu sao lại trùng hợp như vậy nữa… Thực ra hôm ấy tôi đến phường Đại Ninh, nhưng… nhưng chẳng làm gì cả, thật đấy! Tôi nghe người trong kinh đồn rằng Tôn ghẻ đang nhốt mình trong lồng sắt, nên đến xem thử…


Giữa trưa hè nắng chang chang mà huynh đội nắng đi cả nửa thành Trường An, từ Tây sang Đông, chỉ để chứng thực câu chuyện cười về Tôn ghẻ ư?
Hoàng Tử Hà lạnh lùng vặt lại.
Trước thái độ lạnh nhạt của cô, Trương Hàng Anh lúng túng, không ngờ cô lại đột ngột hỏi vặn lại như thế. Ngập ngừng hồi lâu, gã mới nghiến răng đáp:
Tôi bấy giờ… có mang theo dao.

Chu Tử Tần bối rối cầm chặt cây bút thừ người ra, bắt gặp cái lườm của Hoàng Tử Hà, mới cắm cúi chép lại những lời Trương Hàng Anh kể ra giấy.

Tôi định đến giết Tôn ghẻ, nhưng khi đến mới phát hiện nhà hắn kiên cố vô cùng, không một khe hở, chẳng khác nào một cái lồng sắt, không sao lẻn vào được… Vì thế, tôi đành quay về.


Sao lại muốn tìm Tôn ghẻ?


Vì trong trận hỗn loạn ở chùa Tiến Phúc hôm ấy… Lúc Tích Thúy bị rơi mũ, tôi che cho cô ấy, rồi bị đám đông đẩy đến sát tường. Bấy giờ tôi giơ tay chống vào tường, chắn cho cô ấy, cả hai đứng đó không thể nhúc nhích… Đúng lúc ấy, Tôn ghẻ cũng có mặt ở chùa, hơn nữa, lại bị dòng người đẩy đến cạnh chúng tôi…
Trương Hàng Anh kể rất khẽ, trong mắt bùng lên một ngọn lửa dữ dội chưa từng thấy, khoảnh khắc ấy, nam nhân chất phác ôn hòa này đã bộc lộ niềm căm hận chôn sâu tận đáy lòng, khiến những người nghe hiểu ra rằng, dù là người thật thà ngay thẳng đến đâu cũng có lúc muốn bất chấp tất cả để giết chết kẻ thù.
Tích Thúy siết chặt nắm tay lại đặt lên ngực, thở dốc. Vì khóc lóc quá nhiều, mắt nàng đã sưng húp cả lên, giờ chỉ có thể nhắm nghiền mắt lại, gồng hết sức nén tiếng nức nở.

Tôn ghẻ… trông thấy A Địch, trông thấy tôi đang che chắn cho cô ấy…
Lồng ngực Trương Hàng Anh phập phồng dữ dội, giọng nghẹn lại vì căm hận:
Ánh mắt hắn nhìn A Địch, cứ như rắn độc vậy… Rồi hắn bỗng bật cười hô hố, dương dương tự đắc nói… nói rằng…

Trương Hàng Anh không kể tiếp được nữa, chỉ cúi đầu, nghiến chặt hai hàm răng, nét mặt hung ác.

Hắn nói, cái giày ông Tôn mày đi nát rồi, vẫn có thằng nhặt về đi à.

Giọng Tích Thúy rất khẽ, nghẹn ngào khản đặc.
Đôi mắt đỏ ngầu của nàng trợn trừng, như thể Tôn ghẻ đang đứng ngay trước mặt, còn nàng phải xông tới lóc từng miếng xương miếng thịt hắn ra mới cam lòng.
Hoàng Tử Hà cũng cảm thấy một ngọn lửa hừng hực bốc lên đầu, giữa trời nóng hầm hập, cả người cô như bốc hỏa, chỉ hận hôm ấy ở chùa Tiến Phúc mình không tóm lấy Tôn ghẻ, ném hắn xuống bùn.
Chu Tử Tần bên cạnh đã quăng bút lên bàn rủa:
Đồ khốn! Để ta băm xác hắn thành trăm mảnh!

Hoàng Tử Hà hít sâu một hơi, gắng nén cơn giận trong lòng xuống, nhắc gã:
Tử Tần lo ghi lại đi, đừng phân tâm!

Chu Tử Tần hậm hực nhặt bút lên:
Ta phục Sùng Cổ thật đấy, thế mà cũng nhịn được ư.


Lúc tra án, kỵ nhất là để tình cảm chen vào, phải luôn đặt bản thân ra ngoài, thì mới quan sát rõ được cục thế.
Nói rồi, cô lại quay sang bảo Trương Hàng Anh và Tích Thúy:
Hai vị bình tĩnh lại đi… Tôn ghẻ đúng là loại cầm thú, không biết lúc ấy Trương nhị ca phản ứng thế nào?

Trương Hàng Anh nghiến răng đáp:
Bấy giờ tôi chỉ muốn xông tới đánh hắn chết tươi! Tiếc rằng trong chùa rất hỗn loạn, chen chúc đông nghẹt, tôi không sao lách tới chỗ hắn được, đành trơ mắt nhìn hắn nhơn nhơn bỏ đi!

Hoàng Tử Hà lại hỏi Tích Thúy:
Thấy Trương nhị ca phẫn nộ như thế, cô nương nghĩ gì?

Tích Thúy chầm chậm lắc đầu, giơ tay lên day huyệt Thái dương đang giần giật, khó nhọc đáp:
Bấy giờ tôi… chỉ thấy mình đã chết rồi, không nhìn không nghe được gì nữa cả, Trương nhị ca làm gì… tôi cũng không có cảm giác. Sau đó Trương nhị ca dìu tôi về… Tôi cũng chẳng biết mình về nhà thế nào nữa…


Trương nhị ca, lúc đó huynh đã biết thân phận thực của A Địch cùng những việc cô ấy gặp phải, cũng biết rõ bi kịch của cô ấy không chỉ do Tôn ghẻ gây ra, mà còn có bàn tay Ngụy Hỷ Mẫn, đúng không?

Trước câu hỏi của Hoàng Tử Hà, Trương Hàng Anh sững ra, không biết trả lời thế nào.
Chu Tử Tần liền xen vào:
Lần trước Trương nhị ca kể với ta rằng, trước đó huynh ấy không biết chuyện của Tích Thúy, cũng không biết nội tình lại liên quan tới phủ công chúa.


Trương nhị ca nói dối, đúng không?
Hoàng Tử Hà đứng dậy, đi đến cạnh Na Phất Sa, lấy tập tài liệu của Đại Lý Tự từ chiếc hòm trên lưng nó, rút ra một tờ cho mọi người xem.

Trương nhị ca kể với Tử Tần rằng, khi Ngụy Hỷ Mẫn chết cháy, huynh không biết y là Ngụy Hỷ Mẫn, cũng không trông thấy Ngụy Hỷ Mẫn bắt lửa thế nào, phải không?

Trương Hàng Anh lặng lẽ gật đầu.

Nhưng người Đại Lý Tự lại điều tra được một chuyện vụn vặt trong phủ công chúa: mấy hôm trước khi xảy ra chuyện ở chùa Tiến Phúc, thuốc công chúa thường uống sắp hết, mà Thái Y Viện lại thiếu một vị thuốc nên chưa chế được. Thế là Ngụy Hỷ Mẫn, kẻ tháo vát nhất bên cạnh công chúa bèn đi khắp mấy tiệm thuốc lớn trong kinh tìm mua. Sau khi về phủ, y còn nói với người khác rằng, hiện giờ trong các tiệm thuốc ở kinh thành, Đoan Thụy Đường có thể xếp hàng đầu, sân phơi thuốc thì rộng mênh mông, tên giúp việc chuyên xóc thuốc ở đó trông cũng khôi ngô đĩnh đạc, hơn hẳn các nhà.

Trương Hàng Anh ngồi bất động, ánh mắt nhìn dán vào mặt bàn đá, không chớp.

Đại hoạn quan phủ Đồng Xương công chúa đích thân đến tận sân phơi tìm mua thuốc, còn quan sát huynh xóc thuốc, lẽ nào huynh lại quên ư? Dù huynh không biết nghe ngóng, chẳng lẽ không ai nói với huynh người đó là ai?

Chu Tử Tần ngạc nhiên nhìn Trương Hàng Anh, mặt nhăn như bị:
Trương nhị ca thành thực như vậy mà… cũng gạt ta ư?


Đâu chỉ có thế.
Hoàng Tử Hà nhìn chằm chằm Trương Hàng Anh,
Trương nhị ca, huynh cũng đã biết Ngụy Hỷ Mẫn là một trong những kẻ đầu sỏ hại Tích Thúy thành ra như thế, đúng không?


Phải… Là tôi gạt các vị.
Trương Hàng Anh cuối cùng cũng lên tiếng, giọng khản đặc, chậm rãi mà khó nhọc trả lời:
Tôi đã biết thân phận thực của A Địch từ lâu rồi. Bởi thế tôi từng đến tiệm nhang đèn nhà họ Lữ xem có nên báo với cha cô ấy rằng cô ấy chưa chết, đang ở nhà tôi hay không…

Nào ngờ khi đến, gã lại phát hiện mấy người, trong đó có cả Ngụy Hỷ Mẫn, hoạn quan phủ công chúa mà gã từng gặp, đang khiêng một bao tải khá nặng đi vào.
Người phủ công chúa cứ ở mãi trong nhà không ra, gã loáng thoáng nghe thấy mấy tiếng
Tích Thúy
, bèn lẻn đến dưới song cửa, áp tai vào tường nghe lén.
Đầu tiên là giọng Ngụy Hỷ Mẫn hống hách:
Lão Lữ à, Tích Thúy mạo phạm công chúa nên ta mới sai người đánh cho một trận. Nào ngờ cô ta không chịu được đòn roi, mới đánh mấy cái đã ngất xỉu. Phủ công chúa không thể giữ người lại dưỡng thương, đương nhiên phải đưa ra ngoài. Về sau gặp phải chuyện đó thì liên quan gì tới chúng ta? Hôm nay ta nói thẳng, xảy ra chuyện như vậy là do con gái lão xui xẻo, chẳng liên quan gì tới phủ công chúa cả! Giờ chẳng qua công chúa và phò mã thương hại các ngươi nên mới ban cho những thứ này, để các ngươi khỏi nói lung tung ra ngoài, bôi nhọ thanh danh phủ công chúa đấy thôi, lão có hiểu không hả?

Bên trong vang lên tiếng Lữ Chí Nguyên xóc xóc mấy đĩnh bạc, rồi chậm rãi nói:
Các công công cứ yên tâm, tôi đã cho con gái một sợi dây thừng, để nó tự đi tìm lấy bình yên rồi, sau này sẽ không bao giờ xuất hiện trước mặt các vị nữa đâu.


Lão biết thế là tốt.
Ngụy Hỷ Mẫn ném lại một câu rồi quay lưng dẫn mấy hoạn quan kia đi thẳng.
Trương Hàng Anh nấp dưới cửa sổ, nghe chúng vừa đi vừa chửi rủa:
Lão già khốn kiếp này, sống chẳng được mấy lâu mà nhận tiền nhanh thế, cũng chẳng tự nhìn lại xem mình có số hưởng hay không?


Đúng thế, lão không con không cái, sau này chết đi để tiền cho ai!


Xời, ngươi còn sợ lão không tiêu hết mấy đồng tiền cỏn con ấy sao!

Trương Hàng Anh thuật lại chuyện hôm đó rồi thừ người ra, ánh mắt dừng ở Tích Thúy, dịu giọng:
A Địch, giờ không sao nữa rồi, những kẻ gây ra bi kịch của muội đều đã chết cả… Sau này muội nhất định sẽ hạnh phúc.

Tích Thúy mở to đôi mắt sưng húp nhìn gã, không nói một lời.
Trái lại, Chu Tử Tần ngỡ ngàng run run hỏi:
Trương nhị ca, lẽ nào… hung thủ là huynh thật ư?

Trương Hàng Anh lắc đầu phân bua:
Không phải tôi, đúng là tôi muốn giết chúng, nhưng không có cơ hội.

Hoàng Tử Hà nhìn hai người trước mặt, một bên là nam tử khôi ngô ngay thẳng, một bên là thiếu nữ thanh tú tháo vát, vốn là một cặp đẹp đôi, nhưng ai mà ngờ được, giữa họ lại có bấy nhiêu mưa sầu gió thảm, long đong trắc trở nhường ấy?
Nghĩ vậy, cô chỉ biết thở dài, ra ý bảo Chu Tử Tần gấp giấy bút lại rồi nói:
Trương nhị ca, hy vọng lần này huynh không nói dối chúng tôi. Cũng mong rằng chúng tôi sẽ không tìm thấy thêm chứng cứ phạm tội của huynh nữa.

Trương Hàng Anh đứng dậy cúi đầu không nói. Thân hình cao lớn của gã lúc này chợt còng xuống, tựa hồ cái gánh trên vai đã quá nặng, khiến gã không thể tự chủ, cũng chẳng lấy lại được lòng hăng hái như xưa nữa.
Ánh mắt Hoàng Tử Hà lại dừng ở Tích Thúy, cô nói như than thở:
Hy vọng bức tranh kia mau quay trở về. Sớm giao được cho Đại Lý Tự, coi như cũng xong một việc.

Ra khỏi nhà họ Trương, Hoàng Tử Hà một mực lặng thinh. Ngay cả Chu Tử Tần hằng ngày vẫn bô lô ba la, giờ cũng im như thóc.
Gã cưỡi Tiểu Hà theo sau Na Phất Sa, cùng cô đi về phía Đông. Vòng qua phường Lễ Tuyền vào chợ Tây, gã mới hỏi:
Ta đi đâu đây?

Hoàng Tử Hà đáp:
Tới tìm ông chủ tiệm ngựa Tiền Ký, Tiền Quan Sách.

Mặt tiền tiệm ngựa Tiền Ký chiếm một khoảnh rất rộng ở chợ Tây, vừa vào đã thấy. Nhưng mấy tàu ngựa trong khoảnh sân mênh mông phía sau còn lớn hơn. Ông chủ Tiền Quan Sách đang hả hê đi lại giữa những dãy chuồng, quan sát con này, vỗ về con kia, hài lòng ra mặt.

Chào ông chủ Tiền.
Hoàng Tử Hà lên tiếng.
Vẻ thỏa mãn tắt lịm, nét mặt Tiền Quan Sách chuyển sang bối rối cùng niềm nở đầy khách sáo:
Ai da, Dương công công! Không kịp tiếp đón công công từ xa, tại hạ thật là thất lễ!


Đâu có, là ta không muốn kinh động ông chủ Tiền, nên không đợi được thông báo đã đi thẳng vào xem ngựa.
Nói rồi cô giao cương ngựa cho tay giữ ngựa cạnh đó.
Vừa trông thấy Na Phất Sa, Tiền Quan Sách đã sáng mắt lên, sán đến sờ nắn vuốt ve nó một lượt rồi tấm tắc:
Ngựa tốt, đúng là ngựa tốt mà… Trong số các thớt ngựa đã qua tay tôi bao năm nay, chẳng con nào bì được con này cả. Công công tìm đâu ra nó vậy?


Ừm… Chủ cũ chê nó quá hiền hòa nên giao cho ta cưỡi tạm.
Đoạn Hoàng Tử Hà vào đề ngay,
Ông chủ Tiền, gác chuyện ngựa qua một bên đi, hôm nay ta đến là có việc muốn thỉnh giáo ông.


Ôi, không dám không dám, công công có gì cứ hỏi đi, tôi nhất định biết đến đâu khai đến đấy, biết hết khai hết!
Tiền Quan Sách nói mà mắt không rời Na Phất Sa, đầy vẻ thèm muốn.
Chu Tử Tần rầu rĩ dắt con Tiểu Hà của mình vào buộc cạnh Na Phất Sa để hai con cùng ăn cỏ. Vừa trông thấy gã, Tiền Quan Sách vội chắp tay chào:
Chu công tử! Ngưỡng mộ đã lâu, lần này được công tử hạ cố đến thăm, thật là vinh dự cho tôi quá!


Ông biết ta ư?


Công tử khéo đùa, trong thành Trường An này có ai không biết công tử?

Hoàng Tử Hà nghe nói liền quay sang xem xét bộ đồ hôm nay Chu Tử Tần mặc. Áo lụa màu xanh cánh trả, thắt lưng vàng cam, đi giày đỏ, đeo đủ thứ dây nhợ trang sức lùng nhùng, hèn chi người trong kinh thành chỉ cần trông thấy một lần, nhất định sẽ có ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên.
Chu Tử Tần cũng chắp tay chào Tiền Quan Sách:
Ông chủ Tiền, ta cũng nghe danh ông đã lâu, nghe nói ông là người làm ăn giỏi nhất kinh thành, trong vòng mười năm mà phát đạt đến thế này, quả là truyền kỳ, truyền kỳ!


Đâu có, đều nhờ phúc mọi người cả thôi.
Tiền Quan Sách cười khà dẫn họ vào trong, ngồi xuống một tấm thảm Ba Tư dày dặn, lại sai người hầu pha trà, rồi hỏi:
Chẳng biết hai vị đến có việc gì? Không rõ phủ Quỳ vương có việc sai bảo, hay là nha môn bộ Hình có gì căn dặn?


Thực không dám giấu, giờ hai chúng ta đều bị Đại Lý Tự phái đi điều tra mấy vụ án liên quan tới phủ công chúa.
Hoàng Tử Hà vào đề ngay.
Cơ thịt trên gương mặt nung núc của Tiền Quan Sách giần giật, hắn lo lắng phân trần:
Dương công công, lần trước tiểu nhân đã trình bày với ngài rồi đấy thôi, tôi và phò mã quả thật chỉ gặp nhau có đúng ba lần, thật mà! Còn công chúa thì, tôi xin thề rằng mình vô duyên vô phúc, xưa nay chưa từng được gặp!


Lần này ta đến không phải hỏi về việc phò mã.
Hoàng Tử Hà bưng chén trà nóng hổi vừa pha, quan sát hắn qua màn khói:
Ta chỉ muốn hỏi ông chủ Tiền, về việc… con gái ông mười năm trước.

Cơ mặt Tiền Quan Sách đang giần giật bỗng cứng đờ, hắn ngây người thật lâu mới thở hắt ra, cả người sụp xuống, như một đống thịt chảy nhão ra trên thảm:
Dương công công, con gái tôi… ôi, bỗng dưng công công hỏi đến chuyện mười năm trước làm gì?


Ta nghe nói năm xưa ông chủ Tiền dắt díu cả nhà từ quê lên đây lánh nạn, đến nơi thì nhẵn túi, phải lang thang ngoài đường kiếm ăn, suýt thì chết đói. Số vốn đầu tiên để khởi nghiệp, là lấy từ…


Là từ tiền bán con gái.
Tiền Quan Sách cắt lời cô, giọng mệt mỏi,
Ài, tuy tôi chẳng còn mặt mũi nào mà nói ra, nhưng công công đã biết thì tôi đành kể vậy. Mười năm trước, Hoàng Hà đổi dòng khiến quê tôi bị lụt, nhà cửa ruộng vườn ngập úng cả. Tôi thấy không còn đường sống, đành dắt díu vợ, con gái, cùng hai đứa con trai lên kinh. Kết quả trên đường đi vợ tôi lâm bệnh qua đời, đành đào hố chôn ngay bên đường. Về sau tôi phát đạt, quay lại tìm kiếm mấy lần mà không sao tìm thấy chỗ chôn bà ấy nữa…

Chu Tử Tần rút giấy bút ra, bắt đầu miệt mài ghi chép rất chuyên nghiệp.
Thấy gã ghi lại, Tiền Quan Sách hơi chần chừ, xong vẫn kể tiếp:
Sau khi dẫn ba đứa nhỏ đến Trường An, tôi quá túng quẫn. Buôn bán thì không có vốn, làm việc nặng thì dọc đường lặn lội đến đây, tôi đã đói đến bải hoải cả người rồi. Thế là tôi đành dắt theo ba đứa con lê lết xin cơm ngoài phố, được ngày nào hay ngày nấy, xong cứ thế mãi thì một người lớn và ba trẻ nhỏ đều phải chết đói. Ebook Fun&Free Cho tới một hôm, cha con tôi đang xin cơm thì trông thấy một hoạn quan đi tìm mua cung nữ hoạn quan, một đứa trẻ là năm quan tiền. Tôi bèn nhìn lại ba đứa con, tính rằng nếu bán đi một đứa, kiếm ít tiền vốn làm ăn, không chừng hai đứa kia còn có con đường sống. Thế là, tôi bèn bảo Hạnh nhi, con gái mình: ‘Hạnh nhi, hai em con còn ít tuổi, hơn nữa sau này con trai lớn lên phải nối dõi tông đường, đúng không nào? Chi bằng con đi theo vị công công kia đi.’ Bấy giờ Hạnh nhi khóc lóc thảm thiết, cứ ôm ghì lấy chân tôi không buông. Nhưng tôi cũng chẳng có cách nào, đành ngồi xuống ôm lấy nó mà nước mắt ròng ròng, dỗ dành, ‘Hạnh nhi, lần này con vào cung làm cung nữ, sẽ được ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu hai em vào cung làm hoạn quan thì sẽ phải cắt bỏ bộ phận bên dưới. Con nói xem, con đành lòng để em mình chịu đau đớn như thế ư? Người làm chị như con, sao lại không hiểu chuyện thế?’

Kể đến đây Tiền Quan Sách cũng rơi nước mắt. Một người đàn ông ngoại tứ tuần mà còn khóc nức nở, nước mắt lăn dài trên gương mặt phì nộn, ngoằn ngoèo chảy xuống, nhìn hết sức tức cười, nhưng Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần chẳng ai cười nổi, chỉ thấy xót xa.

Ôi, đúng là cái khó bó cái khôn… Giờ nghĩ lại hành động bán con gái năm ấy, chẳng phải rất khốn nạn ư? Trong cung cấm mỗi năm có bao nhiêu cung nữ âm thầm chết đi, bị quẳng ra bãi tha ma, ném xuống hố rồi vùi đất lên, thế là xong một kiếp người. Nhưng lúc đó không còn đường sống nữa, chỉ trông vào một mình Hạnh nhi, nên tôi đành…
Tiền Quan Sách cúi gằm mặt, rầu rĩ kể,
Tôi dùng tiền bán Hạnh nhi làm vốn bắt đầu buôn cỏ khô, trong khi buôn bán lại gặp được quý nhân mách tôi ra quan ngoại mua ngựa. Tôi gặp may, từ hai ba thớt ngựa ban đầu, mua đi bán lại thành mười mấy thớt, về sau có chút tiếng tăm, một lần triều đình đặt mua mấy nghìn thớt ngựa, thế là phất lên. Lại cưới một vợ một thiếp, muốn sinh thêm đứa con gái, nào ngờ bấy nhiêu năm nay, tiểu thiếp cũng chỉ sinh được một con trai. Tôi nghĩ có lẽ ông trời trừng phạt, đời nay tôi sẽ không có con gái nữa…

Hoàng Tử Hà dịu giọng an ủi:
Ông chủ Tiền, cũng còn may, trời xanh đã thương xót để ông tìm thấy con gái tại phủ công chúa rồi còn gì.


Đúng thế, nhưng Hạnh nhi không chịu tha thứ cho tôi…
Tiền Quan Sách than thở,
Tôi lén đến phủ công chúa thăm nó mà nó không cho thấy mặt, chỉ đứng sau bức bình phong, chìa cho tôi xem vết bớt hồi nhỏ. Tôi đưa đồ ăn thức mặc đến cho nó, nó bao giờ cũng biếu quà đáp lễ… Nhưng nó không chịu gặp tôi, nói rằng từ khi bị bán đi đã lập lời thề, không bao giờ nhìn mặt tôi nữa.
Hắn buồn rầu khòm hẳn lưng xuống, lắc đầu,
Kiếp này, biết được con gái vẫn còn sống, nói được với nó mấy câu, tôi thấy cũng đủ lắm rồi.

Lần này, Chu Tử Tần cũng buột miệng hỏi:
Sao ông biết được… người đứng cách bình phong ấy là con gái mình?


Đương nhiên là nó rồi. Vết bớt trên tay người đó giống hệt con gái tôi, màu hồng hồng ngả xanh cũng giống hệt! Không phải nó thì còn ai?
Tiền Quan Sách quả quyết lắc đầu, ra sức bảo vệ sự thực đã tìm được con gái,
Huống hồ giả làm con gái tôi thì có lợi lộc gì đâu? Chẳng qua tôi chỉ cho nó mấy thứ đồ ăn, nào có gì đáng tiền. Chỉ độc một lần, nó bảo, chợ ngoài phố có bán loại đồ chơi hồi bé nó thích chơi nhưng bị người ta vứt đi? Tôi liền đi tìm mua ngay, lần sau lại thăm đưa cho nó, nó biếu lại tôi một chiếc hộp. Tôi cũng không để ý, nào ngờ vừa mở ra xem… Ôi, đúng là giật nảy cả mình.

Tiền Quan Sách dường như không hề tức giận việc họ hoài nghi con gái mình, vừa nói vừa đứng dậy đi vào trong, lách cách mở khóa đóng khóa hồi lâu, mới bưng một chiếc hộp ra đặt trước mặt họ, vẻ tự hào:
Các vị xem này, là con gái biếu tôi đấy.

Chiếc hộp làm từ gỗ tử đàn, trên khắc hoa văn tinh tế, thoạt nhìn đã biết chẳng phải tầm thường. Vừa mở hộp, Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần cũng ngây ra.
Bên trong là một con cóc chừng nửa bàn tay, bằng vàng ròng, ngồi trên một phiến lá sen bằng ngọc phỉ thúy. Những nốt mụn trên mình nó làm bằng đá quý đủ màu, ngay hạt sương trên lá cũng là một viên pha lê được mài tròn, lăn đi lăn lại trên phiến lá xanh biếc, nhìn đẹp vô cùng.
Tiền Quan Sách tự đắc khoe:
Bấy giờ tôi cũng giật thót mình, lập tức đưa trả lại, bảo nó: ‘Hạnh nhi, thứ quý giá thế này, sao con có thể tiện tay biếu cha được?’ Các vị đoán xem nó nói sao? Nó nói trong phủ công chúa đầy những thứ như thế, cái này là công chúa không thích mới ban cho nó, bảo tôi cứ việc nhận, không sao cả. Thị nữ đi theo nó cũng nói, ‘Đúng thế, đây là vật công chúa ban tặng, ông cứ cầm đi, không việc gì đâu.’

Đoạn Tiền Quan Sách đóng nắp hộp lại, ôm vào lòng, tấm tắc,
Biết được bây giờ Hạnh nhi phú quý như thế, công chúa lại đối tốt với nó, tôi cũng yên tâm rồi. Chỉ mong một lúc nào đó nó chịu nhìn mặt, gọi tôi một tiếng cha, ấy là tôi thỏa nguyện.

Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần nhìn nhau, cô nói:
Đúng vậy, thế này là mừng rồi.

Tiền Quan Sách cứ ôm khư khư cái hộp, vẻ mặt vừa xót xa lại vừa tự hào.
Hoàng Tử Hà hỏi tiếp:
Còn chút việc nữa phải thỉnh giáo ông chủ Tiền?


Xin Dương công công cứ nói.


Ta nghe nói, ông đã tặng cho Xương Bồ, người cai quản nhà bếp của công chúa, một ít linh lăng hương?


À, đúng là có chuyện này.
Tiền Quan Sách gật đầu,
Xương Bồ giúp tôi tìm được Hạnh nhi, tôi phải cảm tạ cô ấy chứ?

Hoàng Tử Hà cười:
Ông chủ Tiền quả là cao nhã, người bình thường chỉ biết biếu tiền, ai mà nghĩ đến việc tặng linh lăng hương?


Ôi chao, vì Xương Bồ bảo lén lút nhận tiền của người ngoài phủ là tội to. Sau đó lúc rời phủ công chúa, tôi lại gặp Lữ Chí Nguyên. Biết tôi đã tìm được con gái, lão cũng mừng cho tôi.

Hoàng Tử Hà rùng mình:
Ông cũng biết Lữ Chí Nguyên ư?


Tôi có biết. Bắt đầu từ năm ngoái, tôi đã thuê một nhóm thợ nề, chuyên nhận xây nhà đảo ngói. Rất nhiều người nhân lúc xây nhà muốn đục luôn hốc tường để đặt nến, hoặc gắn giá nến lên tường, nên tôi hợp tác với lão ta. Lúc con gái lão gặp chuyện, tôi còn kể chuyện con gái tôi cho lão nghe, khuyên lão thương lấy con bé, đừng rủa xả khinh khi nó nữa, tiếc rằng lão già cố chấp đó không nghe…


Vậy Lữ Chí Nguyên bảo gì ông?


Lão ta ấy hả, lão biết tôi cần tìm thứ gì đó để cảm ơn Xương Bồ, bèn gợi ý với tôi rằng, nữ nhân thường thích những thứ như hoa đẹp hay hương thơm, vừa hay tiệm nhang đèn nhà lão mới nhập một lô linh lăng hương thượng hảo để chuẩn bị cho pháp hội ở chùa Tiến Phúc, nếu tôi muốn, lão sẽ san cho tôi một ít. Nghe lão nói cũng có lý nên tôi tán thành. Hôm sau, tôi tới tiệm nhà lão lấy sáu lạng linh lăng hương đem biếu Xương Bồ, còn làm theo lời Lữ Chí Nguyên, chỉ cho cô ấy mỗi ngày trước khi đi ngủ đốt chừng một hai que, sẽ giúp ngủ ngon, an thần.


Sau đó, người ở phủ công chúa có ai tới tìm ông đòi thêm không?


Sao công công lại biết?
Tiền Quan Sách kinh ngạc hỏi,
Sau đó sáu bảy hôm, Ngụy Hỷ Mẫn công công ở phủ công chúa tự dưng đến tìm, nói tôi tư thông với Xương Bồ, nếu không cho y thêm hương liệu, y sẽ làm toáng lên. Tôi nhức đầu quá, đành dẫn y tới chỗ Lữ Chí Nguyên, định mua thêm thí cho y. Nào ngờ Ngụy Hỷ Mẫn vừa trông thấy lão Lữ đã tái mét mặt, luôn miệng giục lão lấy linh lăng hương cho mình, bảo rằng có việc gấp phải đi, xong lão cứ lục đục mãi bên trong không chịu ra. Tôi thấy tên Ngụy Hỷ Mẫn đó thực khó dây, bèn kiếm cớ chuồn thẳng.

Hoàng Tử Hà hỏi:
Đó là hôm nào?


Để tôi nhớ xem nào… Có lẽ là…
Tiền Quan Sách gãi đầu nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp,
Một ngày trước pháp hội ở chùa Tiến Phúc. Đúng, chính là một ngày trước khi phủ công chúa có người bị chết cháy trong pháp hội.


Tên hoạn quan bị thiêu chết đó chính là Ngụy Hỷ Mẫn, ông chủ Tiền có biết không?


Ôi chao… Đúng là…
Tiền Quan Sách kinh ngạc thốt lên, đôi vai vốn đã thẳng dậy, giờ lại khòm xuống,
Hai quý nhân ơi, tôi nói thực đấy! Chuyện này không liên quan gì đến tôi đâu! Thật mà! Tôi chỉ dẫn y đến chỗ Lữ Chí Nguyên rồi đi thôi! Các vị xem, cửa hàng của lão cách tiệm tôi không xa, tôi và Ngụy công công chỉ gặp nhau chừng một khắc thôi… Nếu, nếu chuyện này có vấn đề gì, thì nhất định là ở Lữ Chí Nguyên!


Vậy lúc Tôn ghẻ chết ở phường Đại Ninh, ông cũng có mặt ở hiện trường thì sao?

Tiền Quan Sách buồn rười rượi, gật đầu:
Đại Lý Tự cũng truyền gọi tiểu nhân về việc này rồi. Nhưng lúc tôi bước vào, quả thực Tôn ghẻ đã chết rồi mà! Sắp thối um lên rồi! Đại Lý Tự đã tra rõ, việc này không liên quan gì đến tôi nên mới thả cho về… Công công nói xem, tôi có xui xẻo không…

Tiền Quan Sách cứ lải nhải mãi, chung quy chỉ là kêu ca xui xẻo, Chu Tử Tần chán chẳng buồn ghi, bèn gác bút, gập giấy lại, nhìn sang Hoàng Tử Hà.
Hoàng Tử Hà bèn đứng dậy chắp tay hành lễ với hắn:
Ông chủ Tiền, hôm nay quấy rầy lâu quá, mong ông đừng để bụng nhé.


Đâu dám đâu dám! Hoan nghênh các vị tới chơi thường xuyên…
Đoạn hắn nhăn nhó nói thêm,
Dĩ nhiên, nếu lần sau tới không phải vì việc của Đại Lý Tự thì càng tốt.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Trâm - Kẻ Yểu Mệnh.