Chương 8: End
-
Trường An Loạn
- Hàn Hàn
- 8709 chữ
- 2020-05-09 09:43:50
Số từ: 8695
Dịch: Trần Quang Đức
Nhà xuất bản: NXB Thời đại
Nguồn: Sưu tầm
Hai năm sau
Năm ấy, không hạn hán thì lũ lụt, thiên hạ đói kém, hoàng đế chết bệnh, thái tử lên ngôi. So với vụ Hỷ Lạc lọt vào chùa trong ký ức tôi, còn thảm liệt hỗn loạn hơn nhiều. Đại nạn năm đó đã đưa Hỷ Lạc vào chùa. Đây rốt cuộc là một cô nương thế nào, tôi đã đánh mất khả năng phán đoán, cũng như trước đây đã nói, cô ấy ăn trộm thuốc giải vạn năng của Vạn Vĩnh, đối với hành động nhơ nhuốc này, tự sâu trong lòng tôi lại hết sức tán thưởng, tôi đã giả vờ có thể nhìn thấy được suy nghĩ trong đáy sâu nội tâm Hỷ Lạc. Đúng là tất cả mọi thứ đều là suy nghĩ trong lòng, không phải hành động trước mắt.
Tôi có thể nói về đại nạn của năm nay như thế này. Ở khắp Trung nguyên đã có tình trạng người ăn thịt người, thậm chí người ta đã ăn đến đầy bụng, tạo nên một vòng tuần hoàn xấu, người gầy chẳng ai ăn, chỉ chọn ăn những người có da có thịt, bản thân mình có chút thịt, không cẩn thận lại bị người khác ăn. Tôi nghĩ, tất cả mọi thứ văn minh, trật tự đều là những việc sau khi no ấm, còn một khi đã khó có thể sinh tồn thì thế giới vốn tưởng chừng tốt đẹp lại hóa ra vô nhân tính đến vậy. Tôi nghĩ, quyết định năm xưa của Hỷ Lạc là rất đúng. Bất kể những lời Vạn Vĩnh nói có thật hay không, hắn ta cũng phải ở trong thế giới của mình để nhìn những sự việc xảy ra đối với thế giới ấy. Tôi thầm cảm thấy may mắn, bởi bản thân tôi không phải là một trong số đó.
Một năm sau khi Hỷ Lạc chết, tôi mới dần dần thực sự hiểu ra rằng, người thân thiết duy nhất của tôi đã hoàn toàn biến mất.
Bất kể thế nào, đây cũng là một năm vui vẻ. Tôi học được cách đặt mình ra ngoài cuộc, lắng nghe một số câu chuyện về mình. Giang hồ vẫn không hiểu vì sao minh chủ của họ, một minh chủ những mong có thể cân bằng được các thế lực mạnh yếu khác nhau, đột nhiên lại mất tích. Đối với việc này, trước nay tôi đều không để bụng, tôi thà tin rằng tôi bỏ chạy vì những lời hù dọa của Vạn Vĩnh.
Minh chủ biến mất, dĩ nhiên là một việc đại sự, mọi người đều cho rằng minh chủ đã bị giết. Do Vạn Vĩnh cũng là người đứng trên lôi đài đến phút cuối cùng, vả lại không thuộc bất kỳ bang phái nào cho nên mọi người đều nhất trí tiến cử hắn ta. Vạn Vĩnh cũng tranh thủ được một số lợi ích từ phái triều đình cho tất cả giang hồ. Việc đầu tiên được triều đình đáp ứng là, phàm bang chủ của các đại bang phái từ trăm người trở lên có thể mang theo đao kiếm đi lại trong thành Trường An, song muốn rút kiếm ra thì phải được triều đình cho phép. Riêng việc này đã khiến các bậc đàn anh trong giang hồ vui sướng lắm rồi, đồng thời còn cấm thuộc hạ mang kiếm, bằng không làm sao có thể tỏ rõ sự tôn quý cho được. Tôi phát hiện, đầu óc của đám nhân sĩ giang hồ đều không dễ sai khiến, có thể thấy, việc tranh đấu hằng ngày hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì. Vấn đề dân sinh, thực ra do hai loại người khuấy động, một loại là những người đói không được ăn, một loại là những người ăn no rửng mỡ.
Còn cái năm này, bất kể ai, bao gồm cả Vạn Vĩnh, cũng đều hết cách, ngay những người phiêu lãng trên giang hồ cũng đói rã họng, ngựa tốt về cơ bản đều đã bị ăn sạch. Có thể nói, người tập võ có lẽ đều sở hữu những con ngựa tốt nhất, ngay đến họ cũng đã lần lượt giết ngựa để ăn, cũng khó trách được, nếu bạn không ăn ngựa của mình, không cột cho cẩn thận sẽ bị người khác bắt ăn mất.
Tôi không thể nào hồi tưởng hết được tình cảnh thê thảm lúc bấy giờ, thảm cảnh ấy khiến người ta biết rằng mọi việc trên đời này chỉ là trò chơi của loài người, mà loài người lại là trò chơi của ông trời. Suốt cả nửa năm trời không đổ mưa đã là một kỳ tích, cuối cùng đổ mưa, lại mưa cho cả nửa năm, mưa mãi không thôi.
Mọi người nói, đó là do thiên tử phạm sai lầm, ông trời mới trút cơn giận lên đầu bá tánh. Tôi thì nghĩ, triều đình chẳng lầm chẳng lỗi gì hết. Là do vấn đề của lần này đã không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào việc mở quốc khố. Lượng mưa nửa năm đến giờ vẫn chưa ngừng. Còn tôi chỉ ở trong căn nhà rách nát ở một góc phố Trường An, đối diện với đống binh khí chất đầy phòng, đợi ông lão về nói cho tôi biết một số việc. Căn phòng này rất lâu rồi không có người qua lại, đâu đâu cũng là mạng nhện. Chắc ông lão đã chết vì tuổi già.
Ra khỏi căn nhà, nghe thấy đầy đường những tiếng rên xiết, đều là những người đói, người bệnh, chốc chốc lại có thể thấy người chết. Mọi người đều cố đoán xem liệu có phải đất nước này sắp toi rồi không. Tôi nghĩ chắc không phải vậy, bởi triều đình dẫu có bại hoại đến thế nào đi nữa thì vẫn là triều đình, muốn thay đổi triều đại thì phải có người lật đổ, nhưng hiện giờ thì ai nấy đều đói đến nông nỗi này, những kẻ được ăn sung mặc sướng duy nhất chính là những kẻ trong cung.
Trường An còn như vậy, tôi nghĩ có lẽ tôi phải quay về nơi trú ngụ. Ở đó còn có người đợi tôi.
Hai năm trước, tôi và Hỷ Lạc mang không ít của cải tới ngoại ô thành Trường An. Ở sâu trong một cánh rừng có một nơi Hỷ Lạc vừa thấy đã ưng ngay, bởi ở đó bỗng nhiên có một con sông chảy ngang qua, chạy dọc bên sông là một trảng cỏ rộng lớn. Hỷ lạc nói: Muội thấy nơi này rất tuyệt.
Tôi nói: Muội phải nghĩ cho kỹ, một nơi có tuyệt hay không, không phải cứ nói được vào ban ngày là xong, hằng đêm chúng ta đều phải ngủ lại đây, cho nên muội phải chắc chắn rằng ban đêm muội có sợ hay không.
Hỷ Lạc nói: Võ công của huynh cao cường như vậy, muội sợ gì chứ?
Tôi nói: Võ công của huynh không cao cường đâu, chẳng qua thanh kiếm này bén thôi.
Hỷ Lạc nói: Sao vậy, nững lời bán tán nghe được lúc ăn cơm mà huynh vẫn để trong lòng à.
Tôi nói: Thực ra huynh luôn muốn vứt thanh kiếm này đi, nhưng lòng huynh lại không muốn vứt. Điều này thực sự rất mâu thuẫn, bởi đó đều là suy nghĩ trong lòng dù sao cứ giữ lại để chẻ củi cũng được.
Hỷ Lạc nói: Từ nhỏ muội đã ở bên huynh, song muội không hề biết huynh đang nghĩ gì.
Tôi nói: Đúng vậy, huynh cũng không biết huynh đang nghĩ gì, sư phụ nói, huynh là người họ tìm được dựa trên kinh sách nhà Phật, có rất nhiều điểm đặc biệt, bản thân huynh lại không hề cảm thấy như vậy. Huynh thấy mình là người không có tính cách rõ rệt.
Hỷ Lạc nói: Tại thời gian huynh ở trong chùa lâu quá, giờ thì huynh có thể nuôi dưỡng một số tính cách mà.
Tôi cười ha hả, nói: Trái lại, huynh cảm thấy hồi ở trong chùa huynh có tính cách rất rõ, có thể bởi mọi người khác đều không có tính cách rõ rệt. Nhưng sau khi xuống núi huynh lại phát hiện ra người trên giang hồ đều có tính cách rõ rệt. Huynh cảm thấy bản thân mình không hề có gì đặc biệt, mà càng ngày càng chẳng biết mình phải làm gì.
Hỷ Lạc nói: Người trên giang hồ mới là những người không có tính cách nhất, chẳng qua là quá ngốc nên mới khác người. Đàn ông các huynh thật phức tạp, có muội là đơn giản.
Tôi nói: Hỷ Lạc này, muội muốn làm gì?
Hỷ Lạc chỉ tay về phía bờ sông nói: Dựng một ngôi nhà ở đó.
Tôi nói: Muội chắc chắn chứ, không đợi đến đêm xem thế nào à?
Hỷ Lạc nói: Muội không muốn ở quán trọ nữa đâu, ở quán trọ đắt quá, mà lại không phải nhà của mình.
Tôi nói: Vậy huynh dựng nhé, nhưng không phải nói dựng là dựng ngay được đâu, vẫn phải ở trọ mấy bữa.
Hỷ Lạc nói: Huynh dựng đi, cứ có mục tiêu là được. Huynh trông con Lép kìa, nó cũng rất thích chỗ này đấy.
Con Lép đang chuyên tâm ăn cỏ.
Tôi nói: Thế này đi. Huynh cứ dựng cái khung đơn giản đã, muội không thích thì lại đổi kiểu, thích thì dần dần dựng lớn hơn, được không?
Hỷ Lạc nói: Được, được chứ, vậy bắt đầu luôn đi!
Tôi nói: Được, thanh kiếm này được dùng đúng chỗ rồi.
Nói đoạn, tôi nhìn cây cối xung quanh, rồi tự lẩm bẩm: Mình chặt cây nào trước nhỉ?
Hỷ Lạc nói: Cây kia kìa, kia kìa, cái cây to nhất í.
Tôi nói: Sư phụ từng bảo, cây đại thụ đều thành tinh cả rồi. Huynh thấy chặt cây này đi, đang sung mãn.
Vừa nói, tôi vừa rút kiếm nhằm thẳng vào thân cây, rồi nói "chính cây này".
Đang định chém thì cây đó liền đổ vật xuống.
Tôi và Hỷ Lạc ngây ra tại trận, con Lép khoái chí tung tăng chạy lên, gặm lá cây.
Tôi nói: Thanh kiếm này…
Hỷ Lạc nói: Giờ thì muội tin rồi, nó bén thật.
Tôi nói: Ông lão từng nói, khi huynh có sát khí thì nó rất nhạy.
Hỷ Lạc nói: Đối với cái cây mà huynh cũng tỏa ra sát khí à?
Tôi nói: Chẳng phải là muốn chém nó sao. Huynh vẫn chưa hiểu rốt cuộc sát khí là cái gì. Lần này có cơ hội đến Trường An phải hỏi ông lão xem sao, tầm này chắc ông lão đã quay về.
Hỷ Lạc nói: Huynh định đối phó với cái cây này thế nào?
Tôi nói: Đứng từ xa chặt.
Nói đoạn tôi vung kiếm, trong giây lát đất cát tung lên, phía trước mặt trở nên mù mịt.
Hỷ Lạc nói: Huynh ngắm chuẩn vào, chẳng nhìn thấy thứ gì hết.
Tôi và Hỷ Lạc lặng chờ bụi đất lắng xuống. Trong khoảng không gian mờ mờ ảo ảo, dường như tôi trông thấy có người đứng từ xa quan sát chúng tôi. Tôi nói: Ai đấy! Hỷ Lạc lập tức nép chặt vào tôi.
Dẫu bên kia không có tiếng đáp lại. Hỷ Lạc hỏi tôi: Không thấy gì à?
Tôi nói: Huynh trông thấy rồi mà. Mắt huynh không nhìn nhầm đâu. Huynh cảm giác đằng kia có một cặp mắt trừng trừng nhìn chúng ta.
Hỷ Lạc đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, liền buông tôi ra, chạy vào trong đám cát bụi.
Tôi nói: Hỷ Lạc! Nguy hiểm đấy!
Hỷ Lạc chẳng buồn quay đầu lại.
Tôi lăm lăm tay kiếm, lập tức đuổi theo.
Chợt thấy Hỷ Lạc ôm con Lép, kiểm tra khắp cơ thể nó một lượt.
Hỷ Lạc trách tôi: Huynh xưa nay không hề coi những thứ muội thích ra gì, huynh xem huynh khiến nó sợ đến mức này.
Tôi nhìn con Lép, ánh mắt nó ngây dại, nhìn về phía kiếm khí phóng ra, đứng bất động.
Tôi nói: Không sao đâu, bình tâm một lúc là ổn thôi.
Hỷ Lạc nói: Chưa chắc đâu, kiếm của huynh bén như thế. Có khi nó xoay mình một cái là đứt đôi ấy chứ.
Tôi nói: Không thể nào đâu, muội xem.
Nói đoạn tôi bước lên đạp mạnh vào con lép một phát, con Lép lập tức gào réo không thôi.
Hỷ Lạc nhảy lên đánh tôi nói: Huynh làm cái gì thế?
Tôi nói: Để chứng minh nó vẫn còn sống.
Hỷ Lạc dắt con Lép sang một bên, nói: Chẳng hiểu vì sao, huynh cầm thanh kiếm này, trong lòng muội rất không yên tâm.
Tôi nói: Đúng đấy, huynh không cầm thanh kiếm này, trong lòng cũng rất không yên tâm.
Hỷ Lạc nói: Trước đây huynh toàn dùng quyền cước thôi mà.
Tôi nói: Đúng vậy, nhưng mà, vừa lợi hại, vừa thuận tiện vẫn là tốt nhất.
Hỷ Lạc nói: Huynh đi mà nói chuyện với cánh đàn ông, muội đưa con Lép ra bờ sông, huynh từ từ mà chặt.
Ba tiếng trôi qua, tôi hiểu ra rằng, ý nghĩa cuối cùng của thanh kiếm tuyệt thế vô song này chính là dùng để chặt cây, tôi không thể tưởng tượng nổi trong một thời gian ngắn như vậy đã có thể chuẩn bị đầy đủ số gỗ dùng để dựng nhà. Hỷ Lạc đã dựa vào con Lép ngủ. Tôi bỗng dưng mong muội ấy tỉnh dậy, căn nhà cơ bản đã cất xong. Có điều, vẫn chưa thể hoàn thành, bởi còn thiếu rất nhiều dụng cụ, cần phải vào thành mua.
Tôi hỏi: Hỷ Lạc, huynh phải vào thành mua ít đồ, nhanh thôi, muội thế nào bây giờ?
Hỷ Lạc nói: Muội và con Lép ở đây chơi, muội thích ở đây, không muốn rời đi đâu cả.
Tôi nói: Vậy được rồi, muội đợi một lát nhé.
Hỷ Lạc nói: Huynh phải cẩn thận đấy, đừng có rút kiếm bừa bãi nhé.
Tôi nói: Huynh để kiếm lại đây cho muội, nếu có sói hay con gì đó tới thì muội có thể dùng để phòng thân.
Hỷ Lạc hỏi: Ở đây có sói à?
Tôi nói: Chưa chắc. Nhưng huynh mà là sói thì huynh sẽ ở đây.
Ánh mắt của Hỷ Lạc lộ rõ sự lo lắng.
Chỉ một chặng đường đi và về đơn giản, chừng hai tiếng đồng hồ, tôi đã mang về không ít đồ ăn. Năm nay được mùa, trên phố đồ ăn gì cũng có, lại rất rẻ. Khắp nơi là một bầu không khí hân hoan tươi tắn. Thế nhưng tôi nghe được một tin hãi hùng rằng: vị minh chủ võ lâm mới vừa được bầu ra đã bị hại chết. Triều đình nói, đây là việc lập đảng bất hợp pháp, phải bắt lại ngay, thế nhưng việc bắt bớ bị cản trở, bảo rằng muốn bắt minh chủ thì phải thông qua sự đồng ý của ba đại bang phái trong võ lâm, huống hồ minh chủ lại không ở Tuyết Bang vân vân, sau đó toàn bộ người trong Minh Chủ đường, dường như bao gồm cả vị minh chủ trẻ tuổi kia, trong một đêm đều bị trúng độc chết.
Tôi nghĩ, lại là vụ đầu độc trong một đêm.
Tôi đột nhiên nhớ đến lời Vạn Vĩnh nói. Nội tình thực sự rất phức tạp. Song tôi chỉ biết sau đó Vạn Vĩnh làm minh chủ, triều đình không tới bắt bớ nữa.
Minh chủ thực sự là một công việc chẳng thể vun vén mọi mặt được, chẳng qua có cái tên dễ nghe mà thôi, tôi nghĩ vậy. Tôi bất chợt cảm thấy nhẹ nhõm, liền cúi đầu ra khỏi thành, chỉ sợ những người tới xem tỉ thí hôm xưa phát hiện ra vị cựu minh chủ đang địu một túi đồ ăn không biết đi về phương nào. Tôi nghĩ, coi như tôi đã chết rồi vậy, dường như còn dễ nghe hơn việc tôi đi sống cùng với một cô nương. Mặc dù Vô Linh cũng như vậy.
Trời mùa đông rất chóng tối. Tôi hơi sốt ruột, không biết Hỷ Lạc một mình trong rừng rậm có sợ phát khiếp không. Cũng may đây không phải cánh rừng lớn lắm.
Tôi rảo bước quay lại trước bìa rừng, chợt nhận thấy mọi thứ khủng khiếp hơn mình tưởng tượng, bởi lẽ bỗng nhiên có một làn sương mỏng.
Ngay sau đó, tôi bị lạc đường.
Tôi chợt nhớ trước đây từng nghĩ không biết phải chôn Hỷ Lạc ở đâu, bỗng thấy rùng mình, vội lao như điên dại trong rừng, không hề cảm thấy có chút hơi lạnh nào cả. Tôi nghĩ, chỉ cần tìm tới dòng sông là được. Song bất luận tôi chạy thế nào, cảnh vật trước mắt tôi dường như vẫn như vậy, ngay bản thân tôi cũng thấy sợ hãi, tôi bất giác rờ xuống nơi giắt kiếm, nhưng lại sực nhớ ra tôi đã đưa thanh kiếm cho Hỷ Lạc.
Tôi chạy mỗi lúc một nhanh, đột nhiên cảm thấy có gì đó bất thường. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy bầu không khí trước mắt bỗng nhiên tách ra, đồng thời có một luồng khí màu đỏ nhạt ập xuống người. Đó là gì vậy, tôi băn khoăn chưa có lời giải đáp.
Thế nhưng trước mắt tôi có một cây đại thụ, tôi muốn xem xem luồng khí đó chạm vào cây sẽ có phản ứng thế nào. Còn chưa nhìn được rõ, cái cây đã bị chẻ làm đôi, tôi đột nhiên hiểu ra đó là do thanh kiếm của tôi. Hỷ Lạc chắc ở ngay phía trước mặt.
Tôi gào lên gọi: Hỷ Lạc! Đồng thời né người tránh kiếm.
Nhưng đã quá muộn rồi, tôi cảm thấy bản thân mình rất chậm chạp. Một thứ lạnh lẽo vừa xuyên qua người tôi, kéo theo tiếng hét thất thanh của Hỷ Lạc.
Tôi bất chợt hiểu ra, chắc tôi sắp chết ngay bây giờ.
Tôi thấy Hỷ Lạc đứng yên một chỗ, thanh kiếm rớt xuống đất. Không ngờ tôi lại phải chết thế này, tôi như thể chưa hoàn thành được công việc gì, chỉ vừa bị mọi người đùa bỡn một hồi.
Cái chết rốt cuộc là thứ gì, nó luôn tồn tại ở quanh chúng ta, gắn liền với sự sống, cả hai cùng tồn tại nhưng lại là hai trạng thái mâu thuẫn. Có điều Hỷ Lạc, muội ấy sẽ thế nào, tôi nghĩ, muội ấy chắc sẽ không thể sống tiếp được. Bởi tôi đã chết rồi. Đó là một nhẽ, thứ đến, còn vì tôi bị chính muội ấy giết chết.
Xung quanh lại yên lặng như trước. Tôi nghĩ bụng, sao tôi vẫn còn suy nghĩ miên man vậy nhỉ, quá trình chết này thật là rất dài. Trong tưởng tượng của tôi thì lẽ ra tôi đang đứng bên cạnh nhìn cơ thể mình vừa bị chia thành hai nửa mới phải.
Một lúc lâu sau, tôi vẫn chưa chết. Ngay cả Hỷ Lạc cũng đã tỉnh táo lại, lao về phía tôi òa khóc không ngừng. Tôi cử động chân tay, ôm lấy Hỷ Lạc, cảm thấy chắc đã qua thời điểm cơ thể đứt đôi, bằng không thì quá khủng khiếp. Hỷ Lạc sẽ không phải tự sát nữa. Hiện trường có lẽ sẽ rất kinh khủng, bởi một người sớm tối bên mình đột nhiên bị xẻ đôi ngay trước mặt, mỗi con mắt ở một bên đau đáu nhìn mình.
Hỷ Lạc đã không thể nói chuyện được một cách bình thường, cô kể lể ngắt quãng rằng cô đã rất sợ ở lại đây một mình thế nào, và may mà đường kiếm chẻ xuống đã chệch, bằng không muội ấy sẽ tự sát ngay lập tức, đại loại như vậy.
Trong lòng tôi thầm nói: Hỷ Lạc ơi, đường kiếm này rất chuẩn, bản thân huynh cũng không chém chuẩn như thế, có phải muội lén tập kiếm hay không? Kiếm khí nhằm đúng từ mũi chẻ xuống, nếu huynh chết, không chỉ mỗi bên một con mắt đâu, mà mỗi bên còn có một lỗ mũi, ngay cả răng cũng rất đối xứng, thực sự không hề lệch chút nào.
Vậy mà tôi không chết, có lẽ chính bởi người chém tôi là Hỷ Lạc.
Một hồi lâu, tôi hỏi Hỷ Lạc: Ở đây có sợ không? Chúng ta chuyển tới một nơi phồn hoa hơn nhé, vẫn phải tính đến ban đêm.
Hỷ Lạc nói: Không sợ đâu. Ban đêm muội có thể tưởng tượng ra lúc tươi đẹp của ban ngày. Vả lại, ban đêm muội ở cùng huynh, huynh đi đâu muội theo đấy. Nhà chỉ cất một gian, ở đâu cũng nhìn thấy nhau được.
Tôi nói: Được.
Hỷ Lạc đột nhiên run người.
Tôi nói: Muội lạnh à. Huynh mua quần áo cho muội đây này.
Chúng tôi đốt lửa trại, trải qua đêm đông giá buốt.
Tôi nghĩ, thực ra lửa trại có thể dập đi, bởi dường như ôm nhau đã rất ấm áp, nương tựa nhau đã có thể sinh tồn. Song tôi cứ luôn cảm thấy mình như đang dựa dẫm, đang đối diện với người mẹ hoặc người chị của mình. Tôi nghĩ đây là cảm giác chân thực, song như vậy là có lỗi với Hỷ Lạc.
Điều này cũng không cần thiết phải nói cho Hỷ Lạc biết. Không chia không lìa chính là cản giới cao nhất của tình cảm nam nữ. Chẳng qua nó chia làm nhiều loại, hoặc nhiều quá trình mà thôi. Đối với tôi và Hỷ Lạc, điều này đã không còn là quá trình nữa, mà là kết quả.
Ngày hôm sau.
Phong cảnh bỗng nhiên trở lại với vẻ yên bình tượi đẹp. Không thể tưởng tượng nổi ban đêm lại có nhiều bóng cây âm u múa máy hãi hùng. Cùng một sự vật, chẳng qua môi trường thời gian có chút thay đổi, mà đã khác nhau đến vậy. Song bất luận thế nào, có con mắt của tôi, có thanh kiếm của tôi, có sức mạnh của tôi, có con ngựa nhỏ như con chó hễ gió lay cỏ động là lại kêu hí không ngừng của chúng tôi, còn có căn nhà một gian vững chải nữa, ở trong thành hay ở ngoài rừng cũng đều như nhau mà thôi.
Ngày thứ bảy. Căn nhà cuối cùng cũng cất xong. Do không có kinh ngiệm dựng nhà, nên đứng từ xa nhìn lại trông nó như một cái quẩy dài, tôi nghĩ, kể cả kẻ xấu đang đêm có tới đây, đột nhiên nhìn thấy một cỗ quan tài lớn đến vậy ở nơi khỉ ho cò gáy này, chắc chắn sẽ chết khiếp. Có điều trời mưa thì làm thế nào, nước thoát theo đường nào đây?
Hỷ Lạc có ý rằng, không cần phải nghĩ ngợi nhiều đến thế, trời mưa thì xả nước từ trong ra. Chỉ cần giường khô là được.
Tôi dựng một chái nhỏ ở ngay bên cạnh thông với căn nhà để cho con Lép ở. Hỷ Lạc rất hài lòng vì việc này, cảm thấy cuối cùng thì tôi cũng coi trọng muội ấy, bởi đã coi trọng con ngựa của cô.
Hỷ Lạc nói: Mong sao trời cứ không mưa mãi.
Không ngờ, lời nói của Hỷ Lạc lại trở thành một lời nguyền. Bấy giờ thực ra đã bắt đầu một đợt đại hạn hán.
Cuộc sống của tôi và Hỷ Lạc rất yên ổn, mỗi tuần chúng tôi đều vào thành mua rất nhiều thức ăn mang về. Các món muội ấy nấu trước nay đều rất ngon, đây cũng chính là nguyên nhân vì sao tôi ở lại đó lâu. Tôi dần dần cảm thấy đây là căn nhà tốt nhất, còn ngoài kia là cuộc sống nhân gian lạnh giá băng buốt.
Hằng ngày chúng tôi đều không có việc gì làm, nên không thể không nghĩ ra đủ thứ chuyện để tiêu tốn thời gian, đây thực sự là việc làm rất thú vị. Ví dụ như cắt tỉa mớ lông dài của con Lép thành muôn hình muôn dạng, bỏ ra ba tháng để dạy con Lép làm thế nào ngậm đem về những thứ chúng tôi vứt ra, chỉ hiềm không thể đích thân thị phạm dạy con Lép vẫy đuôi. Tóm lại kiểu như cho con Lép đóng các vai khác nhau. Tôi nghĩ đối với nó, nó không hề đau khổ, còn đối với Hỷ Lạc, thì đó là niềm vui bất tận. Tôi từng đề nghị vào thành mua một con chó đem về. Hỷ Lạc kiên quyết không đồng ý, cho rằng làm như vậy là hạ thấp mức độ yêu thương đối với con Lép, làm như vậy là không có nhân nghĩa. Bởi đây là con ngựa đã cùng chúng tôi trải qua biết bao nguy khó mà không hề chùn bước. Tôi cho rằng, nó chẳng qua bị ép buộc, không có cách nào khác nên như vậy mà thôi.
Nơi bán con Lép cũng đã bị phá hủy ngay khi Thiếu Lâm bị tiêu diệt.
Ngoài ra, hằng ngày tôi và Hỷ Lạc còn chế tạo ra các loại cạm bẫy khiến kẻ địch giả tưởng đến xâm phạm phải rơi vào khốn cảnh. Tuy nhiên việc này thực sự chẳng thú vị chút nào, ít nhất đối với tôi. Bởi lẽ Hỷ Lạc luôn đưa ra ý tưởng, và tôi là người đã thực hiện, đại loại như việc đào một cái bẫy sâu quãng chiều cao của hai người cộng lại. Chuyện đó còn chưa nhằm nhò gì, tôi còn phải giả bộ rơi xuống, bởi Hỷ Lạc chưa từng thấy bộ dạng của một người rơi xuống bẫy trông thế nào. Song những điều này cũng không có gì đáng bàn, bởi hằng ngày muội ấy đều giúp tôi làm những món ăn rất ngon, xem tôi luyện kiếm và giặt giũ mọi thứ quần áo.
Cuộc sống nhàn hạ quá cũng không hay, chúng tôi bắt đầu thi cắt cỏ chất thành hai đụn, sau đó thả con Lép ra, đồng thời đánh cược xem nó sẽ ăn đụn cỏ nào.
Tôi nhận ra, dường như con người hoàn toàn không có nguyên tắc như tôi đã có một chút thay đổi. Có một lần, Hỷ Lạc bảo tôi đóng giả làm Lưu Nghĩa của phái Võ Đang, đồng thời dắt theo con Lép. Sau đó cô nàng lần lượt đóng giả thành chưởng môn các phái Thiếu Lâm, Phi Ưng, Nga My, Cái bang, bỏ ra ngàn vàng để mua con ngựa này. Hỷ Lạc diễn cảnh đối thoại giữa những người đó.
Lúc ấy tôi định nói: Họ còn lâu mới làm việc vô vị như vậy.
Song lại buộc miệng nói thành: Việc họ làm thật vô vị.
Hỷ Lạc nói: Huynh chỉ việc bán con Lép sao?
Tôi nói: Không phải.
Mặc dù trong con mắt người giang hồ, thì lúc này tôi dường như vô vị hơn nhiều.
Tôi nghĩ, cuộc đời dài rộng, tự tìm được niềm vui trong đó là được. Câu nói này dường như na ná như câu nói "cuộc đời ngắn ngủi, hành lạc kịp thời" mà rất nhiều người trong giang hồ vẫn tin theo. Có điều, đời người rốt cuộc ngắn ngủi khổ đau hay ngày rộng tháng dài, vấn đề này rất có tính triết học. Song, tôi cứ đơn giản cho rằng điều này được quyết định bởi đương sự sống được bao lâu.
Cuộc sống tiếp diễn như vậy, cho đến một hôm thì bị xáo trộn. Tôi không nhớ lúc bấy giờ chúng tôi đang làm gì, bởi việc tôi và Hỷ Lạc làm quả thực rất nhiều, có điều đột nhiên Hỷ Lạc ngất lịm, ngã lăn ra mặt đất. Lúc ấy tôi rất sốt sắng, nghĩ ra rất nhiều cách để khiến muội ấy tỉnh lại. Sau đó hỏi Hỷ Lạc: Muội làm sao vậy?
Hỷ Lạc nói: Muội không biết, đột nhiên chẳng biết gì cả.
Tôi nói: Chúng ta phải lập tức tới Thành Thọ đường, hiệu thuốc tốt nhất trong kinh thành khám bệnh mới được.
Hỷ Lạc nói: Muội không sao đâu, muội thấy chắc do ngồi sổm lâu quá thôi. Chúng ta phải tiếp tục sống thế này, cần tiết kiệm ngân lượng, không được lãng phí.
Tôi nói: Không sao đâu, huynh có thể đi kiếm tiền.
Hỷ Lạc nói: Không được. Huynh mà đi, chắc chắn sẽ bị phát hiện, rồi lại gây nên nhiều sóng gió. Giờ ta còn không biết người bên ngoài đã nói gì về huynh.
Tôi nói: Bất kể thế nào, lần sau vào thành, nhất định phải tới Thành Thọ đường.
Thời gian sau đó, Hỷ Lạc dường như luôn giả bộ rất khỏe mạnh, khi vào thành càng tỏ ra vô cùng hoạt bát nhanh nhẹn, khiến tôi sau khi rời thành mới nhớ đến việc phải đi khám bệnh. Hỷ Lạc cứ đùn đẩy nói, đã ra khỏi thành thì thôi. Tôi cố ép kéo Hỷ Lạc tới Thành Thọ đường. Ông thầy lang vừa bắt mạch liền nói: Chúc mừng hai vị! Có tin vui rồi!
Tôi và Hỷ Lạc đều không thể tin nổi.
Tôi hỏi: Có tin vui sao lại đột nhiên ngất lịm?
Thầy lang nói: Không thể nào, chắc hẳn là có bệnh khác, đến giờ vẫn chưa phát tác, chưa bắt được ra, chỉ biết là có tin vui.
Hỷ Lạc quay người lại định nói với tôi gì đó, thì lại bị ngất, ngã trên mặt đất.
Tôi ôm chặt Hỷ Lạc, nói với thầy lang: Mau, mau bắt mạch, bệnh phác tác rồi.
Thầy lang hết sức hồi hộp, bắt mạch một hồi lâu rồi nói: Dựa vào mạch tượng của cô nương này mà nói, thì là bị ngất.
Tôi nói: Nói vớ vẩn, dùng mắt nhìn cũng biết rồi.
Thầy lang nói: Song mạch tượng bình ổn, chứng tỏ khi hôn mê không có dấu hiệu liên quan đến tính mạng, có thể yên tâm.
Tôi hỏi: Vậy cô ấy ngất là tại làm sao?
Thầy lang nói: Cô nương này trước đây đã từng bị thương?
Tôi nghĩ hồi lâu rồi nói: Có một lần ngã từ trên lưng ngựa xuống, xây xát không ít chỗ.
Thầy lang nói: Có lập tức rửa sạch không?
Tôi nói: Không.
Thầy lang nói: Vậy thì khó nói rồi.
Tôi nói: Rốt cuộc là làm sao?
Thầy lang nói: Hiện tại chưa thể nói rõ được, phải xem đã.
Sự việc sau đó, tôi không muốn kể tường tận nữa, bởi kể là ắt sẽ nhớ lại. Tôi nghĩ, bệnh của Hỷ Lạc là do cú ngã từ lưng ngựa hồi trước. Tôi đã hứa khi đến thành Trường An sẽ lập tức đi khám bệnh, sau đó Hỷ Lạc không nhắc đến, vết thương cũng dần dần liền lại, nên tôi quên khuấy đi mất. Bệnh tình của Hỷ Lạc ngày một nghiêm trọng hơn, vô số thầy lang đều nói, căn bệnh này không thể chữa trị được, chỉ có thể chờ tự khỏi, nếu như có thể tự khỏi. Ở Thành Thọ đường, tôi không nhớ đã mất bao nhiêu thời gian, liên tục dùng thuốc điều trị, cho đến khi ngân lượng tiêu hết sạch, song vẫn không thấy có gì khởi sắc. Hỷ Lạc gắt gỏng đòi về căn nhà kia, tôi đành đưa muội ấy trở về. Tôi không thể nào đi tìm sư phụ, tôi nghĩ sư phụ chắc chắn có cách, hoặc có thể nói, trong giang hồ nhất định có thần y. Lúc ấy tôi thà tin rằng võ lâm không chỉ là chốn ám khí hay loạn xạ, mà còn là nơi có thần y cứu đời.
Tuy nhiên, tôi không thể bỏ một mình Hỷ Lạc ở lại nơi này, đặc biệt là về đêm. Điều này có nghĩa bất kể đi đâu, cùng lắm tôi chỉ có thể đi vào ban ngày.
Tôi không biết rốt cuộc Hỷ Lạc sẽ trở nên thế nào, cuối cùng liệu có chết không, hay sẽ chết đột ngột.
Hỷ Lạc luôn tỏ ra rằng mình còn có thể cạo lông cho con Lép, song muội ấy đã không thể xuống giường đi lại được nữa. Tôi nghĩ bụng, mọi thứ tên đời này đều phải hoàn trả, tỉ như việc lúc này đến lượt tôi nấu cơm. Tôi có thể tưởng tượng ra tôi nấu khó ăn đến mức nào, nhưng Hỷ Lạc lại ăn rất nhiều, vượt hẳn lẽ thường. Tôi nghĩ, người ốm đều rất chán ăn. Tôi hỏi Hỷ Lạc: Muội rất đói à?
Hỷ Lạc nói: Không phải đâu.
Tôi hỏi: Vậy tại sao muội ăn nhiều thế?
Hỷ Lạc nói: Muội không đói, nhưng con của huynh đói.
Tôi nói: Muội thấy, sau này huynh phải làm gì?
Hỷ Lạc nói: Huynh nói gì cứ như lời trăng trối thế. Muội nghĩ, sắp sinh em bé rồi nên cơ thể suy nhược quá thôi. Thực ra muội vẫn có thể đi lại, nhưng có nhiều việc muội đã không thể nhớ rõ nữa rồi, cái bẫy mình đào ở chỗ nào, muội sợ đi linh tinh sẽ rơi xuống, làm tổn thương tới…
Tôi nói: Thế này nhé, bây giờ huynh sẽ đưa muội tới Trường An, đầu tiên cứ ở Thành Thọ đường đã, sau đó huynh sẽ vào cung tìm, muội có nhớ sư huynh không, huynh đã từng nói với muội, sư phụ cũng từng nói đấy, huynh ấy đã là vua rồi. Trong cung có thái y, chắc chắn chữa được bệnh. Việc này không thể kéo dài nữa, chúng ta đi ngay thôi.
Hỷ Lạc không nói lời nào.
Một hồi lâu, Hỷ Lạc hỏi tôi: Huynh nói xem, đứa bé tên là gì?
Tôi nói: Huynh nghĩ nếu là gái thì vẫn gọi là Hỷ Lạc.
Hỷ Lạc nói: Làm gì có chuyện thấy tên hay cứ dùng mãi như thế, sau này thì chẳng rõ ai vào với ai, trừ phi chỉ còn lại một người. Huynh có muốn dạy dỗ con nó cái gì không?
Tôi nói: Dạy nhiều thứ lắm, ba người sống bên nhau, sau này nhà phải nới rộng ra. Muội là phiền phức nhất đấy, không được làm thêm một gian, muội xem, chỉ đành nới rộng ra thôi, nhưng huynh vẫn chưa nghĩ ra phải nới thế nào.
Hỷ Lạc nói: Muội có phiền phức đâu, muội chuyển ra ngoài ở, trong nhà vẫn chỉ có hai người.
Tôi nói: Muội chuyển ra đâu?
Hỷ Lạc hỏi: Nhà mình còn bao nhiêu bạc nhỉ?
Tôi nói: Còn nhiều.
Hỷ Lạc nói: Sau này huynh thế nào?
Tôi nói: Đợi muội khỏi rồi tính.
Hỷ Lạc nói: Muội đau bụng.
Tôi nói: Chắc không phải sắp sinh chứ?
Hỷ Lạc nói: Vẫn chưa đến lúc, huynh sốt sắng thật đấy, nếu không đẻ ra được, huynh hãy dùng kiếm, không được dùng thanh kiếm kia đâu, nhằm vào bụng muội…
Tôi nói: Muội nói gì vậy hả. Muội cứ nằm xuống đã, để huynh nghĩ cách xem.
Hỷ Lạc nói: Huynh có bao giờ có cách đâu.
Tôi nói: Cái lọ nước muội ăn trộm lần trước đâu, cái lọ ở sơn trang của Vạn Vĩnh ấy.
Hỷ Lạc nói: Muội không ăn trộm. Muội cầm cho huynh, muội sợ huynh trúng độc.
Tôi nói: Đến giờ huynh có trúng độc đâu. Muội cất ở đâu rồi?
Hỷ Lạc nói: Ở dưới gầm giường.
Tôi cúi xuống gầm giường nhìn, phát hiện ra có không ít đồ, tôi hỏi: Toàn là những thứ gì thế, chắc không phải muội lấy trộm trên phố chứ?
Hỷ Lạc nói: Muội chưa từng trộm đồ. Đó đều là những thứ muội lén mua về cho huynh mỗi khi vào thành.
Tôi nói: Là những thứ gì vậy?
Hỷ Lạc nói: Huynh không hiểu đâu, là những thứ dùng để may quần áo.
Tôi nói: Sao trước giờ huynh chưa từng phát hiện ra nhỉ?
Hỷ Lạc nói: Mắt của huynh từ trước tới giờ có để ý vào muội đâu, muội ôm hàng bao nhiêu thứ về huynh đều chẳng nhìn ra.
Tôi tìm thấy lọ nước đồn rằng có thể giải được mọi thứ độc, đoạn bảo Hỷ Lạc: Muội uống đi!
Hỷ Lạc nói: Muội không uống, muội có trúng độc đâu.
Tôi nói: Uống đi! Nghe lời nào! Nếu thứ này không có tác dụng, huynh sẽ đưa muội đi gặp thái y.
Hỷ Lạc nói: Không uống, lọ này về sau có thể đề phòng bất trắc, huynh bất cẩn nhất trần đời, nếu khi đào bẫy mà bị rắn cắn thì có thể dùng ngay. Lại có thể bán đi một nửa, nếu nhà hết bạc.
Tôi nói:Hỷ Lạc, uống đi mà!
Hỷ Lạc bấy giờ mới không nói nữa, uống vào một chút.
Tôi nói: Sau này, hằng ngày đều phải uống. Muội cảm thấy thế nào?
Hỷ Lạc nói: Muội vốn dĩ chẳng sao hết, chẳng qua yếu người, chắc tại nó khỏe quá.
Tôi nói: Ai cơ?
Hỷ Lạc nói: Huynh thật ngốc. Đợi khi muội khỏe lại, huynh vẫn chỉ có thể làm các công việc cơ bắp, như đào bẫy, nhổ cỏ, chẻ củi thôi. Nhưng mà bụng muội hơi đau.
Tôi nói: Huynh đưa muội đi tìm thái y.
Hỷ Lạc nói: Muội thấy huynh vui là muội vui, thấy huynh buồn, muội cũng sẽ buồn, nhưng muội chưa nhìn thấy huynh buồn bao giờ. Chắc huynh là người chưa bao giờ buồn. Thiếu Lâm chết hằng bao người mà huynh cũng không buồn, trong khi muội đã rất nhiều lần khóc trộm.
Tôi nói: Bởi họ là những người không liên quan đến huynh.
Hỷ Lạc nói: Muội rất buồn. Nhưng huynh chưa bao giờ buồn lại là việc hay, ít nhất là trong ký ức của muội, huynh chưa bao giờ buồn dù chỉ một lần, điều đó chứng tỏ huynh vẫn rất khác người, hì hì, huynh nói xem, nếu muội chết, huynh có buồn không?
Tôi xoa đầu Hỷ Lạc nói: Huynh đã buồn trong một thời gian rất dài rồi.
Hỷ Lạc nói: Vậy sao muội không nhìn ra nhỉ?
Tôi nói: Huynh không thể hiện ra thôi.
Hỷ Lạc nói: Huynh không thể hiện ra tí nào sao?
Tôi nói: Đúng thế. Trong những tháng ngày này, huynh rất sốt ruột.
Hỷ Lạc nói: Sốt ruột gì chứ?
Tôi nói: Không sốt ruột gì cả, huynh nói nhầm. Muội sẽ từ từ khỏe lại thôi.
Hỷ Lạc nói: Muội cũng nghĩ kỹ rồi, huynh vào cung tìm gặp sư huynh đi, nhờ huynh ấy đưa một thái y tốt tới. Huynh đi ngay bây giờ đi.
Tôi nói: Hỷ Lạc, muội không sao đấy chứ?
Hỷ Lạc nói: Muội muốn chóng khỏi bệnh.
Tôi nói: Được rồi. Huynh đi đây. Nhưng giờ đã là đêm rồi.
Hỷ Lạc nói: Không sao cả, muội không sợ gì hết.
Tôi nói: Muội đợi huynh nhé, huynh cưỡi con Lép đi, như vậy nhanh hơn, quay về cũng nhanh. Kiếm để lại đây cho muội.
Hỷ Lạc nói: Vâng. Lần này muội sẽ không chém loạn lên nữa.
Tôi nói: Huynh sẽ về ngay.
Nói đoạn, tôi liền quay người đi.
Hỷ Lạc nói: Đợi đã.
Tôi dừng lại hỏi: Sao vậy?
Hỷ Lạc nhìn tôi nói: Con Lép chân ngắn bẩm sinh, huynh cưỡi nó cẩn thận đấy!
Sau khi gật đầu đồng ý tôi liền lập tức khởi hành, cưỡi trên lưng con Lép.
Còn chưa tới Trường An, tôi đã dần dần cảm thấy có điều bất thường. Tôi cảm thấy Hỷ Lạc đang điều tôi đi chỗ khác. Tôi lập tức quay lại khu rừng, thấp thoáng nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Tôi nghĩ, chẳng lẽ Hỷ Lạc ngại sinh con trước mặt tôi?
Sau khi Hỷ Lạc chết, tôi không quay lại căn nhà đó nữa. Tôi luôn cảm giác có một tiếng nói cứ vang vọng, bảo rằng, thanh kiếm của ngươi lần đầu dính máu phụ nữ, chắc chắn còn sắc bén hơn nhiều so với lúc trước. Bấy giờ tôi muốn một đao giết chết con Lép, bởi nó là kẻ bầu bạn Hỷ Lạc yêu quý nhất, nhưng tôi nghĩ Hỷ Lạc có lẽ hy vọng nó ở lại cuộc đời này. Vả lại tôi cảm thấy, tôi mới là người bầu bạn Hỷ Lạc yêu quý nhất, muốn giết thì phải giết bản thân tôi.
Tôi trông thấy đệm lót giường đầy những máu, liền nói: Đúng là số kiếp khó tránh.
Tôi tin lời này là ý nghĩ vừa nhen nhúm trong đầu tôi.
Hỷ Lạc khiến tôi rất khó xử. Trong số những điều muội ấy tận mắt nhìn, tôi từ đầu chí cuối chưa từng vì bất cứ việc gì mà đau khổ đến mức muốn chết, giờ Hỷ Lạc để lại cho tôi một gánh nặng, khiến tôi không thể không tiếp tục sống trong cái thế giới ngu xuẩn này.
Không giống như tôi nghĩ, tôi vẫn nhớ tôi đã chôn Hỷ Lạc ở đâu. Nơi đây sẽ là chốn kinh khủng nhất trong ký ức của tôi, tôi quyết định cả đời này sẽ không quay lại nơi này nữa, quãng đời còn sống quyết không trở lại thăm nom. Bởi tôi tin rằng, Hỷ Lạc đã không còn ở đây từ lâu rồi. Chúng tôi thì sớm muộn cũng sẽ lại cùng nhau cạo lông cho con Lép. Chẳng qua tôi cần phải hoàn thành một số việc. Những việc này không phải ân oán giang hồ, mà chỉ là việc nuôi con cho lớn.
Năm ấy, tai họa dần qua đi trong mùa đông. Tôi vẫn không tới thăm sư phụ và cũng không quay trở lại chùa lần nào, bởi tôi không muốn nhắc tới Hỷ Lạc. Tôi nhìn thấy một tờ cáo thị của sư huynh, nói rằng, trẫm muốn thiên hạ hưng thịnh, nên cần thiên hạ một lòng. Bất kỳ đảng phái nào, trừ các đệ tử Thiếu Lâm chính thống từ hạng trung cấp trở lên, còn lại nhất loạt thanh trừ, tất cả bang phái xóa bỏ danh xưng, quy cả về minh chủ được bầu là Vạn Vĩnh, giang hồ liên minh, sáp nhập vào quân đội.
Tôi nghĩ, điều này có nghĩa là triều đình muốn nhân lúc những kẻ du thủ du thực ngoài kia đang đói ăn, tiêu diệt luôn một thể.
Tôi gặp Vô Linh một lần, tại Trục thành. Chúng tôi lại cùng ở một nơi và cùng muốn giết một người. Tôi hỏi: Ngưỡng vọng đại danh đã lâu, chẳng phải tiền bối đã rửa tay gác kiếm rồi sao?
Ông ta nói: Chớ hỏi nhiều.
Tôi nói: Tôi phải nuôi cả nhà, để tôi xách đầu hắn về nhé!
Vô Linh nói: Được, quả thực ta rất ngứa mắt, muốn lấy tính mạng hắn. Nếu ngươi có thể đem đổi ra tiền, vậy thì cho ngươi.
Tôi nói: Đa tạ!
Vô Linh nói: Ngươi phải để ý đến kiếm của mình, kiếm rất tốt đấy.
Tôi sờ vào người, ngỡ ngàng hỏi: Tiền bối lấy ra lúc nào vậy?
Vô Linh nói: Chớ hỏi nhiều. Giang hồ rộng lớn, ngươi chỉ là một phần nhỏ thôi.
Nói đoạn liền moi ra một tờ ngân phiếu nói: Đây là tiền mừng tuổi cho người thân bé nhỏ của ngươi. Mà mộ của phu nhân rất bẩn rồi, ngươi phải đến dọn dẹp đi. Mọi việc không thể né tránh được đâu.
Sau đó chúng tôi không còn cơ hội gặp lại.
Tôi ở trong trà lâu ở Tuyết Bang. Lưu Nghĩa tìm thấy tôi, nói: Người trong giang hồ đều biết, hắn là sư huynh của các hạ,vậy mong các hạ tới khuyên hắn một lời. Nếu không thì thế này, anh em trong các bang phái chúng tôi đã bàn bạc rồi, chỉ cần các hạ có thể nhân khi nói chuyện với hắn, liền đâm một dao cho hắn chết, chúng ta trong ngoài kết hợp, thay triều đổi đại luôn, các hạ lên làm vua, tôi vẫn làm tiểu bang chủ của tôi thôi.
Tôi nói: Tại hạ không làm vua nổi đâu. Huynh đài cũng không làm được. Tại hạ không có cách nào cả. Tại hạ tới đây để ngắm Tuyết Sơn, vừa vặn gặp huynh đài. Vừa khéo là hai người. Ha ha. Không ngờ lại là huynh.
Lưu Nghĩa nói: Làm vua, có rất nhiều của báu, rất nhiều đàn bà, các hạ muốn có gì là có thứ đó, chứ làm sao bắt các hạ phải diễn gì cho được. Chỉ có việc này thôi, chúng ta cứ từ từ bàn bạc.
Tôi nói: Không bàn gì cả.
Lưu Nghĩa nghiến răng nói: Tôi biết, phu nhân các hạ chết đã gần một năm rồi. Tôi đã ngắm cho các hạ một cô rồi, cứ yên tâm, cô này cách đây mấy bữa, hồi còn nạn đói, tôi chỉ ba cái bánh mua được, rất biết điều lại xinh đẹp, chưa bị vùi dập, các hạ xem xem, tôi dành riêng cho các hạ đấy, tôi cũng coi là tận tình tận nghĩa đúng không?
Nói đoạn một cô gái bị đẩy lên trên.
Tôi ngẩng đầu nhìn hỏi: Cô tên gì?
Cô gái chậm chạp nói: Mễ Đậu[1].
Tôi nói: Sao lại tên như vậy?
Mễ Đậu nói: Tôi không biết. Chắc là nguyện vọng của gia đình.
Tôi chậm rãi nói: Mễ Đậu. Cũng giống như Hỷ Lạc, đều là nguyện vọng.
Cô nương lại cúi đầu, chậm rãi nói: Mễ Đậu[1].
Tôi nói: Sao lại tên như vậy?
Mễ Đậu nói: Tôi không biết. Chắc là nguyện vọng của gia đình.
Tôi chậm rãi nói: Mễ Đậu. Cũng giống như Hỷ Lạc, đều là nguyện vọng.
Cô nương lại cúi đầu, chậm rãi nói: Mễ Đậu.
[1] Chỉ gạo, đỗ, đậu, ngô… (lương thực nói chung).
Lời tác giả
Đầu tiên tôi phải nói rằng, cuốn sách này thực sự không phải truyện chưởng, chỉ là một cuốn tiểu thuyết thông thường, chẳng qua thời điểm diễn ra được dấy lên khá sớm mà thôi. Nhưng quả thực tôi cũng không còn cách nào khác, bởi tôi có cảm giác người xưa động một tí là lao vào đánh nhau. Tôi không đặt câu chuyện vào thời hiện đại, có lẽ bởi tôi cảm thấy những câu chuyện không hề có thực ở thời xưa dường như viết tự do hơn, mặc dù hiện thực lịch sử rất khác so với tiểu thuyết, ví như việc từ trước đến giờ chùa Thiếu Lâm chưa từng gặp hỏa hoạn, người xưa cũng không thể tùy tiện cầm đao chạy loăng quăng trên phố, tương tự như việc bạn cầm súng chạy rông trên đường trong thời đại ngày nay, xét cả về tính chất cũng như hậu quả.
Thực ra đây là một cách nghĩ đã có từ lâu, nhưng rất khó thực hiện, bởi lẽ ai cũng đều biết rằng thảng như câu chuyện xảy ra vào thời đại ngày nay, bạn không cần phải thay đổi bản thân, ban ngày có chuyện gì xảy ra, tối đến đã có thể viết lại, nhưng sự việc thời xưa thì không hề đơn giản như thế, tôi đột nhiên hiểu rõ vì sao cần phải lánh mình để viết, tôi luôn cảm thấy mình có thể viết trong mọi lúc, song sự thật lại không phải vậy, ngay cả người rộng lượng, không đòi hỏi khắt khe như tôi cũng chẳng thể nào chịu được việc đang lần từng trang sách để tìm hiểu xem thanh kiếm này quý báu ra sao, được vua ban vào thời nào, thì đột nhiên điện thoại di động đổ chuông, bạn bè thông báo rằng lát nữa cuộc đua Công thức Một sẽ bắt đầu.
Tôi không biết liệu người sáng tác một cuốn sách tự bước vào vở kịch của mình với một vai diễn sắp sẵn và không thể thoát ra khỏi câu chuyện đó hay hơn; hay là cứ ở ngoài lạnh lùng nhìn toán người dưới ngòi bút của mình thực hiện một số việc do mình sắp đặt, rồi thi thoảng bàn luận vài câu hay hơn. Tôi nghĩ cuốn sách này ứng với câu sau, nhưng trớ trêu tôi lại dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, điều này cũng đến khổ cho tôi.
Tuy từ trước tới giờ, tôi luôn cảm thấy ngôn từ trong tiểu thuyết là quan trọng nhất, tư tưởng chỉ là thứ yếu, song thực tế ai cũng muốn tìm hiểu một số vấn đề thông qua tiểu thuyết của mình, ban đầu tôi có rất nhiều ý tưởng, nhưng cuối cùng lại phát hiện ra chẳng có ý tưởng nào được thực hiện. Sự suy ngẫm mà tiểu thuyết đem lại cho độc giả cũng giống như sự hồi tưởng mà một ca khúc mang đến cho người nghe, mỗi người đều có một cảm nhận riêng, tôi không thể nói rõ cho các bạn cách nghĩ của tôi, bởi có lúc ngay bản thân tôi cũng chẳng hề biết cách nghĩ của mình là thế nào. Kết cục luôn có thể khái quát bằng một câu, nhưng quá trình thì kể cả ngày cũng không hết.
Sau cùng tôi phát hiện ra, tiểu thuyết có thể hoàn toàn khác với những tưởng tượng ban đầu của mình, song điều này cũng chẳng sao, bất luận thế nào, tôi cũng thích một số phần, một số chương, một số đoạn hội thoại trong đó. Không cần yêu quá nhiều, chỉ cần yêu đôi chút[1], có lúc cũng đâu phải tồi. Giả như bạn yêu rất nhiều, giống như khi tôi viết cuốn Tam trùng môn vậy. Tôi muốn từng câu đều phải đặc sắc, chẳng qua là mong bạn đọc có cảm giác đó không phải là tiểu thuyết, chứ bản thân tôi thì rất mệt mỏi, những người từng yêu đều biết vậy.
[1] Tác giả dẫn hai câu trong bài thơ "Không cần yêu quá nhiều" của Lý Ngạo, văn sĩ người Đài Loan.
Tôi nghĩ câu chuyện trong cuốn sách này chưa kết thúc. Song tôi cũng không biết liệu có một ngày nào đó tôi sẽ viết tiếp hay không, bởi câu chuyện chỉ là nhìn bề ngoài như thể chưa kết thúc mà thôi. Việc có kết thúc hay không, nên nói thế nào nhỉ? Tôi muốn nói rằng, lần này tạm viết đến đây đã, điều tôi muốn biểu đạt tạm thời chỉ có vậy.
Xét từ khía cạnh bản năng, con người luôn hy vọng người khác nói rõ ràng mọi việc. Trên đời này, sự việc có phức tạp đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể nói rõ ràng. Song mấu chốt nằm ở chỗ, đã nói rõ ràng song lại không hiểu rõ ràng, nếu đã vậy thì coi như tôi chưa hề nói rõ.
Bởi cuối cùng bạn cũng phải quay trở về hiện thực, cho nên tôi đành coi đây là kết cục của Trường An loạn.
Hết