GHI CHÚ TỪ HỒ SƠ KHOA HỌC


Số từ: 5231
Dịch giả: Đỗ Trọng Tân
Nhà xuất bản Văn Học
Cuộc sống kỳ lạ hơn bất cứ điều tưởng tượng nào. Tất cả những luận đàm nêu trong cuốn tiểu thuyết này về cơ chế lượng tử, thiết kế thông minh và tiến hóa là dựa trên thực tế.

Thực tế cho thấy rằng thuyết tiến hóa là xương sống của sinh vật học, và sinh vật học như vậy đã ở vào một vị thế kỳ dị là một thứ khoa học được hình thành từ một lý thuyết cải biên - vậy đó có phải là một ngành khoa học hay là một niềm tin?

Charles Darwin


Khoa học mà không có tín điều thì què quặt, tín điều không có khoa học thì mù lòa
.
Albert Einstein


Kẻ nào nói rằng ta không được Chúa đặc biệt chở che?

Adolf Hitler

1945 Ngày 4 tháng 5
6 giờ 22 phút sáng.
Thành phố pháo đài Breslau, Ba Lan.
Cái xác nổi trên mặt nước cống xả ra từ ống cống. Xác của một người, trương phềnh và đã bị chuột nhấm, đôi ủng bị xé nát, quần lót và áo sơ mi. Chẳng có gì là lãng phí bỏ đi trong cái thành phố bị bao vây này.
Viên sĩ quan SS Obergruppenfủhrer Jakob Sporrenberg chọc vào cái xác, khuấy chỗ bùn bẩn lên. Rác rưởi và phân. Có máu và mủ. Chiếc khăn ướt buộc quanh mũi và mồm chẳng làm bớt đi mùi hôi thối. Đây là cái thứ mà cuộc chiến tranh vĩ đại đã dẫn đến. Lực lượng hùng mạnh phải rút lui, chui bò qua những ống cống để trốn thoát. Nhưng hắn có những mật lệnh riêng của mình.
Trên đầu, tiếng đại bác ùm ùm của pháo binh Nga rền vang trên thành phố. Mỗi một tiếng nổ lại làm bầm tím ruột gan hắn bằng chính chấn động của nó. Người Nga đã đánh sập những cánh cổng phòng tuyến bảo vệ, dội bom vào sân bay và thậm chí giờ đây những chiếc xe tăng đang lăn bánh trên những đường phố rải sỏi, trong khi đó những chiếc xe chở quân đã đổ bộ lên vùng Kaiserstrasse. Khu vực chính đã biến thành một bãi cho máy bay hạ cánh với những dãy thùng dầu đặt song hàng đang bốc cháy rừng rực, đổ thêm những làn khói vào bầu trời buổi sáng vốn đã sặc sụa khói đen, dồn ép ánh bình minh hết lối. Chiến sự diễn ra trên ấy nhưng, một phần của con người Jakob Sporrenberg vẫn thức tỉnh. Hắn không biết được tất cả những gì đã liên quan tới dự án bí mật này, chủ yếu chỉ là tên mật mã: Chronos. Nhưng như thế, hắn đã biết đủ rồi. Hắn đã trông thấy những xác người được sử dụng trong thí nghiệm. Hắn đã nghe thấy những tiếng kêu thét.
Kinh tởm.
Đó là một từ xoáy vào tâm trí người ta và làm máu trong người đông cứng lại.
Hắn chẳng thấy động lòng khi hạ sát các nhà khoa học. Sáu mươi hai người phụ nữ và đàn ông làm nghề nghiên cứu khoa học đã bị lôi ra ngoài và bắn hai phát vào đầu. Không ai được biết chuyện gì đã xảy ra trong vùng sâu của khu mỏ Wenceslas … hoặc người ta đã tìm thấy gì. Chỉ có một nhà nghiên cứu được phép sống sót.
Tiến sĩ Tola Hirszfeld.
Jakob Sporrenberg nghe tiếng chị lội bì bõm phía sau, một người lính của hắn kéo lê chị đi, cổ tay bị trói sau lưng. Chị là một người phụ nữ cao, gần ba mươi tuổi, ngực lép nhưng có eo và đôi chân dài. Tóc đen dài, mượt, da xanh tái và trắng nhợt màu sữa vì đã phải sống nhiều tháng trời dưới hầm ngầm. Chị đáng ra cũng phải bị giết cùng với những người khác, nhưng cha chị Oberarbeitsleiter Hugo Hirszfeld, là người giám sát dự án, cuối cùng đã chứng minh dòng máu đồi bại của mình, một di sản nửa máu Do Thái của ông. ông đã cố gắng phá hủy những tài liệu nghiên cứu của mình, nhưng ông đã bị một người lính gác bắn chết trước khi ông có thể đánh bom phá hủy văn phòng nghiên cứu bí mật. May mắn cho người con gái của ông, người hiểu biết rất rõ về Die Glocke là cần phải sống sót để tiếp tục tiến hành công việc. Chị, một thiên tài giống như cha mình, biết rất rõ phần nghiên cứu của ông hơn bất cứ một nhà khoa học nào khác.
Song chị cần phải để người ta dụ dỗ mình bắt đầu từ đây.
Lửa cháy trong đôi mắt của chị cứ mỗi khi nào Jakob liếc nhìn chị. Hắn có thể cảm thấy mối hận thù giống như sức nóng của một lò nung đang mở cửa. Song chị sẽ hợp tác… như cha chị đã làm trước chị. Jakob biết cách cư xử với những người lai Do Thái, đặc biệt với những ai mang dòng máu hợp huyết. Những người Mischlinge. Họ là những kẻ tồi tệ nhất. Những người chỉ có một vài phần Do Thái. Có hàng trăm ngàn người Mischlinge phục vụ trong lực lượng quân sự của đế chế, những người lính Do Thái. Những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi của luật pháp phát xít đã cho phép những người hợp huyết ấy vẫn được phục vụ trong quân đội, không bị giết. Điều này đòi hỏi có phần miễn trừ đặc biệt. Những người Mischlinge thường chứng tỏ là những người lính quả cảm nhất, cần phải chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với Đế chế Đệ tam.
Ấy vậy mà Jakob chưa bao giờ đặt niềm tin vào bọn này. Người cha của Tola đã chứng minh tính xác thực của những điều hắn nghi ngờ. Việc phá hoại có dự tính của người tiến sĩ này không làm cho Jakob ngạc nhiên. Những người lai Do Thái không bao giờ đáng tin cậy cả, chỉ đáng bị hủy diệt mà thôi.
Nhưng những giấy tờ trường hợp ngoại lệ của Hugo Hirszfeld đã được chính tay sĩ quan Fủhrer ký, không chỉ chừa người cha và cô con gái, mà còn cả bố mẹ đã già của họ sống ở đâu đó giữa nước Đức. Vậy nên, trong khi Jakob không hề có một chút niềm tin đối với người Mischlinge, hắn lại đặt niềm tin trọn vẹn vào Fủhrer của hắn. Mệnh lệnh hắn nhận được bằng những từ ngữ cụ thể: sơ tán những nguồn lực cần thiết của khu mỏ để tiếp tục công việc và phá hủy những gì còn lại.
Điều đó có nghĩa rằng phải chừa người con gái ra.
Và đứa trẻ nữa.
Thằng bé mới sinh được cuốn tã và gói trong một chiếc ba lô, một hài nhi Do Thái, chưa đầy tháng. Đứa bé đã bị tiêm một liều thuốc ngủ để im lặng trong khi họ tháo chạy.
Bên trong đứa trẻ cháy bỏng một trái tim kinh hồn, thực sự là cội nguồn cho nỗi khiếp sợ của Jakob. Mọi hy vọng cho Đế chế Đức Đệ tam nằm trong bàn tay nhỏ bé của nó bàn tay của một hài nhi Do Thái. Một ý nghĩ như thế làm hắn cáu. Tốt nhất là xiên thằng ôn con này vào đầu mũi lê. Nhưng mà hắn đã có mệnh lệnh rồi.
Hắn cũng thấy Tola theo dõi thằng bé như thế nào. Mắt chị lóe lên những ánh lửa và nỗi buồn. Bên cạnh việc giúp cha mình nghiên cứu, Tola còn làm việc như người mẹ đỡ đầu cho đứa bé, ru cho nó ngủ, chăm cho nó ăn. Đứa bé là lý do duy nhất để người phụ nữ này hợp tác. Vì có sự đe dọa tới cuộc sống của thằng bé mà cuối cùng Tola đã ưng thuận làm theo những lệnh yêu cầu của Jakob.
Một quả đạn đại bác nổ tung phía trên đầu, văng mảnh tứ tung xuống phía dưới chân họ và làm không gian điếc đặc. Vữa xi măng rơi lả tả, bụi sục vào làn nước bẩn.
Jakob lồm cồm đứng dậy, chửi thề sau hơi thở.
Viên phó chỉ huy của hắn Oskar Henricks tiến sát tới hắn và chỉ tay về phía nhánh bên của cái cống.
— Ta hãy đi theo đường ngầm kia, Obergruppenfủhrer. Đó là một đường cống thoát nước mưa cũ. Theo như bản đồ của thành phố, tuyến cống chính này đổ nước ra sông, không cách xa Đảo Nhà thờ là mấy.
Jakob gật đầu. Giấu mình gần hòn đảo, hai chiếc xuồng gắn súng máy có ngụy trang sẽ đợi ở đó, do một nhóm lính đặc nhiệm phụ trách. Cũng không còn bao xa nữa.
Hắn xăm xăm dẫn đường và đi gấp hơn khi đợt nã pháo của người Nga càng mạnh hơn. Trận tấn công mới lần này đơn giản là báo hiệu cho trận đánh chiếm cuối cùng của họ vào thành phố. Việc đầu hàng của công dân trong thành phố là việc không thể tránh khỏi.
Lúc Jakob tới chỗ đường hầm bên cạnh, hắn trèo ra khỏi chỗ nước bẩn đang xả và và leo lên bậc xi măng của lối thoát nhánh. Đôi giày ủng dấp dính theo từng bước đi. Mùi hôi thối hoại tử của lòng ruột và nhớt nhãi càng nồng nặc hơn, cứ như thể là từ tận đáy cống rãnh, lũ ma quỷ đang săn lùng hắn.
Những người lính trong đội đi theo hắn.
Jakob chiếu đèn pin dọc theo đường cống xi măng. Không khí có mùi vị trong lành hơn chăng? Hắn đi theo ánh đèn pin với vẻ hăng hái hơn, sắp tới đường thoát, nhiệm vụ hầu như đã xong. Đơn vị của hắn sẽ đi được nửa đường xuyên ngang qua Silesia trước khi người Nga đến khu mỏ Wenceslas. Jakob đã cài mấy quả mìn trong những lối đi ở khu phòng thí nghiệm. Người Nga và đồng minh của họ sẽ chẳng tìm thấy gì mà chỉ có cái chết giữa vùng cao nguyên.
Với suy nghĩ tự hài lòng đó, Jakob đi nhanh về hướng có luồng không khí trong lành. Đường cống ngầm xi măng này dốc nghiêng dần xuống phía bờ sông. Bước chân của nhóm người đi càng nhanh hơn, hấp tấp vội vàng giữa những khoảng im lặng bất ngờ sau những làn pháo. Người Nga đang dốc toàn lực tiến vào.
Mọi thứ sẽ kết thúc. Dòng sông vẫn cứ mở ra mãi mãi.
Như thể cảm thấy không khí gấp rút khẩn trương, đứa trẻ bắt đầu khóc oe oe. Một dấu hiệu khi thuốc ngủ hết tác dụng. Jakob đã cảnh báo cho người phụ trách y tế của nhóm dùng liều thuốc nhẹ. Họ không dám gây rủi ro cho cuộc sống của đứa trẻ. Có lẽ đó lại là một sai lầm.
Tiếng khóc của đứa trẻ nghe gay gắt căng thẳng hơn.
Một quả đạn pháo nghe nổ rất to đâu đấy phía hướng bắc.
Tiếng khóc ré lên. Âm thanh dội vọng theo cổ họng đá của đường hầm.
— Bịt miệng thằng ôn con lại! - Hắn ra lệnh cho người lính đang bế đứa bé.
Người lính này xốc chiếc ba lô lại, đánh rơi chiếc mũ đen của mình. Hắn xoay xở để cho đứa bé đỡ mỏi, nhưng chỉ có thể làm cho đứa bé lại khóc thêm.
— Để tôi lo thằng bé. - Tola đề nghị. Chị đẩy người lính kia ra lúc người này đang nắm lấy khuỷu tay của chị. - Thằng bé cần tôi.
Người lính đang mang đứa bé liếc nhìn Jakob. Im lặng bao trùm một lát. Tiếng khóc thét lại bắt đầu.
Vẻ hoảng hốt, Jakob gật đầu.
Người ta cắt dây trói ở cổ tay của Tola. Xoa xoa những ngón tay, chị vươn tới giơ tay đỡ lấy đứa bé. Người lính khoan khoái thả ra gánh nặng của mình. Chị nựng đứa bé trong vòng tay, nâng đầu nó lên và lắc lư nó nhẹ nhàng. Chị cúi xuống nhìn nó, ôm chặt nó vào lòng. Một vài âm thanh cưng nựng trẻ con, không thành lời, đầy vẻ dỗ dành thì thào vào tai nó.
Từ từ, tiếng khóc ré của đứa bé trở thành tiếng o oe nhẹ hơn.
Hài lòng, Jakob gật đầu với cách chăm sóc của chị. Người này nâng khẩu Luger của mình lên và gí vào lưng Tola. Tất cả im lặng, họ tiếp tục đi xuyên qua đường cống ngầm ngay bên dưới thành Breslau.
Một lát sau có mùi khói trong đường cống. Chiếc đèn pin trong tay hắn chiếu sáng một làn khói đánh dấu lối ra của đường cống thoát nước mưa này. Tiếng súng đại bác đã im, nhưng vẫn còn tiếng nổ lẹt đẹt của súng trường và súng liên thanh, chủ yếu ở phía đông. Ngay sát gần đó nghe rõ tiếng nước chảy.
Jakob ra hiệu cho những người lính của mình vào vị trí trong đường hầm và vẫy tay cho người lính đeo máy bộ đàm đi ra hướng cổng thoát.
— Phát tín hiệu cho xuồng đi.
Người lính gật đầu và chạy vội lên, biến mất vào làn khói. Một lát sau những ánh sáng lấp lóe đã truyền đi thông điệp mã hóa sang hòn đảo gần đó. Chỉ mất khoảng một phút để cho những chiếc xuồng vượt qua kênh vào vị trí.
Jakob quay lại phía Tola. Chị vẫn đang ôm đứa bé. Thằng bé đã thôi khóc, hai mắt nhắm nghiền.
Tola bắt gặp cái nhìn của Jakob, không hể nao núng.
— Anh biết đấy, cha tôi đã đúng. - Chị nói với vẻ chắc chắn không ồn ào. Chị nhìn vào mấy cái thùng đóng niêm phong, rồi lại nhìn về phía hắn. - Tôi có thể nhìn thấy điều này trên khuôn mặt anh. Những gì chúng ta đã làm… chúng ta đã đi quá xa.
— Những quyết định như vậy chẳng phải của ai cả trong hai chúng ta. - Jakob trả lòi.
— Vậy thì của ai?
Jakob lắc đầu và bắt đầu quay đi. Đích thân Heinrich Himmler đã giao cho hắn mệnh lệnh. Đây không phải là nơi để chất vấn, ấy vậy mà, hắn vẫn cảm thấy người phụ nữ này chú ý tới mình.
— Lại dám coi thường Chúa và tự nhiên à. - Chị lẩm bẩm.
Một tiếng gọi giúp hắn khỏi phải trả lời.
— Xuồng đến rồi. - Người lính phụ trách bộ đàm tuyên bố, lúc quay trở lại cửa cống thoát nước.
Jakob sủa vang mấy mệnh lệnh và cho quân vào vị trí. Hấn đưa mọi người vào cuối đường hầm đổ ra bờ dốc của dòng sông Oder. Họ mất đì tấm màn tối che giấu. Mặt trời hửng sáng ở phía đông, nhưng ở đây đám mây khói đen vẫn treo lơ lửng trên mặt nước, trải dày đặc theo dòng sông đang chảy. Màn mù sương này giúp che giấu cho họ.
Nhưng được bao lâu cơ chứ?
Hỏa lực vẫn tiếp tục làn điệu sằng sặc khoái trá, tung tóe nổ như pháo hoa hân hoan phá hủy lâu đài Breslau.
Thoát khỏi thứ nước cống nhầy nhụa, Jakob kéo tụt chiếc khăn ướt che mặt và hít một hơi thật sâu. Hắn thăm dò mặt nước màu xám chì. Hai chiếc xuồng thấp hai mươi bộ chạy cắt ngang con sông, tiếng máy ì ì nghe đều đều. Trên mỗi mũi tàu, lộ trần ra dưới tấm lưới bạt màu xanh là hai khẩu súng đại liên MG - 42 đã gắn sẵn trên đó.
Nền phía sau những chiếc xuồng là khối hình hòn đảo lờ mờ. Đảo Nhà thờ không thực hẳn là hòn đảo, nó tích đủ dần phù sa trầm tích hồi thế kỷ 19 kéo dài thêm phía bờ bên kia. Một cây cầu sắt màu xanh lục bảo cũng có từ hồi thế kỷ đó nối đảo với phía bên này. Bên dưới cầu, hai chiếc xuồng gắn súng máy táp sát vào bờ đá và cặp bờ.
Ánh mắt Jakob nhìn lên tia sáng mặt trời chiếu vào hai đỉnh tháp của nhà thờ mà đã mang lại cho hòn đảo trước đây cái tên Đảo Nhà thờ. Đó là một trong sáu nhà thờ có trên đảo.
Bên tai Jakob vẫn văng vẳng lời nói của Tola Hirszfeld.

Lại dám coi thường Chúa và tự nhiên à.

Cái lạnh sớm mai xuyên thấu qua quần áo sũng nước của hắn, làm cho da thấy ngứa và lạnh. Hắn sẽ sướng biết bao khi hắn mãi xa khỏi nơi đây, có thể đóng sập lại tất cả những kỷ niệm của những ngày đã qua.
Chiếc xuống đầu tiên đã cập bờ. Tỏ ra vui để xua tan không khí nặng nề, và thậm chí còn vui sướng hơn vì được chuyển đi, hắn thúc bọn lính chất đồ lên hai chiếc xuồng.
Tola đứng tách sang bên, ôm đứa trẻ trong tay, một tên lính gác đứng bên cạnh. Mắt chị cũng phát hiện ra hai chóp nhà thờ đang hiện dần lên qua bầu trời đầy khói. Súng vẫn nổ, nghe đang đến gần hơn. Nghe thấy được cả tiếng động cơ xe tăng cài số thấp. Điểm xuyết trong các âm thanh là tiếng la hét đó đây.
Chúa trời mà chị sợ đang coi thường ở đâu?
Chắc chắn không phải ở đây.
Những chiếc xuồng đã chất đồ xong, Jakob quay sang phía Tola.
— Xuống xuồng đi.
Ý hắn là muốn tỏ ra nghiêm lệnh, nhưng có gì đấy trên nét mặt chị làm cho lời hắn nhẹ bớt đi.
Chị tuân lệnh, vẫn đang chú ý đến nhà thờ, tâm trí chị thậm chí còn xa hơn nữa hướng vào bầu trời.
Chính giây phút đó, Jakob nhìn thấy vẻ đẹp chị có thể có… cho dù chị là một Mischlinge.
Nhưng rồi mũi giày của chị bị mắc, chị lảo đảo cố giữ mình khỏi ngã, cẩn thận ôm lấy đứa bé. Mắt chị quay lại với mặt nước xám và làn sương phủ khói. Khuôn mặt đanh lại, sắt đá. Thậm chí ánh mắt như đá lửa lúc chị liếc tìm chỗ ngồi cùng đứa trẻ trong tay.
Chị ngồi xuống chiếc ghế dài bên sườn xuồng, tên lính gác bước theo từng bước.
Jakob ngồi đối diện với họ và khoác tay ra hiệu cho tên lái xuồng xuất phát.
— Ta không được đến muộn.
Hắn nhìn kỹ xuôi dòng sông. Họ đi về hướng tây, xa rời hướng đông, xa khỏi hướng mặt trời đang lên.
Hắn kiểm tra đồng hồ. Vào lúc này chắc hẳn chiếc máy bay vận tải Junker Ju 52 của Đức đang đợi chúng tại một sân bay bỏ trống cách đó mười cây số. Chiếc máy bay đã được sơn dấu thập đỏ Đức, ngụy trang như vận chuyển thuốc men, một cách bổ sung cho việc bảo đảm khỏi bị tấn công.
Hai chiếc xuồng lao đi vào dòng sông sâu, tiếng máy nổ gào lên. Người Nga không thể chặn được họ nữa. Thế là xong.
Hắn chợt chú ý đến phía kia chiếc xuồng.
Tola cúi xuống thằng bé và hôn nhẹ lên đỉnh đầu tóc mọc thưa thớt. Chị ngửng mặt lên. bắt gặp ngay cái nhìn chằm chặp của Jakob. Hắn không thấy vẻ thách thức hay căm giận nào. Chỉ thấy một quyết tâm.
Jakob biết chị sắp làm gì. - Đừng có mà…
Quá muộn.
Vươn mình dậy, Tola tựa ngửa mình qua lan can thấp của chiếc xuồng, hai chân đạp mạnh. Đứa bé được buộc bó bám vào ngực, chị bật người nhảy - ngược xuống dòng nước lạnh.
Tên lính gác, giật mình vì hành động bất ngờ ấy, vặn người và bắn bừa xuống nước.
Jakob văng mình tới bên cạnh hắn và đấm ngược cánh tay tên lính lên.
— Mày bắn thế thì chết thằng ôn con mất.
Jakob tựa vào thành xuồng và nhìn chăm chăm xuống nước. Những người khác cũng đứng cả dậy. Chiếc xuồng tròng trành. Những gì Jakob thấy trên mặt nước xám xì là bóng hình phản chiếu của hắn. Hắn ra hiệu cho tên lái xuồng đi vòng lại.
Chẳng thấy gì hết.
Hắn quan sát xem có chút bong bóng sủi tăm gì không, nhưng chiếc xuồng chở nặng đã dềnh sóng nước lên mờ mịt. Hắn đấm một quả lên thành xuồng.
Cha nào con gái nấy.
Chỉ có bọn Mischlinge mới hành động quyết liệt như thế. Hắn đã thấy kiểu đó trước đây rồi: các bà mẹ Judische bóp con mình nghẹt thở để cho chúng khỏi khổ. Hắn đã nghĩ rằng Tola còn mạnh mẽ hơn thế. Nhưng sau cùng có lẽ chị chẳng có cách lựa chọn nào khác.
Hắn cho xuồng vòng đi vòng lại rất lâu để cho chắc. Bọn lính ngó nhìn hai bên bờ sông. Chị biến mất tăm. Tiếng rít của một quả đạn pháo rú lên trên đầu làm chúng không dám nấn ná lâu hơn.
Jakob vẫy tay ra hiệu cho lũ lính ngồi lại vào chỗ. Hắn chỉ tay về phía tây, hướng chiếc máy bay đang đợi chúng. Chúng vẫn còn các thùng và tất cả tài liệu. Bố trí tình huống rồi mà, tình huống có thể bỏ qua. Đã có một đứa bé, chắc hẳn còn một đứa khác.
— Đi thôi chúng mày.
Hắn ra lệnh.
Hai chiếc xuồng lại đi, tiếng động cơ tăng lên hết công suất.
Chẳng mấy chốc, chúng biến mất tăm vào tấm màn sương đầy khói khi pháo đài Breslau bùng cháy.

Tola nghe thấy tiếng xuồng máy lịm đi xa dần.
Chị đạp vào nước, bơi đằng sau trụ cột đá của chiếc cầu thép của Nhà thờ. Một tay kẹp vào miệng đứa bé, bịt tiếng khóc, cứ mong cho nó đủ không khí để thở qua mũi. Nhưng đứa bé yếu lắm.
Chị cũng vậy.
Một viên đạn sướt qua cổ. Máu chảy dài, làm đỏ nước. Thị lực của chị yếu nhiều. Nhưng chị vẫn cố giữ cho đứa bé hở trên mặt nước. Những giây lát trước đó, lúc chị bổ nhào xuống nước, chị đã dự tính là sẽ trẫm mình cùng đứa bé. Nhưng cái lạnh làm chị tỉnh táo, cổ thì nóng như lửa, có gì đó đã xé bỏ quyết định của chị. Chị nhớ đến thứ ánh sáng lấp lánh trên tháp chuông nhà thờ. Đấy không phải tôn giáo của chị, đấy không phải di sản của chị. Nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng có ánh sáng ngoài bóng đêm đen hiện tại. Đâu đó có người không tàn sát những người anh em của mình. Đâu đó có những bà mẹ không dìm chết con đỏ của mình.
Chị đã bơi sâu vào dòng nước, để cho dòng chảy đẩy mình về hướng cây cầu. Lặn dưới nước, chị dùng hơi của mình để giữ cho đứa bé sống, bóp mũi thằng bé và thở hơi của mình qua môi nó. Mặc dù chị đã lên kế hoạch quyên sinh, nhưng một khi cuộc chiến giành giật lại sự sống đã bắt đầu, nó trở nên dữ dội hơn, như lửa cháy bỏng trong lồng ngực chị.
Thằng bé không bao giờ có tên.
Không ai có thể chết mà không mang theo một cái tên.
Chị thở hơi vào thằng bé, những hơi thỏ ngắn, thở vào hít ra, lúc chị bơi xuôi dòng, mù mịt trong nước. Chỉ có may mắn mới đưa chị nổi lên chạm vào trụ đá và cho chị một chỗ trú náu.
Nhưng giờ đây mấy cái xuồng đã bỏ đi rồi, chị không thể đợi lâu hơn được nữa.
Máu phun từ người chị ra. Chị cảm thấy là chỉ cái lạnh mới giữ chị còn sống. Nhưng cũng chính cái lạnh đó cũng đang làm nguội dần cuộc đời mong manh của thằng bé.
Chị bơi về phía bờ, đạp chân cuống cuồng, không nhịp nhàng được vì yếu và tê. Chị bị chìm xuống nước kéo theo đứa hài nhi xuống theo mình.
Không.
Chị vật lộn vươn lên, nhưng sao mà nước lại nặng hơn thế này, khó vươn lên quá. Chị hét lên quên mất là mình đang ở dưới nước, và thế là táp luôn một miệng đầy nước. Chị chìm xuống thêm một chút, và đạp một đạp cuối cùng chạm chân vào những khối đá tảng đầy bùn. Đầu chị va vào cái gì đó, thân mình văng về phía bờ.
Bờ dốc đứng.
Dùng tay và đầu gối, chị bò ra khỏi nước, cài giữ thằng bé chỗ cổ họng mình. Chị đến được bờ sông và ngã úp mặt xuống bờ sông toàn đá. Chị chẳng còn sức lực nào để cử động chân tay. Máu chị tưới ướt đẫm thằng bé con. Lấy hết sinh lực còn lại, chị tập trung vào thằng bé con.
Nó chẳng động đậy gì hết. Chẳng thấy hít thở gì hết.
Chị nhắm mắt lại và nguyện cầu khi tự nhiên thấy sa sầm vào một bóng tối vĩnh hằng.
Khóc lên đi, mày thật đáng nguyền rủa, khóc lên đi…

Cha Varick là người đầu tiên nghe thấy tiếng rên rỉ.
Cha và mấy đồ đệ của mình đang trú ẩn trong hầm rượu ngầm dưới chân nhà thờ thánh Paul và thánh Peter. Họ đã bỏ chạy tới đây khi đợt ném bom thành Breslau bắt đầu đêm qua. Họ cứ quỳ gối như thế cầu nguyện cho hòn đảo của họ được chừa ra. Nhà thờ này, được xây hồi thế kỷ 15, đã sống sót sau bao nhiêu sự kiện đổi thay của thành phố biên giới này. Họ tìm kiếm sự bảo trợ của thánh thần để lại xin một lần nữa sống sót.
Chính trong không khí mộ đạo tĩnh lặng đó mà những tiếng kêu rên yếu ớt vọng lại đến tai các thầy tu.
Cha Varick đứng dậy, rất nhọc nhằn trên đôi chân già nua của mình.
— Cha đi đâu vậy? - Franz hỏi.
— Ta nghe thấy con chiên của ta đang gọi. - Cha nói. Qua hai mươi năm rồi, cha vẫn lấy thức ăn thừa nuôi những chú mèo lạc bên sông và cả những con chó hoang thỉnh thoảng dạt đến nhà thờ ven sông này.
— Bây giờ không phải lúc đâu ạ. - Một tu sĩ khác cảnh báo, nghe giọng thấy vẻ khiếp sợ.
Cha Varick đã sống quá lâu nên không còn sợ cái chết như những người trẻ tuổi. Ông đi ngang qua hầm rượu và cúi người xuống chui vào một khúc hành lang ngắn dẫn đến cổng ra sông. Người ta hay chất than ở đoạn hành lang này và trữ than ở đó, giờ thì chỉ có những cái chai xanh nằm trong bụi và mấy khúc gỗ sồi.
Ông đi đến cửa kho than, nâng thanh gỗ chắn lên và mở chốt.
Tì vai vào đó ông đẩy cửa mở ra.
Mùi khói sặc vào mũi ông trước hết - rồi tiếng kêu rên lôi ánh mắt ông nhìn xuống.
— Trời đất ơi cái gì đây…
Một phụ nữ đã nằm gục bên bậc thang từ cửa, cạnh vách trụ nhà thờ bên kênh. Chị ta không động đậy. Ông chạy vội đến bên chị, quỳ xuống, lẩm bẩm một lời cầu nguyện mới trên môi.
Ông sờ vào cổ chị, kiểm tra xem còn dấu hiệu của sự sống hay không, nhưng chỉ thấy máu và các vết thương. Người chị sũng nước từ đầu đến chân và lạnh ngắt như đá.
Chết rồi.
Rồi lại thấy tiếng khóc… vang lên từ phía bên sườn chị.
Ông lật sang tìm thấy đứa trẻ, lấp nửa người dưới tấm thân người đàn bà, cũng đầy máu.
Mặc dầu tím tái vì lạnh và cả vì ướt, đứa trẻ vẫn còn sống Ông gỡ đứa trẻ khỏi thân hình người đàn bà. Cái tã ướt của nó tụt khỏi người vì nước ngấm đầy nặng trĩu.
Một bé trai.
Ông nhanh tay rờ khắp tấm thân bé bỏng của thằng bé và hiểu rằng máu không phải là của nó.
Mà chỉ là máu của mẹ nó.
Ông buồn bã nhìn xuống người đàn bà. Chết nhiều quá. Ông nhìn sang phía bờ kia con sông. Thành phố đang cháy, những đám khói đục ngầu cuồn cuộn xả vào bầu trời rạng đông. Tiếng súng vẫn tiếp tục. Chị ta đã bơi ngang con nước này ư? Tất cả để cứu lấy đứa con của mình ư?
— Con hãy yên nghỉ. - Ông thì thào hướng vào người đàn bà. - Con đã làm xong được việc rồi con ạ.
Cha Varick lui lại cửa hầm than. Ông lau vết máu và nước trên người thằng bé. Tóc thằng bé mềm và mỏng, nhưng trắng như tuyết. Nó chưa thể đầy một tháng tuổi được.
Được cha Varick chăm sóc, tiếng khóc của thằng bé càng khỏe hơn, mặt nó nhăn nhó cố sức, song nó vẫn còn yếu, chân tay rã rượi và lạnh ngắt.
— Cháu khóc à, cháu bé.
Trả lời giọng nói của ông, thằng bé mở đôi mắt sưng húp. Đôi mắt xanh chào Varick. Rực sáng và trong vắt. Lại nữa, phần lớn lũ trẻ sơ sinh dạo này có mắt xanh. Varick cảm thấy những đôi mắt này sẽ giữ nguyên màu xanh da trời.
Ông ôm đứa trẻ vào lòng cho nó ấm. Có chút màu gì đó lướt qua mắt ông. Cái gì vậy? Ông xoay chân thằng bé. Trên gót chân nó, ai đó đã vẽ một biểu tượng.
Không, không phải là vẽ. Ông xoa vào đó để cho chắc. Ai đấy đã xăm màu hồng.
Ông xem kỹ. Trông hình giống vết chân con quạ.
Nhưng cha Varick đã sống nhiều năm tuổi trẻ của mình ở Phần Lan. Ông nhận ra biểu tượng ấy nó thực sự là cái gì: là một trong những chữ Run của người Bắc Âu, ông cũng không rành chữ Run nào hay ý nghĩa của nó là gì. Ông già lắc đầu. Ai lại có thể làm một việc ngớ ngẩn thế cơ chứ?
Ông nheo mắt liếc nhìn người mẹ.
Không sao. Những tội lỗi của người cha đâu phải để người con gánh chịu.
Ông lau những vết máu cuối cùng trên đỉnh đầu đứa bé và cuộn nó vào tấm áo choàng ấm của mình.
— Hài nhi đáng thương ơi… thế giới này chào đón con vất vả quá.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Trật Tự Đen (A Sigma Force #3).