Câu 1473 - 1704: Kiều và Hoạn Thư


Số từ: 3673
Truyện Kiều
Tác giả: Nguyễn Du
Nguồn: informatik.uni-leipzig.de & ongbachau.vn
Mảng vui rượu sớm cờ trưa,

Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh.
1475. Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh,
E tình nàng mới bày tình riêng chung:
Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
Tin nhà ngày một vắng tin,
1480. Mặn tình cát lũy lạt tình tào khang.
Nghĩ ra thật cũng nên đường,
Tăm hơi ai dễ giữ giàng cho ta?
Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,
ở vào khuôn phép nói ra mối đường.
1485. E thay những dạ phi thường,
Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông!
Mà ta suốt một năm ròng,
Thế nào cũng chẳng giấu xong được nàọ
Bấy chầy chưa tỏ tiêu hao,
1490. Hoặc là trong có làm sao chăng là?
Xin chàng kíp liệu lại nhà,
Trước người đẹp ý sau ta biết tình.
Đêm ngày giữ mức giấu quanh,
Rày lần mai lữa như hình chưa thông.
1495. Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng sinh mới quyết lòng hồi trang.
Rạng ra gửi đến xuân đường,
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia.
Tiễn đưa một chén quan hà,
1500. Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan.
Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.
1505. Nàng rằng: Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
1510. Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất tình,
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi.
Lại mang những việc tày trời đến sau.
1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau!
Người lên ngựa kẻ chia bào,
1520. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
1525. Vầng trăng ai xẻ làm -dôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
1530. Con quan Lại bộ tên là Hoạn thư.
Duyên đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
1535. Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:
Ví bằng thú thật cùng ta,
1540. Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
1545. Tính rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
1550. Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
1555. Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
1560. Điều này hẳn miệng những người thị phi!
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng.
Nào ai còn dám nói năng một lời!
1565. Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Đêm ngày lòng những dặn lòng,
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên.
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
1570. Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng.
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.
Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
1575. Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình đã xưng?
Những là e ấp dùng dằng,
1580. Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi.
Có khi vui chuyện mua cười,
Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu.
Rằng: Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
1585. Khen cho những chuyện dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
Thiếp dù bụng chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!
Thấy lời thủng thỉnh như chơi,
1590. Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn.
Những là cười phấn cợt son,
Đèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai.
Thú quê thuần hức bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.
1595. Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái mấy mùa gió trăng.
Tình riêng chưa dám rỉ răng,
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
Cách năm mây bạc xa xa,
1600. Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn.
Được lời như cởi tấc son,
Vó câu chẳng ruổi nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
1605. Roi câu vừa gióng dặm trường,
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh.
Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen.
Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen,
1610. Xấu chàng mà có ai khen chi mình!
Vậy nên ngảnh mặt làm thinh,
Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày.
Lâm Tri đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
1615. Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.
Làm cho cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!
Trước cho bõ ghét những người,
1620. Sau cho để một trò cười về sau.
Phu nhân khen chước rất mầu,
Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay.
Sửa sang buồm gió lèo mây,
Khuyển ưng lại chọn một bầy côn quang.
1625. Dặn dò hết các mọi đường,
Thuận phong một lá vượt sang bến Tề.
Nàng từ chiếc bóng song the,
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
Bóng đâu đã xế ngang đầu,
1630. Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi.
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước nào lời sắt son.
Sắn bìm chút phận cỏn con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
1635. Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao!
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
Nén hương đến trước Phật đài,
1640. Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra.
Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.
1645. Thuốc mê đâu đã rưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì.
Vực ngay lên ngựa tức thì,
Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong.
Sẵn thây vô chủ bên sông,
1650. đem vào để đó lộn sòng ai hay?
Tôi đòi phách lạc hồn bay,
Pha càn bụi cỏ gốc cây ẩn mình.
Thúc ông nhà cũng gần quanh,
Chợt trông ngọn lửa thất kinh rụng rời.
1655. Tớ thầy chạy thẳng đến nơi,
Tơi bời tưới lửa tìm người lao xao.
Gió cao ngọn lửa càng cao,
Tôi đòi tìm đủ nàng nào thấy đâu!
Hớt hơ hớt hải nhìn nhau,
1660. Giếng sâu bụi rậm trước sau tìm quàng.
Chạy vào chốn cũ phòng hương,
Trong tro thấy một đống xương cháy tàn.
Tình ngay ai biết mưu gian,
Hẳn nàng thôi lại còn bàn rằng ai!
1665. Thúc ông sùi sụt ngắn dài,
Nghĩ con vắng vẻ thương người nết na.
Di hài nhặt gói về nhà,
Nào là khâm liệm nào là tang trai.
Lễ thường đã đủ một hai,
1670. Lục trình chàng cũng đến nơi bấy giờ.
Bước vào chốn cũ lầu thơ,
Tro than một đống nắng mưa bốn tường.
Sang nhà cha tới trung đường,
Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
1675. Hỡi ôi nói hết sự duyên,
Tơ tình đứt ruột lửa phiền cháy gan!
Gieo mình vật vã khóc than:
Con người thế ấy thác oan thế này.
Chắc rằng mai trúc lại vầy,
1680. Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau!
Thương càng nghĩ nghĩ càng đau,
Dễ ai lấp thảm quạt sầu cho khuây.
Gần miền nghe có một thầy,
Phi phù trí quỷ cao tay thông huyền.
1685. Trên tam đảo dưới cửu tuyền,
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
Sắm sanh lễ vật rước sang,
Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han.
Đạo nhân phục trước tĩnh đàn,
1690. Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương.
Trở về minh bạch nói tường:
Mặt nàng chẳng thấy việc nàng đã tra.
Người này nặng kiếp oan gia,
Còn nhiều nợ lắm sao đà thoát cho!
1695. Mệnh cung đang mắc nạn to,
Một năm nữa mới thăm dò được tin.
Hai bên giáp mặt chiền chiền,
Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!
Điều đâu nói lạ dường này,
1700. Sự nàng đã thế lời thầy dám tin!
Chẳng qua đồng cốt quàng xiên,
Người đâu mà lại thấy trên cõi trần?
Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân,

Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên.

-----------------------------------------
Chú thích:
Khi biết chuyện, cha mẹ Thúc Sinh nổi giận đòi trả Kiều trở về chốn cũ, nhưng khi biết Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, có tài làm thơ, bố của Thúc Sinh đã phải thốt lên:
Thương vì hạnh trọng vì tài
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba

Kiều đã ở cùng Thúc Sinh suốt 1 năm ròng và vẫn luôn khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư, họ vẫn chưa có con chung sau nhiều năm sống cùng nhau. Sau chuyến đi thăm và quay trở lại gặp Kiều, Thúc Sinh không ngờ rằng Hoạn Thư đã sai gia nhân đi tắt đường biển để bắt Thúy Kiều về tra hỏi. Thúy Kiều bị tưới thuốc mê bắt mang đi, còn mọi người trong nhà lúc đó cứ ngỡ cô bị chết cháy sau trận hỏa hoạn. Kiều trở thành thị tì nhà Hoạn Thư với cái tên là Hoa Nô. Lúc Thúc Sinh về nhà, nhìn thấy Thúy Kiều bị bắt ra chào mình, "phách lạc hồn xiêu", chàng nhận ra rằng mình mắc lừa của vợ cả. Hoạn Thư đã bắt Kiều phải hầu hạ, đánh đàn cho bữa tiệc của hai vợ chồng. Đánh đàn mà tâm trạng của Kiều đau đớn:
Bốn giây như khóc như than
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Thế rồi, do thấy Kiều khóc nhiều, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì lý do gì. Thúy Kiều viết tờ khai nói rằng vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào lầu xanh, sau đó có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng, nàng bị bắt đưa vào cửa nhà quan... rất tủi nhục, bây giờ chỉ mong được vào chùa tu cho thoát nợ trần. Đọc tờ khai xong, Hoạn Thư đồng ý cho Hoa Nô vào Quan Âm các sau vườn để chép kinh. Thực ra, Hoạn Thư đánh Kiều rất nhiều, Nguyễn Du miêu tả về "đòn ghen" của Hoạn Thư là "nhẹ như bấc, nặng như chì".
Hoạn Thư đã ứng xử theo thường tình hiện hữu của dân gian, là "chút dạ đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình!", "Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai". Hoạn Thư khéo léo phá vỡ dây tơ giữa Kiều và Thúc Sinh, làm Kiều ra đi một cách tự nguyện. Kiều trốn khỏi Quan Âm các và đã gặp Sư trưởng Giác Duyên (duyên giác ngộ?). Bà đã cho Kiều sang ở tạm nhà Bạc Bà, một Phật tử thường hay lui tới chùa. "Ai ngờ Bạc Bà cùng với Tú Bà đồng môn", Bạc Bà đã khuyên kiều lấy cháu mình là Bạc Hạnh. Qua tay Bạc Hạnh, một lần nữa Kiều lại bị bán vào lầu xanh.
1473. Mảng: Tiếng cổ có ý nói mải mê về một việc gì mà quên đi. ở đây là nghĩa này.
1474. ý nói hết mùa xuân và bắt đầu sang mùa hạ
1478. Chim én (mùa xuân) chim nhạn (mùa thu), đổi thay nhau, ý nói từ mùa nọ sang mùa kia. ở đây ý nói thời gian trôi thấm thoắt gần được một năm.
1480. Tao khang: bã rượu cám. Người vự cùng ăn bã, ăn cám với nhau, tức là - người vợ cả lấy từ lúc còn hàn vi. Vua Quang Vũ nhà Hán muốn đem người chị gái mới goá là công chúa Hồ Dương gả cho Tống Hoằng, nhưng Hoằng đã có vợ. Vua hỏi ý Hoằng, Hoằng thưa: Tao khang chi thê, bất hạ đường, nghĩa là người vợ lấy trong lúc ăn tấm, ăn cám, không thể để xuống dưới nhà, ý nói không thể khinh rẻ, phụ bạc. Vua biết ý vậy, liền thôi.
1485. Phi thường: khác với người thường, ý nói người sâu sắc, hiểm độc.
1496. Hồi trang: Về quê.
1498. Ninh gia: Về thăm nhà.
1499. Quan hà: Quan cửa ải, hà là sông. Chén quan hà: Chén rượu tiễn biệt.
1500. Xuân đình: Có thể hiểu là nơi xum họp, vui vẻ.
Cao đình: Cổ thi: Cao đình tương biệt xứ, chỗ biệt nhau ở Cao đình.
1501. Sông Tần: Sông ở đất Tần Xuyên, mạn tỉnh Cam Túc. Theo Tản Đà thì sông Tần là sông Tần Hoài, thuộc tỉnh Giang Tồ, quê Thúc Sinh (Vô Tích).
1502. Dương quan: Tên một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, mạn tây bắc Trung Quốc.
1507. Yến thắm trôn kim: Chưa thực rõ nghĩa. Đại ý câu này nói: Kiều cho rằng việc hai người lấy nhau là việc không thể dấu kín được.
1508. Bưng mắt bắt chim: Bưng mắt lại thì không thể nào bắt được chim. ý nói không thể nào che giấu nổi việc có vợ lẽ.
1509. Đèo bòng: Có nghĩa là vương vít tình duyên.
1510. Nói sòng: Tức nói thẳng, nói trắng ra, không quanh co giấu giếm.
1519. Bào: áo. Thường thường trong khi ly biệt người ta hhay nắm lấy áo nhau, tỏ tình quyến luyến. Chia bào tức là buông áo.
1520. Phong: Một loại cây ở Trung Quốc, lá chia ra nhiều cành, gần giống lá cây thầu dầu ở bên ta, đến mùa thu thì sắc lá hoá đỏ.
Quan san: Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
1521. Dặm hồng: Dặm đường đi giữa bụi hồng. Chinh là đi đường xa, an là yên ngựa. Người ta thường dùng hai chữ chinh an để chỉ việc đi đường xa.
1528. Buồng trong: Chỉ vào người vợ. Cây này đại ý nói: Bây giờ hãy nói đến người vợ Thúc sinh làm chủ gia đình ở quê nhà.
1530. Lại bộ: Bộ lại, tức là quan trọng nhất trong sáu bộ của triều đình phong kiến.
1531. Duyên Đằng: Cổ thi: Thời lai phong tống Đằng vương các (Thời vận đến, gí đưa lại gác Đằng Vương). ý nói gặp cơ hội may mắn.
1534. Ràng buộc: Có nghĩa là thắt buộc, cho người khác vào khuôn, vào phép của mình.
1535. Vườn mới thêm hoa: ý nói Thúc sinh có thêm vợ lẽ.
1538. Đen bạc: Cùng nghĩa như bạc bẽo, phụ bạc.
Trăng hoa: Do chữ hoa nguyệt mà ra, ý chỉ sự chơi bời trai gái.
1541. Nền: Nền nếp của người trên, tư thế của mình là người bề trên.
1551. Nhãn tiền: Trước mắt.
1552. Tục ngữ: Chưa thăm ván đã bán thuyền. ở đây chỉ Thúc sinh là người mới nới cũ.
1560. Thị phi: Có nghĩa là việc phải thì nói thành trái, việc trái thì nói thành phải, thêu dệt phải trái làm cho người nghe mắc lầm.
1568. Lầu hồng: Do chữ hồng lâu, nhà ở bọn quyền quý, cũng dùng để chỉ chỗ ở của hạng phụ nữ giàu sang.
1571. Tẩy trần: Rửa bụi. Tục xưa, khi có người đi xa về thì đặt tiệc "tẩy trần", ý nói rửa sạch bụi bặm trong lúc đi đường.
1578. Khảo: Tra khảo.
1580. Rút dây động rừng: Tục ngữ, ý nói rút một sợi dây làm rung chuyển đến cả một khu rừng. Câu này ý nói: Thúc sinh sợ nói lộ câu chuyện lấy Kiều ra sẽ gây nên sóng gió trong gia đình.
1583-1584: Đại ý nói ngọc hay đã, vàng hay thau đôi ta đều đã biết phân biệt rạch ròi, không thể nào lầm lẫn được.
1593. Thuần: là một thứ rau, hức là một thứ cá. Trương Hàn đời nhà Tấn, đang lúc làm quan ở xa, thấy cơn gió thu, sực nhớ đến canh rau thuần và chả cá hức ở quê nhà, bèn bỏ quan mà về. Vì thế, người ta thường dùng hai chữ thuần hức để chỉ thú vui chơi nơi quê nhà.
1594. Cổ thi: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cọng tri thu: (chỉ một lá ngô đồng rụng mà ai cũng biết là thu sang). Câu này đại ý nói: Thúc sinh ở quê nhà vừa bén mùi rau cá thì trời đã bắt đầu sang thu.
1596. Quan tái: cũng như quan ải, chỉ nơi núi non bờ cõi.
1599. Mây bạc: Do chữ bạch vân mà ra. Định Nhân Kiệt đời Đường đi làm quan xa, thường chỉ đám mây trên núi Thái Hàng mà nói: "Nhà cha mẹ ta ở đây". ở đây dùng để nói Thúc sinh có cha ở xa.
1606. Xe hương: Do chữ Hương xa, chỉ xe của phụ nữ.
Quy ninh là về hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ.
1609. Thành ngữ: Ngứa ghẻ hờn ghen ý nói hai điều khó chịu nhất.
1614. Hải đạo: Đường biển.
1621. Mầu: Mầu nhiệm: Mẹ Hoạn thư khen cái mưu ấy rất điệu rất hay.
1623. Buồm: Lá buồm. Lèo: dây treo buồm.
1624. Khuyển: chó, Ưng: chim cắt, hai loài vật dùng để đi săn. ở đây dùng để đặt tên cho bọn tôi tớ trung thành của họ Hoạn.
Côn quang: Cũng như côn đồ, dùng để chỉ bọn vô lại.
1626. Thuận phong: Thuận gió. Một lá: Một lá buồm, Kiều lúc ấy đang ở Lâm Tri, Lâm Tri nguyên là kinh đô nước Tề xưa, nên gọi là bến Tề.
1630. ấm lạnh: Do chữ Ôn sảnh (Đông ôn hạ sảnh), ngọt bùi do chữ cam chỉ, ý nói làm con phải quạt nồng ấm lạnh và phụng dưỡng những thức ngon lành cho cha mẹ.
1632. Lời non nước: Lời chỉ non thề biển. Lời sắt son: Lời trung thành vững chắc như sắt như son.
1633. Sắn bìm: Do chữ cát đằng mà ra. Xem chú thích 902.
1636. Cung Quảng: Cung Quảng hàn trong mặt trăng, ả Hằng tức ả Hằng Nga trong cung. Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, trộm thuốc trường sinh của chồng rồi chạy lên ở một mình trên cung trăng; Câu này đại ý nói: Thôi thì liều sống một mình như Hằng Nga trong cung Quảng Hàn vậy.
1638. Ba sao: Do chữ Kinh Thi: Tam tinh tại thiên (ba sao ở trời). ở đây tác giả chỉ mượn câu ấy để nói đêm đó ngoài song gió thổi, giữa trời có trăng có sao v.v...
1642. Khốc quỷ kinh thần: Quỷ thần khóc, thần phải sợ, ý nói rất ghê sợ.
1667. Di hài: Hài cốt sót lại.
1668. Khâm liệm: Lễ mặc quần áo mới và bọc vải lụa cho người chết trước khi bỏ vào áo quan. Tang trai: Lễ đưa ma và làm chay.
1670. Lục trình: Đi đường bộ.
1673. Trung đường: Nhà chính giữa.
1674. Linh sàng: Giường thờ.
Bài vị: Mảnh gỗ viết tên người chết để thờ.
1680. Vĩnh quyết: Cũng như vĩnh biệt, từ biệt hẳn, không bao giờ gặp nhau nữa.
1684. Phi phù trí quỷ: đốt bùa mà gọi được quỷ đến.
Thông huyền: Thông cảm được với cõi huyền bí, tức cõi quỷ thần.
1685. Tam đảo: Ba đảo tiên: Bồng lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Người ta thường dùng để chỉ cõi thiêng liêng hoặc cõi tiên.
Cửu tuyền: Chín suối, tức là âm phủ.
1689. Đạo nhân: cũng như đạo sĩ, chỉ ông thấy pháp.
Tĩnh đàn: Đàn thờ thần thánh của bọn thầy pháp.
1690. Xuất thần: Linh hồn thầy pháp thoát ra ngoài thể xác để đi vào cõi thần linh.
1695. Mệnh cung: Cung là bản mệnh, một trong 12 cung của số Tử vi. Sách số có câu: Cung mệnh mà có sao Bột chiếu vào thì người ấy mắc nạn. Câu này đại ý nói: Xem số Thuý Kiều thì đang mắc nạn to.
1697. Chiền chiền: Tiếng cổ, có nghĩa là rành rành, hoặc liền liền.
1701. Đồng cốt: Ông đồng, bà cốt, những người làm nghề câu đồng, câu bóng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Truyện Kiều.